Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Laura Parker | Nguồn: National Geographic
Biên dịch: Bích | Hiệu đính:  Ninh
23/09/2018
Toàn bộ ảnh trong bài do nhiếp ảnh gia Lekima Hùng thực hiện cho album "Hãy cứu biển - SOS - Save our Seas."

Thử tưởng tượng rằng nhựa được phát minh từ thời mà dân Pilgrims dong buồm đi từ Plymouth, nước Anh đến Bắc Mỹ. Tưởng tượng rằng con tàu Mayflower1 của họ chất đầy những chai nhựa đựng nước và món ăn vặt gói trong túi nilon. Nếu đúng thế thì giờ đây, bốn thế kỷ sau, rác nhựa từ con tàu này vẫn còn tồn tại đâu đó quanh đây.

Nếu những người Pilgrims cũng giống nhiều người trong chúng ta ngày nay, cứ thế quẳng đi những chai nhựa rỗng và giấy gói, thì những con sóng và ánh nắng của biển Đại Tây Dương đã bào mòn chúng thành những mảnh nhỏ. Và tới tận ngày hôm nay, những mảnh nhỏ đấy có lẽ vẫn đang trôi nổi trên đại dương, tích tụ thêm những chất độc hại vốn sẵn có trong chúng, rồi chờ để chui vào bụng một con cá hay con hàu xấu số nào đó, và cuối cùng, vào bụng của một ai đó trong chính chúng ta.

Chúng ta nên cảm ơn những người Pilgrims vì họ đã không dùng nhựa — tôi chợt nghĩ khi đang đi trên chuyến tàu đến Plymouth dọc theo bờ biển miền Nam nước Anh. Lúc đó, tôi đang trên đường đến gặp một người sẽ giúp tôi hiểu được mớ hỗn độn mà loài người đã tạo ra với nhựa, nhất là nhựa trôi nổi trên đại dương.

“Đặc khu rác” ở vịnh Vân Phong, Nha Trang.

Vì cho tới tận cuối thế kỷ 19 nhựa mới được sáng chế, và đến tận những năm 1950 ngành sản xuất nhựa mới thực sự phát triển, nhờ thế mà chúng ta “chỉ có” xấp xỉ 9.2 tỷ tấn nhựa cần được giải quyết. Trong số đó, 6.9 tỉ tấn nhựa đã trở thành rác thải. Và trong số rác thải này, có tới tận 6.3 tỉ tấn nhựa không được phân loại tái chế — một con số mà ngay cả bản thân những nhà khoa học thu thập dữ liệu này vào năm 2017 cũng phải sững sờ.

Không ai biết có bao nhiêu rác thải nhựa không được tái chế đã trôi dạt ra đại dương — bồn chứa cuối cùng của Trái Đất. Năm 2015, giáo sư Jenna Jambeck thuộc trường kỹ thuật của Đại Học Georgia đã gây được sự chú ý khi cô ước tính sơ sơ rằng, chỉ riêng từ những vùng ven biển đã có khoảng 5.3 triệu đến 14 triệu tấn nhựa thải ra đại dương mỗi năm. Theo Jambeck và các đồng nghiệp, phần lớn lượng rác nhựa này không phải là từ tàu thuyền, mà là rác đổ bừa bãi trên đất liền và xuống sông ở khu vực Châu Á. Từ đó, chúng bị thổi bay hoặc trôi ra biển. Jambeck nói, hãy thử tưởng tượng cứ mỗi bước chân dọc bờ biển trên toàn thế giới lại có năm túi nilon chứa đầy rác nhựa, đó là lượng rác thải tương đương với con số mà cô dự đoán: 8.8 triệu tấn rác mà đại dương phải hứng chịu hằng năm. Chúng ta vẫn chưa rõ sẽ cần bao nhiêu thời gian để nhựa thực sự phân hủy thành những phân tử cấu thành. Những con số dự đoán rơi vào khoảng từ 450 năm cho tới không bao giờ.

Biển rác ở Tuy Phong, Bình Định.

Trong khi đó, ước tính mỗi năm rác nhựa ngoài đại dương sẽ giết chết hàng triệu sinh vật biển. Được biết có khoảng 700 loài đang bị ảnh hưởng bởi nhựa, trong đó có nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng. Có những ảnh hưởng nhìn thấy được, như động vật bị bóp nghẹt trong những tấm lưới đánh cá vứt đi hoặc những vòng nhựa trong [thường dùng để giữ 6 lon nước]. Và có lẽ còn nhiều sinh vật khác bị ảnh hưởng mà ta không nhìn thấy được. Sinh vật biển thuộc đủ loại kích cỡ, từ những con động vật phù du cho đến cá voi, đều ăn phải hạt vi nhựa (microplastics), những mẩu nhựa có đường kính nhỏ hơn 5mm. Những hạt vi nhựa ấy ngập đến tận mắt cá chân khi tôi đi dọc một bãi biển trên Đảo Lớn của quần đảo Hawaii — một bãi biển đáng ra phải hết sức hoang sơ và trong lành, bởi thậm chí còn không có một con đường tử tế nào dẫn đến nơi này. Những mẩu nhựa vụn vỡ dưới chân tôi như bỏng gạo vậy. Sau đó, tôi mới hiểu được tại sao có người lại coi rác nhựa đại dương là một thảm họa đang ập tới, một thảm họa cần được quan tâm không kém vấn đề biến đổi khí hậu. Tháng Mười hai năm ngoái, tại một cuộc gặp mặt thượng đỉnh toàn cầu tại Nairobi (Kenya), chủ tịch chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc đã nhắc đến một “đại dương Armageddon” (tạm dịch: Kịch bản tận thế).2

Chúng ta vẫn chưa rõ sẽ cần bao nhiêu thời gian để nhựa thực sự phân hủy thành những phân tử cấu thành. Những con số dự đoán rơi vào khoảng từ 450 năm cho tới không bao giờ.

Nhưng có một điểm khác biệt quan trọng giữa nạn rác nhựa và vấn đề biến đổi khí hậu: Không có ai phủ nhận nạn rác nhựa đại dương, it nhất là cho tới bây giờ. Để tạo được sự thay đổi, chúng ta không cần phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống năng lượng trên Trái Đất.

“Không phải là chúng ta không biết cách giải quyết vấn đề này,” Ted Siegler cho biết. Ông là một nhà kinh tế tài nguyên đến từ Vermont, người đã dành hơn 25 năm làm việc với những quốc gia đang phát triển về vấn đề rác thải. “Chúng ta biết cách nhặt rác. Ai cũng có thể làm được điều đó. Chúng ta biết bỏ rác vào đúng chỗ. Chúng ta biết cách tái chế rác.” Vấn đề nằm ở việc xây dựng được các hệ thống và tổ chức cần thiết, và Siegler nói tốt nhất là chúng ta làm được điều đó trước khi đại dương vĩnh viễn biến thành một nồi lẩu đầy nhựa — một điều hoàn toàn có thể xảy ra trong vài thế kỷ tới.

Xã không thùng rác Bình Châu, Quảng Ngãi.

Trong tiết trời ảm đạm của mùa thu ở Plymouth, Richard Thompson khoác chiếc áo mưa màu vàng đứng đợi bên ngoài Trạm tàu thủy Coxside của Đại học Plymouth tại rìa cảng. Thompson là một người đàn ông rắn rỏi ở tuổi 54, với mái đầu hói lác đác vài sợi bạc. Lần đầu tiên ông tham gia một buổi dọn dẹp bãi biển trên Đảo Man là vào năm 1993, khi ấy ông từng nghĩ con đường nghề nghiệp của mình sẽ là một nhà sinh thái biển bình thường — đề tài nghiên cứu sinh tiến sỹ của ông là về con sao sao và vi tảo mọc trên đá ven biển. Trong khi những tình nguyện viên khác tập trung dọn những chai, túi và lưới nhựa thì Thompson lại chú ý đến những thứ nhỏ hơn mà không ai để mắt tới: những mảnh vụn nhỏ xíu nằm ở dưới chân, dọc theo vết sóng để lại trên bờ cát sau khi triều rút. Lúc đầu ông cũng không chắc liệu đó có phải là nhựa không. Ông phải hỏi mấy nhà hóa học pháp y để kiếm chứng.

Bấy giờ vẫn đang tồn tại một ẩn khúc chưa được giải quyết trong giới học thuật: Các nhà khoa học đang băn khoăn không hiểu tại sao rác nhựa trên biển lại không nhiều như họ dự đoán. Sản xuất nhựa đã bùng nổ trên toàn thế giới, từ con số 2.3 triệu tấn vào năm 1950 tăng lên 162 triệu tấn vào năm 1993 và 448 triệu tấn năm 2015. Thế nhưng lượng nhựa trôi nổi trên biển và trôi dạt vào bờ, mặc dù đã ở mức báo động, dường như không tăng với tốc độ tương đương. “Điều này đặt ra một câu hỏi: Thế số nhựa đó đi đâu?” Thompson kể lại. “Chúng ta không thể tính toán được mức độ gây hại cho môi trường của rác thải nhựa đang nếu không biết chúng đang ở đâu.”

Những năm sau lần đầu tiên dọn dẹp bãi biển, Thompson đi tìm những manh mối đầu tiên để trả lời câu hỏi này. Lượng nhựa bị mất tích đã tan rã thành những mảnh vụn nhỏ xíu mà chúng ta khó có thể nhìn ra. Trong một nghiên cứu năm 2004, Thompson đã đưa ra một thuật ngữ dành cho chúng: vi nhựa. Ông cũng đã dự đoán chính xác rằng loại rác nhựa này có “khả năng tích tụ ở một quy mô lớn” trong lòng biển cả.

Rác theo sóng lên bờ – Thanh Hóa

Khi chúng tôi gặp nhau tại Plymouth vào mùa thu năm ngoái, Thompson và hai sinh viên của ông vừa hoàn thành một nghiên cứu, trong đó chỉ ra rằng không chỉ sóng và ánh nắng mặt trời làm nhựa vỡ thành vụn. Trong những thử nghiệm tại phòng nghiên cứu, họ đã quan sát những con giáp xác thuộc loài Orchestia gammarellus — một loài động vật trông giống tôm và sống nhiều ở vùng biển ven Châu Âu — ăn ngấu nghiến những mảnh túi nilon. Họ cũng tính toán được rằng chúng có thể nghiền một túi nilon thành 1.75 triệu mảnh vi nhựa cực nhỏ. Nhóm nghiên cứu của Thompson nhận thấy những sinh vật nhỏ bé này nhai nhựa đặc biệt nhanh khi bên ngoài miếng nhựa có phủ một màng vi sinh vật, vốn là thức ăn thường ngày của chúng. Nhai xong, chúng sẽ nhổ ra hoặc thải những vụn nhựa này ra ngoài theo đường tiêu hóa.

Vi nhựa được tìm thấy ở khắp mọi nơi, từ những trầm tích dưới đáy biển sâu nhất cho đến những tảng băng trôi trên Bắc Băng Dương. Theo một ước tính, khi những tảng băng này tan chảy trong thập kỷ tới, chúng sẽ thả hàng nghìn tỉ mảnh nhựa vào nước biển. Ở một số bãi biển tại Đảo Lớn của Hawaii, có tới 15% lượng “cát” thực ra là hạt vi nhựa. Vùng biển mà tôi đã kể ở trên là Kamilo Point Beach, nơi hứng nhựa từ dòng hải lưu Bắc Thái Bình Dương, dòng chảy mang nhiều rác nhất trong năm dòng hải lưu xoáy. Những dòng hải lưu này mang rác thải đi quanh những vùng trũng của đại dượng và tập trung lại thành những bãi khổng lồ. Bãi biển ở Kamilo Point chất đầy những giỏ giặt đồ, chai nhựa, thùng chứa với nhãn mác bằng tiếng Trung, Nhật, Hàn, Anh và thỉnh thoảng là cả tiếng Nga. Trên một đảo san hô không có người ở Nam Thái Bình Dương có tên Henderson, những nhà nghiên cứu đã tìm thấy một lượng nhựa đáng kinh ngạc trôi dạt từ Nam Mỹ, New Zealand, Nga, thậm chí là từ xứ xở xa xôi như Scotland.

Thompson và tôi bàn về vấn đề này khi đang đi trên con tàu Dolphin, dập dềnh trên vịnh Sound ngoài vùng biển Plymouth. Thompson thả một tấm lưới mắt nhỏ gọi là manta trawl, loại thường được dùng cho việc nghiên cứu những sinh vật phù du. Lúc đó, chúng tôi đang ở gần nơi mà chỉ vài năm trước, những nhà nghiên cứu khác đã giao cho Thompson 504 sinh vật thuộc 10 loài khác nhau mà họ bắt được. Khi tiến hành giải phẫu chúng, ông rất ngạc nhiên khi tìm thấy vi nhựa trong ruột của hơn một phần ba số cá. Phát hiện này đã xuất hiện trên khắp các mặt báo toàn cầu.

Chúng ta biết cách nhặt rác. Ai cũng có thể làm được điều đó. Chúng ta biết bỏ rác vào đúng chỗ. Chúng ta biết cách tái chế rác. Vấn đề nằm ở việc xây dựng được các hệ thống và tổ chức cần thiết, và tốt nhất là chúng ta làm được điều đó trước khi đại dương vĩnh viễn biến thành một nồi lẩu đầy nhựa.

Sau khi đã lướt trên mặt nước được một lúc, Thompson cuộn lại tấm lưới. Có một ít vụn nhựa màu sắc ở đáy lưới. Bản thân Thompson không lo lắng về nhựa siêu vi trong món cá chiên cùng khoai tây của mình, vì thực tế chưa có nhiều bằng chứng cho thấy nhựa có thể đi từ ruột cá vào phần thịt cá mà chúng ta ăn. Ông lo nhiều hơn về những thứ mà không ai nhìn thấy được — những chất hóa học được dùng trong sản xuất nhựa để tạo ra những đặc tính mong muốn như tính dẻo, và vi nhựa rất có thể sẽ tan rã thành những hạt nhựa nano nhỏ hơn nữa. Những hạt nhựa nano đó có thể len lỏi vào mô của thịt cá và cơ thể người.

“Chúng ta biết rằng nồng độ của một số chất hóa học được dùng trong quá trình sản xuất là rất cao,” Thompson nói. “Nhưng khi nhựa vỡ thành những mảnh nhỏ vừa mồm một con cá thì chúng ta không biết rõ lượng chất phụ gia còn lại là bao nhiêu.”

“Chưa có ai tìm được những hạt nhựa nano trong môi trường vì chúng quá nhỏ và không có một thiết bị phân tích nào có thể phát hiện được. Người ta tin rằng chúng tồn tại. Và những hạt nhựa nano này có khả năng len lỏi vào các mô, điều này rất có thể sẽ làm thay đổi mọi thứ.”

Thompson thận trọng không chạy trước khoa học trong vấn đề này. Ông không phải là một người thích gây hoang mang dư luận, nhưng ông quả quyết rằng rác thải nhựa trong đại dương không chỉ là một vấn đề mỹ quan. “Tôi không nghĩ là chúng ta nên chờ đến lúc có thể khẳng định được liệu ăn cá có nguy hiểm hay không,” ông nói. “Chúng ta đã có đủ cơ sở để có thể hành động từ ngay bây giờ.”

“Đế chế rác thải” Phú Quốc

Vì sao mọi việc lại đến nông nỗi này? Từ khi nào mặt tối của thứ thần kỳ như nhựa lần đầu lộ mặt? Câu hỏi này có thể được đặt ra với nhiều những kỳ quan khác của thế giới công nghệ. Nhựa đã giúp cho giúp quân Đồng minh chiến thắng trong Thế Chiến thứ II nhờ những chiếc dù bằng nylon hay thiết bị máy bay siêu nhẹ. Kể từ lúc đó, nhựa đã thay đổi cuộc sống của chúng ta, phần lớn là theo chiều hướng tốt lên, một điều mà ít có phát minh nào làm được. Chúng giúp cho du hành vũ trụ trở nên dễ dàng hơn và thay đổi hoàn toàn cả ngành y dược. Nhựa giúp giảm trọng lượng của xe hơi và máy bay chở khách, nhờ đó tiết kiệm được năng lượng và hạn chế ô nhiễm môi trường. Dưới dạng những túi bóng mỏng dính và siêu nhẹ, chúng giúp giữ cho thực phẩm tươi lâu hơn. Nhựa cứu nhiều mạng sống mỗi ngày khi chúng là túi khí, lồng nuôi trẻ em sinh non, mũ bảo hiểm, hay đơn giản là những chai nhựa dùng một lần mang nước sạch đến cho người nghèo.

Một trong những ứng dụng đầu tiên của nhựa chính là để bảo vệ thiên nhiên hoang dã. Cho đến tận giữa thế kỉ 18, phím đàn piano, bóng bi-a, lược và các thể loại trang sức mĩ kí đều được làm từ một loại nguyên liệu hiếm, đó là ngà voi. Khi loài voi đang ở vào tình trạng báo động, ngà voi trở nên đắt và khan hiếm đến nỗi một công ty sản xuất bi-a ở New York đã treo giải thưởng trị giá 10000 USD cho ai có thể nghĩ ra một giải pháp thay thế.

Nhựa cứu nhiều mạng sống mỗi ngày khi chúng là túi khí, lồng nuôi trẻ em sinh non, mũ bảo hiểm, hay đơn giản là những chai nhựa dùng một lần mang nước sạch đến cho người nghèo.

Theo lời kể của Susan Freinkel trong cuốn sách mang tên “Nhựa: Câu chuyện tình độc hại,” một nhà sáng chế nghiệp dư tên John Wesley Hyatt đã chấp nhận thử thách này. Nguyên liệu mới của ông có tên celluloid, được làm từ cellulose, một loại polymer có trong mọi loài thực vật. Công ty Hyatt hãnh diện quảng cáo rằng nguyên liệu này có thể loại bỏ tình trạng “càn quét Trái đất” để lấy đi những thứ đang dần trở nên khan hiếm. Ngoài việc cứu mạng cho một vài con voi, celluloid còn biến bi-a từ một thú tiêu khiển chỉ dành cho giới quý tộc trở thành một trò chơi trong quán bar cho những người dân lao động bình thường.

Một bãi rác ở Thanh Hóa với rất nhiều dây rợ, bao bì, đồ chơi… làm từ nhựa.

Đấy chỉ là một ví dụ nhỏ về cuộc cách mạng to lớn và sâu rộng mà nhựa mang lại — một kỷ nguyên dồi dào nguyên liệu. Cuộc cách mạng đó đã tăng tốc trong những năm đầu thế kỉ 20, khi nhựa bắt đầu được chế biến từ thứ nguyên liệu đã mang đến nguồn năng lượng giá rẻ và dồi dào cho chúng ta: dầu mỏ. Những công ty khai thác dầu vẫn thường thải ra một số loại khí như ethylene từ ống khói các nhà máy lọc dầu của họ. Các nhà hóa học đã tìm ra cách sử dụng những loại khí này như những “viên gạch” monomer để tạo ra nhiều loại polymer mới, ví dụ như polyethylene terephthalate hay còn gọi là PET,3 để thay cho các loại polymer có sẵn trong thiên nhiên. Phát hiện này đã mở ra rất nhiều triển vọng. Cái gì cũng có thể được làm từ nhựa, vì nhựa rất rẻ.

Nhựa rẻ đến nỗi chúng ta bắt đầu tạo ra những món đồ dùng xong vứt luôn. Vào năm 1955, tạp chí Life đã ăn mừng sự giải phóng cho những bà nội trợ Mỹ khỏi công việc nhà tẻ nhạt và cực nhọc. Dưới tiêu đề “Throwaway Living” (tạm dịch: Phong cách sống Dùng xong Bỏ) là bức ảnh một gia đình quẳng đi nào là đĩa, cốc và dao thìa dĩa. Bài báo nói rằng cần tới 40 giờ để dọn rửa những món đồ này, “nhưng giờ đây không bà nội trợ nào phải lo lắng về điều này nữa.” Từ khi nào nhựa để lộ ra mặt tối của chúng? Có thể nói rằng, thời khắc đó bắt đầu ngay khi những món đồ bị vứt đi trong bức hình đó rơi xuống đất.

Sáu thập kỷ sau đó, khoảng 40% trong số hơn 448 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm là đồ chỉ dùng một lần, phần lớn trong số đó được sử dụng để đóng gói và sẽ bị vứt đi chỉ vài phút sau khi mua về. Ngành sản xuất nhựa tăng trưởng với tốc độ kinh hoàng. Số lượng nhựa được sản xuất trong vòng 15 năm trở lại đây đã chiếm nửa tổng số nhựa từng được sản xuất từ trước đến giờ. Năm ngoái, Coca-Cola — có thể nói là nhà sản xuất chai nhựa lớn nhất trên thế giới — đã lần đầu thừa nhận số lượng mà họ sản xuất: 128 tỉ chai nhựa mỗi năm. Nestlé, PepsiCo, và những công ty khác cũng tuôn ra một số lượng chai nhựa khổng lồ.

Hàng trăm tỉ chai nhựa mỗi năm trôi về đâu?

Sự tăng trưởng của ngành sản xuất đồ nhựa đã vượt quá xa tầm kiểm soát của ngành xử lý rác thải. Đó chính là lý do mà biển trở thành nơi gánh chịu tất cả. Jambeck nói rằng: “Chúng ta đã phá hỏng hệ thống, và điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Kiểu tăng trưởng như thế có thể phá hủy bất cứ hệ thống nào không có sự chuẩn bị trước.” Năm 2013, một nhóm các nhà khoa học công bố một bản đánh giá về cách sống “dùng xong bỏ.” Trên tạp chí Nature, họ đã khẳng định rằng nhựa dùng một lần cần được xếp vào loại vật liệu nguy hiểm chứ không phải là người bạn của các bà nội trợ.

Trong những năm gần đây, sản xuất nhựa gia tăng chủ yếu là do việc sử dụng bao bì nhựa dùng một lần ngày càng tăng tại các nền kinh tế đang phát triển của châu Á. Ở các nước này, hệ thống thu gom rác thải còn chưa phát triển hoặc thậm chí là không tồn tại. Trong năm 2010, theo ước tính của Jambeck, một nửa chất thải nhựa không được xử lý đúng cách trên thế giới đến từ năm nước châu Á: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam, và Sri Lanka.

“Giả dụ như ta có thể tái chế 100% nhựa ở khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu, con số này vẫn không là gì so với lượng nhựa thải ra biển mỗi năm,” Ramani Narayan, một giáo sư ngành kỹ thuật hóa học tại Đại học Michigan, đồng thời cũng làm việc ở cả quê nhà Ấn Độ của mình cho biết. “Nếu bạn muốn tạo ra sự thay đổi, bạn phải đến những đất nước này và giải quyết vấn đề xử lý rác thải ở đó.”

Túi nilon mắc lại tại rừng vẹt Thanh Hóa

Sông Pasig từng một thời tráng lệ chảy qua nội thành Manila, thủ đô của Philippines, trước khi đổ ra vịnh Manila nguyên sơ. Dòng sông này từng là một tuyến đường thủy quý giá và là niềm tự hào của người dân thành phố Manila. Giờ đây, Pasig nằm trong danh sách mười con sông thải nhiều rác nhựa ra đại dương nhất. Mỗi năm có đến 72000 tấn nhựa đổ ra biển, chủ yếu vào đợt gió mùa. Năm 1990, sông Pasig đã bị coi là là chết về mặt sinh học.

Ủy ban Phục hồi Sông Pasig thành lập năm 1999 đang nỗ lực làm sạch dòng sông, và nỗ lực này đã cho thấy một vài dấu hiệu thành công. Jose Antonio Goitia, giám đốc điều hành Ủy ban, cho biết ông rất lạc quan về khả năng phục hồi của sông Pasig trong tương lai, Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng không dễ gì đạt được điều đó. “Điều tốt nhất nên làm bây giờ là cấm túi nilon,” ông nói.

Một nửa chất thải nhựa không được xử lý đúng cách trên thế giới đến từ năm nước châu Á: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam, và Sri Lanka.

Nhiều thử thách vẫn hiển hiện mỗi ngày. Một số nhánh trong 51 chi lưu dồn về Pasig ngập trong rác nhựa đổ xuống từ các khu dân cư tạm bợ mọc lên bên bờ sông. Trên một nhánh sông gần khu người Tàu, nơi có những ngôi nhà xập xệ chen chúc giữa những tòa nhà hiện đại, rác thải nhựa tắc ứ trên lòng sông nhiều đến mức bạn có thể bước trên đống nhựa để đi qua sông mà không cần đến cầu. Những bãi biển trong vịnh Manila từng một thời là nơi nghỉ dưỡng của 13 triệu dân ở Manila, giờ rải đầy rác thải, phần lớn là nhựa. Mùa thu năm ngoái, một liên minh với tên gọi Break Free From Plastic (tạm dịch: Thoát Khỏi Nhựa), bao gồm Greenpeace (Hòa BÌnh Xanh) và một số tổ chức khác, đã dọn dẹp một bãi biển trên Đảo Freedom, nơi được quảng cáo là một khu du lịch sinh thái. Ở đây, các tình nguyện viên đã nhặt được 54260 miếng nhựa đủ loại, từ giày dép đến hộp đựng thức ăn. Khi tôi đến thăm chỉ vài tuần sau đó, bãi biển đó đã lại một lần nữa phủ đầy chai lọ, giấy bóng, và túi nhựa.

“Phố cổ” nilon bên bờ sông Thu Bồn, Quảng Nam (Bờ bên kia là Hội An).

Khung cảnh ở Manila là hình ảnh tiêu biểu cho những trung tâm đô thị lớn và đông đúc ở châu Á. Philippines là một quốc gia đông dân với 105 triệu người, và vẫn còn đang vật lộn với những vấn đề y tế cộng đồng cơ bản như các bệnh do thiếu nước sạch: thương hàn và tiêu chảy do vi khuẩn. Không có gì là lạ khi quốc gia này gặp phải khó khăn trong việc quản lý sự bùng nổ của rác thải nhựa. Hệ thống thu dọn rác đô thị của Manila bị phân tán trên 17 cơ quan địa phương, và đó cũng là ngọn nguồn của sự lộn xộn và kém hiệu quả. Năm 2004, Manila đã hết đất để đổ rác một cách an toàn. Sự khan hiếm bãi rác và cơn khủng hoảng quản lý rác vẫn tiếp tục cho tới hôm nay.

Một phần của cơn khủng hoảng đó đã được xử lý nhờ nền công nghiệp tái chế không chính thức của Manila, bao gồm hàng nghìn người thu gom rác. Armando Siena, 34 tuổi, là một trong số họ. Gần như cả cuộc đời, anh và vợ mình, Angie, 31 tuổi, đã sống chung với rác. Họ sinh ra ở vùng núi Smokey, một bãi rác khét tiếng toàn cầu, nơi đã bị đóng cửa vào những năm 90. Giờ đây, họ sống với ba người con gần bờ sông tại Manila, trong một căn nhà chỉ có một phòng được thắp sáng bằng một bóng đèn duy nhất, trong nhà có một đôi ghế nhựa, không có ống thoát nước, giường hay tủ lạnh. Căn nhà của họ nằm trong một khu ổ chuột đầy rác có tên là Aroma (Hương thơm), kế bên là một khu ổ chuột khác có tên Happyland (Vùng đất hạnh phúc).

Mỗi ngày, Siena lại đạp chiếc xe cọc cạch ra khỏi xóm Hương Thơm để tìm kiếm những thứ rác có thể tái chế được trên những con phố, rồi chất lên thùng xe phía sau. Những hộp đựng súp bằng nhựa là loại nhựa có giá trị cao, mỗi cân được trả 20 pesos (tương đương 25 nghìn đồng). Siena phân loại và bán những thứ anh thu được cho hàng phế liệu của chú anh, từ đó ông sẽ chở đống rác này đến những xưởng tái chế ở ngoại ô Manila.

Bà cụ nhặt ve chai ở Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Một số nhà hoạt động cho rằng, những người thu gom phế liệu như Siena chính là một phần của cách giải quyết vấn đề rác, nhưng họ cần một nguồn thu nhập đủ sống. Tại một cửa hàng tái chế nhỏ ở khu ổ chuột Baseco nằm ven sông ở Manila, chai lọ và nhựa cứng mà những người thu gom phế liệu mang tới được trả giá cao hơn. Cửa hàng đó do Ngân hàng Nhựa Vancouver, British Columbia, vận hành. Họ sẽ bán lại nhựa với giá cao hơn cho những công ty đa quốc gia muốn quảng bá những sản phẩm tái chế của mình để được tiếng là có trách nhiệm với môi trường.

Siegler, nhà kinh tế học Vermont đã nhắc tới ở trên, thì đã hoạt động trên nhiều quốc gia và xem qua nhiều số liệu đủ để thấy hoài nghi với những kế hoạch như thế này. “Nhựa không đủ giá trị để cho kế hoạch này có hiệu quả,” ông nói. “Bỏ tiền xây dựng một hệ thống quản lý rác thải tử tế thì sẽ kinh tế hơn là trợ giá cho việc thu gom nhựa.”

Lượng rác ứ đọng trên bãi biển và những con sông của Manila đã củng cố thêm cho ý kiến của Siegler. Phần lớn rác là những gói nhỏ đựng dầu gội, kem đánh răng, cà phê, gia vị và những sản phẩm dùng một lần khác. Hàng triệu gói sản phẩm như thế này được bán ra cho những người nghèo như Siena và gia đình anh, vì họ chỉ đủ tiền để mua đồ cho một lần dùng. Những gói nhỏ này nhiều hơn lá rụng và trôi dạt khắp nơi ở Manila. Chúng không thể tái chế được, vì thế mà không ai thu nhặt lại chúng. Crispian Lao, thành viên của Hội đồng quản lý rác thải rắn, cho biết, “Phân khúc đóng gói kiểu này đang phát triển và đã trở thành một thách thức thực sự đối với ngành quản lý chất thải rắn.”

Sống chung với rác

Sau buổi dọn dẹp bãi biển trên đảo Freedom, Greenpeace đã công bố danh sách những nhãn hàng là chủ nhân những gói nhựa mà tình nguyện viên nhặt được. Nestlé giành vị trí đầu bảng, sau đó đến Unilever. Không chỉ có những người xả rác là đáng trách. Abigail Aguilar, thành viên của tổ chức Greenpeace cho biết. “Chúng tôi tin rằng chính những người sản xuất và ủng hộ sử dụng đồ nhựa dùng một lần cũng phải chịu trách nhiệm.” Người phát ngôn của Unilever tại Manila nói với tôi rằng công ty này đang nghiên cứu một loại gói nhỏ có thể tái chế được.

Tháng Ba năm 2014, sau khi chiếc máy bay 370 của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất khỏi màn hình theo dõi trong khi đang bay từ Kuala Lumpur đến Beijing, một cuộc tìm kiếm đã được tiến hành trên phạm vi từ Indonesia cho đến phía Nam Ấn Độ Dương. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới trong nhiều tuần liền. Nhưng không một mảnh vỡ nào của chiếc máy bay này được tìm thấy. Thỉnh thoảng lại xuất hiện những hình ảnh vệ tinh của những đám vật thể trôi nổi trên mặt biển, những lần như thế, hi vọng lại trỗi dậy mong rằng đó chính là những mảnh vỡ của chiếc máy bay mất tích. Nhưng không. Đó chỉ toàn là rác, những mảnh vỡ của thùng chở hàng, đồ câu cá, và đương nhiên là cả túi nilon đi chợ.

Kathleen Dohan, một nhà khoa học và cũng là chủ tịch của Trung tâm Nghiên cứu về Trái Đất và Vũ trụ ở Seattle lại nhìn thấy cơ hội trong thảm họa này: Những hình ảnh từ không gian đã chỉ ra một vấn đề lâu nay bị bỏ ngỏ. Lúc đó, bà đã nói với tôi, “Đây là lần đầu tiên cả thế giới chứng kiến cảnh tượng này,” và “Đây là thời cơ tốt để mọi người nhận thức được rằng đại dương của chúng ta đã trở thành bãi rác.” Dohan dự cảm rằng sẽ có biến chuyển trong nhận thức của công chúng, và những sự kiện sau đó đã cho thấy bà có thể đã đúng.

Tiền Giang – rừng vàng, biển bạc, rác ngập đầu.

Điều đáng mừng là gần đây, vấn nạn rác thải nhựa đã thực sự thu hút được nhiều quan tâm, và thậm chí là đã có những nỗ lực để giải quyết vấn đề, dù còn rải rác. Có thể kể đến một vài tin tốt từ năm 2014 đến giờ như: Kenya đã gia nhập danh sách các quốc gia cấm dùng túi nhựa và áp dụng một mức phạt cao cũng như án tù đối với những người vi phạm. Pháp cho biết họ sẽ cấm dùng đĩa và cốc nhựa trước năm 2020. Mỹ, Canada, Anh và bốn nước khác sẽ áp dụng lệnh cấm hạt vi nhựa trong mỹ phẩm (dùng để tẩy tế bào chết). Ngành sản xuất mỹ phẩm đang dần dần xóa sổ chúng.

Các tập đoàn cũng đang có phản hồi trước ý kiến của công chúng. Coca-Cola, đồng thời là nhà sản xuất nước uống Dasani, tuyên bố rằng họ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu thập và tái chế lượng nhựa tương đương với lượng họ dùng để đóng gói sản phẩm. Tập đoàn này và các công ty đa quốc gia khác, bao gồm PepsiCo, Amcor, và Unilever, đã hứa rằng đến năm 2025 sẽ chuyển hoàn toàn sang đóng gói bằng các loại nhựa có thể tái sử dụng và tái chế hoặc có thể phân hủy được. Johnson & Johnson đang chuyển từ que nhựa quay trở lại dùng que giấy trong sản xuất tăm bông.

“Đây là thời cơ tốt để mọi người nhận thức được rằng đại dương của chúng ta đã trở thành bãi rác.”

Các cá nhân cũng đang tạo ra sự thay đổi. Vận động viên đua thuyền Ellen MacArthur đã lập ra một tổ chức để thúc đẩy xây dựng một nền kinh tế tái chế, trong đó tất cả các nguyên liệu, bao gồm cả nhựa, đều được thiết kế để có thể được tái chế và tái sử dụng chứ không phải để vứt đi. Nam diễn viên Adrian Grenier đã dùng danh tiếng của mình để vận động cho một chiến dịch phản đối sử dụng ống hút nhựa. Và Boyan Slat, chàng trai 23 tuổi người Hà Lan đang gấp rút thực hiện lời hứa từ thời thiếu niên rằng anh sẽ dọn sạch bãi rác lớn nhất Bắc Thái Bình Dương. Tổ chức của anh đã gây quỹ được hơn 30 triệu đô cho việc chế tạo một cái máy dọn biển, và công trình hiện vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Một cậu bé nhặt rác kiếm sống.

Tất cả những giải pháp này đều có tác dụng ở một mức độ nào đó, ngay cả những cách tưởng chừng vô ích như là dọn dẹp bãi biển. Một chuyến dọn dẹp bãi biển như thế đã cuốn Richard Thompson vào vấn đề rác thải nhựa cách đây một phần tư thế kỷ. Nhưng bây giờ theo ông nghĩ, giải pháp thực sự là ngăn nhựa tràn ra biển ngay từ đầu, và sau đó cân nhắc lại toàn bộ cách nghĩ của chúng ta với thứ nguyên liệu tuyệt vời này. “Chúng ta làm đủ thứ để nhựa có thể thực hiện được vai trò của nó, thế nhưng chúng ta chưa đả động mấy đến chuyện sau khi dùng xong nhựa thì sao,” Thompson nói. “Tôi không định nói rằng nhựa là kẻ thù, mà ý tôi là, các ngành sản xuất có thể làm nhiều điều để giúp giải quyết vấn đề này.”

Có hai cách cơ bản mà các ngành sản xuất có thể làm nếu họ muốn hoặc buộc phải thực hiện. Thứ nhất là, cùng với những nhà khoa học như Jambeck, họ có thể thiết kế những loại nhựa và những sản phẩm từ nhựa mới có khả năng phân hủy sinh học hoặc dễ tái chế hơn. Những giải pháp lâu dài cho vấn đề rác thải nhựa là vật liệu mới, tăng cường tái chế, và tránh sử dụng nhựa vào những việc không cần thiết. Nhưng theo Siegler thì cách nhanh nhất để tạo nên sự khác biệt lại rất đơn giản. Đó là có thêm nhiều xe chở rác và bãi rác hơn.

“Ai cũng muốn nghe một câu trả lời hấp dẫn. Nhưng sự thật là, chúng ta chỉ cần thu gom rác thôi là đủ.” Ở phần lớn các quốc gia mà tôi đang làm việc, bạn còn không thể dọn rác ra khỏi đường phố. Chúng ta cần xe chở rác và cần luật pháp quy định rằng rác phải được thu dọn thường xuyên, sau đó được tập trung, tái chế hoặc tiêu hủy để chúng không thải ra khắp nơi.”

Những giải pháp lâu dài cho vấn đề rác thải nhựa là vật liệu mới, tăng cường tái chế, và tránh sử dụng nhựa vào những việc không cần thiết.

Đó cũng là cách thứ hai mà các ngành sản xuất có thể góp tay giúp đỡ: Họ có thể đầu tư tiền. Siegler đề xuất một mức thuế áp dụng trên toàn cầu: một penny cho mỗi pound nhựa (tương đương 500 đồng/kg). Thuế này sẽ tạo ra sáu tỷ đô mỗi năm, và số tiền này có thể dùng để tài trợ cho hệ thống quản lý rác thải ở những quốc gia đang phát triển. Ý tưởng này chưa bao giờ trở thành hiện thực. Tuy nhiên, vào mùa thu năm 2017, một nhóm các nhà khoa học đã hồi sinh lại ý tưởng về một quỹ toàn cầu này. Nhóm này đã kêu gọi một thỏa thuận quốc tế theo khung của Hiệp ước Khí hậu Paris.

Trong cuộc họp tại Nairobi tháng Mười hai năm ngoái, 193 quốc gia bao gồm Mỹ đã thông qua một thỏa thuận như thế. Thỏa thuận Clean Seas (Biển sạch) của Liên Hợp Quốc không áp thuế lên nhựa. Thỏa thuận này cũng không có ràng buộc hay lệnh trừng phạt. Đó chỉ đơn giản là một tuyên bố bày tỏ thiện chí muốn chấm dứt tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên biển. Vì thế mà nó không giống với Thỏa thuận chung Paris cho lắm, mà giống với Công ước Rio de Janeiro vào năm 1992 hơn, khi thế giới cam kết chống lại biến đổi khí hậu. Bộ trưởng môi trường của Na Uy, Vidar Helgesen, đã gọi thỏa thuận mới này là một bước đi vững chắc đầu tiên.


  1. Mayflower là tên con tàu đưa những người Anh đầu tiên tới châu Mỹ vào năm 1620. Họ là những người thuộc Ki-tô giáo muốn tách tôn giáo của mình (Thanh giáo – Puritan) ra khỏi Giáo hội Anh. Vì cuộc di cư của họ mang tính chất tôn giáo mà họ được gọi là Pilgrim, từ chung để chỉ những người hành hương vì tôn giáo của mình. Nơi con tàu Mayflower xuất phát là thành phố Plymouth thuộc Vương quốc Anh. Vì thế khi đặt chân xuống đất Mỹ, họ đã đặt tên cho điểm đến này là Plymouth (nay là thành phố Plymouth, bang Massachusetts, Mỹ). Vùng Đông Bắc nước Mỹ đến nay vẫn được gọi là New England (Nước Anh Mới).

  2. Armageddon là một địa danh có nguồn gốc từ Kinh Thánh mang tính biểu tượng: nơi diễn ra trận chiến Ngày Tận thế. Sách Khải huyền (kinh Tân Ước) nhắc tới ngày Tận thế và Armageddon là nơi tập trung quân đội cho trận chiến cuối cùng.

  3. PET là loại nhựa phổ biến nhất hiện nay, hầu hết chai nhựa dùng một lần được làm từ PET.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất