Bài viết do tác giả của zeal chắp bút. Xem thêm các bài viết cây nhà lá vườn của zeal tại đây.
a
Series: What is...?
§ Tác giả: Sicalo & Tùng Dương | Hiệu đính:  za
31/10/2021

Giá trị và tiêu chuẩn đạo đức

Triết Học Đạo Đức (Moral Philosophy/Ethics) thường sẽ trả lời hai câu hỏi chính. Câu hỏi đầu tiên là về giá trị đạo đức (value) – cái gì là xấu và cái gì là tốt? Câu hỏi thứ hai là về tiêu chuẩn đạo đức – hành động nào đúng và hành động nào sai?

Khi trả lời các câu hỏi về giá trị, các triết gia sẽ tự đặt cho bản thân một số câu hỏi như: “Một cuộc sống như thế nào thì được coi là một cuộc sống có giá trị?” hay “Chúng ta nên sống một cuộc sống như thế nào?” (What considers a worth-living life?)

Khi trả lời các câu hỏi liên quan đến tiêu chuẩn đạo đức, các triết gia sẽ đặt ra một số câu hỏi như: “Hành động như thế nào thì được coi là một hành động đúng đắn về mặt đạo đức?” hay “Cách hành xử như thế nào là một cách hành xử vô đạo đức mà chúng ta tránh không nên làm?” (What is the right thing to do?)

Trong long-reads ngày hôm nay, chúng ta sẽ tập trung vào câu hỏi đầu tiên: giá trị (value). Cái gì được coi là tốt? Và thế nào là một cuộc sống có giá trị?

1. Hedonism (Chủ nghĩa khoái lạc)

Chủ nghĩa khoái lạc nghĩ rằng việc mưu cầu hạnh phúc/sự bằng lòng/khoái cảm/lạc thú và tránh né khổ đau là mục đích cốt yếu trong cuộc đời. Con người chỉ có một nghĩa vụ đạo đức duy nhất là thoả mãn nỗi khát khao khoái lạc và loại bỏ, hay chí ít giảm thiểu trong khả năng có thể, mọi nỗi khổ đau của mình trong đời.

Chủ nghĩa khoái lạc nói rằng sự hạnh phúc/sự bằng lòng/sự khoái cảm/sự lạc thú (pleasure) là thứ có giá trị tuyệt đối tốt và sự khổ đau/đau đớn/chịu đựng (pain) là thứ có giá trị tuyệt đối xấu.

Vậy “giá trị tuyệt đối tốt – absolutely good” và “giá trị tuyệt đối xấu – absolutely bad” có nghĩa là gì? Để phân biệt được định nghĩa “giá trị tuyệt đối tốt/xấu” này mình nghĩ nên so sánh nó với “giá trị mang tính phương tiện tốt/xấu.” Một thứ được coi là có giá trị tuyệt đối tốt khi nội tại bản thân nó tốt. Còn một thứ được coi là mang tính phương tiện tốt khi nó chỉ đơn thuần là phương tiện để tạo ra thứ có giá trị tuyệt đối tốt. Để giúp bạn hình dung rõ hơn, mình sẽ lấy một ví dụ: Việc bạn đi nhổ răng sâu chẳng hạn. Bản chất của việc nhổ răng là đau đớn và đau đớn là một thứ có giá trị tuyệt đối xấu, nhưng việc này lại mang giá trị phương tiện tốt vì việc nhổ răng sâu sẽ khiến cho bạn tránh những đau đớn về sau này. Song song với đó, có một số thứ có giá trị tuyệt đối tốt nhưng lại có giá trị mang tính phương tiện xấu, chẳng hạn như việc bạn hút thuốc chẳng hạn. Sự phê pha khi được rít một điếu thuốc mang lại cho bạn cảm giác thỏa mãn và sự thỏa mãn này có giá trị tuyệt đối tốt, nhưng việc hút thuốc lại có giá trị mang tính phương tiện xấu vì nó sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn sau này.

Chủ nghĩa khoái lạc (hedonism) cho rằng thứ có giá trị tuyệt đối tốt duy nhất là pleasure (sự khoái cảm/hài lòng/hạnh phúc) và thứ có giá trị tuyệt đối xấu duy nhất là pain (sự đau đớn/chịu đưng/khổ hạnh). Ở đây chủ nghĩa khoái lạc định nghĩa pleasure (sự khoái cảm) là bao gồm tất cả các trạng thái tâm lý, tinh thần mà chúng ta thấy hạnh phúc khi được trải qua, và định nghĩa pain (sự khổ đau) là bao gồm tất cả các trạng thái tâm lý và tinh thần mà chúng ta không thấy thoải mái khi bị trải qua. Sự khoái cảm và sự khổ đau có rất nhiều ví dụ: Bạn ngâm mình vào bồn nước nóng sau một ngày làm việc căng thẳng cũng được coi là một trạng thái khoái cảm. Bạn giải được một bài toán khó và được mọi người công nhận cũng được coi là một dạng khoái cảm. Bạn được người yêu gãi lưng cho lúc đi ngủ cũng được coi là một trạng thái khoái cảm. Hay bạn được ăn một bữa ăn ngon cũng được coi là một trạng thái khoái cảm. Tương tự như vậy đối với sự khổ đau (pain). Có nhiều loại khổ đau. Khổ đau về thể xác khi bạn bị đứt tay, gặp tai nạn, ngã xe hay nhổ răng. Khổ đau về tinh thần khi bạn chịu đựng cảnh ba mẹ ly dị, bạn bè chia ly hay nỗi thất vọng khi không được người khác công nhận.

Chủ nghĩa khoái lạc thường bị mang tiếng xấu trong cộng đồng triết học vì lý thuyết này thường hay bị hiểu sai. Hay thậm chí từ “hedonism – khoái lạc” khi dùng trong văn viết thông thường cũng mang một hàm nghĩa xấu. Lý do đầu tiên, mọi người thường có xu hướng tin rằng chủ nghĩa này ủng hộ việc tạo ra nhiều khoái cảm về mặt thể xác tầm thường (sex, rượu chè, cờ bạc) mà quên mất rằng khoái cảm còn bao hàm nhiều trạng thái tinh thần cao cấp hơn (sự tự hào khi người khác công nhận hay sự hạnh phúc khi tận hưởng một buổi nhạc Jazz). Lý do thứ hai, mọi người hay hiểu nhầm chủ nghĩa khoái lạc với trường phái vị kỉ khoái lạc (egoistic hedonism). Trường phái vị kỉ này đề cao sự thỏa nguyện tối đa cho bản thân mà bất chấp gây ra hậu quả đau khổ cho người khác. Tuy nhiên, hầu hết những người ủng hộ trường phái khoái lạc (hedonism) không đi theo hướng vị kỉ như thế này. Tất cả những triết gia ủng hộ hedonism thì tin rằng mọi sự khoái cảm có giá trị như nhau và đóng góp cùng một giá trị cho toàn hạnh phúc nhân loại. Trong bài này mình sẽ dẫn các bạn làm quen với một nhà triết gia tên là Roger Crisp. Roger Crisp là một trong số ít người còn ủng hộ chủ nghĩa khoái lạc và tin rằng chủ nghĩa này xứng đáng được mọi người coi trọng hơn.

2. Những lập luận phản đối lại chủ nghĩa khoái lạc

Chủ nghĩa khoái lạc, nếu ngẫm kĩ, thì thực ra đây là một lý thuyết có sức thuyết phục mà lại còn đơn giản. Bởi vì, chủ nghĩa này giải thích được cho chúng ta rằng mục đích cuối cùng của tất cả những hành động của chúng ta chỉ đơn giản là mưu cầu hạnh phúc hoặc làm giảm bớt đi khổ đau.

Tuy nhiên, lý thuyết về giá trị đạo đức của hedonism không được nhiều triết gia ủng hộ. Trên thực tế, chỉ có Roger Crisp là còn tin vào hedonism – chủ nghĩa khoái lạc. Lý do là có rất nhiều những lập luận phủ nhận lại tính đúng đắn của chủ nghĩa khoái lạc mà các triết gia thấy thực sự có tính thuyết phục lớn. Dưới đây, mình sẽ đưa các bạn băng qua các lập luận phản đối lại chủ nghĩa khoái lạc và chúng ta cùng xem bác Roger sẽ bảo vệ lại chủ nghĩa mà bác tin tưởng như thế nào nhé.

Nhìn chung, mục đích của những lập luận phản đối lại chủ nghĩa khoái cảm cuối cùng là để chỉ ra rằng: để đánh giá chính xác giá trị tốt xấu của một thứ không phải chỉ gói gọn trong việc thứ đó tạo ra bao nhiêu sự khoái cảm (pleasure) hay thuyên giảm được bao nhiêu nỗi khổ đau (pain).

2.1 Oyster vs. Hadyn argument

Bạn đã chết.

Và bạn cũng đã trải qua tất cả những khổ ải trong các cõi, vượt qua những hình phạt khắc nghiệt nhất để trả nợ cho những lỗi lầm tiền kiếp của mình. Bạn đã đủ điều kiện để trở lại làm một sinh vật sống trên trần gian.

Đó là một buổi chiều thứ Bảy đẹp trời, và bạn đang đứng trước cánh cổng chuyển sinh cùng một vị thiên thần có gương mặt phúc hậu. Trước khi bước qua cánh cổng, vị thần đó cho bạn một cơ hội lựa chọn giữa hai cuộc đời: một là trở thành một chính trị gia thành công tên Dương, và hai, là trở thành một con hàu.

Nếu chọn trở thành chính trị gia Dương, bạn sẽ được sắp đặt để trở thành một người thống trị gần như tuyệt đối trên chính trường. Với tư duy sắc sảo và kỹ năng đàm phán đỉnh cao, Dương sẽ sử dụng quyền lực của mình để tạo ra khối tài sản kếch xù, nắm trong tay quyền sinh sát. Nhưng đồng thời Dương cũng sẽ tạo ra cho mình vô số kẻ thù, và luôn luôn phải cảnh giác với tất cả mọi người xung quanh, kể cả gia đình và bạn bè. Và Dương, sẽ chết một cách cay đắng do mắc phải mưu kế của kẻ thù vào năm 75 tuổi.

Cuộc đời của chú hàu thì ít thăng trầm hơn rất nhiều. Đó sẽ là một chú hàu khá thông minh (hơn đồng loại của mình), và trong cả cuộc đời của mình, chú hàu sẽ cảm nhận độc nhất một cảm giác vui sướng lâng lâng, và nếu phải so sánh với cảm giác của con người, đó sẽ khá giống cảm giác bồng bềnh khi được ngâm mình trong một bồn nước nóng. Chú hàu đó sẽ không phải cảm thấy bất kì điều gì tiêu cực, hay đau đớn, lo lắng, v.v. trong suốt cuộc đời mình.

Và để thêm phần hấp dẫn cho cuộc đời của chú hàu, vị thần tiên đó nói: “ Nghe này, nếu ngươi trở thành Dương, ngươi sẽ quay trở về địa ngục sau 75 năm sống trên cõi đời. Còn nếu ngươi là con hàu, ta sẽ cho ngươi một phép bảo vệ, ngươi sẽ trở thành bất tử. Và ngươi chỉ chết, khi ngươi lựa chọn cái chết. Ta hứa đó sẽ một cái chết nhẹ nhàng, thanh thản nhất mà ngươi có thể tưởng tượng ra.”

Trong trường hợp này, bạn sẽ chọn điều gì? Trở thành Dương và trải qua một cuộc đời đầy sóng gió, hay trở chú hàu và tận hưởng sự khoái lạc vĩnh cửu?

Tóm lại ý chính của lập luận này là: nếu Roger tin rằng chủ nghĩa khoái cảm là đúng đắn, thì cuộc đời của con hàu có hạnh phúc hơn nhiều so với cuộc đời của chính trị gia Dương. Tuy nhiên, chẳng ai muốn sống một cuộc sống cấp thấp như con hàu cả và đa số, không muốn nói là toàn bộ, nếu được hỏi thì sẽ luôn chọn cuộc sống của một con người – ở đây là chính trị gia kiệt xuất Dương. Vì vậy, Roger nên chấp nhận rằng chủ nghĩa khoái lạc là sai vì lý thuyết đó nói rằng chúng ta bắt buộc phải chọn cuộc sống của một con hàu trong khi chả ai muốn sống cuộc sống đó cả.

Roger phải trả lời thế nào với luận điểm này đây?

Có thể trả lời theo một cách truyền thống, nhưng hơi thiếu thuyết phục, như sau: sự khoái cảm (pleasure) của con hàu không thể đem đi so sánh với sự khoái cảm (pleasure) của cuộc sống của Dương được vì hai thể loại khoái cảm này khác nhau và chúng không chia sẻ cùng một đơn vị đo. Chúng ta không có một cái thước đo khoái cảm để thực sự so sánh xem số lượng khoái cảm và chất lượng khoái cảm của con hàu được so sánh với số lượng khoái cảm hay chất lượng khoái cảm của cuộc sống của Dương được. Cũng giống như bạn không thể chọn giữa việc bạn yêu bố mẹ hơn hay yêu người yêu của bạn hơn vì đây là hai thể loại tình cảm khác nhau. Một cái là tình thân và một cái là tình yêu. Không thể so sánh trên cùng một đơn vị đo.

Tuy nhiên, thực ra đây là một câu trả lời hơi thiếu thuyết phục. Vì cách trả lời này chẳng khác nào khuyên chúng ta là chúng ta nên bàng quan hay làm ngơ khi đưa ra lựa chọn nên sống cuộc đời của chú Hàu hay nên sống cuộc đời của Dương? Có thể cách trả lời này còn dễ chấp nhận hơn là lựa chọn cuộc sống của chú hàu kia nhưng suy đi tính lại thì rõ ràng là nó vẫn chưa đúng: chúng ta không hề làm ngơ hay bàng quan khi lựa chọn giữa hai cuộc sống. Chúng ta vẫn sẽ luôn chọn cuộc sống của Dương, vì chúng ta nghĩ rằng cuộc sống của Dương có nhiều thứ tốt hơn, có nhiều cái xứng đáng để ta lựa chọn hơn là cuộc sống vô vị của con hàu. Vì chúng ta thấy cuộc sống của Dương tốt hơn vì thế hai sự khoái cảm (giữa con hàu và Dương) có thể vẫn so sánh được với nhau. Vì so sánh được với nhau nên chúng ta mới thấy cuộc sống của Dương là tốt hơn hẳn cuộc sống của con Hàu. Có vẻ như với cách trả lời này, chủ nghĩa khoái cảm đang thua 1-0 so với Oyster Argument.

Có thể dùng một chiến lược khác để bảo vệ luận điểm của chủ nghĩa khoái cảm: người ủng hộ chủ nghĩa khoái cảm có thể bảo rằng “không, thực ra chủ nghĩa khoái cảm khuyên chúng ta nên tập trung vào lượng khoái cảm trung bình thay vì tập trung vào tổng lượng khoái cảm cộng dồn giữa hai lựa chọn cuộc sống. Nếu lựa chọn theo hướng trung bình khoái cảm thay vì tổng lượng cộng dồn khoái cảm thì chính ra, chủ nghĩa khoái cảm sẽ lựa chọn cuộc sống của Dương thay vì cuộc sống của con Hàu. Và như vậy, chủ nghĩa khoái cảm cũng không đi ngược lại với suy nghĩ chung của mọi người nữa.” Vì sao lại là trung bình khoái cảm thay vì tổng lượng cộng dồn? Tại vì, mặc dù, đúng là tổng lượng khoái cảm của con hàu trong suốt cuộc đời vĩnh cửu của nó sẽ lớn hơn rất nhiều so với tổng lượng khoái cảm trải dài suốt 75 năm của Dương. Nhưng nếu chia trung bình ra, thì lượng khoái cảm trên một ngày hay một phút của con hàu sẽ cực kì ít nếu so sánh với lượng khoái cảm trung bình trên một ngày hay một giây của cuộc sống của Dương. Do dương sống có 75 năm thôi và con hàu sống tận đến vĩnh cửu (giả sử 1000 năm đi chẳng hạn) thì nếu chia trung bình ra thì mỗi ngày của Dương trôi qua sẽ có nhiều sự hạnh phúc hơn là của con hàu.

Tuy nhiên, có một vấn đề khá lớn với cách trả lời như trên. Nếu trung bình khoái cảm là thước đo cho việc đánh giá giá trị cuộc đời. Thì chẳng phải những người theo chủ nghĩa khoái cảm đang khuyên chúng ta nên sống một cuộc sống của những một người nghiện thuốc phiện chỉ được sống vỏn vẹn 5 phút nhưng trong 5 phút đó họ được thoải mái chơi thuốc, phê cần xong rồi sốc thuốc và chết đi hay sao? Vì bạn thử nghĩ mà xem, tuy cuộc sống ngắn ngủi nhưng lúc trải nghiệm cảm giác phê pha tột đỉnh của thuốc phiện thì khi chia trung bình trên 1 phút hay 1 giây ra thì số lượng khoái cảm sẽ cực lớn. Nhưng rõ ràng, đây không phải là một lựa chọn chúng ta nên theo đuổi. 2-0 cho Oyster Argument. Có vẻ như chủ nghĩa khoái cảm vẫn đang yếu thế.

Theo bạn, còn cách nào khác để phủ quyết lại Oyster Argument và đòi lại công bằng cho chủ nghĩa khoái cảm không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất