a
§ Tác giả: Rebecca Giggs | Nguồn: Granta
Biên dịch: Mai Nhi | Hiệu đính:  K.
23/01/2024

Một vài năm trước tôi có tham gia phụ đẩy một con cá voi lưng gù mắc cạn về lại với biển, nhưng rồi lại phải chứng kiến nó mắc cạn một lần nữa, chết dần mòn dưới sức nặng của chính nó trên bãi cát. Trong ba ngày nằm chờ chết trên bãi biển, con cá voi đã trở thành một điểm tham quan cho mọi người. Người ta dắt con trẻ đến xem. Họ đứng nước giữa sóng táp vào bờ, bồng bế những đứa bé mặc quần áo màu phấn quanh con cá voi như để tóm lấy chút tàn dư của một huyền thoại dần tiêu tan. Con cá voi đen óng màu gỗ piano, và vì nó vẫn là con non, các khớp bên dưới vây nó vẫn  màu hồng. Cứ vài phút, nó thở hắt thật lớn và đập vây đuôi xuống nền cát – là vùng vẫy hay là để giải tỏa. Mỗi khi nó nghiêng mình qua lại, cái ngực của nó trở nên nhũn đi, nhăn nhúm.

Ban đầu không khí rất náo nhiệt. Người ta reo hò cổ vũ mỗi khi con cá voi vật lộn trong cơn sóng vỗ. Thủy triều cũng góp phần giúp nó thoát ra khỏi bãi cạn buổi sáng. Chuyện con cá voi lại bị đẩy sâu hơn vào bờ vốn là điềm gở cho mạng sống của nó, nhưng vì đám đông quá đỗi háo hức và chính con cá voi này cũng lộng lẫy quá đỗi, nên khó có gì có thể dập tắt niềm hy vọng cao ngút trời này. Con cá voi tượng trưng sự ngỡ ngàng, choáng ngợp, một sự phi thường. Trên xe buýt, tại các khu mua sắm, ai ai cũng bàn tán về nó,. Những chú chó đuôi vẫy vẫy không ngừng như chổi quét xuống nền cát, cổ đeo xích bị chủ giữ lại không cho lại gần. Đối với chúng, con cá voi là gì – thú săn mồi, con mồi hay là họ hàng xa – không ai biết được, nhưng chúng có vẻ tò mò muốn lại gần. Khi mặt trời lặn, người ta chuyền tay nhau những bao giấy đựng cá tẩm bột chiên và khoai tây chiên lốm đốm mỡ. Cán bộ cứu đắm phân phát cho mọi người áo khoác có dây kéo vì trời trở lạnh. Cán bộ thú hoang, người đó giờ vẫn hờ hững với đám đông, giờ đã thoải mái hơn và bắt đầu giảng giải về sinh lý học của cá voi cho mọi người nghe.

“Cá voi là động vật hữu nhũ.” họ nói, “cũng giống như chúng ta vậy.” Vài người tỏ vẻ ngạc nhiên, họ đã luôn nghĩ rằng mọi loài sinh vật biển đều là cá. Họ nhướn mày rồi gật gù. Bộ kình – từ tiếng Hy Lạp cổ kētos, tiếng Latin là cetus: một bộ những thú hữu nhũ gồm có cá voi, cá heo và cá heo chuột. “Bên dưới lớp da, cá voi được bao bọc bởi một lớp mỡ mềm gọi là mỡ cá.” Khi tưởng tượng về mỡ cá voi, tôi chỉ có thể nghĩ tới những món thạch tráng miệng bán ở siêu thị Châu Á: đùng đục, giàu calorie và cứng hơn chúng ta nghĩ. Nếu ở trong lòng đại dương, lớp mỡ này giữ ấm và giúp cá voi duy trì thân nhiệt ổn định, thì khi ở trên cạn, lớp mỡ sẽ làm chúng chết ngạt.

“Cá voi gặp phải một vấn đề hoàn toàn trái ngược với giảm thân nhiệt,” cán bộ thú hoang giải thích. Trong khi chúng tôi lúc ấy đều đang run lên vì lạnh, thì con cá voi, chỉ cách đó có vài mét, đang bị luộc sống bởi chính thân nhiệt của nó.

Một nhóm chúng tôi nằm thiêm thiếp ngủ trên đồi cát, nằm thành hàng như những dấu chấm hỏi và dấu phẩy trên nền cát trắng. Tâm trí chúng tôi hướng tới con cá voi đang thở phì nơi bãi cát xa xa, rồi lại lim dim mất. Tôi tỉnh giấc khi nghe tiếng những người lướt ván vào bờ lúc trời còn đen kịt. Hay có phải kia là đàn cá mập cưỡi đỉnh thủy triều theo con trăng vào bờ? Không thể biết được. Chúng tôi suy luận rằng cá voi đã bị đẩy quá sâu vào bờ, không con cá mập nào bơi tới được. Từng chi tiết, lạ lùng và đặc thù, đắm mình trong ánh trăng xam xám, bàng bạc. Bãi cát nhấp nhô. Cây cỏ tựa như mũi dao cắm vào lòng cát. Trời hôm ấy lạnh.

Buổi sáng, một phần bên trong của con cá voi lại trồi ra bên ngoài. Một bộ phận tiêu hóa, gấp nếp và nhợt nhạt trong mớ bọt bóng trương sình. Con mắt to như trái banh bida của con cá voi đảo qua đảo lại trong hốc mắt, hơi thở nó nặng nề. Bọn cá mập cũng đã tan biến, một lời đồn thoáng qua. Trên bờ biển không có máu, nhưng người ta vẫn tránh xa khỏi mặt nước. Con cá voi nằm nghiêng, sóng cạn cứ vỗ, vỗ, và lại vỗ. Tôi nhặt lấy một cái vỏ sò tầm thường mà tôi vẫn còn giữ trên khung cửa sổ của mình đến bây giờ. Người ta dựng một hàng rào chắn xung quanh con cá voi. Mòng biển lượn xuống, mổ những vệt chữ tượng hình của loài chim biển vào lưng con cá voi. Với mỗi cú mổ, con cá voi lại giật nảy mình, nó vẫn còn sống, thật mãnh liệt và thật khổ sở.

Dạo cho khuây khỏa vì chút bức bối khi quan sát lũ chim, tôi bắt gặp một cán bộ thú hoang đang ngồi xổm trên bãi biển.. Một chuyên gia đậm người, đeo kính râm thể thao, hàm nghiến chặt cho hay, hệ thần kinh trung ương của cá voi quá lớn và phức tạp, tới nỗi chích thuốc mê như với ngựa hay bò là không thể. Một xung điện  bắn vào não sẽ mất rất lâu mới đến được tim; một cú kích tim sẽ không thể giết não tức thì. Sự thống khổ chịu đựng là thứ hiển nhiên và không thể nào tránh khỏi.

Có lúc việc quấn đầy thuốc nổ quanh con cá voi được xem là phương án nhân từ nhất, nhưng công cuộc dọn dẹp sau đó, nhất là khi cá voi bị mắc cạn tại một bãi biển công nổi tiếng, lại rất đắt đỏ. (Đắt đỏ ra sao? Tôi tranh thủ tra cứu. Một con cá voi khác, chết sau khi trôi vào bờ gần chỉ vài mùa trước, tốn 188.000 đô la Úc để dọn dẹp. Hội đồng và Bộ Thủy Hải Sản tranh cãi ai mới là bên phải chi trả. “Vì đây là một loài hữu nhũ, không phải loài cá, nên họ tin rằng nó không nằm trong quyền hạn của họ,” ngài thị trưởng cho biết.)

Tôi với người cán bộ dõi mắt về chân trời. Sóng biển liếm giày bọn tôi. Rồi cả hai đi ra chiếc xe van của anh, để anh lấy đưa cho tôi xem loại thuốc tiêm.

“Người ta gọi đây là Giấc mơ Xanh,” anh ta bảo tôi.

Cái kim tiêm dài ít nhất 30cm, dày tầm cái ăng ten tín hiệu xe hơi và nối với một cái ống cao su vào bình chứa. Cái thiết bị từa tựa như dụng cụ phun thuốc diệt cỏ; tới nỗi chỉ cần nhìn thôi đã làm tôi nhớ tới mùi nhà kính (mùi khói lẫn amoniac với bạc hà, nóng tù). Dung dịch trong bình có màu xanh lục huỳnh quang. Người cán bộ đoán chắc sẽ có công hiệu vì con cá voi vẫn là chưa trưởng thành. Dù vậy vẫn phải tránh dùng sai liều lượng. Đây là giấc mơ của ai chứ, tôi tự hỏi? Người cán bộ để tôi cầm bộ đồ tiêm một lúc, cái thứ que gậy nặng hơn bề ngoài của nó. Tôi mường tượng những mạng lưới mạch máu và động mạch của con cá voi được gỡ ra và xếp gọn ghẽ trên mặt cát, thì sẽ kéo dài đến hàng trăm mét trên bãi biển, như những sợi chỉ đỏ mỏng manh của một cái nhiệt kế bị bể nát vụn.

Một lúc sau tôi hỏi,” Anh là người sẽ đưa ra quyết định sao?”. Tôi biết anh ta có thể kiếm được một khẩu súng hợp pháp dùng thay thế thứ này. Người cán bộ xòe cả bàn tay xuống cát ướt và chẳng nói gì cả.

Người ta vẫn đang ăn trưa, nói cười qua điện thoại và tạo dáng chụp hình ngay trước con cá voi. Rồi có người từ đụn cát bước đến, tay cầm vòng hoa làm từ cỏ biển và hoa mặt lợn, đề nghị đội nó lên con  cá voi. Những người lướt sóng quỳ một gối, nguyện cầu hay hổ thẹn, bộ đồ bơi kéo xuống nửa người để lộ ra những hình xăm các chòm sao và tín ngưỡng địa phương. Có tiếng trẻ con khóc ré lên và con cá voi bắt đầu phát ra tiếng kêu rền rĩ. Mọi người ngực thắt chặt chờ đợi. Vài gia đình quay mặt đi. Đám đông lặng im, bất động: nỗi tuyệt vọng; cầu nguyện cho con cá.

Tôi hỏi người cán bộ họ sẽ làm gì tiếp theo và anh nói, bọn họ đã điều sẵn 2 máy xúc đến và thu gom xác con cá voi. “Biển và biến,” là tên của chính sách, anh gọi như vậy. Xác cá voi sẽ được cưa ra làm hai và đưa tới mũi Tamala Park ở Mindarie để phân hủy cùng mớ rác và phế liệu đồ gia dụng. Sau khi chết, xác cá voi thối rữa sẽ tạo ra lượng nhiệt còn lớn hơn, đốt cháy đen cả xương lẫn nội tạng. Nếu họ không cưa nó ra, cái xác sẽ nổ tung. Có phải hội đồng e ngại rằng cái xác cá voi sẽ thu hút bọn cá mập đầu búa và cá mập đuôi dài nên đã đem nó ra khỏi biển? Tôi thắc mắc, không hiểu tại sao con cá voi lại phải kết thúc đời mình trong bãi phế liệu như thế.

“Con cá voi này bị suy dinh dưỡng,” người cán bộ nói. “Chúng ta không rõ vì sao. Có thể là nó bị bệnh, có thể mẹ nó đã không cho nó ăn đúng cách. Có thể nó ăn phải nhựa hoặc bằng cách nào đó nó bị trúng độc, do ký sinh trùng, hoặc mệt quá mà bỏ ăn. Có vẻ như nó bị tấn công trước khi bị mắc cạn.” Anh ta chùi đi chỗ muối biển tụ trên mắt kính râm. Đôi mắt anh ta mệt mỏi. “Cá voi sát thủ thường nhắm tới những con yếu,” anh kể.

Một khoảng lặng trôi qua giữa chúng tôi, mòng biển chao lượn như những đốm hoa thị trên cao. “Có một tranh cãi, qua loa thôi, rằng ta không nên đem một con cá voi mắc cạn trở về đại dương.”

Năm đó, tổng cộng 46 con cá voi bị mắc cạn dọc theo bờ biển Tây nước Úc. Năm trước đó một năm chỉ có 13 con, và năm tiếp theo thì chỉ là trên dưới mười lăm vụ mà thôi. Những người chứng kiến vụ việc này khi đó có những hoài nghi của riêng họ. Một sao chổi vừa bay xẹt qua đảo Rottnest cách đó một tuần. Bộ xương cá voi xanh rất được yêu thích đặt trong bảo tàng Tây Úc, Perth dự định được cho di dời bằng cẩu nâng ra ngoài và sau đó dỡ đi. (Cuối cùng thì, liệu nó sẽ được về với biển cả?) Chị gái của ai đó thì thầm về những cuộc thám hiểm đại dương quan trọng gần đây. Và không phải là dạo này thời tiết rất kỳ lạ sao? Một năm đầy El Niño. Người ta xì xào về “tụi người Nhật”, về những con cá voi mệt nhoài đầy chấn thương, bị súng phóng lao săn đuổi . Chắc là vậy rồi, một người đàn ông nói, người cao niên tộc Nyungar đã dự đoán về con cá voi lưng gù – đó là vì sao họ không có mặt ở đây. Những gì xảy ra có gì đó u ám, chua chát. Một điềm gở cho đất liền.

Tôi chẳng tin nổi cái thái độ của họ, do đã quá mệt mỏi với trò phán đoán, đầu óc không ngừng nghĩ về con cá voi đằng xa. Được bàn tán một cách không giấu giếm, những giả thuyết này chỉ mang tính âm mưu, dựa trên những mặc định từ những hiểu biết ngầm về sự tồn tại của các luồng logic ẩn sâu bên trong các uy lực mỏng manh của khoa học, sinh học và sự giám sát của các cán bộ thú hoang dành cho con cá voi. Những lời đồn thổi này cho thấy sẽ chẳng có một giả thuyết khoa học về cá voi bị mắc cạn nào thỏa mãn được đám đông. Họ sẽ chỉ biết đến cái linh cảm, cảm tính, của sự ám chỉ, sự phúng dụ và điềm báo tự ngộ. Cứ như thể, con cá voi với thân xác to lớn của hình, hiện hữu ngay tại đây, là minh chứng cho các chiều kích hiện thực vẫn còn chưa được biết đến. Đó là hình ảnh mà con cá voi mang đến, cho đến khi mặt trời leo đến đỉnh đầu và nhiệt độ tăng cao.

Một người phụ nữ từ trong đám đông chạy đến, băng qua sóng nước với vòng hoa trên tay giơ cao quá đầu. Bà ta hát vang. Phải tận 3 cán bộ thú hoang mới kéo người phụ nữ đang vùng vẫy ra xa khỏi con cá voi. Bà ta nói, bà có lý lẽ thuộc về tâm linh. Bà có khả năng tâm linh. Cơn giận dữ của người phụ nữ tuy không thỏa đáng, nhưng vô cùng mãnh liệt. Và con cá voi không bao giờ được đội vòng hoa đẫm nước kia.

Về sau tôi có tìm hiểu vì sao cá voi lưng gù lại bị bệnh, tôi được biết rằng ở vùng duyên hải, vài loài cá voi bị mắc vào lưới đánh cá cũ hoặc nuốt phải rác, vải mùng, bao ni lông, bọc nhựa. Vì được bao bọc bởi một lớp mỡ dày, chúng cũng hấp thu vô số chất độc hòa tan trong mỡ, những thứ như kim loại nặng và hợp chất vô cơ có trong thuốc trừ sâu, phân bón và các chất gây ô nhiễm khác được rải khắp đại dương ngày nay. Cơ thể loài cá voi là một kính lúp phóng đại cho những thứ hóa chất độc hại này. Họ kình có tuổi thọ cao và tích lũy một lượng lớn độc tố từ con mồi của chúng. Độ độc sẽ tăng dần theo năm tháng, làm cho nhiều loài vật ô nhiễm hơn cả môi trường sinh sống quanh chúng.

Tôi đọc được rằng cá voi cửa sông Canada có độc tính cao tới mức xác của của chúng được phân loại là chất thải độc hại. Mẫu tế bào của cá nhà táng quanh trái đất chứa lượng cadmin cao đến mức có thể giết chết tế bào sống trong phòng thí nghiệm (Cadmin, một loại hợp chất có trong sơn và ngành chế tạo công nghiệp, một loại sản phẩm phụ của việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, gây bụi kim loại trong phổi, bệnh dịch phổi, bệnh thận và ung thư ở người). Cá voi sát thủ Mỹ ở Puget Sound, nơi mà người ta quan sát thấy đến cả sao biển cũng đang bị tan chảy, được xem là loài vật ô nhiễm nhất hành tinh. Dữ liệu cho thấy một giả thuyết dường như không thể ngờ tới ngay cả với độ ô nhiễm của khu vực này: rằng những con cá voi đã và đang ăn pin, hoặc uống chất chống cháy cho nhựa để bổ sung cho thực đơn của mình.

Tôi nghĩ đến con cá voi lưng gù trong bãi phế liệu. Con cá voi phế liệu. Vốn chỉ là sự ẩn dụ, nhưng rồi lại là hiện thực.

Lẫn trong lớp mỡ cá voi, các chất hóa học này được cho rằng sẽ “ngủ yên”, tức chúng sẽ không gây hại tới cá voi khỏe mạnh vì chúng không được tiêu hóa và truyền đến nội tạng cá voi. Dù vậy, hậu quả của việc tiêu thụ thịt cá voi là vô cùng nguy hại đối với con người.

Tôi đọc được rằng phụ nữ Inuit ở Greenland vốn có truyền thống tiêu thụ thịt, da và mỡ cá voi theo mùa, họ được cảnh báo rằng không nên ăn thịt cá voi khi đang mang thai và được khuyến cáo ngừng cả việc cho con bú. Những người phụ nữ này đang sống ở nơi hẻo lánh và ít bị công nghiệp hóa nhất trên thế giới, nhưng việc tiêu thụ thịt cá voi để duy trì sự sống đã biến cơ thể họ thành nơi tích tụ chất ô nhiễm. Phần lớn những người Inuit được kiểm tra đều có độ thủy ngân và thuốc trừ sâu vượt quá mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Khi cá voi bị mắc cạn và phải chịu đói, cơ thể chúng bước vào trạng thái ketosis – hóa mỡ thành năng lượng thay thế thức ăn. Chất độc chứa trong lớp mỡ được giải phóng vào mạch máu. Điều này đầu độc con cá voi từ sâu bên trong lẫn người ăn phải thịt của nó. Cá voi lưng gù bơi ngoài khơi nước Úc cho chuyến di cư hàng năng ít có khả năng bị ảnh hưởng bởi hổ lốn là hóa chất này so với các loài kình ngư ở nơi khác – những con vật vốn dành phần lớn vòng đời của mình tại biển Nam ôn hòa ( dù dòng nước cũng đang có sự thay đổi). Nhưng việc cá voi trên khắp hành tinh của chúng ta lại chứa vô số sản phẩm phụ công nghiệp, nhựa và thuốc trừ sâu, với tôi, đã che lấp mất biểu tượng phi vật thể của loài cá voi tại vùng nước này và khắp mọi nơi trên trái đất.

Một tuần sau vụ cá voi mắc cạn, tôi thấy mình cứ mãi có một ý nghĩ u ám. Có lẽ cảm nghĩ của chúng ta về con cá voi hấp hối, thứ nó tượng trưng và làm sao để cứu nó đã bị đặt sai chỗ. Chúng ta khi nói về cá voi, phần lớn đều nói về việc chúng ta nên để chúng yên trong lòng đại dương, nơi chúng thuộc về. Đó chỉ là một câu chuyện ru ngủ mà chúng ta kể cho nhau nghe ở nước Úc này, một câu chuyện về lòng cao thượng và sự ngưỡng mộ của loài người, cũng như là về sức sống mãnh liệt của bao loài vật khác. Nhưng nếu chính con người chúng ta mới là kẻ đã lấy đi thiên nhiên ra khỏi con cá voi thì sao? Nếu tận sâu bên trong con cá voi tồn tại dấu vết không thể xóa bỏ của loài người, liệu chúng ta có thể mãi tin vào huyền thoại về sự phi thường màu nhiệm, vào thế giới hoang dã rộng lớn, diệu kỳ và xiết bao điều kỳ lạ của chúng? Tôi bỗng nhận ra, giấc mơ xanh chết chóc và huyền ảo kia, có lẽ là dành cho chính chúng ta.

Có một câu chuyện tôi nghe được ở bờ biển, kể về những con cá voi chết ở ngoài khơi xa vì tuổi già hoặc bị tàu đâm. Nếu không bị gió và thủy triều đẩy vào bờ, cơ thể khổng lồ của chúng sẽ dần chìm xuống và phân hủy, làm mồi cho cá, cua, giáp xác mềm và cá mập. Một quá trình tính theo tuần theo tháng. Sau đó cái xác cá voi sẽ chìm xuống sâu hơn, qua khỏi vùng ánh sáng mặt trời. Áp lực nước ngày càng tăng, tốc độ chìm lại càng thấp và từ phần mô mềm phân hủy sinh ra bọt khí. Cái xác chìm xuống, gặp những loài cá mà chúng ta chẳng thể nào gọi là cá được, chúng trông như pháo hoa đóng chai, như dây thừng cuộn tròn lại và nhạc cụ bị lộn ngược từ trong ra ngoài. Con cá voi đã tới được vùng biển thẳm. Không một tia nắng nào chạm được đến nơi đây kể từ khi trái đất có nước. Cá mút đá mù lòa rình rập, mềm oặt và nhợt nhạt, trông như một thứ nội tạng biết bơi phọt ra từ các loài sinh vật biển khác. Chỉ có tiếng rột roạt nho nhỏ của bọn sao biển đuôi rắn, tự tách đôi mình ra và ăn tươi nuốt sống lẫn nhau. Đây là nơi vô cùng lạnh lẽo, chẳng khác gì địa ngục trần gian. Cá mút đá trồi lên, đón lấy cái xác rồi chui vào lớp thịt, luồn qua các hang hóc chúng tạo ra với nhầy và nhớt, hấp thụ dưỡng chất cá voi qua da của mình.

Sẽ tới lúc chỉ có sức nặng của bộ xương cá voi mới có thể kéo cả cái xác thịt bồng bềnh này xuống đáy biển. Khí metan nổi bọt bóng li ti, làm lớp da cá rời rạc, tả tơi và lớp cơ thịt thấm đầy nước, từ đó mọc lên một lớp thảm nào là sâu biển màu trắng dựng đứng lên (tựa như cỏ mọc trên mộ). Và rồi, thi thoảng, cả bộ xương cá voi sẽ bất thình lình bung ra khỏi cái đám mây xác chết của mình. Ban đầu, bộ xương lỏng lẻo sẽ cố dính lấy xương sống với các cơ và thịt, như một con rối rùng rợn, đầy ám ảnh trôi theo dòng hải lưu yên ả. Và rồi nó rơi xuống, chạm đáy biển, nơi mơn mởn một nghĩa trang của loài sâu biển. Từng đợt bùn lầy tràn tới, rồi lặn đi. Một lớp bột mịn từ thịt cá voi phủ lấy cái xác. Tuyết đại dương (thứ vật chất không tên, nhỏ chỉ như hạt muối đến từ các vùng nước gần mặt nước) không ngừng rơi xuống. Cá đuôi chuột, sên biển và giun biển lũ lượt kéo tới. Bộ xương được dọn sạch thịt và phồng mịn lên nhờ bọn vi khuẩn màu trắng bạc, trông như được phủ một lớp khăn lông mịn màng rộng hàng mét liền. Sẽ phải mất đến hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ để các xác được tiêu thụ hoàn toàn sạch sẽ, không để lại một thứ gì khác ngoài một vết hõm làm bóng tối càng thêm tối tăm hơn.

Cá voi là loài thở có ý thức, tức nó phải nhớ khi nào để thở Khi cái kết đã đến, triều thấp và một nhúm nhỏ người vẫn còn ở đó, tôi lại gần hơn để lắng nghe hơi thở hấp hối của con cá voi. Mắt nó – màu bóng đêm, màu sâu thẳm –  không có lông mi và theo lời một cán bộ thú hoang khác, không có tuyến lệ (vì khóc ở dưới nước để làm gì cơ chứ?). Tôi đứng lại gần nhất có thể, nói vào lỗ thở của con cá voi. Điều quan trọng trong khoảnh khắc này chính là sự tiễn đưa, đồng thuận rằng chúng ta sẽ không để cá voi ở lại một mình. Tình máu mủ, tôi nghĩ, chính là thứ mà chúng ta dành cho nó. Ai có thể khẳng định rằng tình cảm này lại không thể sánh bằng mũi tiêm an thần vẫn còn nguyên trong chiếc xe van kia? Không ai lắp hộp đạn vào súng trường hay múa may thanh thuốc nổ ân huệ nào cả. Như người ta nói, tự nhiên sẽ có cách của mình. Chúng ta tin vào câu nói này. Chúng ta lặp lại nó.

Dù khó có thể tưởng tượng ra, nhưng nhiệt độ bên trong con cá voi ngày càng tăng cao. Con người chúng ta, tôi nghĩ, hình dung cái chết như một ngọn lửa lụi tàn, ánh sáng dần mất đi ở mọi ngóc ngách, bị dập tắt từ bên trong, biến mất. Sự ra đi của cá voi thì khác. Tôi có cảm tưởng với mỗi câu nói mát lạnh và nhẵn mịn như đá cuội của mình, phải mất đến 5 phút hoặc lâu hơn để đến được não bộ của nó. Nhưng cá voi hiểu lời tôi nói ra làm sao chứ? Một câu nói rành mạch, đầy ý nghĩa, hay chỉ là những tiếng động, tạp âm, trong lúc gió đang vờn với ngọn cây, trong lúc chó sủa, bị chủ của chúng nắm xích kéo đi. Liệu cá voi có thấy tiếng loài người cũng du dương đến lạ lùng hệt như cách tiếng cá voi với chúng ta nghe thật du dương? Hay là ta chỉ đang xột xoạt làm phiền cá voi, như tiếng vo ve bên tai chúng?

Trong một chốc, tôi đặt tay lên mình cá voi, cảm nhận nhịp tim xa xôi của nó, nhịp điện thình thịch như khi ta đặt tay lên một cái tủ lạnh vậy. Sự sống ở tầm vóc này – sự sống loài hữu nhũ ở tầm cỡ này – vừa xa lạ lại vừa thân quen. Ôi, con cá voi lạc loài. Bị trói buộc trên thế gian này. Tấm lưới bóng đêm trải khắp mặt cát nhấp nhô. Tất cả chúng tôi chỉ biết đứng đó, lặng lẽ. Gió giật cũng đã lặng bớt. Tiếng thủy triều thì thầm trong vùng vịnh biển nhỏ bé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Cuộc chia cắt điên rồ
Có những cuộc chiến dù đã qua đi gần một trăm năm, nhưng những dư âm bi thương còn sót lại của nó thì dường như vẫn hằn sâu trong guồng quay của thời gian và kéo dài đến tận hiện tại…
Mới nhất