a
§ Tác giả: The School of Life | Nguồn: The School of Life
Biên dịch: Lưu Vũ | Hiệu đính:  za
13/06/2021

Giữ gìn thiên nhiên không phải là hành vi tự nhiên. Con người thường có động lực chinh phục và chế ngự thế giới tự nhiên: khai quang rừng rậm, săn bắt động vật, khơi thông đầm lầy và khai thác tất cả những gì có thể từ sâu trong lòng đất. Suốt một thời gian dài trong quá khứ, chúng ta ngợi ca những hành động này và cho rằng chúng vô hại. Những hành động của con người chỉ là hạt cát so với sự giàu có dường như vô tận của thiên nhiên. Chỉ mãi đến gần đây, khi tập hợp lại, chúng ta đã trở nên có khả năng tàn phá hành tinh và làm cạn kiệt một số nguồn tài nguyên của nó.

Chúng ta học cách giữ gìn thiên nhiên chỉ khi có ai đó sẵn lòng khơi gợi lên những cảm xúc bên trong chúng ta: chỉ ra vẻ đẹp và những chi tiết phức tạp của loài bướm, sự tinh khiết và sức mạnh ghê gớm của biển cả, lợi ích kinh tế và nét yêu kiều của những cây sồi…

Ở chính đất nước phá hoại và ô nhiễm bậc nhất mà nhân loại từng biết đến, đã có một người khơi gợi lên những cảm xúc như vậy cho cả một thế hệ – đó là Rachel Carson. Với tư cách là một nhà khoa học và nhà văn, gần như đơn thương độc mã trên hành trình của mình, Carson đã thuyết phục người dân trên đất nước mình tôn trọng thiên nhiên, và bà đã giúp họ nhận ra rằng họ đang trong quá trình tàn phá nó với một tốc độ nhanh hơn bất kỳ nền văn minh nào trước đây. Và tương lai sẽ rất tàn khốc nếu như họ không thay đổi bản tính kiêu ngạo của mình ngay từ lúc này.

Carson đã thuyết phục người dân trên đất nước mình nhận ra rằng họ đang trong quá trình tàn phá thiên nhiên với một tốc độ nhanh hơn bất kỳ nền văn minh nào trước đây. Ảnh: Unsplash

Thoạt nhìn, tác phẩm của Carson dường như chỉ là một lời cảnh báo đơn giản và cấp thiết về sự nguy hại của những công nghệ mới trong nông nghiệp (đặc biệt là các loại hóa chất độc hại), tuy nhiên, những bài viết của bà đã vượt ra ngoài một bài tham luận khô khan chống lại sự suy thoái môi trường. Cũng như một số ít nhà hoạt động môi trường trước đó và sau này, Carson đã nhận ra rằng, để có được sức hút trong một xã hội tiêu dùng dân chủ, bà sẽ phải lôi cuốn các độc giả của mình vào tình yêu thiên nhiên. Nó có thể không đủ để khiến họ cảm thấy tội lỗi với những gì mà chủ nghĩa tiêu dùng và lòng tham của họ đang gây ra cho thế giới; nhưng điều mà bà mong muốn đó là khơi gợi trong họ tình yêu với biển cả, những cánh rừng và thảo nguyên, để từ đó họ có cơ hội thay đổi cách sống của mình.

Vào cuối đời, Carson đã viết một quyển sách dành riêng cho trẻ em, được minh họa bằng những bức ảnh tuyệt đẹp về thiên nhiên. Bà đặt tên quyển sách là: The Sense of Wonder (Tạm dịch: Giác quan Kỳ diệu), và cố gắng hướng dẫn các bậc cha mẹ làm thế nào để giúp con cái họ cảm nhận được mối liên kết gần gũi với trái đất và sự kỳ diệu của tạo hóa ngay từ những năm tháng đầu đời:

“Thế giới của trẻ thơ quá đỗi trong trẻo, mới mẻ và đẹp đẽ, ngập tràn những điều kỳ diệu và niềm háo hức. Thật bất hạnh cho hầu hết chúng ta khi góc nhìn trong sáng, bản năng thật sự về những điều đẹp đẽ và đầy cảm hứng, đã bị lu mờ và thậm chí mất đi trước khi chúng ta đến tuổi trưởng thành. Nếu tôi có thể tác động được tới bà tiên tốt bụng, người nắm quyền năng rửa tội cho tất cả những đứa trẻ, tôi sẽ thỉnh cầu bà ấy tặng cho mỗi trẻ em trên thế giới này một giác quan kỳ diệu không thể bị phá hủy, và nó sẽ tồn tại suốt cả cuộc đời, như một liều thuốc giải độc không ngừng chống lại nỗi buồn chán và thất vọng của những năm tháng sau này, chống lại mối bận tâm khô khan với những thứ nhân tạo, cái xa lìa với nguồn gốc sức mạnh của chúng ta.”

Rachel Louise Carson (1907-1964).
Ảnh: Alfred Eisenstaedt/The LIFE Picture Collection via Getty Images

Rachel Louise Carson (1907-1964) sinh ra và lớn lên trong một nông trại nhỏ ở Pennsylvania, nơi bà đã học cách yêu động vật và thiên nhiên ngay từ những năm đầu đời. Ở thời kỳ mà phụ nữ theo đuổi một học vấn cao là điều không bình thường, bà đã tới trường Đại học Chatham và theo học hai chuyên ngành Tiếng Anh và Sinh học. Sau đó, bà bắt đầu làm nghiên cứu sinh tại Đại học Johns Hopkins. Tại đây, sau những nghiên cứu mệt mỏi và vô vọng về rắn hang và sóc, bà cuối cùng đã hoàn thành luận văn thạc sĩ về hệ thống bài tiết của cá. Tuy nhiên, bà đã phải rời bỏ lĩnh vực nghiên cứu này (và cả việc học cao hơn) để hỗ trợ gia đình đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn của mình. Đầu tiên là cha bà, sau đó là chị gái và cuối cùng là cháu gái của bà đều liên tiếp ra đi khi tuổi đời hãy còn rất trẻ.

Đó cũng là thời điểm diễn ra cuộc Đại Khủng hoảng, khi mà rất nhiều cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ đang tạo ra những công ăn việc làm mới, một vài trong số đó khá đặc biệt, để giảm thiểu số người thất nghiệp. Tình cờ, Carson đã nhận được công việc viết lời dẫn cho đài phát thanh của Cục Thuỷ sản Hoa Kỳ. Chuỗi chương trình có tên Romance under the Waters (Tạm dịch: Sự lãng mạn dưới làn nước), nhằm mục đích giáo dục người Mỹ về sinh học biển và tầm quan trọng của chính cơ quan này. Carson đã sớm tìm ra một ‘chiêu’ đặc biệt để khiến cho sự sống của các loài thuỷ sinh trở nên thú vị đối với công chúng. Bà viết về những con lươn, ốc xoắn và cua, về những con cá sao Thái Bình Dương, cá chìa vôi và cá bơn Remo, và đã thu hút được khán giả của mình. Bà đã khiêm tốn viết rằng: “Nếu trong cuốn sách của tôi chứa đựng những vần thơ về đại dương, thì không phải do tôi cố tình đặt chúng ở đó, mà bởi vì không ai có thể viết về đại dương một cách trung thực mà bỏ đi những vần thơ.”

Nhưng những vần thơ thực sự ở đó, và bà quả thật là thiên tài khi có thể biểu lộ được chúng:

“Ai hiểu biết về đại dương? Cả bạn và tôi, với những giác quan chỉ quẩn quanh nơi đất liền, chúng ta đều không biết gì về bọt trắng và những con sóng trào lên bất chợt, đánh úp chú cua đang ẩn mình dưới mái nhà tảo biển triều dâng. Cả bạn và tôi đều không biết gì về giai điệu du dương lên bổng xuống trầm giữa biển khơi, nơi những đàn cá lang thang rình mồi, và chú cá heo vỡ sóng vượt lên hít thở. Chúng ta cũng chẳng thể biết được sự thăng trầm của cuộc sống dưới đáy đại dương […], nơi những bầy cá nhỏ lấp lánh trong hoàng hôn như một cơn mưa sao băng màu bạc, và những con lươn nằm chờ nơi khe đá. Chúng ta càng biết ít hơn nữa về những tầng nước sâu cách chúng ta sáu dặm ở dưới đáy vực thẳm, nơi chỉ có thinh lặng, cái lạnh bất biến và đêm trường vĩnh cửu ngự trị.”

Cuối cùng, Carson đã viết ba quyển sách về đại dương. Quyển đầu tiên dành cho những suy ngẫm đầy chất thơ về biển (Under the Sea Wind – Tạm dịch: Dưới làn gió biển, 1941), quyển thứ hai (The Sea Around Us – Tạm dịch: Đại dương quanh ta, 1951) xem xét về các lối di cư và những tập tính theo mùa của các sinh vật biển, và quyển còn lại tập trung vào các hệ sinh thái ven biển, khả năng phục hồi cũng như tầm quan trọng của chúng (The Edge of the SeaBên rìa Đại dương, 1955). Bà có biệt tài khuyến khích độc giả từ bỏ quan điểm thiển cận bình thường của con người để học cách nhìn thực tại dưới góc độ của một con cá bống đầy màu sắc hay một con cá nheo đại dương. Bà hiểu rằng các dẫn chứng khoa học sẽ không bao giờ là đủ nếu muốn thu hút một cộng đồng đã chìm đắm vào các chương trình quảng cáo và nhu cầu việc làm, vậy nên bà cần tài năng của một cây viết cừ khôi để cứu lấy hành tinh này.

Ba trong số những tác phẩm tiêu biểu của Rachel Carson. Ảnh: Flickr.

Bà muốn thúc đẩy sự gắn bó chặt chẽ giữa toàn thể trái đất: để con người học cách coi mình là một phần của thứ gì đó bí ẩn, đẹp đẽ và mong manh, thay vì mặc nhiên xem mình là chủ nhân và là những kẻ hủy diệt ‘tài nguyên’. Tài năng của bà đã đạt đến đỉnh điểm trong cuốn sách tinh tế, hấp dẫn và xúc động nhất của mình, Silent Spring (Tạm dịch: Mùa xuân Im lặng, 1962).

Chủ đề chính của cuốn sách – nhìn từ xa – có vẻ không mấy hứa hẹn: thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, chính cuốn sách này sẽ bán được 20 triệu bản và thay đổi tiến trình lịch sử.

Vào cuối những năm 1950, Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ đã bắt đầu sản xuất hàng loạt thuốc trừ sâu hóa học được phát triển trong các phòng thí nghiệm do quân đội tài trợ. Phổ biến nhất là dichlorodiphenlytrichloroethane (DDT), ban đầu được dùng để xua đuổi những con bọ mang bệnh sốt rét ở các đảo ở Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới thứ hai. DDT rất hiệu quả và hữu ích đến mức người phát minh ra nó, Paul Hermann Müller, đã được trao giải Nobel.

Tuy nhiên, DDT hóa ra lại là một phát minh “quái vật Frankenstein.” Dần dần, xuất hiện một thực trạng rằng nó giết chết không chỉ côn trùng mang bệnh sốt rét, mà còn giết chết bất kỳ loại côn trùng nào khác trong nhiều tháng sau đó. Hơn nữa, DDT trôi theo nước mưa, thoát ra suối và các tầng chứa nước làm cho cá, chuột chũi, chuột đồng, cáo, thỏ và khá nhiều loài vật sống khác bị nhiễm độc. Các ứng dụng của DDT có khả năng gây ô nhiễm nguồn cung cấp thực phẩm của thế giới, cũng như là một trong những con đường gây ung thư trong các mô mỡ của con người.

Cuốn sách đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ. Mặc dù Carson lúc bấy giờ đã là một tác giả uy tín, nhưng các tạp chí và tờ báo đều tảng lờ những lập luận của bà. Các nhà khoa học đã giúp phát triển DDT và các công ty mà họ làm việc đã kịch liệt chối bỏ sự nguy hiểm của thuốc trừ sâu. Các công ty như Monsanto đã xuất bản các bài luận chiến chống lại tác phẩm và tung ra những tin đồn nhảm nhí về tác giả của nó. Giám đốc điều hành của một công ty bày tỏ sự bức xúc, “Nếu chúng ta nhất nhất làm theo lời dạy của cô Carson, chúng ta sẽ quay trở lại Thời kỳ Hắc ám, và côn trùng, bệnh tật và sâu bọ sẽ một lần nữa thừa hưởng trái đất.” Ezra Taft Benson, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, đã viết thư cho Tổng thống Eisenhower rằng, vì Carson có vẻ ngoài quyến rũ nhưng lại chưa kết hôn, nên cô ta “có lẽ là một người cộng sản.” (Trên thực tế, bà ấy có thể chỉ đơn giản là quá bận rộn với các bài viết khoa học, hoặc – có thể – có một tình bạn lãng mạn với một người bạn nữ thân thiết).

Bất chấp những nỗ lực của các tập đoàn và các đồng minh chính trị của họ, Mùa xuân Im lặng vẫn tạo đột phá. Dự đoán được những lời chỉ trích từ ngành công nghiệp hóa chất, Carson đã chuẩn bị cuốn sách như thể đây là một vụ kiện, và bao gồm 55 trang ghi chú ở cuối sách để chứng minh cho quan điểm của mình. Những lập luận của bà hệt như một tấm khiên vững chắc, đạn bắn không thủng.

Tiêu đề, Mùa xuân Im lặng, đã truyền tải hình ảnh đáng sợ về một thế giới không có loài chim biết hót, và hầu như không tồn tại một sự sống nào từ thiên nhiên. Tác phẩm mở đầu với mô tả về một thị trấn nhỏ không tên của Mỹ, có đầy đủ các tiện ích tiêu dùng, các thiết bị sang trọng và các cửa hàng thực phẩm rẻ tiền, nhưng không có chim cổ đỏ hoặc bọ rùa, chim sơn ca hay sóc. Một thế giới được chỉnh trang vì sự tiện lợi của con người sẽ không còn là thế giới dành cho con người.

Một thế giới được chỉnh trang vì sự tiện lợi của con người sẽ không còn là thế giới dành cho con người. Ảnh: Unsplash

Carson kêu gọi chúng ta hãy để mặc tự nhiên: khi được bỏ mặc tự sinh tự diệt, với các phương tiện của chính mình, tự nhiên sẽ tự chiến đấu để chống lại tình trạng gia tăng số lượng của côn trùng. Nhưng nếu con người nhúng tay vào ngăn cản, các quần thể không mong muốn cuối cùng sẽ có khả năng kháng tất cả các chất độc và sau đó bùng nổ số lượng nhanh chóng, bởi vì các loài côn trùng thiên địch luôn kiểm soát sâu bệnh sẽ vô tình bị giết hại.

Carson kết luận rằng các nhà khoa học (và con người hiện đại nói chung) khá ngây thơ về mặt triết học khi cho rằng thiên nhiên là một lực lượng có thể điều khiển theo ý muốn, thay vì là một thực thể rộng lớn, phức tạp và dữ dội có phản ứng không thể đoán định trước bất kỳ hành động nào của con người. Bà đề nghị rằng con người nên sáng tạo hơn khi tìm kiếm phương án ngăn chặn sự phá hoại của côn trùng, ví dụ, bằng cách ngăn chặn khả năng sinh sản của chúng, hoặc sử dụng cùng một loại hóa chất “nhử” côn trùng bắt lẫn nhau, hay bằng cách sử dụng âm thanh ở một tần số cụ thể để tiêu diệt ấu trùng. Quay sang vấn đề lớn hơn của con người và môi trường của họ, sau đó, bà nhắc nhở độc giả rằng, đối phó với thiên nhiên sẽ luôn đòi hỏi sự cảm kích, tôn trọng và kính trọng thiên nhiên, và hiểu rằng đó là một lực lượng hầu như nằm ngoài tầm kiểm soát và sự hiểu biết đầy đủ của con người.

Với phong cách viết trữ tình, khao khát bảo vệ nét ban sơ của tự nhiên và tình yêu thiên nhiên của mình, Carson – trong thời đại khoa học – là người kế thừa David Henry Thoreau. Giống như Thoreau, công việc của Carson được dẫn dắt bởi tinh thần trách nhiệm đối với trái đất, biển cả và bầu trời. Giống như Thoreau, Carson coi chúng là suối nguồn của sức khỏe tinh thần và minh triết. Bằng cách học cách sống hòa hợp hơn với chu kỳ của chúng, với các quá trình tinh tế mà cũng rất đỗi đơn giản của chúng, con người sẽ được khơi nguồn tri thức và có khả năng chống lại các tệ nạn tâm lý của đời sống hiện đại.

Công việc của Carson được dẫn dắt bởi tinh thần trách nhiệm đối với trái đất, biển cả và bầu trời. Ảnh: Unsplash

Carson qua đời vì bệnh ung thư vú ngay sau khi xuất bản cuốn Mùa xuân Im lặng, nhưng tác phẩm của bà vẫn có sức sống mãnh liệt. Cuốn sách nhanh chóng trở thành nguồn cảm hứng quan trọng đối với phong trào môi trường sơ khai. DDT không chỉ bị kiểm soát chặt chẽ và cuối cùng bị cấm (cả ở Hoa Kỳ và nước ngoài), quan điểm của Carson về tự nhiên đã trở thành một phần trong nhận thức chung của chúng ta. Phần lớn là nhờ bà, mà giờ đây chúng ta mới có thể nghĩ rằng mình là một phần của hệ sinh thái lớn hơn, vốn dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những hoạt động sống của con người, và cần được đối xử với lòng khiêm nhường và thái độ cẩn trọng nhất.

Carson tiết lộ rằng những thứ mà ta thường cho là các vấn đề kỹ thuật phức tạp (như việc loại bỏ sâu bệnh ở các cánh đồng ngô miền Trung Tây) thực chất là một vấn đề siêu hình và thuộc phạm trù đạo đức. Về cơ bản, việc quản lý tốt trái đất đòi hỏi chúng ta phải thấu hiểu cả sức mạnh khoa học, sự ngu muội về đạo đức và sự mù quáng trong trí tưởng tượng của chúng ta.

Chân dung nhà sinh vật học, nhà văn và nhà bảo tồn người Mỹ Rachel Carson , ở ven biển Maine. Ảnh chụp vào năm 1961.
Ảnh: Alfred Eisenstaedt/The LIFE Picture Collection via Getty Images

Trong cuốn sách dành cho trẻ em được xuất bản sau khi bà mất, Giác quan Kỳ diệu, Carson đã rũ bỏ lớp vỏ bọc của nhà khoa học để nói với chúng ta bằng những điều dễ hiểu nhất, cảm động nhất về cách yêu thương con tàu mẹ (mothership) nhỏ bé màu xanh đã duy trì sự sống của chúng ta:

“Vào một đêm mùa thu đầy giông bão, khi cháu trai Roger của tôi chỉ mới khoảng hai mươi tháng tuổi, tôi quấn cháu trong một chiếc chăn và bế cháu xuống bãi biển trong màn mưa đêm. Ngoài kia, ngay trước lằn ranh của nơi mà chúng ta không thể nhìn thấy, những con sóng lớn đang ầm ầm ập đến, những hình thù màu trắng mập mờ đang bùng lên, hò hét và ném những đám bọt lớn về phía chúng tôi. Chúng tôi cùng nhau cười vì niềm vui thuần khiết — cậu bé lần đầu gặp gỡ sự náo động hoang dã của Oceanus1, còn tôi với muối mặn mòi của tình yêu với biển suốt nửa đời người trong tôi. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã cùng cảm thấy sởn gai ốc trước đại dương bao la đang gầm rú và màn đêm hoang vu bao bọc quanh chúng tôi.”

Đó có lẽ là ý tưởng căn bản nhất của bà: rằng tình yêu, chứ không phải cảm giác tội lỗi, là chiếc chìa khóa để biến đổi mối quan hệ của nhân loại với tự nhiên…


  1. Trong thần thoại Hy Lạp: Oceanus là người con đầu tiên, là vị thần Titan của các đại dương, là hiện thân của sông suối, mây mưa, … là vị thần Titan nguyên thủy của dòng sông Okeanos vĩ đại, bao quanh trái đất, cội nguồn của tất cả nước ngọt của trái đất – sông, giếng, suối và mây

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất