a
§ Tác giả: Joanna Mendelssohn | Nguồn: Theconversation
Biên dịch: Nhi | Hiệu đính:  Za
11/05/2019

Bức họa vẽ năm 1936 của Karl Hofer đã gói gọn tình cảnh tiến thoái lưỡng nan của giới nghệ thuật Đức vào nửa đầu thế kỷ 20. Kassandra là hình dung ảm đạm của nữ tiên tri thành Troy, người bị phán truyền sẽ luôn nhìn thấu trước tương lai, nhưng đồng thời lại không được ai tin tưởng. Năm 2019, bức họa này được trưng bày trong triển lãm Kassandra: Visionen des Unheils 1914-1945 (tạm dịch: Cassandra: Lời tiên tri về thảm họa 1914-1945) tại Viện Bảo tàng Lịch sử Đức, và thông điệp của nó đã ám ảnh tôi kể từ lúc ấy.

Triển lãm này bao gồm một số tác phẩm xuất sắc nhất của nền nghệ thuật Đức kể từ những năm 1920, thời điểm mà giới trí thức, đặc biệt là những người hoạt động nghệ thuật, đã thấy trước được cơn ác mộng Đức Quốc Xã rồi sẽ trở thành một “bình thường mới” (new normal)1. Một số ngộ ra mình đang thấy gì và rời khỏi đất nước. Phần lớn phải hứng chịu những hậu quả của việc hoài nghi. Lời nhận xét sâu cay của diễn viên hài người Anh Peter Cook về “những trò tiêu khiển tuyệt diệu ở Berlin đã đóng góp nhiêu đây vào việc ngăn chặn sự trỗi dậy của đế chế Hitler và sự bùng nổ của Thế chiến thứ hai” thường được trích dẫn như một bằng chứng đanh thép rằng: nghệ thuật chỉ là một thứ bình luận phù phiếm khi đối mặt với bạo ngược.

Tuy vậy, những người nghệ sĩ vẫn kiên trì thách thức quan điểm kể trên trong nỗ lực đánh thức lương tri của thế giới. Người nghệ sĩ không chỉ trở thành nhân chứng buộc tội cho những tội ác trong thời đại của chúng ta, họ còn đem lại cho người xem một góc nhìn khác về thế giới.

Sự vô ích của nghệ thuật?

Trước thời kỳ đầu của thế kỷ 19, chiến tranh thường được tái hiện trong nghệ thuật như một cuộc xông pha mạo hiểm đầy hào hùng, còn cái chết là một biểu tượng cao quý và không dính chút máu tanh. Cho đến khi Goya vẽ bộ tranh in The Disasters of War (tạm dịch: Thảm họa Chiến tranh) và thể hiện toàn bộ nỗi kinh hoàng mà Napoleon đã gieo rắc lên mảnh đất Tây Ban Nha. Đó là lần đầu tiên nghệ thuật lột tả nỗi thống khổ của con người trước sức mạnh quân sự. Sau bộ tranh này của Goya, chiến tranh không bao giờ còn được coi là một cuộc phiêu lưu hào hùng chân chính được nữa.

Enterrar y Callar (Bury Them and Keep Quiet), tranh của Goya. Ảnh: Wikimedia

Một thế kỷ sau đó, Otto Dix, người đã tình nguyện tham gia vào Thế chiến thứ nhất và được trao tặng huân chương Thập tự Sắt cho đóng góp của ông trên Mặt trận phía Tây2, trở thành mục tiêu căm ghét của quân Đức Quốc Xã vì bộ tranh in khắc năm 1924 mang tên Der Krieg (tạm dịch: Cuộc chiến). Tiếp nối di sản mà Goya để lại, ông đã khắc họa nên những điều ám ảnh mãnh liệt nhất về nỗi kinh hoàng của chiến trường mà chính ông đã trải qua, trong những chiến hào đẫm máu và lấm bùn, nơi những kẻ cuồng điên lang thang và hoa anh túc nở ra từ hộp sọ người chết.

Hiện thực trần trụi được mô tả trong tranh của Dix không tương thích với những thông điệp tuyên truyền về sự hy sinh vĩ đại. Die Trench (tạm dịch: Chiến hào), bức họa ông vẽ năm 1923 (đã bị phá hủy trong Thế chiến thứ hai), ngay tức khắc bị Đảng Quốc Xã chỉ trích là thứ nghệ thuật “làm suy yếu tâm thế sẵn sàng cho chiến đấu cần có trong lòng mỗi người dân.” Đúng là một Cassandra.

Phản ứng mãnh liệt của Dix trước cuộc xung đột tàn khốc đầu tiên trong thế kỷ 20 đã trở thành nguồn cảm hứng cho những tác phẩm nghệ thuật gần đây về đề tài chiến tranh và hậu quả mà nó để lại về sau, trong số đó có tác phẩm của Ben Quilty và George Gittoes. Được thực hiện trong quãng thời gian ông đảm nhiệm vai trò họa sĩ chiến tranh chính thức của nước Úc, bộ tranh After Afghanistan (tạm dịch: Hậu Afghanistan) của Quilty đã mô tả những chấn thương tâm lý kéo dài của các cựu binh khi trở về từ cuộc chiến phi nghĩa.

Một bức họa thuộc bộ tranh After Afghanistan của Ben Quilty. Ảnh: Deepwarren (Flickr)

Cả Quilty và Gittoes đều tạo ra những tác phẩm khơi gợi lòng thấu cảm với những con người mắc kẹt trong chiến tranh, nhưng không hề đặt dấu chấm hỏi với các chính sách đã dẫn đến xung đột bạo lực. Quân đội Úc vẫn giữ vững truyền thống lâu đời: can dự vào các cuộc chiến đấu của các quốc gia khác.

Ý tưởng rằng sự vô ích của nghệ thuật có thể được dùng làm vũ khí phản kháng dường như được sinh ra từ bức họa phản chiến nổi tiếng nhất, Guernica của Picasso, được vẽ để trưng bày tại gian hàng Tây Ban Nha ở Hội chợ Thế giới 1937 tại Paris. Ngày 26/04/1937, quân đội phát xít Đức và Ý đã dội bom vào thị trấn Gernika thuộc xứ Basque nhằm hỗ trợ tướng độc tài Franco nắm quyền kiểm soát Tây Ban Nha. Bức họa Guernica được tạo ra khi nỗi đau còn rỉ máu, bởi một nghệ sĩ biết rõ rằng mình đang tiếp nối truyền thống nghệ thuật đả kích của Goya và Dix.

Đó là một bức tranh khổ rộng, chứa những đường nét dứt khoát và phủ lớp sơn tróc vảy cố ý màu đen, trắng và xám nhằm tôn vinh tờ báo đầu tiên đưa câu chuyện ra ánh sáng. Đến tận bây giờ, tức 80 năm sau khi nó ra đời, bức họa này vẫn đủ sức khiến người ta phải bàng hoàng.

Năm 1938, để gây quỹ hỗ trợ Tây Ban Nha, người ta đã mang Guernica đi trưng bày khắp nước Anh; tại thành phố Manchester, bức tranh được ốp vào tường trong một căn phòng trước đây được sử dụng để trưng bày xe hơi. Hàng nghìn người đổ xô đi xem, nhưng cũng chẳng có ích gì. Chính phủ Anh từ chối can thiệp. Đến năm 1939, tướng Franco thắng trận và thiết lập chế độ phát xít tại Tây Ban Nha; chế độ này chỉ hoàn toàn kết thúc khi ông qua đời vào năm 1975.

Guernica của Picasso. Ảnh: Robert Huffstutter (Flickr).

Những năm sau thế chiến thứ hai, các tái bản hàng loạt của bức họa Guernica với thông điệp phản chiến mạnh mẽ được treo lên tường của các phòng học trên khắp thế giới. Những người đã từng được xem bức họa này cũng chính là thế hệ đã đứng nhìn Mỹ dội bom vào Việt Nam, Lào và Campuchia.

Cuộc khủng hoảng của thời đại chúng ta

Cuộc khủng hoảng của thời đại chúng ta, tức biến đổi khí hậu do con người, đã bắt đầu gây ra chiến tranh và nạn đói cũng như những ảnh hưởng về xã hội và chính trị thường thấy. Hậu quả của chúng là cuộc di cư hàng loạt của người tị nạn toàn cầu. Dòng người lưu vong này là một trong những chủ đề của Triển lãm Lưỡng niên Sydney (Biennale of Sydney) hiện giờ.

Trong số bảy địa điểm trưng bày, có ba nơi chủ yếu triển lãm các tác phẩm của Ai Weiwei (Ngải Vị Vị), người đã sử dụng phong cách nghệ thuật đả kích để phơi bày từ nạn tham nhũng ở Trung Quốc cho tới nỗi thống khổ của hàng triệu người trên thế giới. Tác phẩm điêu khắc khổng lồ của ông, Law of the Journey (tạm dịch: Luật đường), gợi nhắc đến vô số chiếc bè đậu trên bờ biển Địa Trung Hải. Có chiếc chở các thuyền nhân đến nơi đất khách quê người — nơi họ không hề được chào đón; số khác bị chìm trên biển. Nhiều người đã chết đuối ngoài khơi trong khi đang tìm cách trốn thoát đến một viễn cảnh tương lai nào đó. Ai Weiwei đã nhồi cả một đám đông tị nạn vô danh vào chiếc thuyền khổng lồ của mình, cốt để người xem mường tượng ra độ nghiêm trọng khủng khiếp của vấn đề.

Law of the Journey của Ai Weiwei. Ảnh: Gilbert Sopakuwa (Flickr).

Mặc dù tác phẩm đang được xếp rất vừa vặn trong không gian sâu hun hút của Nhà máy Điện Cockatoo, Law of the Journey ban đầu được thực hiện để trưng bày riêng trong Phòng trưng bày Quốc gia tại Séc, đất nước từng gửi người tị nạn đi khắp thế giới nhưng giờ đây lại từ chối nhận những người trôi dạt tới đây. Dưới đáy con thuyền là văn khắc về những thái độ đã dẫn đến thảm kịch xuyên quốc gia này. Chúng đi từ lời khẩn cầu của nhà văn Carlos Fuentos rằng tất cả hãy “nhận ra chính bản thân mình cũng hiện diện trong những người không giống bạn và cũng chẳng giống tôi” đến vị anh hùng văn chương và chính trị người Séc Václav Havel3.

Từ năm 1979 đến năm 1982, khi ông bị bỏ tù, Havel đã viết thư cho vợ mình là bà Olga. Bởi các điều khoản chốn tù ngục, những lá thư đó không được phép công khai bày tỏ quan điểm đả kích. Dẫu vậy, ông đã chắp bút nên một bài bình luận xuất sắc về bản chất của con người hiện đại, bài bình luận này về sau mới được xuất bản. Quan sát của ông — “Bi kịch của con người hiện đại không phải là càng ngày anh ta càng hiểu ít đi về ý nghĩa cuộc đời của chính anh, mà là càng ngày anh ta càng chẳng đoái hoài đến nó nữa” — được in khắc ở đây thì vô cùng hợp lý.

Trong không gian riêng biệt của phòng trưng bày Artspace, khó có thể biết được đâu mới là một mảnh liên quan của một tác phẩm sắp đặt. Một quả cầu pha lê khổng lồ đặt trên một chồng những chiếc áo phao phai màu bị vứt lại trên bờ biển Lesbos. Nó ngụ ý về một thế giới đang ở ngã tư đường. Chính phủ và người dân phải quyết định sẽ đi theo hướng nào trong thời điểm khủng hoảng này.

Nghệ thuật làm chứng

Bộ phim Human Flow (tạm dịch: Dòng người) của Ai Weiwei thể hiện cơn khủng hoảng đó theo một cách không thể phủ nhận được. Bộ phim được công chiếu lần đầu tại Nhà hát Opera Sydney (Úc) trong chuỗi sự kiện mở màn của Triển lãm Lưỡng niên Sydney nhưng hiện tại đã được phát hành cho đông đảo công chúng. Nó vừa để lại ấn tượng mạnh mẽ, vừa mâu thuẫn một cách đầy chủ ý.

Phim mở đầu với khung hình tuyệt đẹp về một vùng biển Địa Trung Hải yên tĩnh — rồi ống kính phóng cận cảnh vào một con thuyền cao su chen chúc những chiếc áo phao cứu hộ màu cam. Đó là những người đang liều mạng vì giấc mơ châu Âu. Trong lúc những người này được đỡ lên bờ trên một bãi đá thuộc đảo Lesbos, một hành khách kể về những con tàu theo sau và nỗi sợ rằng họ sẽ không thể tới đích bởi những dãy đá. Rất nhiều người đã bỏ mạng trên biển. Một vẻ đẹp khủng khiếp ẩn mình trong làn khói xám cuồn cuộn từ những mỏ dầu đang cháy mà phiến quân ISIS để lại ở Mosul, và trong cả những cơn bão bụi khổng lồ được quay tại châu Phi, nơi biến đổi khí hậu đang buộc nhiều người rời bỏ mảnh đất quê nhà.

Human Flow trailer

Đối với người dân Úc, thái độ và hành xử của chính phủ Macedonia, Pháp, Israel, Hungary và Mỹ dường như gợi nhắc về sự tàn bạo của chính phủ nước nhà. Bộ phim lập luận rằng ngày nay có khoảng 65 triệu người tị nạn, và hầu hết những người này sẽ trải qua hơn 20 năm trong cảnh sống tạm bợ. Dự án nhân đạo về một châu Âu khác sau Thế chiến thứ hai nơi hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn cho những người tị nạn, cuối cùng đã kết thúc với dây thép gai, hơi cay và những cái chết trên biển.

Vào một thời điểm như thế này trong lịch sử loài người, câu trả lời sơ sài cho một vấn đề chỉ mang lại thảm họa. Từ chối cho người tị nạn nhập cảnh hay trả họ về quê hương không an toàn lại dẫn tới thêm một chuyến hành trình dài hoặc thêm nhiều cái chết trên biển. Tạo ra một đội quân gồm toàn các chàng trai trẻ đã mất hết hy vọng là công thức chiêu mộ thành viên của ISIS và các tổ chức kế nhiệm. Những người nhìn thấy một tương lai hứa hẹn cho họ và con cháu của họ sẽ ít có khả năng trở thành những kẻ ném bom tự sát.

Human Flow cho rằng cuối cùng thì tổng thống và nghị viện là những bên phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng tị nạn và việc thực thi giải pháp, và rủi thay, họ lại thấy chẳng cần phải thích nghi với một thế giới đang đổi thay.

Tác phẩm này sẽ không thay đổi được chính sách vô nhân đạo của nước Úc đối với người xin tị nạn. Vào đêm công chiếu tại Nhà hát Opera Sydney, Ben Quilty đã hỏi Ai Weiwei rằng liệu ông có nghĩ rằng bộ phim sẽ tạo ra sự thay đổi nào đó không. Ông trả lời: “Có lẽ là chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi thôi.”

Giá trị sau rốt của Human Flow nằm ở việc bộ phim chính là nhân chứng nếu như có lúc nào đó các chính phủ bị buộc phải chịu trách nhiệm về trò nực cười của mình. Ai Weiwei đã thu thập tài liệu để công chúng thấy rằng ông có đủ bằng chứng kết tội thời đại của chúng ta đã ném nhân tính vào sọt rác ra sao. Ông chính là một Cassandra thời hiện đại, kể sự thật với cường quyền thông qua tiếng nói của nghệ thuật. Những kẻ có quyền rồi thì cũng chỉ ngưỡng mộ tính thẩm mỹ trong nghệ thuật của ông và đóng khung nó trong những bộ sưu tập tranh chính thống, đặt tại những quốc gia nơi người ta tiếp tục bỏ ngoài tai thông điệp của ông.

Cầu nối văn hóa

Những nghệ sĩ khác trong triển lãm có cách tiếp cận khác và có lẽ là nhẹ nhàng hơn một chút. Tiffany Chung, người từng chạy khỏi Việt Nam và trở thành một người tị nạn trong cơn khủng hoảng di cư thập kỷ 1970, hiện đang trưng bày một số tác phẩm tại Artspace. Hình thêu tỉ mỉ của cô trên tấm bản đồ thế giới vẽ lại tuyến đường di chuyển của những thuyền nhân Việt Nam và Campuchia, còn các tài liệu đi kèm cho thấy họ đã bị đón nhận bằng cái nhìn nghi ngờ và không mấy thiện cảm, giống như tình trạng mà người tị nạn ngày nay đang phải đối mặt.

Trường hợp có hai quê hương như Chung, cả ở Mỹ và Việt Nam, là một lời nhắc nhở rằng những quốc gia rộng lòng đón nhận người tị nạn có thể hưởng lợi từ sự hiện diện của chính những người này, và rồi, theo thời gian, những cuộc xung đột sẽ đi đến hòa giải. Kỳ vọng rằng nghệ thuật phải thay đổi chính sách hay số phận loài người là một đòi hỏi quá tầm, bởi lẽ trải nghiệm trong việc tiếp nhận nghệ thuật là một điều hết sức riêng biệt. Có thể nghệ thuật sẽ thay đổi cách con người nhìn cuộc sống, nhưng nhiều khả năng sự biến chuyển này cũng tùy từng cá nhân mà thôi.

My God, Help me Survive this Deadly Love, tranh họa lại trên Bức tường Berlin, Dmitri Vrubel, 1990. Ảnh: Flickr

Tại một nhà xưởng rộng nằm trên đồi ở đảo Cockatoo, tác phẩm sắp đặt Bring the Silence (tạm dịch: Mang im lặng tới) của Khaled Sabsabi tiếp nối hành trình được anh bắt đầu từ lâu — tôn vinh truyền thống sáng tạo của đạo Sufi4 và dùng nó như một cây cầu kết nối các nền văn hóa với nhau. Trước cả khi bước vào nhà xưởng, khách tham gia đã chú ý tới mùi hương quyến rũ len lỏi trong không khí của những cánh hoa hồng. Trong bóng tối, mùi hương ngào ngạt này nồng đậm tỏa khắp không gian, và nền đất được trải những tấm thảm mua từ “thiên đường” mua sắm đồ Trung Đông — khu ngoại ô Auburn ở phía tây Sydney. Bao quanh người xem là những âm thanh đường phố đã được xử lý cho dịu bớt, trong khi những mảng màu chói sáng từ màn hình treo trần khổng lồ và những cánh hồng tỏa hương mê hoặc họ.

Bring the Silence là một video có tám kênh, với mỗi màn hình cho ta thấy một góc nhìn khác về một ngôi mộ ở Delhi — đền thờ vị thánh Sufi vĩ đại Muhammad Nizamuddin Auliya. Một vài người đàn ông đang rải cánh hoa hồng và những tấm lụa màu rực rỡ lên nắm đất nơi hài cốt ngài an nghỉ, và số khác thì cầu nguyện. Phụ nữ và những kẻ ngoại đạo không được phép bước chân vào chốn linh thiêng này; Sabsabi đã phải xin phép để được đặc cách quay phim tại đây. Muhammad Nizamuddin Auliya là một trong những vị thánh thời trung cổ hào phóng nhất, người tin rằng tình yêu với Chúa dẫn đến tình yêu với nhân loại, và sự sùng kính đi cùng lòng tốt.

Sabsabi đã dành nhiều năm nghiên cứu về truyền thống Hồi giáo vui tươi bậc nhất này. Với những đồng hương sinh sống tại vùng ngoại ô phía tây Sydney, anh cho họ thấy nghệ thuật có thể vượt qua rào cản văn hóa giữa người Úc theo đạo Hồi và không theo đạo Hồi ra sao. Với người ngoại đạo, anh hướng họ tới một khía cạnh đầy sáng tạo và huyền bí của Hồi giáo, cái nhìn ấy bao dung hơn hình ảnh về đức tin vẫn thường bị những kẻ thích giật tít đem ra bêu riếu.

Điệu múa xoay tròn của đạo Sufi. Ảnh: Wikimedia.

Cách thức vận động bằng nghệ thuật thị giác này là lý do tại sao không có gì bất ngờ khi thấy các tác phẩm của Sabsabi tại triển lãm Waqt al-tagheer: Time of change (tạm dịch: Thời thế của sự thay đổi) ở thành phố Adelaide. Các nghệ sĩ, những người tự gọi mình là mười một (eleven), đại diện cho một nước Úc Hồi giáo đa sắc màu — họ sử dụng các phương thức biểu đạt nghệ thuật khác nhau để thách thức những định kiến khuôn mẫu (stereotype) về con người. Chiến lược triển lãm này được mô phỏng dựa trên một triển lãm Thổ dân rất thành công khác là ProppaNow, tập thể này trong 15 năm qua đã hợp tác để đưa những mối quan tâm và nghệ thuật của Thổ dân thành thị đến gần hơn với công chúng. Thành công sau đó của họ với vai trò nghệ sĩ là thành quả của cả cá nhân và tập thể. Một điều quan trọng không kém là những người này đã trực tiếp chứng kiến sự biến chuyển trong thái độ của người đời khi hình dung về một Thổ dân.

Sự biến đổi nảy mầm từ nghệ thuật không chỉ gói gọn ở từng tác phẩm. Ở xứ Tasmania, sự xuất hiện có phần lập dị của Bảo tàng Nghệ thuật Cũ và Mới (MONA), thuộc sở hữu của David Walsh, được ghi nhận là yếu tố quan trọng nhất góp phần phục hưng bang này. Bảo tàng đó tuy không phải là lý do duy nhất — những hòn đảo ôn đới phủ xanh đang ngày càng trở nên thu hút trong khi thế giới nóng dần lên — nhưng có là người hoài nghi nhất thì cũng phải thừa nhận những đổi thay mà ông đã mang đến bằng nghệ thuật.

Những biến chuyển mà nghệ thuật và những người thực hành nghệ thuật tạo ra có lẽ không diễn ra trong ngày một ngày hai. Bộ trưởng Nội vụ Úc Peter Dutton sẽ không vì bộ phim Human Flow mà thay đổi hoàn toàn quan điểm với người tị nạn. Nhưng ông ấy không nhất thiết thuộc về nhóm đối tượng mà tác giả muốn hướng đến. Như Ai Weiwei đã viết: “Nghệ thuật là một dạng thực hành xã hội giúp con người tiến gần hơn đến chân lý.” Đó có lẽ là tất cả những gì chúng ta có thể mong cầu từ nghệ thuật.


  1. “New normal” là một nhận thức hay tình trạng mới mà được mọi người coi là bình thường, trong khi trước đây ai cũng nghĩ nó là một điều bất thường và kỳ quặc.

  2. Otto Dix nhập ngũ năm 1915 và chiến đấu ở Mặt trận phía Tây trong Trận Somme.

  3. Václav Havel là nhà văn, nhà soạn kịch, triết gia và nhà ly khai người Séc, sau này trở thành Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Séc. Ông đóng vai trò quan trọng trong Cách mạng Nhung (1989), dẹp bỏ chế độ toàn trị cộng sản và đấu tranh cho tự do dân chủ ở Đông Âu.

  4. Đạo Sufi, hay Hồi giáo Sufi hay Hồi giáo Mật Tông, là một nhánh Hồi giáo nghiêng về chiều hướng thần bí, hướng tới một chân lý duy nhất qua tình yêu và sự gần gũi với Thượng đế (Allah).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất