a
§ Tác giả: The Book of Life | Nguồn: The Book of Life
Biên dịch: Thành Nguyên | Hiệu đính:  Nhi
17/08/2019

Aristotle ra đời vào khoảng năm 384 trước Công nguyên tại Vương quốc Macedonia của Hy Lạp cổ đại, nơi cha ông là một ngự y hoàng gia. Khi lớn lên, ông trở thành một triết gia mà nhiều người cho rằng có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại, với những biệt danh khiêm tốn như “người thầy,” hay đơn giản là “triết gia.” Một trong những công việc vĩ đại của ông là huấn luyện Alexander Đại đế, người mà sau đó sẽ chu du và chinh phục thế giới mà chúng ta biết đến ngày nay.

Aristotle học ở Athens, làm việc cùng Plato trong nhiều năm và sau đó tách riêng ra để đi theo con đường của mình. Ông thành lập một trung tâm nghiên cứu và giảng dạy có tên gọi The Lyceum: các trường cấp hai của Pháp giờ mang tên lycées là nhằm để vinh danh sự tiên phong này. Các môn đồ của ông được đặt tên là Peripatetics, những kẻ lang thang. Các cuốn sách của ông thật ra chỉ là ghi chép lại từ những bài giảng dạy.

Aristotle thích thú với câu hỏi vạn vật thực sự vận hành như thế nào. Phôi gà phát triển trong trái trứng như thế nào? Mực sinh sản ra sao? Tại sao một loài cây phát triển xanh tốt ở nơi này, nhưng lại cằn cỗi ở nơi khác? Và, quan trọng nhất là, điều gì khiến đời sống con người và toàn thể xã hội diễn ra tốt đẹp? Đối với Aristotle, triết học đồng nghĩa với trí tuệ thực hành. Dưới đây là bốn câu hỏi lớn về triết học mà ông đã trả lời:

1. Người ta hạnh phúc vì điều gì?

Trong bộ tác phẩm Đạo đức học Nicomachean1 — quyển sách sở dĩ có cái tên như vậy là vì nó được biên tập bởi con trai ông, Nicomachus — Aristotle hướng bản thân mình đến công việc nhận dạng các yếu tố có thể khiến con người có một đời sống tốt lành hoặc ngược lại. Ông cho rằng những người thành công và tốt đẹp đều sở hữu những đức hạnh rõ ràng, và ông đề nghị rằng ta nên cố gắng hơn nữa trong việc nhận dạng những đức hạnh đó là gì, từ đó nuôi dưỡng được những đức hạnh đó trong bản thân mình, và tôn vinh người khác khi họ sở hữu được những đức hạnh đó.

Aristotle cũng nhận thấy mọi đức hạnh dường như luôn nằm giữa hai tật xấu. Đây là cái mà ông gọi là “cái trung dung vàng ngọc”2 giữa hai thái cực của một tính cách. Ví dụ như, trong quyển thứ tư của bộ Đạo đức học, với những tên gọi gán cho những đức hạnh và những tật xấu trong việc chuyện trò — sự hóm hỉnh, việc pha trò, và sự thô lỗ — Aristotle nghiên cứu những cung cách khiến người ta trở nên tốt đẹp hay tồi tệ hơn khi trò chuyện cùng người khác.

Aristotle nhận ra rằng biết cách tạo ra một cuộc trò chuyện tốt đẹp là một trong những thành phần mấu chốt của một đời sống tốt đẹp. Vài người không làm được điều này bởi họ thiếu mất khiếu hài hước: đây là tuýp người nhạt nhẽo, “những kẻ bất lực trước mọi loại giao tiếp xã hội bởi họ chẳng đóng góp được gì và còn nhạy cảm với mọi thứ.” Nhưng cũng có những người lại hài hước thái quá: “tên hề thô lỗ không thể nhịn đùa cợt, chẳng buông tha cho bản thân mình lẫn bất kỳ ai khác, miễn sao gã có thể gây cười, và nói ra những điều mà một người tinh tế chẳng bao giờ mơ đến việc thốt ra.” Vậy nên người đức hạnh là người có được cái trung dung vàng ngọc trong lĩnh vực này: dí dỏm mà vẫn khéo léo.

Trong một cuộc khảo sát thú vị về tính cách và hành vi, Aristotle phân tích các mức độ “quá ít,” “quá nhiều” và “vừa phải” đối với một loạt các đức hạnh. Chúng ta không thể dễ dàng thay đổi hành vi của mình trong bất kỳ lĩnh vực nào. Nhưng thay đổi một cách từ từ thì lại khả thi. Theo Aristotle, đạo đức tốt là kết quả của thói quen. Nó đòi hỏi thời gian, thực hành, và sự động viên. Vậy nên Aristotle nghĩ rằng, người thiếu đức hạnh nên được hiểu là kém may mắn, thay vì xấu xa. Điều họ cần không phải là bị la mắng hay bị ném vào tù ngục, mà là những người thầy tốt hơn và được chỉ dẫn nhiều hơn.

2. Nghệ thuật để làm gì?

Chủ đề nghệ thuật phổ biến lúc bấy giờ là bi kịch. Người Athens xem các vở kịch đẫm máu tại các lễ hội cộng đồng được tổ chức tại các nhà hát lớn ngoài trời. Aeschylus, Euripides và Sophocles3 là những cái tên được nhắc đến ở mọi hộ gia đình. Aristotle từng viết một bản hướng dẫn về việc “làm thế nào để viết nên những vở kịch vĩ đại” mang tên The Poetics (tạm dịch: Thi pháp)4. Nó đưa ra những thủ pháp tuyệt vời: chẳng hạn như, hãy nhớ sử dụng thủ pháp peripeteia5, tức là khi một anh hùng gặp vận rủi và mọi thứ sẽ từ tốt đẹp trở thành tồi tệ. Và thủ pháp anagnorisis, cái khoảnh khắc bi đát mà người anh hùng nhận ra rằng cuộc đời anh đã đi sai hướng — và rằng đời anh vốn dĩ luôn là một tuồng thảm họa.

Nhưng thực sự thì bi kịch để làm gì? Đâu là ý nghĩa của việc toàn thể cộng đồng tụ tập để cùng xem những điều tệ hại xảy đến với nhân vật chính? Chẳng hạn như nhân vật Oedipus, trong tác phẩm của Sophocles, kẻ đã vô tình giết cha và kết hôn với mẹ mình, để rồi khi phát hiện ra sự thật, gã tự đâm mù mắt mình trong niềm ăn năn và tuyệt vọng. Câu trả lời của Aristotle là: catharsis. Catharsis là một hình thức gột rửa: người ta buông bỏ những điều tệ hại. Trong trường hợp này là việc gột rửa cảm xúc, cụ thể là sự lẫn lộn giữa hai cảm giác sợ hãi và thương hại.

Ở đây, chúng ta bắt gặp những vấn đề thuộc về bản chất: trái tim ta chai sạn, ta không thương xót những thứ đáng được thương xót, và ta có xu hướng hoặc sợ hãi quá mức, hoặc chẳng sợ hãi gì. Bi kịch nhắc nhở chúng ta rằng những điều tệ hại có thể xảy đến với cả những người đức hạnh nhất, bao gồm cả chúng ta. Một vết rạn nhỏ có thể khiến cả đời ta tan vỡ. Vậy nên chúng ta nên cảm thông và thương xót nhiều hơn với những người đang có những bước đi sai lầm tai hại. Tất cả chúng ta cần được dạy dỗ lại về những chân lý cốt yếu này một cách thường xuyên. Nhiệm vụ của nghệ thuật, theo như Aristotle, là khiến những chân lý uyên thâm về cuộc đời này gắn chặt vào tâm trí chúng ta.

3. Bạn bè để làm gì?

Trong quyển thứ tám và thứ chín của bộ Đạo đức học Nicomachean, Aristotle nhận dạng được ba kiểu tình bạn khác nhau: kiểu tình bạn đầu tiên xuất hiện khi người ta tìm kiếm niềm vui, người này tìm thấy niềm khoái lạc cá nhân và những cơ hội trong một khoảnh khắc nào đó mà người kia có thể mang lại. Tiếp đến là kiểu tình bạn mà thực chất là mối quan hệ xã giao mang tính chiến lược. Những người này vui vẻ giao du cùng nhau chừng nào mà họ nghĩ rằng mình còn có thể tìm kiếm một ích lợi gì từ những người còn lại.

Và, người bạn thật sự. Không phải là một ai đó tương đồng với ta, mà là một ai đó tuy chẳng phải là ta, nhưng ta vẫn quan tâm như thể bản thân mình. Nỗi buồn của họ là nỗi buồn của ta. Niềm vui của họ là niềm vui của ta. Điều này khiến ta luôn nơm nớp lo sợ rằng liệu có điều gì sẽ xảy đến với họ hay không. Nhưng nó cũng đem lại cho ta rất nhiều sức mạnh. Ta từ bỏ cái quỹ đạo bé nhỏ của mình, vốn xưa nay chỉ gói gọn trong những suy nghĩ và lo lắng của riêng ta. Ta mở lòng ra với cuộc đời của người khác; cùng họ, ta trở nên bao la hơn, khôn ngoan hơn, kiên cường hơn, công bằng hơn. Ta chia sẻ những đức hạnh của mình với người kia và loại bỏ những khiếm khuyết của đôi bên. Tình bạn dạy chúng ta về con người mà chúng ta nên trở thành: đây thật sự là phần tuyệt vời nhất của cuộc sống.

4. Làm cách nào để những ý tưởng có thể xen chân vào một thế giới bận rộn?

Giống như nhiều người khác, Aristotle bị hấp dẫn bởi sự thật rằng lý lẽ tốt nhất không phải lúc nào cũng giành chiến thắng trong các cuộc tranh luận hay thành công thu hút được sự chú ý của đám đông. Ông muốn biết lý do tại sao điều này lại xảy ra, và chúng ta có thể làm được gì với nó. Có khá nhiều cơ hội để ông có thể quan sát được điều này. Ở Athens, nhiều quyết định được đưa ra trong các cuộc họp cộng đồng, thường diễn ra ở quảng trường thành phố (agora). Các nhà hùng biện sẽ tranh cãi với nhau nhằm thay đổi quan niệm của đám đông.

Aristotle đã phác họa những cách mà khán giả và các cá nhân bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, nhưng họ lại không hề bám chặt vào suy luận logic hoặc sự thật gắn với từng trường hợp. Điều này rõ là điên rồ, và nhiều người nghiêm túc chẳng thể chịu được nó. Họ tránh xa nơi họp chợ và các cuộc tranh luận cộng đồng. Aristotle thì lại tham vọng hơn. Ông sáng tạo ra cái mà ngày nay chúng ta vẫn gọi là thuật hùng biện (rhetoric), nghệ thuật khiến cho người khác đồng ý với mình. Chúng ta mong đợi những người chín chắn, nghiêm túc và có thiện chí học được cách làm sao để trở nên thuyết phục hơn, để tiếp cận được với những người chưa hẳn đã đồng ý kiến.

Ông đưa ra một số quan điểm bất hủ sau: bạn phải xoa dịu nỗi đau của người khác, phải nhìn ra khía cạnh cảm xúc của vấn đề — Liệu có phải niềm tự hào của người này đang lung lay? Liệu họ có đang xấu hổ? — và phải thăm dò họ thật cẩn thận để xử sự tương ứng. Bạn cũng phải tìm cách đặt vấn đề thật hài hước bởi khoảng chú ý (attention span) của một người thường rất ngắn, và bạn có lẽ còn phải sử dụng đến những hình ảnh minh họa và ví dụ để khiến luận điểm của mình sinh động hơn.

Chúng ta là những học trò nhiệt thành của Aristotle. Ngày nay, triết học chẳng có vẻ gì là một hoạt động mang tính thực hành, có lẽ là bởi thời nay chúng ta chưa dành đủ sự chú ý cho Aristotle.


  1. Ethics – Đạo đức học, Luận lý học, hay Luân lý học: Đạo đức học, hay luân lý học, là môn khoa học triết học về đạo đức, nghiên cứu bản chất, các quy luật xuất hiện và phát triển trong lịch sử, các chức năng đặc trưng và các giá trị của đạo đức trong đời sống xã hội. Tại Việt Nam, trong những năm 1960s, Trần Đức Huynh và Trần Văn Hiến Minh dịch Ethics là Luận lý học (Trong tác phẩm Luận lý học, Tủ sách Ra Khơi). Trong thời điểm hiện tại, các học giả có xu hướng dịch Ethics là Đạo đức học.

  2. The golden mean: mượn từ Trung Dung để dịch cho từ “mean”. Trung Dung là một trong bốn cuốn của bộ Tứ Thư. Trong sách Trung Dung, Tử Tư dẫn những lời của Khổng Tử nói về đạo “trung dung”, tức là nói về cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập. Golden mean xuất hiện trong khá nhiều tư tưởng lớn từ phương Tây đến phương Đông, chẳng hạn như trong Phật Giáo có một học thuyết tên là Trung đạo.

    Tham khảo thêm tại: https://en.wikipedia.org/wiki/Golden_mean_(philosophy)

  3. Aeschylus, Euripides, Sophocles: ba nhà soạn kịch nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại, sống cùng thời với Aristotle.

  4. Nhà xuất bản văn học vào năm 1999 từng xuất bản bản dịch của cuốn The Poetics này với dưới tên gọi Nghệ thuật thơ ca, do Lê Đăng Bảng, Thanh Thế Thái Bình, Đỗ Xuân Hà, Thành Thế Yên Báy dịch, Đoàn Tử Huyến hiệu đính. Trước đó, từ năm 1957 đã có các bản dịch của tác phẩm này.

    Xem thêm Aristotle Nghệ thuật thơ ca & Lưu Hiệp Văn Tâm Điêu Long. NXB Văn học 1999.

  5. Cái vận mệnh lên voi xuống chó của đời người

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất