a
§ Tác giả: Yudhijit Bhattacharjee | Nguồn: National Geographic
Biên dịch: Minh Hoàng | Hiệu đính:  coda
01/04/2019

Mùa thu năm 1989, chàng thanh niên trẻ Alexi Santana nhập học Đại học Princeton. Hành trình cuộc đời của Santana lúc ấy là một câu chuyện đầy lôi cuốn mà hội đồng tuyển sinh không thể khước từ.

Santana hầu như chưa từng được giáo dục một cách chính quy. Cậu đã trải qua thời niên thiếu gần như tự lập, lang bạt khắp những mái hiên ở bang Utah, nơi cậu đã chăn gia súc, nuôi cừu, và đọc về triết học. Trên hoang mạc Mojave khô cằn, khắc nghiệt bậc nhất miền đất Bắc Mỹ, cậu còn tự rèn luyện để trở thành một vận động viên chạy xa.

Từ khi nhập học, Santana nhanh chóng trở thành một “ngôi sao” trong trường. Ngoài thành tích học tập đáng ngưỡng mộ với kết quả gần như tuyệt đối trong tất cả các môn, cậu còn thu hút người khác bởi lối cư xử điềm đạm và lai lịch khác thường, bí ẩn của mình. Khi một người bạn cùng phòng hỏi Santana làm thế nào mà giường cậu ấy luôn gọn gàng sạch sẽ, cậu trả lời rằng cậu ngủ dưới đất. Thật dễ hiểu tại sao một người đã dành phần lớn cuộc đời mình ngủ ở ngoài trời lại không mảy may để tâm tới chiếc giường.

Nhưng câu chuyện của Santana chỉ là một sự bịa đặt. Khoảng 18 tháng sau khi cậu nhập học, một người phụ nữ đã nhận ra Santana, người mà cô cho rằng là Jay Huntsman ở trường Phổ thông Palo Alto, California cô đã biết từ 6 năm trước. Nhưng kể cả đó cũng không phải là tên thật của cậu. Hội đồng trường Princeton cuối cùng đã phát hiện cậu ta thực ra là James Hogue, một người đàn ông 31 tuổi đã bị phạt tù ở Utah vì sở hữu tài sản và phụ tùng xe đạp trộm cắp. Bị còng tay dẫn đi, Santana đã không còn là học sinh của Princeton.

Trong những năm sau đó, Hogue còn bị bắt giữ thêm nhiều lần vì tội ăn trộm. Vào tháng 11 năm 2016, khi bị bắt vì tội ăn cắp ở Aspen, Colorado, hắn lại cố mạo danh một người khác.

***

Lịch sử loài người đã chứng kiến vô vàn kẻ nói dối xảo quyệt và dày dạn như Hogue. Nhiều tội phạm đã thêu dệt lên những lời dối trá để giành lấy lợi thế một cách bất công, như cách nhà tài phiệt Bernie Madoff đã lừa gạt những nhà đầu tư để kiếm hàng tỷ đô trong nhiều năm trước khi mô hình Ponzi1 của ông sụp đổ. Số khác là những chính trị gia nói dối để thâu tóm hoặc níu kéo quyền lực, chẳng hạn như Richard Nixon khi ông phủ nhận có dính líu tới vụ bê bối Watergate2.

Đôi khi con người nói dối để thổi phồng hình ảnh bản thân. Đó có lẽ là lời giải thích phù hợp nhất cho sự khẳng định trắng trợn đến rõ ràng của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump rằng lượng người tham dự lễ nhậm chức của ông nhiều hơn lượng người đến buổi lễ nhậm chức đầu tiên của người tiền nhiệm Obama. Không chỉ vậy, con người còn nói dối để che đậy những hành vi sai trái của mình, như vận động viên bơi lội người Mỹ Ryan Lochte tại thế vận hội Olympics mùa hè năm 2016 khi nói rằng mình đã bị một tên cướp chĩa súng đe dọa ở một trạm xăng, trong khi thực ra, anh và các đồng đội của mình, trong tình trạng say xỉn sau một bữa tiệc, đã bị nhân viên an ninh chặn lại do phá hoại tài sản. Ngay cả trong giới khoa học – một môi trường đáng ra được vận hành bởi những người theo đuổi sự thật – cũng có hàng loạt những kẻ lừa gạt, chẳng hạn như nhà vật lý học Jan Hendrik Schon khi những “đột phá” của ông trong nghiên cứu về phân tử bán dẫn bị phát hiện là thiếu trung thực.

Những kẻ nói dối này đã trở nên tai tiếng vì những lời nói của họ quá đỗi vô lý, trơ tráo, hoặc đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn. Nhưng sự lừa gạt đó không biến họ trở thành kiểu con người lầm lạc như chúng ta vẫn thường nghĩ. Những kẻ mạo danh, những kẻ lừa đảo, và những chính trị gia khoe khoang chỉ mới là cái đỉnh của kim tự tháp giả dối mà đã cấu thành hành vi con người suốt hàng thiên niên kỷ.

Nói dối, thực ra, là một hành động phần lớn chúng ta đều thực hiện thành thạo. Chúng ta nói dối những người lạ, đồng nghiệp, bạn bè, và những người chúng ta yêu thương một cách dễ dàng, về cả những vấn đề nhỏ và lớn. Khả năng dối trá và nhu cầu tin tưởng vào người khác đã đồng thời trở thành bản chất của chúng ta, điều mà trớ trêu thay, làm chúng ta rất kém trong việc phát hiện những lời nói dối. Sự giả dối đã lồng vào bản chất con người nhiều đến mức có thể trung thực khẳng định rằng nói dối là một việc rất đỗi con người.

Sự phổ biến của việc nói dối đã lần đầu được ghi chép một cách hệ thống bởi Bella DePaulo, nhà tâm lý học xã hội tại trường Đại học California ở Santa Barbara. Hai mươi năm trước, DePaulo và các đồng nghiệp đã yêu cầu 147 người ghi lại tất cả những lần họ đã cố đánh lừa người khác trong suốt một tuần. Những nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng mỗi người trung bình nói dối khoảng một hoặc hai lần một ngày. Phần lớn những lời nói dối này đều vô hại, với mục đích che giấu điểm yếu của bản thân hay bảo vệ người khác khỏi bị tổn thương. Một số là những cái cớ – một người đã nói rằng mình đã không đổ rác vì không biết phải để nó ở đâu. Nhưng một vài lời nói dối khác – ví dụ như nói rằng mình là con của một nhà ngoại giao – được dùng để tạo ra một hình ảnh sai sự thật. Dù chúng chỉ là những sự vi phạm quy tắc không đáng kể, một nghiên cứu sau đó của DePaulo và các đồng nghiệp khác với nhóm đối tượng tương tự đã chỉ ra rằng phần lớn mọi người ở một thời điểm nào đó, đã nói dối ở mức độ nghiêm trọng hơn – ví dụ như giấu giếm một vụ ngoại tình hoặc khai sai sự thật trong hồ sơ đại học.

Sự giả dối đã lồng vào bản chất con người nhiều đến mức có thể trung thực khẳng định rằng nói dối là một việc rất đỗi con người.

Việc gần như ai trên thế giới này cũng sở hữu năng lực đánh lừa người khác không còn là điều bất ngờ. Những nhà nghiên cứu suy đoán rằng hành vi nói dối đã nảy sinh không lâu sau sự xuất hiện của ngôn ngữ. Khả năng điều khiển người khác mà không phải nhờ tới vũ lực có thể mang lại lợi thế trong việc cạnh tranh để giành được nguồn tài nguyên hay bạn tình, giống như sự phát triển của những chiến thuật lừa gạt trong vương quốc động vật, như ngụy trang. Sissela Bok, một chuyên gia đạo đức học tại Đại học Harvard và là một trong những nhà nghiên cứu nổi tiếng nhất về lĩnh vực này đã lưu ý: “Nói dối đơn giản hơn những cách khác để chiếm lấy quyền lực. Nói dối để lấy tiền hoặc của cải của ai đó dễ hơn nhiều so với việc đánh họ bất tỉnh hay đi cướp ngân hàng.”

Trong khi nói dối dần được công nhận là một đặc điểm đã ăn sâu vào con người, những nhà nghiên cứu khoa học xã hội và những nhà khoa học thần kinh đã cố gắng xác định bản chất và gốc rễ của hành vi này. Chúng ta đã học cách nói dối như thế nào và từ khi nào? Cơ sở tâm lý học và sinh học thần kinh của sự dối trá là gì? Đâu là ranh giới của một lời nói dối có thể chấp nhận được? Những nhà nghiên cứu đã phát hiện được rằng chúng ta có xu hướng tin một số lời nói dối kể cả khi chúng rõ ràng mâu thuẫn với bằng chứng xác thực. Những khám phá này thể hiện rằng khuynh hướng đánh lừa người khác, cũng như sự cả tin của chúng ta, có những hậu quả đặc biệt khôn lường trong thời đại mạng xã hội. Khả năng phân biệt giữa sự thật và dối trá của chúng ta đang phải đối mặt với những nguy cơ chưa từng thấy.

***

Khi tôi học lớp ba, một người bạn ở lớp tôi đã mang những miếng dán hình xe đua đến trường để khoe. Những hình dán ấy mới tuyệt làm sao! Tôi muốn sở hữu chúng nhiều đến mức tôi đã nghỉ tiết thể dục để lấy những tấm dán ấy từ cặp sách của bạn cho vào cặp tôi. Khi bạn tôi quay lại, tim tôi đập loạn nhịp. Sợ rằng mình sẽ bị lộ tẩy, tôi đã nghĩ ra trước một lời nói dối. Tôi đã bảo với giáo viên rằng có hai thanh niên lạ mặt đã đến trên một chiếc xe máy, bước vào phòng học, lục lọi những chiếc cặp, và cướp đi những miếng dán. Như bạn có thể tưởng tượng, câu chuyện bịa đặt này vỡ vụn sau sự tra hỏi nhẹ nhàng nhất, và tôi đã phải trả lại đồ đã đánh cắp, một cách lưỡng lự.

Sự nói dối khờ khạo ấy – tôi đã giỏi hơn rất nhiều, tin tôi đi – cũng tương xứng với  sự nhẹ dạ của tôi vào năm lớp sáu, khi một đứa bạn bảo tôi rằng nhà cậu ấy có một đầu tên lửa bay được mà có thể phóng chúng tôi đến bất cứ nơi đâu trên trái đất. Để chuẩn bị cho hành trình trên cỗ máy này, tôi đã hỏi bố mẹ liệu họ có thể gói sẵn một chút đồ ăn đi đường cho tôi không. Kể cả khi anh trai của tôi khúc khích cười, tôi vẫn tin vào lời nói của thằng bạn, và phải nhờ đến gia đình cậu ta mới có thể thuyết phục được tôi rằng tôi đã bị đánh lừa.

Những lời nói dối như bạn tôi và tôi đã kể không kì lạ gì đối với những đứa trẻ tầm tuổi chúng tôi. Giống như học đi và học nói, nói dối có thể được xem là một cột mốc của sự phát triển. Trong khi những người làm cha mẹ thấy những lời nói dối của con cái là một điều đáng lo ngại – vì chúng biểu hiện việc sự ngây thơ đang bắt đầu bị mai một – Kang Lee, một nhà tâm lý học tại Đại học Toronto, coi sự xuất hiện của hành vi này ở trẻ em là một dấu hiệu tốt rằng trí não của chúng đang phát triển bình thường. Vậy đâu là ranh giới của một lời nói dối có thể chấp nhận được?

Để khảo sát việc nói dối ở trẻ em, Lee và các đồng nghiệp đã thực hiện một thí nghiệm đơn giản. Họ bảo những đứa trẻ đoán thứ đồ chơi bị khuất khỏi tầm nhìn của chúng, dựa trên một gợi ý âm thanh. Với những món đồ đầu tiên, gợi ý rất rõ ràng – tiếng sủa là một chú chó, tiếng meow là một chú mèo –  và những đứa trẻ đã dễ dàng trả lời được. Rồi âm thanh phát ra không liên quan tẹo nào đến món đồ chơi. “Bật một đoạn nhạc của Beethoven, nhưng món đồ là một chiếc xe hơi,“ Lee giải thích. Người tiến hành cuộc thí nghiệm rời khỏi phòng giả vờ như để trả lời điện thoại – một lời nói dối vì khoa học – và yêu cầu đứa trẻ không được nhìn trộm món đồ chơi. Sau khi quay lại, người thí nghiệm hỏi phán đoán của đứa trẻ, kèm theo câu hỏi: “Cháu đã nhìn trộm hay không?”

Qua các camera giấu kín, Lee và các cộng sự đã phát hiện phần lớn những đứa trẻ không thể cưỡng lại được việc đó. Tỉ lệ trẻ em đã nhìn trộm và nói dối về việc đó phụ thuộc vào độ tuổi của chúng. Trong số những đứa trẻ 2 tuổi đã vi phạm, chỉ 30 phần trăm đã không thành thật. Trong số những đứa 3 tuổi, 50 phần trăm nói dối. Và đến tám tuổi, khoảng 80 phần trăm nói rằng chúng đã không nhìn trộm.

Càng lớn, trẻ em nói dối càng giỏi. Khi đoán món đồ chơi mà chúng đã nhìn trộm, trẻ 3 – 4 tuổi thường nói luôn câu trả lời đúng mà quên mất rằng điều này đã để lộ việc chúng đã phạm luật và nói dối. Đến 7 – 8 tuổi, chúng biết cách che giấu sự dối trá của mình bằng cách cố tình trả lời sai hoặc cố làm cho câu trả lời nghe có lý.

Những đứa trẻ 5 – 6 tuổi nằm giữa hai xu hướng này. Trong một nghiên cứu, Lee đã sử dụng chú khủng long Barney làm món đồ chơi. Một cô bé năm tuổi đã phủ nhận việc nhìn trộm món đồ được giấu dưới một tấm vải, và bảo Lee rằng mình muốn được sờ thử nó trước khi đoán. “Và cô bé để tay xuống dưới tấm vải, nhắm mắt lại, và nói ‘À cháu biết nó là Barney,'” Lee kể lại. “Tôi hỏi, ‘Tại sao?’ Cô bé trả lời, ‘Vì cháu cảm giác nó màu tím.'”

Hành động nói dối của trẻ con đang ngày càng trở nên tinh vi và khó phát hiện, mà nguyên nhân chính nằm ở khả năng đặt bản thân mình vào suy nghĩ và vị trí của người khác của trẻ em. Được biết đến dưới tên gọi Lý thuyết Tâm trí (Theory of Mind), đấy là năng lực chúng ta học được để thấu hiểu những niềm tin, chủ đích, và quan điểm của người khác. Một yếu tố tất yếu khác trong việc nói dối là chức năng quản lý của não bộ: những khả năng cần thiết cho việc lên kế hoạch, tập trung, và kiểm soát bản thân. Những đứa trẻ 2 tuổi mà đã nói dối trong các thí nghiệm của Lee đạt kết quả tốt hơn những đứa trẻ còn lại trong những bài kiểm tra về lý thuyết tâm trí và chức năng quản lý. Kể cả đến tuổi 16, những thiếu niên nói dối thành thạo đạt kết quả tốt hơn nhiều những người nói dối kém. Bên cạnh đó, những đứa trẻ tự kỷ – vốn có sự trì trệ trong sự phát triển lý thuyết tâm trí – cũng cho thấy hành vi nói dối không giỏi.

***

Vào một buổi sáng gần đây, tôi bắt Uber để đến gặp Dan Ariely, nhà tâm lý học tại Đại học Duke và là một trong những chuyên gia hàng đầu về việc nói dối. Bên trong chiếc xe, dù gọn gàng, có mùi tất thối rất hăng, và tài xế, dù lịch sự, đã gặp khó khăn trong việc tìm đường. Khi chúng tôi tới điểm đến, cô ấy hỏi tôi với một nụ cười liệu tôi sẽ cho cô ấy đánh giá 5 sao không. “Đương nhiên,” tôi trả lời. Sau đó, tôi cho cô ấy 3 sao. Tôi an ủi cảm giác tội lỗi bằng cách tự bảo bản thân rằng việc làm này sẽ tốt hơn là nói dối hàng nghìn người dùng Uber.

Ariely bắt đầu quan tâm đến sự dối trá khoảng 15 năm trước. Trong lúc lật qua cuốn tạp chí trên một chuyến bay dài, ông đã tìm thấy một bài kiểm tra trí tuệ. Ông trả lời câu hỏi đầu tiên và mở ngay phần đáp án ở cuối để xem mình có trả lời đúng không. Ông ấy nhận ra mình đã liếc nhìn câu trả lời cho câu hỏi tiếp theo. Tiếp tục làm vậy xuyên suốt cả bài kiểm tra, Ariely đã, không bất ngờ gì, đạt điểm rất cao. “Khi tôi hoàn thành nó, tôi nghĩ rằng – mình đã lừa gạt bản thân,” ông kể lại. “Có lẽ, tôi muốn biết mình thông minh đến đâu, nhưng cũng muốn chứng minh với bản thân rằng mình thông minh đến mức đó.” Trải nghiệm ấy đã khiến Ariely bắt đầu một niềm hứng thú lâu dài với việc nghiên cứu hành vi nói dối và những hành động lừa gạt khác.  

Trong những thí nghiệm ông và các cộng sự của mình thực hiện, những tình nguyện viên đã phải làm một bài kiểm tra gồm 20 câu hỏi toán học đơn giản. Họ phải giải nhiều câu nhất có thể trong 5 phút và được trả tiền dựa trên số câu trả lời chính xác. Họ được yêu cầu thả phiếu làm bài vào máy xé giấy trước khi báo lại số câu đúng của mình. Nhưng những phiếu trả lời thực ra không bị xé. Trên trung bình, tình nguyện viên nói rằng mình giải được 6 ma trận, nhưng đúng ra chỉ là 4. Tất cả thí nghiệm cho ra kết quả giống nhau, không phân biệt đối tượng tham gia trả lời. Phần lớn chúng ta nói dối, nhưng chỉ một chút thôi.

Điều làm Ariely tò mò không phải là tại sao nhiều người lại nói dối đến thế, mà là tại sao họ không nói dối nhiều hơn. Kể cả khi số tiền thưởng cho mỗi câu trả lời đúng được nâng lên, mức độ gian lận của những tình nguyện viên không hề tăng. “Trong trường hợp này chúng tôi đã cho mọi người cơ hội để lấy được nhiều tiền hơn, và họ vẫn chỉ gian lận rất ít. Vì vậy có một thứ gì đó ngăn cản chúng ta – phần lớn chúng ta – không nói dối hoàn toàn,” Ariely nhận xét. Ông cho rằng lý do đó là việc chúng ta muốn nhìn nhận bản thân là những con người trung thực, vì chúng ta đã, ở một mức độ nào đó, tiếp thu sự trung thực là một phẩm chất được xã hội dạy cho.  Đó là vì sao, ngoại trừ những người bị rối loạn nhân cách, phần lớn chúng ta đặt ra giới hạn cho mức độ mà chúng ta sẵn sàng nói dối. Chúng ta sẵn sàng đi xa tới đâu – như Ariely và những người khác đã chứng minh – được quyết định bởi những nguyên tắc xã hội “bất thành văn”, ví dụ như việc chúng ta ngầm hiểu rằng việc lấy một vài cây bút chì từ tủ đồ ở văn phòng là có thể chấp nhận được.

***

Các nhân viên của Patrick Couwenberg và những thẩm phán khác ở Tòa án Cấp cao Hạt Los Angeles tin rằng ông là một anh hùng đối với nước Mỹ. Theo lời kể của ông, ông đã được trao Huân chương Trái tim Tím3 ở Việt Nam, vì những đóng góp cho hoạt động tình báo của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ. Vị thẩm phán ấy cũng khoe khoang về những thành tích học vấn đáng ngưỡng mộ –  một tấm bằng cử nhân ngành Vật lý và bằng thạc sỹ về Tâm lý học. Tất cả những điều đó là bịa đặt. Khi bị tra hỏi, Couwenberg bao biện bằng cách đổ lỗi cho một hội chứng mang tên pseudologia fantastica, khuynh hướng kể những câu chuyện có sự thật lồng ghép với tưởng tượng. Cái cớ đó đã không cứu được ông khỏi bị tước chức thẩm phán vào năm 2001.

Có vẻ như các nhà tâm lý học không nhất trí về mối quan hệ giữa sức khỏe tâm lý và việc nói dối, cho dù những người mắc các hội chứng tâm thần nhất định dường như thể hiện những hành vi nói dối rất cụ thể. Những “sociopaths” –  những người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách chống xã hội –  có xu hướng nói dối để điều khiển người khác, trong khi những người rối loạn nhân cách ái kỷ (narcissists) có thể nói dối để thổi phồng hình ảnh bản thân.

Nhưng liệu có gì đặc biệt ở não bộ của những người nói dối nhiều hơn không? Vào năm 2005, nhà tâm lý học Yaling Yang và các đồng nghiệp đã so sánh bản quét não của ba nhóm đối tượng: 12 người lớn với tiền sử nói dối nhiều lần, 16 người đủ tiêu chuẩn để được tính là mắc chứng rối loạn nhân cách chống xã hội nhưng không thường xuyên nói dối, và 21 người không mắc chứng bệnh này cũng như không có thói quen nói dối. Những nhà nghiên cứu đã phát hiện những người nói dối có thể tích sợi thần kinh ở thùy trán lớn hơn ít nhất 20%, thể hiện rằng những người nói dối thường xuyên có sự liên kết tốt hơn trong não bộ. Có thể việc này khiến họ nói dối vì họ có thể nghĩ ra những lời bịa đặt nhanh hơn người khác, hoặc đây là kết quả của việc nói dối nhiều lần.

Có lẽ thực hiện những hành động thiếu trung thực ở mức độ nhỏ có thể dẫn đến những hành động thiếu trung thực ở mức độ lớn hơn

Nhà tâm lý học Nobuhito Abe ở Đại học Kyoto và Joshua Greene ở Đại học Harvard đã chụp ảnh cộng hưởng từ não bộ của các đối tượng thí nghiệm và thấy rằng những người đã hành động thiếu trung thực có hoạt động thần kinh mạnh hơn tại nucleus accumbens –  một cấu trúc tại nền não trước (basal forebrain) đóng vai trò nhận định phần thưởng (reward processing). Greene giải thích rằng: “Hệ thống phần thưởng4 của bạn càng được kích thích bởi khả năng kiếm được tiền –  kể cả trong những hoàn cảnh hoàn toàn trung thực nhất – thì bạn càng có khả năng gian lận.” Nói cách khác, lòng tham làm gia tăng khuynh hướng nói dối của con người.

Một lời nói dối có thể dẫn đến nhiều lời nói dối khác sau đó; điều đã được chứng minh bởi sự lừa gạt trơn tru, không một chút ăn năn của những kẻ phạm tội hàng loạt như Hogue. Một thí nghiệm bởi Tali Sharot, một nhà thần kinh học ở Đại học London College, và các đồng nghiệp đã cho thấy cách não bộ dần quen với áp lực hay cảm giác khó chịu khi chúng ta nói dối, và làm cho những lời bịa đặt tiếp theo trở nên dễ dàng hơn. Trong bản quét não của những người tham gia thí nghiệm, họ đã tập trung vào phần hạch hạnh nhân (amygdala), khu vực tham gia vào quá trình điều khiển cảm xúc. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng phản ứng của hạch hạnh nhân yếu dần sau mỗi lời nói dối, kể cả khi những lời nói dối lớn hơn. “Có lẽ thực hiện những hành động thiếu trung thực ở mức độ nhỏ có thể dẫn đến những hành động thiếu trung thực ở mức độ lớn hơn,“ Sharot nhận xét.

Phần lớn kiến thức chúng ta dùng để định vị cuộc sống đến từ những thứ người khác nói với chúng ta. Nếu không có sự tin tưởng ngầm trong giao tiếp giữa người với người, chúng ta sẽ trở thành các cá thể tê liệt và không có bất kì mối quan hệ xã hội nào. “Chúng ta nhận được quá nhiều qua sự tin tưởng, và tác hại từ vài lần bị lừa gạt là tương đối ít,” Tim Levine, một nhà tâm lý học tại trường Đại học Alabama ở Birmingham, người đặt tên khái niệm này là “Thuyết Mặc định Sự thật” (Truth Default Theory), nhận xét.

Lòng tin được cài đặt sẵn này khiến chúng ta cả tin một cách tự nhiên. “Nếu bạn nói với ai đó rằng ‘Tôi là một phi công,’ họ sẽ không ngồi đó nghĩ rằng: “Có thể anh ta không phải một phi công. Cớ gì mà anh ấy lại nói mình là phi công?’ Họ không nghĩ như vậy.”, Frank Abagnale Jr. , một cố vấn an ninh, người đã truyền cảm hứng cho bộ phim “Catch Me if You Can” (tạm dịch: Bắt Tôi nếu Có thể) năm 2002 với những trò lừa đảo thời trẻ của mình, bao gồm làm giả những tờ séc và giả vờ là một phi công, nói. “Đó là lý do tại sao những trò lừa gạt thành công, vì khi điện thoại đổ chuông và hiển thị người gọi là Sở Thuế vụ, mọi người lập tức tin rằng đó thật sự là Sở Thuế vụ. Họ không nhận ra rằng ai đó có thể đã sửa tên người gọi.”

Robert Feldman, một nhà tâm lý học tại Đại học Massachusetts, gọi việc đó là lợi thế của kẻ nói dối. “Con người không mong chờ những lời nói dối, con người không đi tìm những lời nói dối,” ông nói, “và nhiều khi những điều ta đang nghe cũng là những gì ta muốn nghe.” Chúng ta không kháng cự lại nhiều đối với những lời lừa gạt làm hài lòng hay an ủi chúng ta – dù là lời khen giả dối hay lời hứa vào lượng lợi nhuận cao một cách khó tin từ việc đầu tư. Khi chúng ta bị những người có quyền lực, tiền bạc, và địa vị đánh lừa, ta càng dễ bị lôi kéo hơn, như cách giới truyền thông đã đưa tin một cách khờ dại về câu chuyện bị cướp tiền của Lochte, chỉ để sự thật lộ ra không lâu sau đó.

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng chúng ta đặc biệt dễ tin những lời nói dối mà xác nhận quan điểm của bản thân. Những ảnh “chế” nói rằng Obama không sinh ra ở Mỹ, những phủ nhận về việc biến đổi khí hậu, những lời buộc tội chính phủ Mỹ đứng sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9, và sự lan truyền của những “sự thật thay thế” khác, như chính lời miêu tả của một cố vấn của Trump về đám đông tại Lễ Nhậm chức của vị Tổng thống đương nhiệm, đã phát triển mạnh mẽ trên Internet và mạng xã hội nhờ điểm yếu này. Vạch trần sự thật cũng không phá vỡ được sức mạnh của chúng, vì con người đánh giá các bằng chứng được đưa ra trong khuôn khổ niềm tin và định kiến có sẵn, theo George Lakoff, một nhà ngôn ngữ học nhận thức tại Đại học California, Berkeley. “Nếu bạn thấy một sự việc không hợp với khuôn mẫu ấy, bạn sẽ không để ý đến nó, hoặc lờ nó đi, hoặc chế giễu nó, hoặc cảm thấy bối rối bởi nó –  hoặc tấn công nó nếu nó mang tính đe dọa.”

Gần đây, một nghiên cứu dẫn đầu bởi Briony Swire-Thompson, một nghiên cứu sinh ngành tâm lí học nhận thức tại trường Đại học Western Australia, đã chứng minh rằng những thông tin được xác thực không hiệu quả trong việc bác bỏ những suy nghĩ sai lệch. Vào năm 2015, Swire-Thompson và các đồng nghiệp đã cho 2000 người Mỹ trưởng thành đọc 1 trong 2 nhận định: “Vắc-xin gây ra chứng tự kỷ” hoặc “Donald Trump nghĩ rằng vắc-xin gây ra chứng tự kỷ.” (Trump đã nhiều lần nói rằng có mối liên hệ giữa vắc-xin và chứng tự kỷ , mặc dù không có bằng chứng khoa học cho việc đó.)

Chẳng bất ngờ gì, những đối tượng ủng hộ Trump thể hiện sự tin tưởng lớn hơn đáng kể đối với các thông tin, dù sai, khi gắn tên Trump với chúng. Sau đó, dựa trên một nghiên cứu với quy mô lớn, những đối tượng này được cung cấp lời giải thích khoa học về việc tại sao không hề có mối liên hệ giữa vắc-xin và chứng tự kỷ, và họ được yêu cầu đánh giá lại niềm tin của mình vào điều đó. Những người tham gia –  bất kể theo xu hướng chính trị nào – đều đã chấp nhận rằng mối liên hệ này trái sự thật, nhưng trong bài kiểm tra lại một tuần sau đó, niềm tin của họ vào thông tin sai lệch này lại gần như trở lại ngưỡng ban đầu.

Những nghiên cứu khác đã chứng minh rằng các bằng chứng hạ bệ những lời nói dối thật ra có thể củng cố niềm tin vào chúng. “Con người thường nghĩ rằng những thông tin quen thuộc là đúng. Nên mỗi lần bạn phản bác chúng, sẽ có nguy cơ chúng lại càng trở nên quen thuộc, khiến cho sự phản bác đó thật ra, trớ trêu thay, càng kém hiệu quả về lâu dài,” Swire-Thompson nói.

Tôi đã trực tiếp trải nghiệm hiện tượng này không lâu sau cuộc trò chuyện với Swire-Thompson. Khi một người bạn gửi cho tôi đường link dẫn tới một bài báo xếp hạng 10 đảng chính trị “thối nát” nhất thế giới, tôi đã nhanh chóng đăng nó lên nhóm Whatsapp với khoảng 100 bạn học phổ thông ở Ấn Độ. Điều khiến tôi nhiệt tình như vậy là việc Đảng Quốc Đại Ấn Độ, một tổ chức chính trị đã bị liên lụy vào nhiều vụ bê bối tham nhũng trong những thập niên gần đây, chiếm vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng. Tôi cười khoái chí vì tôi không hề ưa đảng phái ấy.

Nhưng không lâu sau khi chia sẻ bài báo, tôi phát hiện ra rằng bảng xếp hạng đó, bao gồm những đảng phái từ Nga, Pakistan, Trung Quốc, và Uganda, không dựa trên tiêu chí nào cả. Nó được đưa ra bởi trang BBC Newspoint, một cái tên nghe có vẻ đáng tin cậy. Nhưng tôi đã phát hiện ra rằng nó không hề có mối liên hệ tới Thông Tấn Xã Anh Quốc (BBC). Tôi đã nhắn một lời xin lỗi với nhóm bạn, nói rằng bài báo ấy khả năng cao chỉ là tin lá cải.  

Điều đó không ngăn cản được việc những người khác đã đăng lại bài báo vào trong nhóm nhiều lần trong ngày tiếp theo. Tôi nhận ra rằng lời đính chính của mình hoàn toàn không có hiệu lực. Nhiều người bạn của tôi – vì họ cũng có ác cảm với Đảng Quốc Đại – tin rằng bảng xếp hạng là chính xác, và mỗi lần họ chia sẻ nó, họ đã vô tình, hoặc có lẽ cố tình, đưa nó đến gần hơn với sự thật. Phản bác bằng các chứng cứ xác thực cũng sẽ chẳng có tác dụng gì.

Vậy cách tốt nhất để cản trở sự xâm nhập nhanh chóng của những lời nói dối vào cuộc sống của chúng ta là gì? Không có câu trả lời rõ ràng. Công nghệ đã đặt ra một giới hạn mới cho sự lừa gạt, và hiện đại hóa mâu thuẫn ngàn đời giữa cái tôi trung thực và cái tôi gian dối.

Công nghệ đã đặt ra một giới hạn mới cho sự lừa gạt, và hiện đại hóa mâu thuẫn ngàn đời giữa cái tôi trung thực và cái tôi gian dối.


  1. Mô hình Ponzi là trò vay tiền của người này để trả nợ người khác. Người đi vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những người đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để hấp dẫn người cho vay. Người cho vay bị hấp dẫn bởi lợi tức cao lại thậm chí giới thiệu những người cho vay mới hơn. Bằng hình thức này, người đi vay càng ngày càng vay được những khoản tiền lớn hơn từ nhiều người cho vay mới hơn.

  2. Vào ngày 17 tháng 6 năm 1972, 5 tên trộm đã bị phát hiện tại văn phòng của Đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate tại Washington D.C. Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) lần ra manh mối của chiến dịch do thám này: chính các nhân vật thân cận của Tổng thống Nixon, cùng với ủy ban vận động bầu cử của ông đã tổ chức vụ đột nhập này nhắm vào đối thủ chính trị là Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, các kết quả điều tra của FBI đã bị ỉm đi dưới những âm mưu che đậy của Nhà Trắng cho tới khi hai nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein của tờ Washington Post công bố trên mặt báo. Quốc hội Mỹ bèn lập ủy ban điều tra. Trước nguy cơ bị quốc hội phế truất, ngày 9 tháng 8 năm 1974, Tổng thống Nixon tuyên bố từ chức.

  3. Trái tim Tím là một huân chương quân đội của Hoa Kỳ nhân danh Tổng thống được trao cho những ai bị thương hoặc thiệt mạng trong lúc phục vụ quân đội Hoa Kỳ sau ngày 5 tháng 4 năm 1917. Trái tim Tím là huân chương lâu đời nhất vẫn còn được trao cho các quân nhân Mỹ.

  4. Hệ thống phần thưởng là một nhóm các cấu trúc thần kinh chịu trách nhiệm cho sự khuyến khích, học tập kết hợp và những cảm xúc được đánh giá tích cực, đặc biệt là những cảm xúc liên quan đến niềm vui

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất