a
§ Tác giả: Shamus Khan | Nguồn: The New Yorker
Biên dịch: Việt Anh | Hiệu đính:  Nguyên
10/08/2016

Vào một tối mùa hè năm 2012, một nhóm các nhà nghiên cứu tập trung ngoài một quán bar tại thành phố Lawrence, tiểu bang Kansas. Họ làm việc cho một sinh viên cao học ngành tâm lý học thuộc trường Đại học Kansas có tên là Laura Van Berkel, một người quan tâm đến việc đồ uống có cồn ảnh hưởng như thế nào đến suy nghĩ của mọi người về sự bình đẳng (equality). Với mục đích đó, khi mọi người rời quán bar, những người làm nghiên cứu đã hỏi họ các câu hỏi khác nhau đồng thời đo nồng độ cồn trong máu của họ. (Ví dụ, những người uống rượu được yêu cầu đánh giá trên thang điểm 9 về tầm quan trọng của “khả năng điều khiển hoặc thống trị con người hoặc tài nguyên,” như một “nguyên tắc sống.”) Theo linh cảm của nhóm nghiên cứu, cần có ý chí để thoát khỏi lối suy nghĩ phân chia thứ bậc – và vì vậy nên, những người say xỉn, tức là có nhận thức bị suy giảm, có thể sẽ gặp khó khăn để suy nghĩ một cách bình đẳng.

Theo một đánh giá vào năm 2009, những người theo chủ nghĩa bảo thủ thường có xu hướng ủng hộ sự uy quyềnviệc phân chia thứ bậc hơn những người theo chủ nghĩa tự do. Van Berkel cùng với Chris Crandall và các cộng sự đã chỉ ra rằng, những người trong trạng thái say xỉn đưa ra các phản hồi bảo thủ hơn trong khi những người tỉnh táo có các phản hồi cởi mở hơn. Vài năm sau đó, cô cùng nhóm của mình đã tiến hành thêm 5 cuộc thí nghiệm nữa, vẫn với mục đích tìm ra mối liên hệ giữa ý chí và thái độ ủng hộ việc phân biệt thứ bậc. Trong mỗi trường hợp, họ thấy rằng việc bị suy giảm khả năng nhận thức, ví dụ như căng thẳng hay phân tâm, khiến con người dễ thiên về việc phân thứ bậc. Thậm chí việc kích thích “suy nghĩ ít nỗ lực” (low-effort thought) 1 – ví dụ như bằng cách buộc người được phỏng vấn phải suy nghĩ thật nhanh – cũng khiến họ tôn trọng những người cầm quyền hơn.

Nghiên cứu của Van Berkel là một phần của nỗ lực tìm hiểu xem mối quan hệ giữa sự phân thứ bậc trong xã hội và đời sống tinh thần của chúng ta. Theo kết quả nghiên cứu của cô, trong nhiều tình huống, suy nghĩ phân bậc là kiểu mặc định, xảy ra khi chúng ta không có thời gian, năng lượng, khuynh hướng, hay khả năng để suy nghĩ thấu đáo, lúc đó chúng ta sa vào cái quan niệm rằng những người có quyền lực và thanh thế nên được kính nể. Nếu Van Berkel đúng thì cô đã phát hiện ra một xu hướng trong đời sống hằng ngày. Ví dụ, khi gặp áp lực về thời gian trong công việc, chúng ta có thể trở nên ít công tâm hơn khi lắng nghe các ý kiến, và tìm đến người quyền lực nhất lúc đó để tuân theo. Mặt khác, nghiên cứu của Van Berkel đã hé lộ những điều kiện tinh thần giúp phát triển suy nghĩ bình đẳng. Khi chúng ta có điều kiện để suy nghĩ một cách thấu đáo và thoải mái, chúng ta sẽ có xu hướng suy nghĩ qua lăng kính của sự bình đẳng.

Những phát hiện này mang đến cho chúng ta một cái nhìn thú vị về sự bình đẳng – như một kết quả của trạng thái tinh thần. Nhưng đó mới chỉ là một góc nhỏ của bức tranh lớn. Trong khi các nhà tâm lý học có xu hướng nhìn nhận con người như những cá thể, chúng ta cũng là các thực thể xã hội, và trạng thái tinh thần của chúng ta được định hình bởi môi trường sống xung quanh. Hãy thử tưởng tượng một người có thể hành xử khác nhau nhiều như thế nào khi ở quán bar, tại một buổi phỏng vấn xin việc, hay trong một buổi thuyết giáo tại nhà thờ. Người này không hề bị rối loạn nhân cách; những đòi hỏi của xã hội trong từng tình huống là khác nhau, và anh ta chỉ xoay sở theo thôi. Nói cách khác, việc nghiên cứu xem mọi người nghĩ như thế nào về sự bình đẳng và thứ bậc chính là đặt ra câu hỏi hoàn cảnh xã hội nào khiến chúng ta ủng hộ một bên hơn bên còn lại.

Nhà nhân chủng học văn hoá Christopher Boehm2 của Đại học Southern California đã tiếp cận câu hỏi này qua một góc nhìn đa loài. Là người quản lý Trung tâm nghiên cứu Jane Goodall, Boehm đã dành sự nghiệp của mình để nghiên cứu về các cộng đồng con người và động vật linh trưởng. Vào năm 1999, ông đã xuất bản một cuốn sách kinh điển có tên “Hierarchy in the Forest” (Tạm dịch: Tôn ti trật tự trong rừng), trong đó có so sánh các xã hội săn bắt hái lượm và bộ lạc với xã hội của các loài linh trưởng bonobo, tinh tinh, và khỉ đột. Boehm ghi nhận rằng các họ hàng tiến hoá thân cận nhất với chúng ta có sự phân thứ bậc rõ rệt hơn hẳn: ví dụ như những cá thể mạnh nhất trong cộng đồng tinh tinh sẽ chiếm ưu thế, điều vốn không xuất hiện ở xã hội loài người. Ông tự hỏi vậy tại sao các xã hội theo kiểu bộ lạc và săn bắt hái lượm lại có xu hướng bình đẳng hơn?

Nếu một cá nhân có cơ hội để leo lên vị trí cao hơn, anh ta nhất định sẽ tận dụng cơ hội đó; không may là, khi ai đó có quyền lực, thì những người còn lại sẽ không bằng lòng.

Một cách lý giải khả thi là ở mức độ tính cách, loài người chuộng bình đẳng hơn loài khỉ. Nhưng Boehm không tìm thấy chứng cứ nào ủng hộ cho ý tưởng này: ông chỉ ra rằng, hầu hết mọi người, giống như tinh tinh, đều ham muốn quyền lực và không muốn bị chi phối hay thống trị. Cũng không phải là các bộ lạc được tổ chức theo một cách khác biệt và bình đẳng hơn. Về cơ bản, cấu trúc xã hội của loài người và tinh tinh là giống nhau – các xã hội kiểu kim tự tháp mà chỉ một người (hoặc một nhóm người) chiếm vị trí thượng phong.

Theo như Boehm ghi nhận, mọi xã hội linh trưởng đều bị chi phối bởi những xu hướng tương tác giống nhau. Nếu một cá nhân có cơ hội để leo lên vị trí cao hơn, anh ta nhất định sẽ tận dụng cơ hội đó; không may là, khi ai đó có quyền lực, thì những người còn lại sẽ không bằng lòng. Trong một xã hội như thế, sẽ có 3 khả năng xảy ra, Boehm viết. Thứ nhất là xung đột, khi mà những kẻ mới đến liên tục công khai thách thức những kẻ quyền lực để giành lấy vị trí đứng đầu. Thứ hai là sự thống trị sẽ đi vào ổn định, lúc đó những kẻ cầm quyền không ngừng đàn áp những người còn lại. Khả năng thứ ba là cũng sẽ có một xã hội ổn định mà Boehm gọi là “hệ thống phân cấp thống trị ngược” (reverse dominance hierarchy), ở đó những người ở dưới đáy sẽ tìm ra cách để liên thủ với nhau và “chủ ý thống trị ngược lại những lãnh đạo tiềm năng của họ.” Trong một xã hội như vậy, sự thống trị vẫn tồn tại. Chỉ có điều nó được thực thi một cách tập thể và nhất quán, từ dưới đáy lên.

Tinh tinh, linh trưởng bonobo và khỉ đột đều đấu tranh để có thể đạt được hệ thống phân cấp thống trị ngược. Đôi khi chúng chỉ có thể san phẳng cấu trúc xã hội hình kim tự tháp của mình, nhưng chỉ được một thời gian ngắn ngủi. Vấn đề ở chỗ, những cá thể có quyền lực thì thường mạnh mẽ, thông minh, và liên kết với nhau. Để lật đổ chúng và ngăn không cho chúng nắm quyền nữa, cần phải có những mối đe doạ có sức ảnh hưởng và dai dẳng, đây chính là cái mà các loài linh trưởng không có. Boehm đã phát hiện ra rằng, trong các xã hội kiểu bộ lạc và săn bắt hái lượm mà ông nghiên cứu, sự phát triển của vũ khí tầm xa là một bước quan trọng trong quá trình phát triển và duy trì sự bình đẳng: nó đặt kẻ mạnh đứng trước rủi ro lớn hơn từ kẻ yếu. Kiểu vũ khí như vậy chính là một trong những lý do giải thích vì sao xã hội loài người lại bình đẳng hơn xã hội các loài linh trưởng.

Nhưng chỉ vũ khí là chưa đủ để duy trì bình đẳng xã hội. Boehm chỉ ra rằng, để duy trì trật tự xã hội mới, tầng lớp bị thống trị cần phải tin tưởng lẫn nhau. Họ phải có những mối liên kết xã hội vững chắc và tiên liệu một tương lai cùng nhau sát cánh. Điều quan trọng nhất là họ phải giao tiếp với nhau một cách hiệu quả. Do vậy, đối với Boehm, có một đặc điểm rất đặc trưng của loài người trong việc gìn giữ sự bình đẳng: chỉ có con người mới có thể giao tiếp đủ tốt để duy trì trật tự ấy về lâu dài. Về phần mình, Van Berkel chỉ ra rằng, chúng ta được mặc định tuân theo các mô hình phân thứ bậc trong xã hội cho các mục đích phát triển, bởi lẽ việc tuân thủ chính quyền là bài học vỡ lòng của mỗi người. Nhưng những khám phá của cô có thể được hiểu theo một cách nhân văn như sau: tuân theo những người có thẩm quyền có thể là một xu hướng để đề cao phần “con,” phần ít tự chủ hơn trong mỗi chúng ta3.

Kẻ mạnh muốn kẻ yếu phải sợ hãi, mất khả năng suy nghĩ, và đơn độc.

Đáng tiếc là, khi nhìn qua lăng kính của các nghiên cứu của Van Berkel và Boehm, xã hội ngày nay dường như đang ủng hộ chúng ta trung thành với sự phân chia thứ bậc mặc định của bản thân mình. Chúng ta giờ biết rằng người nghèo bị kiệt quệ về nhận thức, bởi vì tâm trí họ luôn phải bận tâm với những vấn đề an sinh cơ bản như tiền bạc, đồ ăn, nhà ở; trong khi đó, những người khá giả thì mải mê sử dụng điện thoại thông minh để tự mua vui. Xét đến việc nghiên cứu của Van Berkel cho thấy chúng ta cần tĩnh tâm để có thể tự do suy nghĩ về sự bình đẳng, thì cũng hợp lý khi nói rằng nhịp sống hối hả và dễ gây rối loạn ngày nay đang khiến chúng ta trở lại với lối suy nghĩ phân cấp. Trong khi đó, mặc dù nghiên cứu của Boehm nhận định rằng lòng tin tưởng, khả năng giao tiếp và niềm tin tập thể vào một tương lai sát cánh cùng nhau là những yếu tố xã hội ảnh hưởng đến sự bình đẳng lâu dài, kỷ nguyên hiện đại đã làm chúng ta nảy sinh nhiều hơn những hành động cực đoan và mang tính cá nhân.

Suy rộng ra, nghiên cứu này cho chúng ta một bức tranh về việc sự thống trị nhìn chung tự duy trì như thế nào. Nếu như bạn đang ở đỉnh của một hệ thống phân cấp xã hội và nhất quyết muốn duy trì vị trí đó, thì bạn sẽ đòi hỏi 3 điều sau. Thứ nhất, bạn muốn mọi người khiếp sợ quyền lực của bạn, và vì thế họ sẽ không dám cả gan lật đổ bạn. Thứ hai, bạn muốn chiếm lấy tâm trí mọi người – và cũng có thể là cả thân xác họ nữa – triệt để đến mức khiến họ kiệt quệ về tinh thần và rồi chấp nhận tuân theo tôn ti trật tự và chính quyền hơn là sự bình đẳng và công lý. Cuối cùng, bạn sẽ muốn những kẻ mà bạn đàn áp không thể liên lạc và giao tiếp một cách hiệu quả – hoặc là, kể cả nếu họ có thể, thì họ cũng không muốn tin tưởng nhau về lâu dài. Sự chia rẽ chính là đồng minh của bạn. Kẻ mạnh muốn kẻ yếu phải sợ hãi, mất khả năng suy nghĩ, và đơn độc.

 


  1. “Suy nghĩ ít nỗ lực” được thực hiện một cách tự động, đồng thời kết luận được đưa ra trong thời gian rất ngắn. Do vậy, khi sử dụng “suy nghĩ ít nỗ lực” một người có thể không suy xét hết các khả năng có thể xảy ra của một hiện tượng hay một vấn đề nào đó. Điều đó cũng phần nào giải thích vì sao họ có xu hướng dựa vào những lựa chọn tồn tại có sẵn, ví dụ như chính quyền. Bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về “suy nghĩ ít nỗ lực” có thể đọc bài viết sau của The Huffington Post

  2. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về Christopher Boehm và các cuốn sách do ông viết tại đây

  3. Theo cách hiểu của người dịch, “một cách nhân văn” ở đây hàm ý nếu nhìn từ quan điểm nhân văn, thì khi con người tự trao quyền kiểm soát cho chính quyền, họ đang để phần “con” lấn át phần “người,” trái với việc họ chủ động liên kết và cố san phẳng cấu trúc xã hội để có được sự bình đẳng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất