a
§ Tác giả: Harry Haroutioun Haladjian | Nguồn: Psychology Today
Biên dịch: Bích Trâm | Hiệu đính:  Nguyên
16/07/2016
Tầm quan trọng của việc trải nghiệm những giấc mơ khi chúng ta ngủ là gì?

Giấc mơ là một trong những trải nghiệm có ý thức sống động và độc đáo nhất. Khả năng tường thuật của chúng đã được ghi nhận trong suốt lịch sử, từ những câu chuyện tâm linh truyền cảm hứng như giấc mơ của Jacob1 đến những tiết lộ về bản ngã bên trong con người, bao gồm từ nhận thức cá nhân đến trường phái tâm lý học Freud2. Nhưng bất chấp tầm quan trọng về mặt văn hóa và cá nhân, những giấc mơ vẫn luôn bí ẩn hơn bao giờ hết.

Bộ phim Inception3 (Tạm dịch: Sự khởi đầu) mô tả đầy kịch tính về việc giấc mơ có thể được trải nghiệm thế nào khi trong mơ người ta lại cảm thấy tỉnh táo. Những khả năng như chia sẻ giấc mơ hoặc mơ trong mơ trong bộ phim (mà trong trường hợp này là để nhằm giành lấy thời gian) được mô tả là tương đồng với những trải nghiệm điển hình của việc nằm mơ. Nhưng tóm lại, con người không chỉ đơn thuần quan sát những giấc mơ từ “trạng thái tỉnh” để có thể thiết lập hoặc thậm chí là xây dựng một thực tại khác. Thay vào đó, việc nằm mơ thường bị ràng buộc bởi các sự kiện mà một người từng trải qua trước đó, theo một cách không bị kiểm soát hay có những nhận thức như khi tỉnh táo.

Tuy nhiên, giấc mơ có ý thức vẫn luôn xảy ra. Giấc mơ sáng suốt (Nguyên gốc Tiếng Anh: Lucid dream, còn gọi là mơ tỉnh), kiểu nhận thức chú ý (attentive awareness) mà một người biết được là mình đang mơ, có thể được mô tả như một dạng tập trung được duy trì đến mức độ khiến một người chuyển từ trạng thái tỉnh táo có ý thức sang trạng thái mơ. Evan Thompson nhấn mạnh rằng việc tập luyện để chuyển đổi từ ý thức khi tỉnh táo sang ý thức trong mơ được thực nghiệm như thế nào, ít nhất là từ bài tập rèn luyện tinh thần trong Phật giáo – được gọi là “giấc mơ Yoga”. Một điểm quan trọng của ý thức trong mơ này là việc một người quyết định có ý thức rằng mình sẽ tham gia vào giấc mơ. Mục đích của việc thực hành mơ tỉnh là để đi vào “trạng thái mơ” của ý thức mà không mất đi sự chú ý tự nguyện có ý thức (conscious voluntary attention) đặc trưng khi ở trạng thái tỉnh táo. Người ta bước vào giấc mơ có ý thức bằng việc thừa nhận đó là một giấc mơ. Việc thực hành (một dạng thói quen chú ý) này cho phép người ta mơ tỉnh và gợi ý rằng có hai 2 kiểu chú ý có ý thức (conscious attention) trong giấc mơ: kiểu tỉnh táo và kiểu tham gia thụ động. Mô hình về ý thức và việc phân tán sự tập trung mà chúng ta thảo luận trong một bài viết khác có cân nhắc hai loại nhận thức giấc mơ này. Giấc mơ tỉnh thì chủ động hơn và liên quan đến sự chú ý tự nguyện có ý thức, trong khi giấc mơ bình thường lại thụ động và liên quan tới kiểu tập trung tự động.

Sống như đang ở trong mơ là một ý tưởng có những ngụ ý nghệ thuật và tâm linh sâu sắc, và đây cũng là một chủ đề quen thuộc trong triết học và văn hóa đại chúng.

Giấc mơ tỉnh mở ra những cơ hội hấp dẫn cho việc nghiên cứu về ý thức. Nếu một người có thể tham gia vào giấc mơ trong trạng thái tỉnh táo (mà giấc mơ ấy được điều khiển gần như bởi kí ức chứ không chỉ bằng kích thích cảm xúc từ bên ngoài), chúng ta cần đặt câu hỏi rằng kiểu chú ý hay ý thức này liên quan thế nào đến việc mơ mộng (daydreaming)4 và ý thức ở trạng thái tỉnh táo. Liệu ta có thể đổi ngược lại để khi ở trạng thái tỉnh táo có ý thức thì ta cảm thấy như thể đang mơ không? Sống như đang ở trong mơ là một ý tưởng có những ngụ ý nghệ thuật và tâm linh sâu sắc, và đây cũng là một chủ đề quen thuộc trong triết học và văn hóa đại chúng (pop culture)5. Thế nhưng bất chấp những ngụ ý này, và mặc dù đây là những thay đổi thú vị về sự chú ý, chúng ta vẫn chưa có một lời giải thích thỏa đáng cho mục đích về mặt nhận thức hay chức năng của chúng. Vậy ý nghĩa của việc có khả năng chuyển đổi sự chú ý theo cách này khi đang mơ là gì?

Ví dụ như, thử cân nhắc về chuyện mơ có thể được định nghĩa như một dạng rối loạn tâm lý, theo hướng giấc mơ là những trải nghiệm ảo giác thiếu tiếp xúc với môi trường xung quanh (1). Khác biệt giữa mơ và ý thức khi tỉnh táo được tìm thấy ở cả mức độ miêu tả (hiện tượng luận – phenomenological)6 và mức độ thần kinh (1). Bởi sự khác biệt giữa hai kiểu chú ý có ý thức khi mơ và khi tỉnh có thể có nguồn gốc tiến hóa khác nhau (2), câu hỏi tại sao giấc mơ có ý thức lại phát triển càng trở nên cấp thiết. Tại sao một kiểu chú ý có ý thức theo hướng “loạn thần kinh” lại trở thành một kiểu nhận thức có ý thức (conscious awareness) thường gặp ở con người? Có lý do nào để giải thích cho những trải nghiệm giấc mơ như vậy không?

Gây tranh cãi nhiều hơn là một số dạng rối loạn tâm thần, trong đó có thể bao gồm cả những giấc mơ, dường như lại là một nguồn cảm hứng nghệ thuật và sáng tạo mạnh mẽ.

Một cách giải thích khả thi là một số kiểu tập trung có ý thức trong giấc mơ đặc biệt hữu ích cho việc nhìn nhận, hiểu, và sáng tạo của mỗi cá nhân. Dù sao thì, sẽ là không chính xác nếu đánh đồng giấc mơ với ảo giác, vì với ảo giác, ý thức khi tỉnh đại diện cho một thứ không thực sự tồn tại, trong khi với giấc mơ ý thức đó lại ở một mức độ hoàn toàn khác, với hệ thống điều khiển không hề hoạt động. Thêm vào đó, Evan Thompson lập luận rằng, những kiểu luyện tập như tham gia vào giấc mơ như là một giấc mơ khiến cho giấc mơ có vẻ giống như nhận thức tưởng tượng và những hình thức sáng tạo của ý thức, chứ không phải là ảo giác, vì khi đó ta đang điều khiển sự tập trung một cách hiệu quả.

Do đó, có khả năng là các dạng nhận thức có ý thức khác nhau cùng các kiểu chú ý có lẽ đều được bao gồm trong hiện tượng mà chúng ta vẫn gọi là “mơ”. Ý tưởng cho rằng nhận thức có ý thức có nhiều dạng khác nhau là hợp lý (3), và nghiên cứu trong tương lai cần  điều tra xem những sự khác biệt này liệu có phụ thuộc – và phụ thuộc đến mức nào – vào những kiểu chú ý khác nhau. Ví dụ như, liệu giấc mơ tỉnh có dựa trên một dạng chú ý tự giác và phản xạ mà không hề có ở những loài động vật khác? Ý kiến cho rằng những trải nghiệm trong giấc mơ tỉnh giúp cải thiện khả năng tưởng tượng của chúng ta có thể giải thích được lý do tại sao chúng ta lại trân trọng chúng và tại sao chúng có thể có vai trò quan trọng về mặt nhận thức, thậm chí ngay cả khi về mặt khoa học chúng có thể bị xem là rối loạn tâm thần.

Gây tranh cãi nhiều hơn là một số dạng rối loạn tâm thần, trong đó có thể bao gồm cả những giấc mơ, dường như lại là một nguồn cảm hứng nghệ thuật và sáng tạo mạnh mẽ. Khả năng chuyển đổi của những trải nghiệm này có vai trò quan trọng trong nghệ thuật và tôn giáo. Như Plato đề cập trong Phaedrus7, một kiểu điên loạn tốt giúp giải phóng trí óc theo những cách mà có vẻ như là cần thiết cho những suy nghĩ thực sự sâu sắc và độc đáo, cũng như cho việc sáng tạo nghệ thuật và thơ ca. Nếu ý tưởng này đúng, những trạng thái bị thay đổi của ý thức, bao gồm cả những giấc mơ, là vô cùng quan trọng với những loại hình văn hóa chúng ta trân trọng nhất: sáng tạo nghệ thuật.

Một khía cạnh khác cần cân nhắc là sự khác biệt giữa những giấc mơ và những kí ức ta có khi ở trạng thái tỉnh. Việc nhớ lại giấc mơ phụ thuộc vào một dạng chú ý tự nguyện yếu và mỏng manh hơn nhiều so với kiểu chú ý giúp chúng ta tìm lại được những ký ức ý nghĩa và đa dạng. Tuy nhiên, ký ức trong giấc mơ dường như tích hợp các khía cạnh quan trọng trong đời sống riêng tư của chúng ta. Chúng ta tin rằng kiểu tích hợp ký ức trong mơ này có thể liên quan tới việc tích hợp những câu chuyện cá nhân. Nếu điều này đúng, những giấc mơ có thể có tác động cụ thể lên bộ nhớ tự thuật (autobiographical8) mà còn đi xa hơn cả mối liên hệ của chúng với sự sáng tạo nguyên bản và sâu sắc.

Độc lập với những khả năng sáng tạo của các trạng thái thay đổi của ý thức, nhữ ng sự khác biệt giữa giấc mơ tỉnh, giấc mơ, mơ mộng, và ý thức khi tỉnh chắc chắn sẽ cho thấy sự khác biệt giữa ý thức và sự tập trung. Khả năng mơ tỉnh của con người, mà có vẻ như là không có ở các loài khác (dù một số loài động vật được cho là có thể mơ khi ngủ) là một điều cần được nghiên cứu kĩ lưỡng. Cuối cùng thì, nghiên cứu này cũng có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất của ý thức.

 

Nguồn tham khảo:

(1) Hobson, A., & Voss, U. (2011). A mind to go out of: Reflections on primary and secondary consciousness. Consciousness and Cognition, 20(4), 993-997.

(2) Haladjian, H. H., & Montemayor, C. (2015). On the evolution of conscious attention. Psychonomic Bulletin & Review, 22(3), 595-613.

(3) Kriegel, U. (2015). The Varieties of Consciousness. Oxford University Press.


  1. Rabbai Jacob Charlap được biết đến bởi có một giấc mơ về Chúa. Trong giấc mơ của mình, Jacob nhìn thấy một chiếc thang đặt trên mặt đất và dẫn lên tận bầu trời. Các Thiên Thần đi lại trên chiếc thang ấy. Và cuối cùng anh nhìn thấy Chúa đang đứng bên cạnh mình.

  2. Sigmund Freud (1856 – 1939) được coi là cha đẻ của phân tích tâm lý học. Bằng các quan sát tìm tòi nghiên cứu trong điều trị các bệnh nhân tâm thần, Freud đã cho xuất bản nhiều công trình nghiên cứu phối hợp độc lập, và đã đi tới kết luận khoa học quan trọng sau này trở thành học thuyết mang tên ông: thuyết Phân tâm học. Học thuyết Phân tâm học được xây dựng trên khái niệm vô thức. Freud quan niệm “Tất cả các hiện tượng tâm thần của con người về bản chất là hiện tượng vô thức. Vô thức là phạm trù chủ yếu trong đời sống tâm lí của con người. Mọi hoạt động trong tâm trí đều bắt nguồn trong vô thức và tuỳ theo tương quan của những lực lượng thôi thúc và ngăn cản được biểu hiện ra theo những qui luật khác hẳn với ý thức”.

  3. Inception là bộ phim hành động khoa học viễn tưởng ra mắt năm 2010 được viết, sản xuất và đạo diễn bởi Christopher Nolan. Nội dung bộ phim xoay quanh một kẻ cắp chuyên nghiệp chuyên thực hiện các hoạt động gián điệp bằng cách xâm nhập vào tiềm thức của đối tượng mục tiêu.

  4. Daydreaming: Chỉ sự mơ mộng của con người ngay khi ở trạng thái tỉnh.

  5. Pop culture: Nền văn hóa dựa trên thị hiếu của số đông mọi người.

  6. Hiện tượng luận – Phenomenological – là một trường phái triết học, sáng lập bởi Emund Gustav Albrecht Husserl (1859 – 1938). Trong quan niệm của Husserl, triết học cũng như các khoa học khác không phải là những thứ xa vời với thực tiễn cuộc sống hay đánh mất ý nghĩa nhân sinh của con người. Do vậy, ông chủ trương xây dựng một thứ triết học và phương pháp triết học nhằm đưa con người trở về với bản chất chân thực trong nhận thức, trong hành vi ý thức, trong việc hình thành thế giới sống của chính mình. Hiện tượng luận cùng các phương pháp hiện tượng luận chính là con đường mà thông qua đó, Husserl thực hiện mục đích của mình.

  7. Phaedrus được sáng tác vào khoảng năm 370 trước Công nguyên bởi Plato, là một cuộc đối thoại giữa các nhân vật chính Socrates và Phaedrus. Mặc dù bề ngoài là về đề tài tình yêu nhưng các cuộc đối thoại chủ yếu xoay quanh nghệ thuật hùng biện và các chủ đề đa dạng như thuyết luân hồi và tình yêu nhục dục.

  8. Autobiographical: Sự đánh dấu/lưu giữ lại những trải nghiệm thực của bản thân theo một dạng tự thuật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Quan tâm làm gì?
Tại sao chúng ta phải quan tâm đến môi trường, khi mà hành động của một cá nhân quá nhỏ để giải quyết những vấn đề lớn, và chúng ta thì cũng chẳng phải là chuyên gia?
Mới nhất