a
§ Tác giả: David H. Freedman | Nguồn: Scientific American
Biên dịch: Minh Hoàng | Hiệu đính:  Nhi
24/05/2020

Robert Goldberg ngồi thõng xuống bàn làm việc, hai tay quờ quạng trong không trung. “Lũ quái vật Frankenstein, những sinh vật bò ra khỏi phòng thí nghiệm,” ông nói. “Đây là điều làm tôi phiền lòng nhất từ trước tới giờ.”

Goldberg, một nhà sinh học phân tử thực vật tại Đại học California, Los Angeles, chẳng hề bị tâm thần. Ông đang thể hiện sự buồn phiền khi luôn phải đối diện với cái ông cho là những nỗi sợ vớ vẩn về các nguy cơ sức khỏe của cây trồng biến đổi gen1. Theo ông, điều làm ông bực mình nhất là việc cuộc tranh cãi này đáng ra đã phải kết thúc từ hàng thập kỷ trước, khi các nhà nghiên cứu đưa ra một loạt chứng cứ giải oan: “Ngày nay chúng tôi vẫn đối mặt với cùng những phản biện từ 40 năm trước.”

David Williams, một nhà sinh học tế bào chuyên về thị giác cùng làm việc tại Đại học California, thì phàn nàn ngược lại. “Rất nhiều thứ khoa học ngây ngô đã tham gia vào sự phát triển của công nghệ này,” ông nói. “Ba mươi năm trước, chúng ta không biết rằng bộ gen luôn phản ứng với bất kỳ gen nào được thêm vào nó. Nhưng bây giờ, ai trong ngành này cũng biết bộ gen không phải là một môi trường bất biến. Các gen được thêm vào có thể bị biến đổi theo nhiều cách khác nhau, và việc này có thể xảy ra ở các thế hệ sau.” Ông khẳng định rằng kết quả hoàn toàn có thể là những cây trồng độc hại lọt qua khâu kiểm soát.

Williams thừa nhận mình là một trong số rất ít các nhà sinh học chất vấn sự an toàn của cây trồng biến đổi gen. Nhưng theo ông, sở dĩ tình trạng này xảy ra là bởi lĩnh vực sinh học phân tử thực vật đang bảo vệ lợi ích của mình. Nguồn vốn, phần nhiều đến từ các công ty bán hạt giống biến đổi gen, thiên vị các nhà nghiên cứu đang tìm cách lan rộng việc ứng dụng biến đổi gen trong nông nghiệp. Các nhà sinh học nào chỉ ra những nguy cơ về sức khỏe hoặc về vấn đề khác gắn với cây trồng biến đổi gen – họ chỉ cần thuật lại hoặc bảo vệ những kết quả thí nghiệm chỉ ra các nguy cơ này thôi – đều bị tấn công dữ dội đến uy tín; vì vậy, những nhà khoa học nghi ngờ thực phẩm biến đổi gen thường giữ im lặng.

Dù Williams đúng hay sai, có một điều không thể chối cãi: bất chấp lượng bằng chứng đồ sộ cho thấy thực phẩm biến đổi gen an toàn cho người tiêu dùng, tranh cãi về chúng tiếp tục nổi lên, và thậm chí còn gắt gao hơn bao giờ hết ở một vài nơi trên thế giới. Những người hoài nghi cho rằng sự bất đồng này là một điều tốt – không thể nói rằng chúng ta đang quá cẩn thận khi can thiệp vào cơ cấu gen của nguồn thực phẩm toàn cầu. Tuy nhiên, đối với những nhà nghiên cứu như Goldberg, những nỗi sợ dai dẳng về thực phẩm biến đổi gen chỉ mang lại sự bực dọc. “Bất chấp việc hàng trăm triệu thí nghiệm gen được tiến hành trên tất cả loài sinh vật sống trên Trái đất,” ông nói, “và con người trải qua hàng tỉ bữa ăn mà chẳng hề hấn gì, chúng ta vẫn quay về với sự dốt nát.”

Vậy ai đúng, ai sai: những người ủng hộ hay chỉ trích thực phẩm biến đổi gen? Khi xem xét bằng chứng của cả hai bên và đặt lên bàn cân các nguy cơ và lợi ích, chúng ta sẽ thấy một lối thoát rõ ràng đến bất ngờ trong tình thế này.

Lợi ích và nguy cơ

Phần nhiều nghiên cứu khoa học về sự an toàn của thực phẩm biến đổi gen đều đi theo một hướng. David Zilberman là một nhà kinh tế nông nghiệp và môi trường tại Đại học California, Berkeley và một trong số ít các nhà nghiên cứu được cả các công ty hóa học nông nghiệp và những người phản đối chúng coi là đáng tin cậy. Ông cho rằng những lợi ích của cây trồng biến đổi gen lấn át các nguy cơ về sức khỏe mà đến giờ vẫn chỉ tồn tại về mặt lý thuyết. Việc sử dụng cây trồng biến đổi gen “đã làm giảm giá thành thực phẩm,” Zilberman nói. “Nó đã cải thiện độ an toàn trong sản xuất nông nghiệp bằng cách làm giảm nhu cầu dùng thuốc trừ sâu. Nó còn làm tăng sản lượng ngô, bông, và đậu nành từ 20 đến 30 phần trăm, từ đó giúp một số người tăng thu nhập và sống sót. Nếu được áp dụng rộng rãi khắp thế giới, giá thành [thực phẩm] sẽ càng thấp hơn, và có ít người chết đói hơn.”

Zilberman cho rằng trong tương lai, những lợi thế này sẽ càng được phát huy. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc ước tính rằng thế giới sẽ cần sản xuất thêm 70 phần trăm lương thực trước năm 2050 để theo kịp sự gia tăng dân số. Biến đổi khí hậu sẽ khiến nhiều phần đất trồng trọt trở nên khó canh tác hơn. Zilberman cho rằng cây trồng biến đổi gen có thể mang lại các vụ thu hoạch lớn hơn, phát triển trên đất khô và nhiễm mặn, chịu đựng nhiệt độ cao và thấp, và chống lại các loài sâu bọ, mầm bệnh, và thuốc diệt cỏ.

Bất chấp những tiềm năng ấy, phần lớn thế giới lại ra sức cấm, giới hạn, hoặc tẩy chay thực phẩm biến đổi gen. Gần như tất cả ngô và đậu nành trồng ở Mỹ đã qua biến đổi gen, nhưng chỉ hai loại cây trồng biến đổi gen, ngô MON810 của Monsanto và khoai tây Amflora của BASF, được chấp nhận trong Liên minh châu Âu (E.U.). Mười quốc gia E.U. đã cấm MON810, và dù BASF đã rút Amflora khỏi thị trường vào năm 2012, bốn quốc gia E.U. vẫn mất công cấm nó. Một vài giống ngô biến đổi gen mới đã được đề xuất, nhưng cho đến nay chúng vẫn tiếp tục bị từ chối quyết liệt. Khắp châu Á, bao gồm ở Ấn Độ và Trung Quốc, các chính phủ chưa chấp thuận phần lớn cây trồng biến đổi gen, kể cả một giống gạo chống sâu bọ có sản lượng cao hơn và cần ít thuốc trừ sâu hơn. Tại châu Phi, nơi hàng triệu người phải chết đói, một vài quốc gia vẫn từ chối nhập khẩu thực phẩm biến đổi gen bất chấp giá thành rẻ (kết quả của sản lượng cao hơn và nhu cầu nước và thuốc trừ sâu ít hơn). Kenya đã cấm chúng hoàn toàn giữa tình trạng suy dinh dưỡng lan rộng. Chưa quốc gia nào có kế hoạch cụ thể để trồng Gạo Vàng (Golden Rice), một cây trồng được thiết kế để chứa nhiều vitamin A hơn rau bina (gạo thông thường không chứa vitamin A), dù tình trạng thiếu hụt vitamin A gây ra hơn một triệu ca tử vong mỗi năm và 500.000 ca mù không chữa được ở các nước đang phát triển.

Chỉ 1/10 diện tích đất trồng của toàn thế giới được sử dụng cho cây trồng biến đổi gen. 90 phần trăm cây trồng biến đổi gen trên thế giới tập trung ở bốn quốc gia – Mỹ, Canada, Brazil, và Argentina. Các nước Mỹ Latinh khác thì đang dần tránh xa chúng. Kể cả ở Mỹ, những ý kiến chỉ trích thực phẩm biến đổi gen ngày một gay gắt. Vào năm 2016, chính phủ liên bang Mỹ đã thông qua luật yêu cầu ghi chú các nguyên liệu biến đổi gen trong thực phẩm, thế chỗ những luật ghi chú nguyên liệu biến đổi gen đã được thông qua hoặc đề xuất tại hàng chục bang trước đó.

Nỗi sợ đằng sau những hành động này có một lịch sử lâu đời. Công chúng đã lo lắng về sự an toàn của thực phẩm biến đổi gen từ khi các nhà khoa học tại Đại học Washington phát triển những cây thuốc lá biến đổi gen đầu tiên vào những năm 1970. Vào giữa thập niên 90, khi những cây trồng biến đổi gen đầu tiên xuất hiện trên thị trường, tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh), tổ chức Câu lạc bộ Sierra, Ralph Nader, Prince Charles và một số đầu bếp nổi tiếng đã thể hiện sự phản đối gay gắt với chúng. Người tiêu dùng ở châu Âu trở nên đặc biệt lo lắng: một cuộc điều tra vào năm 1997, chẳng hạn, cho thấy 69 phần trăm người dân Áo nghĩ rằng thực phẩm biến đổi gen tiềm ẩn các nguy cơ nghiêm trọng, trong khi chỉ 14 phần trăm người dân Mỹ nghĩ vậy.

Tại châu Âu, sự hoài nghi về thực phẩm biến đổi gen từ lâu đã gắn liền với những mối lo khác, chẳng hạn như sự tức giận đối với nền kinh doanh nông nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, dù có nguồn gốc từ đâu, thái độ của người dân châu Âu vẫn lan ra khắp thế giới, ảnh hưởng đến chính sách ở những nước có khả năng nhận được lợi ích khổng lồ từ cây trồng biến đổi gen. “Người châu Phi chẳng quan tâm bọn man rợ ở Mỹ đang làm gì,” Zilberman nói. “Họ nhìn vào châu Âu và thấy những quốc gia ở đó đang bác bỏ thực phẩm biến đổi gen, nên họ không sử dụng chúng.” Những thế lực chống lại công nghệ biến đổi gen ở châu Âu đã kêu gọi sự ủng hộ cho “nguyên lý phòng ngừa” (precautionary principle): dựa trên giả thiết một thảm họa khủng khiếp có thể xảy ra nếu một loại cây trồng biến đổi gen độc hại lan tràn ra khắp thế giới, các nỗ lực nghiên cứu về công nghệ biến đổi gen nên được ngừng lại cho đến khi sự an toàn tuyệt đối của công nghệ này được chứng minh.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu y học đều biết chẳng có gì có thể được chứng minh là “an toàn tuyệt đối.” Ta chỉ không tìm được nguy cơ đáng kể sau khi cố gắng hết sức để tìm ra nó – như trong trường hợp của cây trồng biến đổi gen.

Một hồ sơ sạch bóng

Nhân loại đã thực hiện chọn giống cây trồng, qua đó thay đổi bộ gen của chúng, trong hàng thiên niên kỷ. Lúa mì thông thường từ lâu đã là một giống cây được thiết kế bởi con người; nó không thể tồn tại bên ngoài các trang trại do hạt không có khả năng phân tán. Trong khoảng 60 năm, các nhà khoa học đã sử dụng các kỹ thuật “đột biến gen” (mutagenic) để làm xáo trộn ADN của cây trồng bằng phóng xạ và hóa chất, tạo nên những giống lúa mì, gạo, lạc, và lê mà giờ đây là trụ cột của nông nghiệp. Phương pháp này ít bị giới khoa học hay công chúng phản đối và không gây ra tác hại cho sức khỏe.

Điểm khác biệt là việc chọn giống hay các kỹ thuật đột biến gen thường dẫn đến một nhóm lớn các gen bị tráo đổi hoặc chỉnh sửa. Trong khi đó, công nghệ biến đổi gen cho phép các nhà khoa học cài một (hoặc một vài gen) từ một loài cây khác, hoặc thậm chí từ một loài vi khuẩn, vi-rút, hoặc động vật, vào bộ gen của cây trồng. Phía ủng hộ cho rằng độ chính xác của công nghệ này làm giảm khả năng xảy ra các trường hợp bất ngờ. Phần lớn các nhà sinh học phân tử thực vật cũng cho rằng trong trường hợp xuất hiện mối nguy về sức khỏe ở một cây trồng biến đổi gen mới, các nhà khoa học sẽ nhanh chóng xác định và loại bỏ nó. “Chúng ta biết gen đó nằm ở đâu và có thể đo lường hoạt động của từng gen xung quanh nó,” Goldberg nói. “Chúng ta có thể thấy chính xác những thay đổi nào sẽ xảy ra và không xảy ra.”

Và mặc dù việc cài ADN của vi-rút vào cây trồng nghe khá ghê rợn, phía ủng hộ cho rằng điều này thực chất sẽ không gây ra vấn đề gì. Vi-rút đã cài ADN của chúng vào bộ gen của cây trồng, cũng như của người và tất cả các sinh vật sống khác, trong hàng triệu năm nay. Chúng thường mang gen của vật chủ, đây là lý do vì sao bộ gen của chúng ta lại đầy rẫy các chuỗi gen có nguồn gốc từ vi-rút và các loài phi nhân khác. “Khi những người chỉ trích thực phẩm biến đổi gen nói rằng gen không di chuyển giữa các loài khác nhau trong tự nhiên, đó là sự thiếu hiểu biết cơ bản,” Alan McHughen, một nhà di truyền phân tử thực vật ở Đại học California, Riverside, cho biết. Loài rệp đậu chứa gen của nấm. Tiểu hắc mạch (triticale) là giống cây lai hơn trăm tuổi giữa lúa mì và lúa mạch đen xuất hiện trong một số loại bột mì và ngũ cốc ăn sáng. Bản thân lúa mì cũng là cây lai giữa các loài khác nhau. “Mẹ Thiên nhiên luôn luôn làm việc này, và những nhà chọn giống thực vật truyền thống cũng vậy,” McHughen nói.

Liệu rằng việc ăn thực vật biến đổi gen có khiến ADN mới xâm nhập vào bộ gen của chúng ta không? Điều này là khả thi nhưng khả năng cao sẽ không xảy ra. Các nhà khoa học chưa tìm được vật liệu di truyền nào có thể sống sót khi di chuyển qua hệ tiêu hóa của con người và đi vào tế bào. Hơn nữa, chúng ta thường xuyên gặp phải – và thậm chí là tiêu hóa – các vi-rút và vi khuẩn có gen xuất hiện trong thực phẩm biến đổi gen. Chẳng hạn như vi khuẩn Bacillus thuringiensis, một loài tiết ra protein độc hại cho côn trùng, thường được dùng làm thuốc trừ sâu tự nhiên trong nông nghiệp hữu cơ. “Chúng ta đã ăn những thứ như vậy trong hàng nghìn năm,” Goldberg nói.

Theo phía ủng hộ, bằng cách này hay cách khác, con người đã tiêu hóa hàng triệu triệu bữa ăn chứa các nguyên liệu biến đổi gen trong vài thập kỷ vừa qua. Chúng ta chưa hề biết đến một ca bệnh nào có căn nguyên là biến đổi gen. Mark Lynas, một nhà vận động chống biến đổi gen đã công khai chuyển sang phía ủng hộ công nghệ này vào năm 2013, chỉ ra rằng tất cả những thảm họa thực phẩm nổi tiếng trong lịch sử đều liên quan tới thực phẩm không được biến đổi gen, chẳng hạn như loại giá đỗ hữu cơ nhiễm Escherichia coli đã làm 53 người chết tại châu Âu vào năm 2011.

Các nhà chỉ trích thường gièm pha các nghiên cứu của Mỹ về sự an toàn của thực phẩm biến đổi gen, vì chúng thường được cấp vốn hoặc thậm chí được tiến hành bởi các công ty công nghệ biến đổi gen như Monsanto. Nhưng phần lớn nghiên cứu về vấn đề này đến từ Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của E.U., và không có lý do gì để cho rằng họ là công cụ của ngành nông nghiệp biến đổi gen. Ủy ban châu Âu đã cấp vốn cho 130 dự án nghiên cứu về sự an toàn của cây trồng biến đổi gen, được tiến hành bởi hơn 500 nhóm độc lập. Không một nghiên cứu nào trong số đó tìm ra nguy cơ đặc biệt có trong cây trồng biến đổi gen.

Có không ít tổ chức đáng tin cậy khác đưa ra kết luận tương tự. Gregory Jaffe, chủ nhiệm bộ phận công nghệ sinh học tại Trung tâm Khoa học vì Lợi ích Công cộng, một tổ chức khoa học vì lợi ích của người tiêu dùng tại Washington, D.C., khăng khăng nói rằng tổ chức của ông không có một quan điểm chính thức ủng hộ hay phản đối cây trồng biến đổi gen. Nhưng Jaffe cho rằng chứng cứ khoa học rất rõ ràng. “Những cây trồng biến đổi gen hiện nay an toàn cho người tiêu dùng và có thể được nuôi trồng an toàn ngoài môi trường,” ông nói. Hiệp hội vì sự Tiến bộ của Khoa học Mỹ, Hiệp hội Y khoa Mỹ, và Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ đều đã lên tiếng ủng hộ cây trồng biến đổi gen. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), cùng với đối tác tại nhiều quốc gia khác, đã nhiều lần xem xét một lượng nghiên cứu khổng lồ và kết luận rằng cây trồng biến đổi gen không tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe đặc biệt nào. Hàng chục nghiên cứu kiểm chứng được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu hàn lâm cũng ủng hộ quan điểm này.

Bên phản đối thực phẩm biến đổi gen dựa vào một số nghiên cứu cho thấy những nguy cơ tiềm tàng. Nhưng các nhà kiểm chứng đã bác bỏ gần như tất cả những báo cáo này. Ví dụ, một nghiên cứu năm 1998 được tiến hành bởi nhà sinh hóa thực vật Árpád Pusztai, bấy giờ ở Viện Rowett tại Scotland, tìm thấy tình trạng chậm phát triển và các thay đổi liên quan đến hệ miễn dịch ở những con chuột được cho ăn một mẫu khoai tây biến đổi gen. Nhưng mẫu khoai tây ấy không dành cho người tiêu dùng – thực chất, nó được thiết kế để trở nên độc hại nhằm phục vụ cho mục đích của nghiên cứu. Viện Rowett sau đó tuyên bố thí nghiệm này cẩu thả đến mức họ đã phủ nhận kết quả và xử lý kỷ luật Pusztai.

Còn không ít những câu chuyện tương tự. Gần đây nhất, một nhóm nghiên cứu dưới sự chỉ huy của Gilles-Éric Séralini, một nhà nghiên cứu tại Đại học Caen Lower Normandy tại Pháp, tìm thấy tỉ lệ mắc ung thư tăng cao một cách đáng lo ngại ở những con chuột được cho ăn một giống ngô biến đổi gen thông dụng. Nhưng Séralini từ lâu đã là một nhà vận động chống biến đổi gen, và phái chỉ trích cho rằng trong nghiên cứu này, ông đã dựa vào một giống chuột quá dễ phát sinh các khối u, không sử dụng đủ chuột thí nghiệm, không áp dụng các nhóm đối chứng phù hợp và không báo cáo nhiều chi tiết về thí nghiệm, bao gồm phương pháp phân tích. Sau khi xem xét, Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu đã bác bỏ kết quả của nghiên cứu. Một số tổ chức châu Âu khác cũng đi đến kết luận tương tự. “Nếu ngô biến đổi gen độc hại đến vậy, chắc chắn ai đó đã phải nhận ra từ trước,” McHughen nói. “Séralini đã bị bác bỏ bởi tất cả những ai đủ quan tâm để bình luận.”

Một số nhà khoa học cho rằng tiếng nói phản đối thực phẩm biến đổi gen bắt nguồn từ chính trị hơn là khoa học – động lực của họ là sự bất bình trước tầm ảnh hưởng khổng lồ của các tập đoàn đa quốc gia lớn đến nguồn cung thực phẩm; lợi dụng các nguy cơ về biến đổi gen là một cách thuận tiện để dẫn lối công chúng chống lại ngành công nghiệp nông nghiệp. “Việc này chả liên quan gì đến khoa học,” Goldberg nói. “Nó là vấn đề về tư tưởng.” Lynas, từng là nhà hoạt động chống thực phẩm biến đổi gen, đồng tình. Ông thậm chí gắn mác phía phản đối biến đổi gen “rõ rành rành là một phong trào phản khoa học.”

Những mối lo không dứt

Tuy nhiên, không phải ý kiến phản đối thực phẩm biến đổi gen nào cũng dễ bị bác bỏ như vậy. Tác hại lâu dài về sức khỏe có thể rất khó phát hiện và gần như không thể quy về các thay đổi cụ thể trong môi trường. Các nhà khoa học từ lâu đã tin rằng bệnh Alzheimer và nhiều loại ung thư có nguyên nhân từ yếu tố môi trường, nhưng khó có thể nói chúng ta đã xác định được tất cả những yếu tố ấy.

Và phía phản đối phủ nhận ý kiến cho rằng quá trình biến đổi gen ít có khả năng gặp trục trặc chỉ vì các gen được thay thế ít hơn và được mô tả chính xác hơn. David Schubert, một nhà nghiên cứu bệnh Alzheimer, chủ nhiệm Phòng thí nghiệm Sinh học Thần kinh Tế bào tại Viện Nghiên cứu Sinh học Salk tại La Jolla, California, khẳng định rằng một gen được xác định rõ ràng vẫn có thể nhập vào bộ gen của cây trồng theo nhiều hướng khác nhau. “Nó có thể vào xuôi, vào ngược, vào nhiều chỗ khác nhau, vào nhiều bản cùng lúc, và có các hành vi khác nhau,” ông nói. Và, theo như nhà sinh học Williams ở Đại học California, Los Angeles ghi nhận, một bộ gen thường tiếp tục thay đổi trong những thế hệ tương lai sau khi được cấy gen mới, tạo ra một kết cấu khác với dự định và kiểm nghiệm ban đầu. Williams nói thêm, hiện tượng “đột biến cài gen” (insertional mutagenesis) cũng có thể xảy ra khi gen được thêm vào gây cản trở hoạt động của các gen xung quanh.

Đúng là số gen bị ảnh hưởng trong cây trồng biến đổi gen sẽ ít hơn rất nhiều so với các phương pháp nuôi giống thông thường. Tuy nhiên, phía phản đối khẳng định, bởi vì sự tráo đổi hoặc thay đổi toàn bộ thành phần các nhóm gen ở thực vật là một quá trình tự nhiên đã diễn ra được 500 triệu năm, nó gây ra rất ít hậu quả bất ngờ. Mặt khác, thay đổi một gen nhất định lại là một hành động phá hoại, với những hiệu ứng gợn sóng khôn lường, bao gồm việc tiết ra các protein mới có khả năng là chất độc hoặc dị nguyên.

Phía phản đối cũng chỉ ra rằng những thay đổi đến từ việc cài gen ngoại lai có thể có tác động nghiêm trọng hơn, phức tạp hơn, hoặc khó phát hiện hơn so với việc tráo đổi gen nội loài trong chọn giống thông thường. Và chỉ vì đến nay chưa có bằng chứng cho thấy vật liệu di truyền của cây trồng biến đổi gen có thể xâm nhập vào bộ gen của người tiêu dùng không có nghĩa là việc đó sẽ không bao giờ xảy ra – thậm chí, có thể nó đã xảy ra mà chúng ta chưa hề phát hiện. Khả năng cao là những thay đổi này sẽ khó xác định; ảnh hưởng của chúng lên quá trình sản xuất protein có thể còn không xuất hiện trong thí nghiệm kiểm chứng. “Nếu kết quả là cây trồng kém phát triển thì có thể thấy ngay,” Williams nói. “Nhưng nếu nó sản sinh ra các protein để lại hậu quả lâu dài về sức khỏe cho người tiêu dùng, ta làm thế nào để xác định những thay đổi ấy?”

Cũng phải công nhận rằng nhiều nhà khoa học ủng hộ thực phẩm biến đổi gen trong ngành đang khắt khe quá mức – thậm chí là thiếu khoa học – khi đáp lại những lời chỉ trích. Phía ủng hộ biến đổi gen thường quy chụp những nhà khoa học đặt câu hỏi về sự an toàn của công nghệ này với những nhà hoạt động xã hội và những nhà nghiên cứu mất uy tín. Và kể cả Séralini, nhà khoa học đằng sau nghiên cứu về tỉ lệ ung thư cao ở chuột ăn thực phẩm biến đổi gen, cũng nhận được một số tiếng nói bảo vệ. Phần lớn trong số đó đến từ người ngoài ngành, các nhà nghiên cứu đã nghỉ hưu từ những tổ chức ít ai biết đến, hoặc các nhà khoa học ngoài ngành sinh học, nhưng Schubert của Viện Salk cũng khẳng định rằng nghiên cứu đó đã bị bác bỏ một cách bất công. Ông cho rằng, với tư cách là một người thường xuyên thực hiện các cuộc kiểm nghiệm dược phẩm, ông hiểu rõ những yếu tố nào làm nên một nghiên cứu chất lượng về độc chất học trên động vật, và thí nghiệm của Séralini đạt đủ yêu cầu. Ông khẳng định rằng giống chuột trong thí nghiệm của Séralini là giống chuột thường được sử dụng với cỡ mẫu tương đương trong nhiều nghiên cứu về dược phẩm đáng tin cậy; rằng phương pháp luận của Séralini cũng theo quy chuẩn; và chẳng cần bàn đến những chi tiết không mấy liên quan về cách phân tích dữ liệu vì kết quả nghiên cứu đã rất rõ ràng.

Schubert và Williams là hai trong số ít các nhà sinh học từ những tổ chức danh tiếng dám thách thức số đông ủng hộ sự an toàn của thực phẩm biến đổi gen. Hai ông tuyên bố sẽ có nhiều nhà khoa học lên tiếng phản đối thực phẩm biến đổi gen hơn nếu họ không bị các tạp chí khoa học và giới truyền thông tấn công như hiện giờ. Những chỉ trích này, theo hai ông, bắt nguồn từ nỗi sợ rằng việc dấy lên những lo ngại có thể khiến ngành này nhận được ít vốn hơn. Williams nói: “Dù có nhận thức được hay không, họ nhận được lợi ích từ việc quảng bá ngành này, và họ không hề khách quan.”

Cả hai nhà khoa học kể rằng, sau khi đăng tải một số bình luận nghi ngờ sự an toàn của thực phẩm biến đổi gen trên các tạp chí khoa học đáng tin cậy, họ đã trở thành nạn nhân của những cuộc tấn công phối hợp nhằm hạ bệ uy tín. Schubert thậm chí còn cho rằng các nhà nghiên cứu tìm được bằng chứng về các nguy cơ tiềm tàng của thực phẩm biến đổi gen không công bố những kết quả này do lo ngại về hậu quả tương tự. “Nếu kết quả nghiên cứu đi ngược lại xu hướng chung,” ông nói, “bạn sẽ bị chỉ trích điên cuồng.”

Có bằng chứng cho khẳng định này. Vào năm 2009, tạp chí Nature đã tường thuật lại phản ứng dữ dội đối với một nghiên cứu có cơ sở vững chắc được xuất bản trong Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Loyola Chicago và Đại học Notre Dame. Nghiên cứu này cho thấy ngô biến đổi gen có vẻ đã xâm lấn vào các con suối gần trang trại, và có khả năng đe dọa một số loài côn trùng ở đó vì, theo thí nghiệm của nhóm nghiên cứu, việc tiêu hóa hạt phấn từ ngô biến đổi gen dường như gây hại cho loài cánh lông (caddis flies). Nhiều nhà khoa học đã lập tức tấn công nghiên cứu này, và một số cho rằng nhóm nghiên cứu đã cẩu thả đến mức đáng bị xử lý kỷ luật.

Tiến đến tương lai

Có một quan điểm trung dung trong cuộc tranh cãi này. Nhiều tiếng nói ôn hòa ủng hộ việc tiếp tục phân phối thực phẩm biến đổi gen trong khi duy trì hoặc thậm chí thắt chặt khâu kiểm tra an toàn đối với các cây trồng biến đổi gen mới. Họ ủng hộ việc thận trọng xem xét những tác động về sức khỏe và môi trường của những giống cây hiện tại. Nhưng họ không chỉ chú trọng đặc biệt vào cây trồng biến đổi gen, như Jaffe từ Trung tâm Khoa học vì Lợi ích Công cộng ghi nhận: tất cả cây trồng nên được kiểm nghiệm thêm. “Chúng ta nên cải thiện quá trình kiểm nghiệm thực phẩm nói chung,” ông nói.

Kể cả Schubert cũng đồng tình. Bất chấp những mối lo của mình, ông tin rằng cây trồng biến đổi gen có thể được đưa vào sử dụng một cách an toàn trong tương lai nếu công đoạn kiểm tra được cải thiện. “90 phần trăm các nhà khoa học tôi trò chuyện cùng nghĩ rằng các cây trồng biến đổi gen mới được kiểm nghiệm an toàn giống như cách dược phẩm được kiểm nghiệm bởi FDA,” ông nói. “Đó là một giả định sai, và chúng hoàn toàn nên được kiểm tra như vậy.”

Cải thiện khâu kiểm tra sẽ là một gánh nặng cho các nhà nghiên cứu về công nghệ biến đổi gen, và điều này có thể làm chậm lại quá trình đưa các loại cây trồng mới vào sử dụng. “Kể cả với những tiêu chuẩn hiện hành về an toàn cây trồng biến đổi gen, phần lớn các cây trồng được ươm giống theo kiểu truyền thống cũng sẽ không thể bước chân vào thị trường,” McHughen nói. “Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta trở nên nghiêm ngặt hơn?”

Hỏi vậy cũng có lý. Nhưng khi chính phủ và người tiêu dùng đang ngày càng phản đối cây trồng biến đổi gen nói chung, thắt chặt khâu kiểm tra có thể là bước thỏa hiệp sẽ mang lợi ích khổng lồ của những cây trồng này đến với nhân loại.


  1. Cây trồng biến đổi gen là loại cây trồng được lai tạo ra bằng cách sử dụng các kỹ thuật di truyền, công nghệ gene hay công nghệ DNA tái tổ hợp, để chuyển một hoặc một số gene chọn lọc để tạo ra cây trồng mang tính trạng mong muốn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất