a
§ Tác giả: Joe Pinsker | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Linh Chi Ha | Hiệu đính:  coda
12/03/2021

Sự phát triển đồng thời của công nghệ và kinh tế đã giúp những cặp đôi đang phải xa nhau cảm thấy sự chia cắt về địa lý bớt áp lực và thú vị hơn. 

Stanley Davidge, 25 tuổi, quản lý mạng lưới của một chuỗi nhà hàng cấp quốc gia, có một đời sống tình cảm phi thường. Davidge đang sống ở South Carolina. Gần như lúc nào anh cũng giữ liên lạc với bạn gái mình, Angela Davila, đang ở Virginia để tìm việc. Mặc dù họ sống cách nhau 6 tiếng lái xe, họ vẫn tán gẫu những chuyện lặt vặt qua FaceTime trong giờ nghỉ của Davidge, họ gọi cho nhau trên xe, hai người xem TV cùng nhau vào cuối ngày qua website giúp họ chia sẻ màn hình cho đối phương. “Cứ như chúng tôi đang ở cạnh nhau vậy,” anh ấy nói về ứng dụng liên lạc trực tuyến của họ. 

Cách Davidge và Davila duy trì mối quan hệ không còn xa lạ với bất kỳ ai quen thuộc với mạng Internet và điện thoại thông minh. Tuy nhiên, nếu xem xét cả chiều dài lịch sử loài người, điều này thật đáng kinh ngạc: hai người ở hai nơi khác nhau có thể duy trì được một mối quan hệ sâu sắc mà không cần bận tâm tới các vấn đề về tiền bạc hay kỹ thuật. 

Thật khó để đưa ra một kết luận chắc chắn rằng liệu việc duy trì một mối quan hệ từ xa đã trở nên thịnh hành hơn ở thời điểm hiện tại so với khoảng một hoặc hai thế hệ trước, mặc dù một vài học giả tin là như vậy. “Nó ở đây, và chúng tôi nghĩ là nó ngày càng phổ biến,”Laura Stafford, học giả về truyền thông tại Đại học Bowling Green State và là người nghiên cứu về các mối quan hệ xa cách, chia sẻ. 

Tuy nhiên, có nhiều kiểu quan hệ từ xa khiến chúng ta khó có thể liệt kê hết: Các cặp đôi (cưới hoặc chưa cưới) có thể đang sống xa nhau bởi vì họ đi học các trường đại học khác nhau, họ có công việc tại các thành phố (hoặc đất nước) khác nhau, một trong hai người ở trong quân đội, một hoặc cả hai người đang đi tù, hoặc một trong hai người phải chuyển đi để chăm sóc cha mẹ già. Những tình huống này còn có thể trở nên phức tạp hơn khi chúng  kéo dài trong khoảng thời gian tương đối ngắn hoặc đến hàng năm trời. 

Có hai dấu hiệu đáng lưu ý cho thấy rằng các cặp đôi hiện đại đang sống xa nhau hơn. Đầu tiên, theo một điều tra của chính phủ Mỹ, số người Mỹ đã kết hôn trên 18 tuổi cho biết họ đang sống xa nửa kia của mình đã tăng từ khoảng 2.7 triệu người vào năm 2000 lên tới khoảng 3.9 triệu người vào năm 2017. Tuy vậy, những câu hỏi khảo sát lại không đề cập tới lý do tại sao họ đang không sống cùng nhau. Thứ hai, theo như trung tâm nghiên cứu Pew, tỉ lệ “những người sử dụng mạng Internet trong các trải nghiệm hẹn hò gần đây” phản hồi rằng họ giữ kết nối với nửa kia ở xa qua Internet hoặc email đã tăng từ 19% vào năm 2005 lên  24% vào năm 2013. Đó là một tốc độ tăng tương đối ổn định , tuy nhiên, các nhà khoa học ở Pew khuyến cáo rằng, không thể khẳng định chắc chắn về việc các cặp đôi này đã xa nhau bao lâu và tại sao họ không ở cùng nhau. Một vài người làm khảo sát có thể đã nghĩ tới lần họ viết email cho nửa kia khi người đó đang đi công tác.

Đặt những con số sang một bên, thì một điều chắc chắn rằng những mối quan hệ từ xa – cụm từ tôi sẽ sử dụng kể từ bây giờ để chỉ những cặp đôi tự nguyện sống xa nhau – rất khác so với không chỉ 500 hoặc 50 trước, mà kể cả 15 năm trước. Sự phát triển kinh tế và công nghệ đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình xa cách nhau về mặt địa lý, và một vài phát minh đã khiến đời sống tình cảm của những cặp đôi này ngày càng trở nên tương đồng với cuộc sống của những người đang ở gần nhau. Khoảng cách thì vẫn tồn tại, nhưng giữa hai người dường như không còn cái cảm giác xa vời vợi như trước nữa. 

Trước khi có gọi video, trước cả những cuộc gọi đường dài, chúng ta có những lá thư. Hồi đáp thư là cách mà trong lịch sử những người yêu nhau trao đổi những thông tin ý nghĩa khi đang xa nhau. Những lá thư giữa nhà thơ Victoria Elizabeth Barrett Browning và Robert Browning là tác phẩm cổ điển của thể loại này, nó tinh tế gợi mở những tâm tư từ trái tim và tâm hồn của hai tác giả. Trong bức thư hồi âm đầu tiên Robert Browning viết vào năm 1845, anh viết “Tất cả trong tôi đã biến mất, và một phần trong tôi đã trở thành bài thơ sống tuyệt vời này của em, không phải là bông hoa nhưng lại cắm rễ và đâm chồi.” (Nguyên gốc: All-so into me has it gone, and part of me has it become, this great living poetry of yours, not a flower of which but took root and grew.”). Những bức thư tuyệt vời và giàu hình ảnh mà James Joyce viết cho tình nhân của ông trong những năm 1900s lại là những thước mực cổ điển theo kiểu khác – lời kết trong một bức thư của ông từng là “Chúc ngủ ngon, Nora bé nhỏ của tôi, chú chim bé nhỏ hư hỏng của tôi!” (Nguyên gốc: “Goodnight, my little farting Nora, my dirty little fuckbirtd!”). 

Khơi gợi và đầy màu sắc, lời văn viết thể hiện sự ngưỡng mộ đầy yêu kiều mà gần gũi tới tình nhân. Với chữ nghĩa, “bạn thật ra có rất nhiều cảm xúc mạnh mẽ và sự thân mật,” Jeff Hancock, giáo sư ngành truyền thông tại đại học Stanford nói. “Tất cả bạn có là những lời tâm tình trong bức thư từ người đó, vậy nên bạn có thể thỏa sức tưởng tượng ra sự hiện diện của đối phương.”

Hancook chia sẻ rằng mặc dù điện thoại đã được phát minh từ giữa thế kỷ 19, chỉ đến những năm 1940 và 1950 công nghệ mới được coi là thứ phù hợp để giải trí thay vì dùng cho mục đích công việc đơn thuần. Nhưng trong khoảng thời gian đầu, một cuộc gọi đường dài cho người yêu ở phương xa vẫn là một thứ quá xa xỉ. Robert Gordon, nhà kinh tế học tại đại học Northwestern nói rằng, khi anh còn học đại học vào những năm cuối của thập niên 50, đầu thập niên 60, một phút gọi xuyên vùng có giá khoảng $3. Số tiền này còn cao hơn cả mức lương cơ bản theo giờ vào thời điểm đó. (Nó tương tương với khoảng $26/phút gọi dựa trên tỷ giá lạm phát hiện nay). 

Trong những năm tiếp theo, Gordon theo học tại Oxford, còn hôn thê tương lai của anh vẫn đang hoàn thành nốt năm cuối đại học ở Boston – nơi họ lần đầu gặp gỡ. Trong thời điểm họ đang cách nhau cả một đại dương, hai người chỉ trao đổi thư từ cho nhau mà không hề nói chuyện điện thoại. “Một cuộc gọi cho một mối quan hệ ở xa không bao giờ xuất hiện trong cuộc nói chuyện cho đến lúc – tôi nhớ rõ thời điểm chuyển giao này, bởi vì tôi đã giữ lại tất cả những lá thư mình viết, và tôi biết thời điểm chúng tôi dừng viết thư cho nhau – đó là những năm 1970, 1971,” ông nói. (Thời điểm này dĩ nhiên sẽ phụ thuộc vào tình hình tài chính của từng cặp đôi).

Bước phát triển tiếp theo trong việc giao tiếp lãng mạn chính là Internet. Khi các phương thức giao tiếp như email, tin nhắn tức thì (instant message), và gọi video trở nên thịnh hành đã giúp các cặp đôi ở xa nhau tiết kiệm chi phí và dễ dàng chia sẻ mọi khoảnh khắc dù nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống nhiều hơn bao giờ hết. Việc này gần như trái ngược với nội dung thư viết trong khoảng nửa đầu thế kỷ 19, thư vốn chỉ để tóm tắt những gì quan trọng đã xảy ra kể từ lúc bức thư gần nhất được gửi. “Những thông tin thường nhật mà chúng ta có thể trao đổi với nhau thực ra cực kỳ quan trọng với các mối quan hệ [xa nhau], và những điều này thì ít khi được thể hiện rõ ràng qua thư,” Jason Farman, một học giả về truyền thông tại đại học Maryland, người đã theo học lịch sử công nghệ truyền thông, phát biểu. 

Những người đang sống ở thời đại này có vẻ cảm thấy tốc độ giao tiếp ở thời kỳ trước thật tồi tệ, hơn cả cảm nhận thực sự của những những người thuộc thời kỳ đó. 

Chính những chia sẻ trần tục này là đã giúp Jess Lam, một bác sĩ nha khoa 29 tuổi sống tại Los Angeles, vượt qua bốn năm yêu xa. Cô nói rằng, sau một ngày bình thường ở trường nha khoa, cô sẽ về nhà, nấu bữa tối, và bắt đầu cuộc gọi kéo dài hàng tiếng đồng hồ với bạn trai. Cô gọi đó là “Skype nền” (background Skype) – nghĩa là cô cứ mở màn hình gọi video với bạn trai trong lúc hai người tiếp tục các công việc buổi tối của mình, rồi thỉnh thoảng quay ra hỏi thăm nhau. “Chúng tôi không phải lúc nào cũng dành sự chú ý cho người kia, tuy nhiên việc chúng tôi có thể nhìn thấy nhau qua màn hình và nói chuyện giúp chúng tôi cảm thấy được kết nối hơn.”

“Skype nền” là một cách các cặp đôi xa nhau đang sử dụng hiện nay. Theo Farman, cách này có thể “cho phép những điều vụn vặt, tầm thường nhất được chia sẻ,” và góp phần vào “một mức độ thân mật mà thế hệ trước không thể có được.”

Đương nhiên những kết nối phi công nghệ vẫn hấp dẫn. Stanley Davidge, người điều hành mạng lưới được đề cập ở đầu bài, xem TV trực tuyến với cô bạn gái ở xa, nhưng anh cũng nói thêm rằng viết thư kiểu truyền thống giúp họ có cảm giác gần nhau hơn. “Cứ độ vài tháng, tôi sẽ gấp một vài món đồ origami và gửi những bức thư bất ngờ cho cô ấy. Cô ấy thực sự thích những điều này.” 

Sự hiện diện của công nghệ cũng không đồng nghĩa với sự kết nối liên tục. Alex Bettencourt và Frantz Salomon đã ở bên nhau hơn ba năm. Họ cưới nhau được một năm, và đã ở xa nhau trong suốt khoảng thời gian đó. Bettencourt sống tại Boston, Salomon sống tại Jacmel, một thị trấn ven biển ở Haiti. Họ gặp nhau khoảng hai lần mỗi năm, nhắn tin hàng ngày, và cố gắng gọi video cho nhau một lần mỗi tuần. Nhưng không phải lúc nào những dự định này cũng suôn sẻ. “Nếu chúng tôi muốn nói chuyện điện thoại, và nếu tín hiệu không tốt, nó sẽ tác động tới cảm xúc của cả hai,” Bettencourt chia sẻ với tôi. Khoảng thời gian dài nhất mà hai người không có liên lạc với nhau là một tuần – sự thiếu ổn định chính là thử thách, nhưng bây giờ chúng tôi thấy nó là điều bình thường rồi. 

Rào cản trong giao tiếp cũng là một vấn đề phổ biến của các cặp đôi có người ở trong quân đội. Montoya Warner, 23 tuổi, sống tại bang Washington, nói rằng khi vợ mình đi huấn luyện trong quân đội, đó là “bảy tháng rất ít giao tiếp.” (Chương trình huấn luyện thường kéo dài từ hai đến ba tháng, nhưng vợ của Warner bị chấn thương hông nên phải kéo dài thời gian huấn luyện.) Lúc mới bắt đầu, một vài “con sâu làm rầu nồi canh” trong trung đội của cô đôi lúc đã làm tổn hại đến quyền lợi dùng điện thoại của người khác, bởi vậy họ bị giới hạn tần suất gọi điện thoại xuống còn hai hoặc ba tuần một lần. 

Điều đáng ngạc nhiên hơn là, trong số những người tôi đã phỏng vấn về tình trạng mối quan hệ của họ cho bài viết này, một vài người đã chia sẻ rằng, họ sẵn sàng sống xa nhau trong hiện tại, khác hẳn so với 20 hoặc 50 năm trước. Một người chia sẻ rằng “Tôi có thể nhắn tin, nói chuyện, chơi game cùng với nửa kia đang sống bên kia đại dương cũng được, và tôi có cảm giác cực kỳ chân thật.” Nếu đây là 150 năm trước, có lẽ tôi phải chờ tận ba tháng để nhận được lá thư từ Vận Chuyển Pony1. Và đến khi tôi nhận được thư thì có lẽ cô ấy đã chết vì bệnh tả hay bệnh khác từ lúc nào rồi,” một người khác nói.

Hiển nhiên rằng giao tiếp với tốc độ mạng hiện nay đương nhiên sẽ tốt hơn là việc phải chờ đợi hãng Vận Chuyển Pony để nhận được thư từ người thương của mình. Nhưng một điều đáng lưu tâm rằng, những người hiện đại cảm thấy tốc độ kết nối mạng của thời trước có vẻ như rất tồi tệ, hơn cả những gì mà người thuộc thời kỳ đó thực sự cảm thấy. Farman nói rằng những trao đổi ít tức thời không được nhìn nhận là điều gì “phi thường hoặc thiếu tính trải nghiệm.” Nó như là một cách nhìn ngược về quá khứ khi các phương thức truyền thông cũ bị xem là chậm tới mức không thể chịu được. 

Thực chất, Farman đã nói rằng, “Sự thôi thúc ban đầu của tôi nếu bạn có ý định hỏi những người sống ở bất kỳ thời kỳ lịch sử nào rằng, họ thích ở trong mối quan hệ từ xa bây giờ hay là trong quá khứ, thì họ sẽ đưa ra câu trả lời gần giống hệt nhau. Bạn hiểu rằng các mạng lưới giao tiếp và cách để giữ liên lạc của mình sẽ luôn mạnh hơn so với trước đó.” Bây giờ sẽ luôn là thời điểm tốt nhất, kể cả nó là bất cứ lúc nào. 

Khi một cặp đôi ngày nay tính đến việc yêu xa, nỗi nhớ nhung do khoảng cách có thể phần nào được bù đắp nhờ các công nghệ giao tiếp mang tính nhập vai và theo thời gian thực (real-time). Nhưng những tác động khác như thị trường lao động, địa lý, và chuẩn mực giới tính cũng có thể là một trong những yếu tố khiến một số cặp đôi buộc phải lựa chọn yêu xa ngay từ đầu. Sự bùng nổ rõ ràng của các mối quan hệ yêu xa có vẻ như xuất hiện không đồng đều trong các chỉ số nhân khẩu học. 

Một xu hướng phổ biến trong xã hội đã cho thấy rằng, nhìn chung, các cặp đôi hiện nay ít gặp phải những khó khăn trong yêu xa hơn ngày trước: Tỷ lệ phần trăm người Mỹ dịch chuyển giữa các bang trong một năm đã giảm một nửa trong khoảng những năm 1970 đến 2010. Ngày nay, 4 phần 5 những người trưởng thành ở Mỹ sống cách bố mẹ chỉ một vài giờ đồng hồ lái xe hoặc ít hơn thế.  

Một điều thú vị khác xảy ra với 1 phần 5 còn lại: Giáo dục và thu nhập là hai yếu tố quan trọng khiến họ ở xa nhà. Hình mẫu này, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm phụ nữ theo đuổi sự nghiệp riêng trong vòng nửa thế kỷ vừa qua cho thấy yếu tố địa lý có thể tạo ra rất nhiều áp lực lên một kiểu cặp đôi điển hình – cả hai người đều có thu nhập, có học thức tốt, và có suy nghĩ chuyên nghiệp. Ngày trước, các mối quan hệ thường thay đổi theo công việc của một trong hai người, và thường là của đàn ông. Laura Stafford, nhà nghiên cứu của the Bowling Green, nói rằng “chúng ta gần như chắc chắn nhìn rõ sự tăng trưởng” trong các mối quan hệ xa giữa những người khi hai người đều theo đuổi sự nghiệp tại những nơi khác nhau. 

Danielle Lindemann, nhà tâm lý học tại đại học Lehigh, đã nhấn mạnh rằng những số liệu từ Cục Điều Tra Dân Số về các cặp đôi đã cưới hiện sống xa nhau không nhắc đến lý do khiến họ ở những nơi khác nhau có phải là công việc hay không. “Câu trả lời không được thỏa mãn lắm là không ai có thể khẳng định chắc chắn rằng [các cặp vợ chồng ở xa nhau] đang trở nên phổ biến hơn ngày trước”, cô nói, “nhưng tất cả những người từng nghiên cứu về vấn về này đều đồng ý rằng có lẽ nó là như vậy.” (Cô ấy thậm chí đã xuất bản một cuốn sách trong năm nay đặc biệt về chủ đề này với tựa Commuter Spouses: New Families in a Changing World (tạm dịch: Những vị hôn thê dịch chuyển: Gia đình kiểu mới trong thế giới đang thay đổi.)

Áp lực của việc phải sống xa nhau vì công việc có thể trở nên cực kỳ nặng nề, đặc biệt là đối với những cặp đôi trẻ đang trong giai đoạn xây dựng sự nghiệp, và thị trường việc làm trong lĩnh vực học thuật rất hiếm công việc toàn thời gian và rải rác khắp đất nước, là một trường hợp nổi bật. Shelly Lundberg, nhà kinh tế học tại UC Santa Barbara, đã nói rằng những cặp đôi mới hoàn thành bậc Tiến sĩ (Ph.D) ngày nay thường gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa mối quan hệ và công việc. “Địa điểm làm việc không ổn định là một rào cản lớn với những người trẻ này, và rất nhiều người đã phải sống xa nhau, thỉnh thoảng còn ở các châu lục khác nhau, hàng năm trời cho đến khi họ thành công trong việc tìm ra cách để duy trì mối quan hệ của mình.”

Điều này thể hiện một thay đổi, Lundberg nói thêm rằng: “Trong nhóm của tôi” – cô ấy đạt học vị tiến sĩ vào năm 1981 – “phụ nữ thường là người bỏ cuộc trước. Họ sẽ tìm công việc phù hợp hơn theo chồng hoặc người yêu của mình, và họ sẽ nhận một công việc như giảng viên hoặc tương tự.” Ngày nay, cô nói, “phụ nữ có nhiều tham vọng hơn, và quyết định chọn công việc ở một nơi khác, ít nhất là tạm thời, đã trở nên phổ biến hơn.”

“Khi một cặp đôi đang ở xa nhau, hai bạn chắc chắn sẽ tạo dựng hai cuộc sống mà bạn hy vọng có thể hội ngộ tại một thời điểm nào đó.”

Lundberg nói rằng, những gì đang xảy ra trong giới học thuật có thể là một phiên bản thu nhỏ của những gì đang thực sự diễn ra với những chuyên gia có hàm học thức cao, họ đã trải qua “những áp lực làm việc khốc liệt của chế độ “thăng chức hoặc nghỉ việc” trong thời gian đầu [đi làm].” Cô nghĩ rằng những mối quan hệ yêu xa sẽ là kết quả tiên liệu trước được từ những “căng thẳng trong gia đình bởi tham vọng bình đẳng” giữa đàn ông và phụ nữ. Và mạng Internet chỉ giúp khoảng cách địa lý giữa những người “nghiền” công việc trở nên dễ dàng hơn: Những công nghệ giao tiếp giúp hai người thân mật hơn cũng chính là những công cụ giúp làm việc từ xa thuận tiện hơn trong khi đi bạn đang thăm người kia.

Nhà kinh tế học Marta Murray-Close phát hiện ra phân tích các dữ liệu dân cư từ năm 2000, những cặp đôi đã cưới với bằng cấp sau đại học thường có khả năng sống xa nhau hơn là những người chỉ có bằng tốt nghiệp đại học. Trong nhóm người từ 25 đến 29 tuổi, tỷ lệ những người có bằng cử nhân sống xa hôn thê của mình là 3 hoặc 4 phần trăm; con số này với những người có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ là 5 hoặc 6 phần trăm.  Murray-Close nói với tôi rằng, “Khi bậc học của bạn càng cao, khả năng bạn sẽ làm những công việc đặc thù chỉ có tại một khu vực nhất định cũng sẽ lớn hơn.” Hơn nữa, khi bạn có học vấn cao thường nghĩa là cái giá bạn phải trả (không phải là tiền lương) của việc không theo đuổi lựa chọn công việc tốt nhất thường sẽ cao hơn nhiều. 

Murray-Close cũng phát hiện ra yếu tố giới tính cũng có tác động lên cho những khuôn mẫu này: Người đàn ông trong cuộc hôn nhân khác giới có bằng cấp cao hơn bằng tốt nghiệp đại học, khả năng cặp đôi đó chuyển nơi ở cùng nhau sẽ cao hơn. Tuy nhiên đối với phụ nữ, nếu họ là người có bằng cấp cao hơn thì sẽ cặp đôi đó sẽ ở riêng. “Tôi cho rằng sự lựa chọn nơi ở cho gia đình cũng tương tự với cách đặt tên theo họ của chồng sau khi kết hôn,” Murray viết trong nghiên cứu năm 2016 của ông. “Người chồng hiếm khi đi theo vợ trong bất cứ trường hợp nào, nhưng người vợ thì luôn thích nghi theo chồng với bất cứ giá nào trừ khi số tiền phải chi trả cho việc di chuyển lớn đến mức bất thường.” 

Một đặc điểm nhân khẩu học phổ biến khác cũng có thể thúc đẩy những mối quan hệ yêu xa chuyên nghiệp chính là việc đạt được bằng đại học tương quan với việc cưới sau này. Đây là bước đệm trong cuộc sống sau khi tốt nghiệp đại học – có lẽ một vài nằm, hoặc nhiều nhất là một thập kỷ – được dùng để cống hiến cho việc phát triển sự nghiệp trước khi bắt đầu lập gia đình. 

Khi tôi trò chuyện với Madison VanSavage-Maben, một phụ nữ 27 tuổi sống ở rừng Wake, North Carolina, cô ấy đang tiến đến tuần cuối cùng trong hành trình yêu xa với chồng mình Alex. Họ đã sống ở những nơi khác nhau được bốn năm, một phần bởi vì cô theo học chuyên ngành chỉnh hình và bộ phận nhân tạo – một ngành học có rất ít lựa chọn để theo học chương trình sau đại học. “Chúng tôi thực sự hào hứng,” cô nói, “Cuối cùng chúng tôi có thể bắt đầu cuộc sống thực sự với nhau. Chắc chắn rằng khi các bạn sống xa nhau, hai người sẽ có hai cuộc sống riêng biệt mà bạn hy vọng chúng sẽ giao nhau vào thời điểm nào đó.” 

Một tuần trước khi bắt đầu sống chung với chồng, VanSavage-Maben rất hào hứng khi bắt đầu nghĩ về những việc mà cả hai có thể cùng làm nhưng đã bị trì hoãn , từ những việc nhỏ nhất (“kể cả những thứ ngốc nghếch, như việc chúng tôi chưa mua món đồ nội thất cố định nào”) cho đến những việc lớn (“Ai mà biết được chúng tôi lại có con thì sao?”). “Mọi chuyện diễn ra theo đúng thời điểm chúng tôi muốn,” cô kết luận, “Chúng tôi đã có thể đặt sự nghiệp của mình lên trước, đạt được vị trí mong muốn và giờ chúng tôi có thể có một tương lai hai người hằng mong đợi.” 

Nó còn có thể là trường hợp các cặp đôi trẻ trong độ tuổi 20, cống hiến hết mình cho học tập và sự nghiệp, và cảm thấy một sự nhẹ nhõm lạ lùng khi ở xa nhau. Lauren, một học sinh thạc sĩ 24 tuổi làm công việc xã hội tại Boston, đã hẹn hò với bạn trai đang theo học ở North Carolina hơn một năm rồi. (Cô ấy xin được giấu danh tính do tính chất nhạy cảm của công việc.)

“Không có điều gì quá khó khăn với chúng tôi bởi cả hai đều đang đi học và rất bận rộn,” cô chia sẻ. “Tôi thường nghĩ rằng nếu anh ấy đang sống ở đây cùng tôi, chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong mối quan hệ hơn.” Ý cô ấy khi nói “khó khăn hơn” là vì nếu hai người sống ở cùng một nơi, họ có thể sẽ dành ít thời gian cho nhau hơn họ muốn, nhưng khi ở xa nhau thì khoảng cách, bằng một cách nào đấy, sẽ là lý do chính đáng cho việc không gặp nhau để ưu tiên cho việc học tập. 

Lauren cũng không thích cách này lắm, nhưng mối quan hệ của họ vẫn tiến triển khá tốt, cũng giống như cách các cặp đôi khác đưa ra các lựa chọn trong cuộc sống dựa trên mục tiêu riêng biệt của hai người – những mục tiêu mà nếu để hiện thực hóa thì bắt buộc hai người phải sống ở những nơi khác nhau. 

Bước vào mối quan hệ từ xa là một lựa chọn thuận tiện cho một kiểu cặp đôi nhất định trong thời hiện đại, nhưng liệu kiểu quan hệ này có thật sự tiến triển được trên phương diện lãng mạn, khi hai người sống xa nhau? Những nhà nghiên cứu về giao tiếp đã hứng thú với chủ đề các mối quan hệ “không gần nhau” từ lâu, nó như một cách để kiểm chứng rằng liệu việc ở cạnh nhau có còn là gia vị tình yêu cần thiết cho sự thân mật hay không. Nhìn chung, theo một vài nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nó không phải là yếu tố quá quan trọng nữa.

Jeff Hancock, một giáo sư ở Stanford nói rằng, “Mối quan hệ yêu đương thật ra có những cảm xúc mạnh mẽ và tương tác thân mật mà chúng ta thường không nghĩ đến.” Khi tôi hỏi anh liệu việc duy trì yêu xa khó khăn hơn hay không, anh đã chỉ ra rằng chỉ cần nhìn vào tỷ lệ ly hôn ta có thể thấy rằng rất nhiều mối quan hệ “gần nhau” đã đi đến kết thúc. “Những mối quan hệ gần nhau không phải là điều gì quá hạnh phúc nữa. Giống như việc ở cạnh nhau chưa chắc đã thành công, và ở xa nhau chưa chắc đã lụi tàn.” 

Mặc dù các mối quan hệ kiểu này có rất nhiều bản dạng khác nhau và sẽ thật thiếu sót nếu ta coi chúng như một. Có hai phát hiện nghịch lý thường thấy trong các nghiên cứu về các mối quan hệ từ xa: Mối quan hệ của những người sống ở nơi khác với nửa kia thường có xu hướng bền chặt và gắn bó hơn, và khi họ bắt đầu sống chung với nhau, những cặp đôi này dễ dàng chia tay hơn những người đang chung sống một thời gian dài.

Những cặp đôi ở xa cho biết họ yêu nhau hơn là những người đang ở gần nhau. 

Một lý giải cho nghịch lý này liên quan đến cách các cặp đôi nghĩ như thế nào về nửa kia trong khi họ đang ở xa nhau. Laura Stafford, một nhà nghiên cứu tại Bowling Green đã thực hiện nghiên cứu về mối quan hệ từ xa với đối tượng là sinh viên đại học vào những năm 2000. (Sinh viên đại học có lẽ là đại diện tiêu biểu nhất cho mối quan hệ kiểu này, bởi vì các nhà nghiên cứu học thuật có thể dễ dàng tìm thấy họ, và sinh viên cũng thường hẹn hò với người khác trường.) Stafford phát hiện ra rằng, các cặp đôi yêu xa thường lý tưởng hóa đối phương: Họ nhận được ít thông tin về nửa kia hơn, và khoảng trống còn lại thường được lấp đầy bằng trí tưởng tượng của họ theo hướng tích cực. 

Bởi vậy, các cặp đôi này có xu hướng cãi nhau ít hơn. Đó là bởi vì họ có ít vấn đề để cãi lộn với nhau, những cuộc tranh cãi về bát đĩa bẩn sẽ hiếm khi xảy ra, bởi vì bồn rửa bát của hai người đang ở hai thành phố khác nhau. Tuy nhiên nguyên nhân khiến hai người yêu xa ít cãi vã hơn do họ không tìm được thời điểm phù hợp để cãi nhau: Cặp đôi hiếm khi muốn giải quyết bất đồng từ xa, qua các phương tiện như gọi điện thoại, tin nhắn, hoặc email. Và sau đó họ cảm thấy không muốn “phí phạm” thời gian quý báu với người thương bằng những cuộc nói chuyện khó khăn. Những cặp đôi này có xu hướng né tránh bất đồng và giữ lại ý kiến thật cho riêng mình. “Họ gần như là đang mắc kẹt trong giai đoạn tình yêu trăng mật”, Stafford nói. 

Động lực này đã giúp các cặp đôi rất nhiều khi họ ở xa nhau; họ thường nghĩ tích cực về người kia. Và đương nhiên, Stafford đã phát hiện ra rằng những cặp đôi ở xa yêu nhau hơn là những cặp đôi đang ở cùng nhau. 

Điều giúp gìn giữ mối quan hệ từ xa này cũng chính là yếu tố khó duy trì được khi khoảng cách giữa hai người dần bị xoá nhoà. Trong một nghiên cứu năm 2007 của Stafford và Andy Merolla từ đại học California, Santa Barbara, đã chỉ ra rằng một phần ba trong số các cặp đôi thuộc đối tượng nghiên cứu đã yêu xa được hai năm, và họ đã chia tay sau khi về ở chung với nhau chỉ trong vòng ba tháng. Stafford cho biết, “Sau cuộc hội ngộ, họ đã nhận thấy nhiều điều tiêu cực hơn về nửa kia gấp 10 lần so với những gì tích cực mà họ từng nhớ: Tôi không hề nhớ rằng anh ấy luộm thuộm đến mức nào, tôi không hề biết rằng anh ấy lại vô tâm đến thế, tôi không nhớ anh ấy dành bao nhiêu thời gian với điện thoại.” 

Về bản chất thì mỗi người trong một mối quan hệ cần phải học lại cách chung sống với người kia, và đồng thời học được việc sống cạnh một người sẽ như thế nào. “Vấn đề hoặc chủ đề đau đầu số một mà các cặp đôi yêu xa phải đối mặt sau khi chuyển về ở chung với nhau là việc mất đi quyền tự quản lý bản thân,” Stafford nói.

Tuy nhiên nhờ sự xuất hiện dày đặc khắp mọi nơi của các thiết bị di động, các gói mạng dung lượng lớn, và tốc độ dịch vụ internet nhanh đáng tin cậy, những tiến bộ của công nghệ trong quá khứ cơ bản đã nâng cấp những khuôn mẫu kém may mắn này. Có rất nhiều cặp đôi yêu xa giữ liên lạc với nhau liên tục bất kể ở khi họ ở đâu. Các công nghệ để giao tiếp có sẵn cho phép họ chia sẻ ngay cả những chi tiết đời thường nhất trong cuộc sống – những việc mà không thường được nhắc đến trong thư từ, những cuộc gọi đường dài, và trong thời kỳ hình thành internet trước đây. Chính những chi tiết thường nhật này tạo ra sự thân mật, đồng thời giúp hai người nhìn rõ bức tranh toàn cảnh hơn là một phiên bản lý tưởng của người yêu. 

Quan trọng, sự thay đổi trong công nghệ cũng tạo những cơ hội cho các cặp đôi nói chuyện về những chủ đề lớn lao hơn. Một nghiên cứu năm 2011 về cách sử dụng cuộc gọi video của những cặp đôi trẻ yêu xa, thành thạo công nghệ, đã phát hiện ra rằng, khác với những nghiên cứu trước, những người này không hề né tránh những chủ đề khó nói. Kết quả là họ hiểu rõ hơn về con người thực sự của đối phương. Các nhà nghiên cứu đã ghi lại, “Chúng tôi đưa ra giả thuyết cho sự giảm thiểu lý tưởng hoá, đó là do những người tham gia đã dùng kết nối video để mô phỏng cuộc sống cùng nhau và nó khuyến khích con người thể hiện những hành vi giống như khi họ đang ở thực sự ở chung với nhau. (Lý giải này giống với trải nghiệm của một vài cặp đôi mà tôi đã nói chuyện, họ cho biết rằng họ không hề né tránh những cuộc nói chuyện khó khăn, và thường để dành để thảo luận về chúng khi gọi video.) 

Có một điều mà những công nghệ cho giao tiếp khó có thể vượt qua được, đó chính là những động chạm cơ thể. Những hành động này khó có thể được mô phỏng qua màn hình, mặc dù 14 người đang yêu xa trong nghiên cứu năm 2011 chắc chắn đã cố gắng. Họ nói rằng khi gọi video, họ sẽ hôn gió nhau, giang tay ra như thể đang ôm người yêu, hoặc giả vờ ôm lấy thiết bị họ đang dùng. “Một người tham gia nghiên cứu còn nói rằng người yêu của anh ấy còn khum tay quanh màn hình chat, di chuyển lên xuống để xoa đầu và vai anh tôi,” những nhà nghiên cứu cho biết. 

Alex Bettencourt chia sẻ rằng, một trong những khoảnh khắc khó khăn nhất khi ở xa người kia hàng tháng trời là khi “bạn có một ngày khó khăn ở chỗ làm và bạn muốn về nhà với một cái ôm.” Đương nhiên, “thiếu sự gần gũi cơ thể” vẫn là thử thách thường được nhắc đến nhất trong một điều tra về những người yêu xa dưới sự uỷ thác của một công ty sản xuất đồ chơi tình dục có tính năng di chuyển dựa trên đầu vào những dữ liệu từ xa. 

Có lẽ phát minh kiểu này được đón nhận: Chỉ có hai người trong nghiên cứu năm 2011 cho biết có thực hiện “đầy đủ hoạt động tình dục qua mạng” đều đặn. Đối với một người, nó là cách hữu hiệu để xây dựng sự thân mật giữa cặp đôi. Nhưng đối với người còn lại, việc này chính là biểu tượng của sự xa cách – “họ nhận thức sâu sắc hơn về việc họ không thể thật sự cảm nhận cơ thể của nhau, và điều này khiến họ nhớ người kia hơn rất nhiều.” Một vài người khác đã thử cách này nhưng cảm thấy khá “khó xử.” Những người còn lại giải thích rằng sự ngại ngùng và lo lắng vấn đề riêng tư là hai lý do chính, hoặc quan hệ tình dục qua màn hình không quá quan trọng để duy trì mối quan hệ của mình. 

Công nghệ không thể giải quyết hết được những cản trở về mặt địa lý. Stafford cho biết rằng một phần quan trọng trong việc tìm hiểu người kia đó là quan sát cách người ấy đối xử với mọi người như thế nào, và những cuộc gọi video một một với nhau không bao giờ là đủ để kiểm chứng điều này. Cô đoán đây sẽ vẫn là vấn đề “cho đến khi chúng ta có máy quay gắn thân.”

Liên quan đến điều này, những công nghệ dùng để giao không thể cho chúng ta cảm giác có người yêu ở xung quanh mình. “Khi chúng ta ở trong cùng một không gian, dường như tất cả mọi thứ đều đồng điệu”, Jeff Hancock nói. “Chúng ta cùng biết thời tiết hôm đó, chúng ta biết mình đã vứt rác lúc nào, tôi có thể nhìn thấy bạn đang vui vẻ, áp lực hoặc có bất kỳ cảm xúc nào. Khi chúng ta không ở cùng một nơi, tất cả những điều trên đều đòi hỏi sự cố gắng.” Rất nhiều người chia sẻ với tôi rằng, việc yêu xa đã giúp họ trở thành một người giao tiếp tốt hơn, do vậy thử thách này có vẻ như là lúc công nghệ giao tiếp ngày xưa – ngôn ngữ – lấp đầy khoảng trống đó. 

Rất nhiều yếu tố quan trọng làm nên sự hài lòng với mối quan hệ xa nhau lại là những thứ mà hai người khó kiểm soát được. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cặp đôi có xu hướng ít cảm thấy áp lực và hài lòng hơn nếu họ biết rằng thời điểm xa nhau trong mối quan hệ này sẽ kết thúc, hoặc khoảng thời gian yêu xa chỉ là một năm hoặc ít hơn. Và việc không ở gần nhau có thể thay đổi những trải nghiệm căn bản trong cuộc sống hàng ngày, việc yêu xa buộc họ phải thương lượng/chấp nhận trạng thái ở giữa khi không phải ở một mình nhưng cũng không hẳn là ở cùng nhau. 

Quyết định sử dụng thời gian thế nào sẽ rất khó khăn khi ở một mình. “Sau một vài tiếng không có ai đi cùng tôi [ở một bữa tiệc], tôi sẽ tự hỏi rằng Tại sao mình lại ở đây nhỉ?” Stanley Dividge chia sẻ. “Tôi thà ở nhà nằm xem Netflix với cô ấy.” Anh ấy mô tả về một cuộc sống kỳ lạ của mình, nó nằm giữa cuộc sống của một người độc thân và một người đã có người yêu. “Nếu cô ấy ở đây, tôi sẽ đi chơi nhiều hơn. Hoặc giả sử tôi độc thân, tôi cũng sẽ đi ra ngoài nhiều hơn.”

Sức ảnh hưởng của khoảng cách địa lý có thể được cảm thấy rõ ràng khi một cặp đôi tạm thời ở cùng một nơi với nhau. Timothy Nagle-McNaughton, một sinh viên 22 tuổi theo học bằng tiến sĩ ở New Mexico đã nói rõ ràng một điều về yêu xa mà tôi cũng đã biết được từ vài người khác – đó là cảm giác thời gian dành bên nhau cực kỳ ý nghĩa và cần phải trân trọng chúng. Anh nói, “Tất nhiên là chúng tôi sẽ có áp lực phải khiến mỗi lần thăm nhau ý nghĩa, phải có một vài sự kiện xã hội vui vẻ để làm cùng nhau. Đôi lúc bạn chỉ muốn nằm lì trong ký túc xá chỉ để ở bên người kia, xem phim và nấu ăn cùng nhau.”

Điều hướng một mối quan hệ từ xa trong một thời gian dài đã giúp một vài cặp đôi tìm ra cách để đương đầu với những bất đồng lớn nhỏ giữa hai người trong tương lai. Nagle-McNaughton và bạn gái của anh, chị Diana Magaña-Contreras đã bắt đầu sống chung với nhau khoảng sáu tháng trước. Anh ấy cực kỳ hào hứng khi có thể được làm những thứ nhỏ bé với người yêu như đi chợ, và anh nghĩ việc hai người ở chung sẽ là một tiến triển tốt cho tương lai của hai người. “Nếu chúng tôi có thể vượt qua bốn năm cách xa cách nhau, thì việc cãi nhau ai đến lượt vứt rác thực sự chả nhằm nhò gì cả,” anh nói. 

Ở trong mối quan hệ từ xa đồng nghĩa với việc họ phải hoạt động trong một khuôn khổ nhất định ngoài sự kiểm soát của người kia. Nhưng có những thứ từng cá nhân có thể làm để giảm thiểu những bất lợi của việc sống xa nhau. Tôi đã thăm dò ý kiến của một vài nhà nghiên cứu đã thực hiện chủ đề này, và những gợi ý của họ có thể rút gọn thành một danh sách như sau: 

  • Giao tiếp qua nhiều nền tảng để bù đắp cho những giới hạn của từng nền tảng (và viết thư nữa, nó là một nhắc nhở đẹp đẽ hữu hình về mối quan hệ này).
  • Lên kế hoạch cho cách và lúc nào nên có những cuộc nói chuyện “khó nhằn”
  • Chia sẻ tất cả những chi tiết nhỏ nhặt và đời thường nhất khi có thể, những trải nghiệm hàng ngày, ví dụ như xem phim trực tuyến cùng nhau
  • Dành thời gian hỏi thăm nửa kia về những thói quen hàng ngày và mở đầu các cuộc nói chuyện ngẫu nhiên
  • Cuối cùng, hãy nhớ rằng việc chuyển về chung sống với nhau có thể là một sự thay đổi lớn với cả hai bạn

Những lời khuyên này đặc biệt gọt giũa dựa trên các công nghệ giao tiếp ngày nay, và không rõ chúng có thể được áp dụng được trong khoảng bao lâu nữa. Rất có thể một thập kỷ nữa trong tương lai, mô hình thực tế ảo nhập vai hoàn toàn và những bộ đồ xúc giác sẽ xóa nhòa khoảng cách địa lý đáng ghét trong tình yêu. Nhưng những công cụ chúng ta dùng để giao tiếp ngày nay – cuộc gọi video, tin nhắn và tin nhắn hình, các trang web trực tuyến cùng nhau – thực sự rất tuyệt vời, kể cả những đứa cháu của những cặp đôi yêu xa thời nay có lẽ sẽ không hiểu rõ được họ đã vượt qua khoảng cách và yêu nhau như thế nào. 


  1. Pony Express (Vận chuyển Pony) là dịch vụ chuyển phát báo, thư, và tin nhắn sử dụng ngựa giữa hai bang Missouri và California, Hoa Kỳ trong khoảng năm 1860 tới cuối năm 1861. Đây là dịch vụ chuyển phát thư tín trực tiếp đầu tiên giữa hai bờ nước Mỹ, giúp giảm thời gian chuyển thư giữa hai khu vực còn  khoảng 10 ngày. Dịch vụ bị đóng cửa chỉ 18 tháng sau ngày đi vào hoạt động khi đường dây điện tín xuyên lục địa Nebraska – Nevada khánh thành.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất