a
§ Tác giả: Oliver Burkeman | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Minh Nhật | Hiệu đính:  Za
15/09/2018

Chưa khi nào các tít báo lại trở nên tồi tệ như hiện nay. Thế nhưng vẫn có một nhóm những nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng và đang ngày càng trở nên đông đảo hơn vẫn một mực cho rằng nhân loại chưa bao giờ tốt đẹp đến như vậy – và rằng chỉ có tính bi quan của chúng ta mới là thứ khiến thế giới nhuộm màu ảm đạm.

Cho đến cuối năm ngoái, những ai dành thời gian lướt qua các đề mục tin tức, khả năng cao sẽ đi đến kết luận rằng thế giới đang trở nên thật tồi tệ. Và thái độ phù hợp duy nhất mà mọi người có thể cân nhắc đi theo trong hoàn cảnh này hóa ra lại khá nặng tính bi quan, bởi nói một cách châm biếm, trên nguyên tắc: nếu mọi con đường đều dẫn đến địa ngục thì việc gì ta lại không sống hết mình.

Tất nhiên, sự kiện Brexit và việc Donald Trump thắng cử hẳn phải ảnh hưởng đến rất nhiều người. Nhưng bạn cũng không nhất thiết phải là một anti-fan của Donald Trump mới cảm thấy nặng lòng bởi vụ thảm sát tại Syria; hay cái chết của hàng ngàn người dân di cư tại Mediterranean; thử nghiệm tên lửa ở Bắc Triều Tiên; virus zika lan rộng, hay những vụ khủng bố diễn ra tại Nice, Bỉ, Florida, Pakistan, và những khu vực khác – hay bởi bóng ma biến đổi khí hậu đang lởn vởn khắp nơi trên thế giới. (Đó là còn chưa kể đến cái chết của hàng loạt những nhân vật nổi tiếng dường như nằm trong một âm mưu có sắp đặt, bởi chỉ trong vài tháng năm 2016, David Bowie, Leonard Cohen, Prince, Muhammad Ali, Carrie Fisher, George Michael,… đều đã qua đời.) Và còn một số tít báo vừa mới đây (năm 2017) – như những vụ tấn công London, Manchester, tháp Grenfell, vụ lộn xộn Brexit, Trump xuất hiện khắp mọi nơi 24/7 – làm sao khiến ta có đủ lý do để nhìn nhận tươi sáng hơn về thế giới này?

Thế nhưng vẫn có một nhóm những nhà bình luận nổi bật đang ngày càng trở nên đông đảo hơn có vẻ nằm ngoài tầm ảnh hưởng của những tít báo này. Tháng Mười Hai vừa qua, trong một bài viết có tựa đề “Never forget that we live in the best of times” (tạm dịch: Đừng bao giờ quên rằng chúng ta đang sống trong một thời đại tốt nhất từ trước đến nay), nhà báo Philip Collins thuộc thời báo The Times đưa ra một bản tổng kết năm về những lý do có thể giúp ta cảm thấy phấn chấn hơn: trong năm 2016, tỷ lệ người dân trên thế giới thuộc diện rất nghèo giảm xuống dưới 10% lần đầu tiên trong lịch sử; lượng phát thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch không tăng thêm trong vòng ba năm; án tử hình đã được loại bỏ khỏi bộ luật hình sự tại hơn một nửa các quốc gia trên thế giới – và loài gấu trúc khổng lồ đã thoát khỏi danh sách những loài đang bị đe dọa.

Trong thời báo The New York Times, Nicholas Kristof tuyên bố rằng theo rất nhiều đánh giá, “năm 2016 là năm thành công nhất trong lịch sử nhân loại,” trong việc nâng cao sự bình đẳng trên toàn cầu, đồng thời tỷ lệ tử vong ở trẻ em giảm xuống chỉ còn xấp xỉ một nửa so với năm 1990, và thêm 300.000 người dân tiếp cận với mạng lưới điện mỗi ngày. Trong suốt thời gian từ năm 2016 đến 2017, đồng hành cùng Collins của thời báo The Times, tác giả Matt Ridley (đồng thời cũng là cựu chủ tịch của Northern Rock – nổi lên cùng tựa sách “The Rational Optimist” (Kẻ lạc quan lý trí) cũng đã luôn duy trì một cột tin sôi nổi cập nhật hàng tuần để tôn vinh những triển vọng của trí tuệ nhân tạo, mậu dịch tự do và công nghệ fracking1. Thời điểm nhà báo có tư tưởng đi ngược xu thế Brendan O’Neill công khai luận điểm của mình trong tạp chí Spectator (“Việc suốt ngày càm ràm rằng năm 2016 là năm tệ nhất cũng đủ nói lên sự đối địch của những kẻ ngạo mạn thích ba hoa chuyện chính trị”) cũng là lúc quan điểm bi quan kia đang ngày càng trở nên quá vững chắc đến mức có thể khiến O’Neill từ bỏ chính kiến của mình.

Một tập hợp tuy thiếu liên kết nhưng đang dần trở nên đông đảo hơn bao gồm những học giả, chuyên gia, những người có suy nghĩ đột phá tiếp thu các tư tưởng tích cực, không bị gò bó bởi thực tại thỉnh thoảng được gọi là “The New Optimists” (tạm dịch: Những kẻ lạc quan thời đại mới), một cái tên mang hàm ý nói đến tư tưởng hoài nghi của những người theo chủ nghĩa vô thần cực đoan2, được dẫn dắt bởi Richard Dawkins, Daniel Dennett và Sam Harris. Từ góc nhìn của những người này, cảm giác tuyệt vọng đang phổ biến khắp toàn nhân loại thật vô lý, hay nói thẳng ra là ích kỷ. Họ cho rằng cảm giác ấy tập trung vào bản thân chúng ta hơn là những gì đang thực sự diễn ra – mô tả xu hướng tự hủy hoại mình của nhiều người, và việc miễn cưỡng tin vào khả năng sáng tạo của con người. Cảm giác ấy bắt nguồn từ những thiên kiến của con người, những thiên kiến này phục vụ mục đích sinh tồn trên những đồng cỏ xa-van thời tiền sử, nhưng lại khiến chúng ta hành động sai lầm trong thời đại truyền thông đại chúng đã bão hòa như hiện nay.

Nhà sử học người Thụy Điển Johan Norberg cũng tự cho mình là một New Optimist. Cuốn sách mang tựa đề “Progress: Ten Reasons to Look Forward to the Future” (tạm dịch: Những tiến bộ của nhân loại: Mười lý do để hướng đến tương lai) của ông được xuất bản chỉ ngay trước thời điểm Trump thắng cử năm ngoái. Johan cho rằng: “Ngày xưa, việc quan tâm đến những thứ có khả năng gây hại cho bản thân mang lại giá trị sinh tồn rất lớn.” Đó chính là thứ khiến những tin xấu đặc biệt trở nên hấp dẫn: trong quá trình tiến hóa, tâm trí chúng ta dễ dàng bị những thông tin tiêu cực choán chỗ, bởi những thông tin ấy biểu thị cho các rủi ro sắp sửa ảnh hưởng đến sự sinh tồn của chúng ta. (Những người thượng cổ luôn có cảm giác một con hổ đói đang rình rập đâu đó xung quanh. Cảm giác ấy thường chỉ là ảo tưởng, song những người sống trong lo sợ như thế thường sẽ có khả năng sinh tồn và duy trì nòi giống cao hơn những người có suy nghĩ ngược lại.) Nhưng những điều đó chỉ là trước khi báo chí, ti-vi, internet xuất hiện: trong thời đại kết nối rộng khắp, thói quen tập trung vào tin xấu của chúng ta chỉ khiến chúng ta hấp thu những câu chuyện buồn bực diễn ra khắp nơi trên thế giới, cho dù nó có đe dọa đến chúng ta hay không, rồi sau đó đi đến kết luận mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn thực tế vốn dĩ.

Trong thời đại kết nối rộng khắp, thói quen tập trung vào tin xấu của chúng ta chỉ khiến chúng ta hấp thu những câu chuyện buồn bực diễn ra khắp nơi trên thế giới, cho dù nó có đe dọa đến chúng ta hay không, rồi sau đó đi đến kết luận mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn thực tế vốn dĩ.

Ngược lại, các tin tốt khó để nhận biết hơn, một phần do chúng có xu hướng diễn ra dần dần. Nhà kinh tế học Max Roser tại Oxford, hiện đang truyền bá tư tưởng New Optimist thông qua trang Twitter cá nhân, đã chỉ ra rằng các tòa soạn đều được phép chạy tiêu đề “137.000 NGƯỜI DÂN ĐÃ THOÁT NGHÈO VÀO NGÀY HÔM QUA” mỗi ngày trong suốt 25 năm vừa qua. Nhưng không có một tòa soạn nào làm vậy, bởi lẽ những sự kiện diễn ra hằng ngày và có thể đoán trước được theo lý thuyết lại không có giá trị đăng tin. Trong khi đó những dòng tít về một sự việc tồi tệ lại gần như chẳng bao giờ thoát được bàn tay của các tòa soạn. Nhưng chắc chắn bất kỳ đánh giá khôn ngoan nào về hoàn cảnh của chúng ta cũng phải tính đến những lần chiến tranh, đại dịch, và thiên tai gần như không thể tránh khỏi, nhưng cuối cùng lại không xảy ra?

Ông Norberg, một người đàn ông 43 tuổi hòa nhã và hiện đang là thành viên của Viện Cato (Viện nghiên cứu chính sách về chủ nghĩa tự do) tại Washington DC, cho biết: “Bản thân tôi từng là một người bi quan và thường hồi tưởng về những ngày tươi đẹp trong quá khứ. Nhưng đến khi tôi bắt đầu đọc về lịch sử, tôi tự hỏi lại mình, tôi sẽ ở đâu trong những ngày tươi đẹp mà mình từng mong mỏi ấy, quê hương của tổ tiên tôi tại phía bắc Thụy Điển sao? Chẳng đâu được cả. Tuổi thọ người dân lúc ấy quá ngắn. Họ còn trộn cả vỏ cây vào bánh mì để khỏi chết đói nữa cơ.”

Trong cuốn sách của mình, Norberg liệt kê 10 dấu hiệu cơ bản biểu thị sự thịnh vượng của con người, bao gồm: lương thực, điều kiện vệ sinh, tuổi thọ, tỷ lệ nghèo, sự bạo lực, tình trạng môi trường, tỷ lệ biết chữ, sự tự do, tính công bằng và những điều kiện thời thơ ấu. Và ông cũng có niềm vui thú đặc biệt trong việc đè bẹp những ảo vọng của những người có ước muốn được sinh ra vào hai thế kỷ về trước: trên các con phố ở châu Âu cách đây không lâu ta vẫn còn thấy cảnh những chú chó đang gặm xác những nạn nhân mắc bệnh dịch bị bỏ lại. Thành phố New York đến năm 1882 mới chỉ có 2% các hộ dân được sử dụng nước máy; năm 1900, tuổi thọ trung bình toàn thế giới lẹt đẹt ở ngưỡng 31 nhờ vào số người lớn chết trẻ và tỷ lệ tử vong ở trẻ em quá cao. Con số ấy ngày nay đã là 71 – và sự nghèo khổ qua nhiều thập kỷ cũng đã giảm đi rất nhiều. Trong một biến tấu của riêng mình về đoạn điệp khúc được những New Optimist yêu thích, Norberg có đoạn viết: “Nếu bạn tốn 20 phút để đọc hết chương sách này, gần 2.000 người khác sẽ thoát cảnh đói nghèo” – trong đó “nghèo” hiện nay được định nghĩa là mức sống dưới 1,90 đô la Mỹ một ngày.

Loạt đạn pháo những thống kê lạc quan này xem ra có thể góp phần vào việc phá hủy bức tường bất đồng chính trị kiên cố thường thấy khi xem xét tình hình hiện tại của hành tinh. Những New Optimist mời chúng ta tạm gác lại những thành kiến đảng phái và lòng trung thành với bộ lạc, những lý thuyết yêu thích của chúng ta về việc thế giới này tệ hại như thế nào và làm sao để giải quyết được điều đó, thay vào đấy hãy cùng hít thở một bầu không khí tươi mới của một thực tế khách quan hơn. Dữ liệu không biết nói dối, nên hãy cứ chỉ nhìn vào các con số thôi!

Nhưng hóa ra những con số ấy cũng có tính chính trị không thua gì những thứ khác.

Các New Optimist đã đúng về mặt hoài cổ: không một ai thực sự muốn quay lại sống trong thế giới của một thế kỷ trước. Trong một cuộc khảo sát cho YouGov, 65% người Anh (và 81% người Pháp) cho hay họ nghĩ rằng thế giới đang trở nên tệ đi – nhưng theo rất nhiều số liệu dễ nhận thấy, suy nghĩ này đơn giản là đã sai. Những người dân đã thực sự thoát nghèo với một tốc độ phi thường; tỷ lệ tử vong ở trẻ em thực sự đã giảm mạnh; các tiêu chuẩn về xóa mù chữ, điều kiện vệ sinh, tuổi thọ người dân đang ở mốc cao nhất trong lịch sử. Trung bình người dân châu Âu và Mỹ hiện nay đang được hưởng những điều kiện sống xa hoa mà đến cả những đấng trị vì quyền lực nhất thời Trung cổ cũng chưa từng mơ đến. Năm 2011 Steven Pinker cho ra mắt cuốn sách gối đầu dành cho những New Optimist với tựa đề “The Better Angels of Our Nature” (tạm dịch: Những thiên thần tốt đẹp hơn của tạo hóa). Khám phá chủ chốt được đề cập trong cuốn sách và cũng là một sự thật đã được chấp nhận rộng rãi hiện nay: chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên hòa bình nhất lịch sử, khi mọi loại hình bạo lực – từ chiến tranh đến bạo lực học đường – đang giảm mạnh.

Tuy vậy các New Optimist cũng không quá tập trung vào việc thuyết phục để khiến nhân loại tin rằng thế giới đang trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều so với vài trăm năm trước. (Thậm chí nếu là một kẻ bi quan đã đóng đảng phí, chắc bạn cũng không cần phải đi tuyên truyền sự thật đó đâu.) Ẩn mình phía sau tuyên bố về cơ bản không thể phản biện đó là vô vàn những hệ quả thậm chí còn gây ra nhiều tranh cãi hơn. Lấy ví dụ: vì thế giới đã và đang cải thiện một cách rõ ràng, nên ta có lý do chính đáng để cho rằng mọi thứ sẽ tiếp tục theo đà đi lên như vậy. Thêm nữa (dù chỉ là một tuyên bố thi thoảng mới xuất hiện trong các tác phẩm của những New Optimist), những thỏa ước kinh tế và chính trị đã từng làm tốt bổn phận lái tàu để đưa chúng ta đến một tương lai phồn vinh như hiện nay cũng sẽ là thứ chúng ta nên tiếp tục duy trì. Sau cùng thì sự lạc quan không chỉ là tin vào việc mọi thứ không đến nỗi tệ như những gì ta hằng tưởng tượng, mà còn là việc tin rằng mọi thứ sẽ còn chóng trở nên tốt đẹp hơn. Sau cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2007 – 2008, Ridley từng viết: “Thế giới sẽ thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay. Và sự lạc quan ấy căn cứ vào cách mà thị trường hàng hóa, dịch vụ, ý tưởng cho phép con người trao đổi và chuyên môn hóa một cách trung thực để giúp mọi thứ trở nên tốt hơn … Tôi là một người lạc quan có lý trí bởi tôi đi đến sự lạc quan không phải bằng tính khí hay bản năng của mình, mà bằng cách nhìn vào những bằng chứng khách quan.”

Nếu tất cả những điều trên đây đều thực sự đúng thì có lẽ ta đã lãng phí quá nhiều thời gian và công sức để tranh cãi về tình hình của nhân loại – tất cả những phẫn nộ về nền chính trị, những cảnh báo thảm họa sắp diễn ra, những cột tin phản biện kịch liệt, hay tất cả những lo lắng và cảm giác tội lỗi về sự nghèo khổ bủa vây mọi người trên thế giới. Hoặc tệ hơn là tình huống những lãng phí ấy trở nên phản tác dụng, khi niềm tin cho rằng thế giới đang trở nên không thể cứu vãn có vẻ là một phương thức tồi tệ để tạo động lực cho loài người trở nên tốt hơn, và như thế có nguy cơ trở thành lời tiên tri tự hoàn thành.

Nhà kinh tế học người Mỹ Julian Simon từng lên tiếng phản đối những dự đoán u ám mà các nhà môi trường và chuyên gia dân số đưa ra vào những năm 1970 và 1980, những phản đối ấy đã trở thành nền tảng đầu tiên cho các New Optimist ngày nay. Ông có đoạn viết: “Đây là sự thật. Tuổi thọ trung bình người dân khắp nơi trên thế giới đã gia tăng. Chế độ ăn uống cũng đã cải thiện hơn bao giờ hết. Lượng người tử vong do thiếu lương thực đã giảm đi so với thế kỷ trước … tất cả các khoản phúc lợi độc lập về môi trường và vật chất tại Hoa Kỳ đều tăng lên thay vì giảm đi, không chỉ mỗi Hoa Kỳ mà cả trên toàn thế giới. Tất cả các xu hướng dài hạn đều đi ngược lại với những dự báo về ngày tận thế.”

Đó đều là sự thật. Vậy còn điều gì khiến bạn không trở thành một New Optimist ngay hôm nay?

Các Optimist đã động viên những nhà tiên tri thảm họa ít nhất cũng từ thời 1710, khi triết gia Gottfried Leibniz đúc kết rằng thế giới nơi ta đang sống hẳn phải là nơi tốt nhất trong tất cả các thế giới, vì Thượng Đế hoàn hảo và nhân từ của chúng ta khó có thể tạo ra một nơi khác tầm thường hơn để thay thế. Tuy nhiên, những phản ứng bi quan có thể bộc phát từ sự kiện khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001. Một lý do nữa là các cuộc tấn công đó đã trở thành cuốn sổ ghi chép về những tin xấu nổi bật, kích hoạt thành kiến kinh nghiệm của chúng ta, khiến ta tin rằng thế giới đang trở nên nguy hiểm cực độ trong khi thực tế không phải như vậy: thực tế là số người thiệt mạng do tai nạn xe máy tại Mỹ năm 2001 còn cao hơn chút đỉnh so với tại Trung tâm Thương mại Thế giới và những cuộc tấn công máy bay.

Chủ nghĩa Lạc quan Hiện đại cũng là câu trả lời cho loại câu hỏi tự vấn đang gia tăng ở các nước phương Tây từ sau sự kiện 11/9, sau đó là chiến tranh Iraq – cứ như thể cho dù thế giới trở nên mất an toàn có hoàn toàn là lỗi của chúng ta hay không thì ta cũng cần phải kiểm điểm lại chính bản thân mình thay vì chỉ đơn giản suốt ngày khoác lác về những lời tiên tri may mắn thành sự thật. (“Cả thế giới đang ghét bỏ chúng ta vì chúng ta xứng đáng bị như vậy,” là cách triết gia người Pháp Pascal Bruckner chế giễu thái độ này.) Theo những phân tích dữ liệu thì ngược lại, sự thống trị toàn cầu của quyền lực và tư tưởng phương Tây trong hai thế kỷ vừa qua đã chứng kiến bước chuyển mình trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của hầu hết nhân loại. Matt Ridley trích dẫn lời nhà sử học đảng Whig, một tiền bối của những Optimist đương thời, ông Thomas Babington Macaulay, như sau: “Trên nguyên tắc, nếu ta bị mờ mắt bởi những thành tựu đã đạt được, ta sẽ không thể thấy gì khác ngoài sự thoái hóa ở phía trước.”

Việc tự phê bình khiến các New Optimist nản lòng cũng được thúc đẩy phần nào – ít nhất là theo cách họ nhìn nhận – bởi một dạng ảo tưởng thị giác về cách chúng ta nghĩ về sự tiến bộ. Steven Pinker nhận thấy rằng bất cứ khi nào ta tập trung vào phê phán những thiếu sót trong các tiêu chuẩn của hệ thống chính phủ hay kinh tế, ta cũng sẽ mất đi tầm nhìn về quá trình những tiêu chuẩn thay đổi. Chúng ta cảm thấy phẫn nộ khi đọc các báo cáo về những tù nhân bị CIA tra tấn dã man, nhưng đó chỉ là từ khi một sự đồng thuận chung mới xuất hiện cho rằng những hình thức tra tấn ấy đã vượt quá giới hạn cho phép. (Tại Anh quốc thời Trung cổ, những hình thức tra tấn dã man ấy chỉ là một điểm bình thường trong hệ thống luật pháp xử lý tội nhân.) Chúng ta có thể cảm thấy cái chết của những người dân di cư tại vùng Địa Trung Hải thật kinh hoàng chỉ bởi nhìn nhận cho rằng những người lạ mặt từ các vùng đất xa xôi đáng nhận được sự quan tâm về khía cạnh đạo đức hơn – một quan điểm hẳn là lố bịch nếu ta sinh vào thời những năm 1700. Sự đồng thuận chung này càng trở nên mạnh mẽ thì những sự việc ta nhìn nhận càng trở nên quá mức tàn bạo. Thế nên, trớ trêu thay, cảm thấy giận dữ khi đọc những tiêu đề kia chính là bằng chứng cho thấy bạn đang sống trong một thời đại cao thượng. (“The Moral Arc” (tạm dịch: Vòng cung đạo đức) của Michael Shermer có thể là bổ sung mới dành cho kệ sách của những New Optimist. Cuốn sách liên kết luận điểm trên trực tiếp với niềm tin của những người lạc quan một cách khoa học, trong đó ông lập luận rằng: đây là một sự tiến bộ khoa học khiến chúng ta sống đạo đức hơn.)

Lập luận này luôn vấp phải sự nghi ngờ dai dẳng cho rằng đây chỉ là một mánh rẻ tiền – giải thích những phẫn nộ là bằng chứng cho những cải thiện của chúng ta – chỉ đưa đến một lối phản biện khác: thậm chí nếu mọi sự có thật tốt lên hơn bao giờ hết, thì điều gì khiến ta có thể tiếp tục giả định rằng mọi thứ sẽ giữ vững như vậy? Những cải thiện trong điều kiện vệ sinh và tuổi thọ không thể ngăn chặn việc nước biển dâng đang phá hủy các quốc gia. Và nguy hiểm hơn là dự đoán tương lai bằng quá khứ: dù có nhìn nhận sự việc dựa trên những gì đã diễn ra trong một khoảng thời gian đủ dài thì cũng không thể nói trước được rằng sự tiến bộ mà những New Optimist đang tôn vinh là bằng chứng cho một quá trình phát triển đều đặn hay chỉ là một phút bùng sáng rồi cũng chóng vụt tắt.

Nếu mọi sự có thật tốt lên hơn bao giờ hết, thì điều gì khiến ta có thể tiếp tục giả định rằng mọi thứ sẽ giữ vững như vậy? Ảnh: Unsplash

Lấy cuốn sách có tựa đề “Progress” (tạm dịch: Sự tiến bộ) của Norberg làm ví dụ. Hầu hết những thành tựu nổi bật được liệt kê trong cuốn sách nằm trong khoảng 200 năm trở lại đây – thực tế thì những người lạc quan sử dụng các thành tựu này làm bằng chứng cho tiềm năng phát triển không thể dừng lại của nền văn minh hiện đại, song chúng cũng có thể được xem là bằng chứng cho mức độ hiếm có của những tiến bộ như thế. Loài người đã tồn tại trên Trái Đất khoảng 200.000 năm; nên ngoại suy từ chuỗi thời gian 200 năm có vẻ không mấy khôn ngoan. Chúng ta có nguy cơ mắc lại những sai lầm mà nhà sử học người Anh Henry Buckle từng mắc phải. Trong cuốn sách có tựa “Civilization in England” (tạm dịch: Nền văn minh Anh quốc), ông tự tin tuyên bố rằng chiến tranh sẽ sớm chỉ còn là truyện kể trong sách. Trong đó có đoạn: “Theo tiến trình xã hội, việc những hành động man rợ như vậy đang liên tục giảm dần cũng là điều hiển nhiên, và cho dù có là những độc giả lịch sử châu Âu vội vàng nhất sẽ cũng nhận ra điều đó.” Những lời văn đó là vào năm 1857; và Buckle có vẻ tự tin rằng Chiến tranh Krym sẽ là cuộc chiến cuối cùng trong lịch sử.

Điều thực sự đáng lo ngại ở đây không phải là quá trình phát triển đều đặn trong hai thế kỷ qua có bị đảo ngược và đẩy chúng ta vào những hoàn cảnh từng diễn ra trong quá khứ hay không, mà là thế giới do chúng ta tạo ra – động lực thực sự của toàn bộ quá trình phát triển – quá phức tạp, bất ổn, và khó đoán. Điều đó khiến các thảm họa có thể xảy đến bất cứ khi nào. Steven Pinker có thể hoàn toàn đúng đắn về việc ngày càng có ít người sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, nhưng (như ông cũng thừa nhận) chỉ cần cho một kẻ ích kỷ cáu kỉnh nắm trong tay mật mã hạt nhân cũng có thể châm ngòi một đại họa toàn cầu. Không thể bác bỏ được sự thật là công nghệ số đã tạo động lực cho một làn sóng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng nếu những kẻ khủng bố kỹ thuật số ngoài kia dùng nó để lật đổ cơ sở hạ tầng của nền tài chính thế giới vào tháng tới thì sự tăng trưởng ấy sẽ chóng trở thành vấn đề đáng bàn cãi.

“Vấn đề là khi một tấn thảm kịch xảy đến với xã hội chúng ta, ta lại khó lòng thấy được điểm dừng của nó.” Trích lời giáo sư chuyên ngành Chính trị thuộc trường đại học Cambridge David Runciman, người có nhìn nhận tiêu cực hơn về tương lai, đồng thời cũng là một người phê phán những New Optimist như Ridley và Norberg. “Lối suy nghĩ cho rằng trong một thế giới bị ràng buộc với nhau và điều khiển bởi thuật toán như hiện nay thì cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo sẽ rơi vào vòng xoáy hỗn loạn không thế kiểm soát cũng không phải là thiếu căn cứ. Thế nên khá là khó khăn nếu muốn trở thành một người lạc quan mà không màng đến thế sự.” Khi bạn sống trong một thế giới mọi thứ tưởng chừng như đang trở nên tốt đẹp hơn nhưng rồi vẫn có thể sụp đổ vào ngày mai, thì cũng “hoàn toàn hợp lý nếu bạn cảm thấy sợ hãi.”

Trong cuốn “The Confidence Trap” (tạm dịch: Cái bẫy của sự tự tin), Runciman có đưa ra một tư tưởng liên quan và cũng không kém phần bất an về vấn đề chính trị hiện đại. Chế độ dân chủ có vẻ đang hoạt động rất tốt: những New Optimist cho biết hiện nay đang có khoảng 120 trong số 193 quốc gia đi theo chế độ dân chủ. Con số này là 40 vào năm 1972. Nhưng nếu chính sức mạnh của chế độ dân chủ – và sự tự mãn của chúng ta về khả năng chống chịu của chế độ này – lại là điềm báo cho sự sụp đổ của chính nó thì sao? Phải chăng vấn đề thật sự không nằm ở sự lạc quan quá mức như các New Optimist nghĩ, mà nằm ở sự tự cao tự đại ở một cấp độ nguy hiểm?

Theo lập luận này, những người bỏ phiếu cho Trump và Brexit không hẳn vì họ nghĩ hệ thống đã hư hỏng và cần phải thay thế. Ngược lại, họ bỏ phiếu bởi đã trở nên quá tự tin rằng nền an ninh cốt lõi từ chính phủ sẽ luôn về phe họ cho dù phiếu bầu có thế nào đi chăng nữa. Runciman từng viết: Mọi người bỏ phiếu cho Trump “bởi họ không tin vào Trump.” Họ “muốn Trump đánh thức lại một hệ thống mà họ trông chờ sẽ bảo vệ họ khỏi sự liều lĩnh từ một người như Trump.” Vấn đề xảy ra với lối suy nghĩ và hành động này (việc tạo ra một cú sốc bầu cử chỉ vì bạn tin rằng hệ thống có thể trụ vững được) là chẳng có lý do gì để cho rằng điều đó sẽ tiếp diễn mãi mãi. Một lúc nào đó, thiệt hại sẽ không thể nào bù đắp được nữa. Runciman cho rằng các New Optimist đang “vẽ ra một thế giới nơi con người không còn là nhân tố quan trọng nữa, bởi đã có nhiều thế lực hư cấu dẫn lối cho chúng ta. Thế nhưng con người vẫn còn đất dụng võ … đó là khả năng phá hỏng mọi thứ. Và loại năng lực ấy có vẻ như còn đang tiếp tục phát triển lên nữa.”

Những người lạc quan không nhận biết được những rủi ro như vậy – thế nhưng tư tưởng lạc quan lại có nét đặc trưng là khả năng giải thích những sự việc mang vẻ bề ngoài đáng sợ một cách tích cực. Matt Ridley nói: “Bạn phân vân ‘Có phải mình đang rơi từ một tòa cao ốc, và đến khi lướt qua tầng hai vẫn lạc quan nói ‘còn xa, may quá’ không? Và câu trả lời là thực ra trong quá khứ nhân loại chúng ta đã tiên đoán sai quá nhiều lần về những tai ương sắp tới đến nỗi việc đó trở thành một thực tế đáng để cân nhắc.” Lịch sử có vẻ đứng về phía Ridley. Nếu một thảm họa phá hủy nền văn minh loài người từng xảy ra, khả năng cao bạn sẽ chẳng thể ngồi đây đọc bài viết này đâu. Những nhà tiên tri thảm họa thường sai. Nếu có đúng, có lẽ họ cũng sẽ chỉ đúng được một lần mà thôi.

Thời khắc đánh dấu sự ra đời của Tư tưởng Lạc quan Hiện đại là bài TED talk năm 2006 của nhà thống kê người Thụy Điển Hans Rosling (ông còn tự nhận mình là một nhà giáo vui tính). Ông vừa qua đời vào đầu năm nay. Với tiêu đề “The best stats you’ve ever seen” (tạm dịch: Những thống kê ý nghĩa nhất bạn từng thấy), bài nói của Rolsing tóm tắt kết quả của một nghiên cứu tài tình mà ông đã thực hiện trên những sinh viên đại học người Thụy Điển. Ông đưa cho họ những cặp quốc gia – Nga và Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka,… – sau đó yêu cầu họ đoán quốc gia nào đạt điểm cao hơn trong các đánh giá khác nhau liên quan đến sức khỏe, như tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Những sinh viên đã đoán sai, những câu trả lời của họ cho thấy họ đã giả định rằng các quốc gia gần với họ hơn, cả về mặt địa lý lẫn dân tộc, sẽ hạnh phúc hơn.

Có điều thật ra Rosling chọn các cặp quốc gia như vậy để minh chứng một điều: Nga có tỷ lệ tử vong ở trẻ em cao hơn gấp đôi so Malaysia, và Thổ Nhĩ Kỳ cao gấp đôi Sri Lanka. Theo cách Rosling nhìn nhận, một phần tư tưởng chủ bại của những quốc gia phương Tây hiện nay đã bám rễ sâu vào tâm trí khiến ta nghĩ rằng thời đại mình đang sống không thể tuyệt vời hơn nữa – và tương lai chúng ta để lại cho thế hệ mai sau hay những quốc gia khác bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ chỉ có thể là một tương lai đầy u ám. Rosling cho rằng nếu tiến hành một cuộc thử nghiệm tương tự cho những chú tinh tinh, chỉ khác là tên của các quốc gia sẽ được dán lên những quả chuối, thì những chú tinh tinh còn làm tốt hơn cả những sinh viên. Nguyên nhân là do xác suất, chúng sẽ có khả năng chọn đúng một nửa trong tổng số câu trả lời đúng. Trong khi đó, tỷ lệ chọn sai của những sinh viên châu Âu được giáo dục còn thua cả xác suất ngẫu nhiên. Chẳng phải do thất học mà chúng ta lại chọn sai, chỉ là do chúng ta chủ động bị thuyết phục bởi những thực tế không đúng mà thôi.

Bài nói “The best stats you’ve ever seen” ngày nay có vẻ đã trở nên hấp dẫn hơn – một phần bởi khả năng thuyết trình của Rosling, nhưng cũng do những thống kê này mang tính khách quan cao và có khả năng mang lại cho người xem một cách thức mới để nhìn nhận sự việc. Khác với thời điểm Rosling diễn thuyết, chúng ta bây giờ đang sống trong một kỷ nguyên “chín người mười ý” (the Age of the Take). Trong thời đại này, dường như có một nguồn cung vô tận các blog, mục báo, sách, và TV cạnh tranh với nhau để lấy phản hồi của chúng ta về những tin tức mới. Phần lớn những tin này không tập trung vào việc khai thác các bằng chứng rõ ràng mà chỉ xướng lên các quan điểm khiến bạn phải chấp nhận. Một ý kiến tiêu biểu mời gọi bạn đưa ra kết luận sẽ nói kiểu: Donald Trump là một kẻ phát xít (hoặc không); hoặc những biên tập viên đài BBC được trả lương quá cao; hay việc tập yoga là ví dụ cho sự chiếm đoạt văn hóa. (Đây cũng là điều không đáng ngạc nhiên lắm, vì nền kinh tế internet được nuôi dưỡng bằng sự chú ý, và việc thu hút sự chú ý của người khác bằng một lập luận cảm tính sẽ dễ hơn nhiều so với thông tin đơn thuần. Mặt khác, trên internet chỉ cần đăng bài lên thôi chứ cũng chẳng cần phải tốn tiền đi tìm bằng chứng gì cả). Các New Optimist lại hứa hẹn một điều khác: cách để cảm nhận hiện trạng thế giới dựa trên sự thật.

Nhưng nếu đào sâu nghiên cứu thêm, bạn sẽ tự hỏi rằng những câu chuyện lạc quan liệu có đủ để nói lên điều gì hay không. Trước hết, tại sao cứ phải so sánh thế giới hiện nay với 200 năm trước thì mới cho kết quả đúng đắn? Bạn có thể lập luận rằng so sánh kiểu đó chẳng khác gì gian lận vì đương nhiên mọi thứ đều tốt hơn so với lúc xưa. Nhưng chắc chắn rằng đó chưa phải là điểm cuối của chặng đường. Hãy lấy một ví dụ dễ thấy, loài người dư sức loại bỏ tình trạng đói nghèo hoặc tiêu giảm triệt để các ảnh hưởng gây ra cho khí hậu. Ấy vậy mà chúng ta vẫn chẳng hoàn thành được việc nào cả. Và nếu đứng trên góc nhìn này thì cái sự thực rằng mọi thứ đã tốt hơn rất nhiều so với năm 1800 cũng không còn hợp lý nữa.

Trớ trêu thay, khi dựa vào định kiến nhận thức để giải thích vì sao chúng ta luôn quan tâm đến những điều tiêu cực, các New Optimist có khả năng cũng đã sa lầy vào một định kiến tương tự mang tên “anchoring bias” (thiên kiến bám chặt vào một hướng). Hiệu ứng này khiến con người có xu hướng tin tưởng quá mức vào một số thông tin nhất định khi đưa ra phán xét. Nếu khởi đầu từ những nạn nhân mắc bệnh truyền nhiễm lê lết trên các con phố châu Âu thời xưa thì thật dễ để đi đến kết luận cuộc sống ngày nay thật tuyệt vời. Nhưng nếu nhìn từ khía cạnh đáng lẽ chúng ta phải xóa sổ nạn đói từ lâu thì có lẽ ta sẽ phải đánh giá theo một hướng khác.

Lập luận cho rằng chúng ta nên cảm thấy hạnh phúc hơn vì sự sống trên Trái Đất nói chung đang trở nên tốt đẹp hơn là một cách hiểu sai lầm cơ bản về hạnh phúc: thế giới quan của chúng ta sinh ra từ những điều cụ thể liên quan trực tiếp đến chúng ta, chứ không phải từ “cái nhìn từ vũ trụ” như David Runciman từng nói. Nếu mọi hàng xóm trong khu phố nhỏ (tại Mỹ) của bạn có điều kiện tài chính thua xa so với quá khứ, hay nếu bạn là một chàng trai Anh quốc trẻ tuổi đang phải đối mặt với tương lai không bao giờ có thể sở hữu nổi một ngôi nhà riêng, thử hỏi bạn có cảm thấy an ủi hơn không nếu biết tin ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc gia nhập tầng lớp trung lưu? Nhớ lại buổi ra mắt sách mới ở Trung Đông Hòa Kỳ, Ridley cho biết khán giả thường xuyên chất vấn sự lạc quan của ông, vì nhìn nhận từ cuộc sống của chính họ, cuộc sống chẳng tiến triển hơn là bao. “Họ bảo ‘Bác cứ bảo thế giới đang tốt lên, cơ mà tôi cảm thấy mọi thứ xung quanh tôi chẳng giống vậy.’ Tôi trả lời: ‘Đúng rồi, nhưng xung quanh bác có phải là cả thế giới đâu! Thậm chí bác còn không thấy phấn khởi tẹo nào khi nghe tin dân nghèo châu Phi đang dần giảm đi à?’” Kiểu đối đáp này thoạt nghe có vẻ hợp lý, nhưng cảm giác lại chẳng liên quan tẹo nào.

Dù cho mọi dấu hiệu đều theo chiều hướng tích cực, nhưng căn cứ vào sự bất ổn định của các bằng chứng và sự khó đoán đang bao trùm, thì mọi thứ thật sự rất mong manh.

Đúng ra thì Chủ nghĩa Lạc quan Hiện đại là một luận điểm có tính tư tưởng. Những người xướng ra nó nhìn chung cũng là những người ủng hộ sức mạnh của thị trường tự do. Và họ dùng bức tranh lịch sử tươi sáng gần đây của nhân loại cùng tương lai sắp xảy đến để minh chứng cho niềm tin của mình. Đây là một lý lẽ chính trị hoàn toàn chính đáng – nhưng suy cho cùng cũng vẫn chỉ là một lý lẽ chính trị, thiếu tính trung thực và bằng chứng khách quan. Tuyên bố cho rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ vàng son, và rằng tư tưởng nặng tính bi quan của chúng ta là không có cơ sở, không phải là thuốc giải cho Kỷ nguyên “chín người mười ý” này, mà cũng chỉ là một ý kiến (Take) như bao ý kiến khác. Vì lẽ đó tiếp thu thêm ý kiến trái chiều cũng là điều hợp lý thôi. Runciman có nói: “Tôi không thích nghĩ theo hướng nếu ta đối đầu với lý lẽ của họ thì giống như ta đang nói rằng tất cả những điều này không đáng để bàn đến vậy. Cũng dễ hiểu khi mọi người cảm thấy vô cùng khó chịu với thế giới đang sống, vì dù mọi dấu hiệu đều theo chiều hướng tích cực, nhưng căn cứ vào sự bất ổn định của các bằng chứng và sự khó đoán đang bao trùm, thì mọi thứ thật sự rất mong manh.”

Vào một buổi sáng sương mù tại Stockholm, Johan Norberg (tác giả cuốn “Progress” ra mắt hai tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ) ngồi theo dõi kết quả bầu cử trong một bữa tiệc tổ chức bởi đại sứ quán Hoa Kỳ. Norberg nhớ lại: “Chúng tôi đều là những người Thụy Điển làm việc trong các ngành truyền thông, chính trị, thương mại,… Điều đó khiến tôi nghĩ khó có thể tìm được ai mong Trump thắng cử. Và do đó không khí cũng nhanh chóng chùng xuống. Tệ hơn, họ không phục vụ rượu bia trong khi mọi người đều nói: ‘Chúng ta cần gì đó mạnh hơn chút nữa!’ Bữa tiệc cứ như dành cho mấy người vừa ngủ dậy vậy.” Ông cười. “Tôi nghĩ người Mỹ không hiểu dân Thụy Điển chúng tôi cho lắm thì phải.”

Khi thắng lợi của Trump trở thành hiện thực, bầu không khí chuyển từ lo âu sang hoài nghi và sợ hãi. Ảnh: Unsplash

Làn sóng chủ nghĩa dân túy xuất hiện trong vòng 2 năm trở lại đây tại Mỹ và Anh – thúc đẩy sự thăng tiến của Trump, cuộc bầu cử Brexit, và mức hỗ trợ khó đoán cho Bernie Sanders và Jeremy Corbyn – làm dấy lên một vấn đề phức tạp cho những New Optimist. Một mặt, có thể dễ dàng nhận định sự tức giận hướng vào các thiết lập chính trị là sai lầm bởi những tức giận ấy thiếu đi khả năng nhìn nhận vào những tiến triển tốt đang diễn ra hay thiếu đi khả năng phản ứng chính đáng với những việc xấu thật sự. Sự tức giận ấy nói cho cùng chỉ mang tính địa phương và tạm thời nên vì thế cũng không tạo ra bất kỳ một luận cứ có nghĩa nào cho chủ nghĩa bi quan. Mặt khác, việc xem những làn sóng chính trị là phản ứng từ tình hình thực tế, dù đúng hay sai, cũng là một góc nhìn hiếu kỳ. Những phản ứng đó là một phần của tình hình thực tế. Ví như cho dù bạn có nghĩ rằng những người ủng hộ Trump hoàn toàn không nhìn thấy hoàn cảnh tiêu cực của họ thì cách nhìn nhận ấy cũng đã đủ thật rồi – và họ thật sự đã bầu cho một Trump với đầy những bất ổn tiềm tàng. (David Runciman nói rằng, những New Optimist nghĩ đến chính trị không hơn gì một mối phiền muộn, bởi trong cách nhìn của họ “những thứ thúc đẩy sự tiến bộ thì không dính dáng gì đến chính trị. Nhưng những thứ dẫn đến sự thất bại thì đều liên quan đến chính trị”) Đến một lúc nào đó, việc chứng minh tính bi quan và lo âu đang trở nên phổ biến không còn liên quan nữa, mà thứ liên quan hơn chính là việc chúng đã trở nên quá phổ biến.

Norberg chẳng phải fan của Trump, và kết quả bầu cử có lẽ còn giống một bước lùi đối với cuốn sách mô tả về tương lai rải đầy hoa hồng của loài người hơn. Trong sách, ông có cảnh báo rằng sự phát triển không phải là điều ta có thể chắc chắn. Ông viết: “Làn sóng bài trừ nhập cư có thể sẽ xảy ra. Khi con người không nhìn thấy những tiến bộ đã đạt được, họ bắt đầu tìm người để đổ lỗi cho những vấn đề còn tồn đọng.” Nhưng về bản chất, Chủ nghĩa Lạc Quan Hiện đại có thể biến đổi những phát triển tiêu cực thành lý lẽ nhằm giúp chúng ta cảm thấy phấn khởi hơn, và vào thời điểm chúng tôi trao đổi cùng nhau, Norberg cũng đã có một góc nhìn tích cực hơn về cuộc bầu cử.

Ông bảo: “Tôi nghĩ biết đâu trong mấy năm tới chúng ta sẽ lại nghĩ việc Trump thắng cử là một điều tốt. Bởi nếu Trump thua và Hilary thắng, bà ấy sẽ trở thành tổng thống bị ghét nhất trong lịch sử hiện đại, và rồi Trump và Bonnan sẽ lấy cớ đó xây dựng nên một đế chế truyền thông cánh hữu, tạo nên sự căm ghét dồn dập. Sẽ có chăng một ứng viên kỷ luật hơn vào đợt bầu cử sau nữa – một kẻ phát xít thật sự chứ không còn chỉ có bề ngoài. Trump có thể chứng tỏ mình là người thiếu trình độ và ích kỷ, chỉ quan tâm đến bản thân, và cũng là kẻ phá hỏng cái mác chủ nghĩa dân túy ở Hoa Kỳ.” Lập luận phản thực tế như vậy bị ảnh hưởng bởi tính khó xuyên tạc, và trong mọi trường hợp, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài trước khi đến được với sự tích cực ngay thẳng về hướng đi của thế giới. Tuy nhiên, các New Optimist và những người có suy nghĩ bi quan hơn có thể cùng đồng tình với nhau về một sự thật không thể bàn cãi: dù có xảy ra điều gì đi nữa thì mọi thứ (theo lý thuyết) đều đã có khả năng để trở nên tồi tệ hơn.


  1. Công nghệ khai thác dầu bằng kỹ thuật thủy lực cắt phá.

  2. Nguyên văn là The New Atheist, chỉ những người không theo tôn giáo nào và có những suy nghĩ tiêu cực cho rằng các tư tưởng tôn giáo phải bị bài trừ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Nhân danh đam mê
“Theo đuổi đam mê” là câu niệm chú cho những người lao động ngày nay. Vậy vì sao chúng ta nên đòi hỏi lợi ích cho tầng lớp của mình khi mà giới tinh anh cho rằng, không có thứ gọi là lao động khi "theo đuổi đam mê"?
Mới nhất