a
§ Tác giả: Martin E. P. Seligman và John Tierney | Nguồn: The New York Times
Biên dịch: Bích | Hiệu đính:  EvoLit
03/08/2017

Loài người đã bị đặt sai tên. Chúng ta tự gọi mình bằng cái tên homo sapiens, nghĩa là người tinh khôn, nhưng nó giống một lời tự tán dương hơn là một từ để miêu tả. Điều gì khiến chúng ta khôn ngoan? Điều gì khiến chúng ta khác biệt với những loài vật khác? Nhiều đáp án đã được đưa ra – ngôn ngữ, sự hợp tác, văn hóa hay là việc thịt người có vị thật dở tệ đối với những loài săn mồi – nhưng tất cả nhưng điều trên đều không phải là đặc trưng chỉ có ở loài người.

Điều khiến chúng ta khác biệt nhất mà các nhà khoa học chỉ gần đây mới bắt đầu chú tâm đến: Chúng ta nghĩ về tương lai. Tầm nhìn duy nhất này của con người đã giúp chúng ta xây dựng nền văn minh và duy trì xã hội. Nó giúp cổ vũ tinh thần và đồng thời cũng là ngọn nguồn của phần lớn mỗi lo lắng và phiền muộn, dù chúng ta đang suy nghĩ cho cuộc sống của bản thân hay đang lo lắng cho cả dân tộc. Cứ vào mùa xuân, những động vật khác có thói quen dạy cho những con non, nhưng chỉ có loài người là cho thế hệ trẻ nghe những bài diễn văn “khai mạc” với mục đích trịnh trọng thông báo rằng ngày hôm nay mới chỉ là khởi đầu của quãng đời còn lại.

Cái tên thích hợp hơn cho chúng ta phải là Homo prospectus1 mới đúng, vì chúng ta vượt trội hơn là nhờ khả năng nhìn về tương lai. Sức mạnh của tầm nhìn về tương lai là thứ khiến chúng ta khôn ngoan. Các nhà tâm lí học và thần kinh học đã khám phá ra rằng nhìn về tương lai, một cách có ý thức hay vô ý thức, là một chức năng trung tâm của bộ não, dù khá chậm trễ vì mới thế kỉ trước thôi, phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng chúng ta bị giam giữ trong ngục tù của quá khứ và hiện tại.

Chúng ta học hỏi không phải chỉ nhờ việc lưu lại những ghi nhận không bao giờ thay đổi mà còn nhờ việc liên tục chỉnh sửa kí ức và mường tượng ra những khả năng trong tương lai.

Những nhà hành vi học đã cho rằng qua trình học hỏi ở những loài động vật là sự in sâu của một thói quen được lặp đi lặp lại. Những nhà phân tâm học thì tin rằng việc điều trị cho bệnh nhân cơ bản là khơi lại và đối diện với quá khứ. Ngay cả khi ngành tâm lý học nhận thức nổi lên, nó cũng chỉ tập trung vào quá khứ và hiện tại – về những kí ức và nhận thức.

Nhưng càng ngày càng rõ ràng rằng tâm trí chủ yếu là hướng về tương lai, chứ không phải là quá khứ. Hành vi, trí nhớ và nhận thức không thể được hiểu rõ nếu không coi trọng vai trò trung tâm của tầm nhìn tương lại. Chúng ta học hỏi không phải chỉ nhờ việc lưu lại những ghi nhận không bao giờ thay đổi mà còn nhờ việc liên tục chỉnh sửa kí ức và mường tượng ra những khả năng trong tương lai. Trí não của chúng ta nhìn nhận thế giới không phải nhờ việc soi xét từng li một trong khung hình mà là nhờ tập trung vào những điều bất ngờ.

Cảm xúc của chúng ta không phải là những phản ứng trước hiện tại mà là các định hướng cho tương lai. Những nhà trị liệu đang khám phá những phương pháp mới điều trị bệnh trầm cảm, vì giờ họ nhìn nhận trầm cảm không phải là do những chấn thương trong quá khứ và lo âu trong hiện tại mà chính là vì viễn cảnh méo mó về những điều xảy ra trong tương lai.

Nhìn nhận tương lai giúp chúng ta trở nên khôn ngoan hơn không chỉ từ những trải nghiệm của bản thân mà còn cả những người khác. Chúng ta là những động vật xã hội không giống một loài nào khác, làm việc và sinh sống cùng với những đám đông những người lạ, vì chúng ta đã cùng nhau xây dựng tương lai. Văn hóa loài người – gồm có ngôn ngữ, cách phân chia lao động, kiến thức, luật pháp và công nghệ – chỉ có được nhờ chúng ta có thể lường trước được những đồng loại của mình sẽ làm gì trong tương lai xa. Chúng ta hi sinh thực tại để nhận được những phần thưởng trong tương lai, dù là cho kiếp này hay kiếp sau như nhiều tôn giáo đã hứa hẹn.

Một vài trong số các năng lực nhìn nhận tương lai một cách vô thức của chúng ta cũng xuất hiện ở những loài vật khác, nhưng ít có loài nào lại có thể suy nghĩ về tương lai lâu dài hơn vài phút trước mắt. Sóc chôn hạt theo bản năng, chứ không phải vì chúng biết được mùa đông đang đến. Kiến cùng nhau xây tổ vì chúng được lập trình từ trong gen là phải làm như thế chứ không phải vì chúng đồng tình với bản kế hoạch này. Người ta cũng nhận thấy tinh tinh thỉnh thoảng cũng thể hiện tầm nhìn trong tương lai gần, ví dụ như một con tinh tinh gắt gỏng tại một vườn thú ở Thủy Điển đã bị bắt gặp dự trữ đá để ném vào những con người hiếu kì, nhưng chúng không có gì giống Homo prospectus (loài người) cả.

Nếu bạn là một con tinh tinh, bạn sẽ dành nhiều thời gian trong ngày để tìm kiếm thức ăn cho bữa tiếp theo. Nhưng nếu bạn là con người, bạn có thể tin tưởng vào tầm nhìn của những người quản lí siêu thị hay bạn có thể đặt bàn vào buổi tối thứ Bảy nhờ kì công của việc cùng nhìn về một viễn cảnh tương lai. Cả bạn và người quản lý nhà hàng cùng tưởng tượng ra một thời điểm “thứ Bảy” trong tương lai – thứ chỉ tồn tại trong tưởng tượng chung của cả hai – và dự đoán hành động của người kia. Bạn tin rằng người quản lí nhà hàng sẽ kiếm được đồ ăn và nấu chúng cho bạn. Còn cô ta tin tưởng bạn sẽ đến và trả tiền, cô ấy nhận tiền chỉ vì cô biết người chủ nhà sẽ chấp nhận nó để đổi lại, cho phép cô ở trong khu nhà của ông ta.

Vai trò trung tâm của khả năng nhận thức tương lai đã nổi lên trong những nghiên cứu gần đây về quá trình suy nghĩ có ý thức và vô thức, ví dụ như trong một nghiên cứu diễn ra ở Chicago trong đó 500 người trưởng thành sẽ được gửi tín hiện nhắc nhở ghi lại những suy nghĩ và tâm trạng ngay trong lúc đó. Nếu những lý thuyết tâm lý học truyền thống là chính xác thì những người này sẽ dành phần lớn thời gian ngẫm lại những gì đã qua. Nhưng thực chất, họ nghĩ về tương lai nhiều hơn gấp ba lần nghĩ về quá khứ, và dù những suy ít ỏi về sự kiện quá khứ cũng thường gồm cả việc cân nhắc về những hệ quả trong tương lai.

Trong khi phần lớn mọi người có xu hướng tích cực, những người mắc bệnh trầm cảm và chứng lo âu lại có cái nhìn ảm đạm về tương lai – và điều này mới thật sự là nguyên nhân chính cho những vấn đề của họ.

Những người tham gia đã ghi nhận họ đạt được mức độ hạnh phúc cao hơn và ít căng thẳng hơn khi lập kế hoạch (cho tương lai), có thể cho rằng chính vì việc lập kế hoạch đã khiến mối lo lắng hỗn độn đi vào một trình tự quy củ. Mặc dù đôi khi họ vẫn sợ điều không hay sẽ xảy ra, nhưng nhìn chung, số lượng những suy nghĩ về những gì họ mong muốn sẽ xảy ra trong tương lai vẫn nhiều hơn gấp hai lần.

Trong khi phần lớn mọi người có xu hướng tích cực, những người mắc bệnh trầm cảm và chứng lo âu lại có cái nhìn ảm đạm về tương lai – và điều này mới thật sự là nguyên nhân chính cho những vấn đề của họ, chứ không phải vì những tổn thương trong quá khứ hay suy nghĩ về hiện tại. Những tổn thương đúng là có tác động lâu dài, nhưng phần lớn mọi người sau đó vẫn đứng dậy mạnh mẽ hơn. Một số khác vẫn tiếp tục vật lộn vì họ thổi phồng dự đoán về thất bại và sự khước từ trong tương lai. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc chứng trầm cảm khác với những người thường ở chỗ họ có xu hướng ít hình dung ra những viễn cảnh tích cực trong khi trầm trọng hóa những rủi ro tương lai.

Họ trốn tránh giao tiếp và trở nên tê liệt vì quá nghi ngờ bản thân. Một học sinh thông minh và có thành tích tốt sẽ nghĩ: Nếu mình trượt vào kì thi sắp tới, mình sẽ khiến mọi người phải thất vọng và cho mọi người thấy mình thật sự là một kẻ thất bại. Những nhà nghiên cứu đã bắt đầu thử thành công những biện pháp trị liệu được thiết kể để phá vỡ những thói quen đó bằng việc tập cho những người bệnh tưởng tượng những kết quả tốt đẹp (tưởng tượng mình qua bài thi) và nhìn nhận những rủi ro tương lai một cách thực tế hơn (nghĩ đến những khả năng còn lại dù cho bạn có trượt).

Thay vì ghi nhận một các trung thành những gì đã diễn ra, bộ não liên tục viết lại những chuyện quá khứ.

Phần lớn suy nghĩ về tương lai xảy ra trong vô thức bởi vì não bộ chọn lọc thông tin để hình thành nên những dự đoán. Bộ máy thị giác và thính giác của chúng ta sẽ bị choáng ngợp nếu như chúng ta phải thu nhận hết tất cả cảnh vật và âm thanh xung quanh. Ta có thể xử lý nổi nhận thức là nhờ bộ não tạo ra những khung cảnh của riêng nó, để giữ sự vật cân bằng dù mắt của chúng ta cứ mỗi giây lại di chuyển ba lần. Cơ chế này giải phóng hệ thống nhận thức, khiến nó chú ý đến những chi tiết không thể đoán trước được. Đó chính là lí do tại sao bạn không chú ý đến tiếng đồng hồ chạy cho tới khi nó chết. Đó cũng chính là nguyên nhân tại sao bạn không cười khi tự cù chính mình: bạn đã biết trước được điều gì sẽ xảy tiếp theo.

Những nhà hành vi học thường giải thích quá trình học tập là sự ăn sâu của những thói quen lặp đi lặp lại và được củng cố thường xuyên, nhưng lí thuyết của họ không thể giải thích được tại sao động vật lại hứng thú với những trải nghiệm khác lạ hơn so với những thứ quen thuộc. Hóa ra, ngay cả những chú chuột của các nhà nghiên cứu hành vi cũng không phải những kẻ mù quáng đi theo thói quen, mà biết chú tâm đặc biệt tới những điều mới mẻ ngoài dự đoán vì đó chính là cách mà chúng học được để tránh hình phạt và dành phần thưởng.

Trí nhớ dài hạn của bộ não thường được so sánh với một kho lưu trữ, nhưng đây không phải là chức năng chính của nó. Thay vì ghi nhận một các trung thành những gì đã diễn ra, bộ não liên tục viết lại những chuyện quá khứ. Nhớ lại một sự kiện trong một bối cảnh mới có thể dẫn đến việc những thông tin mới sẽ lại được chèn và kí ức đó. “Giật dây” nhân chứng có thể dẫn đến việc dựng lại kí ức để không có bất kì dấu vết nào của nguyên bản được giữ lại.

Tính chất biến hóa của trí nhớ có vẻ như là một nhược điểm, đặc biệt là trong mắt của bồi thẩm đoàn, tuy nhiên tính chất này phục vụ một mục đích cao cả hơn. Nó là một chức năng chứ không phải lỗi, vì mục đích của trí nhớ chính là cải thiện khả năng đối diện với thực tại và tương lai. Để khai thác quá khứ, chúng ta chuyển hóa nó băng cách rút tách chúng ra và kết hợp với những thông tin liên quan khác để phù hợp với hoàn cảnh mới.

Liên hệ giữa trí nhớ và tầm nhìn hướng về tương lai đã được khám phá thông qua những nghiên cứu cho thấy rằng những người có tổn thương ở thùy thái dương sẽ mất đi kí ức về những trải nghiệm trong quá khứ cũng như khả năng tưởng tượng về tương lai một cách chi tiết và phong phú. Tương tự, những nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em cho thấy rằng chúng không thể tưởng tượng khung cảnh tương lai cho tới khi chúng có được khả năng nhớ được những gì mình đã trải qua, nhất là ở trong độ tuổi từ 3 đến 5.

Có thể những bằng chứng rõ ràng nhất đến từ những nghiên cứu gần đây về chụp hình não. Khi nhớ lại những sự kiện quá khứ, hồi cá ngựa phải kết hợp giữa ba mảnh thông tin khác biệt – điều gì đã xảy ra, khi nào và ở đâu – chúng được lưu trữ trong những khu vực khác nhau trong não. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi người ta tưởng tưởng tượng ra một khung cảnh mới, khu vực lưu trữ thông tin đó cũng sẽ được kích hoạt. Một lần nữa, vùng hồi cá ngựa sẽ kết hợp ba loại thông tin (cái gì, khi nào và ở đâu), nhưng lần này nó sẽ góp nhặt thông tin để tạo ra thông tin mới.

Dù khi bạn đang thư giãn, não của bạn cũng liên tục tái kết hợp những thông tin để hình dung về tương lai, các nhà khoa học đã rất bất ngờ khi tìm ra quá trình này khi họ quét não của những người đang xử lí một nhiệm vụ cụ thể như một bài toán trí óc. Giữa lúc nghỉ ngơi khi làm nhiệm vụ, một sự thay đổi đột xuất sẽ diễn ra đối với hoạt động của vùng “mặc định” trong não, nơi thực hiện các công việc tượng tưởng về tương lai và chỉnh sửa quá khứ.

 

Phát hiện này đã giải thích những gì xảy ra khi tâm trí của bạn vởn vơ trong suốt khi thực hiện một việc gì đó: Nó đang giả lập các biến cố tương lai. Đó chính là cách bạn có thể phản ứng nhanh trước những diễn biến bất ngờ. Điều có vẻ giống như là trực giác nguyên thủy được làm nên bởi những giả lập đã được tạo sẵn từ trước.

Mục đích chính của cảm xúc chính là để chỉ dẫn cho hành động tương lai và những phán xét đạo đức.

Ví như khi bạn nhận được một lời mời đến một buổi tiệc từ một đồng nghiệp ở cơ quan qua email. Bất chợt bạn sẽ thấy bối rối. Bạn lờ mờ nhớ lại mình đã từ chối lời mời lần trước, điều này kiến bạn cảm thấy bắt buộc phải nhận lời lần này, nhưng rồi bạn lại nghĩ đến cảnh bạn phải chịu đựng một buổi tiệc tồi tệ vì bạn không ưa anh ta lúc uống rượu. Nhưng bạn lại nhớ đến việc bạn chưa từng mời anh ta đến nhà mình, rồi tưởng tượng một cách không mấy dễ chịu rằng việc từ chối lời mời sẽ khiến anh ta phật ý, dẫn đến những khó khăn trong công việc.

Cân nhắc những yếu tố trên một cách bài bản yêu cầu nhiều thời gian và công sức, nhưng bạn lại có thể tạo ra những quyết định nhanh chóng bằng cách sử dụng những mánh khóe như bộ máy tìm kiếm Google, thứ chỉ cần chưa đầy một giây đã có thể trả lời cho câu hỏi của bạn. Google có thể cung cấp hàng triệu câu trả lời một cách ngay lập tức vì chúng không làm mọt thứ từ đầu đến cuối. Chúng chỉ liên tục dự đoán những gì bạn có thể đang tìm kiếm.

Não bộ của bạn cũng tham gia và một tiến trình hình dung tương lai như vậy để đưa ra được những câu trả lời ngay lập tức dưới dạng những cảm xúc. Mục đích chính của cảm xúc chính là để chỉ dẫn cho hành động tương lai và những phán xét đạo đức, theo như những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực mới được gọi là tâm lí học về tầm nhìn tương lai. Cảm xúc khiến bạn có thể cảm thông được với những người khác bằng cách dự đoán phản ứng của họ. Khi hình dung ra bạn và người đồng nghiệp sẽ cảm thấy như thế nào nếu như bạn từ chối lời mời của anh ta, một cách trực giác, bạn biết rằng mình phải trả lời lại, “Chắc chắn rồi, cảm ơn nhé.”

Loài người quá thực dụng để có thể bị ám ảnh về cái chết với cùng chung một lý do tại sao chúng ta không nhấn chìm vào quá khứ: Là vì chúng ta không thể làm gì để thay đổi (cái chết và quá khứ).

Nếu loài người nghĩ về tương lai quá nhiều, điều đó có tốt cho anh ta không? Một giả định đã có từ lâu của những nhà tâm lý học có tên “lí thuyết về sự quản chế nỗi sợ hãi” cho rằng con người tránh nghĩ đến tương lai là vì họ sợ cái chết. Lý thuyết này đã được nghiên cứu qua hàng trăm những cuộc thử nghiệm yêu cầu người tham gia nghĩ đến cái chết của bản thân mình. Phản ứng phổ biến nhất là trở nên quả quyết hơn về những giá trị văn hóa, ví như trở nên yêu nước hơn.

Nhưng ít có bằng chứng đáng giá chứng minh rằng con người thực sự dành nhiều thời gian bên ngoài phòng thí nghiệm để nghĩ về cái chết hay chế ngự nỗi sợ với cái chết. Đó chắc chắn không phải những gì các nhà tâm lý học tìm ra trong nghiên cứu ghi lại những suy nghĩ thương ngày của người dân Chicago. Những suy nghĩ về cái chết chỉ chiếm dưới một phần trăm, và ngay cả những suy nghĩ đó cũng thường chỉ là về cái chết của những người khác.

Loài người quá thực dụng để có thể bị ám ảnh về cái chết với cùng chung một lý do tại sao chúng ta không nhấn chìm vào quá khứ: Là vì chúng ta không thể làm gì để thay đổi (cái chết và quá khứ). Chúng ta trở thành loài tinh khôn bằng việc học cách nhìn và định hình tương lai, và chúng ta đủ khôn ngoan để luôn nhìn thẳng về phía trước.


  1. Trong khi “sapien” trong Homo sapien” trong tiếng Latin có nghĩa là “tinh khôn, sáng suốt,” prospectus lại có nghĩa là “tầm nhìn, triển vọng.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất