a
§ Tác giả: Will Storr | Nguồn: Mosaic
Biên dịch: Nguyên | Hiệu đính:  Aceae
10/09/2016

Cuối cùng, Drummond cũng có mọi thứ anh hằng mơ ước. Anh đã đi một chặng đường dài, kể từ khi còn là một cậu bé, buồn bã vì không vào được grammar school (có thể hiểu nôm na là một dạng trường điểm ở Anh). Đây là một sự thất vọng lớn với mẹ anh, và bố anh, người từng là kỹ sư tại một công ty dược. Khi anh còn là một đứa bé, bố anh không mấy để ý đến con mình. Ông không chơi với anh và khi anh nghịch ngợm, ông sẽ bắt anh quay người vào ghế rồi đánh đòn thật đau. Đàn ông thời đó đơn giản là vậy. Những ông bố là để sợ và kính trọng. Và bố thì luôn là bố.

Thật là khó khi sáng nào cũng nhìn thấy những cậu bé vào được trường điểm đi qua nhà, với những chiếc mũ đồng phục rất bảnh. Drummond đã luôn mơ ước khi lớn lên sẽ trở thành hiệu trưởng một ngôi trường nhỏ trong một ngôi làng hoàn hảo, nhưng anh chỉ có thể đậu vào một trường dạy nghề mộc và xây dựng. Ông chú tư vấn nghề nghiệp đã suýt phá ra cười khi anh nói về ước mơ dạy học của mình. Nhưng Drummond rất tham vọng. Anh đậu đại học, trở thành chủ tịch của hội sinh viên. Anh tìm được một công việc giảng dạy, cưới người bạn thanh mai trúc mã của mình, và cứ thế từng bước trở thành một hiệu trưởng ở một ngôi làng vùng Norfolk. Anh có ba đứa con và hai chiếc xe hơi. Mẹ anh, ít ra, đã tự hào.

Và rồi anh ngồi một mình trong một căn phòng nhỏ, nghĩ về việc tự kết liễu cuộc đời mình.

§

Suy nghĩ bốc đồng, tiêu cực, thiếu serotonin1, thiếu khả năng giải quyết các vấn đề xã hội – có rất nhiều những tổn thương khác nhau có thể làm gia tăng khả năng tự tử. Giáo sư Rory O’Connor, Chủ tịch của Tổ chức Quốc tế về Nghiên cứu Tự tử, đã nghiên cứu về những quá trình tâm lý đằng sau việc tự tử trong hơn 20 năm.

“Cậu có đọc tin tức mới chưa?” ông hỏi tôi như vậy khi chúng tôi gặp nhau. Những tờ báo buổi sáng nói về những con số mới nhất: 6.233 vụ tự tử được ghi nhận ở Anh trong năm 2013. Trong khi tỉ lệ tự tử ở nữ giới khá ổn định từ năm 2007, thì tỉ lệ của nam giới lại đang ở ngưỡng cao nhất kể từ năm 2001. Cứ 10 ca tự tử thì gần 8 ca là nam giới – một con số đã liên tục tăng trong hơn ba thập kỉ. Vào năm 2013, nếu có một người đàn ông tử vong ở độ tuổi giữa 20 và 49, thì khả năng lớn nhất không phải ẩu đả hay đâm xe hay sốc thuốc hay trụy tim, mà là anh ta quyết định rằng mình không còn muốn sống nữa.

Cứ 10 ca tự tử thì gần 8 ca là nam giới – một con số đã liên tục tăng trong hơn ba thập kỉ.

Ở tất cả các nước trên thế giới, số vụ tự tử của nam nhiều hơn nữ. Điều bí ẩn là tại sao? Là đàn ông thì làm sao mà lại dẫn đến vấn đề này? Tại sao, ít nhất ở Anh, thì những người đàn ông trung niên lại có khả năng tự tử cao nhất? Và tại sao nó ngày càng tồi tệ hơn?

Những người nghiên cứu về tự tử, hoặc làm việc cho các tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm lý, rất hăng hái khi nói với những kẻ tò mò rằng, rất hiếm khi, và gần như không bao giờ có chuyện, chỉ có một yếu tố duy nhất dẫn đến việc tự tử, và các bệnh tâm lý, phổ biến nhất là trầm cảm, thường xảy ra trước khi một người tự tử. “Nhưng vấn đề quan trọng là, hầu hết những người bị trầm cảm thì không tự tử,” O’Connor nói với tôi. “Chưa đến 5% trong số họ làm như vậy. Vì thế nên bệnh tâm lý không phải là một lời giải thích. Đối với tôi, quyết định kết liễu cuộc đời mình là một hiện tượng tâm lý. Cái chúng tôi đang cố gắng làm trong phòng thí nghiệm là hiểu được tâm lý của một bộ não muốn tự tử.”

Chúng tôi ngồi trong văn phòng của O’Connor tại tầng trệt Bệnh viện Gartnavel Royal. Qua cửa sổ, ngọn tháp trên nóc Đại học Glasgow chĩa lên bầu trời ảm đạm. Những bức vẽ của hai đứa con của ông được đính lên một cái bảng – một con quái vật màu da cam, một cái điện thoại màu đỏ. Ẩn nấp sau chiếc tủ, là một bộ sưu tập sách nghe thật não nề: Comprehending Suicide (Tạm dịch: Hiểu về tự tử); By Their Own Young Hands (Tạm dịch: Bằng chính đôi tay non nớt của họ); và cuốn hồi ký kinh điển của Kay Redfield Jamison về bệnh điên, An Unquiet Mind (Tạm dịch: Một tâm trí không tĩnh lặng).

Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Hành vi Tự Tử của O’Connor làm việc với những người sống sót tại bệnh viện, đánh giá họ trong vòng 24 giờ kể từ khi họ cố gắng tự tử và theo dõi sau đó xem họ tiếp tục ra sao. Nơi này cũng thực hiện những nghiên cứu thực nghiệm, kiểm chứng các giả thuyết về các vấn đề như khả năng chịu đau của những người muốn tự tử và thay đổi về nhận thức sau những giai đoạn căng thẳng ngắn hạn.

Sau nhiều năm nghiên cứu, O’Connor phát hiện ra một điều về tâm trí những người muốn tự tử khiến ông khá ngạc nhiên. Đó là chủ nghĩa cầu toàn xã hội (social perfectionism). Và có lẽ nó sẽ giúp chúng ta hiểu tại sao nhiều người đàn ông lại muốn chết như vậy.

§

Ở tuổi 22, Drummond lấy cô bạn gái mắt nâu tên Livvy của mình. Mười tám tháng sau anh trở thành cha. Và chẳng mấy sau đó anh đã có ba đứa con, hai trai một gái. Tiền nong eo hẹp, hẳn rồi, nhưng anh cố hết sức để làm tròn trách nhiệm của mình. Anh dạy học vào ban ngày và làm thêm tại quầy bar của một quán rượu vào buổi tối. Vào thứ Sáu anh làm ca đêm cho một tiệm bowling, từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng. Rồi anh ngủ bù suốt sáng hôm sau và lại làm ca đêm vào thứ Bảy. Sau đó là ca trưa ở quán rượu vào Chủ Nhật, nghỉ giải lao một chút, và rồi quay lại trường để dạy vào sáng thứ Hai. Anh không gặp được bọn trẻ nhiều, nhưng việc quan trọng nhất với anh là giúp gia đình mình no đủ.

Cũng như công việc, Drummond chăm chỉ học hành, quyết tâm đạt được những chỉ tiêu cần có để trở thành một hiệu trưởng. Càng nhiều tham vọng, càng nhiều tiến bộ. Anh có công việc mới ở những trường lớn hơn. Anh đưa gia đình mình lên những địa vị tốt hơn. Anh cảm thấy mình là một người lãnh đạo tài năng. Một người chồng hoàn hảo.

Nhưng không hề.

§

Nó chẳng liên quan gì đến việc mọi người thực ra nghĩ gì về bạn, mà là bạn nghĩ họ mong đợi gì. Nó có vấn đề bởi nó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.

Nếu bạn là một người cầu toàn xã hội, bạn có xu hướng đánh đồng mình với những vai trò và trách nhiệm mà bạn tin là bạn gánh vác trong cuộc sống. “Vấn đề ở đây không phải bạn mong đợi gì ở bản thân,” O’Connor giải thích. “Mà là bạn nghĩ người khác mong đợi điều gì. Bạn nghĩ bạn đã làm người khác thất vọng vì bạn không thể trở thành một người cha hay một người anh tốt – hay bất cứ việc gì đi chăng nữa.”

Bởi vì đây là phán xét về những gì bạn tưởng tượng là người khác phán xét về bạn, nó độc hại vô cùng. “Nó chẳng liên quan gì đến việc mọi người thực ra nghĩ gì về bạn,” ông nói. “Mà là bạn nghĩ họ mong đợi gì. Nó có vấn đề bởi nó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.”

O’Connor lần đầu tiên biết tới chủ nghĩa cầu toàn xã hội qua những nghiên cứu trên sinh viên Mỹ. “Tôi đã nghĩ rằng vấn đề này sẽ không thể áp dụng trong bối cảnh nước Anh, và càng không thể với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vậy mà lại có. Nó gây ra những hậu quả mạnh mẽ không ngờ. Chúng tôi đã nghiên cứu nó trong bối cảnh của những khu vực đói nghèo nhất ở Glasgow.” Khái niệm về chủ nghĩa cầu toàn xã hội bắt đầu vào năm 2003, với một nghiên cứu bước đầu trên 22 người cố gắng tự tử trong thời gian gần đó, cùng với một nhóm kiểm soát khác; những người này được đánh giá thông qua một trắc nghiệm gồm 15 câu hỏi về sự đồng tình của họ với những câu như “Thành công có nghĩa là tôi phải làm việc chăm chỉ hơn để làm người khác hài lòng” và “Mọi người không mong gì ngoài sự hoàn hảo từ tôi”. Theo O’Connor, “Chúng tôi phát hiện ra một sự liên hệ giữa chủ nghĩa cầu toàn xã hội và ý nghĩ tự tử ở tất cả những nhóm chúng tôi nghiên cứu, bao gồm cả những người nghèo khó và giàu có nhất.”

Điều còn bỏ ngỏ là lý do tại sao. “Giả thiết của chúng tôi là những người theo chủ nghĩa cầu toàn xã hội nhạy cảm hơn với những tín hiệu thất bại,” ông nói.

Tôi hỏi liệu vấn đề này có phải là việc mọi người cho rằng mình thất bại khi không thực hiện được những vai trò của mình, và với đàn ông thì họ cảm thấy cần phải hoàn thành vai trò nào? Làm cha? Làm trụ cột gia đình?

“Giờ có một sự thay đổi trong xã hôi,” O’Connor trả lời, “một người đàn ông cũng cần phải sành điệu và thời thượng. Có những sự kì vọng lớn hơn – và nhiều cơ hội hơn để đàn ông cảm thấy mình thất bại.”

§

Sức mạnh của nhận thức về những kì vọng của người khác, và cảm giác tồi tệ khi bạn tin là bạn đã làm họ thất vọng, đang ngày càng gia tăng ở Châu Á, nơi tỉ lệ tự tử có thể cao khủng khiếp. Cao nhất trong khu vực là Hàn Quốc, nơi mà, theo một vài thống kê, có tỉ lệ tự tử cao thứ hai trên thế giới. Khoảng 40 người Hàn tìm đến cái chết mỗi ngày, theo các báo cáo năm 2011. Một cuộc thăm dò ý kiến vào năm 2014 bởi Tổ chức Cải thiện Sức khỏe Hàn Quốc liên kết với chính phủ cho thấy có đến hơn một nửa thanh thiếu niên có suy nghĩ tự tử trong vòng một năm trở lại đây.

Giáo sư Uichol Kim, một giáo sư tâm lý học xã hội tại Đại học Inha của Hàn Quốc, tin rằng phần lớn vấn đề này có thể là do những sự buồn phiền bắt nguồn từ sự thay đổi nhanh chóng của đất nước, từ tình trạng nông thôn nghèo khó đến cuộc sống thành thị giàu sang. Sáu mươi năm trước, đây là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nếu so sánh tình trạng sau chiến tranh của Hàn với Haiti sau trận động đất năm 2010. Từ một nước có dân số đa phần sống trong các cộng đồng nông nghiệp, ngày nay 90% người dân Hàn sống ở khu vực đô thị.

Thay đổi này đã thổi bay nền tảng của một nền văn hóa mà, trong 2.500 năm, bị ảnh hưởng sâu sắc bởi Nho giáo, một hệ giá trị giải thích ý nghĩa của cuộc sống làm vừa đủ ăn trong những cộng đồng làm nông nhỏ, thường là cô lập. “Mọi người tập trung hợp tác và làm việc cùng nhau,” Kim giải thích. “Nhìn chung, đây là một nền văn hóa quan tâm, chia sẻ, và cho đi. Nhưng trong một thành phố hiện đại, mọi thứ lại trở nên cạnh tranh và tập trung vào thành quả.” Đối với nhiều người, định nghĩa thành công là gì đã thay đổi. “Bạn được đánh giá qua địa vị, quyền lực, và sự giàu có của bạn, và điều này thì không có trong văn hóa truyền thống.” Tại sao mọi thứ lại thay đổi như vậy? “Một học giả Nho giáo sống trong một trang trại ở một ngôi làng nông thôn có thể rất thông thái, nhưng ông ta lại nghèo,” Kim nói. “Chúng ta muốn trở nên giàu có.” Và kết quả, ông lập luận, là một sự cắt xén về ý nghĩa. “Một nền văn hóa không gốc rễ.”

Đây cũng là một nền văn hóa có những con đường dẫn đến thành công vô cùng gian nan – Hàn Quốc có số giờ làm việc nhiều nhất, và được quy định một cách cứng nhắc, trong nhóm OECD của các nước giàu. Nếu bạn thất bại ở thời niên thiếu, bạn cảm thấy như cả cuộc đời mình đã thất bại rồi. “Công ty được ngưỡng mộ nhất ở Hàn là Samsung,” Kim nói. Ông bảo tôi rằng 80-90% nhân viên được nhận của công ty này chỉ đến từ ba trường đại học. “Trừ phi bạn có thể vào một trong ba trường này, còn không thì bạn không thể kiếm được việc ở những tập đoàn lớn.” (Tôi không thể khẳng định những số liệu này qua các nguồn bằng tiếng Anh, nhưng theo tờ Korea Joongang Daily, đã có những cáo buộc về sự thiên vị dành cho một số trường đại học nhất định.)

Cơ hội nghề nghiệp không phải thứ duy nhất thế hệ trẻ quốc gia hướng đến. “Nếu bạn là một sinh viên giỏi, bạn được tôn trọng bởi thầy cô, cha mẹ, và bạn bè. Bạn là một người nổi tiếng. Tất cả mọi người đều muốn hẹn hò với bạn.” Áp lực để đạt được mức độ này của sự hoàn hảo, về mặt xã hội cũng như những mặt khác, vô cùng to lớn. “Tự tin vào bản thân, tự tin xã hội, địa vị xã hội, tất cả được kết hợp thành một,” ông nói. “Nhưng nếu bạn thất bại thì sao?”

§

Cũng như công việc ngoài giờ mà anh làm thêm để kiếm tiền, và học hành cho sự nghiệp, Drummond còn tham gia cả một số hoạt động tình nguyện, khiến cho thời gian anh dành cho các con và vợ càng ít hơn. Livvy than phiền rằng anh làm việc quá nhiều. Cô nói cô cảm thấy bị coi nhẹ. “Anh hứng thú với sự nghiệp của mình hơn với em,” cô nói. Việc chuyển nhà liên tục mỗi khi anh chuyển trường chẳng giúp gì.

Lần đầu tiên Drummond biết được chuyện ngoại tình của vợ là lúc anh đang tình nguyện ở một bệnh viện ở King’s Lynn. Một phụ nữa đưa cho anh một xấp giấy. “Đây là những bức thư vợ anh đã gửi cho chồng tôi,” cô ấy nói. Chúng đầy sự nhục dục. Nhưng điều tệ hơn là Livvy rõ ràng đã quá yêu người đàn ông này.

Drummond trở về nhà để đối chất với vợ. Livvy không thể phủ nhận. Những bức thư ấy đều là chữ viết tay của cô. Anh khám phá ra là đủ thứ chuyện xảy ra trên con phố nơi người tình của vợ sống. Cô lái xe qua lại ngoài cửa nhà anh ta, cố gặp anh ta. Nhưng Drummond không thể bỏ vợ. Bọn trẻ còn nhỏ, và cô hứa chuyện này sẽ không lặp lại nữa. Anh quyết định tha thứ cho vợ.

Drummond từng có lúc vắng nhà vào cuối tuần để tham gia các khóa học. Một ngày khi trở về, anh thấy xe của Livvy bị thủng lốp và một cảnh sát trong làng đã giúp cô thay bánh xe. Anh nghĩ người cảnh sát này thật tốt bụng. Một thời gian sau, đứa con gái 11 tuổi của anh tìm đến anh trong nước mắt. Con bé nhìn thấy mẹ mình ở trên giường với ông cảnh sát.

Người tình tiếp theo của Livvy là một nhân viên bán hàng của một công ty y tế. Cô thực ra đã bỏ nhà đi trong thời gian đó, và chỉ quay lại sau hai tuần. Drummond giải quyết mọi thứ bằng cách duy nhất mà anh biết – giữ trong lòng. Anh không phải là kiểu người sụp xuống khóc lóc và lăn lộn trên sàn nhà. Anh chẳng có một ông bạn thân nào để giãi bày, mà kể cả nếu anh có, anh chắc cũng không nói gì. Đó không phải kiểu chuyện bạn muốn kể với mọi người, rằng vợ bạn đã ngoại tình khắp nơi. Rồi Livvy tuyên bố cô muốn chia tay.

Khi họ cuối cùng cũng ly hôn, Livvy được hưởng ngôi nhà, nuôi bọn trẻ, tất cả mọi thứ. Sau khi trả xong tiền chu cấp, Drummond gần như không còn lại gì. Không một ai ở trường anh biết chuyện. Đối với họ, anh vẫn là người đàn ông ấn tượng anh đã dành bao năm cố gắng trở thành: Hiệu trưởng thành công, có vợ và ba đứa con. Nhưng rồi, tất nhiên, mọi chuyện lộ ra. Một người trông trưa nói với anh, “Tôi nghe nói vợ anh đã chuyển đi rồi?”

Vào thời điểm đó anh đang sống trong một căn phòng lạnh cóng đi mướn của một trang trại cách King’s Lynn mười dặm. Với tư cách một người đàn ông, anh thấy thật nhục nhã. Anh khánh kiệt. Anh cảm thấy mình là một sự thất bại, một người bị cắm sừng, không phải người mà tất cả mọi người kì vọng. Bác sĩ kê cho anh một vài thang thuốc. Anh nhớ mình ngồi đó trong ngôi nhà trên đầm lầy, nhận ra rằng cách dễ nhất để giải thoát là ôm lấy tất cả đống phiền muộn này và biến mất.

§

Nếu bạn là một người cầu toàn xã hội, bạn sẽ có những kì vọng cao bất thường về bản thân mình. Đánh giá của bạn về bản thân phụ thuộc một cách nguy hiểm vào việc duy trì một mức độ thành công mà đôi khi là bất khả thi. Khi bạn bị đánh bại, bạn sẽ sụp đổ.

Nhưng những người cầu toàn xã hội không phải là những người duy nhất nhìn nhận bản thân mình dựa trên mục tiêu, vai trò, và tham vọng. Giáo sư tâm lý học Brian Little tại Đại học Cambridge nổi tiếng với nghiên cứu của mình về ‘dự án cá nhân.’ Ông tin rằng chúng ta có thể nhận diện mình thông qua chúng đến mức chúng trở thành một phần của khái niệm về bản thân chúng ta. “Bạn dự án cá nhân của bạn,” ông từng nói với lớp của mình ở Đại học Harvard như thế.

Theo Little, có nhiều kiểu dự án khác nhau, mang những giá trị khác nhau. Đưa một chú chó đi dạo là một dự án cá nhân, cũng như trở thành hiệu trưởng trong một ngôi làng xinh xắn hay là một người cha, người chồng thành công. Ngạc nhiên là, việc những dự án của chúng ta ý nghĩa thế nào không có tác động nhiều đến việc chúng ta có khỏe mạnh, vui vẻ hay không. Thứ thật sự quyết định sự hạnh phúc của chúng ta, là liệu những dự án đó có thể được hoàn thành không.

Đàn ông thường được mặc định là họ khó có thể chia sẻ về những vấn đề cảm xúc của mình; và kiểu mặc định này không hề tốt cho họ.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi những dự án cá nhân của chúng ta bắt đầu đổ bể? Chúng ta giải quyết thế nào? Và liệu có một sự khác biệt về giới tính mà có thể giúp giải thích tại sao nhiều người đàn ông lại chọn tự tử như vậy?

Có đấy. Đàn ông thường được mặc định là họ khó có thể chia sẻ về những vấn đề cảm xúc của mình; và kiểu mặc định này không hề tốt cho họ. Điều này cũng đúng với việc thảo luận về những dự án tan vỡ của họ. “Phụ nữ được lợi khi mở lòng về những dự án của họ cũng như những thách thức họ gặp phải khi theo đuổi chúng,” Little viết trong cuốn sách Me, Myself, and Us (Tạm dịch: Tôi, bản thân tôi, và chúng ta) của mình, “trong khi đàn ông lại được lợi nếu giữ kín chúng trong lòng.”

Trong một nghiên cứu về những người ở vị trí quản lý lâu năm, Little khám phá ra một điểm khác biệt quan trọng nữa giữa hai giới. “Một điểm khác biệt rõ ràng nhất là, đối với đàn ông, điều quan trọng nhất là không đầu hàng những trở ngại,” ông nói với tôi. “Họ chủ yếu được động viên là hãy bứt lên. Hãy dẹp hết mọi thứ linh tinh ra khỏi đầu đi. Phụ nữ thì gắn kết hơn với kiểu môi trường mà họ cảm thấy được kết nối với người khác. Và từ khía cạnh này, bạn có thể mở rộng ra những khía cạnh khác trong cuộc sống, ngoài phạm vi văn phòng. Tôi không muốn củng cố định kiến gì ở đây, nhưng những dữ liệu thì có vẻ khá rõ ràng.”

Sau đó nghiên cứu này có thêm ủng hộ từ một bài viết gây khá nhiều ảnh hưởng vào năm 2000, của một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Giáo sư Shelley Taylor ở UCLA, tìm hiểu về những hành vi sinh học phản ứng lại sự căng thẳng. Họ tìm ra rằng, trong khi đàn ông thường có xu hướng phản ứng theo kiểu khá phổ biến là ‘chiến đầu hay chạy trốn’ (fight or flight), phụ nữ thì thường ‘quan tâm và bầu bạn’ (tend and befriend). Little giải thích, “Mặc dù phụ nữ có thể nghĩ rất nghiêm túc về việc tự tử, bởi sự kết nối xã hội của họ, họ cũng có thể nghĩ rằng ‘Trời ơi, con tôi sẽ ra sao, mẹ tôi sẽ nghĩ gì?’ Và vì vậy họ kiềm chế không biến suy nghĩ thành hiện thực.” Với đàn ông thì, cái chết có thể được xem là cảnh giới tối cao của việc ‘chạy trốn.’

Nhưng cách thức chạy trốn chết chóc đó cần sự quyết tâm. Tiến sĩ Thomas Joiner tại Đại học bang Florida đã nghiên cứu những điểm khác nhau giữa những người nghĩ về việc tự tử và những người thực sự hành động vì ham muốn được chết của họ. “Bạn không thể làm gì trừ khi bạn không hề thấy sợ chết nữa,” ông nói. “Và tôi nghĩ đây là điểm liên quan đến sự khác biệt giữa hai giới.” Joiner nói ông có một bộ sưu tập gồm những đoạn băng an ninh và video từ cảnh sát, cho thấy những người “tuyệt vọng đến mức muốn kết liễu cuộc sống của mình, và rồi, đến phút cuối, họ rụt lại vì quá sợ hãi. Sự né tránh đó cuối cùng cứu sống họ.” Vậy thì có phải là đàn ông ít khi rụt lại không? “Chính xác.”

Nhưng có một điều cũng đúng là, ở hầu hết các nước phương Tây, phụ nữ cố gắng tự tử nhiều hơn đàn ông. Lý do việc những ca tử vong ở đàn ông lại nhiều hơn là do phương thức họ chọn để tự tử. Trong khi đàn ông thường chọn cách treo cổ hoặc dùng súng, phụ nữ lại thường sử dụng thuốc. Martin Seager, một bác sĩ tâm lý và chuyên gia tư vấn cho tổ chức Samaritans2, tin rằng điều này cho thấy đàn ông có ý định tự tử mạnh hơn. “Phương thức phản ánh tâm lý,” ông nói. Daniel Freeman tại khoa tâm lý trị liệu của Đại học Oxford đề cập đến một nghiên cứu trên 4.415 bệnh nhân nhập viện sau khi tự làm mình tổn thương (self-harm); nghiên cứu này cho thấy đàn ông có ý định tự tử cao hơn hẳn phụ nữ. Nhưng giả thuyết này vẫn còn nhiều phần chưa được làm rõ. “Tôi không nghĩ giả thuyết này đã được khẳng định,” ông nói. “Nhưng mà cũng khó để chứng minh mọi thứ.”

Đối với O’Connor, giả thuyết về ý định tự tử này cũng vẫn còn bỏ ngỏ. “Tôi chưa thấy bất cứ một nghiên cứu tử tế nào tìm hiểu vấn đề này, vì nó quá khó,” ông nói. Nhưng Seager bị thuyết phục. “Đối với đàn ông, tôi nghĩ tự tử giống như một dạng hành quyết,” ông nói. “Một người đàn ông tự xóa sổ mình khỏi thế giới. Nó mang một cảm giác thất vọng và xấu hổ to lớn. Phái mạnh cảm thấy phải có trách nhiệm trong việc cung cấp miếng cơm manh áo và bảo vệ người khác, và họ cần phải thành công. Khi một người phụ nữ mất việc, đau đớn thật đấy, nhưng cô ấy không cảm thấy như đã mất đi danh tính hay sự nữ tính của mình. Còn với đàn ông, khi anh ta mất việc, anh ta cảm thấy mình không còn là đàn ông nữa.”

Đây là một khái niệm được nhấn mạnh lại bởi nhà tâm lý học nổi tiếng, Giáo sư Roy Baumeister, tác giả của một học thuyết về tự tử cho rằng đó là một dạng ‘giải thoát khỏi bản ngã’ (escape from the self); học thuyết này đã có ảnh hưởng lớn với O’Connor. “Một người đàn ông không thể chu cấp cho gia đình mình thì theo một cách nào đó sẽ không còn là đàn ông nữa,” Baumeister nói. “Phụ nữ thì vẫn luôn là phụ nữ, nhưng tính đàn ông thì có thể bị đánh mất.”

§

Ở Trung Quốc, chẳng có gì là lạ nếu các viên chức ăn hối lộ tự tử – một phần để gia đình họ giữ được những tài sản bất chính, nhưng bên cạnh đó cũng là để tránh tù tội và mất mặt. Ở Hàn Quốc, cựu Tổng thống Roh Moo-hyun đã làm vậy vào năm 2009 sau khi bị buộc tội nhận hối lộ. Uichol Kim nói rằng, đối với Roh, “Ông ta tự tử để cứu vợ và con trai mình. [Ông ta nghĩ là] cách duy nhất ông ta có thể dừng cuộc điều tra là kết liễu chính mình.”

Kim nhấn mạnh rằng sự nhục nhã không hẳn là nhân tố chính cho các vụ tự tử ở Hàn Quốc. Nhưng điều này có thể khác ở các quốc gia khác. Chikako Ozawa-de Silva, một nhà nhân chủng học tại Đại học Emory ở Atlanta, nói với tôi rằng ở Nhật, “Khi một cá nhân tự tử, cái chính là anh ta đã bảo toàn danh dự hoặc giúp những thành viên gia đình không bị nhục nhã.”

Cảm giác cá nhân ở Châu Á không mạnh như ở phương Tây, và dễ dung hòa hơn. Nó mở rộng ra để bao gồm nhiều nhóm khác nhau mà mỗi cá nhân là một thành viên trong đó.

“Sự đánh giá của những người khác tăng thêm gánh nặng,” Kim nói. Sự nhục nhã của một người có thể lan ra xung quanh và làm vấy bẩn những người khác. Theo luật Nho giáo ngày trước, một kẻ phạm tội còn có thể khiến cả dòng họ bị chu di tam tộc.

Trong tiếng Nhật và tiếng Hàn, từ ‘con người’ (human being) được dịch là ‘giữa con người’ (human between). Cảm giác cá nhân ở Châu Á không mạnh như ở phương Tây, và dễ dung hòa hơn. Nó mở rộng ra để bao gồm nhiều nhóm khác nhau mà mỗi cá nhân là một thành viên trong đó. Điều này dẫn đến một cảm giác trách nhiệm to lớn vì người khác, mà trở nên cực kì sâu sắc ở những ai muốn tự tử.

Ở Nhật, khái niệm về cá nhân liên kết chặt chẽ với các vai trò của một người đến mức, theo Ozawa-de Silva, khi mọi người giới thiệu về bản thân, họ thường đề cập nghề nghiệp kèm sau tên của mình. “Thay vì nói, ‘Xin chào, tôi là David,’ thì ở Nhật họ sẽ nói, ‘Xin chào, tôi là David làm ở Sony.’ Kể cả trong trường hợp họ gặp gỡ người khác ở những buổi tiệc không trang trọng.” Khi gặp thất bại, sự cá nhân hóa những vai trò nghề nghiệp kiểu Nhật này có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. “Tự tử đã được gán cho giá trị đạo đức trong nhiều năm hoặc thậm chí là nhiều thế kỷ. Nó có lẽ bắt nguồn từ các Samurai.” Bởi vì mọi người có xu hướng xem công ty như gia đình mình, “một CEO có thể nói, ‘Tôi chịu trách nhiệm cho công ty này,’ và tự tử. Và điều này sẽ được các kênh truyền thông mô tả như một hành động danh dự,” Ozawa-de Silva giải thích. Ở Nhật, nơi được ước tính là có tỉ lệ tự tử cao thứ chín trên thế giới, vào năm 2007 khoảng hai phần ba số ca tự tử là đàn ông. “Trong một xã hội nam trị tất nhiên người cha sẽ là người phải gánh lấy trách nhiệm.”

§

Từ việc là một trong những nước có tỉ lệ tự tử cao nhất thế giới vào năm 1990, Trung Quốc giờ nằm trong nhóm thấp nhất. Năm ngoái, một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Paul Yip, tại Trung tâm Nghiên cứu và Ngăn ngừa Tự tử thuộc Đại học Hồng Kông, tính toán là tỉ lệ tự tử đã giảm từ 23,2% trên 100.000 người vào cuối thập niên 90, xuống còn 9,8% trong khoảng từ năm 2009-11. Sự tụt giảm thần kì đến 58% này xảy ra trùng hợp với sự chuyển mình từ nông thôn sang thành phố, tương tự như sự thay đổi ở Hàn Quốc trước đây. Vậy mà, ở Trung Quốc nó lại có tác động trái ngược. Tại sao lại như vậy?

Kim tin rằng Trung Quốc đang trải qua một “thời kỳ biển lặng” bắt nguồn từ sự hy vọng khi hàng ngàn người chuyển sang một cuộc sống mới. “Số ca tự tử chắc chắn sẽ tăng,” ông nói, đề cập đến việc Hàn Quốc số ca tự tử cũng giảm đi như vậy vào thập niên 70 và 80, khi nền kinh tế mới bắt đầu phát triển. “Mọi người tin là giàu hơn thì sẽ hạnh phúc hơn. Khi bạn tập trung vào một mục tiêu bạn không tự tử. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đạt được điều mình muốn mà nó lại không như mong đợi của bạn?”

Quả thực, niềm hi vọng ở những nơi tuyệt vọng đôi khi rất nguy hiểm, như Rory O’Connor đã khám phá ở Glasgow. “Chúng tôi đã đặt ra một câu hỏi là: Liệu những suy nghĩ tích cực về tương lai có luôn giúp một người cảm thấy tốt hơn? Trực giác mách bảo chúng tôi là có.” Vậy nhưng khi nhóm của ông nghiên cứu những “suy nghĩ nội tâm về tương lai,” kiểu suy nghĩ chỉ xoay quanh một cá nhân – như “Tôi muốn được hạnh phúc” hay “Tôi muốn khỏe mạnh” – họ thu được kết quả khá bất ngờ. O’Connor đã đánh giá 388 bệnh nhân từng cố tự tử, và theo dõi họ suốt 15 tháng sau đó để xem liệu họ có cố tự tử lần nữa không. “Trong những nghiên cứu trước đây, những người có nhiều suy nghĩ nội tâm về tương lai thì có ý định tự tử thấp hơn,” ông nói. “Chúng tôi đã khám phá ra là cách tốt nhất để tiên đoán liệu một người có tiếp tục cố tự tử không là dựa trên những hành vi trong quá khứ – hẳn rồi – và một cách nữa là dựa vào những suy nghĩ nội tâm của họ về tương lai. Chỉ có điều, yếu tố này không xảy ra theo chiều hướng chúng tôi dự đoán trước đó.” Hóa ra là những người đặt nhiều suy nghĩ hi vọng vào bản thân thì lại có xu hướng tự tử lớn hơn. “Những suy nghĩ như vậy có thể giúp bạn vượt qua những giai đoạn khủng hoảng,” O’Connor giải thích. “Nhưng theo thời gian, điều gì sẽ xảy đến khi bạn nhận ra rằng, ‘Mình sẽ không bao giờ có thể đạt được những mục tiêu này’?”

Điểm chung giữa Châu Á và phương Tây là mối liên hệ giữa vai trò của các giới và việc tự tử. Nhưng có phải ở phương Tây thì quan niệm về phái mạnh hiện đại hơn không?

Đàn ông so sánh họ với ‘chuẩn mực vàng’ về sự nam tính, chuẩn mực đó đánh giá cao sức mạnh, quyền lực, và sự bất bại. Khi đàn ông tin là họ không đạt được tiêu chuẩn này nữa, họ cảm thấy nhục nhã và thất bại.

Vào năm 2014, bác sĩ tâm lý Martin Seager và nhóm của mình quyết định kiểm chứng quan niệm văn hóa về ý nghĩa của việc là một người đàn ông hoặc phụ nữ, bằng cách đặt ra một bộ câu hỏi được thiết kế cẩn thận cho những người phụ nữ và đàn ông được tuyển chọn thông qua các trang web ở Anh hoặc ở Mỹ. Kết quả họ thu được gợi ý rằng, mặc cho những sự tiến bộ của chúng ta, kì vọng của cả hai giới dành cho đàn ông vẫn bị mắc kẹt ở giai đoạn thập niên 50. “Quy luật đầu tiên là bạn phải là một chiến binh và một người thắng cuộc,” Seager giải thích. “Thứ hai, bạn phải là một người chu cấp và một người bảo vệ; thứ ba, bạn phải duy trì được sự thông thái và kiểm soát mọi lúc. Nếu bạn vi phạm bất cứ một quy luật nào thì bạn không phải đàn ông.” Khỏi phải nói, theo những điều này, ‘đàn ông thực thụ’ không được để lộ sự yếu đuối. “Một người đàn ông cần sự giúp đỡ là một điều nực cười,” ông nói. Những kết luận của nghiên cứu này nhấn mạnh lại một cách cao độ điều O’Connor và đồng nghiệp của mình đã viết trong báo cáo của tổ chức Samaritans vào năm 2012 về vấn đề tự tử ở nam giới: “Đàn ông so sánh họ với ‘chuẩn mực vàng’ về sự nam tính, chuẩn mực đó đánh giá cao sức mạnh, quyền lực, và sự bất bại. Khi đàn ông tin là họ không đạt được tiêu chuẩn này nữa, họ cảm thấy nhục nhã và thất bại.”

§

Ở Anh và các xã hội phương Tây khác, dường như đâu đó khoảng giữa thập niên 80, chúng ta đã cùng nhau quyết định rằng, đàn ông là một lũ tồi tệ. Cuộc đấu tranh cho sự bình quyền và an toàn tình dục cho phụ nữ gây ra một hệ quả là, suốt một thập kỉ đàn ông bị xem như những người có đặc quyền và những kẻ lạm dụng tàn bạo. Phiên bản hiện đại của đàn ông, phản ứng lại với những lời chỉ trích này, là những sinh vật sinh ra để bị nhiếc móc: sự sành điệu vô nghĩa; người chồng bỏ đi không thể dùng máy rửa bát. Chúng ta giờ hiểu rằng, với giới tính của mình, chúng ta không còn được phép mong đợi chúng ta sẽ có quyền kiểm soát, dẫn dắt, chiến đấu, hay giải quyết vấn đề này trong sự im lặng cao quý, không được phép theo đuổi mục tiêu của chúng ta với sự chuyên tâm khiến chúng ta không còn thì giờ cho bạn bè hay gia đình. Những điều này giờ đã trở thành những mong ước đáng xấu hổ, và vì lý do tốt. Nhưng vậy thì bây giờ ta phải làm gì? Trái ngược với những tiến bộ của xã hội, khái niệm về sự thành công gần như không thay đổi. Khái niệm về sự thất bại cũng như vậy. Làm sao chúng ta có thể bỏ đi những thôi thúc nằm ngay từ trong gene của mình, trong những luật lệ văn hóa, thắt chặt bởi cả hai giới, mà nguồn gốc của nó bắt nguồn từ tận thế Canh Tân3?

Khi chúng tôi nói chuyện, tôi thú nhận với O’Connor về việc, khoảng 10 năm trước, tôi đã phải xin bác sĩ cho dùng thuốc chống trầm cảm vì tôi trở nên lo lắng về bản thân mình, nhưng chỉ nhận lại lời đáp là “Hãy đi đến quán rượu và tự tận hưởng đi.”

“Trời ơi!” O’Connor thốt lên, dụi mắt trong kinh ngạc. “Và chỉ mới mười năm trước thôi?”

“Đôi khi tôi có nghĩ rằng mình nên uống thuốc,” Tôi nói. “Chỉ là, thật tệ khi phải thú nhận điều này, tôi lo lắng về việc vợ tôi sẽ nghĩ gì.”

“Anh đã nói về chuyện này với cô ấy chưa?” Ông hỏi.

Trong một khoảnh khắc, tôi quá xấu hổ, tôi không thể trả lời.

“Chưa,” Tôi nói. “Và tôi vẫn nghĩ rằng mình là người rất thoải mái trong việc nói về những chuyện đó. Nhưng chỉ qua những gì chúng ta vừa trao đổi tôi mới nhận ra. Tuýp đàn ông bỏ đi điển hình.”

“Nhưng anh cũng thấy rằng đó không phải là đàn ông bỏ đi,” Ông nói. “Đây chính là vấn đề! Toàn bộ câu chuyện trở thành ‘đàn ông là đồ bỏ,’ phải không? Nhưng điều này quá ngớ ngẩn. Chúng ta không có cách nào có thể thay đổi đàn ông. Chúng ta có thể giúp họ tiến bộ hơn, đừng hiểu lầm ý tôi, nhưng xã hội cần phải đặt câu hỏi, ‘Làm sao chúng ta có thể cung cấp những dịch vụ tư vấn và trị liệu tâm lý dành cho đàn ông? Điều gì sẽ giúp đàn ông khi họ cảm thấy đau khổ?’”

O’Connor kể với tôi vào năm 2008, một người bạn (gái) thân của ông đã tự tử. “Điều đó ảnh hưởng đến tôi rất nhiều,” ông nói. “Tôi cứ mãi nghĩ rằng, “tại sao mình lại không nhận ra? Trời ơi, mình đã nghiên cứu về vấn đề này hàng năm trời.’ Tôi cảm thấy mình là một sự thất bại, tôi đã làm cô ấy và những người xung quanh cô ấy thất vọng.”

Tất cả những điều này, đối với tôi, nghe giống như chủ nghĩa cầu toàn xã hội điển hình. “Ồ, tôi chắc chắn là một kẻ cầu toàn xã hội,” ông nói. “Tôi rất nhạy cảm với những chỉ trích xã hội, dù tôi che giấu khá giỏi. Tôi muốn làm vừa lòng người khác nhiều quá mức. Tôi thực sự nhạy cảm với ý nghĩ rằng tôi đã để mọi người thất vọng.”

Một đặc điểm nguy hiểm nữa mà ông có là việc suy nghĩ tiêu cực, những ý nghĩ triền miên về các ý nghĩ. “Tôi là một kẻ suy nghĩ tiêu cực và một người cầu toàn xã hội, phải, không nghi ngờ gì cả,” ông nói. “Khi anh rời đi tôi sẽ dành cả tối nay, và cả khi tôi đi ngủ, để nghĩ rằng ‘Ôi Chúa ơi tôi không thể tin nổi tôi đã nói điều đó.’ Tôi sẽ tự-” ông dừng lại ngay. “Tôi sẽ tự vả vào mặt mình.”

Tôi hỏi liệu ông có nghĩ mình đã bao giờ ở bên bờ vực tự tử. Ông trả lời, “Tôi sẽ không bao giờ nói là chưa bao giờ. Tôi nghĩ mọi người đều từng có suy nghĩ đó thoáng qua ở một thời điểm nào đó. Ừm, không phải tất cả mọi người. Có bằng chứng cho thấy là rất nhiều người như vậy. Nhưng tôi chưa bao giờ bị trầm cảm hay thực sự muốn tự tử, ơn Chúa.”

Xã hội cần phải đặt câu hỏi, “Làm sao chúng ta có thể cung cấp những dịch vụ tư vấn và trị liệu tâm lý dành cho đàn ông? Điều gì sẽ giúp đàn ông khi họ cảm thấy đau khổ?”

§

Quay trở lại căn phòng lạnh giá ở trang trại tại vùng đầm lầy Norfolk, Drummond ngồi với những viên thuốc của mình và sự thôi thúc muốn uống hết tất cả chỗ thuốc đó. Thứ cứu anh là việc vô tình anh có một dự án cá nhân là làm tình nguyện viên cho tổ chức Samaritans. Một ngày, anh đến, và thay vì lắng nghe những bệnh nhân nói, anh nói về bản thân mình trong suốt hai tiếng đồng hồ. “Tôi biết từ kinh nghiệm cá nhân rằng rất nhiều người còn sống hôm nay là vì những việc họ làm,” anh nói.

Kể từ đó, Drummond đã tái hôn và những đứa con của anh cũng đã lớn. 30 năm đã qua kể từ khi cuộc hôn nhân đầu tiên của anh tan vỡ. Thậm chí ngay cả bây giờ, anh vẫn còn thấy đau đớn khi nói về nó. Và bởi vậy nên anh không nói về nó nữa. “Tôi cho là bạn phải chôn vùi chuyện đó đi, phải không?” anh nói. “Là một người đàn ông, bạn được kì vọng là sẽ tự giải quyết. Bạn không nói với ai về những thứ này. Bạn đơn giản là không.”


  1. Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh được tìm thấy chủ yếu trong đường tiêu hóa, tiểu cầu, và hệ thống thần kinh trung ương. Serotonin được cho là đóng góp vào cảm giác vui vẻ, hạnh phúc.

  2. Samaritans là một tổ chức từ thiện chuyên cung cấp những trợ giúp về tâm lý dành cho những người có những vấn đề tâm lý hoặc có ý định tự tử. Tổ chức hoạt động trong phạm vi nước Anh và Ireland, và chủ yếu tư vấn qua điện thoại. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về tổ chức tại đây.

  3. Thế Canh Tân – Pleistocence – là một kỷ nguyên địa chất kéo dài trong khoảng từ 2.558.000 đến 11.700 năm trước. Giai đoạn này được đánh dấu bởi những thời kỳ băng hà lặp đi lặp lại, và thời điểm cuối Thế Canh Tân cũng là thời kỳ băng hà cuối cùng. Kỷ nguyên này cũng chứng kiến sự tiến hóa của loài người để có đặc điểm giải phẫu như người hiện đại ngày này, và sự lan tỏa của con người đến các nơi khác nhau trên thế giới vào cuối kỷ nguyên.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Cơn khát dầu cọ, cơn sốt môi trường
Dầu cọ là loại nguyên liệu thần kì trong mọi sản phẩm từ bánh quy đến dầu gội đầu. Nhưng việc chúng ta phụ thuộc vào dầu cọ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Liệu đã quá muộn để phá vỡ thói quen này?
Mới nhất