Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Paul Bisceglio | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Minh Hoàng | Hiệu đính:  coda
04/05/2019

Nạn nhân đầu tiên là bọn cá vàng. Cứ lâu lâu lại có vài con biến mất khỏi cái hồ nhỏ bên ngoài văn phòng. Nhưng cá vàng thì giá khá rẻ, nên trong tòa nhà nơi đặt trụ sở của một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường giữa thành phố Colombo, Sri Lanka nhộn nhịp, chẳng ai quan tâm.

Rồi những con cá chép rồng bắt đầu biến mất. Bóng láng và thanh tao, mỗi chú cá chép Nhật Bản đó có giá khoảng 10.000 rupee Sri Lanka, hay 65 USD (xấp xỉ 1,5 triệu VND). Trong một phút nông nổi, chủ tòa nhà đã mua 10 con. Nhưng dần chỉ còn bảy con. Rồi còn lại mỗi ba con.

Hốt hoảng, chủ nhà đã lắp đặt bốn camera an ninh để rình bắt tên trộm. Cái hồ nằm ở cuối lối xe ra vào, bao quanh là những bức tường bê tông vững chắc, nên tên trộm hoặc phải có chìa khóa, hoặc phải có khả năng siêu nhân nhảy xuống từ những mái nhà ở gần đó mà không bị phát hiện. Chủ tòa nhà không tưởng tượng nổi loại người gì lại đi ăn trộm cá, nhưng ông rất muốn tìm câu trả lời.

Vài ngày sau khi những chiếc camera được lắp đặt, Anya Ratnayaka bị một loạt tin nhắn đầy dấu chấm cảm đánh thức. Ratnayaka là một nhà bảo tồn trẻ và đầy nhiệt huyết, lúc đó đang làm công việc giấy tờ cho tổ chức. Cô không mấy bận tâm tới vụ biến mất đầy bí hiểm của những con cá chép. Nhưng khi cô mở điện thoại và nhìn thấy tên trộm trên tấm ảnh lờ mờ từ camera an ninh, cô nhận ra cuộc sống của mình sắp thay đổi hoàn toàn.

Tên trộm là một con mèo. Một con mèo bự. Không phải một chú mèo nhà đang săn mồi hay một chú mèo hoang gầy giơ xương tìm kiếm thức ăn thừa. Con mèo ăn trộm trông giống một con báo phiên bản nhỏ, hoặc một con mèo nhà bị nghiện đấm bốc. Nó có đốm đen đầy thân, cặp tai nhỏ gọn, và đôi vai vạm vỡ. Ẩn náu dưới màn đêm, nó lần theo rìa tòa nhà, luồn xuống dưới mái hiên, và đáp xuống cái hồ. Trong bức ảnh, nó cúi mình bên mặt nước, chực đợi vồ lấy một bữa tối 65 đô cho mình.

Ratnayaka lập tức nhận ra sinh vật đó: một chú mèo cá1. Khác với gần như toàn bộ họ mèo, mèo cá thích nước vô cùng. Chúng sống ở các đầm lầy, đặc biệt ở những vùng nhiều cây lau sậy trải dài khắp châu Á, từ Ấn Độ đến Malaysia. Chúng lại còn biết bơi. Với đôi chân có màng một phần và chiếc đuôi ngắn như bánh lái, chúng bơi dọc theo những dòng nước nơi chúng sinh sống, phát ra những tiếng rúc rít cằn cựa tựa như tiếng vịt kêu. Chúng lặn giỏi như vận động viên Olympic, chỉ chực nhào xuống từ các bờ sông để vồ lấy những con mồi ngây thơ.

Một chú mèo cá đang bơi dưới nước. Nguồn ảnh: The Week

Ratnayaka là một trong số ít những chuyên gia về mèo cá trên thế giới. Trong khi nghiên cứu về những chú mèo sống ở các đầm lầy quanh vùng Colombo, cô đã vài lần nghe đồn về sự xuất hiện của chúng ngay trong thành phố. Nhưng chưa một ai từng thấy một con mèo cá nào tại thủ phủ xa xôi này – hay thậm chí là bất kì thành phố nào trên thế giới – cho đến mùa xuân năm 2015, khi tên trộm cá chép bị ghi hình lại ngay bên ngoài văn phòng của cô. Lúc này đây, trong điện thoại của mình, Ratnayaka cầm trên tay bằng chứng đầu tiên về việc có một điều gì đó đang thúc giục hoặc bắt buộc những sinh vật ẩn dật này vào tận trung tâm của một trong những khu đô thị phát triển nhanh nhất châu Á.

Kể từ đó, Ratnayaka đã thực hiện nghiên cứu đầu tiên về những chú mèo cá ở thành phố. Bằng cách định vị một số nhỏ những cá thể loài này ở Colombo, cô có thể theo dấu từng bước nhảy của chúng qua các mái nhà hay khi chúng luồn lách theo những ống thoát nước mưa. Trong khi Ratnayaka suy đoán xem những con mèo cá thích nghi với hoàn cảnh sống kỳ lạ ở thành phố bằng cách nào – và liệu chúng có làm vậy đủ nhanh để biến một thành phố, vốn đã và đang san ủi môi trường sống tự nhiên của chúng, thành một tổ ấm lâu dài hay không – cô đã tình cờ tìm ra một giả thuyết thú vị. Một số nhà khoa học cho rằng chỉ những con vật thông minh nhất của một loài mới có thể sống sót tại môi trường đô thị đầy nguy hiểm và luôn luôn biến đổi. Nếu đúng là như vậy, thì các thành phố có thể đang làm những cá thể động vật ở đây trở nên thông minh hơn đồng loại của chúng sống ở nơi thôn dã.

Một trong những câu hỏi thách thức nhất trong khoa học nhận thức: Trí thông minh là gì?

Đời sống thành thị có tác động như thế nào tới não bộ của loài mèo cá? Câu hỏi này là một trong những nhân tố sẽ định hình con đường nghiên cứu của những nhà nghiên cứu tiên phong bất đắc dĩ về đô thị như Ratnayaka. Nhưng để giải đáp vấn đề này, những nhà nghiên cứu động vật hoang dã sẽ phải đối mặt với một trong những câu hỏi thách thức nhất trong khoa học nhận thức: Trí thông minh là gì?

***

Colombo đang chứng kiến một tốc độ phát triển đáng kinh ngạc, ngay cả khi so với các khu vực khác ở Nam Á. Trải dài bên bờ biển Ấn Độ, thành phố này đã từng là một trung tâm thương mại quốc tế từ thời Con Đường Tơ Lụa còn tồn tại. Nhưng nền kinh tế hiện đại của Sri Lanka đã suy thoái nặng nề do cuộc nội chiến tàn khốc từ đầu những năm 1980 đến cuối những năm 2000. Sau đó, Colombo đã chạy nước rút để phục hồi nền kinh tế. Ngày càng có nhiều công ty và doanh nghiệp mới, cùng với làn sóng khách du lịch thèm khát khí hậu nhiệt đới, khu vực mang phong cách  phương Tây hiện đại phía Bắc thành phố đã chật cứng những tòa nhà chọc trời, những tiệm cà phê thời thượng, và những hộp đêm náo nhiệt. Trong khi đó, phần rìa đô thị kém tấp nập hơn đang dần lấn ra khu rừng rậm xung quanh.

Vào một buổi sáng nóng nực tháng Hai, Ratnayaka dẫn tôi đi tham quan khu vực trú ngụ của chú mèo tinh nghịch đã trộm cá từ công ty cũ của cô. Cô ấy đón tôi lên ghế sau một chiếc xe lam, và chúng tôi bấm còi inh ỏi suốt chặng đường lên khu phía Bắc qua dòng người chật ních. Những tượng Phật tỏa vầng hào quang lấp lánh đứng bên các ngã tư; không khí đậm mùi khói hương, mùi rác, và mùi xăng dầu.

Trên con đường ồn ã, Ratnayaka – một cô gái 29 tuổi với mái tóc nhuộm tím, người đã từng bảo quản phân mèo cá bằng những hộp Nutella trong tủ đông tại nhà – vui vẻ cho tôi biết về chỗ trú bí ẩn của tên trộm nhiều lông. Đó là một chú mèo đực nhỏ cô đặt tên là Mizuchi – tên của một con rồng sống dưới nước trong truyền thuyết Nhật Bản. Dữ liệu từ vòng cổ gắn GPS của Mizuchi cho biết nó không chỉ qua lại những vũng ao và kênh đào lân cận, mà còn ghé thăm cả bãi gửi xe tại một rạp chiếu phim, và ở giữa một vòng xoay xa lộ. Lãnh thổ rộng khoảng hai dặm vuông (khoảng 5 kilomet vuông) của chú mèo này chủ yếu là trên những con đường rải nhựa tấp nập xe qua lại.

Thành phố Colombo, Sri Lanka. Nguồn ảnh: Getty Images

Sau vài lối rẽ ngắn vào con đường rậm rạp cây cối, chúng tôi đột ngột dừng xe tại một con đường cụt vắng vẻ. Những cây cọ rung rinh phủ bóng lên các tòa nhà hắt nắng trên con phố, một số thậm chí có hồ và vườn cây. Một trong số những tòa nhà ấy là văn phòng cũ của Ratnayaka. Với ánh mắt lén lút, cô dẫn tôi quanh góc một ngôi nhà bỏ hoang. Chúng tôi đi qua một hàng những chiếc xe máy và luồn dưới một lan can, dừng chân tại một khung cửa nhỏ dẫn vào một căn phòng trống bụi bặm. Những vết đất chạy khắp bức tường dưới cửa sổ. Tôi mất một lúc để nhận ra chúng là những vết chân động vật. Ratnayaka nói rằng căn phòng xập xệ này chính là nơi ẩn náu ưa thích của Mizuchi.

Giữa Colombo náo nhiệt, những chú mèo của Ratnayaka đã dệt nên một mạng lưới những lối đi lén lút và các chỗ trốn bí mật ngay giữa thế giới con người mà chúng ta hầu như không hay biết. Ratnayaka nói rằng về đêm, Mizuchi lẩn lút dọc theo những bờ tường của khu phố và phi qua các bụi cây đến bờ một con kênh nhỏ gần đấy. Từ đó, nó có thể tung tăng tới rạp chiếu phim, rồi quay về nhà để bắt cá từ ao hồ trước khi trời sáng. “Dữ liệu từ vòng cổ cho thấy chú mèo này có một cuộc sống khá thoải mái,” Ratnayaka nói. “Nó biết mình đang làm gì. Nó định sẵn một lối đi và không bao giờ lệch khỏi con đường ấy.”

Ít nhất là cho đến hiện tại, chiến lược lén lút này có vẻ có hiệu quả. Ratnayaka đã xác định được 10 chú mèo cá khác ở Colombo. Một số — có thể là họ hàng của Mizuchi — lang thang khắp các con phố sầm uất. Một số khác trú tại những đầm lầy rải rác trong thành phố. Ở cả hai trường hợp, những chú mèo đều di chuyển rất tự tin trên các lối đi xác định, và Ratnayaka chắc chắn rằng có nhiều con đã được sinh ra ngay trong lòng đô thị này. Cô cho rằng điều này là nhờ ao của mình.

Kênh đào trong thành phố Colombo. Nguồn ảnh: Wikipedia

Dù vậy, phần lớn người dân Colombo chưa từng nhìn thấy một con mèo cá nào trong thành phố – đấy là nếu như họ biết mèo cá là gì. Lúc ở trên cầu, Ratnayaka và tôi đã hỏi hai người điều tiết giao thông về những con mèo, và họ chỉ có ý đuổi chúng tôi đi. “Không đời nào lại có mèo cá ở Colombo cả,” một người khẳng định.

Tối hôm đó, tôi mất 10 phút để cố gắng giải thích về mèo cá với người chủ AirBnB của mình, Chandana Pathirage. Mãi đến khi tôi tìm kiếm trên Google hình ảnh bằng điện thoại và nói rằng những con mèo ấy thỉnh thoảng vẫn vào ăn gà và mèo con của cư dân thì mắt anh ấy mới sáng lên. “Ồ, tôi có nghe nói về chúng!” Pathirage kể. “Mọi người nói chúng đến từ bên ngoài. Chúng hoạt động về đêm và giết mèo con, ăn sóc, chim non, chuột. Chúng bắt cá từ những cái ao.”

Anh kể rằng người dân gọi chúng là hora pusa – “mèo ăn trộm.”

***

Người ta dự đoán rằng vào năm 2030, những khu thành thị sẽ chiếm gần 10% diện tích đất trên Trái đất. Hơn nửa dân số thế giới hiện đang sống tại các khu đô thị cùng với một số lượng động vật chưa xác định – từ những con muỗi vo ve dưới đường tàu điện ngầm London lâu đến mức chúng đã trở nên khác biệt về di truyền, đến những chú báo săn chó hoang quanh các khu làng ở Mumbai. Colombo dẫn đầu xu thế toàn cầu này. Cây cối ở đây là nhà của những chú chim ác là và vẹt lộng lẫy, ồn ã như các máy chơi xèng. Những con thạch sùng bò khắp các bức tường, còn những con kỳ đà bụng bự luồn lách quanh các bụi cây. Một tối nọ, tôi nhìn thấy một con cá sấu dài cỡ một chiếc thuyền thản nhiên bơi trên mặt hồ.

Nhiều lúc động vật cư trú ở thành phố vì chúng không còn lựa chọn khác. Nhưng đôi khi chúng vui vẻ dọn tới khi thấy nguồn thức ăn tiện lợi và các lợi thế so với cuộc sống nơi hoang dã. Chẳng hạn, những chú chó sói đồng tại Chicago đã thoát khỏi nạn săn bắn và đặt bẫy bằng cách vào trong thành phố. “Thành phố thực ra là một nơi ẩn náu rất tốt cho chúng,” Stan Gehrt, một nhà sinh thái học chuyên về động vật hoang dã tại Đại học Bang Ohio với gần hai thập kỷ kinh nghiệm nghiên cứu những chú chó sói, nhận định. “Chúng tận dụng rất giỏi những ngóc ngách mà con người chẳng hề động đến.”

Một trong những câu hỏi lớn nhất xoay quanh sự thích nghi với môi trường thành thị là việc sống ở thành phố có tác động đến trí não của động vật không và như thế nào. Các nghiên cứu về động vật hoang dã tại thành thị đã chứng minh ảnh hưởng đáng kinh ngạc của cuộc sống đô thị lên hành vi của chúng. Những chú chó sói đồng của Gehrt không chỉ học được thời điểm an toàn nhất để qua đường, mà còn biết cách tránh những đoạn ùn tắc dựa trên tốc độ và lượng xe qua lại. Liệu những biến đổi về hành vi như vậy có phản ánh những thay đổi sâu sắc hơn trong cách suy nghĩ của động vật nơi thành thị? Và cả trong bản chất của chúng?

Đây là mối quan tâm của một số nhỏ các nhà sinh thái học hoang dã, những người đang đào sâu vào bí ẩn đằng sau trí thông minh của những động vật sống nơi thành thị. Ở một số khu đô thị, các nhà nghiên cứu đã thực hiện những bài kiểm tra đơn giản – thường là bằng những hộp chứa thức ăn khó mở – để so sánh khả năng xử lý tình huống của những sinh vật sống ở thành phố với họ hàng ở nơi hoang dã của chúng. Kết quả vô cùng ấn tượng: động vật thành thị các loại từ chồn ở Canada đến chim sẻ ức đỏ tại Barbados giải quyết vấn đề giỏi hơn những con vật sống trong tự nhiên. Dù đầu óc lanh lợi có tác dụng ở gần như tất cả các môi trường sống, các nhà khoa học cho rằng những môi trường xa lạ và đầy biến động như các khu đô thị đặc biệt yêu cầu nhiều loại khả năng nhận thức. Suy cho cùng thì có thể lý luận rằng các thành phố có lẽ đang bẻ cong sự tiến hóa đủ để khiến các loài động vật sống ở đó thông minh hơn – tất nhiên, đấy là nếu chúng sống sót được ở thành phố.

Chó ở thành phố. Nguồn ảnh: Wikimedia

Đây là một giả thuyết gây nhiều tranh cãi. Kể cả những nhà nghiên cứu ủng hộ điều này cũng phải dè chừng sự phức tạp của trí tuệ. Không ai cho rằng các điều kiện sống mới là tác nhân duy nhất khiến động vật thông minh hơn: mà còn cả cách động vật tương tác với nhau, và bản chất của môi trường xung quanh đều có thể tác động tới hành vi của từng con vật cũng như cách não bộ chúng thay đổi qua các thế hệ, bất kể chúng sống ở đâu.

Và trí tuệ thực sự là gì cơ chứ? Bất kỳ thử nghiệm nào cố gắng chứng minh rằng thành phố khiến động vật thông minh hơn cũng dẫn các nhà nghiên cứu vào một cuộc tranh biện đã rực lửa trong giới tâm lý học đến hơn một thế kỷ. Không có phương pháp nào được chấp nhận hoàn toàn để đo sự thông minh của một sinh vật. Trí thông minh của loài người là một vấn đề đa diện và khó nắm bắt, và gốc rễ của nó thì mông lung. Định nghĩa trí tuệ ở các loài khác thì còn khó khăn hơn rất nhiều.

“Một trong những thử thách lớn trong lĩnh vực của chúng tôi là làm sao để hỏi được những điều chúng tôi thắc mắc,” Sarah Benson-Amram, một nhà sinh thái học hành vi tại Đại học Wyoming nghiên cứu về trí thông minh ở chồn, cho biết. “Ta không có ngôn ngữ chung, ta không biết chính xác mỗi con vật cảm nhận thế giới như thế nào. Làm cách nào để đưa ra một bài kiểm tra trí tuệ công bằng nhất cho các loài động vật, hay thậm chí chỉ cho một loài cụ thể?”

Nhưng nghiên cứu động vật trong những môi trường sống mới có thể giúp các nhà khoa học tìm ra một định nghĩa liên loài về trí tuệ. Cùng với những đồng nghiệp trong lĩnh vực của mình, Benson-Amram đã hướng sự chú ý tới sự linh hoạt, một yếu tố từ lâu đã được coi là tiêu chí cần thiết cho sự thông minh. “Khi môi trường biến đổi, bạn có khả năng thay đổi hành vi phản ứng của bản thân, và bỏ đi những phản ứng cũ không còn có tác dụng nữa,” Benson-Amram nói. Cách định nghĩa trí thông minh này – còn được gọi là “tính đàn hồi hành vi” (behavioral plasticity) – đặc biệt khác so với thứ có thể được coi là trí thông minh cụ thể của một con vật. Một chú chim giẻ cùi bụi có khả năng giấu hàng ngàn hạt giống mà vẫn có thể nhớ được vị trí của từng hạt đương nhiên sở hữu một kiểu sắc bén, Benson-Amram nhận xét. Nhưng cô cho rằng động vật cần có một loạt các kỹ năng trí óc tổng thể và đa dạng – khả năng nhận thức, sự tháo vát, khả năng dự đoán, vân vân – để vượt qua những trở ngại xa lạ nơi thành thị.

Sự linh hoạt, từ lâu, đã được coi là một tiêu chí cần thiết cho sự thông minh

Liệu những chú mèo cá ở Colombo có linh hoạt hơn họ hàng của chúng ở bên ngoài thành phố là câu hỏi mà Ratnayaka đang cố gắng giải đáp bằng cách thu thập dữ liệu về thói quen ăn ngủ, lãnh thổ, và những hành vi khác của chúng. Tuy nhiên, nếu đúng là Colombo đang khiến cho loài mèo cá trở nên thông minh hơn, thì chúng có thể sẽ phải đối mặt với một tương lai u ám: những con vật có khả năng phát triển thành công ở thành phố cũng có thể là những con phải chết đầu tiên.

***

Chú mèo cá đầu tiên tôi thấy ở Sri Lanka đã đông cứng như một que kem. Tôi tình cờ gặp nó trong một buổi chiều muộn, khi tôi cuốc bộ tới khu vực đầm lầy ở ven thành phố và đi ngang qua một khu bảo tồn động vật hoang dã. Tò mò trước tấm biển chỉ lối đầy bùn đất và những chú khỉ nhảy nhót trên các cành cây, tôi men theo những hàng cây đến một khu đất trống với những chiếc lồng lớn chứa các con vật bị thương từ Colombo và khu vực xung quanh: một chú đại bàng què chân, một con lợn rừng ốm yếu, và một chú nhím bị băng bó. Một nhân viên trực trẻ tuổi tên Vibushana Bandara nói với tôi rằng mọi người không được đi vào khu bảo tồn, nhưng thay vì báo cảnh sát, cậu ấy đã vui vẻ dẫn tôi đi tham quan.

Sau khi chỉ cho tôi cách đưa những trái chuối nhỏ cho vài chú khỉ lá mặt tía – loài vật đang chạm ngưỡng tuyệt chủng do sự đô thị hóa nhanh chóng của Colombo – Bandara dẫn tôi tới một tủ đông công nghiệp bên ngoài một văn phòng ọp ẹp, mở nó ra và trước mắt tôi hiện ra một chồng những con vật đã chết đang được bảo quản để phục vụ nghiên cứu trong tương lai. Cậu ấy cho tay vào đống đá và lấy ra một chú mèo cá. Cứng như đá, chú mèo đốm ở trong tư thế co người lại với bốn chân chụm vào nhau. Lúc Bandara cầm một chân và nâng nó lên để gỡ một tấm vải bọc ra, cả người nó cứng ngắc trong không trung.

Con mèo cái nhỏ này đã bị xe cán ở ngoài thành phố cách đây không lâu. Bandara giải thích rằng khu điều trị phục hồi thu nhận một hoặc hai chú mèo cá mỗi tháng, và phần lớn đều đã chết. Thủ phạm thường là ô tô và xe máy. Bandara đặt chú mèo xuống đất trước mặt chúng tôi. Bàn chân và mũi của nó lốm đốm băng đá. Một chút máu đông lại bên mép, và một vết thương sâu trên đùi của nó đã chuyển xanh trong quá trình đông lạnh.

Một số nhà bảo tồn tại Colombo cho rằng cuộc nội chiến ở Sri Lanka thực ra đã bảo vệ những chú mèo cá sống gần thành phố. Mặc dù cuộc chiến đã gây tổn hại đáng kể đến động vật hoang dã ở miền Bắc đất nước, nơi các trận đánh nổ ra mạnh mẽ và liên tục, nhưng những cuộc đánh bom lẻ tẻ và các vụ bạo lực khác cũng đã cản trở sự mở rộng vùng đô thị và bảo tồn khu vực đầm lầy, nơi các sinh vật được sống yên ổn qua hàng thập kỷ. Nhưng với sự phát triển hiện giờ của Colombo, những con vật đang thích nghi dần với thành phố cũng sẽ phải đối mặt với nguy hiểm lớn nhất: con người.

Trong một nghiên cứu được xuất bản gần đây trên tạp chí Animal Behavior (tạm dịch: Hành vi Động vật), Benson-Amram và hai cộng sự đề xuất rằng hoàn cảnh này là đặc biệt khó khăn đối với những con vật có khả năng tận dụng các nguồn lợi và cơ hội của đời sống thành thị tốt nhất, dù đó là một nghịch lý. Đúng là thử thách không hồi kết để sống sót tại thành phố có thể phát triển những đặc điểm liên quan trực tiếp đến trí tuệ, chẳng hạn như sự sáng tạo, sức học hỏi, trí nhớ, và tính tò mò, các nhà nghiên cứu viết. Nhưng những đặc tính đó cũng có thể khiến cho một con gấu mèo xông vào thùng rác nhà bạn, một con báo sư tử đập vỡ cửa sổ và rơi đè lên bạn lúc bạn đang ngủ, hoặc một chú mèo cá vồ lấy một con mèo con dễ thương ngoài bậc thềm.

Các tình huống như vậy có hại cho chính những con vật thủ phạm không kém con người. Tại Sri Lanka, hơn 100 con mèo cá đã bị xe cán chết trong ba năm qua, nhưng đó còn chưa phải mối nguy hiểm lớn nhất. Tại các khu làng phía Bắc Colombo, người ta đổ nước sôi vào mắt những con mèo cá mắc bẫy trong lúc trộm gà. Khắp đất nước, chúng thường bị săn đuổi và giết vì bị nhầm với báo, loài vật mà người Sri Lanka hay ngưỡng mộ từ xa nhưng sợ hãi nếu ở khoảng cách gần để chúng vồ lấy. (Khác với báo, mèo cá chưa từng có vụ tấn công người nào.)

Ratnayaka cho rằng phần lớn những chú mèo cá ở Colombo phải sống trong sự thiết kế đặc biệt của thành phố: Colombo có một mạng lưới các kênh đào rộng mở, và Mizuchi cùng họ hàng đã biến chúng trở thành những đại lộ dành cho loài mèo.

Ratnayaka và tôi kết thúc chuyến tham quan trên một cây cầu cổ bắc qua một trong những con kênh đó. Chúng tôi đưa tay lên che mắt khỏi ánh nắng, phóng tầm nhìn ra mặt nước xanh ngắt, dõi theo một con thuyền chậm rãi lướt trên dòng kênh. Ở bên bờ, một lối mòn đầy cỏ đã bị khuất một phần bởi hoa và cây cối, và có thể dễ hình dung những chú mèo cá thong thả đi trên con đường ấy. Thực tế là chủ của một trung tâm dạy nhạc gần đó đã nhìn thấy một con mèo bắt trộm cá thãi. Sang đường đã đủ đáng sợ cho một người bình thường rồi, cô nói, “Mà bây giờ chúng còn phải đối mặt với những chú chó gác nhà. Và khi mọi người dùng thuốc diệt chuột và mèo đi ăn chuột, chúng có nguy cơ chết vì chất độc.”

Ratnayaka nghĩ rằng nếu được chọn, những chú mèo cá sẽ thà ở rừng rậm hơn thành phố. Kể cả khi chúng được lợi từ môi trường thành thị, những nguy hiểm của Colombo vẫn luôn vây quanh chúng. Hồi Ratnayaka mới gặp Mizuchi, cô đã liên tục thả cá vào cái hồ ở văn phòng để nó trở lại mỗi đêm và cô có thể quan sát thêm về hành vi của chúng. Cách mồi chài này cực kỳ hiệu quả – cho đến một tối Mizuchi không đến đó nữa. Không lâu sau, cô nhận được cuộc gọi từ sở kiểm soát động vật hoang dã của thành phố: có người đã tìm thấy một chú mèo cá giận dữ đang bị kẹt trong ống thoát nước. Dường như nó đã trở nên quá béo nên không luồn qua đó được nữa.

Bé bự.

***

Khi khoảng thời gian của tôi tại Sri Lanka sắp đến hồi kết, tôi bắt đầu lo ngại rằng mình đang phí thời gian theo đuổi khái niệm trí tuệ. Có quá nhiều điều bấp bênh, có quá nhiều các biến số liên tục thay đổi. Nếu chuyện những chú mèo cá cho tôi hiểu được một điều, thì đó chỉ có thể là: việc vơ đũa cả nắm tác động của đô thị hóa lên bộ não của động vật là quá chung chung và không có mấy ý nghĩa.

Nếu chuyện những chú mèo cá cho tôi hiểu được một điều, thì đó chỉ có thể là: việc vơ đũa cả nắm tác động của đô thị hóa lên bộ não của động vật là quá chung chung và không có mấy ý nghĩa.

Tôi cho rằng nếu được tận mắt thấy những chú mèo cá ở Sri Lanka – còn sống chứ không phải bị đông cứng –  sẽ mở mang đầu óc tôi khỏi lý thuyết suông. Thế là một buổi sáng, tôi đã quyết tâm ra khỏi giường để bắt chuyến tàu lúc 5 giờ sáng đến Anuradhapura, một thành phố cổ cách Colombo 125 dặm về phía bắc. Điểm đến của tôi là một căn cứ quân đội với một vườn thú nhỏ cho động vật khuyết tật.

Ratnayaka và các đồng nghiệp đã bảo tôi rằng vườn thú miễn phí và mở cho công chúng này là một sự quan tâm hiếm hoi tới việc bảo tồn tại Sri Lanka. Thế nhưng,  phần lớn động vật ở đó khá nhếch nhác và hoảng loạn. Khi tôi đến nơi, tôi được chào đón bởi một chú gà tây nóng nảy xù lông xù cánh vào mặt khách tham quan và một chú khỉ cứ chạy đi chạy lại trong một lồng đầy vịt. Có hai khu đất với hàng rào bao quanh được dành ra cho mèo cá, nhưng tôi không thấy một chú mèo nào cả. Cảm thấy lo ngại, tôi đi vòng qua một khu rào và nhìn qua tấm lưới rỉ sắt vào một cái hang tối om. Rồi tôi ngửi thấy hỗn hợp kỳ lạ gồm mùi dầu, hành tây, và xạ hương – mùi lãnh thổ của mèo cá. Giữa bóng tối của cái hang, một cặp mắt sáng màu nhạt lóe lên nhìn chằm chằm vào tôi.

Tôi được biết cô mèo này đang canh gác một ổ mèo con mới ba tuần tuổi. Chúng sẽ không chui ra vào ban ngày, thế là một người giữ sở thú vạm vỡ dẫn tôi đến khu rào thứ hai. Trước khi tôi kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, anh ấy đã mở khóa cửa, đi tới một cái chòi bằng gỗ, và cứ thế đập mạnh lên mái chòi. Một chú mèo cá khác phóng ra, rít lên điên loạn. Nó nhảy thoắt qua một cành cây thấp và men theo hàng rào, dò xét xem thứ gì đã hù dọa nó.

Hai mẹ con mèo cá. Nguồn ảnh: PBS

Đây là con vật tôi đã dành cả tuần do thám các đầm lầy, đường xá và ngõ hẻm để tìm. Chú mèo đực ấy mập mạp hơn con mèo cái đông cứng tôi thấy trước đây, một phần là nhờ được chăm sóc béo tốt tại sở thú. Lông của nó màu xám nhạt, và nó có một vết trầy da vẫn còn ửng đỏ phía dưới tai phải – khả năng cao là từ việc gãi không ngừng nghỉ. Chúng tôi giương mắt nhìn nhau, và nó nhe nanh đón chào tôi, dường như để khẳng định rằng nó không hào hứng như tôi chút nào.

Nhân viên sở thú bước ra ngoài và chỉ tới một cái cây trong khu rào. Tôi nhận ra có một chú mèo cá thứ ba đang lẩn trốn sau những cành cây. Cặp mắt của nó vẩn đục, có thể là đã bị mù sau một vụ dội nước sôi ở khu rừng gần đó.

Anh nhân viên rời khỏi khu rào và để tôi ở lại một mình với những chú mèo cáu kỉnh. Nếu chúng mang theo bất kì bí mật nào, đây là lúc tôi tìm ra câu trả lời. Tôi ngồi xuống bãi cỏ bên ngoài hàng rào, mở cuốn sổ, sẵn sàng ghi chép lại các hành vi thể hiện trí tuệ của chúng. Nhưng tiếc thay, chúng chỉ hành động như mèo (nhà). Con mèo mập mạp nằm xuống gần cái chòi gỗ, thận trọng để mắt đến tôi khi tôi dịch về phía nó. Nó sớm ngủ lịm đi, thỉnh thoảng ngóc dậy để liếm chân hoặc gặm vuốt của mình. Tai nó vểnh lên mỗi khi những chú chim sặc sỡ của sở thú bay qua.

Trong cái uể oải của tiết trời buổi chiều nóng nực, tôi suy tư về bí ẩn đằng sau nhận thức của động vật – ngay cả những con vật gần gũi nhất cũng nằm quá xa ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Nhưng có một vài nhà nghiên cứu động vật tin rằng họ có thể đong đếm được trí thông minh. Kay Holekamp, một nhà động vật học gạo cội ở trường Đại học Bang Michigan, là một trong số những nhà khoa học đã đề xuất cách đánh giá trí tuệ của động vật bằng các bài kiểm tra tính cách. Vì trí tuệ thường được định nghĩa bằng những đặc tính về hành vi – như sự gan dạ, tò mò, và kiên trì – Holekamp lý luận rằng các nhà nghiên cứu có thể kiểm tra tổng thể tất cả các đặc điểm liên quan đến trí thông minh, rồi dùng các thuật toán kết hợp chúng thành một con số duy nhất: g, kí hiệu cho trí tuệ nói chung (general intelligence).

Lấy nền tảng là các thí nghiệm với những chiếc hộp khó mở của đồng nghiệp, Holekamp bắt đầu thử nghiệm ý tưởng này bằng cách đưa ra sáu thử thách cho các quần thể linh cẩu sống ở khu hoang dã, thành thị, và ngoại ô tại Kenya. Thử thách bao gồm những chiếc thùng kim loại lớn chứa thức ăn với lối vào thay đổi, và những chiếc xô nhiều màu để kiểm tra khả năng nhận dạng mẫu (pattern recognition)2. Bằng cách đo kết quả của từng con linh cẩu, Holekamp đang thu thập số liệu cứng thể hiện con vật nào tiếp thu nhanh nhất, linh hoạt nhất với các môi trường mới, và kiểm soát bản thân tốt nhất. Đến cuối, bà muốn kiểm tra xem môi trường sống khác nhau của các con linh cẩu có tác động tới điểm “g” của chúng không.

Giống như nhiều thí nghiệm khác trong lĩnh vực trí tuệ động vật, tính hiệu quả của “phương pháp đo nghiệm tâm lý và phân tích yếu tố” này – cách gọi của Holekamp – chưa được kiểm chứng. Bà hình dung rằng trong tương lai, một chuỗi các thử nghiệm toàn diện có thể giúp các nhà khoa học tìm ra một cơ sở toán học để đo đạc trí thông minh của động vật, cả trong từng loài và giữa nhiều loài. Ý nghĩa thực sự của con số ấy sẽ gây nhiều tranh cãi – và thậm chí là sai về mặt đạo đức – không kém kết quả của các bài kiểm tra tính cách và trí thông minh cho con người. Hơn nữa, ai mà biết được những bài kiểm tra nào sẽ có thể áp dụng tương đương cho cả một con linh cẩu và một con chim ruồi chẳng hạn.

Tuy vật, Holekamp vẫn khẳng định rằng phương pháp của bà là cách hợp lý nhất để giải đáp các tác động của môi trường thành thị lên não bộ của động vật – và, căn bản hơn, để rút ngắn khoảng cách chưa thể vượt qua giữa con người và những loài vật xung quanh chúng ta.

Táo bạo hơn, Holekamp còn cho rằng: “Nếu chúng ta có thể hiểu được những tác nhân trong quá trình tiến hóa của trí tuệ ở động vật, không có lý gì mà chúng ta không thể kết hợp các yếu tố ấy vào môi trường của các sinh vật số (digital organisms) và phát triển trí tuệ theo cách đó.” Ý bà muốn nói đến trí tuệ nhân tạo: bà tin rằng việc tìm được cách các động vật trở nên thông minh hơn có thể giúp chúng ta tạo ra trí thông minh cho riêng mình.

***

Đối với Ratnayaka, bất kỳ nghiên cứu nào về trí tuệ động vật phải được sử dụng để bảo vệ chúng trong thực tế. Cô vô cùng bi quan về tương lai của loài mèo cá trong một thành phố không ngừng hiện đại hóa, cho dù chúng có thông minh lên hay không. “Nếu nhìn một cách ngắn hạn thì trông như thành phố đang giúp chúng,” cô nói. “Nhưng về lâu dài, nếu không được bảo vệ đúng cách, tôi không nghĩ loài mèo cá sẽ sống sót.”

Sau khi đã thu thập đầy đủ dữ liệu từ các vòng cổ định vị và những chiếc camera cảm ứng rải quanh Colombo, Ratnayaka sẽ so sánh những con vật bí ẩn ở thành phố với họ hàng của chúng ở rừng rậm dựa trên nghiên cứu của đồng nghiệp Ashan Thudugala. Hai nhà khoa học sẽ trao đổi ghi chép về hành vi của chúng và đánh giá xem Colombo đang thay đổi những chú mèo như thế nào, rồi sử dụng hiểu biết ấy để đề xuất các phương pháp bảo tồn khu đầm lầy của thành phố và làm cho khu thành thị chật cứng người trở nên thân thiện hơn với mèo cá và các loài động vật hoang dã khác. “Điều đó không có nghĩa là một đống các tòa nhà sẽ phải bị phá bỏ và mọi người sẽ bị nghiêm cấm không được vào khu đầm lầy,” Ratnayaka nói. “Chúng tôi đang đề cập tới những thứ rất đơn giản, chẳng hạn như trồng cây bên lề đường hoặc trên vỉa hè để chim có thể đến đậu.”

Jim Sanderson, một chuyên gia về loài mèo cỡ nhỏ và là thầy giáo của Ratnayaka, hình dung rằng vào một ngày không xa, ông sẽ thực hiện được một chiến dịch cộng đồng bảo vệ mèo cá ở Colombo với quy mô lớn như các hoạt động bảo tồn loài mèo Iriomote ở Nhật Bản. Là loài đặc hữu trên một hòn đảo hẻo lánh nhưng ngày một hiện đại hóa, loài mèo có nguy cơ tuyệt chủng này gần đây đã được bảo vệ bởi những nỗ lực của chính phủ như việc xây các hầm chui, dán ảnh những chú mèo lên xe buýt, và thậm chí là tỉa các bụi cây theo hình sinh vật hiếm ấy. “Hiện tại không có chiến dịch nào đề xuất rằng: Bây giờ chúng ta phải xây dựng một môi trường phù hợp với loài mèo cá,” Sanderson nói. “Cho tới giờ, tôi chỉ thấy những việc làm ngược lại: ‘Chúng ta cần xây cống rãnh,’ rồi các con mèo chỉ tận dụng những ống cống đấy. Nhưng nếu cố gắng một chút, chúng ta có thể tạo ra những môi trường lý tưởng cho cả động vật và con người.”

File:Warning sign for iriomote cat.jpg
“Chú ý mèo Iriomote nhảy ra.” Nguồn ảnh: Wikimedia

Vào ngày cuối cùng của tôi tại Colombo, Ratnayaka, Sanderson, Thudugala, và một vài tình nguyện viên tổ chức một buổi triển lãm về mèo cá cho công chúng. Nó là một sự kiện thú vị một cách kì lạ: diễu hành một vòng quanh hồ với vài điểm dừng chân học hỏi, và một chuỗi các bài giảng về loài mèo ở Sri Lanka. Những bài thuyết trình diễn ra trong một túp lều lớn giữa một công viên ở khu đầm lầy của thành phố, và những người tham gia – phần lớn là các thành viên thượng lưu và học thức cao trong cộng đồng bảo tồn thiên nhiên tuy nhỏ nhưng ngày một lớn mạnh của Colombo – ngồi giữa các lùm cây rải rác trên đảo nơi vài chú mèo cá sinh sống. Chẳng bất ngờ gì, chả con mèo nào xuất hiện cả. Chúng đã ở đó, nhưng tàng hình, ẩn núp đâu đấy trong những bụi cỏ cao vút và các cành cây lốm đốm hoa.

Khi mặt trời bắt đầu lặn, tôi dạo bước trên những con phố ở khu dân cư bên rìa công viên, băn khoăn không biết liệu mình có thể bắt gặp một con mèo đang tìm kiếm bữa tối sớm không. Tôi đi vào một ngõ cụt, và đột nhiên, tôi thấy một cử động và một sinh vật nhảy ra từ một bụi cây gần đó. Tim tôi ngừng một nhịp – nhưng không phải là mèo cá. Đó là một trong những chú kỳ đà quá đỗi quen thuộc của thành phố này. Kẹt giữa tôi và chiếc cổng đóng cuối ngõ, chú kỳ đà với bốn chân chĩa ra chạy tới chạy lui, bám lấy thành tường, rồi trượt thõng xuống. Tôi bước sang một bên để nó chạy lại vào bụi cây.

Có thể thước đo chính xác nhất cho trí thông minh của động vật lại là khả năng trốn tránh khỏi con người. Sáu tháng sau khi Ratnayaka bắt đầu theo dõi Mizuchi, vòng cổ định vị của nó bị hỏng, khả năng cao là do bị mắc lại trong ống cống hoặc bị nước vào. Chú mèo tiếp tục xuất hiện trên các camera trong khoảng một hay hai tháng, nhưng rồi biến mất hoàn toàn. Hai năm rồi Ratnayaka chưa gặp lại nó. Có thể nó đã chết. Nhưng Ratnayaka tin rằng nếu vậy thì chắc chắn phải có người tìm thấy xác của Mizuchi vì nó hay qua lại những chỗ đông đúc. Có thể nó đã chán cuộc sống thành thị, và đi theo các con kênh của Colombo để quay lại khu đầm lầy quê hương. Hoặc khả năng cao hơn là nó vẫn rong ruổi trên các con phố – nay đã là một tên trộm tinh ranh hơn xưa, lặn bắt cá chép và quác lên đầy chiến thắng trong màn đêm của thành phố.


  1. Mèo cá là một loài mèo hoang cỡ vừa, có bộ lông màu xám gio với nhiều đốm mờ nhỏ. Không giống các loài mèo rừng, mèo cá thường sống dọc các sông, suối, và đầm lầy để tìm kiếm thức ăn, chủ yếu là cá. Chúng phân bố nhiều ở Nam Á và Đông Nam Á, tuy nhiên quần thể loài này đã giảm sút nghiêm trọng trong một thập kỷ qua. Năm 2008, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã xếp mèo cá vào nhóm loài bị đe dọa do chỉ tập trung phân bố ở khu vực ngập nước, vốn đang ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa.

  2. Các nhà nghiên cứu sẽ cho phần thưởng vào các thùng này theo một “mẫu” nào đó, ví dụ, thùng màu xanh luôn có thức ăn để kiểm tra xem con vật có khả năng nhận ra điều này không.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Tình cờ nơi đâu?
Không dừng lại như một sự may mắn ngẫu nhiên, tình cờ còn là cội nguồn của những ý tưởng. Giờ đây, nó đang đối diện với mối đe dọa từ các phương tiện truyền thông thời hiện đại.
Mới nhất