a
§ Tác giả: Naomi Larsson | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Hà Nguyễn | Hiệu đính:  Aceae
24/01/2017
Vị trí, và ngay cả là sự tồn tại, của thành phố đã truyền cảm hứng cho những tác phẩm vĩ đại nhất của Homer, là đề tài gây tranh cãi trong suốt một thời gian dài. Vùng Hisarlik thuộc Thổ Nhĩ Kỳ là ứng viên thích hợp nhất – và việc khám phá ra nó cũng là một câu chuyện hào hùng.

Tại bờ biển tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ, trên một đỉnh đồi nhìn ra hướng eo biển Dardanelles1, lưu giữ di tích của một thành phố xóa mờ ranh giới thần thoại và lịch sử mà không hề giống với bất kỳ nơi nào khác.

Theo thần thoại, thành Troy đã truyền cảm hứng cho nhà sử thi Hy Lạp Homer sáng tác nên hai thiên anh hùng ca (có lẽ) vào thế kỷ VIII trước công nguyên (TCN): Iliad – viết vào năm cuối cùng của cuộc vây hãm thành Troy kéo dài cả thập kỉ bởi liên minh các bang Hy Lạp – và “phần sau” của nó, Odyssey.

Trên thực tế, người ta đồn rằng thành phố này đã chứng kiến trận chiến vĩ đại nhất trong lịch sử Hy Lạp. Trong tác phẩm History of the Peloponnesian War (tạm dịch: Ghi chép về lịch sử chiến tranh Peloponnese2) của sử gia thế kỷ V TCN Thucydides, cuộc chiến thành Troy đã được mô tả là “đáng chú ý hơn tất thảy các cuộc chiến trước đó.”

Tuy nhiên vị trí chính xác – và cả liệu nó có tồn tại thật sự hay không – của thành Troy là đề tài gây tranh cãi suốt một thời gian dài. Được cho rằng đã bị phá hủy sau một trận chiến xảy ra vào khoảng năm 1200 TCN, thành phố này sau đó đã được tái định cư bởi người Hy Lạp và La Mã và lấy tên mới là Ilios/Ilium. Đến năm 500 TCN thì nó đã lụi tàn  và biến mất cho đến thời điểm hai trăm năm trước.

Bây giờ vị trí của Troy được nhiều người tin rằng nằm ở vùng Hisarlik, Thổ Nhĩ Kỳ, cơ bản là nằm gọn trên một mô đất cao khoảng 30 mét, với các mảnh vỡ của bức tường đá và các kiến trúc rải rác đơn độc trên bãi cỏ xung quanh. Trong khu vực đồi cỏ này có thể cất giấu 4.000 năm lịch sử thành Troy.

Tuy nhiên vị trí chính xác – và cả liệu nó có tồn tại thật sự hay không – của thành Troy là đề tài gây tranh cãi suốt một thời gian dài.

Thực chất, có khả năng là không chỉ có một thành phố ở đây, mà ít nhất là 10. Vùng Hisarlik chứa hết tầng cư trú cổ đại này đến tầng khác, từ lớp đầu tiên có niên đại từ khoảng năm 3.000 TCN đến lớp cuối cùng vào khoảng năm 500 TCN. Giờ đây người ta tin rằng tầng kiến trúc thứ sáu và thứ bảy (các thành phố thuộc Thời đại đồ đồng muộn (late Bronze Age) được gọi là thành Troy VI và Troy VIIa) có thể là cố đô của vua Priam3, như được mô tả trong Iliad.

Hisarlik, Troy (2).jpg
Di tích khảo cổ thành Troy ở Hisarlik, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Nguồn: Wikimedia.

Theo đồn đại, câu chuyện thời hiện đại về thành Troy bắt đầu từ giấc mơ của một cậu bé con. Cậu mê mẩn câu chuyện thần thoại đến mức, sau khi nhìn thấy một bức hình minh họa trong một quyển sách được cha tặng, cậu bé lên đường truy tìm thành phố.

Cậu bé bảy tuổi đó chính là Henrich Schliemann, một doanh nhân người Đức sống ở thế kỷ 19 đã chuyển sang ngành khảo cổ học, người đầu tiên khai quật một cách cặn kẽ vùng Hisarlik. Như nhà khảo cổ học và sử học Eric Cline đã viết trong bản giới thiệu vắn tắt về cuộc chiến thành Troy, ông “nằm trong số những con người may mắn nhất đã từng cắm xẻng xuống lòng đất.”

Cách mà nhà khảo cổ học tay ngang Schliemann đã xoay xở tìm thấy được thành Troy và khởi xướng lĩnh vực nghiên cứu về Aegean thời tiền sử4vô cùng kinh ngạc. Tuy nhiên, ông có khuynh hướng bóp méo các ghi chép về quá trình khai quật của bản thân; điều này cũng dẫn đến câu hỏi giấc mơ thời bé kia liệu có thực.

Vào tháng 4 năm 1870, Schliemann bắt tay vào khai quật vùng Hisarlik. Không lâu sau ông khẳng định đã tìm ra “thành phố bị cháy” Troy trong tác phẩm của Homer, và cả kho báu của vua Priam trong thành – một vài trong số đó được ông mang tặng vợ mình. Tuy nhiên, trong quá trình đó, Cline nói rằng “ông đã vứt đi chính cái mà ông đi tìm.”

Ông đã đào sâu – và loại bỏ – hết tầng này đến tầng khác của thành Troy thời Đồ đồng (1700-1200 TCN), đến khi ông chạm đến nơi mà hiện nay ta biết đến với cái tên Troy II: một thành phố lâu đời hơn thành Troy của Iliad đến 1.000 năm.

Plan Troy-Hisarlik-en.svg
Bản đồ các tầng khảo cổ tìm thấy tại Hisarlik. Nguồn: Wikimedia.

Nhà khảo cổ học Cline nói rằng “nếu bạn nhìn vào các bản đồ khai quật, có một chỗ trống ở giữa ghi là “Cung điện bị xóa bỏ bởi Schliemann.” Ông ấy đã tìm thấy cung điện của vua Priam và rồi vứt bỏ nó. Ông đã tìm thấy Troy nhưng cũng đã phá hủy Troy.”

Một thành phố thời đồ đồng thịnh vượng

Thành Troy bắt nguồn từ một khu dân cư đơn giản vào khoảng năm 3.000 TCN, phát triển hưng thịnh nhờ vào thương mại, nông nghiệp và đánh bắt thủy sản. Công cuộc khai quật đã phát hiện ra có chín giai đoạn xây dựng lớn trước khi thành phố bị sụp đổ, vào khoảng năm 1180 TCN.

Tuy nhiên, vì không hề có bất kỳ ghi chép nào ở thời đó mô tả thành Troy, và bởi vì Schliemann đã phá hủy những tàn tích còn sót lại mà có thể là cố đô của vua Priam, chúng ta thực sự biết rất ít về nó.

Tính xác thực lịch sử của Cuộc chiến thành Troy và sự suy tàn của nó do bàn tay người Hy Lạp (cốt truyện trong Iliad) vẫn là những dấu chấm hỏi cho tới khi có công trình đột phá của nhà khảo cổ học Manfred Korfmann vào thập niên 90. Cho đến lúc đó, các cuộc khai quật Hisarlik chỉ tiết lộ một thị trấn nhỏ bé, nhưng Korfmann và đồng đội đã khám phá ra một thành phố nằm bên dưới rộng khoảng 75 mẫu Anh (khoảng hơn 30ha): rộng gấp 15 lần so với suy nghĩ trước đó.

Những phát hiện này đã gợi ý rằng thành Troy “theo tiêu chuẩn của khu vực này tại thời điểm đó, thì thực sự rất rộng lớn và chắc chắn là có tầm ảnh hưởng quan trọng trong khu vực,” Korfmann đã viết như thế trong tạp chí Archaeology vào năm 2004. “Pháo đài của nó toàn khu vực đó không đâu sánh kịp, và theo như bây giờ ta biết, là bậc nhất tại vùng đông nam châu Âu.”

“Đối với tôi thì đó chính là yếu tố nhận dạng quyết định” theo Cline, người cho rằng thành Troy mà Homer miêu tả có thể là một phép lai giữa Troy VI và Troy VIIa. Tầng cấu trúc thứ sáu được cho là bị phá hủy bởi một trận động đất hơn là do bàn tay người Hy Lạp – mặc dù có một lý thuyết khá viển vông cho rằng con ngựa thành Troy huyền thoại có thể là phép tượng trưng cho Poseidon, vị thần có con vật biểu trưng là ngựa. Còn có tên là “vị thần làm rung chuyển Trái đất,” Poseidon có thể đại diện cho thiên tai đã phá hủy thành phố.

Sự sụp đổ của thành Troy chỉ là một phần trong bức tranh lớn hơn về sự sụp đổ của toàn bộ Thời kì đồ đồng.

Mặc khác, Troy VIIa – một thành phố ít hoành tráng hơn thành Troy được Homer mô tả – gần như chắc chắn đã bị phá hủy bởi một trận đại chiến, vì các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những đầu mũi tên trong phần còn lại của pháo đài. Vậy đây có phải là bằng chứng về trận chiến thành Troy?

Không ai chắc chắn về điều đó. Cline cho rằng, với cả một khu vực đầy biến động tại thời điểm ấy, việc chỉ xảy ra một trận đại chiến giữa đội quân phía đông và phía tây là không thể. “Sự sụp đổ của thành Troy chỉ là một phần trong bức tranh lớn hơn về sự sụp đổ của toàn bộ Thời kì đồ đồng,” ông nói. “Hết thảy các đại quốc trong thế giới cổ đại đều lụi tàn.”

Nhưng, với một chút ít sáng tạo, chúng ta có thể diễn giải tác phẩm của Homer để đặt cung điện của vua Priam tại một nơi ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà thơ vĩ đại này viết rằng Troy dốc đứng và lộng gió, những miêu tả này nhiều phần giống với Hisarlik. Ông mô tả nó “có nền móng vững chắc,” với “cổng cao đồ sộ,” với “các con đường rộng thênh thang” (đường phố) và một “pháo đài bất bại.” Ông vẽ nên hình ảnh về một thành phố rộng lớn được điều hành bởi giai cấp quý tộc quyền lực, được bảo vệ bởi tường thành tráng lệ; một thành phố thuộc Thời kì đồ đồng thịnh vượng với khoảng 4.000 đến 10000 dân cư sinh sống.

Những bức tường thành này đã chứng kiến những mất mát to lớn nhất của thành Troy trong Iliad. Trong quyển 22, có một phân đoạn đau lòng miêu tả người vợ của Hector chứng kiến cảnh thi thể của người anh hùng bại trận này bị Achilles kéo lê trước thành. “Đàn ngựa phi nước đại kéo theo thi thể của anh chạy ngẫu nhiên hướng về phía những con tàu rỗng không của người Achaian. Bóng tối của màn đêm bao trùm đôi mắt của nàng Andromache.”

Những bức tường đóng vai trò quan trọng đến vậy trong cuộc chiến thành Troy của Iliad cũng có thể thẩy ở Hisarlik: nhiều phần của bức tường bên dưới, đến ngày nay vẫn còn quan sát được, rộng 4-5m và cao 8m. Những bức tường này có nhiều tháp và cổng dẫn thẳng đến trung tâm thành phố.

Pháo đài, nơi ở của giai cấp cầm quyền, là khu vực có mật độ dân cao, với các tòa nhà đồ sộ cùng những ngôi nhà hai tầng có các phòng lớn. Bởi vì việc quy hoạch thành phố không xảy ra cho đến giai đoạn cổ điển của Thời kì đồ sắt, theo như nhà khảo cổ học Joritt Kelder của Viện nghiên cứu Đông phương thuộc Đại học Oxford, “đến lúc này thì sự phân chia thực sự duy nhất là giữa kẻ có quyền và kẻ không có quyền. Quyền lực rõ ràng là tập trung ở pháo đài, nơi có nhà vua và họ hàng, bạn bè thân thích của ngài.”

Một thành phố đa văn hóa

Không còn nghi ngờ gì về việc Troy là thành phố mang tầm chiến lược trọng yếu xuyên suốt Thời kì đồ đồng. Nằm tại vị trí canh gác Dardanelles nên nó chính là cánh cổng đến Biển Đen, và nắm giữ một tuyến đường giao thương quan trọng.

Bị kẹp giữa lãnh thổ Mycenae5 ở phía tây và đế quốc Hittites ở phía đông, Troy là nơi giao nhau của hai nền văn hóa đối nghịch. Và dường như Troy đã phát triển trở thành một thành phố đa văn hóa: các nhà khảo cổ học đã tìm ra bằng chứng về ảnh hưởng của nền văn hóa ngoại bang, ví dụ như thợ làm gốm địa phương tạo nên các loại bình gốm Mycenae mang đặc điểm riêng của thành Troy. Cùng có bằng chứng về giao thương với người Anatolia (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) cùng các nền văn minh Thời kì đồ đồng tại Hy Lạp. Xét trong thời kỳ đó thì Troy là một thành phố vô cùng quốc tế.

Lions-Gate-Mycenae.jpg
The Lion Gate (Cổng sư tử), một kiến trúc tìm thấy tại Mycenae. Nguồn: Wikimedia.

Kelder nói rằng “Nó khá giống với London, một thủ đô với khá nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài, kết quả của thương mại và di cư. Tôi không hề nghi ngờ việc người ngoại quốc cũng cư trú tại Troy vào thế kỷ XIV – XIII TCN.”

Troy không chỉ tiếp thu các nền văn hóa khác nhau, mà Troy và câu chuyện thần thoại đằng sau nó còn có tác động quy mô toàn cầu. Ông vua Xerxes xứ Ba Tư, trong một chuyến du hành băng qua Hy Lạp, được cho là đã làm lễ dâng kính nữ thần Athena tại Troy. Một trăm năm mươi năm sau, Alexander Đại đế, người sau đó đã chinh phục xứ Ba Tư, dừng chân tại Troy trên chuyến hành trình của ông, và theo đồn đại là đã lấy đi tấm khiên của Achilles tại đền Athena. Ông cũng mang cả một quyển Iliad trong các cuộc viễn chinh của mình.

Bị kẹp giữa lãnh thổ Mycenae ở phía tây và đế quốc Hittites ở phía đông, Troy là nơi giao nhau của hai nền văn hóa đối nghịch.

Thậm chí người La Mã cũng khẳng định họ chính là hậu duệ của người dân thành Troy. Trong tác phẩm Aeneid, nhà thơ người La Mã Virgil kể lại câu chuyện về người anh hùng thành Troy Aeneas, người đã thoát khỏi cuộc chiến, đi đến vùng đất Italy và trở thành một trong những người sáng lập nên đế quốc La Mã. (Tác phẩm Aeneid được cho là sáng tác tuyên truyền cho hoàng đế Augustus6, gắn hình ảnh vị vua này với vị anh hùng thành Troy.)

Thành Troy vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho văn hóa Tây phương – từ Troilus and Cressida của Shakespeare đến bộ phim bom tấn Hollywood năm 2004 về Iliad của Wolfgang Petersen do Brad Pitt thủ vai. Đây là thành phố mà hình ảnh tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng của nó cùng với đặc tính chính trị, và lời nhắc nhở đầy đau thương về đạo đức loài người, đã chạm đến trái tim mọi người xuyên suốt hàng thế kỷ.

Như nhà thơ trào phúng người Hy Lạp Euenus đã viết, có thể thành phố đã mất rồi và thậm chí việc liệu nó có tồn tại thật sự hay không vẫn còn gây tranh luận, nhưng “trong Homer tôi (Troy) vẫn sống, được bảo vệ bởi những cánh cổng đúc đồng. Những ngọn giáo phá hủy của người Hy Lạp sẽ không đâm vào tôi lần nữa, nhưng tôi vẫn hiện hữu trên đôi môi cư dân Hy Lạp.”


  1. Eo biển Dardanelles: một trong số các eo biển ở Thổ Nhĩ Kỳ. Eo biển này nối biển Aegea với biển Marmara.

  2. Chiến tranh Peloponnesus (431 – 404 TCN) là một cuộc chiến giữa các thành bang Hy Lạp cổ đại. Liên bang Peloponnesus được lãnh đạo bởi thành bang Sparta đã đánh bại liên minh Delos do Athens dẫn đầu. Cuộc chiến phần nào giúp định hình lại thế giới Hy Lạp cổ đại.

  3. Vua Priam ( /ˈpraɪ.əm/; Hy Lạp: Πρίαμος Príamos, phát âm [prí.amos]): một nhân vật trong Thần thoại Hy Lạp. Ông là vua của thành Troy và là cha của vị anh hùng vĩ đại Hector.

  4. Aegean là một vùng biển ở Địa Trung Hải, bao quanh bởi bờ biển Hy Lạp và bán đảo Tiểu Á mà ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kì. Lĩnh vực nghiên cứu về Aegean thời tiền sử (Aegean prehistory) tập trung vào nghiên cứu khảo cổ và quá trình hình thành, phát triển văn minh nhân loại ở vùng biển này.

  5. Mycenae là một địa điểm khảo cổ ở Hy Lạp, nằm cách thủ đô Athens 90km về hướng tây nam. Vào thiên niên kỷ thứ hai TCN, Mycenae là một trong những trung tâm chính trong nền văn minh Hy Lạp, và cũng là nơi tập trung quân đội lớn, chiếm lĩnh gần như toàn bộ miền nam đất nước này. Vào thời kỳ rực rỡ nhất của nó, pháo đài và những thị trấn ở nơi này có dân số vào khoảng 30.000 người, bao phủ một khu vực rộng khoảng 32ha.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất