a
§ Tác giả: Katharine Viner | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Phúc Trần | Hiệu đính:  Za
02/06/2018
Các phương tiện truyền thông xã hội đã thôn tính tin tức – đe dọa việc gây quỹ cho các hoạt động báo chí phục vụ lợi ích công và mở ra một thời đại mà ở đó mỗi người đều có các phiên bản sự thật của riêng mình. Tuy nhiên, hệ quả của việc này còn vượt xa khỏi giới hạn của ngành báo chí.

Vào buổi sáng thứ Hai tháng Chín vừa qua, nước Anh thức dậy với một bản tin đồi trụy. Ngài thủ tướng, David Cameron, đã thực hiện một “hành động tục tĩu với cái đầu lợn chết,” theo như tờ Daily Mail đưa tin. Bài báo viết: “Một người học cùng khóa ở Oxford tuyên bố rằng ông Cameron từng tham dự một nghi thức kết nạp kỳ quái trong một sự kiện của Piers Gaveston, liên quan đến một con lợn chết.” Piers Gaveston là tên một câu lạc bộ có tiếng là phóng đãng ở Oxford; các tác giả của câu chuyện tuyên bố rằng nguồn tin của họ là một nghị sĩ, và ông ta nói rằng mình đã nhìn thấy bằng chứng bằng hình ảnh: “Lời ám chỉ khác thường của ông ấy là ngài Thủ tướng tương lai đã nhét một bộ phận nhạy cảm của mình vào con vật đó.”

Câu chuyện này, được trích từ một quyển tiểu sử mới của ông Cameron, ngay lập tức gây xôn xao dư luận. Nó thật kinh tởm, nó là một cơ hội tuyệt vời để làm bẽ mặt vị thủ tướng thuộc giới tinh hoa, và nhiều người cảm thấy nó nghe có vẻ đúng với một cựu thành viên của Câu lạc bộ Bullingdon1. Chỉ trong vài phút, #Piggate và #Hameron trở thành xu hướng trên Twitter, và ngay cả các chính trị gia cấp cao cũng tham gia vào trò vui: Nicola Sturgeon nói các luận điệu cáo buộc đã “mua vui cho cả nước,” trong khi Paddy Ashdown đùa rằng ông Cameron đã “hốc mõm vào các dòng tít.” Đầu tiên, BBC từ chối đề cập đến những lời cáo buộc, và Số 10 Phố Downing2 tuyên bố họ sẽ không “đề cao” câu chuyện bằng cách phản ứng với nó – nhưng họ sớm bị buộc phải đưa ra tuyên bố phủ nhận. Và thế là một người đàn ông quyền lực bị ô danh vì tình dục, theo cách chẳng hề liên quan đến sự nghiệp chính trị đầy chia rẽ của mình, và theo cách mà ông chẳng thể nào phản ứng. Nhưng ai mà quan tâm chứ? Ông ta có thể chịu đựng nó.

Và rồi, sau một ngày của những cuộc vui trên mạng, có một thứ gây kinh động đã xảy ra. Isabel Oakeshott, nhà báo của tờ Daily Mail, là đồng tác giả của quyển tiểu sử cùng Ngài Ashcroft, một tỷ phú, đã lên truyền hình và thừa nhận rằng cô không biết liệu cái thông tin sốt dẻo gây xôn xao dư luận của mình có thật hay không. Dưới áp lực phải cung cấp bằng chứng cho thông tin nhạy cảm đó, Oakeshott đã thừa nhận là mình không hề có.

“Chúng tôi đã không thể truy tận gốc những lời cáo buộc của nguồn tin,” cô nói. “Vì thế chúng tôi chỉ tường thuật dựa trên những gì nguồn tin đó cung cấp… Chúng tôi không nói liệu chúng tôi có tin tưởng vào độ chính xác của nó hay không.” Nói cách khác, không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy thủ tướng của nước Anh đã “nhét một bộ phận nhạy cảm của mình” vào miệng của một con lợn chết – một câu chuyện được đăng trên hàng tá những tờ báo và lặp lại trong hàng triệu dòng tweets cùng các cập nhật facebook, câu chuyện mà nhiều người có lẽ vẫn còn tin đến tận bây giờ.

Oakeshott còn đi xa hơn khi tự bào chữa cho mình khỏi bất cứ trách nhiệm nghề báo nào: “Quyết định tin hay không là tùy thuộc vào mọi người,” cô kết luận. Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên một tuyên bố kỳ quái như thế được đưa ra dựa trên cơ sở những bằng chứng yếu ớt, nhưng lời bào chữa này trơ trẽn đến bất thường. Có vẻ như các nhà báo đã không còn bị yêu cầu phải tin vào câu chuyện của chính họ, và có vẻ như họ cũng không cần cung cấp bất kỳ bằng chứng nào. Thay vào đó, người đọc – những người thậm chí còn không biết danh tính của nguồn tin sẽ phải chịu trách nhiệm tự quyết định. Nhưng dựa vào cái gì? Bản năng, trực giác, hay tâm trạng?

Vậy sự thật có còn quan trọng nữa không?

Chín tháng sau khi thức dậy và cười khúc khích vì vụ ân ái giả tưởng với lợn của ông Cameron, nước Anh lại ra khỏi giường vào buổi sáng ngày 24 tháng Sáu để chứng kiến một cảnh tượng rất thật với ngài thủ tướng đứng phía ngoài văn phòng Phố Downing lúc 8 giờ, để tuyên bố từ chức.

Ông Cameron phát biểu: “Người dân nước Anh đã bỏ phiếu rời khỏi Liên minh Châu Âu và ý chí của họ phải được tôn trọng. Đây không phải là một quyết định khinh suất, một phần quan trọng là vì có quá nhiều thứ đã được nói bởi quá nhiều những tổ chức khác nhau về tầm vóc của quyết định này. Vì thế không thể có bất cứ hoài nghi nào về kết quả.”

Nhưng hóa ra là hầu như mọi thứ vẫn còn trong vòng hoài nghi. Vào cuối một chiến dịch vận động đã thống trị tin tức suốt nhiều tháng, mọi thứ đột ngột trở nên rõ ràng rằng bên thắng cuộc đã không hề có kế hoạch gì về việc Vương quốc Anh sẽ rời khỏi EU khi nào và như thế nào – trong lúc các luận điểm dối trá đã đưa chiến dịch bỏ EU đến chiến thắng đột nhiên đổ sụp. Vào lúc 6 giờ 31 phút sáng ngày thứ Sáu 24 tháng Sáu, chỉ hơn một giờ sau khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về EU trở nên rõ ràng, nhà lãnh đạo của Ukip3 là Nigel Farage đã thừa nhận rằng một nước Anh hậu Brexit trên thực tế sẽ không có thêm 350 triệu bảng một tuần để chi cho Hệ thống Y tế Quốc gia (National Health System – NHS) – một luận điểm quan trọng của phe ủng hộ Brexit, được in cả trên xe buýt của chiến dịch Bỏ phiếu Ra đi (Vote Leave). Vài giờ sau, nghị sĩ nghị viện Châu Âu thuộc Đảng Bảo Thủ Daniel Hannan phát biểu rằng tình trạng nhập cư sẽ không giảm xuống – một luận điểm quan trọng khác.

Một luận điểm quan trọng của phe ủng hộ Brexit, được in cả trên xe buýt của chiến dịch Bỏ phiếu Ra đi (Vote Leave). Nguồn: Stefan Rousseau.

Đây chắc hẳn không phải lần đầu tiên các chính trị gia không thực hiện được những gì họ hứa hẹn, nhưng có thể đây là lần đầu tiên họ thừa nhận ngay trong buổi sáng sau chiến thắng rằng những lời hứa đó đã sai ngay từ đầu. Đây là cuộc bầu cử quan trọng đầu tiên trong kỷ nguyên của nền chính trị hậu-sự thật: những người ủng hộ đến bơ phờ của chiến dịch vận động ở lại với EU đã cố gắng dùng thực tế để chống lại các ảo tưởng, nhưng họ nhanh chóng nhận ra rằng đồng tiền của thực tế đã bị mất giá kinh khủng.

Những dữ kiện thực tế gây lo lắng và sự trăn trở từ các chuyên gia của phe ủng hộ ở lại bị gạt bỏ và gán cho cái tên “Dự án Sợ hãi” (Project Fear) – và nhanh chóng bị vô hiệu hóa bởi những “thực tế” đối lập: nếu 99% các chuyên gia cho rằng nền kinh tế sẽ sụp đổ và một người không đồng ý, BBC sẽ nói với chúng ta là mỗi bên có quan điểm khác nhau về tình hình. (Đây là một sai lầm tai hại dẫn đến việc che mờ sự thật, và nhắc nhở về cách một số người báo cáo về biến đổi khí hậu.) Michael Gove đã tuyên bố trên Sky News rằng: “Người dân của đất nước này đã có quá đủ chuyên gia rồi.Ông ta cũng so sánh 10 nhà kinh tế đoạt giải Nobel đã kí vào bức thư phản đối Brexit với các nhà khoa học Quốc xã trung thành với Hitler.

Trong nhiều tháng, giới báo chí hoài nghi châu Âu đã loan báo đủ thứ tuyên bố mơ hồ và xem thường mọi cảnh báo của các chuyên gia, lấp đầy trang nhất với những dòng tít tạp nham về chống nhập cư – phần nhiều trong số chúng sau đó đã được đính chính một cách lặng lẽ bằng cỡ chữ rất nhỏ. Một tuần trước cuộc bầu cử – trong cùng cái ngày mà Nigel Farege tung ra tấm áp phích gây khích động “Breaking Point,” và nghị sĩ Đảng Lao Động Jo Cox, người đã vận động không mệt mỏi cho người nhập cư, bị ám sát – trang bìa của tờ Daily Mail trưng ra một tấm hình về những người nhập cư ở bên trong một chiếc xe tải đang đi vào châu Âu, với dòng tít “Chúng tôi đến từ châu Âu – cho chúng tôi vào!” Ngày hôm sau, tờ Daily Mail và tờ The Sun (cũng đăng tải tin tức này) đã bị buộc phải thừa nhận những người đi lậu đó đến từ Iraq và Kuwait.

Thái độ bất chấp sự thật đến trơ trẽn này không dừng lại sau cuộc trưng cầu: ngay cuối tuần này, Andrea Leasom, ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo Đảng Bảo Thủ trong một thời gian ngắn và từng là người có vai trò chủ chốt trong chiến dịch vận động rời EU, đã minh họa sự suy yếu về sức mạnh của các bằng chứng. Sau khi nói với tờ The Times rằng việc là một người mẹ sẽ giúp bà trở thành thủ tướng tốt hơn đối thủ Theresa May, bà đã lớn tiếng chỉ trích “thứ báo chí cặn bã” và buộc tội tờ báo xuyên tạc phát ngôn của mình – mặc dù bà đã nói chính xác như vậy, rõ ràng và dứt khoát và có băng ghi âm. Leadsom là một chính trị gia hậu-sự thật ngay cả đối với sự thật của chính mình.

Khi một sự thật trở nên giống với bất cứ thứ gì mà bạn cảm thấy đúng, rất khó cho bất kỳ ai phân biệt được những sự thật nào là đúng và những “sự thật” nào thì không. Phe vận động rời EU ý thức rất rõ về vấn đề này – và triệt để tận dụng lợi thế, sự an toàn vì biết rằng Cơ quan Thẩm định Tiêu chuẩn Quảng cáo (Advertising Standards Authority) không có quyền giám sát các tuyên bố chính trị. Vài ngày sau cuộc bỏ phiếu, Arron Banks, nhà tài trợ lớn nhất của Ukip cũng như chiến dịch vận động rời EU đã nói với tờ Guardian rằng phe của ông đã biết ngay từ đầu là sự thật sẽ không thể thắng. Bank nói: “Chúng tôi đã sử dụng phương pháp tiếp cận theo kiểu của truyền thông Mỹ. Điều họ đã nói từ rất sớm là ‘Sự thật không có tác dụng,’ và đúng thế. Chiến dịch ở lại trình bày sự thật, sự thật, sự thật, sự thật, sự thật. Chỉ là nó không có tác dụng. Bạn phải kết nối với mọi người bằng cảm xúc. Đó là thành công của Trump.”

Không có gì quá ngạc nhiên về việc đã có một số người bị sốc sau khi kết quả được công bố vì khám phá ra rằng Brexit có những hậu quả nghiêm trọng và mang lại rất ít lợi ích được hứa hẹn. Khi “sự thật không có tác dụng” và cử tri không tin tưởng truyền thông, mọi người tin vào phiên bản “sự thật” của riêng mình – và kết quả, như chúng ta đã thấy, có thể rất tàn khốc.

Tại sao chúng ta lại đi đến cơ sự này? Và làm cách nào để chúng ta có thể sửa chữa nó?

Hai mươi lăm năm sau khi trang mạng đầu tiên được đưa lên trực tuyến, chúng ta rõ ràng là đang sống qua một giai đoạn chuyển tiếp chóng mặt. Trong 500 năm sau Gutenberg4, báo giấy đã là hình thức thông tin chủ đạo: kiến ​​thức chủ yếu được phân phối dưới một định dạng cố định, kiểu định dạng này khuyến khích người đọc tin vào những sự thật ổn định và chắc chắn.

Giờ đây, chúng ta đang bị cuốn vào hàng loạt các trận chiến hỗn loạn giữa những lực lượng đối lập: giữa sự thật và giả dối, sự kiện và tin đồn, lòng tốt và sự tàn nhẫn; giữa thiểu số và đa số, kết nối và xa lánh; giữa nền tảng mở của web như cách các kiến ​​trúc sư của nó đã từng hình dung và những tài sản độc quyền của Facebook và các mạng xã hội khác; giữa một công chúng có hiểu biết và một đám đông lầm lạc.

Điểm chung của tất cả những cuộc đấu tranh này – và điều khiến cho kết quả của chúng trở thành một vấn đề cấp bách – là tất cả chúng đều liên quan đến tình trạng suy yếu của sự thật. Điều này không có nghĩa là không có sự thật nào cả. Như những sự kiện trong năm nay đã chỉ rõ, nó đơn giản chỉ là chúng ta không thể đồng ý về những sự thật đó, và khi không có sự nhất trí về sự thật và cũng không có cách nào để đạt được nó, sự hỗn loạn sẽ sớm xảy ra.

Càng ngày, những gì được tính là một sự thật chỉ đơn thuần là một quan điểm mà ai đó cảm thấy có vẻ đúng – và công nghệ đã giúp những “sự thật” này lan truyền với một tốc độ và phạm vi không thể tưởng tượng nổi trong thời đại Gutenberg (hoặc thậm chí là một thập niên trước). Một câu chuyện đáng ngờ về Cameron và con lợn xuất hiện trên một tờ báo lá cải vào buổi sáng, và đến trưa, nó đã đi vòng quanh thế giới trên mạng xã hội và xuất hiện trong các nguồn thông tin uy tín ở khắp mọi nơi. Đây tưởng chừng như là một vấn đề nhỏ, nhưng hậu quả của nó thì thật khổng lồ.

“Sự thật,” như Peter Chippindale và Chris Horrie viết trong “Stick It Up Your Punter!”, quyển sách viết về lịch sử của tờ The Sun, là một “tuyên bố táo bạo mà mọi tờ báo đều sẽ liều mạng để in ra.” Thường sẽ có những phiên bản sự thật đối nghịch về bất cứ một chủ đề nào, nhưng trong thời đại của báo in, những dòng chữ trên trang giấy cố định mọi thứ, dù cuối cùng chúng có đúng hay không. Thông tin tạo cảm giác giống với sự thật, ít nhất cho đến ngày tiếp theo khi có bản đính chính hoặc cập nhật mới, và tất cả chúng ta đều chia sẻ một tập hợp những sự thật chung.

“Sự thật” cố định này thường được truyền tải từ trên xuống: một sự thật được xác minh, thường là bởi giới quyền uy. Cấu trúc này không phải là không có khuyết điểm: quá nhiều tờ báo thường thể hiện xu hướng thiên vị hiện trạng xã hội và phục tùng quyền lực, và cực kì khó để những người dân bình thường có thể thách thức quyền lực của báo chí. Do đó, mọi người nghi ngờ phần lớn những gì được gọi là sự thật – đặc biệt là khi sự thật đó khiến họ không thoải mái, hoặc không phù hợp với quan điểm của họ – và trong khi một số những ngờ vực này bị đặt không đúng chỗ, một số khác lại không.

Trong thời đại kỹ thuật số, việc phát tán thông tin sai lệch trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, những thông tin này sẽ nhanh chóng được chia sẻ và xem là đúng đắn – như chúng ta thường thấy trong những tình huống khẩn cấp, khi thông tin được truyền đi theo thời gian thực. Lấy ví dụ, trong vụ tấn công khủng bố ở Paris tháng Mười một năm 2015, những tin đồn như Bảo tàng Lourve, Trung tâm Pompidou bị tấn công và François Holande thì bị đột qụy. Cần có các tổ chức tin tức uy tín để lật tẩy những câu chuyện bịa đặt đó.

Đôi khi những tin đồn như vậy bị phát tán vì sự hoảng loạn, đôi khi là vì ác ý, và đôi khi là sự thao túng có chủ đích, đó là khi mà các tổ chức hoặc chế độ trả tiền để truyền đạt thông điệp của họ. Dù là với mục đích gì, giờ đây sự thật và những thông tin sai lạc được lan truyền theo cùng một cách, thông qua cái mà các học giả gọi là “dòng thác thông tin.” Theo như Danielle Citron, nhà nghiên cứu pháp lý và là chuyên gia về tình trạng quấy rối trên mạng mô tả: “Mọi người chuyển tiếp cho nhau những gì người khác nghĩ, ngay cả khi thông tin đó sai, gây lầm lẫn hoặc không đầy đủ, vì họ cho rằng mình đã học được điều gì đó có giá trị.” Chu trình này lặp đi lặp lại, và trước khi bạn nhận ra, dòng thác đã đạt được sức mạnh không gì cản nổi. Bạn chia sẻ một bài đăng của bạn bè trên Facebook, có lẽ để thể hiện tình bạn hay sự đồng tình, hoặc việc bạn “đã nắm thông tin từ trước,” và do đó bạn đã đưa bài đăng của họ đến gần hơn với những người khác.

Các thuật toán, giống như thứ nằm sau các bảng tin (news feed) của Facebook, được thiết kế để cung cấp thêm cho chúng ta những thứ mà họ nghĩ rằng chúng ta cần – có nghĩa là phiên bản của thế giới mà chúng ta bắt gặp hằng ngày trong dòng tin tức cá nhân đã được bí mật chọn lọc để củng cố những niềm tin sẵn có của chúng ta. Khi Eli Pariser, người đồng sáng lập Upworthy5, tạo ra thuật ngữ “bong bóng lọc” (filter bubble) vào năm 2011, anh đang nói về cách mà các trang web cá nhân hóa – và đặc biệt là chức năng tìm kiếm đã được cá nhân hóa của Google, thứ được thiết kế để không có bất kỳ ai có danh sách kết quả tìm kiếm giống hệt nhau – làm chúng ta ít được tiếp cận với các thông tin có khả năng thách thức và mở rộng thế giới quan của chúng ta, và do đó ít được tiếp cận với những sự thật có thể bác bỏ những thông tin sai lầm mà những người khác chia sẻ.

Lời kêu gọi của Pariser, vào thời điểm đó, là những người điều hành các nền tảng truyền thông xã hội phải đảm bảo rằng “thuật toán của họ ưu tiên các quan điểm đối lập và những tin tức quan trọng chứ không chỉ là những thứ phổ biến nhất hay mang tính tự xác thực nhất.” Nhưng trong vòng chưa đầy năm năm, nhờ sức mạnh đáng kinh ngạc của một số nền tảng xã hội, bong bóng lọc mà Pariser mô tả càng trở nên cực đoan hơn.

Vào ngày sau cuộc trưng cầu dân ý về EU, trong một bài đăng trên Facebook, Tom Steinberg, nhà hoạt động internet người Anh và là người sáng lập mySociety6, đã cung cấp một minh họa sống động về sức mạnh của bong bóng lọc – và những hậu quả dân sự nghiêm trọng của nó đối với một thế giới mà thông tin chủ yếu di chuyển qua mạng xã hội:

“Tôi đang tích cực tìm kiếm qua Facebook những người đang ăn mừng chiến thắng của Brexit, nhưng bong bóng lọc QUÁ mạnh và ảnh hưởng QUÁ sâu vào công cụ tìm kiếm tùy chỉnh của Facebook đến mức tôi không thể tìm thấy bất kỳ ai đang hạnh phúc *bất chấp thực tế là hơn một nửa đất nước rõ ràng cảm thấy hân hoan vào ngày hôm nay* và bất chấp thực tế là tôi đang *tích cực* tìm cách để nghe những gì họ đang nói.

Vấn đề buồng vang (echo chamber) này đã trở nên QUÁ nghiêm trọng và QUÁ ăn sâu đến mức tôi chỉ có thể cầu xin bất cứ bạn bè nào của mình đang làm việc cho Facebook và các công ty truyền thông xã hội và công ty công nghệ lớn khác hãy khẩn trương nói với lãnh đạo của họ rằng việc không hành động gì về vấn đề này đồng nghĩa với việc hỗ trợ và tài trợ một cách hăng hái cho việc hủy hoại kết cấu xã hội của chúng ta… Chúng ta đang có một quốc gia mà một nửa của nó hoàn toàn không biết gì về phần còn lại.”

Nhưng việc yêu cầu các công ty công nghệ “làm điều gì đó” với bong bóng lọc đồng nghĩa với việc giả định rằng đây là một vấn đề có thể dễ dàng được khắc phục – chứ không phải là một vấn đề nằm trong bản chất của các mạng xã hội, vốn được thiết kế để cung cấp cho bạn những gì bạn và bạn bè của bạn muốn xem.

Facebook, chỉ vừa ra mắt vào năm 2004, hiện đã có 1,6 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Nó đã trở thành phương thức tìm kiếm tin tức nổi trội trên Internet đối với mọi người – và nó nổi trội theo cách không thể tưởng tượng được trong thời đại của báo chí. Như Emily Bell đã viết: “Truyền thông xã hội không chỉ thôn tính ngành báo chí, nó còn thôn tính mọi thứ. Nó đã thôn tính các chiến dịch chính trị, hệ thống ngân hàng, lịch sử cá nhân, ngành công nghiệp giải trí, ngành bán lẻ, và ngay cả chính phủ và vấn đề an ninh.”

Bell, giám đốc Trung tâm Tow về Báo chí Số (Tow Center for Digital Journalism) tại Đại học Columbia – và là thành viên ban lãnh đạo của Scott Trust, tổ chức sở hữu tờ The Guardian – đã phác thảo những tác động dữ dội của truyền thông xã hội đến ngành báo chí. Cô viết vào tháng Ba: “Hệ sinh thái tin tức của chúng ta đang thay đổi sâu sắc hơn trong vòng năm năm trở lại đây, có lẽ là hơn bất cứ thời điểm nào trong vòng 500 năm qua.” Tương lai của ngành xuất bản đang bị đặt vào “trong tay phe thiểu số, những người đang kiểm soát số phận của đa số.” Các tổ chức xuất bản tin tức đã đánh mất quyền kiểm soát đối với việc phân phối sản phẩm báo chí của họ, trong khi đối với phần đông người đọc những sản phẩm này hiện đang bị “lọc qua những thuật toán và nền tảng mập mờ và không thể dự đoán được.” Điều này có nghĩa là các công ty truyền thông xã hội đã chiếm thế áp đảo trong việc xác định những thứ chúng ta đọc – và thu được lợi nhuận khổng lồ bằng cách kiếm tiền từ sản phẩm của người khác. Bell lưu ý: “Sự tập trung quyền lực ở khía cạnh này lớn hơn bất cứ thứ gì từng xảy ra trong quá khứ.”

Trong nhiều trường hợp, những ấn phẩm được chọn lọc bởi các biên tập viên bị thay thế bởi dòng chảy thông tin được lựa chọn bởi bạn bè, gia đình, hay các mối quan hệ khác, và được xử lý bằng những thuật toán bí mật. Ý tưởng cũ kĩ về một hệ thống mạng mở – trong đó các siêu liên kết từ trang mạng này đến trang mạng khác tạo thành một mạng lưới thông tin phi cấp bậc và phi tập trung – đã bị thay thế trên quy mô lớn bởi những nền tảng được thiết kế nhằm tăng tối đa thời gian bạn ở lại trên tường của chúng, một số trong đó (như Instagram và Snapchat) hoàn toàn không cho phép các đường dẫn ra ngoài.

Trên thực tế, nhiều người, đặc biệt là thanh thiếu niên, ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho các ứng dụng trò chuyện đóng, cho phép người dùng tạo các nhóm để chia sẻ tin nhắn một cách riêng tư – có lẽ vì những người trẻ, những người có nhiều khả năng phải đối mặt với nạn quấy rối trực tuyến, đang tìm kiếm các không gian xã hội được bảo vệ cẩn thận hơn. Nhưng không gian khép kín của một ứng dụng trò chuyện giống như một loại xi-lô, thậm chí còn khép kín hơn so với khu vườn có tường bao của Facebook hoặc các mạng xã hội khác.

Theo như Hossein Derakhshan, blogger tiên phong người Iran, người đã bị giam tại Tehran sáu năm vì các hoạt động trên mạng của mình, viết trên tờ Guardian hồi đầu năm nay: “sự đa dạng của thế giới mạng như đã được hình dung ban đầu” đã nhường bước cho “sự tập trung thông tin” bên trong một vài mạng xã hội được lựa chọn – và kết quả cuối cùng là “làm cho chúng ta yếu ớt hơn trong mối tương quan với chính phủ và các tập đoàn.”

Sự tập trung thông tin làm cho chúng ta trở nên yếu ớt hơn trong mối quan hệ với chính phủ và các tập đoàn.

Tất nhiên, Facebook không quyết định những gì bạn đọc, ít nhất là theo nghĩa truyền thống của việc ra quyết định – và nó cũng không thể ra lệnh cho các tổ chức truyền thông phải xuất bản cái gì. Nhưng khi một nền tảng trở thành nguồn chủ đạo để truy cập thông tin, các tổ chức truyền thông thường sẽ biến đổi sản phẩm của họ theo yêu cầu của phương tiện mới này. (Minh chứng rõ nhất cho ảnh hưởng của Facebook đối với báo chí là cơn hoảng loạn về bất cứ thay đổi nào trong thuật toán hiện nội dung trên bảng tin của Facebook mà đe dọa làm giảm số lượt xem nội dung của các nhà xuất bản.)

Trong vài năm trở lại đây, nhiều tổ chức truyền thông đã rời bỏ hoạt động báo chí vì lợi ích công và quay sang sản xuất tin rác, theo đuổi số lượt xem với hy vọng thu hút số lượt nhấp chuột và quảng cáo (hoặc đầu tư) – nhưng cũng giống như thực phẩm rác, bạn sẽ cảm thấy ghét bản thân mình khi tọng chúng vào họng, hoặc vào đầu. Biểu hiện cực đoan nhất của hiện tượng này là sự hình thành các trang trại tin tức giả mạo, thu hút lượng người xem bằng các tin tức giả được trình bày sao cho trông như thật, và do đó được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Nhưng có một nguyên tắc chung áp dụng cho những tin tức sai lệch hoặc những tin tức giật gân thiếu trung thực, ngay cả khi chúng không được tạo ra với chủ đích lừa đảo: thước đo mới về giá trị của rất nhiều các tổ chức tin tức là khả năng lây lan thay vì là sự thật hay chất lượng.

Tất nhiên, các nhà báo trong quá khứ cũng có những sai lầm – do nhầm lẫn, thành kiến hoặc đôi khi là có chủ đích. (Freddie Starr có lẽ đã không ăn một con chuột.) Vì vậy sẽ là sai lầm khi cho rằng điều này là một hiện tượng mới của thời đại số. Tuy nhiên, điều thật sự mới mẻ và hệ trọng là ngày nay, những lời nói dối và tin đồn cũng được đọc nhiều như những sự thật có cơ sở vững chắc – và thường là nhiều hơn, vì chúng phóng túng hơn thực tế, và thú vị hơn khi chia sẻ. Sự bất cần trong cách tiếp cận này được diễn tả trần trụi nhất bởi Neetzan Zimmerman, người từng được thuê bởi Gawker7 với vai trò là chuyên gia về các câu chuyện được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Anh ta nói vào năm 2014: “Ngày nay việc các câu chuyện có đúng hay không chẳng còn quan trọng nữa. Thứ duy nhất quan trọng là việc liệu mọi người có nhấp vào đó hay không.” Sự thật, theo ý kiến của anh ta, đã hết thời; chúng là tàn tích của thời đại báo in, khi người đọc không có lựa chọn nào cả. Anh ta tiếp tục: “Nếu một người không chia sẻ một chuyện tin mới thì thứ đó, về bản chất, không phải là tin tức.”

Mức độ phổ biến ngày càng tăng của cách tiếp cận này ngụ ý rằng chúng ta đang ở giữa một sự thay đổi căn bản về giá trị của báo chí – một sự chuyển đổi theo hướng chủ nghĩa tiêu thụ. Thay vì củng cố các mối liên kết xã hội, hoặc hình thành nên một công chúng có hiểu biết, hoặc ý tưởng xem tin tức là một loại tài sản công, một nhu cầu dân chủ, nó (sự thay đổi) lại tạo ra các băng nhóm phát tán những thông tin sai lạc phù hợp với quan điểm của họ, củng cố những niềm tin của nhau, đẩy nhau sâu hơn vào các ý kiến được chia sẻ, thay vì những sự thật được xác minh. Nhưng điều đáng lo là mô hình kinh doanh của hầu hết các tổ chức truyền thông kỹ thuật số đều dựa trên số lượng nhấp chuột. Giới truyền thông trên toàn thế giới đã đạt đến một cơn sốt xuất bản điên cuồng, hòng góp nhặt từng xu từ quảng cáo kỹ thuật số. (Và thị phần quảng cáo cũng chẳng có nhiều: trong quý đầu của năm 2016, cứ mỗi đô la được chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến ở Mỹ thì có 85 cents đi vào túi Google và Facebook. Số tiền này đã từng thuộc về các nhà xuất bản tin tức.)

Trong bảng tin trên điện thoại của bạn, tất cả các câu chuyện đều có vẻ giống nhau – cho dù chúng có đến từ một nguồn đáng tin cậy hay không. Và dần dần, ngay cả các nguồn tin đáng tin cậy cũng xuất bản những câu chuyện sai lạc, gây hiểu nhầm hoặc cố tình tạo giật gân. “Bẫy chuột8 là vua, do đó, các phòng tin tức trong tòa soạn sẽ dễ dãi trong việc ấn hành những thứ tồi tệ nhất ngoài kia, và hợp lý hóa những thứ rác rưởi,” Brooke Binkowski, biên tập viên của Snopes, một trang mạng chuyên lật tẩy (tin tức sai), đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Guardian vào tháng Tư. “Không phải tất cả các phòng tin đều như vậy, nhưng rất nhiều phòng đã làm điều đó.”

Chúng ta nên cẩn thận để không đánh đồng tất cả những thứ có dòng tít hấp dẫn đều là bẫy chuột – các dòng tít hấp dẫn là một điều tốt, nếu chúng dẫn dắt người đọc đến thứ báo chí chất lượng, dù có tính nghiêm túc hay không. Tôi tin rằng thứ phân biệt báo chí chân chính và báo chí tồi chính là sự nỗ lực làm việc: loại báo chí được người đọc trân trọng nhất là thứ mà họ có thể nhận ra rằng ai đó đã dốc sức làm việc vì nó – và rằng những nỗ lực ấy được bỏ ra vì lợi ích của họ, dù đối tượng của nó lớn hay nhỏ, có tầm quan trọng hay chỉ đơn thuần là giải trí. Nó đối lập với thứ được gọi là “báo chí ăn cắp” (churnalism), tức là hành vi xào nấu không ngừng những câu chuyện của người khác nhằm câu kéo những cú nhấp chuột.

Mô hình quảng cáo kỹ thuật số hiện chỉ phân biệt giữa lớn và nhỏ chứ không phân định giữa đúng và không đúng. Như phóng viên chính trị người Mỹ Dave Weigel viết sau khi một câu chuyện lừa đảo lan truyền khắp nơi hồi năm 2013: “‘Quá tốt để kiểm chứng’ từng là một cảnh báo để các biên tập viên báo chí không lao vào những câu chuyện nhảm nhí. Giờ thì nó là một mô hình kinh doanh.”

Một ngành công nghiệp xuất bản tin tức tuyệt vọng theo đuổi từng cú nhấp chuột rẻ tiền nghe không giống như một ngành công nghiệp có vị trí vững vàng, và thực sự, hoạt động xuất bản tin tức là một ngành kinh doanh đang gặp rắc rối. Sự chuyển đổi sang xuất bản kỹ thuật số là một bước phát triển đầy cảm xúc đối với ngành báo chí – như tôi đã nói trong bài diễn văn AN Smith năm 2013 tại Đại học Melbourne, “The Rise of The Reader” (tạm dịch: Sự Trỗi dậy của Người đọc), nó đã “vẽ lại một cách căn bản mối quan hệ của báo chí với người đọc, cách chúng ta nghĩ về độc giả, nhận thức về vai trò của chúng ta trong xã hội, tình trạng của chúng ta.” Nó có nghĩa là chúng ta đã tìm ra những phương pháp mới để lấy được những câu chuyện – từ người đọc, từ dữ liệu, từ truyền thông xã hội. Nó cũng cho chúng ta những lối kể chuyện mới – với các công nghệ tương tác và giờ đây là với thực tế ảo. Nó đã cho chúng ta những cách thức mới để phân phối báo chí, để tìm những người đọc mới ở những nơi khó ngờ; và nó đã cho chúng ta những cách thức mới để thu hút người đọc, phơi bày bản thân chúng ta với thách thức và tranh luận.

Nhưng trong khi các khả năng của ngành báo chí được tăng cường nhờ những phát triển kỹ thuật số trong vài năm qua, thì mô hình kinh doanh của báo chí đang bị đe dọa, vì dù bạn có bao nhiêu cú nhấp chuột cũng sẽ không bao giờ là đủ. Còn nếu bạn bắt người đọc trả tiền để tiếp cận với báo chí, bạn sẽ gặp một thách thức lớn là phải thuyết phục được những người tiêu dùng kỹ thuật số, vốn đã quen với việc có được thông tin miễn phí, phải trả tiền.

Các nhà xuất bản báo chí ở khắp nơi nhận thấy lợi nhuận và doanh thu của mình đang giảm đáng kể. Nếu bạn muốn một minh họa rõ ràng về những thực tế mới của truyền thông số thì hãy nhìn vào bản báo cáo tài chính của New York Times và Facebook, được công bố hồi đầu năm và chỉ cách nhau khoảng một tuần. New York Times công bố lợi nhuận của họ đã giảm 13%, xuống còn 51,5 tỷ đô-la – ổn hơn phần lớn ngành xuất bản, nhưng vẫn là mức giảm khá lớn. Trong khi đó, Facebook tiết lộ rằng lợi nhuận của họ đã tăng gấp ba trong cùng khoảng thời gian đó – lên đến con số khá choáng váng là 1,51 tỷ đô-la.

Nhiều nhà báo đã mất việc làm trong một thập niên vừa qua. Số nhà báo ở Anh đã giảm một phần ba trong khoảng giữa năm 2001 và 2010; các phòng tin ở Mỹ cũng suy giảm ở mức tương tự trong khoảng giữa năm 2006 và 2013. Ở Úc, chỉ trong khoảng từ năm 2012 đến 2014, nhân sự ngành báo chí đã giảm 20%. Đầu năm nay, ngay chính tại tờ Guardian, chúng tôi đã tuyên bố cần cắt giảm 100 nhân sự. Tháng Ba, tờ Independant ngừng xuất bản báo in. Tính đến năm 2005, theo nghiên cứu của Press Gazette9, số tờ báo địa phương ở Anh đã giảm 181 – một lần nữa, không phải vì vấn đề với bản thân ngành báo chí, mà là vì vấn đề với việc đầu tư cho nó.

Nhưng việc các nhà báo mất việc làm không chỉ là vấn đề của riêng bản thân họ: nó còn gây thiệt hại cho toàn bộ nền văn hóa. Như triết gia người Đức Jürgen Habermas10 đã cảnh báo vào năm 2007: “Khi hoạt động tái tổ chức và cắt giảm chi phí trong lĩnh vực cốt lõi này đe dọa đến những tiêu chuẩn báo chí truyền thống, nó đánh ngay vào trung tâm của không gian công cộng trong chính trị. Vì, nếu không có dòng chảy thông tin đạt được thông qua nghiên cứu sâu rộng, nếu không có việc khuyến khích các tranh luận dựa trên những ý kiến chuyên môn chất lượng cao thì truyền thông công cộng sẽ đánh mất sức sống của nó. Truyền thông công cộng sẽ ngừng kháng cự lại các xu hướng dân túy, và sẽ không thể tiếp tục hoàn thành chức năng của nó trong bối cảnh một nhà nước lập hiến dân chủ.”

Do đó, có lẽ, trọng tâm của ngành công nghiệp tin tức cần chuyển sang đổi mới về thương mại: làm thế nào để cứu lấy hoạt động gây quỹ vốn đang bị đe dọa của ngành báo chí. Bản thân ngành báo chí đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ trong hai thập niên kỹ thuật số vừa qua, nhưng mô hình kinh doanh thì không. Theo lời đồng nghiệp của tôi, Mary Hamilton, tổng biên tập phụ trách người đọc của tờ Guardian: “Chúng ta đã thay đổi mọi thứ về ngành báo chí, nhưng điều đó vẫn chưa đủ cho mô hình kinh doanh của chúng ta.”

Tác động của cuộc khủng hoảng mô hình kinh doanh lên báo chí là, vì theo đuổi những cú nhấp chuột rẻ tiền mà đánh đổi tính chính xác lẫn tính trung thực, các tổ chức tin tức đã làm xói mòn ngay chính lý do tồn tại của họ: là khám phá và nói với người đọc về sự thật – là đưa tin, đưa tin, và đưa tin.

Nhiều phòng tin đang có nguy cơ đánh mất điều quan trọng nhất đối với ngành báo chí: thứ công việc dân sự quý giá và khó nhọc, thứ công việc chạy rông ngoài đường, sàng lọc dữ liệu, đặt câu hỏi khó để tiết lộ những thứ mà ai đó không muốn bạn biết.

Nhưng chúng ta không được phép để cho những hỗn loạn của hiện tại tô hồng quá khứ – như có thể thấy từ kết cục của một bi kịch đã trở thành một trong những thời khắc đen tối nhất của ngành báo chí nước Anh. Vào cuối tháng Tư, một cuộc điều tra kéo dài hai năm đã kết luận rằng 96 người chết trong thảm họa Hillsborough11 năm 1989 đã bị sát hại trong khi không hề góp phần vào tình huống nguy hiểm trên sân bóng. Phán quyết này là thành quả của một chiến dịch vận động không mệt mỏi suốt 27 năm của gia đình các nạn nhân, và vụ án của họ đã được phóng viên David Conn của tờ Guardian đưa tin suốt hai thập niên với sự tường tận và độ nhạy cảm tuyệt vời. Phóng sự của anh đã giúp tiết lộ sự thật về những gì đã diễn ra ở Hillsborough cũng như sự che đậy của cảnh sát – một ví dụ kinh điển về một phóng viên chất vấn những người có quyền lực vì lợi ích của những người yếu thế hơn.

Thứ mà các gia đình nạn nhân đã vận động chống lại trong gần ba thập niên là một sự dối trá do tờ The Sun tạo ra. Biên tập viên hung hăng thuộc phe cánh hữu của tờ báo lá cải này, Kelvin MacKenzie, đã đổ lỗi cho các nạn nhân về thảm họa, cho rằng họ đã chen lấn vào sân vận động khi không có vé – lời buộc tội này sau đó đã được tiết lộ là sai. Theo quyển sách về lịch sử của tờ The Sun do Horrie và Chippindale viết, MacKenzie đã gạt bỏ chính các phóng viên của mình và đặt từ “THE TRUTH” (SỰ THẬT) lên trang nhất, với lý lẽ rằng các cổ động viên Liverpool đã say xỉn, rằng họ đã móc túi các nạn nhân, rằng họ đã đấm, đá và tiểu vào cảnh sát, rằng họ đã la hét rằng họ muốn quan hệ tình dục với một nạn nhân nữ đã chết. Các cổ động viên, theo lời một “sĩ quan cảnh sát cấp cao,” đã “hành xử như thú vật.” Câu chuyện này, như Chippindale và Horrie viết, là một “vụ bôi nhọ kinh điển,” bất cần chứng cứ và “phù hợp chính xác với công thức của MacKenzie khi quảng cáo một sự thành kiến ngu ngốc nửa mùa vốn đang thịnh hành trên cả nước.”

Khó mà tưởng tượng rằng sự kiện Hillsborough có thể xảy ra trong hiện tại: nếu 96 người bị xô đẩy đến chết trước 53.000 điện thoại thông minh, với những bức ảnh và lời kể của nhân chứng được đăng lên truyền thông xã hội, liệu có phải mất quá lâu để tìm ra sự thật như vậy không? Ngày nay, cảnh sát – hay Kelvin MacKenzie – sẽ không thể nói dối trắng trợn và lâu đến như vậy.

Sự thật là một cuộc tranh đấu. Nó đòi hỏi nỗ lực vất vả. Nhưng nó đáng để đấu tranh: các giá trị truyền thống của tin tức rất quan trọng, chúng rất ý nghĩa và xứng đáng được bảo vệ. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã khiến cho cánh phóng viên – nói một cách chính xác, theo quan điểm của tôi – phải có trách nhiệm hơn với độc giả. Như câu chuyện Hillsborough cho thấy, ngành truyền thông thời trước chắc chắn cũng có thể phạm phải những sai lầm đáng sợ cần nhiều năm mới có thể làm sáng tỏ. Một số hệ thống cấp bậc cũ đã bị phá bỏ triệt để, mở đường cho các cuộc tranh luận cởi mở hơn và đặt ra những thách thức đáng kể cho giới tinh hoa, những người mà lợi ích của họ từng chi phối cả ngành truyền thông. Nhưng thời đại của thông tin tức thời, không ngừng nghỉ – và những sự thật thiếu chắc chắn – có thể quá áp đảo. Chúng ta đi từ cơn giận dữ này đến cơn giận dữ khác, nhưng lại quên chúng rất nhanh: như thể chiều nào cũng là tận thế.

Cùng lúc đó, việc san phẳng mặt bằng thông tin đã giải phóng những cơn lũ phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính, cũng như những phương thức làm nhục và quấy rối mới, điều này cho chúng ta hình dung về một thế giới nơi những luận điệu ồn ào và thô lỗ nhất sẽ thắng thế. Đây là một bầu không khí đã chứng tỏ là hết sức thù địch với phụ nữ và người da màu và nó cho thấy những bất bình đẳng của thế giới thực đang được mô phỏng quá dễ dàng trên không gian mạng. Ngay cả tờ Guardian cũng không miễn nhiễm với điều này – đó là lý do vì sao một trong những sáng kiến đầu tiên của tôi ở vị trí tổng biên tập là khởi động dự án Web We Want (tạm dịch: Mạng Mong Muốn) nhằm mục tiêu đấu tranh với thứ văn hóa lạm dụng trên mạng và tìm ra cách để chúng tôi, với tư cách là một tổ chức, có thể thúc đẩy những cuộc tranh luận tốt hơn và lịch sự hơn trên mạng.

Trên tất cả, thách thức đối với báo chí ngày nay không đơn giản là đổi mới công nghệ hay tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Thách thức thật sự là xác định vai trò của các tổ chức báo chí trong những cuộc tranh luận công cộng vốn đã trở nên chia rẽ và mất ổn định đến cực độ. Những sự kiện chính trị gây choáng váng trong năm qua – bao gồm việc bỏ phiếu cho Brexit và sự nổi lên của Donald Trump với vai trò là ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng Hòa – không đơn giản chỉ là sản phẩm phụ của chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy hay cuộc nổi loạn của những người bị chủ nghĩa tư bản toàn cầu bỏ lại phía sau.

Sự nổi lên của Trump “thật ra là một dấu hiệu về sự yếu kém đang gia tăng của truyền thông đại chúng.” Nguồn: Jim Cole.

Theo quan điểm của học giả Zeynep Tufekci, được thể hiện trong một bài tiểu luận hồi đầu năm nay, sự nổi lên của Trump “thật ra là một dấu hiệu về sự yếu kém đang gia tăng của truyền thông đại chúng, đặc biệt là trong việc kiểm soát giới hạn của những thứ được phép phát ngôn.” (Có thể nói tương tự về chiến dịch Brexit.) Tufecki viết: “Trong hàng thập kỷ, các phóng viên thuộc các tổ chức truyền thông lớn đã đóng vai trò như những người gác cửa, đưa ra phán xét về việc những ý kiến nào có thể thảo luận công khai, và những ý kiến nào bị xem là quá cực đoan.” Sự suy yếu của những người gác cửa này có cả mặt tích cực và tiêu cực, có cả những cơ hội và nguy cơ.

Như chúng ta có thể nhận thấy từ quá khứ, những người gác cổng thời trước cũng có khả năng gây tổn hại lớn, và họ thường tỏ ra độc đoán trong việc từ chối không gian cho những tranh luận mà họ cho là nằm ngoài sự đồng thuận chính trị chính thống. Nhưng nếu không có bất kỳ hình thức đồng thuận nào thì cũng rất khó cho bất kỳ sự thật nào đứng vững. Sự suy yếu của những người gác cổng đã cho Trump không gian để khơi lên các chủ đề vốn đã từng là cấm kỵ, chẳng hạn như chi phí của một chế độ thương mại tự do toàn cầu mang lại lợi ích cho các tập đoàn chứ không phải là người lao động, một vấn đề mà giới tinh hoa Mỹ và nhiều phương tiện truyền thông đã chối bỏ trong thời gian dài, cũng như, rõ ràng hơn, cho phép những lời nói dối thái quá của ông ta phát triển.

Khi việc chống giới tinh hoa và chống chính quyền trở thành một tâm trạng phổ biến, thì niềm tin vào các thiết chế lớn, bao gồm cả các phương tiện truyền thông, bắt đầu sụp đổ.

Tôi tin rằng một nền văn hóa báo chí mạnh mẽ là thứ đáng để tranh đấu, cũng như một mô hình kinh doanh phục vụ và tưởng thưởng cho các tổ chức truyền thông xem việc tìm kiếm sự thật là trung tâm của tất cả – xây dựng một công chúng chủ động, có hiểu biết, và có khả năng giám sát những người có quyền lực chứ không phải là một băng nhóm phản động, thiếu hiểu biết, và tấn công những người dễ bị tổn thương. Các giá trị tin tức truyền thống phải được chấp nhận và tôn vinh: đưa tin, xác minh, thu thập nhân chứng, cố gắng hết sức để khám phá những gì đã thật sự xảy ra.

Một nền văn hóa báo chí mạnh mẽ là thứ đáng để tranh đấu, cũng như một mô hình kinh doanh phục vụ và tưởng thưởng cho các tổ chức truyền thông xem việc tìm kiếm sự thật là trung tâm của tất cả.

Chúng ta có đặc quyền được sống trong một thời đại mà ở đó ta có thể sử dụng nhiều công nghệ mới – và có sự giúp đỡ của khán giả để làm điều đó. Nhưng chúng ta cũng phải vật lộn với các vấn đề nền tảng của văn hóa kỹ thuật số, và phải nhận ra rằng sự chuyển đổi từ in ấn sang phương tiện kỹ thuật số không bao giờ chỉ là về công nghệ. Chúng ta cũng phải giải quyết các tác động quyền lực mới mà những thay đổi này đã tạo ra. Công nghệ và phương tiện truyền thông không tồn tại trong sự tách biệt – chúng giúp định hình xã hội, đồng thời cũng được định hình bởi xã hội. Điều đó có nghĩa là chúng tương tác với mọi người với vai trò là các tác nhân dân sự, công dân, và những người ngang hàng. Nó liên quan đến việc liên kết quyền lực và trách nhiệm, chiến đấu cho một không gian công cộng, và chịu trách nhiệm tạo ra kiểu thế giới mà chúng ta muốn sống.

 

Đọc thêm:
1. Radi Somaiya (2014). How Facebook Is Changing the Way Its Users Consume Journalism, The New York Times.
2. William Davies (2017). Thống kê đã đánh mất sức mạnh như thế nào?, The Guardian (dịch bởi tạp chí tri thức zeally.)


  1. Câu lạc bộ Bullingdon: một câu lạc bộ sinh viên ở Đại học Oxford, nổi tiếng với các thành viên thuộc giới thượng lưu và lối sống phóng túng.

  2. Văn phòng thủ tướng Anh

  3. Ukip, viết tắt của UK Independence Party – Đảng Nước Anh Độc Lập, là một đảng chính trị dân túy cánh hữu theo khuynh hướng hoài nghi châu Âu ở Anh.

  4. Johannes Gutenberg (1389?-1468): người phát minh ra máy in và phương pháp in rời.

  5. Upworthy là một trang web chuyên về các nội dung có khả năng lây lan cao, được sáng lập bởi Eli Praiser và Peter Koechley. Mục tiêu của trang web là sử dụng tính lây lan để giới thiệu những câu chuyện có khuynh hướng tiến bộ về xã hội và chính trị.

  6. mySociety là một tổ chức phi chính phủ ở Anh chuyên phát triển và chia sẻ các công nghệ giúp người dân có thể tạo ra những thay đổi về dân chủ, tự do thông tin và cải thiện chất lượng đô thị.

  7. Gawker là một trang blog của Mỹ chuyên đăng tải các tin tức về giới nghệ sĩ ngành công nghiệp truyền thông.

  8. Clickbait, những nội dung được thiết kế để “dụ” người dùng nhấp chuột.

  9. Press Gazette là một tập san của Anh chuyên đưa tin về các hoạt động của ngành báo chí.

  10. Jürgen Habermas: nhà xã hội học và triết gia người Đức. Ông nổi tiếng với các lý thuyết về tính hợp lý truyền thông (communicative rationality) và không gian công cộng (public sphere).

  11. Thảm họa Hillsborough là một vụ chen lấn dẫn đến chết người xảy ra vào ngày 15/4/1989, tại sân vận động Hillsborough ở Sheffield, nước Anh trong trận bán kết cúp FA giữa câu lạc bộ Liverpool và Nottingham Forest. Vụ việc này đã làm 96 người chết, 766 người bị thương và trở thành thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử thể thao nước Anh. Sau khi thảm họa xảy ra, cảnh sát đã cung cấp thông tin sai cho báo chí và đổ lỗi cho các cổ động viên của Liverpool đã say xỉn và hành động theo kiểu hooligan. (Nguồn: Wikipedia)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Tình cờ nơi đâu?
Không dừng lại như một sự may mắn ngẫu nhiên, tình cờ còn là cội nguồn của những ý tưởng. Giờ đây, nó đang đối diện với mối đe dọa từ các phương tiện truyền thông thời hiện đại.
Mới nhất