a
§ Tác giả: Emily Mann | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Aceae | Hiệu đính:  Nguyên
28/11/2016
Trong số tất cả những thành phố đã mất trên thế giới, Pompeii cổ đại là nơi còn toàn vẹn nhất. Ngọn núi lửa phun trào đã hủy diệt thành phố La Mã này cũng đã đóng băng nó trong dòng chảy thời gian - nhưng giờ, 2.000 năm sau, nó lại trở nên sống động với những bóng người đe dọa đến sự tồn tại của nó một lần nữa.

Từ những ghế ngồi cao chót vót của nhà hát vĩ đại, ta có thể nhìn bao quát xuống những dòng khách du lịch. Họ tiến vào thành phố từ bên phải bên trái, rồi chảy tiếp đến quảng trường, hoặc những nhà tắm, hoặc là nhà thổ (lupanar), nơi mà những vật trang trí tường táo bạo 2.000 năm tuổi hấp dẫn đến mức người đến thăm bị xô đẩy từ lối vào ra lối thoát mà gần như chẳng đủ thời gian để căn nét máy ảnh.

Cứ ngắm nhìn cuộc diễu hành tưởng như bất tận này, rồi nghe lỏm được những câu chuyện đầy hào hứng như là chỉ mới vài đêm trước Elton John và David Gilmour đã biểu diễn ở nhà hát khổng lồ, thì có lẽ sẽ rất hợp lý khi kết luận là hoang tích khổng lồ của Pompeii La Mã cổ, giữa tất cả những đô thị đã mất của nhân loại, ắt chính là thành phố còn nguyên vẹn1 nhất.

Bản đồ cho thấy tầm ảnh hưởng của núi Vesuvius. Nguồn: Wikimedia.
Bản đồ cho thấy tầm ảnh hưởng của núi Vesuvius. Nguồn: Wikimedia.

Việc nơi này đã lụi tàn như thế nào là một huyền thoại. Vụ phun trào khủng khiếp của núi Vesuvius kéo dài hai ngày vào năm 79 SCN đã gây cảm hứng cho bao tiểu thuyết, tranh vẽ, thơ ca, và vở kịch trên cả sân khấu lẫn màn ảnh, thậm chí cả một tập phim Doctor Who rực lửa2. Goethe đã đúng khi viết sau chuyến viếng thăm Pompeii của ông vào mùa xuân năm 1787 rằng: “Thế giới đã từng chứng kiến nhiều thiên tai, nhưng ít trong số chúng lại khiến đời sau hân hoan đến thế.”

Thảm họa núi lửa phun trào này – ban đầu là một sự kiện gây tò mò rồi nhanh chóng biến thành nỗi kinh hoàng và bi kịch – chỉ được ghi chép lại bởi duy nhất một người sống sót, Pliny Trẻ. (Bác của ông, chỉ huy hải quân và nhà triết học tự nhiên La Mã Pliny Già thì đã không thoát chết để mà kể chuyện.)

Hai Pliny, sau bữa trưa một ngày nắng đẹp ở Misenum (một căn cứ hải quân hoàng gia vịnh Naples phía Tây núi Vesuvius), nhìn thấy một đám mây khổng lồ, bay lên với hình dáng của một ”cây thông hình cái ô”: với những cành tủa ra từ một trụ cây cao lớn. Đám mây chứa toàn đá bọt (pumice) và tro này bắn lên cao khoảng 20 dặm (khoảng 32km), rồi bắt đầu đổ sụp, tràn xuống những cánh đồng và thị trấn xung quanh.

Khi những mái nhà lung lay rồi vỡ nát dưới sức nặng lớn dần của đám đá vụn nát, hầu hết mọi người đều cố gắng tháo chạy. Một số đeo những cái gối lên đầu để bảo vệ bản thân khỏi trận mưa đá sỏi, còn nhiều người thì đã quá chậm chân. Những dòng thác bỏng rẫy đầy tro và khí độc (được gọi là dòng chảy pyroclastic), có lẽ nóng đến 300 độ C, gây ra cái chết tức thì cho những cư dân Pompeii và thành phố Herculaneum gần đó, cũng như nhiều điểm dân cư nhỏ hơn ở giữa.

Pompeii đã được bảo tồn trong quá trình bị phá hủy.

Cơn dâng trào thứ sáu và lớn nhất tiến đến tận Misenum, cách núi lửa khoảng 15 dặm (hơn 24km), khiến Pliny Trẻ 17 tuổi và mẹ cậu phải bỏ chạy cùng với một ”đám đông cuồng loạn.” Bị truy đuổi bởi một đám mây đặc “càn quét mặt đất như một cơn lũ,” họ chứng kiến cảnh nước biển kéo ra xa, dấu hiệu báo trước một cơn sóng thần, để rồi sau đó tất cả bị bao phủ bởi màn đêm; bóng tối dày đặc chỉ càng tăng thêm những tiếng hét, tiếng kêu gào và khóc lóc của những người đàn ông, phụ nữ, và trẻ em tuyệt vọng.

Trong lúc đó, Pliny Già, với trí tò mò của một nhà tự nhiên học và trách nhiệm của một tướng hải quân, chèo thuyền xuống phía Nam tới thị trấn Stabiae, nơi bị phá hủy nặng nề. Ở đó ông nhìn tận mắt “tất cả những phân cảnh của màn kịch khiếp đảm đó,” và cuối cùng công nhận rằng việc cấp bách lúc này là giải cứu mọi người – để rồi chính ông lại nghẹn khói mà chết trên bãi biển. Khi thi thể ông được tìm thấy ba ngày sau đó, theo cháu trai ông thì ông trông ”giống như một người đang ngủ hơn là đã chết.”

Tranh vẽ bố cục của Pompeii, cho thấy dân cư đông đúc và thịnh vượng. Nguồn: Flickr.
Tranh vẽ bố cục của Pompeii, cho thấy dân cư đông đúc và thịnh vượng. Nguồn: Flickr.

Cách mà Pliny Trẻ miêu tả bác mình có thể là một phép ẩn dụ cho cái cách người ta vẫn tưởng tượng về Pompeii, kể từ khi châu Âu thế kỷ 18 bị quyến rũ bởi những món cổ vật kiến trúc và nghệ thuật được phát hiện từ những cuộc khai quật chính thức tại nơi đây, bắt đầu vào năm 1748.

Để tóm gọn lại cái mà Andrew Wallace-Hadrill, giáo sư ngành nghiên cứu cổ điển (classics) và chuyên gia khảo cổ tại Cambridge, gọi là ”nghịch lý quá khứ còn sống sót,” thì Pompeii được bảo toàn ngay trong lúc nó bị hủy diệt. Tính thảm họa của sự kiện bất ngờ này – đối lập với việc bị bỏ hoang, hay sự thay đổi qua thời gian, hay cơn càn quét của quân địch – đã không chỉ chặn đứng các công dân còn lại theo đúng nghĩa đen, mà còn bảo tồn những vết tích của cuộc đời họ và thậm chí là thân xác của họ, tựa như là đóng băng thời gian vậy.

Giữa những hàng chậu đất nung và các loại bình hai quai khác nhau chất đầy trong vựa lúa, nom như một văn phòng đồ đạc thất lạc cổ đại, một hình người lom khom trong cơn đau đớn rõ rệt, với hai bàn tay đưa lên nhằm cố che mặt. Dù được sắp xếp như đám chai lọ rỗng ở hai bên, hình dáng ma quái này chính là hình ảnh hiện thân cho những xác người được khai quật bởi Amedeo Maiuri, nhà khảo cổ phụ trách Pompeii từ năm 1924 đến năm 1961.

Sử dụng một kỹ thuật được tiên phong bởi Giuseppe Fiorelli, giám đốc quản lý việc khai quật vào những năm 1860, nhóm của Maiuri đổ đầy thạch cao vào khoảng trống mà xác thịt để lại trong cái khuôn làm bằng tro núi lửa đông cứng. Kết quả thường được gọi là “muleteer,” hay là người la (mule man), đặt theo tên của một bộ xương con lừa hoặc con la được tìm thấy gần đó. Đối với Maiuri, người này như một “kẻ hành khất trên thềm nhà thờ… Một hình tượng bi kịch từ một tầng địa ngục của Dante.”

Ngày nay, khách đến thăm bày tỏ đồng cảm với cư dân thành Pompeii đáng thương co quắp này bằng cách ném những đồng xu lẻ vào một cái khay được đặt một cách mời gọi cạnh đó.

Sự cảm thông của khách viếng thăm dành cho người la chính là minh chứng cho sức mạnh chạm đến lòng người bền bỉ của những hình người thạch cao này – tính từ thế kỷ 19 đến nay đã có khoảng một trăm bản sao như vậy được thực hiện – những xác chết sống của một thành phố đã mất. Việc ta có thể đang nhìn vào một bản sao không phải là cái quan trọng. Khi ta căng mắt qua những thanh lan can và những chiếc tủ phủ đầy bụi để nhìn ngắm cơ thể hơi méo mó của một em bé sơ sinh hay hình dáng vặn vẹo của một con chó, vẫn còn đang vật lộn nhằm dứt ra khỏi sợi dây xích cổ trong khi bản thân nó đang bị nhấm chìm bởi cơn dâng trào chết chóc, dường như lịch sử đang diễn ra ngay trước mắt ta.

Việc ta có thể đang nhìn vào một bản sao không phải là cái quan trọng… dường như lịch sử đang diễn ra ngay trước mắt ta.

Vì vậy, như nhà cổ điển học nổi tiếng Marry Beard đã nói, Pompeii có khả năng “giới thiệu công chúng với La Mã.” Cuốn sách báy chạy và chuỗi phim tài liệu truyền hình (bộ phim thứ hai về Pompeii, New Secrets Revealed (Tạm dịch: Bí mật mới được hé lộ), vừa ra mắt năm nay) của bà cho thấy cách mà nghiên cứu và phân tích khoa học, ví dụ như phương pháp quét CT, đang phá vỡ các định kiến cũ và mở rộng hiểu biết của chúng ta về cuộc sống thường nhật của thành phố này – mà như Beard đã phân tích thì thực ra không giống một thành phố lắm, mà giống một trung tâm giao thương kiểu Saffron Walden của thế giới La Mã hơn. Dù là một thuộc địa thịnh vượng, nơi này lại chỉ là một vùng tỉnh lẻ của đế quốc La Mã, với dân số trong khoảng từ 10.000 đến 20.000, trong đó có khoảng 1.150 thi thể đã được tìm thấy.

Đối với nhà khảo cổ Sophie Hay, điều khiến Pompeii trở nên đặc biệt không chỉ là hiện trạng được bảo tồn hoàn hảo, mà còn là những góc nhìn mới vào đời sống hàng ngày của người dân La Mã không thuộc tầng lớp quý tộc mà cô và đồng nghiệp đang hé mở – những trải nghiệm của người lính tráng, dân lái buôn, kẻ nô lệ – và cả những người đặt chân đến đây trước dân La Mã. Tại Pompeii, những sự tầm thường trở nên lạ thường: những ổ bánh mỳ cũ cháy đen; những dụng cụ phẫu thuật nom quen thuộc đến bối rối.

Hình hài được tái dựng của một người phụ nữ trẻ mang thai. Nguồn: Flickr.
Hình hài được tái dựng của một người phụ nữ trẻ mang thai. Nguồn: Flickr.

Đi trên những con đường mòn tạo bởi người dân Pompeii và xe đẩy của họ, ta như được nghe thấy những con người cổ đại trò chuyện với nhau, từ cái thảm cửa khảm có chữ Cave canem (Cẩn thận con chó) đến những dòng chữ trên tường: “Antiochus đã ở đây với bạn gái Cithera”; “Đây đã ngủ với ả phục vụ quầy bar rồi nhé”; “Epaphra, ngươi bị hói!”

Một câu thành ngữ khắc trên bức tường giáo đường – “Chuyện bé mà mặc kệ thì sẽ thành hệ quả to” – có vẻ như là một lời tiên tri, với ngọn núi lửa thấp thoáng ở phía xa. Hoạt động địa chấn địa phương (một sự việc xảy ra thường xuyên, theo lời Pliny) từng là lời cảnh báo với người dân rằng Vesuvius có thể sẽ phun trào, nhưng dường như họ đã không để tâm. Pompeii lúc ấy vốn đang thực hiện một cuộc tái xây dựng quy mô lớn, kết quả của một trận động đất năm 63 SCN, khi mà nó bị huỷ diệt lần nữa 17 năm sau.

Ngọn núi lửa này đã từng phun trào trước đó, và từ đó đến nay vẫn tiếp tục phun trào, lần gần đây nhất vào năm 1944. “Đó là cảnh tượng tráng lệ và khủng khiếp nhất mà tôi đã từng thấy, hoặc đoán là sẽ thấy,” nhà văn du lịch Norman Levis đã nói như vậy khi viết về khoảng thời gian làm một sĩ quan tình báo trẻ tại Naples sau khi thành phố này được giải phóng khỏi lực lượng Nazi. (Quân Đồng minh đã thả hơn 150 quả bom xuống Pompeii vào năm 1943, gây ra thiệt hại vô cùng lớn.)

Và Vesuvius vẫn là một trong những ngọn núi lửa nguy hiểm nhất thế giới, với hàng triệu người sống trên sườn núi hoặc quanh đó, và hàng triệu người nữa đến thăm các di tích khảo cổ hàng năm, bị hấp dẫn bởi ý tưởng mà theo như nhà nghiên cứu thế kỷ thứ 18 Hester Lynch Piozzi nói thì – “Ta, giờ là kẻ xem cảnh, có thể sẽ trở thành cảnh để xem cho du khách của một thế kỷ sau.”

Tuy vậy, giờ đây thứ đe dọa Pompeii nhất lại là sự hao mòn và phá hoại gây ra bởi khách du lịch, và bởi sự tiếp xúc với nắng mưa, hơn là bản thân ngọn núi lửa. Các vụ cấu trúc bị sụp đổ gây ra bởi những trận mưa lớn trong những năm gần đây đã dẫn đến lo ngại về khả năng bảo tồn Di sản Thế giới UNESCO này, được vinh danh vào năm 1997 và kể từ đó thì có nguy cơ bị đưa vào Danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa.

Đã có nhiều động thái hơn kể từ khi EU cảnh báo rằng sẽ rút vốn tài trợ của khỏi Dự án Lớn Pompeii, một chương trình gồm bảo tồn, duy trì, và phục hồi. Quản lý của khu vực này, Massimo Osanna, luôn cố gắng nhấn mạnh sự nhiệt tình đang được đầu tư vào đây song song cùng với những đồng euro, với các kiến trúc sư, các nhà khảo cổ và bảo tồn cùng làm việc hăng hái. Dù sao đi chăng nữa, thành phố được cho là đã hồi sinh này giờ lại đang đối mặt với tử thần một lần nữa.

Ta, giờ là kẻ xem cảnh, có thể sẽ trở thành cảnh để xem cho du khách của một thế kỷ sau.

Theo quan điểm của Beard, tốt hơn hết là nên hoãn lại việc tiếp tục đào bới để tìm ra những câu trả lời mới: “Một phần ba thành phố vẫn nằm dưới lòng đất, và nó nên nằm lại đó, yên ổn và an toàn, để thế hệ tương lai khám phá,” bà nói. “Trong lúc đó ta có thể săn sóc hai phần ba còn lại tốt nhất có thể và trì hoãn sự suy tàn của nó lâu nhất có thể.”

Mặc dù việc khai quật thì khiến người ta rất háo hức, Hay cũng đồng tình rằng: “Việc bảo tồn các công trình bắt buộc phải đi trước việc tiến hành khai quật tiếp. Nhà học giả về Pompeii Paul Zanker kêu gọi các nhà khảo cổ hãy quay lại những phần thành phố đã được khai quật từ trước với những câu hỏi mới, và tôi nghĩ đây là lời khuyên tốt nhất: đánh giá lại những thứ ta có thể học được từ những phần đã hiện hình, thay vì đào lên những phần còn nguyên vẹn và tăng thêm vấn đề cho việc bảo tồn.”

Bên cạnh đó, những cuộc khai quật đã làm dấy lên nhiều câu hỏi hơn là đã trả lời. Nhìn xuống nhà hát lớn, được xây lại và phục hồi trong suốt một thế kỷ qua, người ta phải tự hỏi liệu có phải Pompeii đã luôn sống trong trí tưởng tượng của chúng ta hơn là trên mặt đất hữu thực: một thành phố mất đi trong quá trình được tìm lại.


  1. Nguyên gốc: “the most found.” Khi ghép cặp với thành phố đã mất – lost city, tạo thành một cách chơi chữ khá thú vị. Để dễ hiểu trong tiếng Việt, dịch giả xin sửa lại như trong bài.

  2. Tập phim mang tên The Fires of Pompeii. Doctor Who và những người bạn du hành qua thời gian về thời điểm núi Vesuvius phun trào.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Cơn khát dầu cọ, cơn sốt môi trường
Dầu cọ là loại nguyên liệu thần kì trong mọi sản phẩm từ bánh quy đến dầu gội đầu. Nhưng việc chúng ta phụ thuộc vào dầu cọ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Liệu đã quá muộn để phá vỡ thói quen này?
Mới nhất