a
§ Tác giả: Andrew Liu | Nguồn: Aeon
Biên dịch: Mai Nhi | Hiệu đính:  K.
12/02/2023

Các thương gia Hà Lan là những người đầu tiên đem trà đến Châu Âu vào 1609, nhưng đến cuối thế kỷ 18, Công ty Đông Ấn của Anh dưới sự bảo trợ độc quyền của nhà nước, đã thống trị thứ về sau trở thành “Nhất khẩu thông thương”. Vào thời kỳ đỉnh cao ở thế kỷ 18, trà tượng trưng cho vị thế nền văn minh ưu việt của Trung Hoa trước thế giới. Quý tộc và tư sản Châu Âu xuýt xoa xem trà là vật phẩm điển trưng Châu Á, bổ sung thêm vào trào lưu say sưa sưu tầm tranh ảnh hương xa lạ mắt, đồ sứ và tơ tằm từ phương Đông được gọi là “chinoiserie’’ – trường phái trung hoa. Trà tượng trưng cho sự thịnh vượng của thiên triều, thứ mà các thế lực Châu Âu non trẻ ở Châu Âu rất mực ngưỡng mộ và học theo.

Các nhà trọ và quán rượu ở Hà Lan bắt đầu phục vụ trà vào những năm 1700. Ảnh: Istock

Trong suốt thế kỷ 18, lượng trà một gia đình người Anh bình thường tiêu thụ tăng 4 lần, cùng với đó là cả đường và sữa, do đó lợi nhuận cũng tăng lên chóng mặt. Nhu cầu uống trà lớn tới mức đã thúc đẩy nước Anh trở thành một thị trường chính của thế giới và thuế trà chiếm đến 1/10 thu nhập của Hoàng gia Anh, góp vào quá trình mở rộng xâm lược của Anh Quốc tại Nam Á. Tổng kiểm toán viên của công ty Đông Ấn đã tuyên bố vào 1830 như sau: “Ấn Độ phụ thuộc hoàn toàn vào lợi nhuận của mậu dịch trà Trung Hoa.’’

Ngược lại, thương nhân Trung Hoa lại không thấy những món hàng của người Anh hấp dẫn là mấy. Vì thế, vào cuối thế kỷ 18, viên chức thuộc địa người Anh bắt đầu buôn lậu thuốc phiện Ấn Độ qua cảng Quảng Đông (nay là Quảng Châu). Khi Hoàng đế Đạo Quang, người trị vì từ 1820 đến 1850, ra sức củng cố lệnh cấm thuốc phiện, thương nhân và viên chức người Anh đã tuyên chiến dưới danh nghĩa bảo vệ tự do thương mại. Chiến thắng áp đảo của người Anh trong Chiến tranh Nha phiến thứ nhất (1839-42) đã bắt đầu thời kỳ được biết đến với cái tên “Bách niên quốc sỉ’” ở Trung Quốc hiện nay. Đơn giản mà nói, trà chính là bệ phóng cho Đế quốc Anh và đồng thời là khởi đầu cho sự lụi tàn âm ỉ của Trung Hoa và nhà Thanh. Chỉ sau khi Đảng Cộng Sản trỗi dậy giành chiến thắng năm 1949, tinh thần dân tộc được nối tiếp thì những vết nhơ thất bại quân sự và chủ nghĩa thực dân mới được gột sạch.

Cây trà đã có mặt tại Trung Hoa hơn 1000 năm nay – một sản vật tuyệt diệu của thiên niên, được công phu chế biến bởi những bậc thầy nghệ nhân. Nhưng nước Anh đã bước vào đường đua này với tàu sắt, vũ khí tân tiến và cái danh của cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trên thế giới. Đối với học giả của các đế quốc Châu Âu và Châu Á hiện đại nói chung, đây chỉ là bình cũ rượu mới – khi sự hiện diện của phương Tây giờ đây ngày càng rộng khắp – mậu dịch trà của Trung Hoa cũng sẽ chóng tiêu tan mà thôi.

Nhưng hóa ra, ngành công nghiệp trà sau chiến tranh Nha phiến cho ta biết rất nhiều điều quan trọng trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản. Để lại thế giới Bắc Đại Tây Dương sau lưng, tại những phường trà tại Trung Hoa thế kỉ 19, tư bản hiện đại vẫn tiếp tục phát triển, mềm dẻo và hướng ra toàn cầu. Thậm chí ở những vùng hẻo lánh, xa xăm của Trung Hoa, ta vẫn thấy được sự tích lũy tư bản mà, không phụ thuộc vào phép màu đổi mới công nghệ, cũng không phụ thuộc vào mối quan hệ đối lập giai cấp nào, mà thay vào đó chúng thể hiện ở một logic xã hội mới thích ứng với một cuộc đua toàn cầu. Dù sao đi nữa, hệ thống cảng hiệp ước được sử dụng sau chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất không hề ảnh hưởng đến ngành sản xuất trà mà còn đánh dấu sự mở rộng của nó.

Trong phần còn lại của thế kỷ 19, xuất khẩu trà thậm chí còn tăng nhanh hơn nữa, khi người mua từ cả lục địa Châu Âu và Hoa Kỳ vào cuộc với người Anh. Đến đầu thế kỷ 20 (thời điểm diễn ra các cuộc khảo sát có hệ thống đầu tiên), ngành sản xuất trà càng cần đến nhiều nhân công hơn – các gia đình nông dân, phụ nữ, trẻ em, công nhân thời vụ và khuân vác, trải dài khắp các làng quê và các cảng hiệp ước – hơn hẳn bất kỳ ngành công nghiệp đô thị nào của Trung Quốc thời bấy giờ. Để đáp lại, các ngành công nghiệp khai thác trà cạnh tranh mọc lên ở Ấn Độ thuộc địa, Tích Lan, Nhật Bản, Đài Loan và Đông Ấn Hà Lan. Ngay khi dòng lịch sử chẳng mấy ngó ngàng gì đến Trung Hoa nữa, mậu dịch trà Trung Hoa lại phát triển lớn mạnh hơn bao giờ hết, với những can thiệp quốc tế ngày càng sâu sắc hơn.

Dỡ tàu chở chè ở bến cảng Đông Ấn, ngày 26 tháng 10 năm 1867. Nguồn: Illustrated London News

Mậu dịch trà thực chất đã đánh dấu điểm xuất phát chủ nghĩa tư bản toàn cầu tại Trung Hoa. Trà được dùng, trực tiếp và gián tiếp, để đổi lấy thuốc phiện Patna, bạc Peru, đường mía Caribe, hàng dệt của Anh và gạo Miến Điện. Những hoạt động ấy đã tạo nên sự phân công lao động toàn cầu đúng nghĩa đầu tiên, được vận hành bởi sự chuyên môn hóa theo khu vực của các loại cây thương mại thuộc địa – hoặc, như học giả W E B Du Bois đã nói trong cuốn Black Reconstruction (1935): một ‘biển mênh mông tối tăm những nhân công tại Trung Quốc và Ấn Độ, Biển Nam và toàn bộ Châu Phi; ở Tây Ấn và Trung Mỹ và ở Hoa Kỳ… sản sinh ra nguyên liệu thô và xa xỉ phẩm cho thế giới – bông, len, cà phê, trà… ”Sự phân công lao động toàn cầu này cũng đã tái định hình nông thôn Trung Quốc theo những cách năng động và mới lạ.

Trong phần lớn thế kỷ 20, các chuyên gia phương Tây coi Trung Quốc là một xã hội tiền tư bản. Họ thường đánh đồng ‘chủ nghĩa tư bản’ với công nghiệp hóa và đổi mới, những dấu mốc ngoạn mục như động cơ chạy bằng than, nhà máy thép và những tiến bộ trong kỹ thuật hóa học và cơ khí. Những đột phá công nghệ này đã tách biệt “phương Tây’’ khỏi “phần còn lại”, và chính vì không có những đột phá công nghệ, Trung Quốc – và phần lớn châu Á – đã được xem là “tiền tư sản”.

Thoạt qua, việc các thương gia và nông dân vẫn tiếp tục sử dụng các công cụ và kỹ thuật truyền thống để sản xuất trà tại Trung Hoa thế kỷ 19 đã khẳng định quan điểm này. Các nhà sư thời Đường (618-907) là những người buôn trà đầu tiên. Phương pháp làm trà khi ấy rất tốn công, ví dụ như đóng lá trà thành bánh hay nghiền thành bột mịn (những phương pháp vẫn còn thịnh hành đến ngày nay, như trà Phổ Nhĩ Vân Nam hay mạt trà Nhật). Loại trà rang lá rời thường thấy được ghi chép lần đầu tiên vào năm 1539, chỉ vài thập kỷ trước khi được du nhập đến phương Tây. Trà xanh đến từ thành phố Huệ Châu, phía đông nam tỉnh An Huy, nơi văn kiện cho thấy loại trà này có từ thời Minh Mục Tông (1567-72), và phương thức làm được truyền bá đến núi Vũ Di, tây bắc tỉnh Phúc Kiến, nơi các nhà sư sáng tạo ra một loại trà bán oxy hóa mới được thế giới biết đến với cái tên “ô long”.

Theo các nhà khảo sát thế kỷ 20, bước đầu tiên của sản xuất lá trà rời bắt đầu từ các hộ nông dân, chủ yếu là phụ nữ, trồng và tuốt lá trà, sau đó họ rang nhẹ để ngăn quá trình oxy hóa. Các gia đình này rang trà trong chính chiếc chảo tròn sâu lòng mà họ dùng để nấu ăn thường ngày. Sau đó, họ bỏ trà đã rang vào bao tải lớn, đem đến chợ địa phương, nơi mà những người lái mối thường chỉ đợi đến khi lá trà trong các bao tải kia dần mục đi để mua được giá rẻ. Các thương lái hoàn thành quá trình tinh lọc tại các xưởng tạm của riêng mình, thường là các phòng trống bên trong nhà của họ hoặc các tòa nhà nhỏ cho thuê. Họ thuê một số người làm thuê thời vụ địa phương và dân nhập cư từ các tỉnh lân cận để thực hiện các công việc sàng, cán, rang và đóng gói. Công cụ mà họ sử dụng không có gì khác ngoài chiếc thúng tre và bếp củi giản đơn.

Chúng ta không cần có công nghệ tân tiến nhất để hiểu được sự rộng khắp của “tinh thần tư bản”.

Mặc dù sự phát triển của công cụ và công nghệ chính là dấu ấn của ngành công nghiệp hiện đại, nhưng chúng ta không nên chăm chăm vào chúng mà quên đi việc phân tích hoạt động con người và đời sống xã hội. David Landes, một nhà sử học đáng kính chuyên về Cách mạng Công nghiệp Châu Âu, đã đặt vấn đề về sự đổi mới công nghệ và tuyên bố rằng động lực nâng cao năng suất “chưa được biết đến” tại Trung Hoa xưa. Thay vào đó, “đức tính quan trọng chính là sự chuyên chú – sự siêng năng không ngừng với công việc”. Bằng chứng là, trong cuốn sách Revolution in Time (1983), ông đã chỉ ra không như Châu Âu, Trung Hoa không có đồng hồ cơ học và thiết bị chấm công để đo lường và điều chỉnh năng suất một cách chính xác.

Cuộc đua giữa hai con tàu chở chè Taeping và Ariel trong cuộc đua năm 1866 để trở thành con tàu đầu tiên cập cảng London. Nguồn: Thomas Goldsworth Dutton.

Tuy nhiên, lịch sử Trung Hoa đã cho thấy rằng chúng ta không cần phải sở hữu công nghệ tiên tiến nào cả để khám phá sự rộng khắp của cái mà Max Weber gọi là ‘tinh thần tư bản’ – hay niềm tin, như Weber đã nói (trích lời của Benjamin Franklin), rằng ‘thời gian là tiền bạc’. Điều này vốn đã xuất hiện tại Trung Quốc thời hậu chiến tranh Nha phiến, một xã hội nông nghiệp thương mại đang nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất và cạnh tranh với thị trường toàn cầu công nghiệp trên quy mô mới. Chúng ta có thể thấy minh chứng rõ ràng nhất chính là các phương pháp chấm công đặc biệt đã được sử dụng ở các phường trà, mặc dù rất thô sơ, chắc chắn đã phát triển trong suốt thế kỷ 19.

Samuel Ball là một thanh tra của Công ty Đông Ấn tại cảng phía nam Quảng Đông vào những năm 1810. Mặc dù chưa bao giờ tận mắt chứng kiến quá trình sản xuất chè, nhưng ông đã học được từ những người cung cấp thông tin rằng ở vùng nông thôn An Huy, những người quản đốc sẽ coi sóc việc sản xuất chè bằng cách sử dụng một thiết bị chấm công độc đáo: nhang. Các cây nhang có nhiều kích thước khác nhau nhưng thường được thiết kế để đốt được trong vòng 40 phút. Phương pháp canh giờ bằng cách đốt nhang hoặc đốt dây thừng có từ thế kỷ thứ 5 ở Trung Quốc và Nhật Bản. Chúng có nguyên tắc tương tự với đồng hồ cát và đồng hồ nước được ở những nơi khác trên thế giới cổ đại. Bằng chứng còn sót lại cho thấy rằng nhang cũng được sử dụng để theo dõi thời gian khai thác than và tưới tiêu nông trại ở Trung Quốc hiện đại.

Trong cuốn sách An Account of the Cultivation and Manufacture of Tea in China (Tạm dịch: Chuyện kể về nghề làm trà tại Trung Hoa) (1848), Ball viết rằng những người buôn trà Trung Hoa đã dùng nhang để theo dõi thời gian của các giai đoạn sao trà khác nhau. Ông viết: “Thời gian rang, được quy định bởi một loại công cụ có tên là Che Hiang” (hay zhi xiang, nghĩa là “que hương”). Tại sao cần theo dõi thời gian trong quá trình sản xuất trà? Về điểm này, ngành công nghiệp trà Trung Hoa có nhiều điểm chung với các đồn điền mía công nghiệp đồ sộ, non trẻ của vùng Caribe trưởng thành cùng thời. Theo nhà nhân chủng học người Mỹ Sidney Mintz, viết trong cuốn Sweetness and Power (1985), có hai yếu tố tạo nên ý thức công nghiệp về kỷ luật và thời gian đặc trưng cho lĩnh vực sản xuất bao quát này. Thứ nhất, áp lực tự nhiên phải xử lý mía trước khi mía bị hư, thường chỉ trong vòng một ngày; và thứ hai, áp lực xã hội từ cạnh tranh thị trường buộc những người nông dân phải giảm thiểu chi phí sản xuất. Các trường hợp tương tự cũng xuất hiện ở phía bên kia của thế giới, tại các thung lũng ở miền trung Trung Quốc.

Vì lá trà là sản phẩm tự nhiên, dễ hư hỏng nên chất lượng của chúng phụ thuộc vào quá trình rang, sàng và cán sao cho kịp thời. Vào thời của Ball với xung quanh, các thương gia đã giám sát sát sao việc làm trà để đảm bảo các tính chất tự nhiên của thành phẩm. Các đơn vị thời gian đóng vai trò hướng dẫn, nhưng cá nhân người lao động có thể điều chỉnh khoảng thời gian phù hợp nếu cần. “Mặc dù quá trình rang được quy ước bởi thước đo thời gian của một nén nhang,” Ball viết, “nhưng đó là là để hướng dẫn hơn là tuân theo.” Thợ làm sẽ được cung cấp mẫu ví dụ và được tùy ý rang trong thời gian lâu hoặc mau, cho đến khi lá có màu sắc và hình dạng phù hợp, hệt như công thức nấu ăn.

Chúng ta cũng biết rằng, nhiều thập kỷ sau lời kể của Ball, đốt hương canh giờ bắt đầu được sử dụng để xử lý kỷ luật lao động ở các huyện phía nam An Huy. Jiang Yaohua, một thương gia người huyện Hấp, Huệ Châu, điều hành một xưởng tinh chế trà có tiếng ở thị trấn Đồn Khê, nơi ông vận chuyển hàng nghìn cân trà đến Thượng Hải vào mỗi mùa xuân. Trong cuốn sổ tay hướng dẫn sản xuất trà của mình, ông nói rằng người rang trà trước tiên sẽ rang lá trà trong không khí mát cho đến hết “4/5 chiều dài một nén hương” và sau đó ép lá xuống nhiệt trong ‘nửa nén hương’. Cuối cùng, người thợ phải để nồi trực tiếp trên ngọn lửa trong vòng 11/12 nén hương.

Không còn là một công cụ thụ động, giờ đây thời gian chính là tác nhân chủ động, quản lý việc sản xuất trà.

Quy trình trong sổ tay Jiang Yaohua tuân theo lời kể trước đó của Ball trong việc duy trì tiêu chuẩn chất lượng cao cho sản phẩm. Nhưng giờ đây nó cũng được dùng để tạo ra một lịch trình một ngày làm việc 18 nén hương – 12 giờ – đầy đủ. Jiang Yaohua đã vạch ra một ngày làm việc để tối đa hóa hoạt động năng suất nhất có thể khi đã cân nhắc giới hạn thể chất của lực lượng lao động. Nhiều thập kỷ sau, một nhà khảo sát xã hội tên Fan Hejun sẽ đến thăm các phường làm trà Huệ Châu và nhận xét về tác động của ngày làm việc 18 nén hương. “Trong thời gian đó,” ông viết, “một ngày rang trà làm tiêu hao hoàn toàn sức mạnh cơ bắp.” Fan Hejun cũng để ý rằng những cây nhang giờ được dùng để điều chỉnh tiền lương của người làm thuê:

Lấy bốn giỏ trà làm một ca, những công nhân lành nghề có thể kiếm được bốn đơn vị tiền công, với mỗi đơn vị trị giá [khoảng 15 xu]. Những người thợ không quen tay chỉ rang được hai giỏ trà mỗi ca cũng chỉ kiếm được, tính bằng 18 nén nhang là hai đơn vị tiền công. Trong lịch trình dày đặc này, các que hương được sử dụng để giữ công nhân làm việc luôn tay, chừa rất ít thời gian cho thái độ linh hoạt trong việc hoàn thành nhiệm vụ như thời của Ball.

Vì vậy, dù các thương nhân Huệ Châu vẫn tiếp tục đốt hương để tính thời gian như trước, nhưng đặc điểm ứng dụng của chúng giờ đã thay đổi. Ban đầu, những người làm trà quan tâm đến việc tạo ra sản phẩm tốt nhất, tức là tập trung vào việc tiêu thụ trà. Dần dần, các thương gia sử dụng nhang để điều chỉnh hoạt động với mục đích tối đa hóa sản xuất. Việc chấm công không còn là một chức năng thụ động của quy trình tự nhiên trong quá trình tinh chế trà; các đơn vị thời gian trừu tượng giờ đây là để chủ động điều chỉnh hoạt động của lực lượng lao động. Đây không phải là ‘sự chuyên chú’ mù quáng tiền công nghiệp như trong mô tả của Landes, mà là một động lực mạnh mẽ để nâng cao năng suất lao động của con người.

Dưới áp lực phải lao động lâu nhất và hiệu quả nhất có thể, các quản đốc Huệ Châu đã đẩy công nhân đến cảnh kiệt quệ. Fan Hejun đã viết rằng những thợ rang trà phải “dựa vào bếp lửa” là nơi “mặt trời và bếp lửa như nướng cả thợ”. Ông mô tả một xưởng trà vào những năm 1930 ở Đồn Khê, như một cái “lồng hấp”, ông ghi chép rằng: “Vì lao động quá vất vả, nên đôi khi thợ bị say nắng, tới mức gục xuống mà chết”.

Tại sao thương lái lại khắc nghiệt với nhân công đến thế? Ngắn gọn mà nói, đó là vì sự cạnh tranh. Xuất khẩu trà đã tăng vọt vào cuối thế kỷ 19, đạt đỉnh 295 triệu cân vào năm 1886. Tuy nhiên, giá đã bắt đầu giảm ngay từ cuối những năm 1860, phản ánh tình trạng cung vượt quá cầu từ các xưởng làm trà Trung Quốc. Trong những thập kỷ đầu sau khi mở cửa các cảng hiệp ước, cha của Jiang Yaohua, Jiang Wenzuan, đã chuyển công việc kinh doanh trà từ Quảng Châu đến Thượng Hải và gặp nhiều khó khăn. Ông viết cho người vợ lẽ của mình rằng: ‘Việc kinh doanh của gia đình đang gặp khủng hoảng; Sớm rồi sẽ chẳng còn gì nữa.” Vào cuối thế kỷ 19, cạnh tranh từ các đồn điền chè ở miền đông Ấn Độ và Tích Lan đã tàn phá công nghiệp trà Trung Hoa.

Thoạt đầu, các thương gia không biết điều gì đang xảy ra cả. Một quan chức nhà Thanh đã viết vào năm 1887: “Những người có kinh niên trong nghề cũng phải lao đao, cứ như họ lạc lối không biết phải làm sao”. Đến năm 1903, một báo cáo ở Thượng Hải có thể tuyên bố rằng ” Tích Lan hiện đang sản xuất rất nhiều trà … điều này sẽ khiến các thương nhân Trung Hoa càng khó khăn hơn”. Đối mặt với đối thủ như thế, Jiang Yaohua và những người buôn trà khác đã săn lùng mọi biện pháp để cắt giảm chi phí.

Các phường làm ô long ở vùng núi Vũ Di cũng có những kỷ luật lao động tương tự. Giống như ở Huệ Châu, các công cụ và công nghệ dường như không thay đổi suốt nhiều thế kỷ, nhưng tập trung vào đặc tính sử dụng liên tục công nghệ sẽ khiến ta hiểu sai về đặc điểm và bản chất của sản xuất, đời sống kinh tế của người sản xuất. Các nhà thầu lao động, được gọi là baotou, đến từ vùng lân cận Giang Tây, thậm chí còn không dùng cách đốt nhang. Thay vào đó, họ sử dụng một loạt các phong tục và thần thoại để quản lý nhân công, phần lớn là nông dân làm việc bán thời gian từ thành phố Thượng Nhiêu, nơi đang bị suy thoái kinh tế. Vào những năm 1930, nhà khảo sát Lin Fuquan đã quan sát những truyền thống đó và coi chúng là chủ nghĩa thần bí mê tín.

Người công nhân chậm chạp nhất sẽ phải phân loại trà dưới ánh đèn dầu từ chập choạng tối cho đến rạng sáng

Ví dụ, Lin thuật lại, các nhà thầu trên núi Vũ Di, sẽ thông báo giờ nghỉ mỗi ngày mà không hề báo trước. Trong giờ giải lao, người hái trà đưa giỏ của mình cho baotou, người này sẽ cân và ghi chép lượng lá ngay tại chỗ. Chiếc “cân bí mật” bất ngờ này có nguyên lý hoạt động rất đơn giản, nhưng có chức năng tương tự những cây nhang Huệ Châu. Bằng cách tạm dừng hái trà cùng một lúc, người đứng đầu đã thiết lập được một lượng “đầu vào” cơ bản để đo lường “năng suất đầu ra” của mỗi công nhân và hơn nữa là hiệu quả tương đối. Những người làm trà lành nghề không hề có ý định canh thời gian bằng các thiết bị máy móc. Thế nhưng họ vẫn có những cách đơn giản và hiệu quả để thưởng cho những công nhân hái được nhiều trà nhất và phạt những người có năng suất kém nhất. Lin Fuquan thấy rõ rằng: ‘Tiền lương hái trà được xác định dựa trên nguyên tắc năng suất, với các quy tắc tỉ mỉ và thưởng phạt rõ ràng.” Một lần nữa ta thấy, không cần phải có đồng hồ cơ khí để áp đặt năng suất cho người lao động.

Sau khi được hái, lá trà sẽ được để ra ngoài để oxy hóa vào buổi chiều, làm lá có màu sẫm đặc biệt. Vào ban đêm, các công nhân được gọi dậy sau giấc ngủ ngắn và đến các xưởng, nơi họ dành cả đêm để rang, lăn và sàng lọc lá trà dưới sự giám sát chặt chẽ. Một lần nữa, các quản đốc sẽ thưởng và phạt họ dựa trên tốc độ làm việc. Một công nhân lành nghề có thể hái được bảy giỏ trong một ca, và người chậm nhất thì chỉ bốn. Trên thực tế, người chậm chạp nhất sẽ phải phân loại trà dưới ánh đèn dầu từ chập choạng tối cho đến rạng sáng, lúc đó ca hái trà của ngày hôm sau sẽ lại bắt đầu. Đó là một hệ thống chính xác và không ngừng nghỉ, được diễn tả lại trong một bài ca của những người lao động như sau:

Thanh minh quá liễu cốc vũ biên,
tưởng khởi Sùng Liên chân khả yên.
Nhật nhật trạm tại trà thủ biên,
tam dạ một hữu lưỡng dạ miên

Theo cả kinh tế học tân cổ điển và kinh tế học Marx, chủ nghĩa tư bản hiện đại có thể chỉ phát triển với sự chuyển nhượng hoàn toàn và hàng hóa đất đai, lao động và nguyên liệu thô, tức là tư hữu hóa tài sản chung và giải thể các chế độ xã hội cũ hơn như nông dân, chế độ nô lệ và chế độ nông nô. Chỉ khi đó, nông dân và dân tự do mới thấy mình hoàn toàn nằm dưới áp lực của thị trường hoặc lạc quan hơn mà nói, chỉ khi đó, các doanh nghiệp mới có thể phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất. Những bước như vậy được coi là cần thiết để nuôi dưỡng một ý nghĩa hiện đại, công nghiệp về thời gian – được thể hiện đầy đủ nhất trong đồng hồ cơ giới – để định hình các điều kiện sản xuất và làm việc công nghiệp.

Tuy nhiên, với ngành công nghiệp trà Trung Hoa, tầng lớp nông dân trồng trà trên đất của mình, và ngôi nhà của họ chính là xưởng sản xuất. Thợ chính là thành viên gia đình làm không công hoặc lao động nhập cư làm việc theo thời vụ. Thực tế sản xuất trà tại Trung Hoa đã đi ngược lại với kinh nghiệm xuất phát từ lịch sử Âu Mỹ của cả kinh tế học Marx và tân cổ điển truyền thống. Hai trường phái đó cho rằng những cá nhân vô sản và tối đa hóa lợi nhuận là thứ đối lập với hình ảnh truyền thống (và thuộc địa) nông nô, nô lệ và nông dân. Tuy nhiên, tại các phường làm trà trên khắp Trung Hoa, các thương gia và quản đốc đã nhanh nhạy thích ứng với việc giá quốc tế giảm bằng cách đo lường và điều tiết thời gian làm việc của nhân viên một cách vô cùng công nghiệp.

Những hình ảnh trên đã cho chúng ta thấy rằng cuộc sống hàng ngày của nông dân Trung Hoa ở thế kỷ 19 vốn đã bị logic thị trường chi phối, hơn hẳn những gì mà những người đương thời thừa nhận. Các nhà văn Trung Hoa cuối thời phong kiến thường mô tả nông thôn như một tập hợp các tiểu điền độc lập nhưng thực tại kinh tế thì phức tạp hơn nhiều. Xưởng chè của Jiang Yaohua phải dựa vào các khoản vay từ các nhà tài chính có trụ sở tại Thượng Hải và các cảng hiệp ước khác. Đối với các hộ trồng trà, trà chiếm 60% thu nhập trung bình và thậm chí điều này cũng không thể đảm bảo được việc ăn no mặc ấm. Để chống chọi qua mùa đông, các hộ gia đình ở Huệ Châu thường vay nợ ngũ cốc, và đổi lại, họ trả bằng vụ chè vào mùa xuân. Thoạt nhìn, chè được bán ra là sản phẩm của người nông dân làm ra và do đó, là tài sản của họ. Nhưng trên thực tế, lá trà đã được bán cho những con buôn từ lúc còn ở trên cây. Vì vậy, bất chấp những lời khuyên can từ bỏ cây trồng hoa màu và quay trở lại cuộc sống nông nghiệp tự cung tự cấp từ các quan chức nhà Thanh như Biện Bảo Đệ (1824-93) và tổng đốc Phúc Kiến, những gia đình này không thể nào chỉ trồng trọt vì nhu cầu của họ. Để tồn tại, họ cần sản xuất cho thị trường và nói cách khác, phải đối mặt với sự cạnh tranh từ khắp Châu Á.

Sự kết hợp giữa các hình thái xã hội nghìn năm tuổi với các động lực kinh tế hiện đại cũng là đặc trưng thường thấy trong việc sản xuất các mặt hàng cùng thời khác với trà tại đầu thời kỳ hoàng kim hiện đại của nó. Mía đường và sợi bông được trồng bởi những người nô lệ châu Phi, hàng dệt được kéo và dệt bởi những phụ nữ trẻ bị cưỡng bức ở Anh, và thuốc phiện được cung cấp thông qua những người nông dân Patna chịu mức thuế cao cắt cổ.

Mức tăng năng suất này một phần nhờ các chiến thuật thông minh, đầy tính tổ chức, và nhờ vào việc đánh đập, roi vọt và giám sát lực lượng lao động ràng buộc.

Đối với ngành công nghiệp trà tại thuộc địa Assam ở Ấn Độ, đối thủ chính của trà Trung Hoa, các chủ đồn điền ở Anh dựa vào hệ thống thỏa thuận lao động mà các quan chức coi là sự mở rộng của luật ‘chủ và tớ’ hàng trăm năm tuổi. Đây không phải là sự thỏa thuận tự do. Thế là, những người quản đốc đã ép buộc những ‘coolie’ bị ‘bó buộc sinh sống hợp pháp’ , tuyển mộ từ khắp miền đông Ấn Độ và chủ yếu là phụ nữ, để dọn đất, hái và rang trà. Chủ đồn điền người Anh David Crole đã nhận xét trong cuốn sách Tea (1897) của mình, rằng:

Cu li làm việc nhanh hơn so với 20 hoặc 30 năm trước đây. Chẳng hạn, nhiệm vụ hằng ngày (nirrik) đối với công việc như cuốc đất đã tăng từ 25 đến 30 phần trăm so với yêu cầu.

Những thợ trồng và giám sát đã đạt được những mức tăng năng suất này một phần nhờ các chiến thuật thông minh, đầy tính tổ chức, vàn nhờ vào việc đánh đập, roi vọt và giám sát sát sao lực lượng lao động ràng buộc. Kết quả của những nỗ lực và chuyển đổi phi thường này trên khắp châu Á chính là trà, chỉ sau nước, đã trở thành đồ uống được tiêu thụ rộng rãi nhất trên thế giới – một vị thế chưa từng thay đổi từ đó đến nay.

Những người khuân vác ở miền Tây Trung Quốc — đôi khi bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Họ đã vận chuyển những gánh trà dọc theo những con đường mòn đến Tây Tạng trong nhiều thế kỷ cho đến khi những chiếc xe tải thay thế họ vào giữa những năm 1900.  Ảnh: Getty Images

Ở Trung Quốc, cũng như ở Ấn Độ và nhiều nơi trên thế giới, chủ nghĩa tư bản thường thắng thế bằng cách thay thế các kỹ thuật và công nghệ ‘truyền thống’. Ví dụ, trong ngành trà Trung Hoa, việc sử dụng hương để canh thời gian là chuyện thường thấy. Tuy nhiên, việc nghĩ ra các phương pháp đặc biệt để kết hợp chúng thành một chế độ tích lũy tư bản hiện đại thì quả là chưa từng có.

Những thập kỷ gần đây, quá trình toàn cầu hóa đã cho thấy rõ mức độ bành trướng của tư bản đã luôn không đồng đều và phụ thuộc vào con đường ít bị cản trở nhất, chiếm đoạt bất cứ công nghệ, vật liệu và nhân lực nào có thể có được. Ngày nay, sự phân công lao động toàn cầu không chỉ bao gồm các công ty sử dụng nhiều vốn, tích hợp theo chiều dọc, mà còn, đặc biệt là trong thế giới hậu thuộc địa, mạng lưới ngang các nhà máy sử dụng nhiều lao động – một số nằm trong phòng khách của các hộ gia đình bình thường – giống các xưởng trà của Trung Quốc trước đây. Chính vì cường độ lao động như vậy, các nhà máy sản xuất ô tô, dệt may và điện tử đã trở nên rẻ hơn, linh hoạt hơn và dễ thích ứng hơn với các thay đổi thị trường so với tiền nhiệm của chúng từ giữa thế kỷ trước. Những chiến lược như vậy đã thúc đẩy sự ‘trỗi dậy’ của Đông Á vào cuối thế kỷ 20 và kể từ đó, chúng đã được xuất khẩu sang một Trung Quốc đang mở rộng, nơi chính phủ hiện đang tìm cách khôi phục vị thế thế giới trước đây của đất nước này, vị thế từ thời kỳ ‘chinoiserie’.

Câu chuyện lịch sử châu Á là nền tảng cho sự chuyển đổi của nền kinh tế chính trị toàn cầu kể từ cuối thế kỷ 20, nhưng lại thường bị bỏ quên do chủ nghĩa tư bản tân tự do vốn chỉ tập trung vào một số ít trí thức Âu Mỹ. Đổi lại, những trí thức này phải vật lộn để được hiểu được sự trỗi dậy của Trung Quốc mà không hiểu sâu rằng chủ nghĩa tư bản từ lâu đã gắn bó với khu vực này đến thế nào. Nếu mục tiêu của chúng ta là để có được một bức tranh toàn cảnh hơn, thì điểm khởi đầu đáng quý là phải nhận ra rằng Trung Quốc, và châu Á nói rộng hơn, không chỉ là kẻ bên lề của sự ra đời của chủ nghĩa tư bản vào thế kỷ 18 ở Châu Âu. Ngay từ đầu, cư dân các nơi này chính là người đã giúp thúc đẩy mạch tích lũy vốn trên toàn cầu – đặc biệt là thông qua mậu dịch trà – dẫn đến những áp lực nằm ngoài cá nhân đối với việc bành trướng và tăng tốc. Những động lực xã hội này, được hòa vào phần còn lại của thế giới công nghiệp, thường không bị chú ý, bởi vì chúng thể hiện theo những cách đặc thù bản địa và đặc trưng của riêng mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất