a
§ Tác giả: Michael Hobbes | Nguồn: Highline
Biên dịch: Dox | Hiệu đính:  za
19/06/2022

“Tớ luôn cảm thấy hưng phấn khi dùng hết chỗ ma túy đá đó.”

“Hít một liều, rồi cậu sẽ cảm thấy thôi thúc phải dùng tiếp, tiếp nữa. Tới khi hết thuốc, cảm giác cứ như thể: Ôi, cuối cùng cũng trở lại thực tại rồi. Suốt cuối tuần, tớ đắm chìm trong những buổi thác loạn xuyên màn đêm, để rồi cảm thấy rã rời cho tới tận thứ Tư. Khoảng hai năm trước, tớ chuyển sang dùng cocaine, như vậy mới có thể còn sức làm việc vào ngày kế tiếp.”

Nói vọng ra từ giường bệnh, 6 tầng phía trên Seattle, là bạn tôi – Jeremy. Cậu không kể chi tiết việc dùng thuốc quá liều ngày hôm đó, chỉ bảo rằng một người lạ đã gọi cấp cứu, và giờ cậu ở đây.

Tôi không ngờ sẽ có cuộc đối thoại với Jeremy trong hoàn cảnh như thế này. Cho tới vài tuần trước, tôi vẫn chẳng hay biết cậu ấy còn dùng những gì nặng hơn một ly martini. Cậu ấy gọn gàng, thông minh, và ăn theo chế độ không gluten – một kiểu trai công sở chuẩn mực. Lần đầu tiên gặp nhau vào ba năm trước, cậu ấy hỏi tôi về nơi tập CrossFit1. Bữa nay, giữa phòng bệnh, khi tôi hỏi thăm về cuộc sống nơi bệnh viện, điều đầu tiên Jeremy nhắc tới là ở đây không có Wi-Fi – còn một chồng email cần giải quyết.

“Việc dùng thuốc là tổng hợp của sự buồn chán và nỗi cô đơn,” cậu chia sẻ. “Tớ từng trở về nhà mỗi tối thứ Sáu, mệt lả sau cả tuần làm việc, và nghĩ ‘Giờ thì làm gì?’ Thế là tớ kiếm ít ma túy và tìm trên mạng xem có bữa tiệc nào quanh đây không. Hoặc là sẽ xem phim một mình.”

Jeremy không phải người bạn đồng tính duy nhất của tôi đang vật lộn với các vấn đề. Còn có Malcolm, người trừ khi phải tới cơ quan thì suốt ngày chôn chân trong nhà, bị bủa vây bởi các chứng lo âu. Hay Jared, người mà bệnh trầm cảm và chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình2 đã thảy tuột đi cuộc sống và tất cả các mối quan hệ xã hội của cậu ấy, tới khi cả vòng tròn quan hệ chỉ còn lại tôi, phòng gym, và những buổi làm tình qua mạng. Và cả Christian, người đàn ông thứ hai tôi từng hôn, đã tự tử ở tuổi 32, hai tuần sau khi chia tay bạn trai. Christian đã tới tiệm tạp hóa bán đồ chuẩn bị tiệc, thuê một bình khí heli, và bắt đầu hít. Cậu nhắn tin bảo người yêu cũ qua, chỉ để thấy cậu đã qua đời.

Suốt nhiều năm, tôi đã để ý tới sự khác nhau giữa nhóm bạn dị tính và nhóm bạn đồng tính của mình. Trong khi một nửa vòng tròn xã hội này đã biến chuyển thành các mối liên hệ, tụi nhỏ, và vùng ngoại ô, thì nửa còn lại đang đối diện với sự cô lập và lo lắng, lạm dụng chất kích thích, và quan hệ tình dục không an toàn.

Không một câu chuyện nào trong số này khớp với những gì tôi đã được nghe, những điều tôi đã nói với chính mình. Giống như tôi, Jeremy lớn lên không bị bạn bè bắt nạt hay bị gia đình từ mặt. Cậu không nhớ nổi liệu có bao giờ mình bị gọi là đồ bê-đê hay chưa. Cậu được nuôi dưỡng bởi một người mẹ đồng tính nữ ở West Coast. “Bà ấy chia sẻ điều đó với tớ khi tớ 12,” Jeremy bảo. “Và sau hai câu nói nữa thì bà bảo bà biết tớ là gay. Thậm chí, lúc ấy tớ mới lờ mờ nhận ra điều đó.”

group of people under garment
Trong suốt khoảng 30 năm qua, cộng đồng người đồng tính đã đạt được những công nhận về luật pháp và xã hội, một tiến bộ vượt bậc hơn bất kì nhóm nhân khẩu nào trong lịch sử. Ảnh: Unsplash

Jeremy và tôi giờ đã 34 tuổi. Trong suốt khoảng 30 năm qua, cộng đồng người đồng tính đã đạt được những công nhận về luật pháp và xã hội, một tiến bộ vượt bậc hơn bất kì nhóm nhân khẩu nào trong lịch sử. Mới chục năm trước, khi tôi còn là một thanh niên, hôn nhân đồng giới vẫn là thứ khao khát xa vời bị nghi ngại trên khắp các mặt báo. Vậy mà bây giờ, nó đã được Tòa án Tối cao chấp thuận. Tỉ lệ ủng hộ dành cho hôn nhân đồng giới đã tăng từ 27% vào năm 1996 lên 61% vào năm 2016. Nền văn hóa đại chúng đã đi từ “Cruising” tới “Queer Eye,” tới “Moonlight.” Các nhân vật đồng tính ngày nay đã phổ biến tới nỗi họ còn được phép có các khiếm khuyết.

Tuy vậy, ngay cả khi chúng ta vui mừng trước tốc độ và phạm vi của sự thay đổi này, tỉ lệ trầm cảm, cô đơn và lạm dụng chất kích thích trong nhóm người đồng tính vẫn không sụt giảm so với hàng thập kỷ trước. Theo các nghiên cứu khác nhau, người đồng tính hiện nay có xu hướng tự tử nhiều hơn từ hai tới mười lần so với người dị tính. Họ cũng có khả năng rơi vào các giai đoạn trầm cảm (major depressive episode) nhiều gấp hai lần. Và những tổn thương này có xu hướng tập trung nhiều hơn ở nam giới. Trong một cuộc khảo sát những người đồng tính nam mới tới thành phố New York, ba phần tư trải qua các vấn đề liên quan tới lo âu và u sầu, lạm dụng thuốc và chất có cồn, hoặc quan hệ tình dục không an toàn – hoặc kết hợp của các vấn đề trên. Mặc cho các buổi diễn thuyết và nói chuyện về “chosen families” (gia đình được lựa chọn), người đồng tính nam có ít bạn thân hơn so với người dị tính hay đồng tính nữ. Trong một khảo sát do các cơ sở y tế HIV thực hiện, một người tham gia đã nói với nhóm nghiên cứu viên rằng: “Vấn đề không phải là liệu họ (người đồng tính nam – ND) có biết cách cứu rỗi cuộc đời của mình hay không, mà là liệu họ thấy cuộc sống ấy đáng níu giữ.”

Tôi muốn nói rõ mình sẽ không tỏ vẻ khách quan khi đề cập tới các vấn đề này. Là một người đồng tính nam và độc thân, tôi được nuôi dạy bởi một cặp vợ chồng PFLAG3 và lớn lên trong bầu không khí bao dung và tự do. Tôi chưa từng biết ai đã chết vì AIDS, cũng chưa bao giờ phải chịu sự kỳ thị hay phân biệt đối xử. Tôi công khai tính dục của mình với thế giới nơi hôn nhân, một cuộc sống trung lưu nơi ngoại ô, và sự bình đẳng trong các mối quan hệ không chỉ là điều có thể, mà được coi như mặc định. Tôi cũng từng tham gia trị liệu tâm lý, còn nhiều hơn số lần tải rồi lại xóa Grindr.4

Christopher Stults, nhà nghiên cứu về sự khác biệt sức khỏe tâm thần giữa người dị tính và đồng tính nam, cho rằng “Sự bình đẳng trong hôn nhân và các thay đổi về địa vị pháp lý là những tiến bộ với một bộ phận người đồng tính nam.” “Nhưng với rất nhiều người khác, họ có chút chán nản. Kiểu như, giờ thì chúng ta đã có tư cách hợp pháp, nhưng vẫn còn điều gì đó chưa hoàn chỉnh.”

Trạng thái trống rỗng này, hóa ra, không phải là một vấn đề kiểu Mỹ. Tại Hà Lan, nơi hôn nhân đồng giới đã được pháp luật công nhận từ năm 2001, người đồng tính nam vẫn có khả năng mắc chứng rối loạn cảm xúc nhiều gấp ba lần người “thẳng,” và có xu hướng tự tử và tự hại nhiều gấp 10 lần. Ở Thụy Điển, nơi việc chung sống dân sự (civil union)5 được hợp pháp hóa từ năm 1995 và hôn nhân hoàn chỉnh được chấp thuận từ 2009, tỉ lệ tự tử ở người đồng tính nam đã đạt gấp ba lần con số đó ở nhóm người nam giới lấy phụ nữ.

Tất cả những số liệu đau lòng này đều dẫn tới cùng một kết luận, đó là việc sống cuộc đời như một người đồng tính nam vẫn còn rất cô đơn và đơn độc. Nhưng có tin tốt rằng, các nhà nghiên cứu dịch tễ học và khoa học xã hội đang tiến gần hơn tới việc thấu hiểu lý do tại sao.

Dù có nhận ra hay không, chúng ta lớn lên với những vết hằn của quá khứ.

Travis Salway, nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Kiểm soát Dịch bệnh British Columbia ở Vancouver, đã dành 5 năm qua để tìm hiểu vì sao người đồng tính nam tiếp tục có các hành vi tự tử.

“Một đặc trưng thường gắn với người đồng tính nam là sự cô đơn và khép mình,” anh cho hay. “Nhưng giờ, khi đã có hàng triệu người công khai là đồng tính nam, họ vẫn cảm thấy cùng một sự xa cách.”

Hôm nay, tôi sẽ ăn trưa với Salway tại một tiệm mỳ. Giờ là tháng 11. Anh bước tới, mặc quần jeans, đi ủng, tay đeo nhẫn cưới.

“Một đám cưới nam-nam hả?” Tôi hỏi.

“Mối quan hệ một – một (monogamous)6 hẳn hoi,” anh đáp. “Tôi nghĩ mọi người sẽ vinh danh chúng tôi mất.”

Salway lớn lên ở Celina, Ohio, một vùng nhà xưởng cũ với khoảng 10.000 người. Anh mô tả, ở đó, tuổi 21 sẽ là cuộc cạnh tranh giữa việc đi học đại học và lập gia đình. Anh ấy bị bắt nạt vì là gay từ trước cả khi anh nhận ra con người thật của mình. “Tôi quá thùy mị và còn tham gia dàn hợp xướng,” Jeremy kể. “Và như vậy đã đủ lý do.” Thế nên anh ấy phải cẩn thận. Anh hẹn hò với các cô gái suốt thời phổ thông và luôn cố gắng né tránh các chàng trai – cho dù là thân mật hay mới chỉ là chủ ý – mãi tới khi rời thị trấn.

Vào cuối những năm 2000, Jeremy đã trở thành nhà hoạt động xã hội và nhà dịch tễ học, và giống như tôi, bị cuốn hút bởi sự khác biệt giữa nhóm bạn thẳng và nhóm bạn gay của mình. Anh bắt đầu thắc mắc liệu những câu chuyện anh được nghe về những người đồng tính nam và sức khỏe tâm thần của họ đã bao giờ hoàn chỉnh.

Khi những sự khác biệt này lần đầu tiên trở nên rõ ràng vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, các bác sĩ cho rằng đó là dấu hiệu của đồng tính luyến ái (homosexuality), một trong nhiều biểu hiện của cái được gọi là nghịch giới tính (sexual inversion) lúc bấy giờ. Khi các phong trào về quyền của người đồng tính đạt được những bước tiến, đồng tính luyến ái bị loại bỏ khỏi Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần7, và các giải thích dần quy về chấn thương tâm lý. Người đồng tính nam bị xa lánh bởi chính gia đình, tình yêu của họ là trái pháp luật. Không ngạc nhiên khi tỉ lệ tự tử và trầm cảm đã lên tới mức đáng báo động. “Tôi cũng đã nghĩ như vậy,” Salway nói, “rằng việc tự tử là hệ quả sau cùng của những điều đã xảy ra, hoặc được tích tụ từ thời niên thiếu và không tìm thấy cách giải phóng nào khác.”

Rồi anh ấy tham chiếu với dữ liệu. Vấn đề không chỉ nằm ở việc tự sát. Nó cũng không những tác động tới mỗi lứa tuổi vị thành niên hay chỉ xảy ra ở những khu vực vốn kỳ thị đồng tính. Anh nhận thấy rằng người đồng tính nam, ở mọi nơi và mọi nhóm tuổi, có tỉ lệ mắc các bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu són, rối loạn cương dương, dị ứng và hen suyễn,… cao hơn. Salway dần phát hiện ra rằng ở Canada, số người đồng tính nam chết do tự sát còn nhiều hơn số người chết vì bệnh AIDS, và điều này đã diễn ra hàng năm trời. (Tình hình tương tự có thể xảy ra ở Mỹ, anh nói, nhưng tới giờ vẫn chẳng ai mảy may tìm hiểu).

“Chúng tôi ghi nhận các trường hợp đồng tính nam, những người chưa bao giờ bị quấy rối hay công kích về thể chất và tình dục, có những biểu hiện căng thẳng hậu sang chấn tương tự như nhóm người đã bị hãm hiếp hay trải qua các tình huống chiến đấu,” Alex Keuroghlian, nhà tâm thần học về sức khỏe LGBT tại Trung tâm Nghiên cứu Dân số, Viện Fenway cho biết. Những người đồng tính nam, như Keuroghlian nói, “chủ tâm chờ đợi sự chối từ.” Chúng ta8 (những người đồng tính – ND) liên tục rà soát các tình huống xã hội theo những lối mòn không hòa hợp được. Chúng ta vật lộn để khẳng định bản thân, và luẩn quẩn trong một vòng thất bại.

Tuy vậy, điều kỳ lạ nhất của các triệu chứng này là việc phần lớn chúng ta không nhận thức được các biểu hiện đó. Từ khi kiểm tra dữ liệu, Salway bắt đầu phỏng vấn những người đồng tính nam còn sống sau những nỗ lực tự tử.

“Khi tôi đặt câu hỏi tại sao họ lại cố gắng tự sát, hầu hết không ai đề cập tới việc mình đồng tính.” Anh chia sẻ, thay vào đó, họ nói rằng họ đang có các vấn đề về quan hệ, sự nghiệp, tiền bạc. “Họ không cảm thấy tính dục là khía cạnh nổi bật nhất của cuộc sống. Tuy vậy, nó lại có sức nặng đủ để kết liễu họ.”

Thuật ngữ các nhà nghiên cứu sử dụng để lý giải hiện tượng này là “căng thẳng ở nhóm thiểu số” (minority stress). Mô tả một cách đơn giản nhất, việc là thành viên của một nhóm thiểu số đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn. Khi bạn là người phụ nữ duy nhất trong buổi họp hay là chàng trai da đen duy nhất trong ký túc xá, bạn sẽ phải suy nghĩ và thể hiện ở một mức cao mà không ai trong nhóm đa số thực hiện. Là một người nữ trong văn phòng, dù có lựa chọn đối diện hay né tránh sếp, liệu bạn có đang rơi vào khuôn mẫu của phụ nữ nơi công sở? Nếu bạn không xuất sắc hoàn thành bài thi, liệu mọi người sẽ nghĩ đấy là vì lý do chủng tộc? Hoặc ngay cả khi bạn không gặp phải những dấu hiệu bệnh rõ ràng, hãy cẩn thận với những biến chứng theo thời gian.

Với người đồng tính, những ảnh hưởng này còn bị phóng đại bởi sự thật rằng thân phận thiểu số của chúng ta không được công khai. Chúng ta không chỉ phải nỗ lực làm việc nhiều hơn và trả lời tất cả những khúc mắc nội tâm khi ta 12 tuổi, mà còn phải làm những điều đó trong bí mật.

John Pachankis, nhà nghiên cứu về căng thẳng tại Đại học Yale, cho rằng những tác động thực sự sẽ xảy ra trong vòng khoảng 5 năm từ khi chúng ta nhận ra tính dục của bản thân tới khi bắt đầu chia sẻ điều đó với người khác. Ngay cả một kích động nhỏ trong thời gian này có thể để lại những ảnh hưởng lớn – không chỉ vì chúng gây nên các đau khổ, mà còn vì chúng ta bắt đầu tin rằng chúng sẽ tới. “Không ai sẽ gọi bạn là queer chỉ để bạn điều chỉnh các hành vi của mình sao cho không bị gọi như thế,” Salway nói.

James, giờ đã ngót nghét tuổi 30, bảo tôi rằng khi anh ấy học lớp 7 và còn “kín,” một người bạn nữ cùng lớp đã hỏi anh nghĩ gì về một cô gái nọ. “Thì, trông cậu ấy cũng giống con trai,” James trả lời không nghĩ ngợi, “nên có lẽ, tớ sẽ làm tình với cậu ấy.”

Vừa thốt lời, anh hoảng sợ. “Kiểu như, liệu có ai nhận ra điều tôi vừa nói? Liệu họ có nói với người khác tôi đã nói vậy?”

Tình cảnh này giống hệt cách tôi đã trải qua tuổi thanh niên của mình: thận trọng, lỡ lầm, hoảng loạn, rồi cố gắng sửa sai. Có lần, ở công viên nước, một người bạn cấp 2 đã bắt gặp tôi đang đưa mắt nhìn cậu ta khi chúng tôi đang đợi trượt máng. “Cậu mới nhìn tôi đấy à?” cậu ấy hỏi. Tôi cố gắng lảng tránh – “Xin lỗi, cậu không phải gu của tôi” – và mất cả mấy tuần sau đấy lo nghĩ cậu ấy sẽ nghĩ gì về mình. Nhưng cậu ấy chưa từng đề cập về việc này. Tất cả những áp lực chỉ tự diễn ra trong đầu tôi.

two men hugging each other inside bar
Với người đồng tính nam, tổn thương nằm ở bản chất lâu dài của vấn đề. Ảnh: Unsplash

“Với người đồng tính nam, tổn thương nằm ở bản chất lâu dài của vấn đề,” William Elder, một nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu về chấn thương tình dục, cho biết. “Sau khi trải qua một biến cố, bạn sẽ hình thành một hậu chấn tâm lý (PTSD) và rối loạn này có thể được điều trị trong vòng 4 tới 6 tháng nhờ trị liệu.” Nhưng với căng thẳng tích lũy qua hàng năm trời – những điều vụn vặt mỗi lần bạn nghĩ, Liệu có phải đấy là vì tính dục của mình? – vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Hay như cách Elder gọi, che giấu bản năng tình dục (being in the closet) giống như khi có ai đó huých cùi chỏ liên tục về phía bạn, hết lần này tới lần khác. Lúc đầu, bạn có chút khó chịu. Sau một hồi, bạn tức điên lên. Rồi dần dần, bạn ám ảnh và nghĩ liên tục về nó.

Chẳng mấy chốc, sự căng thẳng của việc phải liên tục đối diện với nó mỗi ngày sẽ lớn dần trong cơ thể bạn.

Việc lớn lên đối với người đồng tính có vẻ khó khăn như việc lớn lên trong túng quẫn. Một nghiên cứu năm 2015 đã chỉ ra rằng người đồng tính nam sản sinh ít cortisol, hóc môn điều tiết mức độ căng thẳng, hơn. Katie MacLaughlin, đồng tác giả nghiên cứu, cho rằng cơ thể của họ hoạt động quá năng nổ và liên tục trong thời niên thiếu tới nỗi nó trở nên trì trệ khi họ trưởng thành. Năm 2014, các nhà nghiên cứu đã so sánh nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch giữa những thiếu niên đồng tính nam và nhóm thiếu niên dị tính. Họ nhận thấy rằng những đứa trẻ đồng tính nam nhìn chung không có nhiều “các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống” hơn nhóm dị tính, nhưng với nhóm đồng tính nam trải qua nhiều biến cố, họ chịu nhiều tổn thương ở hệ thần kinh hơn.

Annesa Flentje tại trường Đại học California, San Francisco đã nghiên cứu chuyên sâu về hệ quả của căng thẳng nhóm thiểu số lên biểu hiện gen. Tất cả những áp lực nhỏ nhặt ấy, kết hợp cùng sự thích nghi của chúng ta với chúng, có thể tạo thành “những lối suy nghĩ tự động, không được thách thức hay loại bỏ ngay cả sau 30 năm.” Cho dù chúng ta có nhận thức được điều đó hay không, cơ thể chúng ta sẽ phát triển cùng với những dấu ấn này. “Một đứa trẻ không có những công cụ để xử lý các căng thẳng, và khi lớn lên, không nhìn nhận nó như là một sang chấn,” John, một cố vấn viên đã bỏ việc hai năm trước để đi làm gốm và dẫn tour thám hiểm ở Adirondacks, nói. “Phản xạ bản năng khiến chúng ta xử lý vấn đề hệt như cách một đứa trẻ sẽ làm.”

Ngay cả Salway, người đã dành cả sự nghiệp tìm hiểu về căng thẳng ở nhóm thiểu số, nói rằng có những ngày, việc dạo bộ quanh Vancouver với bạn đời của mình đủ khiến anh cảm thấy bất an. Chưa có ai từng tấn công họ, nhưng đã có vài kẻ sỉ nhục họ nơi công cộng. Việc này không nhất thiết phải tái diễn nhiều lần trước khi bạn bắt đầu có những cảm giác nó sẽ xảy ra, trước khi con tim bạn bắt đầu đập nhanh hơn khi thấy một chiếc xe đang tiến tới.

Thế nhưng, căng thẳng nhóm thiểu số không phải là lý do duy nhất cho một loạt những vấn đề về sức khỏe ở người đồng tính nam. Trong khi những tác động đầu tiên xảy ra trước khi chúng ta công khai với thế giới về bản thân, các ảnh hưởng tiếp nữa, và có thể còn tồi tệ hơn, đến sau đó.

“Từ vòng tay gia đình, trong chốc lát, bạn đã đứng trước cửa câu lạc bộ gay cùng rất nhiều người đang phê thuốc. Đây là cộng đồng của tôi ư? Cái quái gì vậy, nó là một vùng hoang lạc thì đúng hơn.”

Chưa ai từng nói với Adam không được hành động ẻo lả. Nhưng anh ấy, giống như tôi và phần lớn chúng tôi, học được điều đó.

“Tôi không bao giờ lo lắng rằng gia đình mình kỳ thị đồng tính,” anh chia sẻ. “Tôi từng bày trò quấn chăn quanh người như một chiếc váy và nhảy khắp sân sau. Bố mẹ tôi thấy trò này thật dễ thương, thế là họ lấy máy quay ghi lại và cho ông bà tôi xem. Lúc họ xem đoạn băng này, tôi đã trốn phía sau giường vì quá xấu hổ. Lúc bấy giờ, tôi phải tầm 6 hoặc 7 tuổi.”

Trước khi lên phổ thông, Adam đã học được cách kiểm soát tác phong của mình nhuần nhuyễn tới độ không ai nghi ngờ anh đồng tính. Tuy vậy, anh bảo, “tôi không thể tin được ai khác bởi vì tôi có điều đang che giấu. Tôi phải làm mọi việc như một cá thể đơn độc.”

Anh công khai là gay lúc 16 tuổi, rồi tốt nghiệp phổ thông và chuyển tới San Francisco, bắt đầu làm việc cho chương trình phòng chống HIV. Nhưng cảm giác xa cách với người khác không bao giờ tan biến. Anh cố lấp đầy nó “với rất nhiều lần quan hệ tình dục. Đấy là thứ dễ tìm thấy nhất trong cộng đồng người đồng tính. Bạn cố thuyết phục rằng việc giao cấu với ai đó nghĩa là hai người đang có một mối quan hệ thân mật. Thật ra, đó chỉ là tự huyễn.”

Sau cả ngày dài làm việc, anh mệt mỏi trở về nhà. Hít chút cần, rót một ly vang đỏ, anh bắt đầu lướt nhanh ứng dụng hẹn hò để tìm kiếm ai đó làm tình. Có khi, hai hay ba người liên tục. “Ngay khi anh chàng vừa xong ra về, tôi trộm nghĩ, không đủ ‘sướng.’ Thế là tôi sẽ tìm người khác.”

Việc này đã tái diễn trong suốt nhiều năm. Lễ Tạ ơn vừa rồi, Adam về thăm bố mẹ và cảm thấy thôi thúc muốn làm tình vì anh đang quá căng thẳng. Ngay khi tìm thấy đối tác, anh chạy xộc tới phòng bố mẹ, lục lọi trong ngăn kéo để xem họ có ít Viagra nào không.

“Hẳn anh đã cùng quẫn lắm đúng không?” Tôi hỏi.

“Đấy đã là lần thứ ba hoặc thứ tư,” anh đáp.

Adam đang tham gia chương trình 12 bước cai nghiện tình dục. Đã sáu tuần kể từ lần cuối anh quan hệ. Trước đó, khoảng thời gian lâu nhất giữa hai lần là ba hoặc bốn ngày.

“Có những người quan hệ tình dục rất nhiều bởi vì họ thấy nó thú, và điều đó hoàn toàn ổn. Nhưng với tôi, việc này đúng là ‘vắt chày ra nước,’ khi cố kiếm tìm những thứ vốn không ở đó – sự hỗ trợ xã hội, hay tình bạn. Đấy là cách tôi đối phó với cuộc đời. Và tôi liên tục phủ nhận đó là một vấn đề bởi vì tôi liên tục nói với bản thân, ‘Tôi đã công khai, đã chuyển tới San Francisco, thế là xong, và giờ tôi sẽ làm điều một người đồng tính làm.’”

yellow banana fruit on red textile
Ảnh: Unsplash

Trong nhiều thập kỷ, các nhà tâm lý học cũng nghĩ như vậy, rằng những trải nghiệm then chốt trong việc hình thành bản dạng ở một người đồng tính nam đều dẫn tới việc công khai tính dục, rằng một khi chúng ta cảm thấy thoải mái với bản thân, ta có thể bắt đầu một cuộc sống mới cùng những người đã trải qua hoàn cảnh tương tự. Thế nhưng, trong 10 năm qua, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng quá trình hòa nhập cộng đồng đồng tính đang ngày càng khó khăn. Một nghiên cứu công bố năm 2015 đã cho thấy tỉ lệ lo lắng và trầm cảm ở người đồng tính công khai cao hơn so với người vẫn còn giấu kín.

“Nó tương tự như việc bạn là một chú bướm vừa mới thoát xác thì đã bị lột trụi các lý tưởng bởi chính cộng đồng của mình,” Adam ví von. Khi anh ấy bắt đầu công khai, anh nói, “Tôi đã tới khu Tây Hollywood bởi nghĩ rằng đấy là nơi tập trung những người như tôi. Nhưng thực tế, nơi ấy rất kinh khủng. Nó được tạo nên bởi những người đồng tính trưởng thành, và không phải cho những chàng trai tuổi đang lớn. Từ vòng tay gia đình, trong chốc lát, bạn đã đứng trước cửa câu lạc bộ gay cùng rất nhiều người đang phê thuốc. Đây là cộng đồng của tôi ư? Cái quái gì vậy, nó là một vùng hoang lạc thì đúng hơn.”

“Tôi công khai năm 17 tuổi, và tôi không tìm thấy một chốn an yên nào trong cộng đồng này dành cho mình,” Paul, một kỹ sư phần mềm, chia sẻ. ‘Tôi muốn yêu và được yêu như cách bạn vẫn thấy người dị tính yêu nhau trên phim. Nhưng tôi chỉ thấy mình như một con búp bê tình dục biết di động. Nó tệ tới nỗi tôi từng chọn đi tới siêu thị cách nhà 40 phút thay vì đến cửa hàng ở cách tôi có 10 phút, bởi tôi đã quá sợ hãi phải đi qua phố gay.”

Một từ tôi nghe từ Paul và từ tất cả mọi người là “tái sang chấn.” Lớn lên trong cô đơn chồng chất, bạn đi về Castro, Chelsea, hay Boystown, nghĩ rằng cuối cùng bạn sẽ được chấp nhận. Và rồi bạn nhận ra rằng tất cả mọi người ở đây là một mớ hỗn độn khác. Trong thoáng qua, bạn nhận ra mình bị khước từ không phải vì đồng tính, mà vì cân nặng, thu nhập, hoặc chủng tộc. “Đứa trẻ bị bạo hành trong bạn,” Paul nói, “lớn lên và bạo hành chính nó.”

John, một nhà dẫn tour thám hiểm, cho rằng “những người đồng tính nam nói riêng không tử tế với nhau cho lắm.” “Trong nền văn hóa đại chúng, hình ảnh của một drag queen được nhắc tới với tài biến hóa và những tràng cười vang rộn. Nhưng ẩn sâu suốt phần lớn thời thanh niên, chúng ta thực ra đều hoang mang hoặc lừa dối chính bản thân. Thế nhưng ta lại không thoải mái chia sẻ điều đó với người khác, mà lựa chọn đối xử với họ như cách thế giới đã đối xử chúng ta với sự kinh tởm và giận dữ.”

Những người đồng tính nam tôi biết đều mang trong lòng những điều mà người đồng tính khác đã nói hay hành xử với họ. Trong một cuộc hẹn, khi tôi vừa bước tới, anh chàng kia đã đứng phắt dậy rời đi, nói rằng tôi trông thấp hơn so với trên ảnh. Alex, huấn luyện viên thể hình ở Seattle, kể đã từng nghe từ một chàng trai trong đội bơi: “Tôi sẽ từ mặt cậu nếu cậu giao cấu tôi mà không dùng bao.” Còn Martin, một người Anh sống ở Portland và đã tăng gần 5 ký từ khi chuyển tới thành phố, nhận được tin nhắn trên Grindr – vào ngày Giáng sinh: “Cậu đã từng rất quyến rũ. Thật xấu hổ khi thấy cậu bây giờ.”

Những người đồng tính nam tôi biết đều mang trong lòng những điều mà người đồng tính khác đã nói hay hành xử với họ.

Đối với các nhóm thiểu số khác, việc sống trong cộng đồng của những người cùng chia sẻ hoàn cảnh với họ có liên hệ mật thiết tới khả năng gặp phải các lo âu và u sầu thấp hơn. Bạn dễ dàng kết giao với những người có thể thấu hiểu bạn. Nhưng đối với người đồng tính, tình huống ngược lại xảy ra. Một vài nghiên cứu đã khám phá ra rằng việc chung sống cùng những người hàng xóm đồng tính dự đoán khả năng bị xoáy vào các mối quan hệ không an toàn và sử dụng ma túy cao hơn, cũng như dành ít thời gian hơn cho các hoạt động cộng đồng như tham gia công việc tình nguyện hay chơi thể thao. Một nghiên cứu năm 2009 gợi ý rằng, người đồng tính nam có liên hệ sâu sắc với cộng đồng đồng tính tỏ ra ít thỏa mãn hơn với các mối quan hệ lãng mạn.

“Những người đồng tính nam và song tính thường nhắc tới cộng đồng của họ như một nguồn cơn của các căng thẳng,” Pachankis bình luận. Một lý do căn bản cho việc này, anh nói, là vì “sự phân biệt giữa các thành viên ngay bên trong cộng đồng” gây tác động xấu tới tâm lý hơn là việc bị từ chối bởi người thuộc nhóm đa số. Bạn dễ dàng phớt lờ, đảo mắt, và giơ ngón giữa về phía những người dị tính không thích bạn, bởi đơn giản bạn cũng không cần sự chấp thuận của họ. Nhưng nếu bị chối bỏ bởi chính những người trong cộng đồng nhỏ của bản thân, cảm giác như thể bạn đã mất đi thứ tình bạn và tình yêu duy nhất.

Những nhà nghiên cứu tôi đã từng nói chuyện lập luận rằng các chàng trai đồng tính gây nhiều tổn thương lên người khác vì hai lý do chính. Lý do thứ nhất, và cũng là điều tôi thường nghe thấy, đó là vì người đồng tính nam, đơn giản, vẫn là đàn ông.

“Các thách thức về nam tính (masculinity) được đẩy lên cao trào trong một cộng đồng toàn nam giới,” Pachankis nói. “Nam tính mang tính nhất thời. Nó cần phải liên tục được kích thích, bảo vệ hoặc xây dựng. Điều này được thể hiện ở ngay trong các nghiên cứu: Bạn có thể đe dọa sự nam tính ở một người đàn ông và rồi nhìn vào những hành động ngớ ngẩn họ làm. Họ trở nên hung hăng, họ bắt đầu hành động một cách rủi ro, họ muốn đấm mọi thứ.

Điều này giúp lý giải mối e ngại đang lan rộng trong cộng đồng đồng tính với những chàng trai nữ tính (feminine guy). Theo Dane Whicker, nhà nghiên cứu và tâm lý học lâm sàng ở Đại học Duke, phần lớn người đồng tính nam phản hồi rằng họ muốn hẹn hò với một người mạnh mẽ9, và rằng họ mong bản thân đã hành động một cách nam tính hơn. Có lẽ, đó là vì theo lịch sử, những người đàn ông nam tính dễ hòa nhập với cộng đồng dị tính hơn. Hoặc do một sự bài trừ âm ỉ từ ngay trong cộng đồng: những người đồng tính nam nữ tính thường bị rập khuôn là “bottom” (người ở dưới), đối tác “bị” sử dụng khi quan hệ tình dục đường hậu môn.

Một nghiên cứu dữ liệu dọc qua hai năm10 đã chỉ ra rằng càng lâu kể từ khi một người đồng tính công khai, họ càng có xu hướng trở thành “top” (người ở trên) hoặc “versatile” (người linh hoạt)11. Các nhà nghiên cứu nói rằng việc luyện tập, như để trông nam tính hơn và có thể tham gia vào một vai trò tình dục khác, là một trong những áp lực mà người đồng tính nam áp đặt lên nhau để duy trì “phẩm chất tình dục,” bên cạnh việc tập gym và tỉa lông mày.

“Lý do duy nhất khiến tôi tập thể thao là để trông giống một top,” Martin bảo. Khi anh ấy lần đầu công khai, anh đã bị thuyết phục rằng mình trông quá mảnh khảnh, quá điệu đà, và rằng các bottom sẽ nghĩ anh là một trong số họ. “Thế nên tôi bắt đầu làm bộ tất cả những cử chỉ nam tính này. Bạn trai tôi gần đây có nhận ra tôi vẫn hạ giọng tầm một quãng tám mỗi khi tôi yêu cầu đồ uống. Nó sót lại từ hồi tôi mới công khai, khi tôi còn nghĩ mình phải gồng cái giọng Batman của Christian Bale thì mới hẹn hò được.”

Grant, 21 tuổi, lớn lên ở Long Island và giờ sống ở Hell’s Kitchen, nói anh đã từng rất tự ý thức cách mình đứng – hai tay chống hông, một chân chếch nhẹ về trước như vũ công múa. Bởi vậy, vào năm hai đại học, anh bắt đầu quan sát dáng đứng của thầy giáo và chủ động bắt chước – hai chân dạng rộng, tay sát hai bên.

Những quy phạm nam tính này có tác động tiêu cực tới mọi cá nhân, kể cả với những đối tượng được cho là người gây hại. Các chàng trai đồng tính nữ tính chịu các rủi ro về tự tử, cô đơn, và bệnh tâm thần cao hơn. Còn với những người nam tính, họ tỏ ra lo lắng và có mức độ quan hệ tình dục thiếu an toàn và sử dụng chất kích thích, thuốc lá nhiều hơn. Một nghiên cứu về việc tại sao sống trong cộng đồng đồng tính làm gia tăng trầm cảm chỉ ra rằng mối tương quan nhân quả giữa hai phạm trù chỉ tồn tại ở nhóm đồng tính nam nam tính.

Lý do thứ hai mà cộng đồng đồng tính trở thành nguồn cơn của các căng thẳng không phải nằm ở việc tại sao, mà là làm thế nào chúng ta chối bỏ lẫn nhau.

Trong 10 năm gần nhất, các điểm tụ tập người đồng tính truyền thống – quán bar, câu lạc bộ đêm, nhà tắm công cộng – dần biến mất và bị thay thế bởi mạng xã hội. Có ít nhất gần 70% người đồng tính nam hiện nay sử dụng các ứng dụng hẹn hò như Grindr và Scruff. Vào năm 2000, chỉ có khoảng 20% các cặp đôi đồng tính gặp nhau trên mạng. Trước năm 2010, con số này đã tăng lên 70%. Trong khi đó, tỉ lệ các cặp đôi quen nhau qua bạn bè đã giảm từ 30% xuống còn 12%.

Sự lên ngôi của các ứng dụng hẹn hò – như Grindr, ứng dụng phổ biến nhất, báo cáo rằng một người dùng dành trung bình 90 phút mỗi ngày trên ứng dụng – thường được đề cập kèm theo sự sửng sốt và hoảng sợ trong các bài tin về những kẻ giết người hay những kẻ ghê sợ đồng tính theo dấu nạn nhân thông qua ứng dụng, hoặc về vấn nạn quan hệ tình dục có sử dụng kèm chất kích thích đang lan rộng ở London và New York. Đây là những vấn đề thực. Nhưng ảnh hưởng thật sự của các ứng dụng kiểu này có phần tiềm tàng và ít được chú ý, đó là với rất nhiều người đồng tính, đây là phương thức chủ yếu nhất để họ giao tiếp với nhau.

“Việc tìm bạn tình qua Grindr dễ hơn rất nhiều việc gặp họ ở bar,” Adam nói. “Đặc biệt khi bạn mới chuyển tới thành phố khác, ứng dụng hẹn hò có thể định nghĩa cả cuộc sống xã hội bởi lúc này, việc tìm kiếm các tương tác mà bạn phải để tâm và nghiêm túc hơn một chút đã trở nên khó khăn hơn.”

“Có đôi lúc, tôi muốn cảm thấy được thèm muốn, và thế là tôi mở Grindr,” Paul cho biết. “Khi tôi đăng một bức ảnh đang cởi trần lên, tôi bắt đầu nhận được những tin nhắn kiểu như tôi trông thật nóng bỏng. Trong thoáng chốc, tôi cảm thấy khá tuyệt, nhưng rồi cảm giác ấy nhanh chóng tan biến. Sau vài ngày, những tin nhắn kiểu vậy không còn được gửi tới nữa. Mọi thứ cứ như bạn đang gãi ngứa cho một người bị ghẻ vậy, chỉ làm nó lan hơn thôi.”

Điều tệ nhất của những ứng dụng này và lý do tại sao chúng có liên quan tới sự khác biệt trong sức khỏe giữa người đồng tính và dị tính không chỉ nằm ở việc chúng ta lệ thuộc vào nó mà còn ở chỗ chúng được thiết kế để kích thích những niềm tin tiêu cực về bản tiệu phân. Trong những cuộc phỏng vấn mà Elder, một nhà nghiên cứu căng thẳng hậu sang chấn, thực hiện với người đồng tính nam vào năm 2015, có tới 90% người tham gia trả lời rằng họ muốn đối tác của mình là những người cao, trẻ, da trắng, cơ bắp, và nam tính. Với đa số chúng ta, chúng ta chỉ thỏa mãn một trong những tiêu chí kể trên, chứ đừng nói là tất cả. Các ứng dụng tìm bạn tình đơn thuần là cách hữu hiệu nhất để cảm thấy xấu xí.

Paul miêu tả anh ấy “rùng mình chờ xem ai đó sẽ từ chối” ngay khi anh mở ứng dụng. John, một cựu tư vấn viên, 27 tuổi, cao 1m85, và có thân hình sáu múi rõ mồn một qua lớp áo len. Nhưng anh ấy cũng thừa nhận, phần lớn tin anh gửi đi không được hồi âm, và rằng anh dành có lẽ phải 10 tiếng nói chuyện với một người trên ứng dụng để đổi lại những gì hai người có thể biết với chỉ 1 tiếng ở quán cafe hay ở một buổi làm tình.

Tình trạng này với người đồng tính nam da màu còn tồi tệ hơn. Vincent, người tư vấn cho đàn ông da màu và người gốc Latin tại Cục Sức khỏe Công cộng San Francisco, nói rằng nhóm chủng tộc thiểu số thường nhận được hai kiểu phản hồi: Từ chối (ví dụ: Xin lỗi, những chàng trai da đen không phải gu của tôi) và tôn sùng (như: Xin chào, tôi thực sự bị cuốn hút bởi các chàng trai da đen.). Paihan, một người nhập cư gốc Đài Loan ở Seattle, cho tôi xem hộp tin nhắn của anh trên Grindr. Một trong những tin anh vừa nhận được viết ngắn gọn, “Châuuuuu Áaaa.”

Những điều này, dĩ nhiên, không phải mới. Walt Odets, nhà tâm lý học từng viết về xa cách xã hội (social isolation) từ những năm 1980, cho rằng người đồng tính nam hiện nay đang gặp các vấn đề liên quan tới Grindr hệt như cách họ từng gặp khó khăn với nhà tắm công cộng trong quá khứ. Sự khác biệt ông thấy là ở những bệnh nhân ngày trước, “nếu ai đó từ chối bạn ở nhà tắm công cộng, hai người vẫn có thể duy trì cuộc nói chuyện tới sau đó. Họ có thể trở thành bạn bè, hoặc ít nhất đã có một trải nghiệm xã hội tích cực. Còn trên app, bạn sẽ bị lờ đi luôn nếu người kia không cảm thấy dục vọng hay muốn hẹn hò lãng mạn với bạn.” Cách những người đồng tính tôi nói chuyện đề cập tới các ứng dụng hẹn hò giống như khi ai đó dị tính nói tới Comcast: Nó chẳng tốt mấy, nhưng chúng ta có thể làm được gì? “Bạn phải dùng những ứng dụng này ở các thành phố nhỏ,” Michael Moore, nhà tâm lý học tại Yale, cho hay. “Nó đóng vai trò như một quán bar đồng tính. Nhưng mặt xấu là nó phô bày hết những thiên kiến có thể có ra.”

Các ứng dụng này củng cố, hoặc đơn thuần lan truyền, phiên bản người lớn của học thuyết mà Pachankis gọi là Giả thuyết Cậu bé Tuyệt vời nhất Thế gian. Lớn lên mang trong mình điều che giấu, chúng ta có xu hướng ánh xạ các giá trị của bản thân với những điều mà thế giới ngoài kia định nghĩa – giỏi thể thao, giỏi học tập, vân vân. Là người lớn, các quy chuẩn xã hội của cộng đồng tiếp tục nhấn mạnh sự tự phán xét – vào ngoại hình, độ nam tính, khả năng tình dục. Nhưng ngay cả khi chúng ta cố gắng cạnh tranh hay đã trở thành cá nhân hoàn hảo chúng ta luôn tìm kiếm: nam tính – kiểm soát – nằm trên, tất cả điều đó chỉ tự trói buộc chúng ta với sự trống rỗng và cạn kiệt khi những giá trị ấy phai mờ, và sự thật là chúng sẽ phai mờ.

“Chúng ta sống qua con mắt của người khác,” Alan Downs, một nhà tâm lý học và là tác giả cuốn sách The Velvet Rage, một cuốn sách về sự đấu tranh với mặc cảm và công nhận xã hội ở người đồng tính nam, nhận định. “Chúng ta muốn có thêm nhiều người đàn ông nữa bên mình, thêm nhiều cơ bắp, nhiều địa vị, nhiều hơn nữa của bất cứ thứ gì đem lại cho ta cảm giác được công nhận. Và khi ta bước qua tuổi 40 một cách mệt mỏi, chúng ta tự hỏi: Thế là hết à? Và đó là khi trầm cảm xảy tới.”

Giáo sư Petty Halkitis tại Đại học New York đã nghiên cứu về sự khác biệt sức khỏe giữa người đồng tính và người dị tính từ đầu thập niên 90. Ông đã xuất bản bốn cuốn sách về văn hoá đồng tính và từng phỏng vấn những người nam mà sau này chết do HIV, những người đã hồi phục sau quãng thời gian sử dụng thuốc lắc, và cả những người chật vật với việc lên kế hoạch kết hôn.

Cũng bởi vậy mà hai năm trước, người cháu ruột 18 tuổi tên James mới đứng trước cửa nhà ông, chân tay run cầm cập. Ngồi xuống cùng Halkitis và chồng, cậu bé tuyên bố mình đồng tính. “Chúng tôi bảo, “Chúc mừng cháu, thẻ thành viên và quà chào mừng dành cho cháu ở phòng bên kia nhé,’” Halkitis nhớ lại. “Nhưng nó đã quá sợ hãi để hiểu câu đùa đó.”

James lớn lên ở Queens trong một gia đình gồm nhiều thành viên, dễ mến, và tự do. Ngôi trường công cậu theo học không thiếu những đứa trẻ đồng tính mở (openly gay). “Thế nhưng, vẫn có chút xáo động. Thằng bé hiểu một cách đầy lý trí rằng rồi mọi chuyện rồi sẽ ổn, nhưng việc che giấu thân phận thật không biểu trưng cho sự lý trí, mà là dấu hiệu của việc phải chứa đựng quá nhiều cảm xúc.”

Qua mỗi năm, James càng tự nhủ với bản thân rằng cậu sẽ không công khai điều này. Cậu không muốn lôi kéo sự chú ý, cũng chẳng muốn trả lời những câu hỏi cậu vốn không thể trả lời. Chuyện tính dục của cậu làm chính cậu băn khoăn, thì làm thế nào để giải thích điều đó với mọi người? “Trên tivi, cháu vẫn đang thấy toàn những gia đình truyền thống,” cậu nói. “Cùng lúc đó, cháu xem cả đống phim khiêu dâm đồng tính, với những chàng trai phóng đãng, độc thân, và làm tình suốt cả ngày. Bởi thế, cháu thấy mình chỉ có hai lựa chọn: hoặc là một cuộc sống tựa như cổ tích mà cháu chẳng thể bao giờ có, hoặc là một cuộc đời đồng tính mà không có tình yêu thực thụ.”
James nhớ rõ khoảnh khắc cậu quyết định giữ kín bí mật của mình. Đó là khi cậu tầm 10, 11 tuổi và đang trong kỳ nghỉ tới Long Island cùng bố mẹ. “Cháu nhìn quanh cả nhà và tụi con nít đang nô đùa, và cháu nghĩ ‘Cháu sẽ chẳng bao giờ có những thứ này mất.’ Thế là cháu bắt đầu khóc.”

Tôi nhận ra, ngay khi James vừa dứt lời, rằng cậu đang mô tả chính nỗi đau và sự tự nhận thức tôi từng trải qua khi trạc tuổi cậu. Việc này xảy ra với James vào năm 2007, còn tôi là 1992. Và Halkitis là 1977. Cảm thấy kỳ lạ khi đứa cháu của mình có trải nghiệm tương tự khi hai người tầm tuổi nhau, Halkitis đã quyết định dự án sách sắp tới sẽ về chấn thương của việc che giấu tính dục.

“Ngay cả bây giờ, ngay cả ở thành phố New York, ngay cả với một gia đình thấu hiểu, quá trình công khai vẫn đầy thách thức,” Halkitis nói. “Và có lẽ chuyện này sẽ chẳng bao giờ dễ dàng.”

man in black and white striped long sleeve shirt
Ảnh: Unsplash

Vậy thì chúng ta có thể làm được gì? Khi nghĩ tới luật hôn nhân hay các lệnh ngăn chặn hận thù, ta thường nghĩ chúng được thông qua để bảo vệ quyền của chúng ta. Nhưng có một thứ ít được nhắc tới, đó là việc các đạo luật có thể thực sự ảnh hưởng tới sức khoẻ của chúng ta.

Một trong những nghiên cứu đáng lưu tâm nhất tôi từng biết đã chỉ ra rằng có một sự gia tăng đột ngột các vấn đề về lo âu và trầm cảm ở người đồng tính nam vào năm 2004 và 2005, thời gian mà 14 bang thông qua sửa đổi hiến pháp định nghĩa rằng hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ. Những người đồng tính nam ở các bang này được ghi nhận có các rối loạn về tính khí tăng thêm 37%, sử dụng đồ uống chứa cồn thêm 42%, và đặc biệt là sự gia tăng tới 248% liên quan đến rối loạn lo âu tổng quan.

Điều dễ chịu nhất với những con số này đó là về căn bản, quyền luật pháp của người đồng tính nam ở những bang đó không thay đổi. Trước hay sau khi sửa đổi được thông qua, ở Michigan, hôn nhân đồng giới vẫn không được cho phép. Những dự luật như này mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Đó là cách mà nhóm đa số gửi thông điệp tới cộng đồng đồng tính rằng chúng ta không được chào đón. Điều tồi tệ hơn nữa là tỉ lệ lo âu và trầm cảm không chỉ gia tăng ở những bang nơi sửa đổi được chấp thuận, mà tăng (dù ít hơn) trong nhóm người đồng tính trên toàn quốc. Một chiến dịch làm chúng ta khốn đốn đã có hiệu quả.

Bất kỳ cuộc thảo luận nào về sức khỏe tâm thần ở người đồng tính đều phải bắt đầu từ bối cảnh trường học. Mặc cho những tiến bộ đã đạt được, các cơ sở giáo dục tại Hoa Kỳ, với những đứa trẻ tràn đầy sự ham muốn, những giáo viên thờ ơ, và các chính sách thụt lùi, vẫn là một nơi không mấy an toàn dành cho trẻ em đồng tính. Emily Gretak, giám đốc nghiên cứu của tổ chức chống bạo hành GLSEN, nói với tôi rằng từ năm 2005 tới 2015, tỉ lệ thiếu niên được báo cáo chịu sự bạo hành vì khuynh hướng tình dục của mình không hề thuyên giảm. Chỉ có khoảng 30% các học khu trên toàn quốc có các chính sách chống bạo hành có bao hàm cụ thể nhóm LGBTQ trẻ, và hàng ngàn các học khu khác đang thực thi những chính sách nhằm ngăn chặn giáo viên đề cập tới đồng tính luyến ái một cách tích cực.

Những hạn chế này khiến việc giải quyết căng thẳng nhóm thiểu số ở những đứa trẻ đồng tính trở nên khó khăn hơn. Nhưng may mắn là, các giải pháp không đòi hỏi sự chấp nhận đồng tính ngay lập tức từ tất cả các giáo viên hay cả cộng đồng bóng vợt ở trường. Suốt 4 năm qua, nhà nghiên cứu Nicholas Heck tại Đại học Marquette đã triển khai nhóm tương hỗ dành cho trẻ đồng tính ở các trường trung học. Anh hướng dẫn tụi nhỏ cách tương tác với bạn cùng lớp, với giáo viên và phụ huynh, và hỗ trợ chúng trong việc phân loại những căng thẳng thông thường ở tuổi thiếu niên với căng thẳng có nguyên do từ bản năng giới tính. Một học sinh anh đã làm việc cùng chịu áp lực từ bố mẹ về việc chọn chuyên ngành nghệ thuật hơn là tài chính. Gia đình cậu bé có ý tốt – họ chỉ muốn khuyến khích con mình theo đuổi một lĩnh vực có ít sự kỳ thị đồng tính hơn – nhưng bản thân cậu có những băn khoăn: việc từ bỏ ngành tài chính có đồng nghĩa với việc cậu đang đầu hàng trước những lo sợ? Nếu chọn học nghệ thuật và bị bạo hành, liệu cậu sẽ chia sẻ điều đó với bố mẹ?

Bí quyết, như Heck nói, là để đứa trẻ có thể cởi mở đặt ra những câu hỏi này, bởi một trong những dấu hiệu điển hình của căng thẳng nhóm thiểu số là sự né tránh. Những đứa trẻ khi nghe thấy người khác đang buông lời gièm pha sẽ lựa chọn đi lối khác hoặc làm ngơ mà bước qua. Chúng tìm kiếm sự giúp đỡ và chỉ nhận lại được cái nhún vai từ giáo viên, rồi sẽ dừng luôn cả việc tìm kiếm một người trưởng thành đủ tin cậy. Nhưng những đứa trẻ trong nghiên cứu, Heck chia sẻ, đã bắt đầu rũ bỏ được trách nhiệm mà chúng tự khoác lên bản thân mỗi khi chúng bị bạo hành. Chúng học được rằng ngay cả khi không thể thay đổi được môi trường sống chung quanh, chúng được phép dừng việc tự đổ lỗi và đay nghiến bản thân.

Như vậy là với tụi nhỏ, mục tiêu cần đạt được là truy lùng và ngăn chặn các căng thẳng nhóm thiểu số. Nhưng với những người đã sống chung và đồng hoá các căng thẳng này, chúng ta có thể làm được gì?

“Đã có rất nhiều nghiên cứu và vấn đề được đặt ra thảo luận với nhóm queer trẻ tuổi, nhưng với nhóm người độ tuổi 30, 40 thì không,” Salway nói với tôi. “Đến tôi còn chả biết bước tiếp theo là hướng nào.” Vấn đề, như anh nói, nằm ở chỗ chúng ta đã xây dựng cả một bộ khung xoay quanh sức khỏe tâm thần, HIV, và lạm dụng chất kích thích như những vấn đề riêng biệt, mặc cho các bằng chứng đều chỉ ra rằng đó không phải là ba đại dịch riêng rẽ mà cùng là một. Những người cảm thấy bị khước từ có xu hướng sử dụng ma túy nhiều hơn. Hành động này khiến họ dễ quan hệ tình dục không an toàn, làm gia tăng khả năng nhiễm HIV và khiến họ bị xa lánh hơn nữa, cứ luẩn quẩn mãi như thế.

Trong năm năm gần đây, với ngày càng nhiều bằng chứng về các mối liên kết mắt xích như này, một vài nhà tâm lý học và dịch tễ học đã bắt đầu nhìn nhận sự xa lánh trong cộng đồng người đồng tính như một “hợp đại dịch” (syndemic): một nhóm các vấn đề sức khỏe có liên hệ mật thiết và không thể chữa trị riêng biệt.

Nhà nghiên cứu căng thẳng Pachankis vừa dẫn dắt cuộc thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên về liệu pháp hành vi nhận thức giúp “xác nhận đồng tính” (gay-affirming) đầu tiên trên toàn quốc. Sau nhiều năm né tránh cảm xúc, nhiều người đồng tính nam “thực sự đang không biết mình cảm thấy như thế nào,” ông cho hay. Khi bạn đời của họ nói “tôi yêu cậu,” họ đáp lại “còn tôi thích bánh kếp.” Hoặc hai người chia tay vì một trong hai để quên bàn chải đánh răng ở nhà người kia. Hay như với rất nhiều chàng trai tôi từng nói chuyện, họ quan hệ tình dục trần với một người mới lần đầu gặp mặt bởi vì họ không biết cách xử lý những rung cảm của bản thân.

Những tách rời về mặt cảm xúc như thế này đang trở nên phổ biến, Pachankis cho biết, và rằng có rất nhiều nam giới ông từng làm việc cùng trong nhiều năm không nhận thức được những điều họ khao khát – một thân hình đẹp như tượng tạc, một công việc tốt hơn và nhiều hơn bạn bè, hay một buổi quan hệ qua đường vào ngày cuối tuần trên cả tuyệt vời – đang củng cố nỗi lo sợ bị từ chối trong chính họ.

Bằng mỗi việc chỉ ra các dấu hiệu này đã đạt được nhiều tác dụng: chỉ trong ba tháng, mức độ lo lắng, trầm cảm, sử dụng thuốc, và quan hệ không dùng bao ở các bệnh nhân của Pachankis đã giảm. Ông giờ đang mở rộng nghiên cứu ngày tới nhiều thành phố khác, với nhiều người tham gia và trong một quãng thời gian dài hơn.

Những giải pháp này gợi mở nhiều hứa hẹn, tuy vậy, chúng vẫn chưa hoàn chỉnh. Tôi không biết liệu chúng ta có bao giờ chứng kiến sự biến mất, kể cả không hoàn toàn, của những chênh lệch sức khỏe tâm thần giữa người dị tính và đồng tính. Sẽ luôn có nhiều đứa trẻ dị tính hơn trẻ đồng tính, và ở một mức độ nào đó, nhóm đồng tính sẽ luôn trưởng thành với sự lạc lõng trong gia đình, trường lớp, và cộng đồng chung quanh. Nhưng những điều đó không phải đều không tốt. Khoảng cách của chúng ta với nhóm đa số có thể trở thành nguồn cơn của những đau khổ với một vài người, nhưng nó cũng có thể trở thành nguồn cảm hứng cho sự sắc sảo, kiên trì, lòng vị tha, và khả năng vượt trội của chúng ta trong chuyện ăn mặc, nhảy múa, và ca hát. Chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta chiến đấu cho các luật lệ và môi trường sống tốt hơn – và đồng thời chúng ta cần đối xử với nhau một cách nhân từ hơn.

Tôi liên tục nghĩ về điều Paul đã nói: “Với người đồng tính, chúng ta liên tục tự nhủ bản thân rằng khi đại dịch AIDS được giải quyết, chúng ta sẽ ổn. Và rồi một khi chúng ta kết hôn, chúng ta sẽ tốt hơn. Rồi khi những điều đó đã xảy ra, và khi việc bạo hành bị chấm dứt, chúng ta sẽ vui mừng. Chúng ta liên tục chờ đợi cái thời khắc chúng ta giống những người khác. Nhưng sự thật là, chúng ta khác họ. Và đây là lúc chúng ta chấp nhận và hành động thật với điều đó.”


  1. CrossFit là một hình thức, một chương trình tập luyện ngắt quãng cường độ cao với các bài tập có chuyển động chức năng đa dạng. Thông thường, một buổi tập CrossFit cần được thiết kế bao gồm nhiều bài tập với tính đa dạng cao. Tức là chúng cần phải tác động lên mọi bộ phận của cơ thể và bao gồm nhiều động tác cơ bản. Điển hình như kéo – đẩy, chạy, hít đất, bật nhảy, squat, leo trèo,…

  2. Rối loạn mặc cảm ngoại hình (body dysmorphic disorder) là trạng thái tâm lý tiêu cực, trong đó đối tượng thể hiện sự mặc cảm hay lo âu quá mức tới các khuyết điểm và khiếm khuyết nhỏ trên cơ thể mình, ngay cả khi các khiếm khuyết đó là rất nhỏ hoặc thậm chí không tồn tại.

  3. PFLAG là tổ chức đầu tiên và lớn nhất của Hoa Kỳ tập trung các bậc cha mẹ, gia đình và cộng đồng ủng hộ những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và queer. PFLAG National là tổ chức cấp quốc gia, hỗ trợ cho mạng lưới PFLAG cấp địa phương, khu vực.

  4. Grindr, được phát hành vào năm 2009, là ứng dụng mạng xã hội và hẹn hò (dating app) phổ biến nhất dành cho cộng đồng LGBTQ+.

  5. Ở một số nước (khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ), chung sống dân sự hay kết hợp dân sự (civil union) là một hình thức tương tự như hôn nhân, thường được áp dụng riêng cho các cặp đôi cùng giới. Các cặp đôi này đăng ký với cơ quan nhà nước để hợp pháp hóa việc chung sống với nhau và hưởng các quyền, nghĩa vụ tương tự như hôn nhân của các cặp khác giới. Tại Việt Nam, hiến pháp chỉ công nhận hôn nhân một vợ – một chồng chứ không công nhận bất kỳ kiểu hôn nhân nào khác. Do vậy, việc kết hôn đồng giới và chung sống dân sự có đăng ký không được công nhận. Tuy nhiên, những người đồng giới tính vẫn có thể chung sống, nhưng khi có tranh chấp xảy ra thì tòa án sẽ không áp dụng Luật hôn nhân và gia đình để giải quyết mà áp dụng theo Bộ luật Dân sự.

  6. Đơn ái, hay một – một (monogamy), là thực hành mà trong đó các đối tác có quan hệ gần gũi về cảm xúc và tình dục với chỉ một người khác, hay đối tác còn lại, tại mọi thời điểm. Các nghiên cứu và thăm dò từ lâu đã chỉ ra rằng người đồng tính nam có xu hướng ít tham gia vào các mối quan hệ đơn ái hơn người dị tính, và tỏ ra ít khắt khe hơn với việc thực hành quan hệ đa ái (polyamory) và quan hệ mở (open relationship) có đồng thuận. Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với việc các cặp đôi đồng tính kém thủy chung hơn so với các cặp đôi dị tính, mà là do họ có các nhu cầu tình dục và tình cảm đa dạng cần được công nhận.

  7. Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders), gọi tắt là DSM, là một hướng dẫn để phân loại các rối loạn tâm thần và được xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ

  8. Từ đây về sau, tác giả sử dụng đại từ “chúng ta” khi đề cập tới nhóm người đồng tính nam, mà bản thân tác giả là một người thuộc cộng đồng này.

  9. Ở đây, tác giả sử dụng cụm từ “someone masculine,” nhằm ám chỉ một người mang các nét và hành động nam tính theo các tiêu chuẩn của xã hội và lịch sử, như có tính cách mạnh mẽ, dứt khoát, độc lập.

  10. Nghiên cứu dữ liệu dọc (longitudinal study) là phương pháp nghiên cứu bằng cách theo dõi một mẫu dữ liệu theo thời gian, nhằm đo lường sự thay đổi của cùng một đối tượng trong một số khung thời gian kéo dài thông qua các quan sát lặp đi lặp lại.

  11. Top, bottom, versatile (trên, dưới, linh hoạt) là những thuật ngữ mô tả tư thế khi quan hệ tình dục, đặc biệt là trong quan hệ tình dục nam – nam. Top (trên) là người thâm nhập, bottom (dưới) là người được thâm nhập, và versatile (linh hoạt) là người tham gia cả hai hoạt động trên.

đọc thêm
Mới nhất