a
§ Tác giả: John Donvan, Caren Zucker | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Mỹ Châu | Hiệu đính:  Ninh, Za
06/04/2019

Các phần trước:

Sau tất cả những tiến bộ mà Donald đã đạt được trong nhiều năm qua – lái xe, chơi gôn – giao tiếp vẫn là một nghệ thuật quá sức đối với ông. Thỉnh thoảng ông cũng chủ động bắt chuyện, nhưng mục đích chủ yếu là để lấy thông tin cần thiết (“Mấy giờ thì ăn trưa?”) hoặc để lại một lời nhận xét ngắn gọn (như nhận xét về tấm nhãn dán trên chiếc xe của chúng tôi). Còn một cuộc trò chuyện thông thường, có sự đối đáp qua lại xoay quanh một ý tưởng nào đó, thì ông chưa bao giờ trải nghiệm.

Khi bị hỏi câu nào đó – kể cả những câu hỏi mời gọi chi tiết, ông cũng chỉ đáp lại một cách ngắn gọn, theo kiểu một chiều, giống như một người đang tuần tự trả lời một bảng câu hỏi.

Chủ đề: Cảm giác tự hào của Donald về khả năng tính nhẩm phép nhân
“Donald, anh cảm thấy như thế nào khi kết quả phép tính nảy ra trong đầu?”
“Nó cứ hiện ra thôi.”
“Anh có cảm thấy tuyệt không?”
“Ồ, có, có.”
“Anh có thể miêu tả cảm giác đó chứ?”
“Không, tôi không thể miêu tả.”

Chủ đề: Ký ức Donald về cuộc gặp gỡ với nhà đọc tâm Franz Polgar
“Donald, anh còn nhớ Franz Polgar không?”
“Có, tôi còn nhớ Franz Polgar.”
[Im lặng.]
“Ông ấy đến khi nào?”
“Thật ra ông ấy đến hai lần. Ông ấy đến vào năm 1950 và 1951.”
[Một khoảng lặng dài khác.]
“Ông ấy là ai?”
“Ông ấy là nhà thôi miên.”
“Anh có thể nói cho tôi biết ông ta trông như thế nào không? Có phải ông ấy là một ông lão?”
“Ông ấy tầm 55 tuổi. Và sẽ là 110 nếu ông ấy còn sống.”

Những trao đổi trên đã cho thấy rõ ràng, suy nghĩ của Donald thiên về những con số – dù cho tính toán của ông có sai sót trong trường hợp trên – như ngày tháng, các phép tính và hằng số, những thứ sắp đặt nên thế giới một cách cố định và không cần phải diễn giải. Thậm chí ông còn có thói quen đánh số cho những người mình gặp, một kiểu hệ thống mục lục của riêng ông. Một người quen cũ tên Buddy Lovett, cư ngụ tại thị trấn Morton bên cạnh, nói với chúng tôi rằng Donald đã có lúc đặt cho ông ấy số 333 vào cuối những năm 1950. Mặc dù đã không gặp Donald trong nhiều năm, ông ấy vẫn hóm hỉnh xui chúng tôi, “Lần sau nếu gặp Donald, hãy cứ thử xem: hỏi ông ấy số của tôi là gì.”

Thật vậy, ngay ngày hôm sau, chưa nghe hết câu hỏi thì Donald đã đọc ra con số của Lovett. Chúng tôi đã thử nhiều lần, đọc tên của những người ở khắp Forest đã kể cho chúng tôi rằng họ được “đánh số” trong những năm qua. Donald đều nhớ số của từng người, không chút ngập ngừng hay chần chừ, dù ông không thể giải thích cái hệ thống ẩn chứa trong đó. Ông nói những con số cứ hiện ra trong đầu ông và rồi tồn tại vĩnh viễn.

Tương tự như vậy, những người được Donald đánh số dường như cũng ghi nhớ con số đó đến hết cuộc đời. Một dấu hiệu đặc trưng không bao giờ phai mờ, một sự công nhận mà họ sẽ không bao giờ phải chia sẻ cho ai hết, có lẽ điều đó mang lại cảm giác như là một vinh dự.

Điều đó hầu như chắc chắn không phải là chủ ý của Donald. Vinh dự là một trong những khái niệm – một sự trừu tượng phân định giữa lý tưởng và thực tế – không hề dễ hiểu đối với Donald, một người cảm thấy thoải mái hơn nhiều trong một thế giới trật tự, được sắp đặt bởi những sự kiện thực tế cố định, theo đúng bản chất của nó. Đó là lý do tại sao người ta thường cho rằng những người mắc chứng tự kỷ rất khó nói dối, hoặc nhận ra một trò đùa. Donald rất thích suy nghĩ về các danh sách gồm con người, địa điểm và đồ vật, nhưng ông lại khó cảm thấy hứng thú với các hàm ý, tâm trạng hoặc cảm xúc.

Hàm ý, tâm trạng và cảm xúc là những khái niệm khó phán đoán với người tự kỷ. Ảnh: Pxhere

Chủ đề: Cái chết của mẹ ông, Mary Triplett, người đã chăm sóc Donald trong 52 năm
“Donald, mẹ của anh qua đời khi nào?”
“Vào năm 1985. Tháng 5 năm 1985.”
“Anh có nhớ lúc đó mình đang ở đâu không?”
“Tôi đang ở ngân hàng. Bác sĩ của bà ấy đã nói đó chỉ còn là vấn đề thời gian … và tôi nghe nói là bà mất vì bệnh suy tim sung huyết.”
“Anh còn nhớ mình đã cảm thấy như thế nào không?”
“Thực ra đấy là chuyện không ngoài dự tính. Tôi không thực sự thấy đau buồn hay khóc lóc hay làm gì như thế cả.”
“Anh không cảm thấy đau buồn vì … ?”
“Tôi chỉ không phản ứng thôi. Những người khác nhau có phản ứng khác nhau trước những tình huống như thế mà.”

Khi được hỏi ông có nhớ mẹ của ông hay không, ông đáp – vẫn theo kiểu trả lời rập khuôn – “Có, tôi nhớ bà ấy.” Ông nói ông cũng nhớ cha của mình, người đã mất trong tai nạn xe hơi vào năm 1980, dù ông cũng mô tả sự kiện đó theo kiểu trần thuật tương tự như trên. Ông nhớ rằng tai nạn của cha ông là một cú sốc và, lại một lần nữa, ông đã không hề khóc.


PETER GERHARDT KỂ về người bạn Tony của ông, người đã được học một khóa cấp tốc về cách ôm chia buồn khi đã 55 tuổi. Tony được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ khi trưởng thành và đã sống cả đời dưới cùng một mái nhà với mẹ ông. Sau đó bà ấy qua đời.

Đám tang đã đánh dấu lần đầu tiên trong đời Tony được xếp vào nhóm “những người chịu tang,” và, khi ông ấy hòa vào dòng người đưa tang, ông nhận ra rằng những người ở vị trí của ông phải sẵn sàng tiếp nhận vài cái ôm siết chặt và kéo dài. Ông đã hành xử rất tốt, từ việc quan sát cách anh trai mình phản ứng với những tiếp xúc kiểu tương tự, và hiểu rằng mọi người làm như thế là đang cố gắng giúp ông bớt đau buồn. Sau đó, ông ấy về nhà, ôm chầm lấy người hàng xóm và suýt nữa thì bị bắt.

Chuyện xảy ra vào một ngày sau đám tang, khi một người phụ nữ lớn tuổi ở nhà bên cạnh – tuy không phải là bạn thân thiết của gia đình, nhưng là một người sẵn lòng thực hiện phong tục biếu đồ ăn cho nhà có tang – đến trước cửa nhà Tony mang theo thức ăn mà bà đã chuẩn bị sẵn. Tony cảm ơn người hàng xóm, và bà gửi lời chia buồn đến ông.

Những gì xảy ra tiếp theo, theo Peter Gerhardt, là một ví dụ điển hình về kiểu hiểu lầm gây phiền toái cho người bị tự kỷ. “Tony nghĩ, À, bà ấy muốn chia buồn. Vậy là mình cần phải ôm bà ấy. Vì thế, ông đã bước đến ôm bà ấy.” Gerhardt lưu ý, người phụ nữ đó chắc chắn đã phát những tín hiệu xã hội rõ ràng rằng bà ấy không muốn bị ôm. Nhưng Tony lại không nhận thấy được điều đó: “Ông ấy ôm chầm lấy bà ta, có lẽ động tác khá là kỳ quặc – hơi quá lâu, hơi quá chặt, hơi quá thấp – bởi bà ấy về nhà và gọi ngay cho cảnh sát [trình báo] rằng mình bị một người đàn ông láng giềng xâm phạm tình dục.”

Gerhardt cho rằng, tình huống trên giống như một câu chuyện ngụ ngôn về sự tương tác giữa những người bị tự kỷ và những người bình thường: cả hai bên đều không làm gì sai, nhưng cũng không bên nào đủ hiểu biết để hành động đúng. Tony là một người đàn ông đủ thông minh để gặt hái được một tấm bằng đại học, nhưng lại chỉ đơn giản là thiếu kinh nghiệm bản năng – những kinh nghiệm có thể chỉ dạy được theo như Gerhardt khẳng định – để nhận biết được liệu một người có muốn ôm hay không. Ông có đủ khả năng tự nhận thức để hiểu được rằng mình đã bỏ lỡ những tín hiệu quan trọng, nhưng ông lại hoàn toàn không biết rõ chúng là gì. Sau đó, ông giải thích với Gerhardt: “Đối với tôi, các quy tắc đó cứ liên tục thay đổi. Mỗi khi tôi cho rằng tôi đã học được một quy tắc mới, người ta lại thay đổi nó.”

Gerhardt tin rằng, câu trả lời cho vấn đề này chính là một cách giáo dục phù hợp với những người như Tony ở ngoài kia. Ông khẳng định, hiện tại, việc học hành đối với trẻ em mắc hội chứng tự kỷ có khả năng cao chú trọng quá mức vào các thành tích học tập truyền thống – như cố gắng học tiếng Pháp hoặc tên thủ phủ các quốc gia – mà lại bỏ sót những thứ mà một người như Tony thật sự cần: các kỹ năng xã hội giúp ông ấy tránh mắc phải những sai lầm như ôm người hàng xóm sai cách chẳng hạn. Những kỹ năng này – như mẹo quẹt thẻ Visa – thường không được dạy cho trẻ em tự kỷ. Và một khi họ trở thành người lớn, việc chỉ dạy bị ngừng lại hoàn toàn, như ta đã thấy trong rất nhiều trường hợp. Nhìn chung, chương trình giáo dục do nhà nước tài trợ sẽ kết thúc tại thời điểm người bị tự kỷ bước sang tuổi 21. Ngoài ra, không có một sự ủy nhiệm nào về mặt pháp lý, nhằm yêu cầu việc thực hiện các hỗ trợ dành cho người tự kỷ, và cũng có rất ít nguồn tài trợ. “Việc này cũng giống như cho ai đó thuê xe lăn trong một tháng,” Gerhardt nói, “rồi đến cuối tháng, họ phải hoàn trả lại và đi bộ.”

Ôm hàng xóm thế nào cho đúng cách là một kỹ năng xã hội có thể chỉ dạy được, nhưng các chương trình giáo dục cho người tự kỷ thường bỏ qua. Ảnh: Unsplash.

Tuy nhiên, cũng phải kể đến bên còn lại của sự cố ôm nêu trên: sự thiếu kiến thức của người hàng xóm về đặc điểm của hội chứng tự kỷ. Nếu người đó biết rõ hơn về tình trạng của Tony và những biểu hiện của tình trạng này, có lẽ bà ấy sẽ không bị hoảng sợ đến vậy. Ít nhất, nếu bà ấy hiểu được tình huống đó, có thể bà ấy chỉ đơn giản nói với Tony rằng bà muốn ông ấy buông ra, thay vì mong đợi ông ấy sẽ đọc được những tín hiệu xã hội mà vốn dĩ hoàn toàn vô nghĩa đối với ông.

Theo thực tế, tình huống trên đã nhanh chóng được giải quyết: Anh trai của Tony đến và giải thích với cả người hàng xóm lẫn cảnh sát về bệnh của Tony, và bà ấy ngừng tố cáo. Nhưng như Gerhardt lưu ý, nếu cả hai phía đều có một chút kiến thức thì đã có thể đã ngăn chặn sự hiểu lầm này ngay từ ban đầu.


DONALD HIỆN SỐNG MỘT MÌNH trong ngôi nhà nơi cha mẹ đã từng nuôi nấng ông. Nằm giữa những bụi kim ngân và dưới bóng vài cây sồi già, chỉ cách khu phố thương mại thưa thớt của Forest vài phút đi bộ, ngôi nhà cần được sơn sửa lại. Một vài căn phòng – bao gồm cả phòng ăn và phòng khách, nơi cha mẹ ông từng chào đón các vị khách – đã trở nên tối tăm và ẩm mốc do lâu ngày không sử dụng. Donald hiếm khi bước vào những nơi này. Nhà bếp, phòng tắm và phòng ngủ là đủ để ông ở rồi.

Ngoại trừ mỗi tháng một lần, đó là lúc ông ra khỏi cửa và rời thị trấn.

Có lẽ điều đáng chú ý nhất về cuộc sống Donald chính là khi lớn lên, ông đã trở thành một người đam mê du lịch. Ông đã từng đến Đức, Tunisia, Hungary, Dubai, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Bulgaria và Colombia – tổng cộng 36 quốc gia nước ngoài và 28 tiểu bang của Hoa Kỳ, bao gồm ba lần đi Ai Cập, năm lần đi Istanbul và 17 lần đi Hawaii. Ông đã tham gia một cuộc thám hiểm ở châu Phi, nhiều chuyến du thuyền, và vô số giải đấu PGA1.

Chính xác thì đó không hẳn là đam mê du lịch. Với hầu hết mỗi chuyến đi, ông ấy đều giới hạn sáu ngày là thời gian đi tối đa, và sau đó không hề giữ liên lạc với những người mà ông gặp trong chuyến đi. Ông đặt ra một nhiệm vụ là tự thu thập được những tấm ảnh tại những địa điểm mà ông đã từng nhìn thấy trong các bức hình, và sắp xếp chúng vào những cuốn album khi ông trở về nhà. Sau đó, ông bắt tay vào lên kế hoạch cho cuộc hành trình tiếp theo, tự mình gọi điện cho các hãng hàng không để đặt chỗ các chuyến bay nội địa, và nhờ vào một đại lý du lịch ở Jackson khi ông định ra nước ngoài. Rất có thể, ông là người đi du lịch nhiều nhất ở Forest, Mississippi.

Cũng chính người đàn ông này, khi còn bé, đã từng yêu thích những trò tiêu khiển như xoay tròn các đồ vật, tự mình xoay tròn và hay lẩm bẩm những từ vô nghĩa trong miệng. Vào lúc đó, dường như quãng đời trưởng thành của ông đã được định sẵn là sẽ tù túng và vô vị – có lẽ phải sống sau song cửa trong trại chăm sóc đặc biệt của nhà nước. Nhưng thay vào đó, ông lại học chơi gôn, lái xe và du hành vòng quanh thế giới – những kỹ năng mà ông học được ở những độ tuổi tương ứng là 23, 27 và 36. Và khi đã trưởng thành, Donald vẫn tiếp tục tiến bộ.

Tự kỷ là một hội chứng rất tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Mỗi người có một lượng không gian trống mà não bộ dành cho sự phát triển và thích nghi vô cùng khác nhau. Không thể cho rằng cứ sao chép hoàn cảnh của Donald sang cho những người khác cùng mắc hội chứng tự kỷ cũng sẽ mang lại hiệu quả giống như Donald.

Tuy nhiên, Donald rõ ràng đã đạt đến tiềm năng của mình, phần lớn là nhờ vào nơi ông sống – thế giới ở Forest, Mississippi – và nhờ vào cách phản ứng của thế giới này đối với đứa trẻ kỳ lạ sống giữa nơi đây. Peter Gerhardt nói lên tầm quan trọng về “sự chấp nhận” của bất kỳ cộng đồng nào đối với những người bị tự kỷ. Ở Forest, có vẻ là Donald đã được chấp nhận hoàn toàn, từ việc mẹ ông đã bất chấp các chuyên gia để đưa ông trở về nhà, cho đến các bạn cùng lớp thời thơ ấu và những người cùng chơi gôn hiện nay. Những người hàng xóm của Donald không chỉ bỏ qua sự kỳ quặc của ông, mà còn công khai ngưỡng mộ những ưu điểm của ông – và thậm chí còn có vẻ bảo vệ ông trước bất cứ người ngoài nào chưa thể hiện rõ ý định chính đáng đối với Donald. Trong ba dịp trò chuyện với những người dân thị trấn có quen biết Donald, chúng tôi được khuyên, với cách nói mỗi lần đều giống nhau: “Nếu anh chị làm gì gây tổn thương cho Don, tôi sẽ đến tận nơi tìm anh chị đấy.” Chúng tôi rút ra một kết luận: ở Forest, Donald là “người một nhà.”

Tự kỷ là một hội chứng rất tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Mỗi người có một lượng không gian trống mà não bộ dành cho sự phát triển và thích nghi vô cùng khác nhau.

Có một quãng thời gian, việc chăm sóc Donald được chuyển giao cho cộng đồng. Kanner tin rằng sống trong một môi trường thôn dã hơn sẽ giúp ích cho sự phát triển của Donald. Vì vậy vào năm 1942, khi lên 9 tuổi, Donald chuyển đến sống với gia đình Lewis, một đôi vợ chồng làm nông sống cách thị trấn khoảng 10 dặm [khoảng 16km]. Cha mẹ ông thường xuyên đến thăm ông trong giai đoạn bốn năm này, và chính Kanner cũng đã đến Mississippi một lần để xem xét sự dàn xếp trên. Kanner sau đó nói rằng ông rất “ngạc nhiên trước sự sáng suốt của đôi vợ chồng chăm sóc cậu bé.” Gia đình Lewis không có con, họ đã để cho Donald làm việc và khiến ông ấy trở nên hữu ích. “Họ biết cách giao cho ông ấy những mục tiêu [phù hợp],” Kanner viết trong một báo cáo sau này.

“Họ khiến cậu bé vận dụng niềm mê mẩn sẵn có của cậu với những chỉ số đo lường bằng cách nhờ cậu đào một cái giếng rồi báo cáo về độ sâu của nó … Khi cậu ấy cứ đếm đi đếm lại các luống ngô, họ nhờ cậu đếm số luống trong lúc đang cày. Trong chuyến viếng thăm của tôi, cậu bé đã cày sáu luống dài; đáng chú ý là cậu có thể điều khiển ngựa và cày đất rồi quay ngựa trở lại tốt đến thế.”

Quan sát cuối cùng của Kanner trong chuyến thăm này nói lên rất nhiều điều về cách người khác tiếp nhận Donald: “Cậu bé học tại một trường làng, nơi những điều khác thường của cậu được chấp nhận, và ở đó cậu tiến bộ nhiều trong học tập.”

Những người hàng xóm của Donald không chỉ bỏ qua sự kỳ quặc của ông, mà còn công khai ngưỡng mộ những ưu điểm của ông. Ảnh: Pexels

Tương tự như vậy, trong suốt thời trung học, khi một lần nữa Donald quay về nhà sống với cha mẹ, có vẻ như hầu hết những điều khác thường của ông ấy đều được cho qua. Janelle Brown, một người học dưới Donald vài khóa (và là người được Donald đặt cho Số 1.487), nhớ lại rằng dù Donald có bị trêu chọc một vài lần, nhưng nhìn chung, ông vẫn được xem là một học sinh thông minh đáng ngưỡng mộ, thậm chí là “vô cùng sáng dạ” – một lần nữa nhờ vào khả năng làm phép nhân nổi tiếng và màn trình diễn đếm gạch của ông. Bà vẫn nhớ ông ấy hay ngồi cầm một cuốn sổ tay và ghi chi chít các con số từ trang này qua trang khác, và trong ấn tượng của bà cũng như của những người khác, đó là dấu hiệu của một trí tuệ siêu việt đang hoạt động.

Tất thảy những điều trên đều cho thấy rõ rằng qua thời gian, sự chú tâm của Donald dần được chuyển hướng ra bên ngoài. Ông ngày càng hiểu rõ hơn thế giới ông đang sống được định hình như thế nào, cùng lúc đó thế giới ấy cũng dần điều chỉnh cho phù hợp với ông.

Đến năm 1957, ông trở thành một thành viên trong hội nam sinh Lambda Chi Alpha thuộc Đại học Millsaps ở Jackson, Mississippi, ở đó ông theo học chuyên ngành tiếng Pháp và tham gia biểu diễn trong đội hợp xướng nam nhà thờ. (Một thành viên đã kể cho chúng tôi nghe, người chỉ huy đội hợp xướng không bao giờ phải sử dụng ống sáo điều chỉnh âm điệu, bởi vì Donald có thể gọi ra bất cứ nốt nhạc nào mà ông cần.)

Đức Cha Brister Ware, thuộc Nhà thờ Giáo hội Trưởng lão Thứ nhất ở Jackson, từng là một thành viên hội nam sinh và cũng là bạn cùng phòng của Donald. “Cậu ấy là một người bạn đáng mến,” Ware nói, hồi tưởng lại những khi ông ấy đã cố gắng đủ kiểu để giúp đỡ Donald về mặt xã hội, mặc dù “hòa nhập được với cậu ấy thật là một thử thách.” Khi đang luyện để trở thành hướng dẫn viên cứu hộ dưới nước, Ware đã bắt đầu dạy Donald học bơi, “nhưng khả năng phối hợp của cậu ấy không tốt lắm.” Không hề nản chí, Ware lại đặt ra một mục tiêu khác: “Tôi nghĩ tôi sẽ cố gắng làm cậu ấy cởi mở hơn,” và dạy Donald một kiểu nói đang thịnh hành lúc bấy giờ là phát âm từ yes thành “yeeeeeeees.” Nhưng những lời động viên của Ware – “phát âm vậy nghe cho ngầu và có chút cảm xúc” – lại một lần nữa không có hiệu quả.

Rõ ràng Ware luôn đứng về phía người bạn cùng lớp của mình, và theo như ông nói, các thành viên khác trong hội nam sinh cũng vậy. “Tôi biết cậu ấy có chút khác thường,” ông thừa nhận. “Nhưng, cậu ấy rất chân thật … tôi cảm thấy rất may mắn khi được làm bạn với cậu ấy.” Nhân tiện, người bạn này đã đặt cho Ware một con số: 569.

Sự bình yên, quen thuộc, ổn định và an toàn – khi nói về việc chữa lành, những thứ đó tạo ra một môi trường lý tưởng.

Trong suốt thời niên thiếu của Donald, việc gia đình Triplett rất dư dả tiền bạc chắc chắn đã giúp cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn – tiền để mời được Leo Kanner ở Baltimore, tiền để chi trả chi phí ăn ở tại nông trại của gia đình Lewis. Là chủ ngân hàng của thị trấn, họ cũng rất có địa vị, nhờ đó giúp ngăn chặn những điều độc địa thường xảy đến với những người như Donald. Một cư dân sâu sắc của Forest đã nói như vầy: “Trong một thị trấn nhỏ ở miền nam, nếu bạn là người kỳ quặc và nghèo hèn, bạn chính là một kẻ điên; Còn nếu bạn kỳ quặc và giàu có, bạn chẳng qua chỉ có chút lập dị.” Khi Donald lớn lên, ngân hàng gia đình thuê ông làm giao dịch viên, và một quỹ tín thác không hủy ngang được gia đình ông thành lập đã chi trả cho các hóa đơn của ông ấy cho đến ngày nay. Theo em trai của ông, Oliver, quỹ này được thiết kế với điều kiện kiểm soát nhằm đảm bảo, như lời ông nói, “không cô nào có thể thuyết phục Don cưới họ và rồi chuồn mất.” Thật ra, Donald chưa bao giờ thể hiện bất cứ sự quan tâm nào đến việc có bạn gái, và ông ấy cũng không quen một ai.

Nhưng Donald có em trai – họ hay ăn tối cùng nhau vào mỗi ngày chủ nhật, cùng với vợ của Oliver – và ông có một cộng đồng luôn chấp nhận ông từ rất lâu trước khi mọi người trong thị trấn biết đến từ tự kỷ. Sự bình yên, quen thuộc, ổn định và an toàn – khi nói về việc chữa lành, những thứ đó tạo ra một môi trường lý tưởng. Forest đã cung cấp tất cả những thứ đó cho Donald, một người không cần được chữa lành. Ông ấy chỉ cần phát triển, và ông đã làm được điều đó một cách ngoạn mục. Trong một trong những lá thư sau này gửi cho Leo Kanner, Mary Triplett đã thuật lại: “Thằng bé đã có được chỗ đứng rất tốt trong xã hội, quá tốt so những gì chúng tôi mong đợi.” Tất nhiên là vẫn còn những khó khăn – bà ấy đã thú nhận với vị bác sĩ tâm thần, lúc ấy đã trở thành một người bạn, “Tôi ước gì tôi biết được cảm xúc bên trong của thằng bé ra sao,” – nhưng nỗi sợ hãi rằng mình đã sinh ra một “đứa trẻ điên rồ đến vô vọng” của bà đã trôi qua từ lâu. Đến khi bà qua đời, Donald đã hoàn toàn trưởng thành, đã học hỏi về thế giới xung quanh và về vị trí của ông trong thế giới đó, nhiều hơn những gì mà bà có thể hình dung trong những năm đầu tiên.

Nhưng ông chưa bao giờ đếm gạch. Chuyện này hóa ra chỉ là một tin đồn.

Donald giải thích đầu đuôi câu chuyện chỉ sau khi chúng tôi đã nói chuyện với nhau được một khoảng thời gian khá dài. Chuyện bắt đầu trong một cuộc gặp gỡ tình cờ cách đây 60 năm ngay bên ngoài văn phòng luật sư của cha ông, khi một số học sinh trung học cùng trường, nghe danh thiên tài toán học của Donald, đã thách ông đếm số viên gạch trong tòa án quận ở phía bên kia đường. Có lẽ họ muốn trêu ông một chút; cũng có thể họ chỉ đang tìm trò mua vui. Dù sao đi nữa, Donald kể rằng ông đã nhìn lướt qua tòa nhà và trả lời đại một con số lớn ngẫu nhiên. Hình như những đứa trẻ khác đã tin ngay lập tức, bởi vì từ đó câu chuyện được kể lại và lưu truyền qua nhiều năm, rồi địa điểm cuối cùng chuyển từ tòa án sang tòa nhà trường học. Có vẻ là huyền thoại địa phương hấp dẫn này chưa bao giờ được kiểm chứng.

Những người mắc chứng tự kỷ thường được mặc định là không biết nói dối hoặc bịa chuyện, rằng trí óc của họ quá đơn thuần để phát minh ra những sự việc không khớp với thực tế. Câu chuyện về Donald và những viên gạch lại một lần nữa chứng minh những rủi ro cố hữu trong cách dán nhãn như vậy. Mặt khác, chuyện này cũng đã tiết lộ một vài điều bất ngờ về riêng Donald. Vào thời điểm xảy ra sự kiện đó, ông là một thiếu niên, tức là chưa đầy mười năm sau khi thoát khỏi sự cách ly hoàn toàn với xã hội, một trải nghiệm gần như đã định nghĩa nên thời thơ ấu của ông ấy. Tuy nhiên, đến tuổi thanh niên, có vẻ như ông ấy đã bắt đầu biết cách kết nối với mọi người, và đã hiểu được rằng các kỹ năng toán học của ông là thứ khiến người khác ngưỡng mộ.

Chúng tôi biết điều này, bởi vì cuối cùng chúng tôi đã hỏi trực tiếp Donald tại sao ông lại bịa ra con số đó vào những năm trước. Ông nhắm mắt rồi trả lời, và sau đó lại làm chúng tôi ngạc nhiên thêm lần cuối. Vẫn với cách nói cộc lốc như vậy, và không thêm chi tiết như thường lệ, ông nói đơn giản và hiển nhiên, “Tôi chỉ muốn những cậu bạn đó nghĩ tốt về tôi thôi.”


  1. Giải PGA: Giải đấu gôn do Hiệp hội Gôn Chuyên nghiệp Mỹ (Professional Golfer’s Association of America) tổ chức hàng năm. Đây là một trong bốn giải đấu lớn của bộ môn gôn chuyên nghiệp. (https://en.m.wikipedia.org/wiki/PGA_Championship)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất