a
§ Tác giả: Ilana E. Strauss | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Việt Anh | Hiệu đính:  Nguyên
04/11/2016
Nỗi sợ về một sự lười biếng lan tràn chủ yếu là do những mặt trái của việc thất nghiệp trong một xã hội lấy nghề nghiệp làm nền tảng.

Trong hàng thế kỉ qua, người ta đã phỏng đoán về một tương lai không có việc làm, và hiện tại thì vẫn chẳng khác gì khi các học giả, nhà văn, và nhà hoạt động một lần nữa cảnh báo rằng công nghệ đang thay thế nhân công lao động. Một số người tưởng tượng rằng một thế giới không có việc làm sẽ bị định hình bởi sự bất bình đẳng: Chỉ một số ít những người giàu có sẽ sở hữu tất cả của cải vật chất, còn số đông sẽ vật lộn trên những vùng đất hoang nghèo khổ.

Một dự đoán khác, ít hoang tưởng hơn và không mang tính tương hỗ loại trừ cho rằng tương lai sẽ là một vùng đất hoang theo kiểu khác, được đặc trưng bởi sự phi mục đích: Không có nghề nghiệp để mạng lại mục đích sống, mọi người sẽ trở nên lười biếng và chán nản. Quả thực, những người thất nghiệp ngày nay dường như không có một cuộc sống thoải mái. Kết quả một cuộc khảo sát Gallup cho thấy 20 phần trăm số người Mĩ trong tình trạng thất nghiệp ít nhất một năm được chẩn đoán bị trầm cảm, gấp đôi tỉ lệ ở người có việc làm. Đồng thời, một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng nguyên nhân của việc gia tăng tỉ lệ tử vong, các vấn đề sức khoẻ tâm thần, và tình trạng nghiện ngập ở các đối tượng trung niên ít được giáo dục là do thiếu các công việc có lương hậu hĩnh. Một nghiên cứu khác lại cho thấy mọi người thường vui vẻ trong khi làm việc hơn là trong thời gian rảnh rỗi. Có lẽ đây là lí do vì sao nhiều người lo lắng về sự u ám bi thảm của một tương lai không có việc làm.

Nhưng không nhất thiết là những kết quả này cũng có nghĩa là một thế giới không có việc làm sẽ chỉ toàn phiền muộn. Những tư tưởng như vậy được dựa trên mặt trái của sự thất nghiệp trong một xã hội có nền tảng là công ăn việc làm. Khi không còn việc làm, một xã hội với những mục đích khác1 có thể sẽ tạo ra những hoàn cảnh khác biệt hoàn toàn cho hoạt động lao động và giải trí trong tương lai. Ngày nay, lợi ích của lao động có thể được phóng đại hơi quá. “Nhiều công việc rất nhàm chán, nhục nhã, gây hại cho sức khoẻ, và lãng phí khả năng của con người,” theo John Danaher, một giảng viên thuộc Trường Đại học Quốc gia Ireland ở Galway, người đã từng nghiên cứu về chủ đề một thế giới không có việc làm. “Các cuộc khảo sát toàn cầu chỉ ra rằng hầu hết mọi người đều không vui với công việc của mình.”

Hiện nay, do quỹ thời gian nghỉ ngơi của hầu hết mọi người lao động là tương đối hạn hẹp, họ dành thời gian rảnh để cân bằng giữa yêu cầu về trí óc và cảm xúc trong công việc của họ. “Khi trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng, tôi thường cảm thấy mệt mỏi,” Danaher nói, tiếp tục rằng, “Nếu được ở trong một thế giới mà tôi không phải làm việc, có lẽ tôi sẽ cảm thấy khác hơn phần nào” – có thể đủ khác để anh ta lao vào một thú vui hay niềm đam mê với cường độ thường chỉ dành cho việc phát triển nghề nghiệp.

Có việc làm có thể là một thước đo cho sự ổn định tài chính, nhưng bên cạnh việc vật lộn để tìm cách bảo đảm những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, những người thất nghiệp thường bị cảm thấy như những kẻ ngoài rìa xã hội. “Những người trốn việc bị xem như những con đỉa, những kẻ ăn bám,” Danaher nói. Có lẽ, vì tư tưởng văn hoá này mà đối với hầu hết mọi người, lòng tự trọng và danh tính được gắn chặt với nghề nghiệp, hay sự không-nghề-nghiệp của họ.

Hơn nữa, trong nhiều xã hội hiện đại, việc thất nghiệp có thể hoàn toàn nhàm chán. Những thị trấn và thành phố ở Mĩ không phải chỗ dành cho thời gian rảnh: Diện tích cho các không gian công cộng chỉ như các hòn đảo nhỏ bé giữa một đại dương các tài sản tư nhân, và không có nhiều địa điểm miễn phí vé vào cửa để người lớn có thể gặp gỡ và dành thời gian vui vẻ cùng nhau.

Gốc rễ của sự buồn tẻ này có thể còn sâu xa hơn thế. Giáo sư tâm lí học Peter Gray thuộc Đại học Boston, người nghiên cứu về khái niệm vui chơi, cho rằng nếu như ngày mai mọi công việc đều biến mất, mọi người sẽ chẳng biết phải làm gì, đâm ra buồn chán và tuyệt vọng, bởi vì họ đã quên mất cách vui chơi. “Chúng ta dạy con trẻ phân biệt giữa chơi và làm,” Gray giải thích. “Công việc chính là thứ mà bạn không muốn làm nhưng vẫn phải làm.” Theo ông thì cách dạy này, vốn bắt đầu từ trường học, cuối cùng sẽ “bòn rút khả năng chơi đùa” của nhiều đứa trẻ, và chúng rồi sẽ lớn lên và vật vờ khi có thời gian rảnh.

“Đôi khi người ta nghỉ hưu và chẳng biết phải làm gì,” Gray nói. “Họ đã mất khả năng để tạo ra những thú vui cho riêng họ.” Đây dường như không phải là vấn đề ở trẻ em. “Không có một đứa bé ba tuổi nào lại biếng nhác và tuyệt vọng, bởi vì chúng không hoạt động một cách có tổ chức,” ông nói.

Vì không có người quản lý hay đốc công, họ luân chuyển nhịp nhàng giữa làm việc, giải lao, tham gia vào các trò chơi trong khu phố, bày các trò chơi khăm, và dành thời gian cho gia đình và bạn bè.

Nhưng mọi thứ có cần phải như vậy? Các xã hội không có công việc không chỉ là một thí nghiệm tưởng tượng – chúng đã tồn tại xuyên suốt lịch sử loài người. Đơn cử như những người săn bắt hái lượm, vốn không có sếp, séc lương, hay những ngày làm việc tám giờ. Mười nghìn năm về trước, tất thảy loài người đều là những tay săn bắt hái lượm, và một số bây giờ vẫn vậy. Daniel Everett, nhà nhân chủng học thuộc Đại học Bentley, Massachusetts, đã nghiên cứu một tộc người săn bắt hái lượm tên là Pirahã ở khu vực Amazon trong nhiều năm. Theo Everett, trong khi một số người coi việc săn bắt và hái lượm là công việc, chính những người săn bắt hái lượm lại không nghĩ vậy. “Họ coi chúng như trò giải trí,” ông nói. “Họ không hề có khái niệm về công việc như chúng ta.”

“Đó là một cuộc sống gần như hoàn toàn thảnh thơi,” Everett nói. Ông miêu tả một ngày bình thường của người Pirahã: Một người đàn ông có thể thức dậy, dành ra vài giờ để chèo xuồng và câu cá, tận hưởng một bữa thịt thú nướng, đi bơi, mang cá về cho gia đình, và vui chơi đến tận chiều tối. Cuộc sống tự cung tự cấp như vậy không phải là không có những mối lo của nó, nhưng nhà nhân chủng học Marshall Sahlins chỉ ra trong một bài luận vào năm 1968 rằng những người săn bắt hái lượm thuộc về “kiểu xã hội sung túc nguyên thủy,” bởi họ chỉ “làm việc” vài giờ trong một ngày; Everett ước tính rằng người Pirahã trưởng thành trung bình làm việc khoảng 20 giờ mỗi tuần (chưa kể đến việc không có các ông sếp luôn kè kè bên vai họ). Trong khi đó, theo Cục Thống kê Lao động, ở Mĩ, một lao động phổ thông đã có con phải làm việc khoảng chín giờ mỗi ngày.

Liệu cuộc sống nhàn hạ này có dẫn đến trầm cảm và sự mất phương hướng thường thấy ở nhiều người thất nghiệp hiện nay? “Tôi chưa từng thấy ở đó bất cứ điều gì như trầm cảm, ngoại trừ những người bị bệnh về mặt thể chất,” Everett nói. “Họ tràn đầy năng lượng. Họ vui chơi vào mọi lúc.” Trong khi nhiều người coi công việc như một thứ nhu yếu phẩm của cuộc sống con người, công việc trong hình hài như ngày nay cũng chỉ là một phát minh tương đối mới mẻ trong lịch sử hàng nghìn năm của nền văn hoá nhân loại. “Chúng ta cho rằng việc ngồi lê la mà không có việc để làm là không tốt,” Everett nói. “Đối với người Pirahã, đó lại là một trạng thái đáng để thèm muốn.”

Gray so sánh những khía cạnh này trong lối sống của người săn bắt hái lượm với những cuộc phiêu lưu vô tư lự của trẻ em ở các nước phát triển, những đứa trẻ rồi sẽ phải bỏ lại sự ngây ngô của tuổi thơ vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Nhưng câu chuyện không phải lúc nào cũng như vậy. Theo một cuốn sách xuất bản năm 1990 của Gary Cross có tên A Social History of Leisure Since 1600 (Tạm dịch: Lịch sử xã hội về sự giải lao từ năm 1600), khái niệm về thời gian rảnh rỗi ở Mĩ đã từng khá khác biệt trước thế kỉ 18 và 19. Những người nông dân – cách gọi hợp lí cho một số lượng lớn người Mĩ thời đó – đã kết hợp cả làm việc lẫn giải trí trong đời sống hằng ngày của họ. Vì không có người quản lý hay đốc công, họ luân chuyển nhịp nhàng giữa làm việc, giải lao, tham gia vào các trò chơi trong khu phố, bày các trò chơi khăm, và dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Đó là còn chưa kể đến các lễ hội và các dịp tập trung quây quần khác: Ví dụ, ở Pháp có 84 ngày lễ trong năm vào năm 1700, và điều kiện thời tiết khiến họ phải dừng việc nông vụ thêm khoảng 80 ngày nữa trong một năm.

Tất cả đã thay đổi trong cuộc Cách mạng Công nghiệp, sự kiện đã thay thế các nông trại và những người nông dân bằng các nhà máy và những người công nhân, Cross viết. Các chủ xí nghiệp đã tạo ra một môi trường có giờ giấc nghiêm ngặt hơn và phân biệt rạch ròi giữa làm và chơi. Trong khi đó, những chiếc đồng hồ – vật dụng ngày càng phổ biến vào thời đó – bắt đầu lên dây cót cho một cuộc sống hối hả hơn, và những người lãnh tụ sùng đạo, vốn có truyền thống ủng hộ hầu hết các lễ hội, cũng bắt đầu đánh đồng sự giải trí với tội lỗi và tìm cách thay thế các lễ hội đông vui bằng những buổi thuyết giáo.

Khi các công nhân di chuyển vào các thành phố, các gia đình không còn dành thời gian với nhau trên nông trại nữa. Thay vào đó, đàn ông làm việc trong các nhà máy, phụ nữ thì ở nhà hoặc làm việc trong các nhà máy, còn trẻ em đi học hoặc cũng tham gia làm việc trong các nhà máy. Vào ngày làm việc, các gia đình bị chia tách theo đúng nghĩa đen, điều này có ảnh hưởng đến cách mà mọi người tự vui thú với bản thân: Người lớn không còn chơi các trò “trẻ con” và các môn thể thao, và các khu phố gần như hoàn toàn không có sự vui đùa, bởi tầng lớp trung lưu và thượng lưu đều ghê tởm các hoạt động vui chơi của giới lao động như đá gà hay trò chơi xúc sắc. Nhiều trò giải trí trong số đó đã sớm bị cấm.

Khi nhu cầu vui chơi truyền thống của những người công nhân biến mất sau làn khói bụi công nghiệp, nhiều người trong số họ chuyển sang những thú vui mới, thời thượng hơn. Các quán bar trở thành nơi dừng chân cho những người công nhân mệt mỏi tới thưởng thức đồ uống và xem các show diễn nhảy và âm nhạc trực tiếp. Nếu như đối với rất nhiều người Mĩ, thời gian rảnh đồng nghĩa với bia và TV, thì đây có thể là lí do giải thích tại sao.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc có những mối quan hệ thân thiết là chỉ số hàng đầu để đánh giá sự hạnh phúc, và những mối liên kết xã hội được tạo ra trong thế giới không có việc làm sẽ giúp loại bỏ sự vô định mà nhiều nhà tương lai học dự đoán.

Có những thời điểm, các xã hội phát triển đã tạo ra cho một số ít có đặc quyền một cuộc sống thảnh thơi giống như của những người săn bắt hái lượm. Trong suốt lịch sử, các nhà quý tộc có nguồn thu nhập đơn giản là từ việc sở hữu ruộng đất chỉ dành một phần rất nhỏ trong quỹ thời gian của họ để xử lí các nhu cầu tài chính. Theo Randolph Trumbach, giáo sư Lịch sử tại Đại học Baruch, các quý tộc Anh vào thế kỉ 18 dành thời gian trong ngày để đi thăm bạn bè, tận hưởng những bữa ăn cầu kì, tổ chức những buổi họp mặt nghệ thuật (salons)2, viết thư, đi câu cá, và đến nhà thờ. Họ còn dành không ít thời gian để tham gia vào các công việc chính trị không lương. Con cái của họ được học nhảy, chơi các nhạc cụ, nói ngoại ngữ, và đọc tiếng Latin. Giới quý tộc Nga thường trở thành những trí thức, các cây viết, và các nghệ sĩ. “Trích lời một quý tộc vào thế kỉ 17, ‘Chúng ta ngồi xuống để thưởng thức bữa ăn và đứng lên để vui đùa, bởi lẽ một quý ông sẽ là gì nếu không phải những niềm vui thú ấy?’” Trumbach nói.

Trong một thế giới không có việc làm, rất khó để tất cả mọi người có thể sống xa xỉ như vậy. Nhưng Gray nhấn mạnh rằng việc đưa thêm hoạt động vui chơi vào cuộc sống con người, dù ở mức độ nào, cũng sẽ có ích, bởi việc vui chơi không chỉ mang lại niềm vui thú. Theo Gray, thông qua hoạt động vui chơi, trẻ em sẽ học cách lên kế hoạch, xây dựng các liên kết tâm lí, thể hiện sự sáng tạo, học cách hợp tác, vượt qua tính vị kỉ, và trở nên hoà đồng với mọi người. “Các con thú đực thường gặp khó khăn khi sống gần nhau,” ông nói, và những đặc tính khơi gợi sự hoà hợp của hoạt động vui chơi có thể giải thích tại sao nó có vai trò quan trọng ở các xã hội săn bắt hái lượm như vậy. Dù ngày nay hầu hết những người trưởng thành có thể đã quên mất cách vui chơi, Gray không tin rằng khả năng ấy lại không hồi phục được: Cũng có không ít, ông nói, các bậc ông bà học lại được cách chơi đùa khi ở bên những đứa cháu nhỏ của họ.

Khi suy ngẫm về bản chất của một thế giới không có công việc, người ta thường áp đặt những giả định về lao động và giải trí của thế giới hiện tại lên viễn cảnh tương lai, nơi mà có thể những giả định đó sẽ không còn đúng nữa; nếu như sự tự động hoá loại bỏ được một lượng lớn nhân công không cần thiết, một xã hội như vậy có thể có những đặc trưng hoàn toàn khác biệt so với xã hội ngày nay.

Vậy một nước Mĩ không có việc làm sẽ có hình hài như thế nào? Gray có một vài ý tưởng. Trường học, trước hết, sẽ trở nên rất khác. “Tôi cho rằng hệ thống giáo dục ở nhà trường của chúng ta sẽ bị vứt bỏ,” Gray nói. “Mục đích chính của hệ thống giáo dục là dạy con người ta lao động. Tôi không nghĩ lại có người muốn đặt con cái của họ vào tình cảnh hiện tại của con cái chúng ta.” Thay vào đó, Gray đề xuất rằng các giáo viên có thể xây dựng bài giảng xoay quanh những điều mà học sinh thấy tò mò nhất. Hoặc là, hình thức giáo dục chính thống ở trường học có thể bị xoá sổ hoàn toàn.

Trong khi đó, Trumbach nghĩ đến khả năng việc giáo dục ở trường học sẽ thiên về dạy cho trẻ cách trở thành những nhà lãnh đạo, chứ không phải những người lao động, thông qua các môn học như triết học và hùng biện. Ông cũng cho rằng mọi người có thể tham gia nhiều hơn vào đời sống chính trị và công cộng, giống những người quý tộc ngày xưa. “Nếu như đa số người dân dành thời gian rảnh của họ để điều hành đất nước, cuộc sống của họ hẳn sẽ có ý nghĩa hơn,” Trumbach nói.

Đời sống xã hội cũng sẽ trở nên khác biệt. Kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp, những người cha, người mẹ, người con gần như phải xa nhau trong suốt quãng thời gian trong ngày. Trong một thế giới không có việc làm, mọi người ở mọi lứa tuổi có thể lại đoàn tụ với nhau. “Chúng ta sẽ ít bị li tán hơn,” Gray tưởng tượng một cách lạc quan. “Khi một người mẹ có em bé, các nhà hàng xóm đều muốn giúp bà mẹ ấy.” Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc có những mối quan hệ thân thiết là chỉ số hàng đầu để đánh giá sự hạnh phúc, và những mối liên kết xã hội được tạo ra trong thế giới không có việc làm sẽ giúp loại bỏ sự vô định mà nhiều nhà tương lai học dự đoán.

Nhìn chung, khi không có việc làm, Gray cho rằng có nhiều khả năng mọi người sẽ theo đuổi đam mê của họ, tham gia vào các hoạt động nghệ thuật, và đi thăm bạn bè. Có thể sự giải lao sẽ không còn đơn thuần là việc xả hơi sau một khoảng thời gian làm việc căng thẳng, mà nó sẽ trở thành một hoạt động có tính đa dạng và vui tươi hơn. “Chúng ta không cần phải trở nên vị kỉ như chúng ta nghĩ,” ông nói. “Tôi tin rằng chúng ta sẽ trở nên có tình người hơn.”


  1. Theo người dịch hiểu, ở đây tác giả muốn nói rằng thế giới hiện tại được xây dựng trên nền tảng là công ăn việc làm, và vì vậy mục đích tối cao của xã hội là tạo ra công ăn việc làm cho mọi người.

  2. “Salon” là một buổi họp mặt nghệ thuật trong ngôi nhà của chủ tiệc, với mục đích để giải trí, khơi gợi khiếu thẩm mỹ hay cung cấp tri thức cho các thành viên thông qua việc trò chuyện với nhau. Thường gắn với các phong trào văn chương và triết học vào thế kỉ 17 và 18 ở Pháp, những buổi họp mặt này còn tồn tại đến những năm 90 ở các vùng đô thị. Bạn đọc quan tâm có thể đọc thêm về Salon tại đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất