a
§ Tác giả: John Donvan, Caren Zucker | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Mỹ Châu | Hiệu đính:  Ninh, Za
02/04/2019

Trong khi số trường hợp mắc chứng tự kỷ đang bùng phát trong những năm gần đây – ngày nay, cứ 110 trẻ em lại có một trẻ mắc phải một số dạng thuộc hội chứng trên – càng ngày càng có nhiều nỗ lực tìm hiểu và tạo điều kiện cho người mắc hội chứng này trong giai đoạn ấu thơ. Tuy nhiên, trẻ em tự kỷ sẽ trở thành người lớn tự kỷ, chỉ riêng trong thập kỷ này đã có xấp xỉ gần 500.000 người. Vậy tới lúc đó thì sao? Hãy gặp Donald Gray Triplett, 77 tuổi, quê ở Forest, Mississippi. Ông ấy là người đầu tiên được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Và cuộc sống lâu dài, hạnh phúc, đầy ngạc nhiên của ông có lẽ sẽ mang lại một số câu trả lời.

Năm 1951, một nhà tâm lý học, nhà đọc tâm và thôi miên gốc Hungary mang tên Franz Polgar đã được mời tham dự buổi biểu diễn một đêm duy nhất tại thị trấn Forest, thuộc Mississippi. Vào thời điểm đó, Forest là một cộng đồng khoảng chừng 3.000 người và không hề có khách sạn ở trọ. Có lẽ, vì địa vị xã hội của ông – người xưng là Tiến sĩ Polgar, từng xuất hiện trên tạp chí Life, và tự nhận (dù không hề đúng) là “nhà thôi miên y khoa” (medical hypnotist) của Sigmund Freud – Polgar được nghỉ tại nhà của một trong những đôi vợ chồng giàu có nhất và có học thức nhất tại Forest, và họ đã đối đãi với nhà ngoại cảm đáng kính như một vị khách riêng của mình.

Màn trình diễn biết hết, thấy hết của Polgar đã mê hoặc khán giả ở các thị trấn lớn nhỏ tại nước Mỹ trong suốt nhiều năm. Tuy nhiên, đêm đó lại đến lượt ông ấy bị sửng sốt khi gặp cậu con trai lớn của đôi vợ chồng chủ nhà, lúc đó đã 18 tuổi. Dù có thái độ xa cách kỳ quặc, không thích trò chuyện và vụng về khi cử động, Donald vẫn sở hữu những tài năng vượt trội của riêng cậu, gồm khả năng đọc nốt nhạc hoàn hảo khi chúng được chơi trên đàn piano và là một thiên tài tính nhẩm phép nhân. Polgar đưa ra phép tính “87 nhân 23,” và Donald, với đôi mắt nhắm nghiền và không chút ngập ngừng, trả lời chính xác là “2001.”         

Quả thực, những người dân địa phương rất hay kháo nhau về Donald. Ngay cả những người trong các thị trấn lân cận cũng đã nghe kể về cậu thiếu niên ở Forest, người có thể tính số lượng gạch ở phía mặt tiền của trường trung học – chính là tòa nhà nơi Polgar sẽ trình diễn – mà chỉ cần nhìn lướt qua nó.

Theo lời kể từ gia đình, Polgar đã thực hiện buổi trình diễn của mình, và rồi sau khi cúi chào lần cuối, ông đã đề nghị các vị chủ nhà: hãy để Donald đi theo ông, cùng tham gia vào màn trình diễn của ông ấy.

Cha mẹ của Donald đã vô cùng sửng sốt. Oliver, em trai của Donald nhớ lại, “Mẹ tôi không cảm thấy thích thú chút nào hết.” Một phần là bởi, sau một sự khởi đầu đầy khó khăn trong cuộc sống, mọi thứ cuối cùng đã trở nên ổn thỏa đối với Donald. “Bà giải thích với [Polgar] rằng anh ấy đang đi học, anh ấy cần phải tiếp tục đến trường,” Oliver kể lại. Anh ấy không thể cứ thế từ bỏ mọi thứ chỉ để tham gia hoạt động biểu diễn, nhất là khi anh có ý định theo học đại học.

Một phần nguyên nhân khác khiến họ từ chối, dù họ có nói ra điều này với vị khách của họ hay không, là bởi đề xuất của Polgar đã xúc phạm họ trầm trọng. Donald không được bình thường là một chuyện, cha mẹ cậu không thể thay đổi điều đó; còn cậu bị mang ra làm một trò lạ thường lại là chuyện khác, họ có thể và sẽ ngăn chặn chuyện đó. Đề xuất kia bị từ chối một cách lịch sự nhưng kiên quyết.

Tuy nhiên, nhà ngoại cảm biết-tuốt kia lại không hề biết rằng Donald, người đã bỏ lỡ cơ hội tỏa sáng trước công chúng, đã chiếm lĩnh hẳn một vị trí trong lịch sử. Các tài năng thiên phú và khiếm khuyết bất thường của Donald đã nổi tiếng vượt ra khỏi Mississippi, và một bài tường thuật về những điều này đã được xuất bản, rồi sau này sẽ được dịch và tái bản trên khắp thế giới, khiến cho tên của cậu được rất nhiều người biết đến, cuối cùng còn nổi tiếng hơn cả Polgar.

Chí ít là tên riêng của cậu.

Donald là đứa trẻ đầu tiên được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Được ghi nhận trong bệnh sử của hội chứng tự kỷ là “Ca thứ nhất … Donald T,” cậu là đối tượng đầu tiên được mô tả trong một bài báo y khoa năm 1943 nhằm tuyên bố phát hiện ra một tình trạng không giống với “bất cứ bệnh gì từng được báo cáo trước đây.” Hội chứng thần kinh phức tạp này nay thường được gọi là hội chứng rối loạn phổ tự kỷ (autism spectrum disorder), hay ASD. Vào thời điểm đó, tình trạng này được xem là cực kỳ hiếm, chỉ thấy ở Donald và 10 đứa trẻ khác – từ Ca thứ 2 tới Ca thứ 11 – cũng được đề cập trong bài báo đầu tiên này.

Đó là chuyện diễn ra cách đây 67 năm. Ngày nay, các bác sĩ, các bậc cha mẹ, và những nhà chính trị thường xuyên nói về “dịch bệnh” tự kỷ. ASD là một hội chứng đa dạng và có mức độ nghiêm trọng vô cùng khác nhau – vì thế còn gọi là phổ (spectrum) – và tỉ lệ mắc hội chứng này đang gia tăng đột biến kể từ đầu những năm 1990, ước tính tại Mỹ cứ 110 trẻ thì có một trẻ mắc một số dạng ASD. Và chưa ai biết lý do tại sao.

Vẫn luôn có các giả thuyết về nguyên nhân gây ra hội chứng tự kỷ – rất nhiều giả thuyết. Vào giai đoạn đầu, các bác sĩ tâm thần tin chắc rằng tự kỷ xảy ra do những bà mẹ tồi tệ, chính cách đối xử lạnh lùng của họ đối với con mình sẽ khiến chúng thu mình vào một thế giới riêng an toàn. Sau này, chứng tự kỷ được nhận định là do nguyên nhân sinh học. Nhưng thay vì làm sáng tỏ vấn đề, cách hiểu này lại khơi mào một cuộc tranh luận bất phân thắng bại về cơ chế hoạt động chính xác dẫn đến hội chứng này. Các trường phái khác nhau cho rằng nguyên nhân gây ra hội chứng tự kỷ là chất gluten trong thực phẩm, hay thủy ngân được sử dụng làm chất bảo quản trong một số loại vắc-xin, hay vắc-xin ngừa bệnh sởi-quai bị-rubella đặc thù. Những cách nghĩ khác lại hình dung chứng tự kỷ thực chất là một phản ứng tự miễn dịch, hoặc là kết quả của sự thiếu hụt dinh dưỡng. Quan điểm thống nhất chính thức hiện nay cho rằng tự kỷ là một hội chứng thần kinh, có lẽ do một hoặc nhiều bất thường về di truyền kết hợp với tác nhân môi trường gây ra. Nhưng điều này cũng chẳng giải thích được thêm gì mấy: số lượng gen và các tác nhân có khả năng liên quan nhiều đến nỗi rất khó có thể xác định rõ nguyên nhân gây bệnh cụ thể, chưa nói đến cách chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Ngay cả quan điểm cho rằng số ca tự kỷ đang trên đà gia tăng cũng bị phản bác đến một mức độ nhất định, bởi vì một số người tin rằng chẩn đoán tự kỷ tăng lên chủ yếu là do nhận thức cao hơn về hội chứng này.

Số lượng gen và các tác nhân có khả năng liên quan nhiều đến nỗi rất khó có thể xác định rõ nguyên nhân gây bệnh cụ thể, chưa nói đến cách chữa khỏi bệnh hoàn toàn.

Tuy nhiên, không còn nhiều tranh cãi về những tiêu chuẩn nói chung cấu thành nên một ca tự kỷ nữa. Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê về Các Hội chứng Rối loạn Tâm thần – thường được xem như Kinh Thánh của ngành tâm thần học – đã vẽ ra một bản đồ triệu chứng rõ ràng. Đáng chú ý là, những triệu chứng này vẫn khớp với các triệu chứng của “Donald T,” người từng được kiểm tra tại Viện Johns Hopkins ở Baltimore vào những năm 1930, cũng là cậu bé sau này khiến một nhà ngoại cảm phải kinh ngạc và trở nên nổi tiếng vì khả năng tính số gạch.

Trong những năm sau đó, các tài liệu khoa học đã cập nhật câu chuyện của Donald T một vài lần, một vài bài báo đăng ở chỗ này chỗ kia, nhưng cách đây khoảng bốn thập kỷ, câu chuyện đó dần bị quên lãng. Các chương sau về cuộc đời của Donald không hề được viết tiếp, khiến chúng ta chẳng có câu trả lời chi tiết nào cho câu hỏi Chuyện gì đã xảy ra với Donald?

Có một câu trả lời. Một phần trong đó đã được chúng tôi vô tình tìm thấy trong các tài liệu bị bỏ quên từ lâu ở kho lưu trữ của Viện Johns Hopkins. Nhưng phần lớn câu trả lời được chúng tôi tìm thấy bằng cách tìm kiếm và dành thời gian với chính Donald. Tên đầy đủ của ông là Donald Grey Triplett. Ông đã 77 tuổi. Và ông vẫn còn ở Forest, Mississippi. Đang chơi gôn


CÂU HỎI gây ám ảnh mỗi bậc cha mẹ có con bị tự kỷ là Chuyện gì sẽ xảy ra khi tôi chết? Điều này phản ánh một vấn đề không thể tránh khỏi theo thời gian: trẻ em tự kỷ sẽ lớn lên rồi trở thành người lớn tự kỷ, và trong hầu hết các trường hợp, cuối cùng họ đều sống lâu hơn cha mẹ, những người chăm sóc họ.

Vậy sau đó thì sao?

Đó là một câu hỏi vẫn chưa thu hút được sự chú ý của xã hội, thật dễ hiểu, khi mà cuộc thảo luận về hội chứng tự kỷ cho đến nay vẫn thiên về các tác động của nó trong độ tuổi thơ ấu. Nhưng, sự thật phũ phàng chính là một dịch bệnh ở trẻ em hôm nay đồng nghĩa với một dịch bệnh ở người lớn mai sau. Các số liệu thống kê rất đáng chú ý: chỉ trong khoảng một thập kỷ nữa, trên 500.000 trẻ em được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ sẽ bước vào tuổi trưởng thành. Trong số đó sẽ có những người mang những biến thể ít nghiêm trọng hơn – như hội chứng Asperger hay HFA, viết tắt của “hội chứng tự kỷ có khả năng cao” (high-functioning autism) – và có thể sống độc lập và trọn vẹn hơn. Tuy nhiên, ngay cả phân nhóm đó cũng sẽ cần được hỗ trợ, còn những người mang những biến thể thiểu năng hơn (lower-functioning) sẽ cần được trợ giúp tận tình và thường xuyên.

Tự kỷ là một hội chứng đa dạng và có mức độ nghiêm trọng vô cùng khác nhau – vì thế còn gọi là phổ (spectrum) – và tỉ lệ mắc hội chứng này đang gia tăng đột biến.

Chúng ta đáp ứng những nhu cầu đó theo cách nào còn tùy vào việc chúng ta nhìn nhận những người lớn bị tự kỷ như thế nào. Chúng ta có thể tách biệt khỏi họ, xem họ như những con người bị hỏng hóc một cách bi thảm, và nuôi hy vọng rằng chúng ta sẽ đủ nhân đạo để gánh vác gánh nặng đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ. Cách nhìn này coi người khuyết tật nói chung là những bộ phận cần tách biệt khỏi cộng đồng về mặt đạo đức và có lẽ cả về mặt pháp lý, và trong quá khứ không xa, người ta thường “giải quyết” “vấn đề” về những người lớn khiếm khuyết này bằng cách tập trung họ vào một khu vực để sinh sống – chính xác là những trại biệt lập.

Hoặc, chúng ta có thể loại bỏ những mảng sầu bi, và diễn giải chứng tự kỷ như là một nếp nhăn nhỏ trên bức màn nhân loại. Thực tế mà nói, điều này không có nghĩa là giả vờ xem như người lớn bị tự kỷ không hề cần giúp đỡ. Mà đó là thay thế sự thương hại bằng những hoài bão dành cho họ. Mấu chốt của quan điểm này chính là sự thừa nhận cho rằng “họ” là một phần của “chúng ta,” và những người không mắc chứng tự kỷ sẽ cùng đứng về phía những người bị tự kỷ.

Donald Triplett, nhân vật đầu tiên trong câu chuyện tự kỷ, đã sống trong những thế giới được định hình bởi các quan điểm này

“Họ” là một phần của “chúng ta” — những mảnh ghép đa màu của bức màn nhân loại. Ảnh: Pixabay.

DONALD LÁI XE theo một nhịp gõ nhẹ nhàng. Sau khi đạp chân ga trong tích tắc, ông tạm nhả ga chốc lát, rồi lại tiếp tục nhấn ga. Nhấn. Thả. Nhấn. Thả. Nhịp độ không hề thay đổi. Đã là trưa chiều, và Donald đang điều khiển chiếc Cadillac 2000 màu cà phê của mình, với chuyển động lúc nhanh lúc đều rất khó nhận biết đó, hướng về phía nam theo Đường 80 thuộc Mississippi. Dù mang tư thế vươn về phía trước với hai tay ghì chặt lấy vô-lăng của một ông già, gương mặt ông lại tươi cười như một cậu bé. Ông mang biểu cảm của một người đang được làm đúng những gì mà mình muốn làm, vừa thư thả vừa quả quyết.

Lịch trình hôm nay bao gồm cà phê buổi sáng với bạn bè, một cuộc tản bộ dài để tập thể dục, xem phim Bonanza phát lại trên TV, và bây giờ, lúc 4:30, lái xe chạy một đoạn ngắn theo Đường 80 để đi chơi gôn. “Tôi nhìn ra,” ông lên tiếng, “anh có một cái nhãn dán thuộc Quận Lafayette trên xe của anh.” Ông phá vỡ khoảng lặng dài với lời nhận xét đó, ý nói về tấm nhãn đăng ký lưu hành dán trên chiếc xe thuê mà chúng tôi đỗ lại trên lối vào nhà ông. Lời nói của ông lơ lửng một lúc, và rồi ông nói thêm: “Vậy có nghĩa là nó đến từ Quận Lafayette.” Tất cả chỉ có vậy. Tự gật gù với bản thân xong, Donald liền tiếp tục im lặng, tập trung vào con đường phía trước, hoặc chuyển qua độc thoại nội tâm. So với xu hướng nhắm mắt suốt một hồi lâu trong lúc nói chuyện của ông ấy, đây có lẽ là sự lựa chọn an toàn nhất.

Donald đỗ xe ngay gần bậc cấp phía trước Câu lạc bộ Forest Country, một nơi không chút hào nhoáng. Tòa nhà một tầng, màu đỏ gạch của câu lạc bộ nằm đối diện với sân gôn được chăm sóc tốt, phần lớn bằng phẳng và được khoanh ra từ một khu rừng. Phí hội viên là $100 cho mỗi gia đình trong một tháng, và một lượt chơi gồm 18 lỗ có giá $20 vào những ngày trong tuần. Ngày nào cũng vậy, người chơi ở các khu vực Fairway1 bao gồm các luật sư, thợ cơ khí, nhân viên ngân hàng, tài xế xe tải, những người bán hàng, nông dân, và Donald. Thật ra, Donald đến đây hằng ngày miễn là thời tiết cho phép. Và gần như ngày nào ông cũng đều chơi gôn một mình.

Không phải ai chơi gôn ở đây cũng nhận ra “DT” — biệt danh của Donald ở câu lạc bộ —  mắc chứng tự kỷ. Tuy nhiên, khó có thể bỏ qua sự khác thường của ông ấy khi ông tìm đường đến khu vực phát bóng (tee) đầu tiên, nơi nằm trọn trong tầm nhìn của các hội viên đang ngồi trên ghế bành trong bóng râm dưới cổng vòm của câu lạc bộ. Họ thấy một người đàn ông nhỏ bé mặc quần kaki ngắn và áo sơ mi dệt kim màu xanh lá, đội chiếc nón tai bèo màu hồng rằn ri kéo phủ qua tai. Donald sải bước đến khu vực phát bóng với dáng đi đặc trưng của chứng tự kỷ, thường là mẹo để nhận biết hội chứng này – dang tay ra hai bên như hình chữ A, bước đi hơi máy móc, đầu và vai đung đưa trái-phải-trái như chuyển động lắc của máy đếm nhịp.

Thực tế thì Donald không hề là một tay gôn tồi: những cú phát bóng (tee shots) hầu hết đều rơi vào khu vực fairway, vượt qua hết các cú đánh ngắn, có thể gạt bóng vào lỗ trong khoảng cách 2 mét. Chỉ có điều, cú xoay người đánh bóng (swing) của ông ấy mới là một màn trình diễn phô trương, một trình tự những động tác mà ông dường như nhất định phải lặp đi lặp lại với hầu hết mọi cú đánh bóng – nhất là khi ông ấy cực kỳ muốn quả bóng bay đi xa.

Donald liếm những ngón tay trên bàn tay phải, rồi đến bàn tay trái. Tự căn chỉnh góc đứng với quả bóng xong, ông giơ gậy lên trời cho đến khi nó vươn thẳng qua đầu, như thể ông đang giương một cái biểu ngữ. Có khi ông giữ cánh tay giơ lên cao một lúc lâu. Sau đó, ông vung gậy từ trên đầu xuống đất, dừng lại cách quả bóng không xa, trước khi lại giơ nó lên lần nữa. Ông lặp lại một loạt các động tác vung gậy đó, tăng tốc độ trong mỗi lần lặp lại cho đến khi, vẫn giữ thẳng chân, ông nhích lên phía trước, đưa đầu qua bóng. Với cú vung gậy cuối cùng, ông để nó chạm trúng bóng. Rắc! Bóng đã bay đi, và Donald nhún nhảy đầu gối trong khi nhìn xuống khu vực fairway để xem kết quả. Đó là một cú xoay người đánh bóng không hề mượt mà. Nhưng đó là kiểu của Donald. Và ông ấy không bao giờ đánh hỏng.

Donald Triplett, ảnh chụp năm 2016 khi ông 83 tuổi. Ảnh: Wikimedia.

Có những lúc, Donald không thể tránh được việc chơi cùng với những tay gôn khác. Đó là khi câu lạc bộ tư nhân, vốn luôn tôn vinh truyền thống đánh gôn như một trò chơi xã hội, dành toàn bộ sân gôn cho một cuộc “tranh tài” giữa các hội viên. Trong cuộc thi đấu, các tay gôn được phân thành nhóm một cách ngẫu nhiên, và tranh đua điểm nhóm thấp nhất bằng cách chọn bóng ở vị trí tốt nhất và mỗi thành viên trong nhóm sẽ được đánh bóng từ điểm đó. Trong một cuộc thi đấu gần đây, Donald đã tham gia các vòng thi với Lori và Elk cùng Kenneth và Mary, cả nhóm dường như đều trẻ hơn ông ấy ít nhất ba hay bốn chục tuổi. Nhưng Donald vẫn giữ vững phong độ thi đấu với những cú đánh như mọi lần. Ông ấy còn bắt đầu nói một vài lời đùa giỡn thân thiện và được đáp lại cũng theo tinh thần như thế, dù những lời cổ vũ của Donald có xu hướng cứ lặp đi lặp lại: “Đánh tốt lắm, Kenneth!” “Đánh tốt lắm, Lori!” “Đánh tốt lắm, Elk!” Thỉnh thoảng, ông ấy sẽ vui đùa theo những biến tấu khác nhau bằng cách ghép tên các đồng đội của mình với những từ trong ngôn ngữ riêng của ông: “Này, Elkins the Elk!” “Này, Mary Cherry!” “Được lắm, cảm ơn, Kenneth the Senneth!”

Tuy nhiên, phần lớn thời gian, Donald đều im lặng. Điều này hiển nhiên phù hợp với không khí của cuộc thi đấu. Dù vậy, Donald tỏ ra thoải mái trong sự im lặng, và theo nghĩa rộng hơn, ông ấy cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình, giống như một bản quảng cáo của cộng đồng nghỉ hưu về việc hưởng thụ cuộc đời – xe hơi, cà phê, gôn và TV. Donald tự do, tự lập và có sức khỏe tốt. Tóm lại, cuộc sống của đứa trẻ tự kỷ đầu tiên đã diễn ra tốt đẹp


DONALD PHẢI VÀO VIỆN CHĂM SÓC ĐẶC BIỆT khi cậu bé chỉ mới 3 tuổi. Theo trích dẫn từ hồ sơ thuộc kho lưu trữ của Viện Johns Hopkins, vị bác sĩ gia đình ở Mississippi cho rằng gia đình Triplett đã “thúc ép đứa trẻ quá mức.” Hành động cự tuyệt tự ăn khi mới chập chững của Donald, kết hợp với những hành vi khó hiểu mà cha mẹ cậu ấy không thể nào kiểm soát nổi, đã khiến vị bác sĩ đưa ra lời khuyến nghị nên “thay đổi môi trường sống.” Vào tháng 8 năm 1937, Donald chuyển đến sống ở một trung tâm thuộc nhà nước cách nhà cậu ấy 50 dặm, nằm trong một thị trấn mà sau này còn được gọi là Sanatorium, ở Mississippi.

Tòa nhà rộng lớn nơi Donald ở phục vụ cho mục đích có vẻ khác thường vào ngày nay: cách ly phòng ngừa đối với những đứa trẻ được cho là có nguy cơ mắc bệnh lao. Nơi này vốn không được thiết kế hay vận hành để dành cho một đứa trẻ như Donald, và theo một chuyên gia giám định y khoa, phản ứng của cậu ấy khi vừa chuyển đến nơi này hết sức rõ ràng: cậu “bị suy nhược thể chất.”

Ở thời điểm đó, vào viện chăm sóc đặc biệt là lựa chọn mặc định đối với bệnh tâm thần nặng, căn bệnh mà ngay cả mẹ của Donald cũng tin rằng chính là khởi nguồn cho hành vi của cậu bé: trong một bức thư đầy tuyệt vọng, bà mô tả cậu là “đứa trẻ điên rồ đến vô vọng.” Dẫu vậy, vào viện chăm sóc đặc biệt cũng chẳng giúp ích được gì. “Dường như,” chuyên gia giám định y khoa ở Johns Hopkins sau này có viết, “cậu bé đã trải qua giai đoạn tồi tệ nhất khi ở đây.” Những chuyến thăm của cha mẹ cậu bị giới hạn trong hai lần một tháng, và khuynh hướng tránh tiếp xúc với mọi người của cậu dần lan rộng sang tất cả những thứ khác – đồ chơi, thức ăn, âm nhạc, cử động – đến mức hằng ngày cậu ấy chỉ “ngồi bất động, không chú ý đến bất cứ thứ gì.”

Dĩ nhiên là cậu bé đã không được chẩn đoán chính xác, bởi tên gọi đúng cho tình trạng này lúc bấy giờ vẫn chưa hề tồn tại. Rất có thể cậu không phải là người duy nhất rơi vào hoàn cảnh đó, vẫn có những đứa trẻ tự kỷ khác, ở những khu vực khác trong các tiểu bang khác, cũng bị chẩn đoán sai tương tự như vậy – hoặc bị cho là “giảm sút trí tuệ” (feeble-minded) theo cách nói của y học thời đó, hoặc khả năng cao hơn là, với các kỹ năng trí tuệ vượt trội nhưng dị biệt mà nhiều người đã bộc lộ, họ bị xem là có biểu hiện của bệnh tâm thần phân liệt.

Cha mẹ Donald đến đón cậu về vào tháng 8 năm 1938. Gần tròn một năm kể từ khi cậu được đưa vào viện chăm sóc đặc biệt, Donald đã ăn uống trở lại và sức khỏe của cậu cũng dần được phục hồi. Dù bây giờ cậu bé đã “chơi giữa những đứa trẻ khác,” nhưng các quan sát viên nhận thấy cậu chỉ chơi như vậy “chứ không hề nhập hội cùng chúng.” Nhưng vị giám đốc trung tâm lại nói với cha mẹ của Donald rằng cậu bé đã “vui vẻ hòa đồng,” và cố gắng thuyết phục họ đừng mang con trai rời khỏi đây. Ông ấy thậm chí đã yêu cầu họ “hãy để cậu bé được yên.”

Tuy nhiên, họ vẫn giữ vững lập trường và đưa Donald trở về nhà. Sau đó, khi họ yêu cầu vị giám đốc cung cấp cho họ một văn bản đánh giá về quãng thời gian Donald sống tại trung tâm, thì ông ấy lại chẳng mấy bận tâm. Nhận xét của ông về Donald trong suốt một năm được viện của ông chăm sóc chỉ vỏn vẹn chưa đầy nửa trang giấy. Theo kết luận của ông, vấn đề của cậu bé có thể là do “một số bệnh về tuyến.”

Donald, khi đó sắp tròn 5 tuổi, quay trở về vạch xuất phát.


Đọc tiếp Phần 2: Căn bệnh không có lời giải đáp.


  1. Fairway: Là vùng kéo dài thẳng từ điểm phát bóng xuống gần với vùng Green (vùng bao quanh lỗ gôn). Đánh bóng vào phần Fairway là một trong những mục đích chính khi chơi vì khi bóng ở gần vùng Fairway, người chơi sẽ dễ dàng đánh bóng từ vùng Fairway vào vùng Green hơn so với đánh bóng từ các vùng Rough (đường biên xung quanh vùng Fairways) hay Hazards (vùng chướng ngại vật như ao, hồ, rạch nước, hố cát,…).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất