Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Edward Jay Epstein | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Bích | Hiệu đính:  Ngọc Anh Cao và Nguyên
06/06/2017
Đây là phần 3 và cũng là phần cuối của bài viết này. Độc giả có thể xem phần 1 tại đây và phần 2 tại đây.

Một mối đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định của kim cương xảy ra vào cuối thập niên 70 bắt nguồn từ việc bán ra những viên kim cương “tích trữ” cho những nhà đầu cơ tại Mỹ. Một loạt các công ty đầu tư giả mạo, phần lớn là từ Arizona, bắt đầu gọi điện cho những khách hàng tiềm năng được thu thập từ nhiều danh sách về những chuyên gia và nhà đầu tư, những người gần đây có bán cổ phiếu. “Những người môi giới,”1 rất nhiều trong số họ từng là những người đưa tin ở các đài phát thanh và truyền hình, đã thuyết phục những người lạ đặt mua kim cương qua thư như một món đầu tư an toàn hơn cổ phiếu và trái phiếu. Rất nhiều trong số những công ty mới mở này tổ chức những buổi hội thảo về đầu tư kim cương tại những khách sạn nghỉ dưỡng đắt tiền, ở đây họ đưa ra những dữ liệu, bảng biểu ấn tượng. Trong những buổi hội thảo này, thường được hỗ trợ bởi một số người đóng giả đã tập duyệt kĩ càng trà trộn vào đám quan khách, những người chủ trì sẽ bán những gói kim cương đã được niêm yết cho những người đến dự. Những người chủ trì thường sẽ nhắm vào nỗi sợ của những nhà đầu tư lớn tuổi rằng những người thân của họ có thể sẽ cuỗm hết tiền mặt của họ và tống họ vào những nhà dưỡng sinh. Họ gợi ý rằng những nhà đầu tư có thể ngăn chặn được những ý đồ này bằng việc đầu tư tiền vào kim cương, rồi giấu chúng đi.

Các gói hàng có dấu niêm phong được phân phối trực tiếp tại các hội thảo này hoặc qua đường bưu điện đều đi kèm những chứng từ bảo đảm chất lượng của kim cương. Yêu cầu đặt ra là các gói hàng phải còn nguyên dấu niêm phong. Khách hàng – những người sẽ phá dấu niêm phong – thường biết được qua các thẩm định viên độc lập là những viên kim cương trong gói hàng có chất lượng kém hơn so với quy định. Thậm chí nhiều viên còn không có chút giá trị nào. Nhiều khiếu nại nổ ra nhanh đến mức mà đến năm 1978, Tổng chưởng lý bang New York đã thành lập “Lực lượng đặc nhiệm kim cương” để điều tra hàng trăm vụ cáo buộc về gian lận.

Một vài nhà doanh nhân thậm chí còn là những người chân ướt chân ráo trong ngành công nghiệp kim cương. Rayburne Martin, chuyển từ Công ty TNHH Đầu Tư Kim Cương De Beers (hoàn toàn không có liên hệ gì đến Tập đoàn De Beers chính hãng) đến Công ty TNHH Đầu Tư Kim Cương Tel-Aviv đều ở Scottsdale, Arizona, đã phạm tội tham nhũng và vi phạm luật chứng khoán ở Arkanas. Hắn là kẻ trốn chạy khỏi pháp luật trong suốt nhiệm kỳ của mình trong ngành thương mại kim cương. Hay phải kể đến Harold S. McClintock, còn được gọi là Harold Sager, đã bị kết án gian lận cổ phiếu tại Chicago và có dính dáng đến vụ buôn bán bạc thỏi năm 1974 trước khi hắn ta tham gia đồng thành lập Công ty TNHH Đầu Tư Kim Cương De Beers nhắc ở trên. Tiếp đến là Don Jay Shure, kẻ dàn xếp xây dựng một Công ty TNHH Đầu Tư Kim Cương De Beers giả danh khác ở Irvine, California cũng đã từng bị kết án gian lận. Bernhard Dohrmann, kẻ được coi là “Giám đốc thị trường” của Tập đoàn Kim cương Quốc tế, đã đi tù vì tội gian lận chứng khoán vào năm 1976. Theo Tổng chưởng lý bang New York, cuối những năm 70 của thế kỷ XX, Donald Nixon, cháu trai của Cựu Tổng thống Richard M. Nixon, cùng đồng bọn của mình là Robert L. Vesco – một kẻ lừa đảo đang đào tẩu – đã tham gia vào đường dây lừa đảo nhằm buôn bán “kim cương không giá trị hoặc đắt cắt cổ” bằng cách thuê “các phát thanh viên truyền hình hay đài phát thanh dụ dỗ nhiều người mua.” Giữa các nhân viên bán hàng, cũng có một loạt các cựu nhân viên môi giới hàng hóa và cổ phiếu cố gắng bán kim cương được niêm phong cho các quỹ trợ cấp hưu trí và tổ chức hỗ trợ việc nghỉ hưu.

Tại London, Tập đoàn De Beers chính hãng không thể ra tay xử lý, triệt tiêu hết các doanh nhân “ma” sử dụng tên tuổi của họ để lừa đảo. Chính vì vậy, họ đã quyết định khai thác thị trường tiềm năng khác để đầu tư đá quý. Vào tháng 3 năm 1978, Tập đoàn thông báo một chương trình rất khác lạ kiểu như “hội đồng kim cương” dành cho những nhà bán lẻ kim cương. Tại đây, mỗi nhà bán lẻ tham dự sẽ phải trả một khoản hội phí 2.000 đô la. Đổi lại, họ sẽ nhận được một loạt các chứng nhận về các loại kim cương có giá trị, các mẫu hợp đồng bảo lãnh thu mua, tài liệu quảng cáo, và các khóa huấn luyện cách bán kim cương chưa được niêm yết giá cho những đối tượng khách hàng hoàn toàn mới. Những nhà bán lẻ sau khóa học sẽ thường lựa chọn buôn bán đá quý nguyên chất thay vì đồ trang sức tinh luyện với giấy chứng nhận giá trị của chúng dao động từ 4.000 tới 6.000 đô.

Động thái khiêm tốn của De Beers trong ngành đầu tư kim cương đã gây ra chấn động trong ngành thương mại. De Beers luôn phản đối mạnh mẽ các nhà bán lẻ buôn bán loại kim cương có “giá trị đầu tư,” bởi họ cho rằng khách hàng sẽ không thực sự có một sợi dây tình cảm nào với những loại kim cương như vậy, cuối cùng họ sẽ bán lại chúng và khiến thị trường giá cả biến động mạnh.

Giả dụ De Beers thay đổi chính sách của mình về đầu tư kim cương thì có lẽ cũng không phải vì họ muốn khuyến khích cơn sốt đầu cơ đang càn quét khắp nước Mỹ và Châu Âu hiện giờ. Một giám đốc điều hành của De Beers đã lên tiếng giải thích rằng “tập đoàn không có lựa chọn nào khác ngoài phải can dự vào việc này.” Rất nhiều nhà phân phối vội vàng gia nhập ngành đầu tư để bán kim cương cho các tổ chức tài chính, các quỹ trợ cấp lương hưu, và các nhà đầu tư tư nhân. Theo hệ thống buôn bán Diamond Exchange (New York), bán kim cương chưa niêm yết giá cho các nhà đầu tư rõ ràng mang lại lợi nhuận hơn nhiều khi bán cho các cửa hàng trang sức. Đầu năm 1980, David Birnbaum, một nhà phân phối hàng đầu tại New York ước tính – theo giá trị của đồng đô la – gần 1/3 tổng doanh thu kim cương của nước Mỹ là từ việc bán những loại kim cương chưa niêm yết giá như thế này. Ông ấy còn chia sẻ thêm rằng “chỉ mới 5 năm trước, ngành đầu tư kim cương chỉ là một phần không nổi bật trong cả nền kinh doanh.” Cho dù nếu De Beers không nhìn nhận thị trường kim cương chưa niêm yết giá mới mẻ này, thì nó cũng khó có thể lờ đi 1/3 ngành thương mại kim cương ở Mỹ.

Để tạo ra lợi nhuận, các nhà đầu tư phải tìm kiếm các khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn cái giá mà họ phải bỏ ra để mua kim cương. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đều cùng đối mặt với một vấn đề chung của bao nhà buôn bán trang sức khác, đó là: không hề có một thị trường buôn bán kim cương đồng nhất. Dù cho các nhà phân phối sẽ đưa ra mức giá sao cho vừa ý bản thân để bán ra các loại kim cương chất lượng cao, họ hiếm khi đưa ra mức giá cố định như vậy để mua vào những viên kim cương cùng giá trị. Chẳng hạn như vào năm 1977, tạp chí thương mại Jeweler’s Circular Keystone đã khảo sát với số lượng lớn các nhà phân phối bán lẻ và tìm ra sự khác biệt 100% giữa các mức giá mà họ đưa ra cho cùng một loại kim cương chất lượng cao. Hơn nữa, mặc dù các nhà đầu tư mua kim cương hoặc bằng hoặc gần bằng mức giá bán lẻ, họ bị buộc phải bán ở giá bán sỉ. Tạp chí Forbes cũng chỉ ra rằng vào năm 1977, “các nhà đầu tư tầm trung không may mắn khi ít được tiếp cận với thị trường bán buôn bán sỉ. Một người bán trang sức khi được yêu cầu mua lại một viên đá quý, anh ta sẽ thường đưa ra mức giá ban đầu vào khoảng 30% hoặc thấp hơn giá bán sỉ.” Vì trong ngành đầu tư kim cương, giá bán buôn và bán lẻ có sự khác biệt 100%, cho nên bất kì một khoản lãi nào từ việc tăng giá trị của kim cương cũng sẽ bị thua lỗ khi bán chúng.

47th Street Diamond Exchange
Diamond Exchange, tọa lạc trên con phố 47 là địa điểm mua và bán kim cương tại New York. Nguồn ảnh: Flickr.

Một nhà phân phối đưa ra lời dự đoán vào năm ngoái rằng “rồi sẽ có 1 ngày mà mọi bác sĩ, luật sư, và nhiều nạn nhân khác – những người đã mua kim cương giao dịch qua điện thoại – sẽ lôi đống kim cương ấy ra khỏi két sắt của họ và cố gắng bán chúng ở bất cứ chỗ nào.” Một nhà phân phối khác lại đưa ra một bức tranh ảm đạm về điều sẽ xảy ra khi những nhà đầu cơ tích trữ đột ngột bắt đầu giao bán chỗ kim cương chất đống đó. “Mấy viên kim cương cao cấp có thể được bán với giá 30.000 đô la một ca-ra. Nó có mức đó không phải vì phụ nữ muốn đeo chúng trên tay để khoe khoang mà là do các nhà đầu tư tin rằng chỗ kim cương đó sẽ đáng giá 50.000 đô một ca-ra. Anh ta có thể mượn rất nhiều tiền chỉ để tạo đòn bẩy cho việc đầu tư của bản thân. Khi giá cả bắt đầu giảm thì mọi người sẽ cố bán tất cả số kim cương mình có trong cùng một lúc. Đương nhiên, đến cuối cùng thì sẽ chẳng có người nào mua kim cương với cái giá 30.000 đô một ca-ra nữa, thậm chí là 15.000 đô cũng khó. Vào lúc đó, người người sẽ chạy tán loạn để tìm cách bán chỗ kim cương cao cấp và báo chí sẽ lại chắp bút viết nên những “giai thoại” về sự sụp đổ kinh hoàng của ngành kim cương. Dĩ nhiên, loại kim cương có giá trị đầu tư hay cao cấp cũng chỉ là một nhánh nhỏ trong ngành kim cương do dư luận tạo nên. Nhưng khi phụ nữ bắt đầu đọc về những “giai thoại” ấy thì họ sẽ mang số kim cương mình có tìm đến những nhà trang sức bán lẻ để thẩm định và rồi nhận ra rằng giá trị của chúng không xứng với số tiền họ đã bỏ ra để mua. Đến lúc đó, mọi người thấy rằng kim cương không phải là tất cả và các nhà bán trang sức cũng sẽ bị vây quanh bới hàng tá khách hàng đang cố gắng bán chứ không phải mua kim cương. Và đó sẽ là dấu chấm hết cho ngành kinh doanh kim cương.”

Vì trong ngành đầu tư kim cương, giá bán buôn và bán lẻ có sự khác biệt 100%, cho nên bất kì một khoản lãi nào từ việc tăng giá trị của kim cương cũng sẽ bị thua lỗ khi bán chúng.

Tuy nhiên, sự hoảng loạn từ phía các nhà đầu tư không phải là sự kiện duy nhất có thể đặt dấu chấm hết cho ngành kinh doanh kim cương. Vào thời điểm bài báo này được viết, De Beers đang mất đi quyền sở hữu một vài nguồn kim cương có khả năng tràn ngập trên thị trường bất kì lúc nào, làm mất giá kim cương mãi mãi.

Vào mùa đông năm 1978, các nhà phân phối kim cương ở thành phố New York ngày càng quan ngại về khả năng của một sự gián đoạn, thậm chí là sụp đổ nghiêm trọng của “dây chuyển” sản xuất, phân phối, buôn bán kim cương của De Beers từ các trung tâm sản xuất ở Châu Âu đến thị trường bán lẻ chủ yếu tại Mỹ và Nhật Bản. Dây chuyền này là một phần thiết yếu trong phát minh kim cương và được hình thành bởi một mạng lưới các nhà môi giới, người cắt kim cương, chủ ngân hàng, nhà phân phối, nhà sản xuất, nhà bán buôn bán sỉ, và những người mua kim cương từ các đại lý bán lẻ. Hầu hết mọi thành viên trong dây chuyền này đều là dân Do Thái và hầu như tất cả đều liên quan mật thiết với nhau qua các mối quan hệ kinh doanh lâu dài hoặc tình cảm gia đình bền vững.

Một nhánh quan trọng trong dây chuyền này là việc vận chuyển kim cương từ London đến các nhà máy cắt kim cương ở Tel Aviv, rồi đến New York; nhưng ở Israel, các nhà phân phối tại đây dự trữ kim cương thay vì chế biến và chuyển chúng qua dây chuyền bên New York. Từ đầu những năm 1970, khi giá kim cương tăng lên một cách “chóng mặt” và mệnh giá tiền Israel giảm hơn 50% một năm, các nhà phân phối ở Israel thấy rằng sẽ lợi nhuận hơn nếu dự trữ lượng kim cương từ London hơn là cắt và bán chúng đi. Khi ngày càng nhiều kim cương bị rút ra từ dòng lưu thông hàng hóa ở Tel Aviv, một sự thiếu hụt kim cương trầm trọng xảy ra ở New York, khiến giá kim cương bị tăng mạnh.

Đầu năm 1977, Ngài Phiip Oppenheimer đã cử con trai của mình là Anthony cùng với các giám đốc điều hành của De Beers đi Tel Aviv để thông báo rằng De Beers dự định sẽ cắt giảm hạn ngạch kim cương của Israel ít nhất 20% trong suốt năm sau đó. Cảnh báo này đã phản tác dụng. Thay vì giảm sản xuất để phù hợp với hạn ngạch mới ở trên, các nhà phân phối và sản xuất Israel lại bắt đầu xây dựng kho dự trữ kim cương của riêng họ, chi trả 100% phí bảo hiểm hoặc thậm chí hơn thế cho các thùng hàng kim cương còn nguyên đai kiện mà De Beers vận chuyển đến các nhà phân phối ở Bỉ và ở Mỹ. (Bằng cách bán kim cương cho bên Israel, các khách hàng của De Beers có thể ngay lập tức tăng gấp đôi giá bán mà không gặp bất cứ rủi ro nào.) Các người mua ở Irseal cũng chuyển đến Châu Phi và bắt đầu thu mua trực tiếp từ bọn buôn lậu. Khách sạn Intercontinential tại Liberia lúc bấy giờ là trung tâm diễn ra các cuộc giao dịch mua bán hàng lậu, đã dần trở thành một mô hình mở rộng của thị trường chứng khoán tại Israel. Sau khi các nhà phân phối mua lượng kim cương đó, hoặc từ khách hàng của De Beers hoặc từ bọn buôn lậu, họ sẽ nhận được 80% tổng số tiền họ đã trả dưới hình thức vay nợ từ các ngân hàng ở Israel. Do áp lực của Chính phủ trong việc giúp đỡ ngành công nghiệp kim cương, các ngân hàng chỉ tính 6% lãi suất đối với các khoản nợ này, thấp hơn cả chỉ số lạm phát ở Israel. Vào năm 1987, các ngân hàng đã mở rộng quỹ tín dụng lên đến 850 triệu đô, ước tính bằng 5% tổng thu nhập quốc dân tại Israel, dành cho các nhà phân phối, buôn bán kim cương. Và vật thế chấp duy nhất cho các khoản nợ này mà các ngân hàng nhận được là những viên kim cương thô.

De Beers ước tính rằng kho dự trữ ở Israel là hơn 6 triệu ca-ra vào năm 1977 và vẫn tăng lên với tốc độ tầm 500.000 ca-ra một tháng. Ở mức độ này thì chỉ mất vài tháng là kho dự trữ ở Israel sẽ có số lượng vượt qua kho dự trữ của tập đoàn ở London. Nếu Israel kiểm soát một lượng kim cương lớn như vậy thì tập đoàn sẽ không còn khả năng vô tư áp đặt giá cả đối với kim cương nữa. Bất kì lúc nào, những người Israel cũng có thể bị buộc phải đổ lượng kim cương khổng lồ này vào thị trường thế giới. Tập đoàn đã quyết định không còn cách nào khác ngoài buộc Israel thanh lí kho dự trữ của mình.

Đến lúc đó, mọi người thấy rằng kim cương không phải là tất cả và các nhà bán trang sức cũng sẽ bị vây quanh bới hàng tá khách hàng đang cố gắng bán chứ không phải mua kim cương. Và đó sẽ là dấu chấm hết cho ngành kinh doanh kim cương

Nếu De Beers muốn kiểm soát đầu cơ tích trữ thì nó sẽ phải kiểm soát chặt chẽ hệ thống ngân hàng mà hỗ trợ tài chính cho việc mua kim cương với lãi suất thấp. De Beers đã thông báo rằng tập đoàn đang áp dụng chiến lược mới là “đánh thuế phụ” vào mặt hàng kim cương. Vì các “thuế phụ” này (có thể chiếm tới 40% tổng giá trị kim cương) đã tạm thời làm tăng giá cả một cách hiệu quả, chúng có thể đặt ra những rủi ro đối với các ngân hàng mà đã mở rộng quỹ tín dụng cho các nhà phân phối kim cương. Chẳng hạn như, với thuế phụ 40% như trên, một nhà phân phối kim cương sẽ phải trả 1.400 đô thay vì 1.000 đô như trước cho một khối lượng ít kim cương. Tuy nhiên, nếu thuế phụ bị gỡ bỏ thì tất cả số kim cương ấy lại chỉ có giá trị 1.000 đô la. Các ngân hàng ở Israel không thể đủ khả năng chi trả trước 80% giá (bao gồm cả thuế phụ kể trên), vì thế họ yêu cầu các vật thế chấp bổ sung từ các nhà phân phối và nhà đầu cơ. Hơn nữa, dưới áp lực từ De Beers, họ bắt đầu nâng lãi suất đối với những khoản vay lớn.

Chỉ trong vòng vài tuần vào mùa hè năm 1978, lãi suất cho các khoản vay để mua kim cương đã tăng lên 50%. Ngoài ra, các ngân hàng bắt đầu cho vay tiền dựa trên giá cả kim cương chính thức do De Beers công bố, thay vì dựa theo số tiền các nhà phân phối Israel tự chi trả để mua kim cương. Nếu một nhà phân phối trả nhiều hơn giá của De Beers, và thực tế là hầu hết các nhà phân phối đều trả gấp đôi so với mức giá, thì anh ta sẽ phải tự xuất vốn để chi trả cho phần nhiều hơn kia.

Nhằm thắt chặt quản lí ở Israel, De Beers đột ngột giảm số lượng lô hàng kim cương vận chuyển tới 40 khách hàng của tập đoàn, những người vốn vẫn bán một lượng lớn trong những lô hàng của mình cho các nhà phân phối Israel. Do các nhà phân phối cảm thấy khó hơn để mua hoặc hỗ trợ tài chính cho mặt hàng kim cương, họ đã buộc phải bán kim cương từ kho tích trữ của mình. Kim cương ở Israel bắt đầu tràn lan trên thị trường và giá bán sỉ bắt đầu sụt giảm. Sự rớt giá này dẫn đến việc các ngân hàng ở Israel phải gây nhiều áp lực hơn đối với các nhà phân phối để thanh lý kho hàng của họ và để thanh toán khoản nợ. Hàng trăm các nhà phân phối Israel không thể giữ đúng cam kết của họ, sau đó đi đến phá sản khi giá cả tiếp tục giảm mạnh. Các ngân hàng được hưởng số kim cương trên.

Mùa xuân năm 1981, các giám đốc của Công ty Thương Mại Kim Cương đã khẩn cấp đi đến Tel Aviv. Họ đã được thông báo rằng trong hầm của 3 ngân hàng ở Israel đang nắm giữ số lượng kim cương có trị giá 1,5 tỉ đô – con số gần bằng sản lượng hàng năm của tất cả mỏ kim cương trên thế giới – và đang đe dọa sẽ đổ toàn bộ số kim cương đó vào thị trường vốn đã “ế ẩm”. Qua phân tích, ngân hàng thấy rằng việc tái bán số kim cương đó ở Châu Âu hoặc Mỹ sẽ mang lại lợi nhuận rất ít mà trong khi đó, thị trường kim cương thế giới cũng đang tràn ngập các mặt hàng kim cương thô và tồn đọng. Chính vì thế, phương án duy nhất là tái bán số kim cương ấy cho chính De Beers.

NYC diamond district.jpg
“Quận Kim cương” – Diamond District, nằm giữa Đại lộ Năm và Sáu tại thành phố New York, được coi là một trong những trung tâm chính của ngành công nghiệp kim cương toàn cầu. Nguồn ảnh: Wikimedia.

Tuy nhiên, De Beers lại không có ý định thu mua lượng kim cương dự trữ lớn như vậy. Trong suốt giai đoạn suy thoái giữa những năm 70, De Beers đã phải sử dụng một khoản tiền dự trữ khổng lồ để mua kim cương từ Nga và các quốc gia mới độc lập ở Châu Phi nhằm duy trì các hợp đồng của tập đoàn. Và khi nó nhập thêm kim cương vào kho, De Beers cũng đã cạn kiệt nguồn tiền dự trữ. Hơn nữa, vào năm 1980, De Beers cảm thấy cần phải mua lại số kim cương trên thị trường bán buôn bán sỉ ở Antwerp để tránh sự sụp đổ giá kim cương. Khi các ngân hàng ở Israel tiếp cận và đề xuất De Beers về việc mua lại số kim cương ngân hàng giữ, De Beers lần đầu tiên cảm thấy nguồn tiền thiếu hụt nghiêm trọng như thế nào kể từ sau sự suy thoái những năm 30. Tập đoàn hoàn toàn có thể cấp thiết đi vay 1,5 tỉ đô để thoát khỏi các ngân hàng ở Israel, nhưng điều đó sẽ khiến cơ cấu tài chính của cả đế chế Oppenheimer rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc.”

Ông Philip Oppenheimer, Monty Charles, Michael Granham, và các giám đốc cao cấp từ De Beers và các công ty con của tập đoàn đã cố gắng ngăn cản các ngân hàng Israel dốc số kim cương họ giữ vào thị trường. Mặc cho mọi cố gắng, tình hình trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Tháng 9 năm 1981, các ngân hàng lớn ở Israel đã bí mật thông báo cho chính quyền nước này biết rằng họ đang phải đối mặt với những khoản lỗ khổng lồ từ các chủ tài khoản vỡ nợ mà hầu hết đều thế chấp bằng kim cương. Ba ngân hàng lớn nhất ở Israel – Union Bank of Israel, Israel Discount Bank, và Barclays Discount Bank – đã cho các nhà phân phối tại đây vay tổng số 660 triệu đô, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng nợ ngân hàng. Để chắc chắn, không phải tất cả các khoản nợ này đều nằm trong mức độ đáng báo động; nhưng theo các ước tính từ ngân hàng, khả năng vỡ nợ của các chủ tài khoản kim cương đã tăng lên 20% trong hồ sơ vay của họ. Tình trạng khủng hoảng này phải được giải quyết hoặc là bằng cách bán số kim cương được thế chấp, điều sẽ gây nên sự hỗn loạn toàn cầu, hoặc nhận được sự trợ giúp từ chính quyền Israel hoặc De Beers hoặc cả hai. Cuối cùng, cuộc đàm phán đã đưa ra sự hỗ trợ tạm thời: De Beers sẽ mua lại một lượng ít trong số kim cương trên và Chính quyền Israel sẽ không bắt các ngân hàng phải tuân theo các quy định buộc phải thanh lý hàng tồn.

Mọi người đều không xem xét rằng kim cương cũng có thể giảm giá trị như bao hàng hóa khác.

Ông Mark Mosevics – Chủ tịch First International Bank of Israel – khi trả lời phỏng vấn với Tờ New York Times đã giải thích rằng: “Mọi người đều không xem xét rằng kim cương cũng có thể giảm giá trị như bao hàng hóa khác.” Theo ước tính trong ngành công nghiệp, trung bình một ca-ra kim cương nguyên chất đã giảm 50% giá trị kể từ tháng Một năm 1980. Đến tháng Ba cùng năm, giá sàn cho một viên kim cương nguyên chất là 63.000 đô; vào tháng Chín năm 1981, chỉ còn 23.000 đô. Sự sụt giảm giá cả này đã buộc các ngân hàng ở Israel phải bán kim cương trong kho dự trữ với mức giá rất thấp. Một trong các ngân hàng ở đây đã thông báo thanh lý kim cương có giá trị 6 triệu đô với giá 4 triệu đô tiền mặt vào cuối năm 1981. Rõ ràng là một lượng kim cương dự trữ khổng lồ đã vuột khỏi tầm kiểm soát của De Beers.

Mối đe dọa nghiêm trọng nhất mà De Beers phải đối mặt là nó chưa thể kiểm soát được một nguồn kim cương mà cho đến nay vẫn chưa được khai thác. Kể từ khi Cecil Rhodes và một nhóm các ngân hàng Châu Âu nghiên cứu tập hợp các thành phần của kim cương vào cuối thế kỷ 19, các quản lý trong tập đoàn đều phải trải qua nỗi lo sợ thấp thỏm rằng một ngày nào đó, nguồn kim cương khổng lồ mới sẽ được khai phá mà họ không hề hay biết. Ngài Ernest Oppenheimer đã tận dụng mọi sự quan hệ thuộc địa của đế chế Anh quốc để thành công khai thác rất nhiều mỏ kim cương ở Châu Phi và biến chúng thành nguồn hàng dồi dào cho tập đoàn. Harry Oppenheimer thì đã đàm phán được một hợp đồng bí mật để khiến Xô-viết hợp tác với tập đoàn. Tuy nhiên, những nỗ lực này không xóa đi nỗi lo sợ thấp thỏm kia. Vào cuối những năm 70, nhiều mỏ kim cương khổng lồ đã được phát hiện ở khu vực Argyle thuộc phía Tây Úc, gần thị trấn Kimberley (trùng hợp đặt tên theo thành phố Kimberley, Nam Phi). Các thí nghiệm khoan năm 1981 cho thấy những mỏ này có thể sản sinh đến 50 triệu ca-ra kim cương 1 năm, con số này thậm chí còn nhiều hơn tổng sản lượng kim cương mà De Beers nắm giữ năm 1981. Mặc dù chỉ một phần trăm nhỏ những viên kim cương này là đá quý, nhưng tổng số lượng hoàn toàn có đủ khả năng để thay đổi bản đồ địa lý về kim cương. Hoặc 50 triệu ca-ra này phải được kiểm soát chặt chẽ hoặc phát minh kim cương sẽ bị phá hủy.

De Beers nhanh chóng hành động để có thể kiểm soát mỏ kim cương ở Úc. Tập đoàn bắt đầu bằng việc đoạt lấy một phần lợi tức nhỏ, gián tiếp tại Công ty TNHH Conzic Riotino Úc (CRA) chuyên quản lý phần lớn các hoạt động và quyền khai thác mỏ ở đây. Vào năm 1980, De Beers đề xuất một thỏa thuận ngầm với CRA mà qua đó De Beers sẽ chịu trách nhiệm bán toàn bộ sản phẩm đầu ra của Úc. Thỏa thuận này đã có thể chấm dứt mối nguy từ Úc nếu đối tác làm ăn của họ – Tập đoàn Khai thác mỏ phía Bắc – chấp nhận thỏa thuận này. Tuy nhiên, thay vào đó, Tập đoàn Khai thác mỏ phía Bắc đã tiết lộ điều khoản của thỏa thuận này cho một tờ báo hàng đầu tại Úc. Và tờ báo này đã đưa thông tin về việc De Beers lên kế hoạch trả cho tổ chức Úc kia mức giá thấp hơn 80% so với giá kim cương trên thị trường hiện giờ. Điều này đã khiến tình trạng ở Úc trở nên căng thẳng. Phe đối lập – Đảng Lao Động đã buộc tội rằng De Beers không chỉ tìm mọi cách để gian lận về giá cả thực sự của những viên kim cương ở Úc, mà thỏa thuận ngầm kia còn khuyến khích chính sách phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Đảng này yêu cầu Chính phủ kiểm soát hoạt động xuất khẩu kim cương thay vì trao quyền kiểm soát đó cho một tập đoàn ở Nam Phi. Thủ tướng Malcolm Fraser, khi đối mặt với hàng loạt cuộc biểu tình của người dân, đã trả lời rằng ông không thấy một lợi ích gì “trong việc dàn xếp mà sẽ khiến khám phá kim cương ở Úc chỉ góp phần làm mạnh thêm vị trí độc quyền của Nam Phi.” Tuy nhiên, ông đã dành quyền đưa ra phán quyết cuối cùng cho Chính quyền bang ở Tây Úc và các công ty khai thác mỏ. Họ sẽ là những người quyết định xem có tiến hành thỏa thuận với De Beers hay không.

Nếu giá cả sụp đổ thì ngành sản xuất kim cương sẽ bị tan rã và chỉ được nhớ đến như một sự kiện tò mò trong lịch sử cũng như các cách thức phi thường mà ngành công nghiệp này đã biến những viên đá nhỏ bé lấp lánh trở nên quý giá nhường nào

De Beers cũng đối mặt với tình trạng sụp đổ ở Zaire. Ngài Ernst Oppenheimer đã đưa ra kết luận rằng quyền kiểm soát các mỏ kim cương ở Zaire (lúc đó được gọi là Congo của Bỉ) là yếu tố chủ chốt giúp tập đoàn nắm giữ toàn bộ sản lượng sản xuất trên thế giới hơn 50 năm trước. De Beers cùng với đối tác người Bỉ của mình đã thiết lập dây chuyền khai thác mỏ và phân loại nhằm tối đa hóa sản lượng của ngành công nghiệp kim cương (thay vì đá quý). Do không có đủ nhu cầu tiêu thụ đối với lượng kim cương khổng lồ mà các mỏ ở Zaire sản sinh ra, De Beers buộc phải duy trì thị trường tiêu thụ duy nhất của mình. Mặc dù vậy, vào tháng Sáu năm 1981, Tổng thống Mobuto đột nhiên thông báo rằng sẽ không tái ký hợp đồng độc quyền với một công ty con của De Beers. Theo nguồn tin cho biết, Mobuto bị ảnh hưởng bởi những đề xuất hợp tác sản xuất kim cương ở Zaire từ các nhà sản xuất Ấn Độ và Mỹ. Một nhà phân phối kim cương ở New York cho biết: “Mobuto đơn giản chỉ muốn kí hợp đồng sinh lời nhiều hơn mà thôi”. Dù cho động cơ của vị tổng thống này là gì thì việc Zaire đột ngột rời khỏi De Beers cũng khiến thị trường kim cương mất ổn định. Với áp lực ngày càng gia tăng về việc giành độc lập ở Namibia, và từ chính quyền nước láng giềng Bostwana không mấy thân thiện, thời gian De Beers còn có thể kiểm soát Châu Phi không còn nhiều.

Giữa tầng tầng lớp lớp sương mù của cuộc khủng hoảng này, các giám đốc điều hành ở De Beers tại London đã có động thái nhằm cứu vãn tình thế bằng cách mua kim cương đã qua chế tác. Kho kim cương của De Beers có giá trị lên đến hơn 1 tỉ đô la – gấp đôi so với năm 1979. Nhằm nhen nhóm lại nhu cầu thị trường dành cho mặt hàng kim cương, De Beers gần đây đã tiêu tốn hàng triệu đô để triển khai một chiến dịch quảng bá mới (bao gồm chi trả 400.000 đô cho quảng cáo trên tivi trong suốt thời điểm diễn ra lễ cưới Hoàng gia Anh2 vào tháng Bảy). Vào giữa những năm 80, vô số kim cương từ Úc sẽ đổ vào thị trường. Trừ khi các nhà quản lý nguồn hàng ở De Beers có thể tìm cách để nắm quyền kiểm soát đối với nguồn kim cương phong phú sắp sửa tràn lan trên thị trường, nếu không thì những nguồn hàng này có thể khiến giá cả kim cương hoàn toàn sụp đổ trên toàn thế giới. Nếu giá cả sụp đổ thì ngành sản xuất kim cương sẽ bị tan rã và chỉ được nhớ đến như một sự kiện tò mò trong lịch sử cũng như các cách thức phi thường mà ngành công nghiệp này đã biến những viên đá nhỏ bé lấp lánh trở nên quý giá nhường nào.


  1. Nguyên văn: “Boiler-room operator”, chỉ những người môi giới chứng khoán chuyên mời chào khách hàng một cách ngẫu nhiên qua điện thoại, họ cố gắng lôi kéo, thuyết phục khách hàng bằng mọi cách, thậm chí có thể bằng thông tin sai lệch.

  2. Lễ cưới của công nương Diana và hoàng tử Charles vào năm 1981

2 thoughts on “Bạn đã thử bán kim cương bao giờ chưa? (Phần 3)

  1. Chuyện gì đã xảy ra vào hai thế kỉ tiếp theo (20, 21) đối với ngành công nghiệp kim cương?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Cơn khát dầu cọ, cơn sốt môi trường
Dầu cọ là loại nguyên liệu thần kì trong mọi sản phẩm từ bánh quy đến dầu gội đầu. Nhưng việc chúng ta phụ thuộc vào dầu cọ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Liệu đã quá muộn để phá vỡ thói quen này?
Mới nhất