a
§ Tác giả: Jessica Nordell | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: J. | Hiệu đính:  EvoLit
01/07/2017

Vào một ngày tháng Hai nhiều mây, trong một căn phòng tại trường Đại học Wisconsin, Madison, Will Cox chỉ vào một cặp ảnh tin tức khiến cho các học viên cao học bứt rứt khó chịu. Trong một bức ảnh, một người đàn ông người Mỹ gốc Phi đang kẹp một thùng soda dưới cánh tay. Dòng nước sẫm màu quấn quanh thân trên của anh ta; chiếc áo màu vàng trên người anh đã ướt sũng. Trong bức ảnh còn lại, một cặp đôi da trắng bị ngập nước đến khuỷu tay. Người phụ nữ thì xăm trổ và đang cau mày, tay nắm chặt một túi bánh mì.

Cox đọc to dòng phụ đề kèm theo hai bức ảnh sau cơn bão Katrina tại New Orleans. Với hình ảnh người đàn ông da đen: “Một người đàn ông trẻ tuổi băng qua dòng nước sâu tới ngực sau khi chôm chỉa tại một cửa tiệm tạp hóa.” Với cặp đôi da trắng: “Hai người dân lội qua dòng nước sâu tới ngực sau khi tìm thấy bánh mì và soda.”

Chôm chỉa. Tìm thấy. Một tiếng thì thầm lan truyền giữa những học viên đang quan sát.

Cox, một nhà tâm lý học xã hội tại phòng nghiên cứu Định kiến và Quan hệ Liên nhóm của Trường, quay sang người đồng trình bày, một người phụ nữ nhỏ nhắn, khoảng tầm 50 đang đứng kế bên mình. Bà sải bước xuống giữa những hàng học viên với một âm giọng sôi nổi và những bước đi thong dong. Tựa hồ như bà đang đứng dưới ánh đèn sân khấu trong một hội nghị thượng đỉnh về công nghệ, chứ không phải ở đầu một lớp học nhỏ hẹp trong tòa nhà giáo dục của trường đại học.

“Có rất nhiều người vô cùng chân thành trong việc dẹp bỏ định kiến,” bà nói. “Tuy nhiên, họ lại rất dễ bị chi phối bởi những thói quen của tâm trí. Ý định, dù tốt, nhưng vẫn không đủ.”

Người phụ nữ đó, Patricia Devine, là một giáo sư tâm lý học và là chủ nhiệm Phòng nghiên cứu Định kiến. Ba mươi năm trước, khi còn là một học viên cao học, bà đã thực hiện một loạt các thí nghiệm đã trở thành cơ sở tâm lý học về thiên kiến sắc tộc ngầm—ý tưởng ở đây, nhìn chung là ta vẫn có thể hành động một cách thiên vị trong khi nghiêm túc bác bỏ những ý tưởng thành kiến. Bà đã chứng tỏ rằng kể cả khi mọi người không tin vào các hình mẫu rập khuôn về phân biệt chủng tộc, những khuôn mẫu đó, một khi đã thẩm thấu, có thể tác động tới hành vi của con người mà họ không thể nhận thức hay làm chủ được.

Giờ đây, hàng thập kỷ sau khi giải mã được hiện tượng này, Devine muốn tìm cách để chấm dứt nó. Bà không chỉ có một mình. Kể từ giữa những năm 1990, các nhà nghiên cứu đã luôn cố gắng xóa bỏ thiên kiến ngầm. Trong vòng nhiều năm trở lại đây, “những khóa tập huấn về thiên kiến vô thức” đã lan tỏa ra toàn bộ Thung lũng Silicon; giờ chúng đang là “mốt” (de rigueur) đối với các tổ chức trong toàn thể giới công nghệ.

Nhưng liệu rằng những nỗ lực này có đem lại tác động ý nghĩa nào không vẫn còn là một là một ẩn số.

Nhưng, có lẽ, bây giờ ta đã có câu trả lời. Tôi đến miền Nam Wisconsin, vì Devine cùng một nhóm nhỏ những nhà khoa học khác đã đưa ra một cách tiếp cận thiên kiến có vẻ khả thi—một bài trình bày bán tương tác, kéo dài hai tiếng mà họ đã thử nghiệm và hoàn thiện trong nhiều năm. Họ tạo ra những phiên bản tập trung vào vấn đề sắc tộc và những phiên bản xoay quanh vấn đề giới tính. Họ đã thử nghiệm nó với các sinh viên và giảng viên. Tiếp tới, họ sẽ thử nghiệm nó với cảnh sát.

Mục tiêu của họ là làm cho con người hành xử bớt thiên vị hơn. Và tới giờ, phương pháp này cho thấy hiệu quả.

Vào ngày 17 tháng 7 năm 2014, Eric Garner, một người đàn ông 43 tuổi, từng là một chuyên gia chăm vườn trên Đảo Staten Eric Garner bị các chuyên viên cảnh sát tiếp cận do nghi ngờ ông bán thuốc lá lậu. Một trong số họ đã thực thi chokehold (khóa gây bất tỉnh), một tuyệt kỹ đã bị Cục Cảnh sát Thành phố New York cấm sử dụng. Garner đã tử vong khoảng một tiếng sau đó—theo kết quả khám nghiệm pháp y, đó là một vụ giết người. Kể từ sau cái chết của Garner, tiếp đến là của Michael Brown, Tamir Rice, và của nhiều, rất nhiều người khác, những tiếng nói lên án nạn phân biệt đối xử trong giới cảnh sát ngày một gia tăng như sấm rền. Trong khi cảnh sát ở nhiều trường hợp đều khẳng định rằng họ đã sử dụng những biện pháp thích đáng để bảo vệ mạng sống những người khác cũng như an toàn của chính bản thân họ, khái niệm về thiên kiến ngầm lại cho thấy rằng trong những khoảnh khắc trọng yếu đó, những chuyên viên cảnh sát đã không nhìn nhận những con người này như những cá nhân—một người cha hiền từ, một thiếu niên trong tay không mang tấc sắt, một đứa trẻ 12 tuổi—mà là thành phần của một nhóm người mà họ đã sớm học cách liên hệ với nỗi sợ hãi.

Một câu chuyện tương tự về thiên kiến phổ biến đã lan tràn ra khắp Thung lũng Silicon trong suốt những năm vừa qua. Vào năm 2012, nhà đầu tư mạo hiểm Ellen Pao đã đâm đơn kiện công ty chủ quản của mình, công ty đầu tư mạo hiểm Kleiner Perkins Caufield & Byers vì kỳ thị giới tính, ví dụ như việc cô bị trừng phạt bởi chính những hành vi mà các đồng nghiệp nam của cô được nhận khen thưởng. Trải nghiệm này của cô không phải là độc nhất: Một khảo sát năm 2016 trên hàng trăm phụ nữ trong giới công nghệ, với tựa đề Con voi trong Thung lũng, đã tiết lộ đại đa số phụ nữ đều từng có những trải nghiệm về sự thiên vị cả ngấm ngầm và lộ liễu trong suốt sự nghiệp của mình.

Bên cạnh những cuộc đối thoại cấp bách về sắc tộc và công lý hình sự, việc làm và giới tính, những cuộc đối thoại về thiên kiến ngầm đã lan rộng tới Hollywood, giới khoa học, và cả cuộc bầu cử tổng thống. Hơn nữa, dù rất khó để có tìm ra được giải pháp, có hàng tá dữ liệu chắc chắn để khẳng định đây là một vấn đề thực sự.

Trên thực tế, những nghiên cứu cho thấy thiên kiến hiện hữu ở hầu hết mọi lĩnh vực, và gần như mọi nhóm người. Nếu bạn là người Mỹ La tinh, bạn sẽ nhận được ít thuốc giảm đau hơn là một bệnh nhân da trắng. Nếu bạn là một phụ nữ có tuổi, bạn sẽ nhận được ít liệu pháp can thiệp giúp kéo dài cuộc sống hơn là một người đàn ông có tuổi. Nếu bạn là một người đàn ông đang trong giai đoạn đánh giá để nhậm chức quản lý phòng nghiên cứu, bạn sẽ được ưu đãi hướng dẫn hơn, được đánh giá là có năng lực hơn, và có một mức lương khởi điểm cao hơn nếu bạn là một phụ nữ. Nếu bạn là một đứa trẻ béo phì, khả năng thầy cô giáo bạn cho rằng bạn kém thông minh sẽ cao hơn hơn nếu bạn có một vóc dáng mảnh mai. Nếu bạn là một sinh viên da đen, có nhiều khả năng bạn sẽ bị phạt nhiều hơn nếu bạn là một sinh viên da trắng hành xử hệt như vậy.

Có hàng nghìn những nghiên cứu như vậy. Và chúng cho thấy rằng tại thời điểm này, nếu A là người da trắng và B là người da đen, nếu X là một người phụ nữ và Y là một người đàn ông, họ sẽ bị đối xử khác nhau trong xã hội Mỹ chẳng bởi lý do nào khác ngoài việc danh tính của họ mang ý nghĩa văn hóa. Và ý nghĩa đó đeo bám lấy mỗi người cứ như một tấm bóng kính không tài nào lột bỏ.

Những khám phá như vậy tựa hồ như phóng xạ. Ben Barres, một nhà sinh học thần kinh của Đại học Stanford từng nói chuyện với tôi, đã có lúc ông tự hỏi mình liệu rằng chia sẻ với những người phụ nữ dấn thân vào khoa học những gì mà họ đang đối mặt có phải là một việc làm khôn ngoan; như James Baldwin có viết, hiếm hoi lắm mới có một người có thể “liều lĩnh một cách điên cuồng và thống khổ trong nỗ lực đạt tới điều không tưởng.” Với những người đang chật vật để đấu tranh với thiên kiến, những thực tại này có thể gợi lên những xúc cảm tức giận và buồn bã, đau thương và tội lỗi. Hè năm ngoái, một người đàn ông đến từ Bắc Carolina đã gọi cho C-SPAN bởi anh ta muốn biết, khá đơn thuần là làm cách nào để có thể trở nên ít phân biệt sắc tộc hơn. “Tôi có có thể làm gì để thay đổi?” anh ta hỏi. “Bạn biết đấy, để có thể trở thành một người Mỹ tốt hơn?” Đoạn video đó đã có tới 8 triệu lượt xem trực tuyến.

Sẽ ra sao nếu những thợ chụp ảnh thực sự thấy một người đang chôm chỉa còn người khác thì không?

Cùng lúc này, có rất nhiều người hoàn toàn phủ nhận khái niệm thiên kiến ngầm. Một vài người lầm tưởng nó là cáo buộc về những thù hằn truyền thống; những người khác đơn thuần là không nhận thức được sự tồn tại của nó (thiên kiến ngầm), hoặc tin rằng vai trò quyết định của nó với hệ quả được thổi phồng lên quá mức. Chẳng hạn như Mike Pence, đã nổi giận trong cuộc tranh luận cho chức Phó Tổng thống năm 2016: “Tìm kiếm mọi cơ hội để hạ bệ việc thực thi luật pháp trên diện rộng với cáo buộc về thiến kiến ngầm mỗi khi thảm kịch xảy ra như vậy là quá đủ rồi.” Và hai ngày sau phiên tranh cử tổng thống đầu tiên, mà trong đó, Hillary Clinton tuyên bố cần phải giải quyết vấn đề về thiên kiến ngầm, Donald Trump khẳng định rằng bà “đang ám chỉ rằng tất cả mọi người, kể cả những chuyên viên cảnh sát của chúng ta, về cơ bản đều là những kẻ phân biệt đối xử và có định kiến.”

Nhưng những người khác, đặc biệt là những người từng là nạn nhân của những hành vi bạo lực của cảnh sát, cũng phủ nhận thiên kiến ngầm—trên cơ sở rằng điều này chẳng có gì là ngấm ngầm hết.

Một thách thức của việc kết nối những quan điểm này là cuộc sống thực tế hiếm khi có được những điều kiện hoàn hảo như trong phòng thí nghiệm, trong đó bằng chứng về thiên kiến ngầm có thể dễ dàng được đưa ra. Lấy hai bức ảnh của Cox về Cơn bão Katrina làm ví dụ. Sau khi chúng được công bố, mọi người bắt đầu hỏi: Sẽ ra sao nếu những thợ chụp ảnh thực sự thấy một người đang chôm chỉa còn người khác thì không? Khi những người thợ ảnh được hỏi rằng họ đã nhìn thấy gì, người chụp tấm ảnh “chôm chỉa” nói rằng anh ta thực sự đã thấy người đó ăn trộm. Người thợ còn lại nói rằng anh ta không biết hai đối tượng trong ảnh có được những món đồ như thế nào. Có một lời giải thích hợp lý khác ngoài sự thiên vị. Trong những cuộc tranh luận và những phiên xét xử của bồi thẩm đoàn, những nghi vấn như thế này rải rác như hạt giống vậy.

Nhưng có thể có lý do mấu chốt hơn cho cách biệt về quan điểm của con người về chủ đề thiên kiến. Điều này có liên quan tới thực tế rằng hoàn cảnh và vị trí của một người trong thế giới này có ảnh hưởng đến những gì họ nhận thức được hoặc không. Như Evelyn Carter, một nhà tâm lý học xã hội tại Đại học California, Los Angeles, nói với tôi, con người trong cộng đồng đa và thiểu số thường nhìn nhận hai thực tế khác biệt nhau. Trong khi những người thuộc đa số có thể chỉ nhìn ra những hành vi phân biệt đối xử có chủ ý, những người thuộc thiểu số có thể ghi nhận những hành vi đó vả cả những hành vi vô tình khác. Ví dụ, những người da trắng có lẽ chỉ nghe thấy một lời bình phẩm kỳ thị, trong khi những người da màu lại thấy những hành vi khó thấy hơn, như bị một ai đó né xa một chút trên xe buýt—những hành động mà phần đông thậm chí còn không biết rằng họ đang làm điều đó.

Thiên kiến được bện chặt vào văn hóa như một sợi chỉ bạc được thêu dệt trong tấm vải. Dưới một vài ánh sáng, nó hiển hiện rất rõ ràng. Dưới những ánh sáng khác, lại rất khó để nhận ra nó. Và vị trí của bạn so với thứ lấp lánh đó sẽ quyết định liệu bạn có thấy nó hay là không.

Nỗ lực để nắm bắt và định dạng được thiên kiến ngầm hiển hiện qua một công cụ được biết đến với cái tên Đánh giá Liên hệ ngầm (Implicit Association Test – ITA). Có rất nhiều phương pháp để đánh giá những mối liên hệ ngầm, nhưng IAT, một bài đánh giá thời gian phản ứng giúp đo đạc mức độ mạnh mẽ mà những khái niệm nhất định bám rễ trong tâm trí của một người, đã trở thành biện pháp phổ biến và thịnh hành nhất.

Trong một bài IAT được thiết kế để đánh giá thiên kiến về việc kỳ thị đồng tính (anti-gay bias), ví dụ, bạn được cho xem một danh sách các từ (như “tươi cười” hay “thối rữa” hay “đồng tính”) và sau đó được yêu cầu xếp những từ này vào một nhóm kết hợp: “gay hay là tồi tệ” hoặc “thẳng hay là tốt đẹp.” Tiếp theo, bạn sẽ xem một danh sách khác và lại được yêu cầu phân loại từng từ một, lần này sự kết hợp bị đảo lại: “gay hay là tốt đẹp” hoặc “thẳng (straight) hay là tồi tệ.” Nếu những phản hồi của bạn bật ra nhanh hơn khi từ “gay” được ghép cặp với từ “tồi tệ” so với khi nó đi với từ “tốt đẹp,” điều này được cho là mối liên hệ gay/tồi tệ trong tâm trí bạn mạnh hơn. Trong một bài tổng kết của hơn 2,5 triệu bài kiểm tra như vậy, phần lớn số người đều ưu ái người thẳng hơn là gay, da trắng hơn là da đen, và người trẻ hơn là người già.

Trong trường hợp lý tưởng, IAT sẽ không chỉ đem lại một cách để định lượng thiên kiến mà còn cả một mục tiêu rõ ràng trong công cuộc chấm dứt nó. Nếu những mối liên hệ ngầm đo đạc được trong các bài IAT này là căn nguyên của những hành vi thiên vị, thì việc tháo gỡ những mối liên hệ tiêu cực này có thể chấm dứt nó (sự phân biệt đối xử).

Nhưng một nhóm các nhà phê bình nay đang lên tiếng chất vấn tất cả những giả định này. Theo những người phản đối, một vấn đề là số điểm IAT của mọi người không ổn định. Theo thuật ngữ khoa học, IAT có “độ tin cậy qua kiểm tra-tái kiểm tra” (test-retest reliability) thấp; cùng một người có thể có hai kết quả khác nhau ở hai thời điểm khác nhau. (Nếu một bàn cân trong nhà tắm cho thấy hôm nay bạn nặng 210 pound (khoảng 95 kg) và mai lại nặng 160 pound (khoảng 73 kg), bạn có lẽ sẽ cảm thấy nghi ngờ cái cân đó.) Quan trọng hơn là theo các phân tích tổng hợp (meta-analysis) (tổng hợp tất cả các nghiên cứu cùng một chủ đề), điểm IAT của một người và hành vi thực tế của họ liên hệ với nhau một cách khá lỏng lẻo. Nói cách khác, con người có thể hành động một cách thiên vị, nhưng không chắc đã là do tâm thế như IAT chỉ ra.

Thuật ngữ thiên kiến ngầm “đã trở nên quá rộng tới độ nó gần như chẳng có ý nghĩa gì cả.”

Trong khi tranh cãi này có thể đe dọa tới những công trình nghiên cứu về thiên kiến ngầm dựa trên IAT trong nhiều thập kỷ qua, một cách nhìn nhận thứ ba cũng đã âm thầm nảy sinh. Quan điểm này khẳng định, đúng, IAT còn nhiều sai sót. Nhưng những phân tích tổng hợp chỉ trích nó cũng có sai sót. Hơn nữa, IAT chỉ là một trong số rất nhiều công cụ để đo lường những mối liên hệ ngầm, và toàn bộ các công cụ khác nhau  đều có xu hướng đem lại những kết quả tương tự—những sự ưu ái dành cho những quần thể xã hội nhất định hơn các nhóm khác. Những kết quả này đều cho rằng tồn tại điều gì đó thực sự đồng nhất và chân thực ở đây.

Có lẽ, theo cách nhìn nhận này, điều đang thực sự xảy ra là thiên kiến ngầm phức tạp hơn rất nhiều so với những gì mà những công cụ này có thể nắm bắt được. Những mối liên hệ ngầm có lẽ không ổn định như những gì mà các nhà khoa học và những người khác vẫn tưởng. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy những mối liên hệ nhất định nảy sinh dựa vào vào hoàn cảnh và trạng thái tâm tưởng của con người. Ví dụ, trong một thí nghiệm, con người tự động liên hệ những thực phẩm nhiều dầu mỡ với những thứ tích cực khi họ được yêu cầu tập trung vào hương vị, và những thứ tiêu cực khi họ phải tập trung vào sức khoẻ. Trong trường hợp này, những chỉ trích về độ tin cậy qua kiểm tra-tái kiểm tra sẽ không có giá trị; thứ gì đó dễ thay đổi thì tất nhiên sẽ không nhất quán. Thực tế nếu điểm IAT và hành vi xử sự có liên quan gì đó với nhau sẽ thật đáng ngạc nhiên.

Tất cả những điều này cho thấy trong khi thiên kiến trên thế giới đều hết sức rõ ràng, trình tự chính xác của những sự kiện tinh thần gây ra nó vẫn còn là một câu hỏi luẩn quẩn. Về phẩn mình, Devine nói với tôi rằng bà thậm chí còn không thấy thoải mái khi gọi hiện tượng này là “thiên kiến ngầm.” Thay vào đó, bà thích gọi nó là “thiên kiến vô thức.” Thuật ngữ thiên kiến ngầm, bà nói, “đã trở nên quá rộng tới độ nó gần như chẳng có ý nghĩa gì cả.”

Sau một tiếng đồng hồ trong buổi hội thảo tại Wisconsin, Devine xắn một bên tay của chiếc áo choàng họa tiết cánh hoa màu xanh và bước tới bên một học viên người Mỹ gốc Phi đang ngồi ở hàng ghế đầu. Bà nói, “Mọi người nghĩ rằng, ‘Nếu tôi không muốn đối xử với người khác dựa vào sắc tộc, thì tôi sẽ phải trở thành mù màu, mù giới tính, hoặc mù tuổi tác.’” “Đó không phải là một chiến lược hiệu quả cho lắm. Trước nhất, điều đó là không thể.” Bà giương lấy cánh tay nhợt nhạt của mình chạm vào cánh tay của học viên đó. “Có sự khác biệt,” bà nói. Những học viên liếc nhìn nhau. Bà nhìn Cox và tiếp tục nói, “Ai mới là người đàn ông?” Sau đó bà nhướng mày và tự nói với mình. “Ai mới là người già?” Đó là một câu đùa vụng về điển hình của một ông bố, nhưng khiến các học viên phải bật cười khúc khích.

(Tác động của  cách tiếp cận tiệm cận với sự khiêu khích này tới các học viên bị đưa ra làm mẫu tại chỗ lại là một câu hỏi khác. Sau đó, người học viên mà Devine đã chạm vào với cánh tay trần nói, “Tôi đã hơi sửng sốt, nhưng tôi khá là biết ơn vì điều đó.”)

Nếu chỉ ra màu da trong một buổi hội thảo nhằm loại bỏ thiên kiến là một việc có vẻ kỳ cục, thì có lẽ một phần mục đích chính là vậy. Cố gắng lờ đi những khác biệt này, Devine nói, chỉ làm cho sự thiên vị tệ hơn. Con người thấy được tuổi tác, giới tính và màu da: Đó là thị giác. Con người có những liên hệ nhất định về những phân nhóm này: Đó là văn hoá. Và con người dựa vào những liên hệ này để đưa ra các phán xét: Đó, Devine tin, là thói quen—một thứ mà bạn có thể làm trong vô thức, là cái cách mà một người cắn móng tay tới chảy cả máu trước khi họ kịp nhận ra mình đang làm vậy.

Toàn bộ buổi hội thảo được tổ chức nhằm phá vỡ thói quen này. Để làm vậy, Devine nói, bạn cần phải ý thức được về nó, có động lực để thay đổi, và có chiến lược để thay thế nó. Trong vòng 2 tiếng thuyết trình, Cox và Devine đã làm tất cả những điều này: Họ đưa ra lập luận khoa học tại sao con người có thể hành xử một cách thiên vị mà không ý thức được điều đó. Họ còn đưa ra hàng loạt những dẫn chứng và lý giải chi tiết về cách thức mà thiên kiến lan rộng ra. Nửa chừng của buổi hội thảo, họ cho các học viên cơ hội để liên hệ những ý tưởng này với cuộc sống cá nhân của họ, và mỗi người đều có một cơ hội. Một nhà hoá học kể lại lần được giao việc thực tập bán hàng, dù đã trải qua bảy năm đào tạo về hoá học, bởi cô ấy có “tính cách thật dễ chịu.” Một học viên người Mỹ gốc Phi mô tả cảm giác kỳ cục anh đã nếm trải tại Ý—trước khi nhận ra đó là cảm giác không có những người bán hàng đi theo và quan sát mình.

Cuối cùng, Devine và Cox đưa ra ý tưởng về những thói quen thay thế. Cox nói, hãy để ý tới những định kiến của chính mình và thay thế chúng. Hãy tìm kiếm những lý do ngoại cảnh cho hành vi của một người, thay vì những định kiến phân nhóm về người đó. Hãy kết giao với những người không cùng nhóm với mình. Devine bước đi giữa những dãy bàn, đưa mắt nhìn từng học viên. “Tôi cam đoan với các em,” bà nói, với một âm điệu chắc nịch cùng niềm tin, “rằng định kiến là một thói quen có thể phá vỡ.”

Điều này nghe có vẻ hơi rắc rối, nhưng số liệu cho thấy dường như sự can thiệp tưởng chừng đơn giản này lại có tác dụng. Ví dụ, sau khi Devine và một cộng sự đưa ra một buổi hội thảo tương tự về chủ đề phân biệt giới tính cho khoa STEM tại Đại học Wisconsin, xu hướng tuyển dụng của khoa bắt đầu thay đổi. Trong vòng hai năm, trong những khoa được tiếp nhận đào tạo, tỉ lệ nữ giới được tuyển dụng tăng từ 32 lên 47 phần trăm—tăng gần 50 phần trăm—trong khi trong những khoa không được đào tạo, tỉ lệ đó giữ nguyên không đổi. Và trong một nghiên cứu độc lập thực hiện vài tháng sau hội thảo, giảng viên của những khoa tham gia—cả phụ nữ và đàn ông—đều cho biết họ cảm thấy thoải mái hơn khi đưa ra những vấn đề trong gia đình, và thậm chí còn cảm thấy nghiên cứu của họ có giá trị hơn.

Trong một nghiên cứu khác, những nhà nghiên cứu đã tiến hành đào tạo hàng trăm sinh viên về chủ đề phân biệt sắc tộc. Hàng tuần sau đó, những sinh viên tham gia đào tạo nhận thức được thiên kiến dễ dàng hơn những người không tham gia, và họ cũng có xu hướng cho rằng thiên kiến mà họ nhận thấy đó là sai. Đáng chú ý là tác động này dường như kéo dài: Hai năm sau, các sinh viên đã từng được đào tạo khi tham gia vào một diễn đàn mở về sắc tộc  lên tiếng phản đối phân biệt đối xử nhiều hơn những người khác.

Coi thiên kiến như một thói quen, có thể nói phương pháp Madison là độc nhất. Nhiều thí nghiệm tâm lý cố gắng thay đổi thiên kiến ngầm, coi nó là một thứ gì đó tương tự như huyết áp—một tình trạng có thể điều chỉnh, thay vì một hành vi có thể khắc phục. Phương pháp Madison nhắm tới việc làm cho những xu hướng hành xử vô thức trở nên có ý thức. “Vấn đề này rất lớn, sẽ cần nhiều chiến lược khác nhau,” Devine nói. “Nhưng nếu mọi người có thể giải quyết nó từ bên trong, thì đó chính là khởi đầu. Nếu những người này là một phần của một đoàn thể, họ có thể truyền tải thông điệp ra rộng hơn.”

Bằng chứng từ dự án STEM cho thấy rằng cách tiếp cận này ít nhất cũng có tác động tới việc phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Điều mà nhóm còn chưa xác định được là liệu những biện pháp can thiệp xoay quanh chủ đề sắc tộc có tác động được tới trải nghiệm của những người da màu hay không. Câu hỏi đó giờ là ưu tiên hàng đầu. “Nếu chúng ta chỉ khiến cho người da trắng thấy dễ chịu hơn,” Devine nói, “thì ai thèm quan tâm chứ?”

Một điểm mạnh khác của phương pháp Madison là nó được thử nghiệm nghiêm ngặt kiểm chứng ở thế giới thực. Khi Betsy Levy Paluck, nhà tâm lý học của Đại học Princeton đánh giá hàng trăm phương pháp lập ra nhằm giảm thiểu định kiến, bà đã tìm ra rằng chỉ 11 phần trăm các thử nghiệm này được kiểm nghiệm thực tế bên ngoài phòng thí nghiệm. Ngược lại, chỉ một số nhỏ những loại hình đào tạo phổ biến ở Thung lũng Silicon và những nơi khác là đã qua đánh giá khoa học. Điều này rất đáng quan ngại đối với các nhà nghiên cứu, vì những khóa đào tạo này thực tế có thể có tác động khó lường tới con người. Mượn lời một bác sĩ châm cứu thật thà hiếm thấy mà tôi từng ghé thăm, “Sau lần điều trị này, bạn có thể thấy tốt hơn, có thể thấy tệ hơn, hoặc có lẽ sẽ cảm thấy hệt như cũ.”

Khiến mọi việc tồi tệ hơn là một rủi ro trầm trọng: Một đánh giá năm 2006 trên hơn 700 công ty đã thực hiện các biện pháp đa dạng hóa cho thấy, sau đào tạo, khả năng thăng tiến của đàn ông và phụ nữ da đen trong các tổ chức này thực tế lại giảm đi. Việc chứng tỏ những việc làm này có tác động đúng như mục đích ban đầu, Paluck viết, “cần được coi là một yêu cầu đạo đức, ở mức độ kiếm nghiệm nghiêm ngặt các liệu pháp can thiệp y khoa.”

Hai ngày sau hội thảo, tôi ngồi xuống trong một tòa nhà tường kính cao vút trong khuôn viên trường, bên cạnh Patrick Forscher, một nghiên cứu sinh trong phòng nghiên cứu của Devine và là đồng tác giả của rất nhiều nghiên cứu đánh giá hội thảo này. Tôi muốn biết tại sao phương pháp này lại có hiệu quả.

Forscher khá ngại ngùng; giọng của anh ấy thấp tới độ gần như không thể nghe nổi. Thành công của họ, Forscher giải thích, có lẽ có liên quan gì đó tới việc hình thành cái tôi. Vào những năm 1970, nhà tâm lý học xã hội Milton Rokeach cho rằng cái tôi được tạo thành bởi nhiều lớp và một vài lớp thì có liên quan mật thiết tới khái niệm cái tôi của một người hơn các lớp khác. Những giá trị thì mang ý nghĩa cốt lõi; niềm tin kém quan trọng hơn một chút. Những thứ khác như các mối liên hệ có khả năng là ít trọng yếu hơn. “Nếu được yêu cầu mô tả bản thân,” Forscher nói, “bạn có lẽ sẽ nói, ‘Tôi là một người coi trọng sự bình đẳng’ thay vì ‘Tôi là người ngầm liên hệ người da trắng với cái tốt đẹp.’”

Sự phân lớp này rất quan trọng, bởi một lớp càng gần với khái niệm cái tôi thì nó (phân lớp đó) càng khó thay đổi. Ví dụ, thật khó để thay đổi việc một người có coi trọng môi trường hay không. Nhưng nếu ta có thể, bằng một cách nào đó xoay chuyển một trong số những lớp trọng yếu này, Forscher nói, hiệu quả tác động sẽ rất sâu rộng. “Khi nói đến trị liệu, mục đích hướng tới là thay đổi cách mà con người nhìn nhận chính mình,” ông nói. “Khi điều này thành công, nó có thể đem đến những thay đổi vô cùng lớn.”

Về phần hội thảo tại Madison, nó tập trung vào những niềm tin của con người về thiên kiến—thứ niềm tin cho rằng họ đang phân biệt đối xử, thứ niềm tin cho rằng phân biệt đối xử là một vấn đề, thứ niềm tin cho rằng họ có thể vượt qua thói quen định kiến của chính mình. Và kết quả thu được từ hội thảo này, là những niềm tin này càng trở nên mạnh mẽ hơn. Và niềm tin có lẽ chỉ là một điểm nhạy cảm cần được chú tâm tới. Có thể gọi niềm tin là “những phân lớp Goldilock.” Chúng là một phần đủ trọng yếu trong mỗi người để mở ra một loạt thay đổi, nhưng cũng đủ xa cách khỏi những giá trị cốt lõi để có thể được thay đổi dưới những áp lực phù hợp.

“Tôi không nghĩ rằng nó tăm tối; nó là sự thực. Bạn không thể vờ như nó không tồn tại.”

Dõi theo Devine, tôi bị ấn tượng bởi sự hấp dẫn và hài hước của bà khi trình bày. Đó là cố ý. Nếu mọi người cảm thấy bị công kích, bà nói, họ sẽ khóa mình lại. Né tránh việc đổ lỗi chính là mấu chốt. Thông điệp cuối cùng được cân đối một cách cẩn thận: Thiên kiến là một điều bình thường, nhưng không chấp nhận được. Bạn phải thay đổi, nhưng bạn không phải là một kẻ tồi tệ. Quan sát Cox và Devine tựa như đang xem mọi người chơi một trò chơi cổ điển mang tên Operation, tinh chỉnh một vài niềm tin nhất định mà không làm nảy sinh phản ứng sai lệch. Tuy nhiên, cách tiếp cận này vẫn có những hạn chế. Một vấn đề phức tạp như thiên kiến không thể được giải quyết đơn thuần bằng một buổi điều chỉnh tâm lý. Joelle Emerson, CEO của Paradigm, một công ty tư vấn tại Thung lũng Silicon nơi đang trong tiến trình đánh giá hiệu quả các khóa đào tạo và tập huấn (về thiên kiến) trong công ty, tin rằng thay đổi về lâu về dài phải đến từ công cuộc tổng sửa đổi trong hệ thống và quy trình làm việc, không chỉ phụ thuộc vào các cá nhân. “Kể cả khóa đào tạo được thiết kế hoàn hảo nhất cũng không thể tự động giải quyết mọi thứ,” bà nói. “Bạn phải củng cố những ý tưởng này ở quy mô tổ chức rộng lớn hơn.” Những nhà khoa học xã hội như nhà tâm lý học Glenn Adams đã bắt đầu kêu gọi một cuộc chuyển đổi “từ nhiệm vụ thay đổi trái tim và tâm trí của từng cá nhân tới thay đổi các thế giới văn hóa xã hội mà trái tim và tâm trí của con người đắm chìm trong đó.”

Thậm chí còn có cả một con voi trong buổi hội thảo. Ngày tôi tới dự, hầu như tất cả học viên tham gia đều là phụ nữ hoặc những người da màu, những người đang tìm cách để chống lại định kiến về họ. Một học viên với mái tóc vàng ngang vai đã thổ lộ với tôi rằng cô ấy rất quan tâm tới những chủ đề này, nhưng cô ấy đã mong rằng buổi hội thảo có thể đưa ra câu trả lời cho việc ta cần làm gì nếu gặp phải thiên kiến. Có thể thấy rõ trong nhóm những người tham gia thiếu bóng dáng của những người đàn ông da trắng. Cox nói thường thì đám đông đa dạng hơn, nhưng có lẽ thành phần khán giả cũng cho thấy một hạn chế căn bản của kiểu việc làm này: Thành công của nó phụ thuộc vào những người sẵn đã quan tâm tới những chủ đề này để mà xuất hiện. Không phải ai, giữa những ngày làm việc trong tuần, cũng tìm đến một buổi thuyết trình mang tính (khá là) kỹ thuật về việc thay đổi thói quen tâm trí của chính mình.

Dù vậy thì sớm muộn họ cũng sẽ biết đến hội thảo này. Gần đây, Forscher đã tiến hành một cuộc “phân tích mạng” để đánh giá ảnh hưởng của hội thảo này—một cách nhìn nhận tác động của nó (hội thảo) lan tỏa vào một cộng đồng ra sao. Cái ông nhận thấy là sau hội thảo về chủ đề giới tính cho khoa STEM, những người hoạt động nhiều nhất cho bình đẳng giới theo báo cáo không phải là những người đã tham gia đào tạo, mà là những người làm việc bên cạnh họ. Đó là một phát hiện mới lạ, và cũng không rõ ý nghĩa chính xác của điều này là gì. Nhưng có thể là khi những người tham gia hội thảo thay đổi, họ đã bắt đầu ảnh hưởng tới những người xung quanh.

Lúc đầu, khi Devine mới đưa ra ý tưởng rằng những định kiến đánh đồng ngầm có thể ảnh hưởng tới hành vi của con người mà họ không hề hay biết, một người đồng nghiệp cho rằng việc làm của bà đã vạch trần “mặt tối của tâm trí.” Devine không cho là vậy. “Tôi thực sự cho rằng nó tiết lộ về tâm trí,” bà nói. “Tôi không nghĩ rằng nó (định kiến) tăm tối; nó rất thực. Bạn không thể vờ như nó không tồn tại.” Các kết nối thần kinh không phải là đạo đức. Điều mà con người làm với những kết nối này mới chính là đạo đức. Và như Devine nhìn nhận, mọi hành vi đều bắt đầu từ nhận thức.

Và nếu như có một điều mà những buổi hội thảo Madison thực sự lay chuyển được thì đó chính là mối quan ngại của con người rằng phân biệt đối xử là một vấn đề tràn lan và trầm trọng. Dữ liệu cho thấy, một khi con người trở nên quan tâm hơn thì nhận thức của mọi người về thiên kiến trong thế giới cũng sẽ tăng lên. Nhiều ngày sau khi tham gia buổi hội thảo đó, tôi choáng váng khi nhận thấy được những phản ứng bộc phát của mình với những người khác. Ngày tôi rời khỏi Madison, trong hành lang khách sạn, tôi thấy hai người đứng gần quầy lễ tân. Họ đang mặc trên mình quần áo sờn mòn, rách rưới, với nhiều lỗ thủng ở phần đầu gối. Khi tôi liếc nhìn họ, một câu chuyện về họ vụt lóe lên trong đầu tôi. Họ không phải là khách trọ ở khách sạn này, tôi nghĩ; họ chắc hẳn là bạn của người lễ tân, tới thăm anh ta trong giờ nghỉ.

Đó là chỉ là một mẩu chuyện, một giả thiết nho nhỏ, nhưng đó là cách mà thiên kiến khởi nguồn: chỉ như một thoáng chớp—không thể nhìn ra, không được kiểm soát—tác động tới các hành vi, phản ứng, và suy nghĩ. Và mẩu chuyện này lướt qua tâm trí tôi chỉ vài giây trước khi tôi bắt gặp nó. Lạy Chúa, tôi nghĩ, đây có phải là cách tôi vẫn luôn sống?

Sau đó, tôi tiếp tục để ý tới sự rung động đó, như một người trong tay cầm một cái vợt đợi chờ một con chuồn chuồn. Và tôi bắt được nó, rất nhiều lần. Có lẽ đây là khởi đầu cho cách kết thúc định kiến của chính bản thân tôi. Đợi chờ nó. Bắt lấy nó và đưa nó ra ánh sáng. Giải phóng nó. Và lại tiếp tục chờ đợi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất