a
§ Tác giả: Julie Sedivy | Nguồn: Nautilus
Biên dịch: Mika | Hiệu đính:  EvoLit
05/12/2017

Đọc một tác phẩm văn học thời trung cổ, rất khó để không bị ấn tượng bởi tiến độ hoạt động của các nhân vật – như khi chúng ta đọc về truyện vua Harold cầm quân, một tác phẩm trong the Sagas of the Icelanders (Tạm dịch: Truyện Dân gian Của Người Băng Đảo) được viết vào khoảng năm 1230. Câu văn đầu tiên đã đầy ắp những hành động quyết liệt: “Vua Harold tuyên bố tuyển quân, và tập hợp một hạm đội, triệu tập lực lượng của ông trên khắp lãnh thổ.” Vào cuối đoạn ba, nhà vua đã đưa hạm đội của mình chống lại quân phiến loạn, chiến đấu nhiều trận lớn mang theo “tàn sát khắp muôn nơi,” (bản gốc: much slaughter in either host) chăm nom thương tật của các binh lính, ban thưởng cho những người trung thành, và “có quyền lực tối cao khắp Na Uy.” Thế nhưng saga này không nói với chúng ta về cảm nghĩ của vua Harold trong các cuộc chiến, liệu rằng cuộc xâm lược của ông có được thúc đẩy bởi sự khinh miệt của người cha bạo tàn không chút nào giấu diếm, hoặc liệu cuối cùng những gì ông đã làm được có vượt qua hay vẫn còn chưa thỏa những nỗi niềm hi vọng sâu kín nhất của ông.

Tiến tới 770 năm sau, đến với tiểu thuyết của David Foster Wallace. Trong truyện ngắn “Forever Overhead” (tạm dịch: Mãi mãi Trên cao) của ông, nhân vật chính 13 tuổi phải mất 12 trang để đi bộ qua sàn hồ bơi công cộng, xếp hàng ở trước ván nhảy, leo lên bậc thang và chuẩn bị nhảy. Nhưng qua 12 trang này, chúng ta như được đưa vào những suy nghĩ vội vã và náo nhiệt của một cậu bé chỉ mới vào tuổi dậy thì- sự chú ý của chúng ta gắn liền với sự chú ý mới chớm của cậu về cơ thể phụ nữ trong những bộ đồ bơi, chúng ta nhận thức được sự chú ý đến cậu của những người khác khi cậu do dự trên ván nhảy, chúng ta theo dõi những suy nghĩ chớp nhoáng của cậu về việc liệu rằng không suy nghĩ khi làm một việc đáng sợ là giỏi hay là liều mạng một cách ngu xuẩn.

Những ví dụ này minh họa cho sự tiến triển từng chút một của nền văn học phương Tây từ các cốt truyện thuật lại các hành động và sự kiện cho đến những câu chuyện miêu tả tâm lí phức tạp, nhiều tầng và tự mâu thuẫn (self-contradictory). Tôi thường tự hỏi khi đọc lại những văn bản cổ: Có phải con người trước đó không thấy hứng thú với những gì nhân vật nghĩ và cảm nhận?

Có lẽ con người sống trong xã hội Trung cổ ít khi quan tâm đến những chi tiết tinh vi của tâm trí người khác, đơn giản vì họ không cần phải như vậy. Khi sự lựa chọn của con người bị hạn chế và hành động của họ có thể đoán trước dựa trên vai trò xã hội thì họ không có nhiều lí do để hòa mình vào trạng thái tâm lí của người khác (hoặc ngay với cả chính bản thân họ). Sự xuất hiện của các tác phẩm văn học tập trung vào tư tưởng phản ánh sự cần thiết ngày càng tăng của hòa ứng (attunement), vì xã hội ngày càng tháo bỏ những quy tắc cứng rắn và các vai trò đặt ra trật tự cho các tương tác xã hội.

Nhưng những nghiên cứu tâm lí ngày nay gợi ra những hàm ý sâu sắc hơn: Văn học luôn phản ánh những mối bận tâm của thời đại, nhưng cũng có chứng cứ cho rằng nó định hình lại tâm trí của người đọc theo những cách không ngờ. Những câu chuyện lôi cuốn người đọc ra khỏi thế giới mà họ đang sống và đi vào những trải nghiệm nội tâm của các nhân vật có thể rèn luyện khả năng tưởng tượng tâm trí người khác của độc giả. Nếu đúng như vậy, sự chuyển đổi lịch sử trong văn học từ những lời tường thuật có-sao-nói-vậy sang thành lối viết lần theo các cuộc hành trình tâm lí đã mang đến những tác dụng phụ không ngờ: giúp rèn luyện chính các kĩ năng mà con người cần có để hoạt động trong một xã hội ngày càng trở nên phức tạp và mơ hồ.

Nhưng những nghiên cứu tâm lí ngày nay gợi ra những hàm ý sâu sắc hơn: Văn học luôn phản ánh những mối bận tâm của thời đại, nhưng cũng có chứng cứ cho rằng nó định hình lại tâm trí của người đọc theo những cách không ngờ.

Bản chất xã hội mạnh mẽ của ta có nguồn gốc từ sự tiến hóa sinh học. Chúng ta được di truyền ưu đãi trí thông minh xã hội vượt xa người họ hàng linh trưởng. Ngay cả những đứa trẻ mới chập chững biết đi cũng hiểu được rằng quan điểm của mọi người có thể khác với của mình, hoặc rằng những hành vi bên ngoài được thúc đẩy từ những mục tiêu trong thâm tâm, và chúng kháng cự việc học hỏi từ những người lớn có kiến thức không rõ ràng. Nhưng gen chỉ là một phần của câu chuyện. Chúng ta có thể được trang bị trước một bộ kĩ năng tiêu chuẩn (một “bộ khởi động”, theo lời của các nhà nghiên cứu Cecilia Heyes và Chris Frith), nhưng khả năng nắm bắt chính xác suy nghĩ và hành động của người khác, hoặc khả năng tư duy hóa thì khá là chênh lệch giữa người với người – và ngày càng có nhiều băng chứng cho thấy kĩ năng tư duy hóa phức tạp được truyền qua quá trình học hỏi dần dần, giống như đọc sách và chơi cờ vua. Ví dụ, trong khi các em bé còn ẵm bồng trên tay nhạy cảm với các cảm xúc cơ bản như hạnh phúc hay buồn bã, khả năng nhận thức các cảm xúc mang tính xã hội phức tạp như ngượng ngùng hay tội lỗi chỉ xuất hiện ở độ tuổi từ 7 trở đi và tiếp tục được mài giũa tốt trong thời kì trưởng thành.

Mức độ cha mẹ nói chuyện với con cái về suy nghĩ của người khác được chứng minh là có ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng phân biệt nội dung của những luồng tư tưởng ở người khác. Một nghiên cứu của Rosie Ensor và đồng nghiệp cho thấy rằng mức độ thường xuyên mà người mẹ sử dụng các từ như suy nghĩ (think), quên (forget), tự hỏi (wonder), học hỏi (learn) hoặc giả vờ (pretend) khi con họ chỉ 2 tuổi đã dự đoán được kĩ năng tư duy hóa của chúng ở độ tuổi 3,6 và thậm chí 10.1

Khó có khả năng những kết quả này có phát sinh từ sự khác biệt về di truyền giữa cha mẹ và con cái- nghĩa là cha mẹ nói nhiều về các trạng thái tâm lí bởi vì bản thân họ có khả năng tư duy hóa tốt hơn, mà con cái họ có thể kế thừa. Bằng chứng về vai trò trực tiếp của ngôn ngữ đến từ các nhà tâm lí học Jennie Pyers và Ann Senghas, người nghiên cứu về người khiếm thính và ngôn ngữ kí hiệu Nicaragua, một ngôn ngữ xuất hiện gần đây khi chính phủ Nicaragua bắt đầu giáo dục trẻ em khiếm thính trong một trường quốc gia.2 Bắt đầu từ hệ thống cử chỉ đơn giản sau đó phát triển thành một hệ thống ngôn ngữ phức tạp và tỉ mỉ, cho phép các nhà nghiên cứu tìm hiểu về sự ra đời và phát triển của cả một hệ thống và cộng đồng của nó.

Nghiên cứu như vậy cho thấy một liên kết rõ ràng giữa kĩ năng tư duy hóa của con người và các cuốn sách gối đầu giường của họ.

Pyers và Senghas đã so sánh một vài người đầu tiên sử dụng ngôn ngữ kí hiệu này, những người đã học ngôn ngữ ở dạng thô hơn, với một nhóm những người trẻ hơn mà học ngôn ngữ ở dạng mới và phức tạp hơn. Họ phát hiện rằng những người sử dụng bản kí hiệu ban đầu thì ít sử dung các động từ miêu tả trạng thái tâm lí hơn những người học bản mới nhất; họ cũng thể hiện tệ hơn trong một bài kiểm tra khảo sát khả năng nhận thức niềm tin của người khác. Nhưng sau khi các nhà nghiên cứu quay lại vào hai năm sau, họ thấy rằng những người sử dụng ngôn ngữ kí hiệu trẻ đã tốt nghiệp và bắt đầu tương tác với những người sử dụng kí hiệu già hơn, sử dụng bản ngôn ngữ kí hiệu Nicaragua phức tạp hơn. Kết quả là, những người sử dụng kí hiệu già đã sử dụng nhiều động từ thể hiện trạng thái tinh thần giống những người trẻ hơn và thể hiện rất tốt trong bài kiểm tra nhận thức. Ngôn ngữ đã giúp họ những điều mà trong 25 năm tương tác ít từ ngữ không làm được.

Ngôn ngữ kí hiệu Nicaragua phô bày một phép so sánh thanh lịch: Khi mà nó đã có sự kết hợp từ mới, chỉ trong vài thập kỉ, để nói về các trạng thái tinh thần, thì văn học phương Tây phải phát triển, qua nhiều thế kỉ, các thủ thuật văn học mới diễn tả được tâm trạng của các nhân vật chính.

Nhà nghiên cứu văn học Monika Fludernik đã nói, các tác giả văn học Trung cổ thể hiện cảm xúc của các nhân vật qua lời nói và cử chỉ, được truyền đạt cảm xúc mạnh mẽ theo một khuôn mẫu- nhiều hành động vò đầu bứt tai nhưng lại ít cử chỉ tinh tế như nhướng mày hoặc một nụ cười lấp lánh trên môi. Những tường thuật trực tiếp về cảm xúc cũng khá phổ biến nhưng phần lớn đều ngắn và đơn giản (“Anh ta hoảng sợ”). Hơn thế nữa, những cảm xúc là phản ứng có thể dự đoán qua các hành động bên ngoài hoặc sự kiện, khiến chúng ít có khả năng tiết lộ những điều phức tạp hoặc bất ngờ về các nhân vật.

Elizabeth Hart, một chuyên gia về văn chương thời kỳ đầu, viết rằng trong các văn bản cổ đại hay kinh điển, “mọi người thường lên kế hoạch, ghi nhớ, yêu thích, sợ hãi, họ đã làm được những điều này mặc dù tác giả không tập trung miêu tả những cung bậc cảm xúc ấy”. Điều này thay đổi nhanh chóng giữa những năm 1500 đến 1700 khi các nhân vật thường dừng lại giữa các hành động rồi bắt đầu độc thoại như khi họ đang đấu tranh giữa các mâu thuẫn, suy nghĩ về động cơ của người khác hoặc lạc trong trí tưởng tượng của chính mình – như ai đã tìm hiểu về về những vở kịch với nhiều đoạn độc thoại mang tâm lí nhân vật của Shakespeare đều đã quá quen thuộc. Hart cho rằng những đổi mới này được khuyến khích bởi sự ra đời của ấn phẩm, và với sự ra đời ấy, đã dẫn đến một sự bùng nổ trong văn học giữa các tầng lớp và giới tính. Mọi người có thể đọc trong riêng tư với tốc độ đọc của riêng mình, đọc lại và nghĩ về việc đọc của mình, làm sâu sắc các kĩ năng nhận thức mới này, và sự khao khát về những đoạn văn phức tạp và khó hiểu.

Sự xuất hiện của tiểu thuyết vào thế kỉ 18 và 19 đã giới thiệu những người kể chuyện “toàn thức” (omniscient) , những người có thể thâm nhập vào tâm lí nhân vật, đôi khi thăm dò những động cơ còn chưa rõ ràng ngay cả đối với nhân vật. Và đến thế kỉ 20, nhiều tác giả không chỉ miêu tả mà còn mô phỏng những trải nghiêm tâm lí của các nhân vật. Virginia Woolf viết trong cuốn tuyên ngôn văn học “Modern Fiction” (tạm dịch: Tiểu thuyết Hiện đại) của mình: “Chúng ta hãy ghi chép lại những nguyên tử, mà những điều ta thấy hay trải qua đã rót vào trong tâm trí, theo thứ tự chúng rơi xuống, dù chúng dường như rất rời rạc và kém mạch lạc.”

Lời hiệu triệu này đã đươc đáp lại bởi Dorothy Parker, trong đoạn sau của tác phẩm “Sentiment,” (tạm dịch: Tình cảm) nơi bà định hình các câu thành những  vòng lặp suy nghĩ ồ ạt, nhịp nhàng: “Nhưng tôi biết. Tôi biết. Tôi biết vì anh đã xa tôi từ rất lâu trước khi anh bỏ đi. Anh ra đi và anh sẽ không trở lại. Anh ra đi và anh sẽ không trở lại, anh ra đi và anh sẽ không bao giờ trở lại nữa. Hãy lắng nghe tiếng chiếc bánh xe đang lăn, tiếp tục và tiếp tục và cứ thế tiếp tục.”

Từ Parker và rất nhiều nhà văn về sau này, mọi khía cạnh của ngôn ngữ – từ âm thanh đến hình ảnh đến câu cú – là những công cụ để truyền đạt trạng thái tâm lí.

Nếu kĩ năng tư duy hóa có thể được đánh bóng bởi thứ ngôn ngữ mà hướng sự chú ý đến các trạng thái tâm lý, liệu việc các tác phẩm văn học tăng cường sử dụng thứ ngôn ngữ như vậy có nâng cao trí thông minh xã hội của độc giả qua nhiều thế kỉ? Các nhà tâm lý học không thể quay trở lại những năm 1200 để tiến hành các bài kiểm tra điện cho các cư dân thời trung cổ, nhưng họ có thể thử nghiệm và so sánh con người ngày nay với các thói quen đọc sách khác

Nghiên cứu như vậy cho thấy một liên kết rõ ràng giữa kĩ năng tư duy hóa của con người và các cuốn sách gối đầu giường của họ. Trong một nghiên cứu do Raymond Mar dẫn dắt, dân ghiền truyện thể hiện tốt hơn những người chỉ đọc giải trí khi đưa ra những phán đoán xã hội sâu sắc dựa trên lượng thông tin hạn chế – ví dụ như giải mã cảm xúc phức tạp bằng cách nhìn vào bức ảnh chụp đôi mắt của con người, và sử dụng những gợi ý tinh tế trong các video tương tác xã hội (chẳng hạn như đoán xem ai là con của hai người lớn trong video dựa trên ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu và những thông tin phi ngôn ngữ khác).3 Những người đọc nhiều các tác phẩm nghị luận phi hư cấu cho thấy khuynh hướng ngược lại, thể hiện tệ hơn những người đọc ít các tác phẩm phi cấu. Các nghiên cứu khác, sử dụng các bài kiểm tra tương tự, đã tìm ra một lợi ích cụ thể cho việc đọc tiểu thuyết văn học4 so với tiểu thuyết đại chúng, hay tiểu thuyết lãng mạn5 so với tiểu khoa học viễn tưởng.

Lời khuyên nghề về lâu dài: không cần phải viết mọi thứ ra bởi vì người đọc là đồng tác giả của câu chuyện và có thể tin tưởng giao cho họ việc tìm các manh mối rải rác.

Những nghiên cứu này không chứng minh được một chế độ văn học cụ thể sẽ nuôi dưỡng trí thông minh xã hội; thật khó để loại trừ khả năng rằng những người vốn đã hòa hợp hơn với tâm trí của người khác cũng quan tâm hơn đến việc đọc về họ, trong trường hợp này, thói quen đọc sách sẽ là kết quả của trí thông minh xã hội. Thử nghiệm lý tưởng sẽ phân chia ngẫu nhiên con người với các chế độ đọc khác nhau trong một khoảng thời gian được duy trì liên tục và sau đó so sánh hiệu quả.

Một nỗ lực thực tế (và khiêm tốn) hơn để chứng minh quan hệ nhân quả được thực hiện bởi David Kidd và Emanuele Castano; trong thí nghiệm của họ, các tình nguyện viên được chọn ngẫu nhiên để đọc một đoạn duy nhất của cả tiểu thuyết văn học, tiểu thuyết đại chúng, hoặc phi hư cấu trước khi tham gia một bài kiểm tra khả năng để xác định những cảm xúc phức tạp dựa trên hình ảnh đã được cắt xén chặt chẽ xung quanh mắt của đối tượng.6 Kết quả cho thấy những người đọc trích đoạn tiểu thuyết văn học có điểm số cao hơn so với những người khác, cho thấy rằng một số loại hình đọc có thể kích thích các quá trình thần kinh có liên quan đến việc xác định cảm xúc của người khác. Không giống như tiểu thuyết đại chúng mang tính công thức, mà có xu hướng dựa vào các nhân vật khuôn mẫu và động cơ minh bạch, các nhân vật trong tiểu thuyết văn học hành động theo những cách đáng ngạc nhiên và mơ hồ mà vượt ra ngoài giới hạn của các kịch bản quen thuộc. Trong một bộ phim kinh dị điển hình (hoặc là truyện dân gian thời trung cổ), một nhân vật có thể phản ứng lại vụ giết người của một người vợ bằng cách giết người trả thù, một phản ứng cần ít sự phân tích; nhưng nếu anh ta gửi kẻ giết người những lá thư giả danh người vợ đã chết – một cuốn tiểu thuyết văn học đang chờ đợi được viết! – điều này sẽ kích hoạt suy nghĩ sâu xa hơn về động cơ và tình trạng tinh thần của nhân vật.

Nghiên cứu của Kidd và Castano hiện gây tranh cãi, một phần vì thiếu các tiêu chí rõ ràng để xác định các loại “tiểu thuyết văn học” so với “tiểu thuyết đại chúng”, và một phần bởi vì một số nghiên cứu gần đây không tái hiện lại7 được kết quả của nó (mặc dù những phát hiện tương tự8 đã được ghi nhận khi xem một bộ phim truyền hình từng đoạt giải thưởng so với một bộ phim tài liệu).

Tuy nhiên, nghiên cứu bổ sung bằng cách sử dụng hình ảnh não bộ chứng minh các tuyên bố chung của họ, cho thấy rằng ít nhất đôi khi, việc đọc có thể kích thích các quá trình tinh thần giống nhau mà có liên quan đến việc giải mã các tư duy khác. Diana Tamir và các đồng nghiệp của cô phát hiện ra các mô hình hoạt động khác nhau của não bộ được gợi lên bởi các đoạn văn có nội dung xã hội phong phú so với các đoạn văn có nhiều chi tiết không gian sinh động.9 Khi đọc các đoạn văn xã hội, con người đã kích hoạt cùng một mạng lưới não bộ hoạt động trong việc thực hiện các bài kiểm tra khác nhau của kỹ năng tư duy hóa. Hơn nữa, phù hợp với giả thiết rằng các văn bản như vậy có thể rèn luyện trí thông minh xã hội, những người đọc nhiều các tác phẩm tiểu thuyết cho thấy mức độ hoạt động não bộ cao nhất ở hệ thống tư duy hóa trong quá trình đọc sách.

Một nghiên cứu khác, được thực hiện ở Hà Lan, cũng phát hiện thấy hoạt động mạnh mẽ ở hệ thống tư duy hóa trong phản ứng với những đoạn văn mô tả những suy nghĩ, ham muốn hoặc niềm tin của nhân vật.10 Ngược lại, những đoạn tập trung vào hành động đã kích thích hoạt động trong một mạng lưới khác có liên quan đến phần vỏ não thị giác và vận động. Mặc dù nghiên cứu này không nghiên cứu thói quen văn học của các tình nguyện viên, não bộ mỗi cá nhân khác nhau theo những cách nổi bật: Các đối tượng dường như phân chia thành những người có não nhạy cảm với các trình tự hành động, so với những người có trí não suy nghĩ về các nhân vật.

Nhìn chung, có nhiều bằng chứng về tiềm năng của văn học có thể thay đổi hình dáng của tâm trí. Nhưng chúng ta biết vẫn còn rất ít về những phẩm chất của một văn bản, hoặc kĩ thuật văn học, nào khơi dậy tốt nhất hệ thống tư duy hóa. Và, như các bằng chứng hình ảnh của não cho thấy, hoạt động thần kinh gây ra bởi bất kỳ văn bản nhất định nào có thể phụ thuộc phần lớn vào người đọc – không chỉ về những gì đang được đọc, mà những gì đã được đọc trong quá khứ và cách người đọc đang tiếp cận văn bản.

Ngoài các thí nghiệm tâm lý với các đối tượng ngày nay, chúng ta cũng có thể xem xét kĩ lưỡng các tác phẩm văn học để tìm ra các đầu mối về khả năng tư duy hóa của người đọc xuyên suốt lịch sử. Tất cả các tác giả đưa ra những lựa chọn về việc bao nhiêu phần nổi và bao nhiêu phần chìm. Những lựa chọn này tiết lộ các giả định ngầm của các tác giả về khoảng cách giữa ngôn ngữ và ý định lớn cỡ nào thì  độc giả có thể vượt qua, làm thế nào để người đọc của họ có thể cảm thụ những suy nghĩ mà không được xác định bởi chính ngôn ngữ.

Văn học đương đại có đầy những khoảng trống rộng lớn. Tác giả Margaret Atwood ghi nhận rằng bài viết của cô bị ảnh hưởng bởi Beatrix Potter, người mà cô miêu tả là một bậc thầy của nghị luận gián tiếp (oblique discourse).11 Trong The Tale of Mr. Tod (tạm dịch: Câu chuyện của ông Tod), Benjamin Bunny và Peter Rabbit đang đuổi bắt Tommy Brock, một con lửng đã bắt giữ những đứa con của Benjamin trong một chiếc túi và đưa về nhà, nơi mà hắn định sẽ ăn chúng. Trên đường đi, hai chú thỏ đi qua nhà của Cottontail Bunny, và hỏi xem liệu chồng cô, một chú thỏ đen, có đang ở nhà hay không, có lẽ là để yêu cầu sự giúp đỡ của anh ta trong việc đối đầu với Tommy Brock. Đáp lại, Cottontail không nói gì về chồng của cô, nhưng chỉ đơn giản nói, “Tommy Brock đã dừng chân hai lần trong khi cô trông thấy anh ta.” Khi hai chú thỏ tiếp tục cuộc đuổi bắt của họ, Peter nói, “Anh ấy có ở nhà; Tôi nhìn thấy đôi tai màu đen của anh ló ra khỏi lỗ.” Benjamin trả lời, “Họ sống quá gần các tảng đá để có thể bất hòa với hàng xóm của họ… “

Atwood viết: “Ở tuổi lên bốn, tôi nhanh chóng biết được rằng Cottontail đã nói dối, nhưng bình luận về “đá” khiến tôi phải suy nghĩ. Cuối cùng, tôi cũng hiểu: Tommy Brock có một xẻng, và những người sống trong hang quá gần các tảng đá nên dễ dàng tóm được bằng cách đào. Lời khuyên nghề về lâu dài: không cần phải viết mọi thứ ra bởi vì người đọc là đồng tác giả của câu chuyện và có thể tin tưởng giao cho họ việc tìm các manh mối rải rác.”

Khi một tác giả thể hiện sự tin tưởng sâu sắc vào người đọc và tạo ra một khoảng không gian mà độc giả có thể, từ sâu thẳm trí tưởng tượng xã hội của mình, giảm bớt ý thức của mình để hòa vào cơ thể và kinh nghiệm của người khác thì có thể tạo ra kết quả sâu sắc.

Atwood chắc chắn là một đứa trẻ 4 tuổi nhanh trí, nhưng có bằng chứng cho thấy trẻ bình thường có thể tìm ra được những manh mối như vậy, và quá trình này không chỉ kích hoạt hệ thống tư duy hóa trong não, mà còn rèn luyện những kĩ năng này thậm chí còn hơn việc dán nhãn rõ ràng cho các trạng thái tâm lý. Trong một nghiên cứu, trẻ mẫu giáo đã nghe những câu chuyện như Rosie’s Walk (tạm dịch: Cuộc đi bộ của Rosie), trong đó một con mèo đi ngang qua sân nuôi gà vịt ở quanh nhà kho, dường như không hề biết gì về việc nó đang bị theo đuôi bởi một con cáo12. Một nhóm trẻ thứ hai nghe những câu chuyện đó, nhưng với các trạng thái tâm lý rõ ràng. “Rosie nghe tiếng BUMP thật lớn nhưng nó có nhận ra rằng con cáo đói khát đang đứng sau nó hay không? Không, nó không quay lại. Nó không biết rằng con cáo đang ở đằng sau nó.” Nhóm đầu tiên, bị buộc phải phải tìm hiểu ẩn ý đằng sau câu chuyện, sau đó đã thể hiện tốt hơn nhóm thứ hai trong một bài kiểm tra yêu cầu chúng suy luận về niềm tin của người khác.

Khi một tác giả thể hiện sự tin tưởng sâu sắc vào người đọc và tạo ra một khoảng không gian mà độc giả có thể, từ sâu thẳm trí tưởng tượng xã hội của mình, giảm bớt ý thức của mình để hòa vào cơ thể và kinh nghiệm của người khác thì có thể tạo ra kết quả sâu sắc. Tôi đã đọc rất nhiều bài trong nhiều năm đề cập đến những hệ quả đạo đức của việc thử nghiệm động vật. Tuy nhiên, bài duy nhất gây ra một phản ứng đồng cảm đủ mạnh để di chuyển kim la bàn luân lý đạo đức của tôi là câu chuyện của George Saunders có tiêu đề “93990”. Điều đáng chú ý là bởi vì câu chuyện này được viết dưới dạng một mẫu báo cáo phòng thí nghiệm lạnh lùng về tác động một chất độc hại được dùng cho một nhóm gồm 20 con khỉ. Hầu như không có động từ trạng thái tinh thần; không có sự diễn giải chủ quan hoặc nội tâm; không có sự xâm nhập vào ý thức của bất cứ ai. Câu chuyện mượn những bộ y phục của ngôn ngữ học thuật để mô tả, với sự tách rời hoàn toàn, sự đau đớn ngày càng gia tăng và cuối cùng là những cái chết của các đối tượng thử nghiệm.

Tất nhiên, chính thứ ngôn ngữ khô khan của câu chuyện từ chối thừa nhận những trải nghiệm bên trong của cả đối tượng thử nghiệm hay người thí nghiệm đã khiến câu chuyện có sức ảnh hưởng như vậy đến tôi. Thay vì chú ý đến trạng thái tâm lý của các nhân vật, Saunders đã mời tôi suy ngẫm về chúng bằng cách tạo ra một khoảng trống giữa sự kinh hoàng của những gì mà người thí nghiệm quan sát, và ngôn ngữ chuyển tải điều được quan sát.

Hiệu quả mang lại là sự xúc động sâu sắc. Lẫn thân mật: Như thể chính Saunders đã vẫy tay ra hiệu cho tôi và lặng lẽ vén bức màn lên, mời tôi đứng bên cạnh anh và chứng kiến những sự kiện đang diễn ra đằng sau bức màn ấy. Không có bất cứ suy nghĩ nào từng được diễn tả hay mô tả một cách công khai, tôi thấy mình đang nghĩ về sự đau đớn thể xác và tinh thần của động vật và sự thờ ơ có điều kiện của các nhà khoa học, và nghĩ về tâm trí của Saunders khi ông nghĩ về tâm trí của động vật và của các nhà khoa học mà chúng tôi đang cùng nhau theo dõi.

Julie Sedivy dạy ngôn ngữ học và tâm lý học tại Đại học Brown và Đại học Calgary, và là tác giả của cuốn Language in Mind: An Introduction to Psycholinguistics (tạm dịch: Ngôn ngữ trong Tâm thức: Giới thiệu về Ngôn ngữ học Tâm linh). Cô hiện đang viết một quyển sách về việc đánh mất và tìm lại tiếng mẹ đẻ.

Tài liệu tham khảo

  1. Ensor, R., Devine, R.T., Marks, A., & Hughes, C. Mothers’ cognitive references to 2-year-olds predict theory of mind at ages 6 and 10. Child Development 85, 1222-1235 (2014).
  2. Pyers, J.E. & Shenghas, A. Language promotes false-belief understanding: Evidence from learners of a new sign language. Psychological Science 20, 805-812 (2009).
  3. Mar, R.A., Oatley, K., Hirsh, J., dela Paz, J., & Peterson, J.B. Bookworms versus nerds: Exposure to fiction versus non-fiction, divergent associations with social ability, and eh simulation of fictional social worlds. Journal of Research in Personality 40, 694-712 (2006).
  4. Kidd, D. & Castano, E. Different stories: How levels of familiarity with literacy and genre fiction relate to mentalizing. Psychology of Aesthetics, Creativity, and the Arts (2016). Retrieved from DOI: 10.1037/aca0000069
  5. Fong, K., Mullin, J.B., & Mar, R.A. What you read matters: The role of fiction genre in predicting interpersonal sensitivity. Psychology of Aesthetics, Creativity, and the Arts 7, 370-376 (2013).
  6. Kidd, D.C. & Castano, E. Reading literary fiction improves theory of mind. Science 342, 377-380 (2013).
  7. Panero, M.E., et al. Does reading a single passage of literary fiction really improve theory of mind? An attempt at replication. Journal of Personality and Social Psychology 111, e46-e54 (2016).
  8. Black, J. & Barnes, J.L. Fiction and social cognition: The effect of viewing award-winning television dramas on theory of mind. Psychology of Aesthetics, Creativity, and the Arts 9, 423-429 (2015).
  9. Tamir, D.I., Bricker, A.B., Dodell-Feder, D., & Mitchell, J.P. Reading fiction and reading minds: The role of simulation in the default network. Social Cognitive and Affective Neuroscience 11, 215-224 (2016).
  10. Nijhof, A.D. & Willems, R.M. Simulating fiction: Individual differences in literature comprehension revealed with fMRI. PLOS One (2015). Retrieved from DOI:10.1371/journal.pone.0116492
  11. The Stories That Changed Margaret Atwood’s Life www.cbc.ca (2013).
  12. Peskin, J. & Astington, J.W. The effects of adding metacognitive language to story texts. Cognitive Development 19, 253-273 (2004).

One thought on “Tại sao văn học cổ đại không nói về cảm xúc?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất