a
§ Tác giả: David J. Hand | Nguồn: Nautilus
Biên dịch: Quốc Hưng | Hiệu đính:  Nhi
21/06/2020

Bạn có dám nhận mình là một người may mắn? Có những biến cố làm cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn? Không đến mức trúng xổ số, nhưng chẳng hạn bạn được nhận việc vì ứng viên tiềm năng khác bị ốm và bỏ cuộc, hoặc dù đi muộn nhưng vẫn kịp chuyến tàu do thời gian khởi hành bị hoãn?

Hay bạn là một người đen đủi? Mất cơ hội phỏng vấn xin việc do bị ốm, hoặc lỡ chuyến tàu vì nó bị huỷ?

Hay bạn thậm chí còn chẳng tin vào vận may, rằng hên hay xui thì đều phụ thuộc vào sự chăm chỉ và cần cù. Tất nhiên, nếu bạn nghĩ như vậy, bạn vẫn sẽ không thể giải thích mọi thứ – dù bạn có chăm chỉ đến đâu thì chuyến tàu bị huỷ kia cũng không xuất hiện. Luôn luôn có những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.

May mắn mặc dù liên hệ mật thiết với cơ hội, nhưng hai khái niệm này không hoàn toàn giống nhau. Cơ hội miêu tả một phần của vũ trụ vật thể: những gì đang xảy ra ngoài kia. Đồng xu lật mặt úp thay vì mặt ngửa, xí ngầu tung ra mặt sáu, và kể cả việc quay được một trong 45.057.474 tờ vé số Anh quốc. Ngược lại, may mắn gán cho kết quả của cơ hội một giá trị. Nó là cơ hội được nhìn dưới lăng kính tốt hoặc xấu. Tin tốt, ít nhất với bạn, nếu bạn thắng xổ số, và tin xấu nếu bạn là một hành khách trên chuyến bay gặp nạn.

Cơ hội, do đó, là thực tế khách quan của các kết quả ngẫu nhiên trong thế giới thực, trong khi may mắn là hệ quả của giá trị chủ quan mà bạn gán cho những kết quả ngẫu nhiên đó. May mắn có thể nói là cơ hội dưới góc nhìn con người. Hiểu được điều này cho phép chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn về thực tế, và điều đó nghĩa là chúng ta có thể lựa chọn hành động một cách sáng suốt hơn.


Vận may là thứ ai cũng mong muốn – gặp may nghĩa là những biến cố xảy đến với bạn có kết quả tích cực. Và vận rủi là điều bạn luôn hy vọng không xảy đến với mình. Một cách tự nhiên, điều này dẫn đến câu hỏi: Liệu chúng ta có thể làm gì để khiến bản thân may mắn hơn không?

Chúng ta có thể cố gắng thay đổi những gì ta coi là kết quả tốt, nhưng cách này có vẻ không hợp lý. Trượt trên băng và bị gãy chân dù nhìn từ góc độ nào cũng thấy xui xẻo, trong khi đó, thật khó để thấy việc trúng xổ số là không may. Vì vậy, có lẽ thay vào đó chúng ta nên tìm cách thay đổi cơ hội, tức là xác suất để có được các kết quả khác nhau.

Và thế giới có đầy rẫy những ý niệm rằng chúng ta có thể thay đổi cơ hội, để rồi kéo theo đó là thay đổi vận may.

Mê tín chẳng hạn: vận động viên bóng chày Turk Wendell vẽ ba cây thánh giá trên nền đất trước khi ném bóng; cầu thủ bóng đá Phil Jones của câu lạc bộ Manchester United chọn xỏ chiếc tất bên trái trước khi đội chơi trên sân nhà, nhưng lại chọn chiếc bên phải trước những khi đội chơi sân khách; bạn mang theo cây bút yêu thích của mình vào phòng thi. Thật không may, có rất ít bằng chứng cho thấy những hành động như vậy làm tăng cơ hội đạt được những kết quả mong muốn.

Mặt khác, có một câu ngạn ngữ với nhiều phiên bản, thường được cho là của Thomas Jefferson, Stephen Leacock, Sam Goldwyn, và những người khác: “Càng chăm chỉ, càng may mắn.” Nếu luyện tập chăm chỉ thì bạn sẽ có nhiều khả năng chiến thắng một giải thể thao hơn, hẳn rồi, nhưng rõ ràng lời giải thích này không đúng với mọi thứ. Cần cù không không có nghĩa rằng khả năng bạn bị đánh thức bởi những người hàng xóm ồn ào đêm hôm trước, hoặc bạn trượt chân trên một miếng vá ướt trong cuộc thi chạy sẽ giảm đi. Và có vẻ như người ta vẫn trúng xổ số như thường bất kể trong cuộc sống họ có nhởn nhơ ra sao.

Louis Pasteur từng nhắc đến một ý tưởng tương tự: “Cơ hội dành cho những người sẵn sàng” – hãy nhận biết và nắm lấy thời cơ khi chúng đến.

Một trong những cách chuẩn bị là tận dụng cái gọi là quy luật số thực lớn (law of truly large numbers). Định lý này khác với quy luật số lớn (law of large numbers) trong môn thống kê, mà theo đó, kích thước mẫu thử càng lớn thì giá trị bình quân càng tiến gần hơn đến một giá trị cố định. Cái mà tôi đang nói đến hoàn toàn không giống như vậy.

Hãy bắt đầu với sự thật hiển nhiên rằng, trong khi bạn chỉ có cơ hội rất nhỏ để trúng xổ số, bạn có thể biết chắc mình sẽ không thắng nếu không mua tờ vé số nào. Vì vậy, có sự cách biệt khá lớn giữa hai loại cơ hội, từ không có gì đến có một thứ gì đó, dù cho “một thứ gì đó” vẫn là một khả năng rất nhỏ. Nhưng ý tưởng này có thể đi xa hơn thế. Rõ ràng, bạn mua càng nhiều vé (được đánh số khác nhau), cơ hội chiến thắng của bạn càng cao. Mua 1.000 vé thay vì một, và cơ hội chiến thắng của bạn cao gấp 1.000 lần. Mua 1 triệu vé – một số thực lớn – và cơ hội của bạn còn lớn hơn nữa. Dưới tư cách một phụ huynh, tôi không khuyến khích các bạn mua vé số. Với xổ số Anh quốc, một vé duy nhất có 1 trên 45 triệu cơ hội trúng độc đắc. Nếu bạn mua 1.000 vé, bạn vẫn chỉ có 1 trong 45.000 cơ hội chiến thắng. Xác suất này còn ít hơn là khả năng tung đồng xu được 15 mặt ngửa liên tiếp. Liệu đó có phải thứ bạn muốn đặt cược?

Tuy vậy, ví dụ này cho thấy nếu tăng số cơ hội cho một sự kiện rất khó xảy ra (rút vé trúng thưởng), khả năng nó thực sự xảy ra sẽ cao hơn đáng kể. Nói cách khác, nếu chúng ta cho mình rất nhiều cơ hội để điều gì đó tốt đẹp xảy ra, cơ hội thành công sẽ tăng lên. Nghe có vẻ giống chúng ta đang tự cải thiện vận may của mình rồi đấy.

Trên thực tế, chúng ta có thể đào sâu hơn nữa. Nếu bạn có một khoản dư 90 triệu bảng Anh (tức hai lần 45 triệu bảng; hai lần vì mỗi tờ vé số có giá 2 bảng), bạn có thể mua tất cả tổ hợp chập sáu của các số từ 1 đến 59 (mỗi vé trong Xổ số Anh quốc đều gồm sáu số được chọn từ 1 đến 59), và do đó đảm bảo sẽ trúng giải độc đắc. Điều này vượt ra ngoài quy luật số thực lớn và dấn bước vào định luật tất yếu. Định luật này nói rằng một biến cố trong không gian mẫu đơn giản là sẽ bắt buộc xảy ra: việc một trong số các biến cố sẽ xảy ra là không thể tránh khỏi bởi vì, theo định nghĩa, chúng ta không còn bất cứ khả năng nào khác.

Trở lại với quy luật số thực lớn, rõ ràng nó không chỉ được áp dụng vào việc trúng xổ số, và trên thực tế, những con số không nhất thiết phải thực sự lớn.

Di Coke sống ở Brighton, Vương quốc Anh, và đã giành được giải thưởng trị giá hơn 300.000 bảng từ các cuộc thi. Chúng bao gồm các chuyến du lịch nước ngoài, một chuyến đi đến Brazil Grand Prix, một chuyến đi đến New Zealand, một chiếc xe hơi, năm chiếc iPod, hai chiếc máy tính, một tấm vé đến lễ trao giải của Viện Hàn lâm Điện ảnh và Truyền hình Anh, và tiền mặt. Nhìn chung, cô ấy thắng trung bình hơn 15.000 bảng mỗi năm.

Thật là một người phụ nữ may mắn, bạn có thể nghĩ như vậy. Nhưng sự thật là Di không hề dựa vào cơ hội một cách mù quáng; cô ấy sử dụng quy luật số thực lớn để tăng cơ hội gặp may. Cô ấy làm điều này bằng cách tham gia hơn 400 cuộc thi mỗi tuần. Có thể cơ hội để cô ấy chiến thắng một cuộc thi bất kỳ là vô cùng nhỏ, nhưng với vô số cuộc thi trong suốt một năm, cơ hội để cô không chiến thắng bất kì giải thưởng nào gần như bằng không. Cô ấy có thể đảm bảo được việc chiến thắng một vài cuộc thi nào đó. Cô ấy tự tạo ra vận may cho riêng mình.

Có bao giờ bạn đọc báo và ganh tị với một doanh nhân vừa bán công ty khởi nghiệp của mình với giá hàng triệu đô la chưa? Nếu có, hãy tự hỏi bản thân, đó có phải là lượt thử đầu tiên của họ? Phải chăng thực tế là họ đã tiếp tục, vượt qua hết thất bại này đến thất bại khác, cho đến khi vớ được món hời béo bở?

Hên xui gì thì vẫn là biến cố cơ hội đó xảy ra thôi.

Thế còn những đơn xin việc? Việc bổ nhiệm ứng viên luôn liên quan đến yếu tố may rủi. Những ứng viên nào khác đã nộp đơn? Chính xác là hội đồng cố vấn tìm kiếm điều gì? Liệu hội đồng có đồng thuận với nhau? Thật đen đủi khi không trúng tuyển công việc này, nhưng nếu tiếp tục nộp đơn, kiểu gì bạn cũng sẽ tăng cơ hội được nhận vào làm một công việc nào đó.

Chìa khóa cho tất cả những điều này là tạo thời cơ để dẫn đến kết quả có lợi cho bạn: tức là tự tạo cho mình cơ hội gặp may. Nếu bạn không nộp đơn xin việc bởi vì bạn tin rằng mình quá xui xẻo thì chắc chắn bạn sẽ không được nhận. Bằng cách tăng cơ hội xảy ra các kết quả thuận lợi, bạn có thể tự tạo may mắn cho bản thân.

Nhưng khi Pasteur nhận xét về một tâm trí luôn sẵn sàng, ông không có ý cổ xúy cho việc tiếp tục cố gắng cho đến khi bạn thành công. Ông nhắm đến một ý nghĩa sâu xa hơn: rằng ông đã sẵn sàng thấy một thời cơ khi nó đến, và nhận ra các liên kết và mối quan hệ mà những người khác không thấy được. Khái niệm này cũng được áp dụng trong quá trình tìm việc và cả khoa học. Hãy chuẩn bị hồ sơ xin việc bằng cách nghiên cứu kỹ những gì nhà tuyển dụng đang tìm kiếm và bạn sẽ có nhiều khả năng may mắn hơn.

Ở mức độ cao hơn, những người tự đánh giá bản thân là người may mắn thường có xu hướng quảng giao. Và chắc chắn là có một mối quan hệ nhân quả ở đây, mặc dù nó diễn ra theo cả hai chiều. Một người hướng ngoại và tích cực sẽ cởi mở hơn với những ý tưởng mới, con người mới, trải nghiệm mới, và vì vậy cho bản thân nhiều cơ hội gặt hái những điều tích cực hơn. Họ có nhiều khả năng gặp nhiều may mắn hơn. Nhưng ngược lại, những kinh nghiệm tích cực – từ việc biết rằng những điều tốt đẹp thường xảy ra – cũng khiến người ta sẵn lòng thử nghiệm những điều mới hơn. Điều này dẫn đến một vòng lặp tự củng cố.


Chúng ta đã thấy rằng may mắn khác với cơ hội: nó là cơ hội được nhìn qua lăng kính của tâm trí. Thái độ của mọi người với các vụ tai nạn là một minh chứng rõ ràng. Ví dụ, cùng một sự việc xảy ra, với người này là gặp may nhưng với một người quan sát khách quan thì có thể là xui xẻo khủng khiếp. Một người gặp tai nạn giao thông, nhưng chỉ có xe ô tô bị lật ba vòng và hư hỏng nặng chứ bản thân chẳng hề hấn gì, có thể thở phào với suy nghĩ mình thật may mắn. Những người khác có thể nghĩ rằng chỉ riêng việc gặp tai nạn thôi đã là xui xẻo. Nếu một tảng đá lăn xuống từ vách đá ngay lúc bạn đang đi ngang qua và suýt chút nữa rơi trúng người bạn, bạn cũng có thể nói rằng mình đã may mắn như thế nào khi không bị tảng đá rơi trúng, thay vì nói rằng mình đen đủi ra sao khi ở đó vào đúng thời điểm tảng đá trượt xuống. Nhưng cho dù bạn nghĩ mình hên hay xui, biến cố cơ hội đó vẫn là như nhau.

Thực tế rằng may mắn là một kiến tạo con người trở nên sáng rõ hơn khi chúng ta trải qua một chuỗi liên tiếp các biến cố cơ hội. Ví dụ, cược gộp tức là đặt cược vào một chuỗi các biến cố và chỉ thắng khi tất cả các biến cố trong chuỗi xảy ra.

Vào tháng 8 năm 2015, một người hâm mộ Manchester United từ Lichfield, Anh đã cược 30 xu vào một chuỗi các kết quả dự đoán của 15 trận bóng đá, để rồi thắng số tiền lên đến nửa triệu bảng. Nhưng mặc dù kết quả này có cơ hội xảy ra gần như tương đương với việc đoán trúng kết quả 14 trận đầu tiên và trật kết quả trận cuối, anh ta hẳn sẽ bị coi là vô cùng xui xẻo nếu cược sai ở trận cuối cùng đó. Và vào năm 2008, khi một người Yorkshire tên Fred Craggs cược gộp 50 xu vào tám con ngựa, và cả tám con đều chiến thắng cuộc đua dễ dàng, mang lại cho ông khoản tiền thưởng trị giá 1 triệu bảng, chúng ta hẳn đã nghĩ rằng ông ta thật đen đủi nếu cược đúng tất cả trừ một con cuối.

Không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra theo đúng kế hoạch. Thậm chí là hiếm khi. Joe McGuire đặt cược gộp vào một chuỗi sáu cuộc đua ngựa và tưởng chừng đã nắm chắc giải thưởng trị giá 10 triệu bảng trong tay khi cả năm con ngựa anh đặt cược trong năm cuộc đua đầu tiên đều cán đích theo đúng dự đoán, nhưng kết cuộc lại thua sạch chỉ vì Escape to Glory và Justonefortheroad, hai con ngựa anh đã đặt cược trong cuộc đua cuối cùng, về đích thứ hai và thứ sáu. Bạn thử đoán xem? Một báo cáo đã mô tả anh là “tay chơi cá cược người Anh đen đủi nhất.”

Dù đang ở thời điểm nào trong cuộc sống, chúng ta cũng có thể nhìn lại và xác định một chuỗi những sự kiện đã dẫn ta đến điểm hiện tại.

Giả sử chúng ta khá thạo trò dự đoán ứng viên chiến thắng trong các cuộc đua ngựa và có thể chọn ra quán quân của bất kỳ cuộc đua nào với xác suất ½. Điều này nghĩa là chúng ta có thể kỳ vọng mình sẽ đoán đúng một nửa. Bây giờ, giả sử chúng ta đặt một kèo cược gộp năm. Khi đó, cơ hội thắng kèo đầu tiên là ½, cơ hội thắng cả hai kèo đầu tiên là ½ x ½ = ¼, cơ hội thắng ba là ½ x ½ x ½ = ⅛, và cứ thế nhân lên để có cơ hội thắng cả năm kèo là 1/32.

Ý tưởng này đã được sử dụng trong các phi vụ cá cược chứng khoán phi đạo đức. Chúng ta bắt đầu bằng cách tuyên bố có thể dự đoán chính xác diễn biến thị trường chứng khoán; cụ thể, chúng ta đặt mục tiêu dự đoán liệu giá cổ phiếu sẽ tăng hay giảm trong tuần tới. Ta xác định 1.024 người, trong đó với 512 người ta gửi email nói rằng giá cổ phiếu sẽ tăng vào tuần tới và với 512 người còn lại ta gửi email nói rằng giá sẽ giảm. Một trong hai nhóm này sẽ nhận được kết quả chính xác, và ta tạm bỏ qua nhóm còn lại. Tuần tới, với 256 trong số 512 người đã nhận được dự báo đúng, ta sẽ gửi đi một email nói rằng giá cổ phiếu sẽ lại tăng và một email khác nói rằng giá sẽ giảm xuống cho 256 người còn lại. Một lần nữa, trong hai nhóm này chắc chắn sẽ có một nhóm được dự báo chính xác. Và ta cứ tiếp tục theo cách này, luôn luôn bỏ qua nhóm nhận được dự báo sai và tập trung vào nhóm còn lại. Sau 10 tuần, chỉ còn một người đã thấy chúng ta đưa ra 10 dự đoán chính xác liên tiếp về các biến động của thị trường chứng khoán – và không hề biết về 1.023 người còn lại. Việc cần làm sau đó là gửi cho người này một email với nội dung đại loại như “bạn có thể thấy rằng thuật toán của chúng tôi hoạt động rất hiệu quả. Nếu bạn muốn nhận được dự báo của chúng tôi cho tuần tới, bạn sẽ phải trả 10.000 đô la.”

Trò lừa đảo này đã sử dụng quy luật tất yếu: Chỉ có tổng cộng 1.024 mẫu lên/xuống trong 10 bước, vì vậy một trong số chúng phải xuất hiện. Và nó cũng sử dụng một quy luật khác, quy luật lựa chọn – quy luật này nói rằng bạn có thể làm cho xác suất lớn tùy thích nếu bạn đưa ra lựa chọn sau khi biến cố đã xảy ra. Trong trường hợp này, từng bước một, bạn trông như có vẻ đã chọn một mẫu duy nhất gồm 10 dự đoán chính xác – và bạn luôn có thể làm điều này.

Một phiên bản ít cực đoan hơn tình cờ lại xuất phát từ lĩnh vực cố vấn đầu tư hợp pháp. Tưởng tượng ta có một nhóm lớn các cố vấn, và giả sử không ai trong số những người này thực sự giỏi – dự đoán của họ không tốt hơn cơ hội là bao. Ta hãy thử xem vận may của họ sau 10 tuần biến động của thị trường trông như thế nào. Cứ cho là mỗi tuần sẽ có một số người (khoảng một nửa nhóm này) dự đoán đúng, hoàn toàn dựa vào cơ hội – chúng ta có thể nói rằng họ gặp may trong tuần đó. Tất nhiên, cơ hội để một người bất kỳ trong số họ dự đoán chính xác cả 10 tuần chỉ là 1/1024, bởi vì ta có cả thảy 1.024 mẫu. Nhưng nếu có đủ người như vậy thì ta sẽ mong đợi một vài người trong số họ đoán đúng cả 10 lần, dù chỉ là tình cờ. Hoặc do may mắn, vì họ không có kỹ năng nào. Nhưng những người may mắn đó, những người có nhiều dự đoán đúng chỉ đơn giản vì sẽ có một vài người đoán đúng, lại là những người được tiếp cận bởi vô số nhà đầu tư. Để rồi các nhà đầu tư phải thất vọng khi phát hiện hóa ra dự đoán của những người này không tốt hơn cơ hội ngẫu nhiên là bao, vẫn tỉ lệ nửa đúng nửa sai.

Di Coke, người đã chiến thắng nhiều cuộc thi, cũng sử dụng một biến thể của quy luật lựa chọn, mặc dù theo một cách ít cực đoan hơn. Nghe có vẻ khác thường, nhưng cô khuyên rằng nên tập trung vào các cuộc thi tốn thời gian và công sức. Cô lập luận rằng có ít người tham gia các cuộc thi này hơn, vì vậy cơ hội chiến thắng sẽ lớn hơn. Điều này rõ ràng hợp lý. Ở mức tuyệt đối, nếu chỉ có một người đưa ra câu trả lời đúng, đương nhiên người đó sẽ chiến thắng. Vì lý do tương tự, cô cho rằng chúng ta không nên tham gia các cuộc thi được quyết định bởi yếu tố ngẫu nhiên (như xổ số). Những cuộc thi như vậy rất dễ để ghi danh, vì vậy sẽ có một số lượng lớn người tham gia, và nếu chỉ có duy nhất một người chiến thắng – với giải thưởng chẳng hạn là kỳ nghỉ ở một nơi xa xôi  – thì bạn sẽ ít có khả năng là người đó hơn.

Dù đang ở thời điểm nào trong cuộc sống, chúng ta cũng có thể nhìn lại và xác định một chuỗi những sự kiện đã dẫn ta đến điểm hiện tại. Nếu tôi không lớn lên ở ngôi làng đó vào thời điểm đó, tôi đã không gặp người giáo viên đã dạy tôi chơi loại nhạc cụ đó, bởi vậy tôi sẽ không bao giờ chơi trong ban nhạc đó, và không gặp được người phụ nữ có chung sở thích về đồ cổ đã giới thiệu tôi với tay buôn cổ vật – người đã cho tôi một công việc. “Thật là may mắn vô cùng,” chúng ta có thể nghĩ, “đó là những điều đã xảy ra dẫn đến kết quả là tôi ở hiện tại.”

Nhưng suy nghĩ này có thể khiến bạn hiểu sai vấn đề. Bất cứ kết quả nào ở hiện tại đều phải đến sau một chuỗi các cơ hội ngẫu nhiên đã diễn ra để rồi dẫn chúng ta đến hiện tại. Vì vậy, chúng ta luôn có thể tìm thấy một chuỗi như vậy.

Điểm mấu chốt là mọi thứ đều có khả năng xảy ra. Cơ hội, sự khó lường thiết yếu của thế giới tự nhiên, luôn luôn diễn ra và ngẫu nhiên làm xáo trộn mọi thứ theo cách này hay cách khác. Còn chúng ta nhìn vào kết quả, liên hệ chúng với cuộc sống của bản thân, và diễn giải chúng theo nhiều cách khác nhau. Chúng ta tự hỏi, “Mình không may mắn sao?” hoặc “Mình không xui xẻo sao?” tùy từng trường hợp. Vận may chính là nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa trong một vũ trụ vô nghĩa của chúng ta.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất