Vào ngày 27 tháng Ba năm 2015, một phi hành gia người Mỹ tên Scott Kelly đã phóng lên từ mặt đất, và sáu tiếng sau, hạ cánh xuống Trạm Không gian Quốc tế (International Space Station); anh vẫn ở đó cho tới bây giờ. Mỗi ngày, I.S.S quay quanh Trái đất 15,5 vòng theo một quỹ đạo nhất định, có nghĩa là trong một tháng Kelly sẽ hoàn thành hơn bốn trăm năm mươi vòng quay. Và tính tới thời điểm này (vào tháng 6 năm 2015, tại thời điểm bài viết này được xuất bản) thì anh đã đi được gần một ngàn vòng.
Kelly, năm mươi mốt tuổi, có vóc người thấp và đậm (anh cao 5ft7, khoảng 1m7), với gương mặt tròn và nụ cười mỏng. Nếu mọi việc tiến triển tốt đẹp, anh sẽ không quay trở lại Trái đất cho đến tháng Ba năm 2016. Và tính đến thời điểm đó, anh sẽ lập một kỷ lục mới khó có thể vượt qua trong giới phi hành gia người Mỹ.
Vũ trụ có những điều kiện rất khắc nghiệt với cơ thể con người, kể cả nếu chúng ta chỉ bay ngang qua chớp nhoáng. Những thay đổi về áp suất trong hộp sọ có thể gây ra những vấn đề về mắt. Môi trường không trọng lượng dẫn đến chóng mặt. Các chất dịch bị tụ lại tại những nơi không mong muốn trong cơ thể. Cơ bị teo và xương thì trở nên giòn, dễ vỡ hơn. Các cơ quan nội tạng của phi hành gia sẽ bị dịch lên trên và xương sống của họ kéo dài ra. Vậy nên vào thời điểm Kelly quay về, chiều cao của anh được dự đoán sẽ tăng lên đến 5ft9 (khoảng 1m75).
NASA gọi chuyến hành trình của Kelly là Nhiệm vụ Một Năm (One-Year Mission). Trong lúc anh bay vòng quanh Trái đất, các nhà khoa học trên mặt đất theo dõi sự suy giảm về thể chất và tinh thần của anh, kiểm soát chế độ ngủ, nhịp tim, phản xạ miễn dịch, kỹ năng vận động cơ thể, quá trình trao đổi chất, và hệ vi khuẩn ruột của anh, bên cạnh nhiều thứ khác. Kelly có một người em sinh đôi giống anh như đúc, tên là Mark, cũng từng là một phi hành gia. (Mark Kelly có lẽ được biết tới nhiều nhất với tư cách là chồng của Gabrielle Giffords, cựu Nghị sĩ bang Arizona.) Trong vòng một năm, Mark sẽ tham gia rất nhiều bài kiểm tra nhận thức và sinh lý giống như Scott, mà không hề rời khỏi Trái đất. Việc này sẽ giúp phân tích những tác động mà việc du hành vũ trụ gây ảnh hưởng lên con người ở cấp độ phân tử.
Nhiệm vụ Một Năm của Kelly giống như một kiểu diễn tập cho một hành trình dài, liên tục, và thậm chí là bong da tróc vẩy hơn. Nói theo kiểu Buzz Lightyear của NASA thì đây là một “nấc thang” để vươn tới “Sao Hỏa và xa hơn nữa.” Ở điểm gần nhất với Trái đất, Sao Hỏa cách hành tinh của chúng ta ba mươi lăm triệu dặm, và, trong viễn cảnh hợp lý nhất, sẽ mất chín tháng để bay đến đó. Do chuyển động tương đối của các hành tinh, bất kỳ phi hành gia nào đi được đến Sao Hỏa cũng sẽ phải ngồi chờ ba tháng1 trên hành tinh đỏ này trước khi quay trở về nhà. Những điều NASA sẽ tìm ra về Kelly – ít nhất là trên lý thuyết – sẽ giúp dự đoán và vượt qua những thách thức của việc du hành giữa các hành tinh.
Nhưng dù NASA vẫn đang diễn tập cuộc du hành “Sao Hỏa và xa hơn nữa” của mình, quãng đường bay của cơ quan này đang giảm dần. Lần cuối cùng người Mỹ đặt chân lên Mặt trăng là vào năm 1972. Trên thực tế, từ thời Nixon đến nay, không một người Mỹ nào từng vượt qua quỹ đạo thấp của trái đất, còn gọi là LEO (Low Earth Orbit). (Trạm Không gian Quốc tế, đi vòng quanh địa cầu theo quỹ đạo LEO, giữ một độ cao trung bình hai trăm hai mươi dặm so với mực nước biển.) Và giờ đây với NASA, ngay cả con số này cũng là một bài toán khó.
Từ khi chương trình Space Shuttle2ngừng hoạt động vào năm 2011, cơ quan này thiếu phương tiện đưa các phi hành gia lên được đến LEO. Và bởi vậy nên, trước khi Kelly có thể bắt đầu Nhiệm vụ Một Năm của mình, anh phải bay đến Baikonur, vùng thảo nguyên ở miền trung Kazakhstan. Anh nghỉ ở đó một vài đêm tại Khách sạn Cosmonaut trước khi đi nhờ cùng hai người Nga trên tên lửa Soyuz.
Nhưng dù NASA vẫn đang diễn tập cuộc du hành “Sao Hỏa và xa hơn nữa” của mình, quãng đường bay của cơ quan này đang giảm dần.
Một chuyến hành trình dài ba mươi lăm triệu dặm tất nhiên phải bắt đầu từ đâu đó. Vậy nhưng, một người biết suy nghĩ có lẽ sẽ hỏi: Vậy rốt cuộc chúng ta đang nhắm đến đâu? Có phải là Sao Hỏa không? Hay chỉ là Kazakhstan?
§
Vài cuốn sách gần đây đã nghiên cứu những câu hỏi này, một vài cuốn phân tích thẳng thắn, những cuốn khác thì nói bóng gió hơn. Chris Impey, một nhà thiên văn học tại Đại học Arizona, nghiên cứu về cấu trúc và quá trình tiến hóa của vũ trụ. Trong cuốn sách “Beyond: Our Future in Space” (Tạm dịch: Xa hơn nữa: Tương lai của chúng ta trong vũ trụ) xuất bản bởi Norton, ông dự đoán trước về một tương lai tươi sáng “không phải trên Trái đất.” Trong vòng hai mươi năm nữa, ông đoán rằng sẽ có một ngành du lịch vũ trụ phát triển sôi động, đầy đủ cả những nhà nghỉ cho phép người ta làm tình trong trạng thái không trọng lượng (zero-gravity sex motels). Trong ba mươi năm, ông hi vọng rằng sẽ có những “nhóm định cư tuy nhỏ nhưng có thể sinh tồn thành công” trên Mặt trăng và Sao Hỏa. Và trong vòng một thế kỷ những nhóm này sẽ sản sinh ra một thế hệ toàn những em bé được thụ thai trong vũ trụ. Vào năm 2115, ông viết, sẽ có một thế hệ người trẻ tuổi “không được sinh ra trên Trái đất và chưa bao giờ về nhà.”
Impey có công nhận những khó khăn hiện tại của NASA. Một chi tiết nổi tiếng trong cuốn “Beyond” của ông là một đồ thị cho thấy ngân sách của tổ chức này đã thay đổi theo thời gian như thế nào. Từ cuối thập niên năm mươi và sáu mươi cho đến khoảng một hoặc hai năm trước khi người Mỹ lần đầu đặt chân lên Mặt trăng, tức năm 1969, ngân sách NASA tăng vọt, chiếm gần năm phần trăm chi tiêu của chính phủ liên bang. Rồi, như một mảnh tàu vũ trụ tan tác lao xuống Trái đất, nó tụt dốc không phanh. Ngày nay, khoản chi dành cho NASA chiếm chưa đến 0,5 phần trăm chi tiêu nhà nước.
“Không có tiền thì cũng không có Buck Rogers3,” Impey nhận xét. Và ông khá thẳng thắn về những thất bại của chương trình Space Shuttle, với hai thảm họa là sự mất mát hai con tàu Challenger và Columbia, cùng với đó là mạng sống của mười bốn phi hành gia. Thậm chí cả khi những cỗ máy của nó không nổ tanh bành, Impey nói rằng phi thuyền này không bao giờ hoạt động như đã được quảng cáo: “tần suất phóng tàu thấp hơn mười lần so với dự tính, và chi phí cho mỗi lần phóng thì cao hơn gấp hai mươi lần.”
Nhưng NASA không còn là kẻ duy nhất tham gia cuộc chơi này. Số lượng đang tăng lên của những công ty tư nhân tham gia vào ngành kinh doanh vũ trụ khiến Impey vô cùng phấn khích. Ông trích dẫn một kế hoạch “táo tợn” của một thương nhân người Hà Lan tên là Bas Lansdorp, người đang quảng cáo về những chuyến đi một chiều đến Sao Hỏa trên Internet. Ông nói rằng, Lansdorp “lên kế hoạch tài trợ cho chuyến hành trình của mình bằng cách biến nó thành một show truyền hình thực tế – hãy thử tưởng tượng show Survivor4 kết hợp với The Truman Show5 và The Martian Chronicles6.” Những chuyến mạo hiểm thương mại khác bao gồm Blue Origin của Jeff Bezos, Virgin Galactic của Richard Branson, và Space Adventures của Eric Anderson. Space Adventures đã đang tạo ra riêng một phân khúc cho mình bằng cách sắp xếp những chuyến thăm I.S.S. dành cho những kẻ nghiệp dư giàu sụ. (Gần đây nhất, công ty này đã “sắp xếp” một chuyến cho nữ ca sĩ soprano người Anh Sarah Brightman, với chi phí là năm mươi hai triệu đô-la; Brightman dù vậy đã hoãn chuyến đi của mình, và có vẻ như là thương gia người Nhật, Satoshi Takamatsu, sẽ đi thay bà.) “Sau bao nhiêu năm chẳng được ai ngó ngàng tới, vũ trụ giờ đang sôi động trở lại,” Impey viết.
Stephen L. Petranek, tác giả cuốn sách sắp ra mắt “How We’ll Live on Mars” (Tạm dịch: Chúng ta sẽ sống trên Sao Hỏa như thế nào), xuất bản bởi Simon & Schuster/TED, thậm chí còn lạc quan hơn nữa. Theo tính toán của ông, con người sẽ lên được Sao Hỏa chỉ trong khoảng hơn một thập kỷ nữa. Petranek là một nhà báo giữ cương vị tổng biên tập của tạp chí This Old House trước khi chuyển sang làm cho tờ Discover, một sự nghiệp có lẽ giúp giải thích vì sao cuốn sách của ông tập trung vào các vấn đề như là cung cấp các công cụ phù hợp cho những dự án xây dựng trên Sao Hỏa. “Một người khoan giếng lấy nước không thể làm được một nửa mới phát hiện ra là mình đã quên không tính đến một vấn đề cụ thể – ví dụ như một mỏ khoáng chất thì cần một mũi khoan đặc biệt,” ông giải thích.
Petranek hình dung ra một chương trình định cư bao gồm nhiều giai đoạn. Những người tiên phong lên Sao Hỏa, giống như những người dân vùng biên giới nước Mỹ (frontiersmen), sẽ phải vật lộn để sống sót. Chỉ để lấy nước uống thôi, họ cũng sẽ phải cày xới đất đai – còn được gọi là lớp đất mặt (regolith) – đun tan chảy băng, và chắt lọc những gì họ thu được để lấy nước. Để thở, họ sẽ phải phân tách nước ra thành khí hydro và oxi, rồi trộn oxi với một loại khí trơ – có thể là argon – thứ họ sẽ phải tìm được từ một chỗ nào đó. Cuối cùng thì, Petranek tưởng tượng một sự chuyển dịch. Thay vì cố gắng để thích nghi với Sao Hỏa, con người sẽ chuyển đổi Sao Hỏa để phù hợp với cuộc sống của mình. Họ sẽ cải tạo lại không khí và làm ấm hành tinh. Khi lớp đất trên bề mặt tan băng, những dòng sông suối cổ đại sẽ lại chảy và cuộc sống sẽ đâm chồi bên những bờ sông đỏ nặng phù sa. Sẽ càng có nhiều người hơn muốn lên Sao Hỏa, và đến lúc đó sẽ có rất nhiều thành phố trên hành tinh này.
Sao Hỏa, ông viết, “sẽ trở thành một mặt tiền mới, một niềm hy vọng mới, và số mệnh mới của hàng triệu con người trên Trái đất sẵn sàng làm bất cứ điều gì để nắm lấy những cơ hội đang chờ đón trên Hành tinh Đỏ này.”
§
Một góc nhìn khác về tương lai con người trong vũ trụ là cuốn “Exploration and Engineering: The Jet Propulsion Laboratory and the Quest for Mars” (Tạm dịch: Khám phá và Kỹ thuật: Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực và hành trình chinh phục Sao Hỏa) xuất bản bởi Johns Hopkins, viết bởi Erik M. Conway. Conway là một nhà sử học về khoa học tại Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực, quản lý bởi Caltech, và văn phong của ông thì khô khốc thẳng đuột chẳng khác nào bề mặt Mặt trăng. Conway tập trung vào những kiểu vấn đề kỹ thuật mà Impey và Petranek bỏ qua. (Phần lớn cuốn “Exploration and Engineering” được dành để mô tả những loại van và phần mềm định vị.)
Tất nhiên là NASA đã hoàn thành vài chuyến đi một chiều đến Sao Hỏa. Cũng như từng phá hỏng vài vụ. Nhưng bởi vì chưa từng có con người trên những hành trình đó, những thành công và thất bại dần phai nhạt trong tâm trí công chúng. Conway muốn tìm hiểu xem chúng ta đã phạm phải những sai lầm gì và bài học nào có thể được rút ra. Những kết quả của phân tích này cho thấy rằng mọi người có lẽ sẽ không muốn đăng ký tham gia chuyến đi đầu tiên có con người.
Thử cân nhắc trường hợp Tàu vũ trụ Mars Climate. Đây là một con tàu trông giống như một giàn TV quá cỡ. Phi thuyền này có chức năng thu thập các dữ liệu về khí quyển của Sao Hỏa và đóng vai trò như một đường dây liên lạc giữa các tàu vũ trụ thăm dò khác. Con tàu trị giá một trăm hai mươi lăm triệu đô-la này được phóng lên từ Cape Canaveral vào ngày 11 tháng Mười Hai, năm 1998. Nó du hành suốt chín tháng rưỡi tiếp theo, cho đến ngày 23 tháng Chín năm 1999, thời điểm cho việc “phóng vào quỹ đạo” (orbit insertion), theo cách nói trong giới du hành vũ trụ. Tất cả mọi thứ có vẻ đều theo đúng kế hoạch cho đến khi con tàu trượt ra đằng sau Sao Hỏa và mất liên lạc. Nó đáng lẽ phải xuất hiện an toàn trở lại trong vòng hai mươi phút, nhưng mọi chuyện đã không xảy ra như vậy. Thay vào đó, con tàu bị thiêu rụi trong khí quyển Sao Hỏa. Những cuộc điều tra tiếp theo đã lần ra sự liên quan giữa vụ nổ và Lockheed Martin, một nhà thầu cho các dự án của NASA. Một kỹ sư phần mềm ở công ty này đã quên đổi các đơn vị đo lường của Anh sang hệ mét. Kết quả là, những tính toán về lực của động cơ đẩy trong quỹ đạo bị lệch gấp 4,5 lần. Đã có rất nhiều cơ hội để phát hiện ra sai lầm này, nhưng theo Conway, tất cả đều bị bỏ qua, do một sự tổng hợp của những “sai lầm, chủ quan, và thiếu nhân lực.”
Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực, nơi Conway làm việc, giải quyết những nhiệm vụ Sao Hỏa cho NASA. Điều này có nghĩa là ông có cơ hội tiếp cận với những nhân viên liên quan đến Climate Orbiter, cũng như những thành viên của các dự án thành công vang dội, như Mars Explosion Rover Opportunity, hay MER-1, mà, vào tháng Một năm 2004, đã hạ cánh ở một địa điểm gần xích đạo của hành tinh mà có lẽ từng có nước. (Thời gian hoạt động của Opportunity đã kéo dài nhiều hơn bốn mươi lần so với kế hoạch, và nó vẫn đang tiếp tục gửi dữ liệu về Trái đất cho đến ngày hôm nay.) Conway đồng cảm với những vấn đề của cơ quan này, và, giống như Impey, phân tích rằng chúng ít nhất một phần là do ngân sách bị thu hẹp. Nhưng, nếu như Impey và Petranek hào hứng về chuyện đẩy con người ra ngoài vũ trụ, thì Conway mong rằng họ sẽ ở lại.
Theo Conway, có một sự “khập khiễng” giữa khao khát được du hành trong vũ trụ và khao khát hiểu nó. Sự “khập khiễng” này là một khó khăn lớn với NASA, hơn cả hàng thập kỷ bị cắt ngân sách. Đây là một nghịch lý trong chính cấu trúc của cơ quan này, bao gồm một bên là những chương trình thám hiểm của con người và bên kia là những chương trình khoa học. Việc lên kế hoạch cho những nhiệm vụ Sao Hỏa cho đến nay phần lớn là công việccủa các chương trình khoa học, nhưng thi thoảng cũng có chương trình thám hiểm của con người cố chen vào bằng được. Và mỗi lần như vậy, Conway viết, kết quả là “một mớ hổ lốn.”
Conway đứng về phía khoa học, và theo ông việc con người chen vào là một sai lầm. Họ thậm chí không nên cố gắng đi đến một hành tinh khác. Không chỉ mỏng manh, đòi hỏi, và tốn kém, họ còn là một mớ hỗn độn.
Sao Hỏa mà khoa học muốn nghiên cứu sẽ không còn tồn tại nữa, và một Sao Hỏa khác sẽ thế chỗ.
“Con người có những quần xã (biomes) của riêng mình, cả bên trong lẫn bên ngoài” ông viết. NASA khăng khăng rằng những người đặt chân lên Sao Hỏa sẽ được vô trùng hóa, nhưng “chúng ta không thể tự tiệt trùng chính bản thân mình.” Nếu con người có thể đến được hành tinh màu đỏ – một sự kiện mà Conway, giờ bốn chín tuổi, cho rằng “khó có thể xảy ra” trong lúc ông còn sống – họ sẽ ngay lập tức phá hoại nơi đó, chỉ bằng sự có mặt của mình: “Các nhà khoa học muốn một Sao Hỏa nguyên thủy, không bị nhiễm độc bởi Trái đất.” Nếu con người bắt đầu thay đổi không khí và cày xới mặt đất ở đó, thậm chí mọi thứ sẽ còn tệ hơn rất nhiều.
“Sao Hỏa mà khoa học muốn nghiên cứu sẽ không còn tồn tại nữa,” Conway viết. “Và một Sao Hỏa khác sẽ thế chỗ.”
§
Một vài tuần sau khi Scott Kelly đặt chân lên I.S.S., một công ty tên lửa tư nhân, tên là SpaceX, phóng lên con tàu chở hàng hóa cung cấp cho trạm. Số hàng vận chuyển bao gồm những thiết bị điện và đồ ăn cho phi đoàn, cùng hai mươi con chuột còn sống được chuẩn bị cho việc giải phẫu. Còn có cả một chiếc máy pha espresso mini dành cho một phi hành gia người Ý tên Samantha Cristoforetti. (Trang tin Daily Coffee News nhận xét về việc này như sau: “Hãy nghĩ rằng đó chỉ là một ngụm nước của một người, nhưng là một ngụm khổng lồ của cả nhân loại.”)
Tên lửa mang số hàng hóa này được lập trình để có thể sử dụng lại. Sau khi được phóng đi, nó đáng lẽ phải quay về Trái đất và hạ cánh nhẹ nhàng trên một con tàu đậu ở Đại Tây Dương. Tuy nhiên phần này của quá trình phóng đã không theo kế hoạch; thay vì hạ xuống một cách duyên dáng, nó bị lật ngược và nổ tung. Nhà sáng lập SpaceX, Elon Musk, trong một tweet đến hai triệu người theo dõi của mình, đã nói rằng tai nạn này là do một “phản ứng chậm hơn dự kiến của bộ van tiết lưu.”
Dù gặp phải nhiều rủi ro tai tiếng, SpaceX có lẽ đã làm nhiều hơn bất cứ công ty nào để chứng minh tính khả thi của du hành vũ trụ tư nhân. Điều này đã khiến Musk, với những dự án kinh doanh khác là Paypal và Tesla, trở thành đứa con cưng trong mắt những người ưa thích chủ đề Sao Hỏa. (“How We’ll Live on Mars” về cơ bản là một bản mở rộng những ghi chép lộn xộn của Musk.) Dù SpaceX vẫn chưa thể đưa một người nào lên LEO – theo hoạch định công ty này sẽ đưa những phi hành gia đầu tiên vào không trung vào năm 2017 – Musk đã nói rằng ông đang cật lực chuẩn bị một kế hoạch tên là “Mars Colonial Transporter” (Tạm dịch: Vận chuyển định cư lên Sao Hỏa). Gần đây, ông thông báo rằng mình hy vọng sẽ sớm có thể tiết lộ những chi tiết thiết kế của thiết bị vận chuyển này vào cuối năm nay (2015).
Đối với Musk, đi đến Sao Hỏa không chỉ là một thứ gì đó nghe có vẻ thật ngầu. “Liệu chúng ta có đang trên con đường trở thành một loài sinh vật đa hành tinh không?” ông đã đặt ra câu hỏi như vậy. “Nếu không thì tương lai không hề tươi sáng chút nào. Chúng ta đơn giản là sẽ ở lại trên Trái đất cho đến một ngày sự diệt vong cuối cùng cũng gọi tên chúng ta.”
Impey cũng khẳng định một quan điểm tương tự. “Loài người đã tiến hóa trong hàng triệu năm,” ông nhận xét. “Nhưng trong vòng 60 năm vừa rồi, vũ khí hạt nhân tạo ra mối nguy là chúng ta sẽ tự hủy diệt chính mình. Sớm hay muộn chúng ta cũng phải đi xa hơn hành tinh xanh này, hoặc là chúng ta sẽ tuyệt chủng.” Petranek cũng vậy. “Có những mối đe dọa thực sự đến sự tồn tại của loài người trên Trái đất, bao gồm cả thất bại của chúng ta trong việc cứu lấy mái nhà này khỏi vũ khí nguyên tử và sự hủy hoại sinh thái,” ông viết. “Những người đầu tiên có thể đến được Sao Hỏa là hy vọng lớn nhất của chúng ta cho sự sống còn của loài người.”
Tại sao những người tin rằng chúng ta có thể không cần sống trên Trái đất lại thường nghĩ rằng chúng ta không thể sống trên hành tinh này? Theo một cách lòng vòng, mối liên hệ giữa hai ý tưởng này có thể liên quan đến Enrico Fermi. Vào năm 1950, Fermi, một trong những nhà sáng chế ra bom hạt nhân, quay sang Edward Teller, cha đẻ của bom nhiệt hạch, và hỏi rằng, “Mọi người đâu hết rồi?” Cuộc thảo luận sau đó quanh câu hỏi này đã sinh ra một thứ gọi là nghịch lý Fermi (Fermi paradox), như sau:
Trái đất là một hành tinh hiếm có quay quanh một ngôi sao hiếm có. Dựa trên tuổi của vũ trụ và tốc độ phát triển công nghệ của chúng ta, bạn sẽ có thể dự đoán rằng có một dạng sinh vật thông minh nào đó thuộc một phần khác của vũ trụ đã xuất hiện trên Trái đất. Nhưng không có một sinh vật nào như vậy, hay thậm chí chỉ là tín hiệu của chúng, từng được phát hiện. Vậy, chúng đang ở đâu?
Một thập kỷ sau, một nhà thiên văn học tốt nghiệp Harvard tên là Frank Drake, trong khi cân nhắc một câu hỏi liên quan, đã tìm ra cách diễn giải vấn đề này bằng con số. Một biến số quan trọng trong phương trình Drake (Drake’s equation) là, liệu một nền văn minh mà có thể xây tên lửa và máy pha espresso mini thì có thể tồn tại được bao lâu. Nếu có rất nhiều hành tinh phù hợp với sự sống, và nếu sự sống cuối cùng sẽ sản sinh ra trí tuệ, và nếu những sinh vật có trí tuệ trên một hành tinh có thể liên lạc với những sinh vật có trí tuệ ở những hành tinh khác, thì việc chúng ta vẫn chưa phát hiện được gì gợi ý rằng một nền văn minh như vậy sẽ không thể tồn tại mãi mãi.
“Nếu bạn nhìn vào trình độ công nghệ hiện tại của chúng ta, một điều gì đó kỳ lạ phải xảy ra với nền văn minh nhân loại, và tôi có ý là lạ theo nghĩa xấu,” Musk gần đây nói với tạp chí Aeon như vậy. “Và có thể là đã có rất nhiều những nền văn minh một hành tinh, và chúng đã chết rồi.” Tất nhiên, một vũ trụ mà chứa “nhiều nền văn minh một hành tinh đã chết” thì cũng có thể chứa nhiều nền văn minh hai hành tinh đã chết.
§
Vào năm 1965, khi NASA đang chuẩn bị đưa con người lên Mặt trăng, tổ chức này đã tài trợ một nghiên cứu trên người bạn thân nhất của loài người. NASA tò mò muốn biết điều gì sẽ xảy ra với loài chó khi chúng bị ném vào không gian vũ trụ. Các con vật thí nghiệm được chia thành các nhóm ba con và nhốt trong một căn phòng, rồi người ta hút không khí ra ngoài.
Chó có khả năng thích nghi với áp suất ở mực nước biển. Điều này có nghĩa là những khí hòa tan trong cơ thể chúng cân bằng với áp lực bên ngoài. Đặt loài vật này vào môi trường chân không thì sự cân bằng này sẽ bị phá vỡ. Những chiếc máy ảnh đặt trong căn phòng quay lạinhững con chó bị căng phồng lên như bóng bay, hay như một bài viết tóm tắt kết quả thì chúng giống như “một cái túi da dê bị thổi phồng.” (Hay ho là, nhãn cầu của chó “lại có vẻ như không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này,” dù rằng các mô mềm xung quanh “bị sưng phồng khủng khiếp, và phần lưỡi cũng vậy.”)
Chênh lệch áp suất này cũng dẫn đến những tác động chẳng mấy vui vẻ lên hệ tiêu hóa. Khí thoát ra từ ruột của chúng; điều này thường – và cũng đồng thời – dẫn đến đại tiện, tiểu tiện, và nôn mửa. Chúng giống như bị động kinh co giật, và lưỡi thì đông cứng lại. (Hiện tượng cuối cùng này là kết quả của việc mất nhiệt do bay hơi quá nhanh.) Tổng cộng, có một trăm hai mươi sáu chú chó đã trải qua thí nghiệm trong các khoảng thời gian khác nhau. Khi được đặt trong môi trường không trọng lượng trong hai phút, một phần ba đã chết. Số còn lại xẹp dần và cuối cùng thì cũng phục hồi. Còn với số ở trong môi trường này ba phút, con số tử vong lên đến hai phần ba.
Tôi biết đến bài viết “Experimental Animal Decompressions to a Near-Vacuum Environment” (Tạm dịch: Thử nghiệm giảm áp suất trên động vật đến môi trường cận chân không) trong khi đang đọc về Nhiệm vụ Một Năm. Có lẽ là do chủ nghĩa coi địa cầu là trung tâm (geocentric) của tôi, nhưng tôi đã sốc khi đọc về nhiệm vụ này. Mặc cho tất cả quá trình luyện tập và lòng dũng cảm của Kelly, cuối cùng anh cơ bản cũng chỉ là một con vật thí nghiệm khác. Giống như những chú chó, anh bị nhốt trong một căn phòng kín để người ta kiểm nghiệm xem cơ thể anh có thể chịu đựng đến mức độ nào. Và kết quả của cả hai lần thí nghiệm, ít nhất là những nội dung cơ bản nhất, đều hoàn toàn có thể đoán trước được.
Nhưng vấn đề với việc coi Sao Hỏa là một hành tinh dự bị (bên cạnh sự thiếu ô-xi và áp suất không khí và đồ ăn và nước ở dạng lỏng) là nó đánh lạc hướng chúng ta khỏi vấn đề thực sự.
Tất cả những sinh vật chúng ta từng gặp trong vũ trụ cho tới giờ – từ chó và người và chuột đến rùa và nhện và cá ngựa – đều tiến hóa để phù hợp với một môi trường cụ thể là Trái đất. Ý tưởng rằng chúng ta có thể mang những hình hài này, đẹp đẽ và tuyệt vời nhất, và ném chúng vào không gian, và việc điều này, mà theo cách nói của Petranek thì, đại diện cho “hy vọng lớn nhất của chúng ta,” hoặc là một tưởng tượng quá xa vời, hoặc là một nỗi sầu thảm cay đắng.
Như Impey chỉ ra, trong sáu thập kỷ liền chúng ta đã sở hữu khả năng tự làm mình nổ tan xác. Một ngày nào đó, dễ là ta tự kết liễu bản thân lắm chứ; rõ ràng là chúng ta vốn đã và đang giết rất nhiều sinh vật khác nhau. Nhưng vấn đề với việc coi Sao Hỏa là một hành tinh dự bị (bên cạnh sự thiếu ô-xi và áp suất không khí và đồ ăn và nước ở dạng lỏng) là nó đánh lạc hướng chúng ta khỏi vấn đề thực sự. Dù chúng ta có đi đâu, chúng ta cũng sẽ mang bản thân mình đi cùng. Hoặc là chúng ta giải quyết được những thách thức đặt ra bởi chính sự thông minh của mình, hoặc là không. Có lẽ lý do chúng ta vẫn chưa gặp một người ngoài hành tinh nào là những ai còn sống sót thì không đi lòng vòng khắp vũ trụ. Có lẽ họ sống yên lặng ở nhà, chăm sóc mảnh đất của họ.
Theo ý hiểu của người dịch, do tốc độ quay quanh Mặt trời của Sao Hỏa và Trái đất khác nhau, nên các phi hành gia khi lên được đến Sao Hỏa phải đợi đến khi Trái đất và Sao Hỏa ở cùng một bên của Mặt trời mới quay trở về Trái đất được. Vì việc quay trở về Trái đất khi hai hành tinh đang ở hai bên của Mặt trời là không thể.↩
Space Shuttle Program là một chương trình phóng tàu vũ trụ có người lái của NASA, hoạt động từ năm 1981 đến năm 2011. Các con tàu trong hệ thống tàu con thoi thuộc chương trình này được phóng cùng hai động cơ đẩy có thể tái sử dụng, cùng một bình nhiên liệu có thể tách rời, có thể chở đến 8 phi hành gia trong mỗi lần phóng, và vận chuyển theo một lượng hàng hóa khoảng 23.000 kg lên quỹ đạo thấp (Low Earth Orbit) của Trái đất. Thông tin chi tiết về chương trình này có thể được xem thêm tại đây.↩
Buck Rogers là một nhân vật giả tưởng trong cuốn tiểu thuyết chủ đề vũ trụ có tên Armageddon 2419 A.D của Philip Francis Nowlan.↩
Survivor là một show truyền hình thực tế với nội dung là một nhóm người lạ mặt được đặt vào một địa điểm hoang vắng, biệt lập, và phải cạnh tranh tìm cách sinh tồn để thắng cuộc.↩
The Truman Show là một bộ phim điện ảnh của Mỹ, với nội dung chính xoay quanh một người đàn ông tên Truman Burbank, từ nhỏ đã lớn lên trong một phim trường và bị đưa vào làm nhân vật chính của một show truyền hình về chính cuộc đời của anh mà không hề hay biết.↩
The Martian Chronicles là một series truyền hình thực tế dựa trên truyện ngắn viễn tưởng cùng tên của Ray Bradbury, kể về việc thám hiểm Sao Hỏa của con người và những vấn đề họ gặp phải khi định cư trên Sao Hỏa.↩
Bài này hay ghê. Kết bài quá tuyệt.
Mình cũng chỉ muốn ở lại Trái Đất thôi. Thật buồn nếu hậu duệ loài người lại không biết đến màu xanh của trời, không biết đến gió biển, không biết những thảo nguyên,… Lên chơi trên cái hành tinh đỏ đó thì được, chứ ở hẳn trên đó thì có gì hay ho chứ :'(