a
§ Tác giả: Mawuna Koutonin | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Uong Uyen | Hiệu đính:  Aceae
12/01/2017
Vào thế kỷ 19, khách du lịch châu Âu đến thăm thành phố thời trung cổ bị bỏ rơi này đã không tin rằng người châu Phi bản địa đã có thể xây dựng được một mạng lưới rộng lớn các di tích như thế. Sự thiếu hiểu biết đó quả là tai hại cho những gì còn sót lại của Great Zimbabwe.

Vào đầu thế kỷ 16, tin đồn về một lâu đài bí ẩn với những bức tường khổng lồ, bị bỏ rơi trong rừng rậm châu Phi, đã lan rộng khắp châu Âu. Được bao quanh bởi các mỏ vàng và tọa lạc trên một ngọn đồi cao 900 mét, thành phố này được coi là đại diện cho đỉnh cao của một nền văn minh châu Phi độc đáo đã giao dịch với các nước châu Á xa xôi, bao gồm cả Trung Quốc và Ba Tư.

Một thuyền trưởng người Bồ Đào Nha, Vicente Pegado, là một trong những người nước ngoài đầu tiên đến di tích này, vào năm 1531. Ông viết: “Giữa các mỏ vàng của vùng đồng bằng trong đất liền nằm giữa sông Limpopo và Zambezi [là] một pháo đài được xây dựng bằng đá với kích thước vô cùng lớn, và có vẻ như giữa các hòn đá không có vữa để kết dính chúng… Lâu đài này gần như được bao quanh bởi những ngọn đồi, trên đó là những kiến trúc giống nó về mặt chế tác đá và không sử dụng vữa, và một trong số chúng là một tòa tháp cao hơn 12 sải (khoảng 22 mét).”

Great Zimbabwe đã được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ thứ 11 và 14 trên 722 ha ở vùng phía nam của Zimbabwe thời hiện đại. Toàn bộ di tích được đan xen với một hệ thống thoát nước từ nhiều thế kỷ mà vẫn hoạt động, những đường dẫn nước bên ngoài các ngôi nhà và hàng rào dẫn xuống thung lũng.

destinationmap_zimbabwe
Vị trí của Great Zimbabwe trên bản đồ hiện đại. Nguồn: The Safari Source.

Lúc cao điểm, có khoảng 18.000 người sống ở thủ đô của Vương quốc Zimbabwe. Chỉ có 200-300 thành viên của giới tinh hoa được cho là đã thực sự ở bên trong tòa nhà bằng đá khổng lồ đó, được canh gác suốt đêm bởi những người lính đứng trên tường, trong khi phần lớn người khác sống xung quanh nơi này.

Ngày nay, những tàn tích của Great Zimbabwe chỉ là một hình bóng của thành phố bị bỏ rơi mà thuyền trưởng Pegado đã khám phá ra – do một phần không nhỏ của việc cướp bóc điên cuồng tại di tích này đầu thế kỷ 20 bởi những thợ săn kho báu người châu Âu, tìm kiếm các tạo tác mà cuối cùng đã được gửi đến các bảo tàng trên khắp châu Âu, Mỹ và Nam Phi.

Người ta nói rằng Great Zimbabwe là một bản sao châu Phi của cung điện ở Jerusalem của Nữ hoàng Sheba1. Ý tưởng này được đưa ra bởi nhà thám hiểm người Đức Karl Mauch, người đã ghé thăm nơi đây vào năm 1871 và từ chối tin vào việc người châu Phi bản địa đã có thể xây dựng được một mạng lưới rộng lớn các đài kỷ niệm như thế.

“Tôi không nghĩ rằng sẽ quá sai nếu tôi giả sử tàn tích trên đồi là một bản sao của đền Solomon trên núi Moriah,” Mauch tuyên bố, “và tòa lâu đài ở đồng bằng là một bản sao của cung điện nơi Nữ hoàng Sheba ở trong chuyến thăm Solomon.” Ông cũng nói thêm rằng chỉ có một “quốc gia văn minh mới từng một lần sống ở đó” – với hàm ý phân biệt chủng tộc không thể nhầm lẫn được.

Những nhà văn châu Âu khác, cũng tin rằng người châu Phi đã không có khả năng để xây dựng bất cứ công trình gì hoành tráng như Great Zimbabwe, cho là nó được xây dựng bởi các du khách Bồ Đào Nha, bởi người Ả Rập, Trung Quốc, hoặc Ba Tư. Một giả thuyết khác cho là di tích này có thể là công trình của một bộ lạc nam châu Phi là con cháu của người Do Thái cổ đại, bộ lạc Lemba.

Thêm vào bí ẩn, những người dân bản địa sinh sống quanh di tích này được cho là tin rằng chúng là công trình của ma quỷ, hoặc người ngoài hành tinh, vì kích thước ấn tượng của nó và sự hoàn hảo trong tài nghệ của người làm ra nó.

Ông cũng nói thêm rằng chỉ có một “quốc gia văn minh mới từng một lần sống ở đó” – với hàm ý phân biệt chủng tộc không thể nhầm lẫn được.

Tuy nhiên, năm 1905, nhà khảo cổ học người Anh David Randall-MacIver kết luận rằng những tàn tích này thuộc thời trung cổ, và được xây dựng bởi một hay nhiều tộc dân Bantu địa phương ở châu Phi. Những phát hiện của ông đã được xác nhận bởi một nhà khảo cổ người Anh khác, Gertrude Caton-Thompson, vào năm 1929, và điều này vẫn nhận được sự đồng thuận cho đến ngày nay. Trong ngôn ngữ của con cháu những người xây dựng, những người Shona sống trong khu vực này hiện nay, Zimbabwe có nghĩa là “ngôi nhà bằng đá lớn” hay “ngôi nhà được sùng kính.”

Các tòa nhà của thành phố được làm từ những bức tường đá hoa cương ấn tượng, được tô điểm với những tháp nhỏ, pháo đài, những vật trang trí và các cầu thang được điêu khắc rất thanh lịch. Đáng chú ý nhất là một tường bao có chu vi 250 mét và cao 9,75 mét, được chế tác từ 900.000 mảnh đá hoa cương được cắt chuyên nghiệp, đặt chồng lên nhau mà không có bất kỳ chất kết dính nào. Những cột trụ của nó được trang trí với các tác phẩm điêu khắc bằng đá xà phòng2 minh họa bóng của một con chim với đôi môi của con người và bàn chân có năm ngón.

great zimbabwe
Một trong những ngọn tháp nổi tiếng. Nguồn: Flickr.

Hơn 4.000 mỏ vàng và 500 mỏ đồng được tìm thấy xung quanh khu di tích, và người ta gợi ý rằng trong vòng ba thế kỷ, 40% tổng số vàng khai thác của thế giới đến từ khu vực này, ước tính tổng cộng khoảng 600 tấn vàng. Hàng ngàn vòng cổ làm bằng vải kim tuyến vàng đã được phát hiện giữa những tàn tích đó.

Sự thịnh vượng của Great Zimbabwe đến từ vị trí của nó trên tuyến đường giữa các khu vực sản xuất vàng của khu vực này và các cảng trên bờ biển Mozambique; qua thời gian nó trở thành trung tâm của một mạng lưới thương mại và kinh doanh rộng lớn. Các mặt hàng kinh doanh bao gồm từ vàng, ngà voi, đồng và thiếc tới gia súc và tiền vỏ ốc. Các mặt hàng được nhập khẩu được phát hiện trong đống tàn tích bao gồm đồ pha lê từ Syria, một đồng xu được đúc từ Kilwa3, và các loại gốm sứ Ba Tư và Trung Quốc.

Giai đoạn thịnh vượng ở Great Zimbabwe tiếp tục cho đến giữa thế kỷ thứ 15, khi hoạt động giao thương của thành phố bắt đầu suy giảm và người dân bắt đầu di cư đến những nơi khác. Giả thuyết phổ biến nhất để giải thích việc từ bỏ di tích này đó là tình trạng thiếu lương thực, đồng cỏ và nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Great Zimbabwe và những khu vực kề cận nó. Nhưng nguyên nhân chính xác vẫn chưa rõ ràng.

 

Kiến trúc vô song

Đáng chú ý nhất là một tường bao có chu vi 250 mét và cao 9,75 mét, được chế tác từ 900.000 mảnh đá hoa cương được cắt chuyên nghiệp, đặt chồng lên nhau mà không có bất kỳ chất kết dính nào.

Great Zimbabwe là một sự hợp nhất của vẻ đẹp nhân tạo và tự nhiên; một phức hợp gồm 12 nhóm công trình trải rộng trên 80 ha cảnh quan tuyệt đẹp của thung lũng Mutirikwi. Theo lời của nhà khảo cổ học người Zimbabwe và sử gia nghệ thuật Peter Garlake, di tích này cho thấy “một kiến trúc không thể so sánh được ở bất cứ đâu ở châu Phi hoặc thế giới rộng lớn hơn.”

Các tàn tích được chia thành ba khu kiến trúc chính: Complex Hill (Tạm dịch: Đồi Liên hợp), Great Enclosure (Tạm dịch: Khu Tường bao lớn) và Valley Complex (Tạm dịch: Vùng Liên hợp thung lũng). Nơi lâu đời nhất, Đồi Liên hợp, có dân định cư từ thế kỷ thứ chín đến thế kỷ thứ 13. Được tin là trung tâm tâm linh và tôn giáo của thành phố, những tàn tích của Đồi Liên hợp trải dài khoảng 100 nhân 45 mét.

Đặc điểm nổi bật của Khu Đồi Liên hợp bao gồm một tảng đá khổng lồ với hình dạng tương tự như Zimbabwe Bird, nơi nhà vua chủ trì mọi nghi lễ quan trọng, chẳng hạn như xử án tội phạm, thờ phụng tổ tiên và hiến tế cho các thần Mưa. Việc hiến tế diễn ra trên một nền đất lớn bên dưới chỗ ngồi của nhà vua, nơi những con bò bị thiêu. Nếu khói bốc thẳng lên, các tổ tiên đã hài lòng. Nếu nó đi quanh co, điều này chứng tỏ họ không hài lòng và một vật hiến tế khác phải được dâng lên.

Phía nam của Đồi Liên hợp là Khu Tường bao lớn, được sử dụng từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 15: một tượng đài hình tròn đẹp mắt làm từ những khối đá hoa cương. Bức tường bên ngoài của nó, dày năm mét, trải dài khoảng 250 mét và có chiều cao tối đa 11 mét, khiến nó trở thành kiến trúc cổ lớn nhất ở châu Phi phía nam sa mạc Sahara.

Điều thú vị nhất về các bức tường ở Khu Tường bao lớn là sự vắng mặt của các góc nhọn; từ trên không trung chúng được cho là giống như một chiếc “vòng đeo tay màu xám khổng lồ.” Một lối đi hẹp ngay bên trong các bức tường dẫn đến một tòa tháp hình nón, công dụng của nó đã là đề tài của nhiều lời đồn đoán – người ta cho rằng nó có thể là biểu tượng cho thùng chứa hạt cho đến biểu tượng của dương vật.

Phần cuối cùng của tàn tích này là Vùng Liên hợp Thung lũng: một chuỗi những ngôi nhà daga (nhà xây từ đất và bùn gạch), rải rác khắp thung lũng và được sử dụng từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16.

Phần còn lại của Khu Tường bao Lớn. Nguồn: Flickr.
Phần còn lại của Khu Tường bao Lớn. Nguồn: Flickr.

Sống ở đây có khoảng 2.000 thợ kim hoàn và số lượng tương tự những thợ làm gốm, thợ dệt, thợ rèn và thợ xây nhà bằng đá – những người sẽ nung nóng những tảng đá hoa cương lớn trong lửa trước khi vẩy nước lên trên đá nóng đỏ. Cú sốc nước lạnh làm nứt tảng đá dọc theo các đường nứt phẳng thành từng miếng hình viên gạch, có thể được xếp chồng lên nhau mà không cần vữa để gắn kết lại với nhau. Hàng triệu triệu những mảnh này được sản xuất tại các đồng bằng phía dưới và kéo lên đồi, trong khi thành phố liên tục được mở rộng.

Có nhiều cách hiểu khác nhau về chức năng của bức tường lớn của thành phố: một số người tin chúng có mục đích quân sự và phòng thủ, hoặc chúng là biểu tượng của chính quyền, được thiết kế để bảo vệ sự riêng tư của gia đình hoàng gia và đặt họ tách biệt với dân thường.

Thật không may, những tàn tích này đã bị tàn phá trong hai thế kỷ qua – một phần không nhỏ do nhà báo người Anh Richard Nicklin Hall, người vào năm 1902 được bổ nhiệm làm giám sát viên của Great Zimbabwe bởi Công ty Nam Phi–Anh Quốc cho mục đích “không phải nghiên cứu khoa học, mà là việc bảo tồn công trình này.”

Việc một đế chế châu Phi đầy quyền lực đã xây dựng được một vương quốc bao phủ những khu vực rộng lớn ở Nam Phi là một niềm tự hào cho người dân Zimbabwe.

Hall đã phá hủy một phần không nhỏ của di tích, và tuyên bố rằng ông đã loại bỏ các “rác rưởi và sự suy đồi của người Kaffir4 [tức người châu Phi].” Trong khi đi tìm các dấu hiệu để chứng tỏ thành phố đã được xây dựng bởi những người thợ da trắng, nhiều lớp khảo cổ sâu đến bốn mét đã bị mất.

Nỗ lực tái tạo của các nhà dân tộc chủ nghĩa Zimbabwe từ năm 1980 đã gây thiệt hại hơn nữa – cũng như một số nhất định trong số gần 20.000 du khách ghé thăm di tích mỗi năm: họ trèo lên bức tường để cho vui và để tìm vật lưu niệm.

Những trận chiến chính trị và tư tưởng cũng đã được chiến đấu trên những tàn tích này. Năm 1890, ông trùm khai thác mỏ và xâm lược người Anh Cecil Rhodes đã tài trợ cho nhà khảo cổ học James Theodore Bent, người được gửi tới Nam Rhodesia bởi các Hiệp hội Khoa học Anh để tìm cách “chứng minh” nền văn minh Great Zimbabwe không phải được xây dựng bởi người châu Phi địa phương.

Chính quyền của Ian Smith, thủ tướng Nam Rhodesia (nay là Zimbabwe) cho đến năm 1979, tiếp tục sự giả mạo mang tính thực dân về nguồn gốc của thành phố trong những cuốn sách hướng dẫn du lịch chính thức, cho thấy hình ảnh người châu Phi cúi mình xuống trước những người nước ngoài, những người được tuyên bố là đã xây dựng nên Great Zimbabwe.

Năm 1980, Robert Mugabe trở thành thủ tướng, và đất nước này được đổi tên thành “Zimbabwe,” nhằm tôn vinh nền văn minh Great Zimbabwe, và những tác phẩm chạm khắc hình con chim trên đá xà phòng nổi tiếng được vẽ trên lá cờ Zimbabwe mới.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa được biết đến về cố đô này. Do không có tài liệu chính thức nào bằng văn bản được tìm thấy ở bất cứ đâu, lịch sử của Great Zimbabwe bắt nguồn từ những bằng chứng khảo cổ được phát hiện tại di tích, cộng với lịch sử truyền miệng của người dân Shona nói tiếng địa phương, đặc biệt là liên quan đến tín ngưỡng tâm linh và xây dựng truyền thống.

Được chọn làm Di sản thế giới Unesco vào năm 1986, việc bảo tồn đối với Great Zimbabwe – được chỉ đạo bởi Tổ chức Viện Bảo tàng Quốc gia và Di tích Zimbabwe – hiện đang bị thách thức bởi sự tăng trưởng không kiểm soát được của các loài thực vật, đe dọa những bức tường đá khô. Sự lây lan của lantana, một loại bụi hoa xâm lấn, được giới thiệu đến Zimbabwe vào đầu thế kỷ 20, đã càng thêm khó khăn cho công tác bảo tồn.

“Ý nghĩa của Great Zimbabwe – không chỉ trong lịch sử của Zimbabwe, mà còn là tổng thể lịch sử của châu Phi – là vô cùng lớn,” bà Clinton Dale Mutambo, người sáng lập của công ty tiếp thị Esaja ở Harare, thủ đô của Zimbabwe, nói. “Việc một đế chế châu Phi đầy quyền lực đã xây dựng được một vương quốc bao phủ những khu vực rộng lớn ở Nam Phi là một niềm tự hào cho người dân Zimbabwe – các chính phủ thực dân đã cố gắng trong một thời gian dài để truyền bá thông tin sai lệch bằng cách liên kết vương quốc kỳ diệu này với người Phoenicia.”


  1. Nữ hoàng Sheba: bà là nhân vật huyền thoại phổ biến của các nền văn hóa quanh Địa Trung Hải; được khắc họa trong các tác phẩm Kitô giáo thời trung cổ, trong các tranh Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Tư, và là người phụ nữ nổi tiếng với thiên tình sử bất tử cùng vua Solomon.

    Theo như Kinh Cựu ước, Nữ hoàng Sheba đã du hành từ vương quốc của mình đến gặp Vua Salomon ở Jerusalem. Tại đây, bà đã vô cùng thán phục tài năng, trí tuệ cũng như sự oai nghiêm của vị hoàng đế này để rồi có với ông một người con trai. Trước khi rời đi, bà đã tặng cho vị vua này rất nhiều vàng bạc đá quý.

  2. Đá xà phòng là loại đá tự nhiên chứa lượng tan cao màu xám xanh, bề mặt mềm, khai thác chủ yếu để làm mặt bàn, lát sàn và một số các ứng dụng khác.

  3. Vương quốc Hồi giáo cổ xưa.

  4. Kaffir là một thuật ngữ hàm ý xúc phạm và khinh bỉ người châu Phi da đen

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất