Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Joel Achenbach | Nguồn: National Geographic
Biên dịch: Dexter | Hiệu đính:  Nguyên
08/11/2015
Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên khi mà mọi khía cạnh của kiến thức khoa học – từ biến đổi khí hậu tới tiêm chủng – vấp phải những sự phản đối mạnh mẽ. Một số người còn nghi ngờ về việc con người đặt chân lên mặt trăng.

Có một cảnh trong bộ phim hài kiệt tác “Dr.Strangelove”1 của Stanley Kubrick khi mà Jack D.Ripper, một vị tướng Mỹ trở nên điên khùng và điều động một cuộc tấn công nguyên tử vào Liên Xô, thể hiện một góc nhìn về thế giới điên khùng của ông ta – và giải thích vì sao ông ta “chỉ uống nước cất, hoặc nước mưa, và rượu gạo nguyên chất” – cho Lionel Mandrake, một vị đội trưởng “luôn lo âu đến mức chóng mặt” trong Lực lượng Không Quân Hoàng gia Anh.

Ripper: Ông đã bao giờ nghe tới một thứ gọi là sự flo hóa2 chưa? Việc cho flo vào nước?
Mandrake: À, có, tôi đã từng nghe tới, Jack. Đã từng nghe tới.
Ripper: Vậy ông có biết đó là cái gì?
Mandrake: Không. Không, tôi không biết đó là cái gì. Không.
Ripper: Ông có biết rằng việc cho flo vào nước là âm mưu Cộng sản nguy hiểm nhất mà chúng ta đã từng phải đối mặt?

Bộ phim ra đời vào năm 1964, thời điểm mà những ích lợi của sự flo hóa đã được thiết lập đầy đủ, và những học thuyết âm mưu chống lại sự flo hóa có thể trở thành những mẩu chuyện cười. Vậy nên bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, nửa thế kỷ sau đó, sự flo hóa tiếp tục gây ra những nỗi sợ và hoang tưởng. Năm 2013, những công dân ở Portland, Oregon, một trong số ít thành phố ở Mỹ không cho thêm flo vào nước của họ, ngăn chặn một kế hoạch flo hóa của chính quyền địa phương. Những người phản đối không thích ý tưởng của chính phủ về việc thêm “những chất hóa học” vào trong nước của họ. Họ tuyên bố rằng flo có thể gây nguy hại tới sức khỏe con người.

Thực tế flo là một khoáng chất tự nhiên mà, với hàm lượng nhỏ trong hệ thống nước uống công cộng, sẽ có tác dụng làm cứng men răng và ngăn ngừa sâu răng – một phương pháp tăng cường sức khỏe răng miệng tiết kiệm và an toàn cho tất cả mọi người, dù giàu hay nghèo, dù chăm đánh răng hay không. Đó là sự nhất trí chung của khoa học và y học.

Một số người ở Portland, và một số nhà hoạt động chống sự flo hóa trên toàn thế giới, họ đáp lại: Chúng tôi không tin các người.

Chúng ta sống trong một kỷ nguyên khi mọi khía cạnh của kiến thức khoa học – từ sự an toàn của flo và vaccine tới thực tế về biến đổi khí hậu – đối mặt với những sự phản đối tức giận và có tổ chức. Được trang bị bởi nguồn thông tin và cách diễn giải các nghiên cứu của riêng họ, những người hoài nghi đã tuyên chiến với sự nhất trí của các chuyên gia. Có rất nhiều những cuộc tranh cãi như vậy ở thời đại này, bạn có thể nghĩ một cơ quan xấu xa nào đó đã cho thứ gì vào trong nước để khiến mọi người tranh cãi. Và có quá nhiều cuộc thảo luận về xu hướng này – trong những cuốn sách, những bài báo, và những buổi hội thảo hàn lâm – đến mức việc nghi ngờ khoa học chính nó đã trở thành hình tượng trong truyền thông đại chúng. Trong bộ phim Interstellar3 mới đây, với bối cảnh tương lai của một nước Mỹ bị đè nén và tổ chức NASA bị buộc phải lẩn trốn, những cuốn sách giáo khoa nói rằng dự án đặt chân lên mặt trăng Apollo4 là giả.

Về một mặt nào đó thì điều này không hề ngạc nhiên. Cuộc sống của chúng ta tràn ngập khoa học và công nghệ nhiều hơn bao giờ hết. Đối với một số người chúng ta thì thế giới mới này thật kỳ diệu, thoải mái, và giàu thành tựu – nhưng cũng phức tạp hơn và đôi lúc đáng sợ. Chúng ta hiện đang đối mặt với nhiều rủi ro không dễ phân tích.

Chúng ta được yêu cầu phải chấp nhận, ví dụ, rằng ăn thức ăn biến đổi gien là an toàn vì, những chuyên gia chỉ ra, không có bằng chứng nào chứng minh chúng không an toàn, và không có lý do để tin rằng việc điều chỉnh gien một cách chính xác trong phòng thí nghiệm nguy hiểm hơn so với việc điều chỉnh gien một cách đại trà thông qua quá trình chọn lọc giống truyền thống. Nhưng đối với một số người thì chỉ ý tưởng chuyển đổi gien giữa các loài khác nhau thôi đã gợi lên hình ảnh những nhà bác học điên rồ đang tiến hành những thí nghiệm điên khùng – và vì thế, hai thế kỷ sau khi Mary Shelley viết cuốn Frankenstein5, họ nói về Frankenfood.

Thế giới rạn nứt với những rủi ro thực tế và tưởng tượng, và việc phân biệt hai điều này thật không hề dễ dàng. Chúng ta có nên lo sợ rằng virus Ebola6, vốn chỉ có thể lây lan qua việc tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể, sẽ biến đổi thành một dịch bệnh lây nhiễm qua đường không khí? Sự nhất trí của khoa học nói rằng điều đó rất khó xảy ra: Chưa có một virus nào từng được quan sát có thể thay đổi hoàn toàn cách thức xâm nhập cơ thể người, và không có một bằng chứng nào cho thấy những ca dính Ebola gần đây nhất có gì khác lạ. Nhưng khi bạn gõ “airborne Ebola” (Tạm dịch: “Ebola lây nhiễm qua đường không khí”) vào một công cụ tìm kiếm trên Internet, bạn sẽ bước vào một thế giới ảo tưởng nơi mà loại virus này gần như có sức mạnh siêu nhiên, bao gồm cả sức mạnh có thể tiêu diệt tất cả chúng ta.

Khoa học không phải là một tập hợp các sự thật. Khoa học là một phương pháp để quyết định liệu thứ chúng ta tin có nền tảng dựa trên các quy luật tự nhiên hay không.

Trong cái thế giới đầy hoang mang này, chúng ta phải quyết định sẽ tin vào điều gì và hành động như thế nào với niềm tin đó. Theo lý thuyết thì đó là mục đích của khoa học. “Khoa học không phải là một tập hợp các sự thật,” theo nhà địa chất Marcia McNutt, người đã từng lãnh đạo Cuộc Khảo Sát Địa Chất Hoa Kỳ và hiện là Tổng Biên Tập Science, một tạp chí khoa học uy tín. “Khoa học là một phương pháp để quyết định liệu thứ chúng ta tin có nền tảng dựa trên các quy luật tự nhiên hay không.” Nhưng phương pháp đó không đến một cách tự nhiên với hầu hết chúng ta. Và chúng ta lại rơi vào tình trạng bất an, lặp đi lặp lại.

Tất nhiên, vấn đề cũng xảy ra theo hướng ngược lại. Phương pháp khoa học dẫn chúng ta tới những sự thật nằm ngoài sức tưởng tượng, thường choáng ngợp, và đôi khi rất khó để nuốt trôi. Đầu thế kỷ 17, khi Galileo khẳng định rằng Trái đất tự quay quanh trục của nó và quay theo một quỹ đạo quanh Mặt trời, ông không chỉ bác bỏ những học thuyết của nhà thờ. Ông muốn mọi người tin vào một thứ thách thức cảm nhận thông thường – bởi vì rõ ràng Mặt trời trông có vẻ như đang quay quanh Trái đất, và bạn không thể tự cảm thấy được là Trái đất đang quay. Galileo bị đưa ra xét xử và bị buộc phải công khai từ bỏ ý tưởng đó. Hai thế kỷ sau, Charles Darwin đã thoát khỏi định mệnh đó. Nhưng ý tưởng của ông về việc tất cả mọi sự sống trên Trái đất tiến hóa từ tổ tiên thời nguyên thủy, và con người là họ hàng xa của loài vượn, cá voi, hay thậm chí là động vật thân mềm dưới biển vẫn là một câu hỏi lớn cho rất nhiều người. Một ý tưởng khác vào thế kỷ 19 cũng vậy: đó là carbon dioxide, một loại khí vô hình mà chúng ta thải ra mọi lúc và chiếm chưa đến 1/10 của 1% khí quyển, có thể gây ảnh hưởng tới khí hậu của Trái đất.

Kể cả khi chúng ta chấp nhận một cách lý trí những lời giáo huấn này, chúng ta vẫn bám vào trực giác của mình trong tiềm thức – điều mà những nhà nghiên cứu gọi là đức tin ngây thơ (naive beliefs). Một cuộc nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi Andrew Shtulman của Đại học Occidental cho thấy, kể cả với những sinh viên nhận được nền giáo dục khoa học tân tiến vẫn có sự vướng mắc ở trong tư duy của họ khi được yêu cầu chọn giữa việc đồng ý hay phản đối quan điểm con người có nguồn gốc từ động vật dưới biển hay Trái đất quay quanh Mặt trời. Cả hai sự thật này đều đối nghịch với trực giác. Những sinh viên này, kể cả với những người đánh dấu “đúng,” đã trả lời những câu hỏi này chậm hơn những câu hỏi như liệu con người có nguồn gốc từ những sinh vật sống trên cây (điều này cũng đúng nhưng dễ nắm bắt hơn) hay liệu Mặt trăng có quay quanh Trái đất (điều này cũng đúng nhưng có tính trực giác). Nghiên cứu của Shtulman gợi ý rằng khi chúng ta trở nên có giáo dục trong khoa học, chúng ta kiềm chế những đức tin ngây thơ nhưng không bao giờ xóa bỏ chúng hoàn toàn. Chúng ẩn náu trong trí não của chúng ta, cất tiếng khi chúng ta cố gắng giải thích thế giới.

Hầu hết chúng ta làm vậy bằng cách dựa vào những trải nghiệm cá nhân, những giai thoại, những câu chuyện hơn là những con số thống kê. Chúng ta có thể đi xét nghiệm kháng nguyên của tuyến tiền liệt, mặc dù việc này không còn được khuyên dùng, bởi vì nó đã phát hiện bệnh ung thư của một người bạn thân – và chúng ta ít chú ý hơn tới những bằng chứng thống kê, những con số đã được thu thập cẩn thận qua nhiều nghiên cứu, cho thấy rằng việc xét nghiệm này hiếm khi cứu mạng bệnh nhân mà lại gây ra những cuộc phẫu thuật không cần thiết. Hoặc chúng ta nghe kể về những ca ung thư trong một thị trấn nơi có một bãi rác thải độc hại, và chúng ta cho rằng sự ô nhiễm đã gây ra những ca ung thư đó. Nhưng chỉ vì hai thứ xảy ra cùng một lúc không có nghĩa là thứ này gây ra thứ kia, và chỉ vì những sự kiện xảy ra gần nhau không có nghĩa rằng chúng không phải là ngẫu nhiên.

Khi chúng ta trở nên có học thức một cách khoa học, chúng ta kiềm chế những đức tin ngây thơ nhưng không bao giờ xóa bỏ chúng hoàn toàn. Chúng ẩn náu trong trí não của chúng ta, cất tiếng khi chúng ta cố gắng giải thích thế giới.

Chúng ta có vấn đề với việc tiêu hóa sự ngẫu nhiên; bộ óc của chúng ta thèm khát kiểu mẫu và ý nghĩa. Tuy nhiên, khoa học cảnh báo rằng chúng ta có thể tự đánh lừa chính mình. Để có thể tin là có một mối quan hệ nhân quả giữa bãi rác và những ca ung thư, bạn cần những phân tích thống kê cho thấy rằng liệu có phải nhiều ca ung thư xuất hiện hơn khi có bãi rác so với việc xuất hiện một cách ngẫu nhiên, bằng chứng cho thấy những nạn nhân bị ung thư tiếp xúc với những chất hóa học từ bãi rác, và bằng chứng cho thấy những chất hóa học đó thật sự có thể gây ra ung thư.

Kể cả đối với những nhà khoa học, phương pháp khoa học là một nguyên tắc khó. Giống như tất cả chúng ta, họ rất dễ bị dính với thứ gọi là thiên kiến xác nhận (confirmation bias) – xu hướng chỉ tìm kiếm và nhìn thấy bằng chứng ủng hộ những điều mà họ tin. Nhưng khác với tất cả chúng ta, họ gửi ý tưởng của họ tới những hội đồng đánh giá trước khi công bố chúng. Một khi những kết quả này đã được công bố, nếu chúng đủ quan trọng, những nhà khoa học khác sẽ cố gắng mô phỏng lại chúng – và, vốn dĩ nghi ngờ và đầy tính cạnh tranh, sẽ rất vui mừng nếu được công bố rằng những kết quả đó không đủ thuyết phục. Những kết quả khoa học luôn mang tính tạm thời, có thể bị lật đổ bởi một số thí nghiệm hay quan sát trong tương lai. Những nhà khoa học hiếm khi khẳng định một sự thật tuyệt đối hay một sự chắc chắn tuyệt đối. Sự không chắc chắn là không thể tránh khỏi ở đường biên của tri thức.

Đôi khi những nhà khoa học lại thiếu lý tưởng của phương pháp khoa học. Đặc biệt là trong nghiên cứu y sinh, có một xu hướng đáng báo động hướng tới những kết quả mà không thể mô phỏng lại bên ngoài phòng nghiên cứu đã tìm thấy chúng, một xu hướng đã kêu gọi việc tạo ra một quy trình thí nghiệm minh bạch hơn. Francis Collins, giám đốc Viện Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia, lo lắng về thứ “gia vị bí mật” – những quy trình chuyên biệt, những phần mềm đặc chế, những thành phần kỳ quặc – mà những nhà nghiên cứu không chia sẻ với đồng nghiệp của họ. Nhưng ông vẫn có niềm tin vào mục tiêu lớn hơn .

“Khoa học sẽ tìm ra sự thật,” Collins nói. “Nó có thể sai ở lần đầu tiên và có thể ở lần thứ hai, nhưng cuối cùng nó sẽ tìm ra sự thật.” Tính tạm thời của khoa học là một thứ khác mà nhiều người cảm thấy có vấn đề. Ví dụ như đối với một số người hoài nghi về biến đổi khí hậu, sự thật rằng có một vài nhà khoa học vào những năm 1970 đã lo lắng (khá hợp lý, dường như là vậy, ở thời điểm đó) về khả năng có một kỷ băng hà sắp tới là đủ để phản bác nỗi lo về tình hình nóng lên toàn cầu vào thời điểm hiện tại.

Mùa thu năm ngoái, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, nơi tập hợp hàng trăm nhà khoa học dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, cho ra mắt báo cáo thứ năm trong vòng 25 năm. Báo cáo này nhấn mạnh lại sự thống nhất của các nhà khoa học một cách rõ ràng hơn: Nhiệt độ bề mặt trái đất đã tăng 1,5 độ F (khoảng gần 1 độ C) trong 130 năm trở lại đây, và những hoạt động của con người, trong đó có việc đốt nhiên liệu hóa thạch, chắc chắn là nguyên nhân chính dẫn tới sự nóng lên này kể từ giữa thế kỷ 20. Một số người ở Mỹ – một lượng lớn hơn nhiều so với ở các nước khác – vẫn giữ mối hoài nghi về sự khẳng định đồng nhất này, hoặc tin là các nhà hoạt động khí hậu đang sử dụng việc nóng lên toàn cầu như một công cụ đe dọa để tấn công thị trường tự do và xã hội công nghiệp nói chung. Thượng Nghị Sĩ James Inhofe của bang Oklahoma, một trong những tiếng nói quyền lực nhất của Đảng Cộng Hòa về những vấn đề môi trường, đã tuyên bố từ lâu rằng biến đổi khí hậu chỉ là một trò lừa đảo.

Ý tưởng về việc hàng trăm nhà khoa học từ khắp mọi nơi trên thế giới hợp tác để tạo nên một trò lừa đảo lớn như vậy thật là một điều nực cười – dân khoa học thích lật tẩy nhau. Tuy nhiên, có một sự thật rất rõ ràng rằng những tổ chức được tài trợ một phần bởi ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đã cố gắng phá hoại sự hiểu biết của công chúng về sự thống nhất của khoa học bằng cách thúc đẩy một số người hoài nghi.

Phương tiện thông tin đại chúng lại dành sự quan tâm quá mức tới những người đi lạc, những kẻ nói ngược, những nhà bảo thủ chuyên nghiệp, và những người đập bàn như vậy. Phương tiện truyền thông cũng làm cho bạn tin rằng khoa học chứa đầy những khám phá gây shock được tạo ra bởi những thiên tài cô đơn. Không phải. Sự thật (nhạt nhẽo) là nó thường tiến bộ một cách đều đặn, thông qua sự lớn dần lên vững chắc của dữ liệu và sự thấu hiểu được tập hợp bởi nhiều người trong nhiều năm. Điều đó cũng đúng với sự nhất trí về biến đổi khí hậu.

Nhưng nền công nghiệp truyền thông, mặc dù bị mất định hướng như vậy, không đủ để giải thích vì sao chỉ có 40% người Mỹ chấp nhận rằng hoạt động của con người là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự nóng lên toàn cầu, dựa trên cuộc thăm dò ý kiến gần đây nhất của Trung tâm Nghiên cứu Pew7.

Con người có xu hướng sử dụng kiến thức khoa học để củng cố niềm tin đã được tạo ra trong thế giới quan của họ.

“Vấn đề truyền thông khoa học,” được gọi một cách nhẹ nhàng bởi những nhà khoa học nghiên cứu về nó, đã tạo ra nhiều cuộc nghiên cứu mới về việc con người quyết định tin vào thứ gì như thế nào – và tại sao họ thường không chấp nhận sự thống nhất của khoa học. Không phải là họ không nắm bắt được nó, theo Dan Kahan của Đại học Yale. Trong một nghiên cứu, anh yêu cầu 1.540 người, một tập hợp đại diện cho người Mỹ, đánh giá mức độ nguy hiểm của biến đổi khí hậu trên thang điểm từ 0 đến 10. Sau đó anh liên hệ những đánh giá đó với hiểu biết khoa học của họ về chủ đề này. Anh thấy rằng sự hiểu biết càng cao thì quan điểm càng mạnh (điểm số rất cao hoặc rất thấp) – về cả hai phía của thang điểm đánh giá. Sự hiểu biết về khoa học đã thúc đẩy sự phân cực về vấn đề khí hậu, không phải sự thống nhất. Theo Kahan, bởi vì đó là do con người có xu hướng sử dụng kiến thức khoa học để củng cố niềm tin đã được tạo ra trong thế giới quan của họ.

Kahan cho rằng, người Mỹ rơi vào hai phe cơ bản. Những người theo “chủ nghĩa bình quân” và “chủ nghĩa cộng đồng” hoài nghi về nền công nghiệp và có khuynh hướng nghĩ rằng nó đang âm mưu một thứ gì đó nguy hiểm mà điều đó cần tới sự can thiệp của chính phủ; họ dễ thấy những mối hiểm họa của biến đổi khí hậu. Ngược lại, những người theo “chủ nghĩa phân bậc” và “chủ nghĩa cá nhân” tôn trọng những người lãnh đạo của nền công nghiệp và không muốn có sự can thiệp của chính phủ vào công việc của họ; họ có khuynh hướng từ chối những lời cảnh báo về biến đổi khí hậu, bởi vì họ biết nếu chấp nhận, điều đó sẽ dẫn tới một số loại thuế hay luật lệ để hạn chế sự phát thải khí công nghiệp.

Trong nước Mỹ, biến đổi khí hậu một cách nào đó đã trở thành một phép thử quỳ tím8 cho thấy bạn thuộc về phe này hay phe kia. Kahan nói rằng, khi chúng ta tranh luận về nó, chúng ta thực chất đang tranh luận về việc chúng ta là ai, và chúng ta thuộc về phe nào. Chúng ta đang nghĩ, những người như chúng ta tin vào điều này. Những người như thế kia không tin vào nó. Đối với một người coi trọng chủ nghĩa cá nhân có thứ bậc, không có gì là bất hợp lý để từ chối một nền khoa học khí hậu đã được thiết lập: Chấp nhận nó sẽ không thay đổi thế giới, nhưng nó sẽ khiến anh ta bị đá ra khỏi cộng đồng của mình.

“Ví dụ như một thợ cắt tóc ở một thị trấn ở South Carolina,” Kahan viết. “Liệu việc thuyết phục khách hàng của anh ta ký vào một đơn kiến nghị hối thúc Quốc hội có những hành động về biến đổi khí hậu có là một ý tưởng tốt? Không. Nếu anh ta làm vậy, anh ta sẽ mất việc, giống như nghị sĩ tiền nhiệm của South Carolina, Bob Inglis, khi ông đề xuất hành động đó.”

Khoa học lôi cuốn sự duy lý của chúng ta, nhưng hệ thống niềm tin lại phần lớn được thúc đẩy bởi cảm xúc, và động lực lớn nhất là những mối quan hệ bền chặt với những người giống chúng ta. “Tất cả chúng ta vẫn còn ở trong trường phổ thông9. Chúng ta chưa bao giờ rời khỏi đó,” Marcia McNutt nói. “Con người vẫn có nhu cầu hòa nhập, và nhu cầu đó mạnh tới mức các giá trị và quan niệm địa phương luôn mạnh hơn khoa học. Và chúng sẽ tiếp tục như vậy, nhất là khi không có một minh chứng nào cho thấy tác hại của việc phớt lờ khoa học.”

Khoa học lôi cuốn sự duy lý của chúng ta, nhưng hệ thống niềm tin lại phần lớn được thúc đẩy bởi cảm xúc, và động lực lớn nhất là những mối quan hệ bền chặt với những người giống chúng ta.

Trong khi đó, Internet giúp nhữngngười hoài nghi về biến đổi khí hậu tìm thấy thông tin và chuyên gia của họ dễ dàng hơn bao giờ hết. Đã qua những ngày mà một số ít các tổ chức quyền năng – những trường đại học hàng đầu, những cuốn bách khoa toàn thư, những tổ chức tin tức, hay kể cả National Geographic – phục vụ như là những người gác cổng của thông tin khoa học. Internet đã dân chủ hóa thông tin, đó là điều tốt. Nhưng cùng với TV truyền hình cáp, nó đã làm khả thi việc sống trong một “bộ lọc bong bóng” mà chỉ lọc ra những thông tin bạn vốn dĩ đã đồng ý.

Làm thế nào để đâm xuyên qua lớp màng bong bóng đó? Làm thế nào để lay chuyển những người nghi ngờ về biến đổi khí hậu? Ném thêm sự thật vào họ không giúp được gì. Liz Neeley, người đang giúp đỡ huấn luyện các nhà khoa học trở thành những người truyền đạt tốt hơn ở một tổ chức gọi là Compass, nói rằng con người cần lắng nghe từ những tín đồ họ có thể tin tưởng, những người có chung những giá trị căn bản với họ. Cô có những trải nghiệm cá nhân về vấn đề này. Bố của cô là một người nghi ngờ về biến đổi khí hậu và chủ yếu thu thập thông tin về vấn đề trên những phương tiện truyền thông bảo thủ. Trong sự bực tức cuối cùng cô cũng đối diện với ông: “Bố tin họ hay tin con?” Cô nói với ông rằng cô tin vào những nhà khoa học đang nghiên cứu về biến đổi khí hậu và cô biết một vài người trong số họ. “Nếu bố nghĩ là con sai,” cô nói, “như vậy bố đang nói với con rằng bố không tin tưởng con.” Lập trường của bố cô về vấn đề trở nên nhẹ nhàng hơn. Nhưng không phải là do những sự thật đã làm nên điều đó.

Nếu bạn là một người duy lý, có một điều sẽ làm bạn hơi chán nản về tất cả những thứ này. Trong những mô tả của Kahan về việc chúng ta quyết định tin vào thứ gì như thế nào, thứ chúng ta quyết định đôi khi rất ngẫu nhiên. Những người như chúng ta trong ngành truyền thông khoa học cũng theo tính phe phái giống như mọi người khác, anh nói với tôi. Chúng ta tin vào những ý tưởng khoa học không phải vì chúng ta đánh giá đúng đắn tất cả những bằng chứng, mà bởi vì chúng ta cảm thấy một sự lôi cuốn từ cộng đồng khoa học. Khi tôi nói với Kahan rằng tôi hoàn toàn chấp nhận thuyết tiến hóa, anh nói, “Tin vào thuyết tiến hóa chỉ là một mô tả về anh. Nó không nói lên điều gì về việc anh lý luận như thế nào.”

Có thể – trừ việc tiến hóa thực sự đã diễn ra. Sinh học sẽ không thể lý giải được nếu thiếu nó. Không phải luôn có hai phía ở mọi vấn đề. Biến đổi khí hậu đang xảy ra. Vaccine thực sự cứu được mạng sống. Việc trở nên đúng có quan trọng – và bộ lạc khoa học có một bề dày lịch sử dài đưa ra kết luận đúng về nhiều vấn đề. Xã hội hiện đại được xây dựng dựa trên những điều đúng đắn.

Việc nghi ngờ khoa học có hậu quả của nó. Những người tin vào việc vaccine gây ra tự kỷ – thường là những người được giáo dục đầy đủ và giàu có, đang làm giảm sự “miễn dịch bầy đàn” với những bệnh như ho gà và sởi. Động thái chống vaccine trở nên mạnh mẽ kể từ khi tạp chí y học uy tín của Anh Lancet công bố một nghiên cứu vào năm 1998 chỉ ra mối liên hệ của một vaccine thông thường với sự tự kỷ. Tạp chí sau đó đã rút lại bài nghiên cứu này, vốn đã bị bác bỏ hoàn toàn. Nhưng ý tưởng về một mối liên hệ giữa vaccine và tự kỷ đã được tán thành bởi một số ngôi sao và được củng cố thêm thông qua những bộ lọc Internet. (Nhà hoạt động chống vaccine kiêm diễn viên Jenny McCarthy đã từng phát biểu trên Chương trình Oprah Winfrey, “Đại học Google là nơi tôi lấy bằng tốt nghiệp.”)

Trong cuộc tranh luận về khí hậu, hậu quả của sự nghi ngờ mang tính toàn cầu và lâu dài. Ở Mỹ, những người hoài nghi về biến đổi khí hậu đã đạt được mục tiêu cơ bản của họ về việc tạm dừng những động thái pháp lý nhằm chống biến đổi khí hậu. Họ chưa giành chiến thắng trong cuộc tranh luận này; họ chỉ khiến bối cảnh đủ mù mờ để những bộ luật kiểm soát sự phát thải khí nhà kính không được ban hành.

Một số nhà hoạt động vì môi trường mong muốn những nhà khoa học thoát khỏi những tòa tháp ngà10 của họ và tham gia nhiều hơn vào cuộc chiến chính sách. Bất kỳ nhà khoa học nào đang đi trên con đường đó cần thật sự thận trọng, Liz Neeley nói. “Ranh giới giữa truyền thông khoa học và tuyên truyền vận động là rất mong manh”. Trong cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu, luận điệu chính của những người hoài nghi cho là nền khoa học, mà nói rằng điều đó có thực và là một mối nguy hại nghiêm trọng, được đánh động bởi chính trị, bị điều khiển bởi những nhà hoạt động vì môi trường, chứ không phải là dữ liệu cứng. Điều đó không đúng, và nó phỉ báng những nhà khoa học chân chính. Nhưng nó sẽ dần được coi là hợp lý nếu các nhà khoa học bước ra khỏi chuyên môn của họ và bắt đầu vận động những chính sách cụ thể.

Đối với một số người, cộng đồng quan trọng hơn sự thật; đối với những nhà khoa học hàng đầu, sự thật quan trọng hơn cộng đồng.

Chính bởi sự thờ ơ của họ, điều mà bạn có thể gọi là sự máu lạnh của khoa học, khiến khoa học trở thành một ứng dụng nguy hiểm. Cái cốt là cách mà khoa học nói sự thật với chúng ta, hơn là việc chúng ta thích sự thật đó như thế nào. Những nhà khoa học có thể võ đoán như mọi người khác – nhưng võ đoán của họ luôn tàn héo trong ánh hào quang của những nghiên cứu mới. Trong khoa học, việc bạn thay đổi suy nghĩ không phải là một tội lỗi, khi bằng chứng đòi hỏi nó. Đối với một số người, cộng đồng quan trọng hơn sự thật; đối với những nhà khoa học hàng đầu, sự thật quan trọng hơn cộng đồng.

McNutt nói, tư duy khoa học phải được dạy, và đôi khi nó không được dạy tốt. Sinh viên sau khi học xong nghĩ về khoa học như là một tập hợp các thông tin, không phải là phương pháp. Nghiên cứu của Shtulman chỉ ra rằng kể cả những sinh viên đại học cũng không thực sự hiểu bằng chứng khoa học là gì. Phương pháp khoa học không đến một cách tự nhiên – nhưng nếu bạn nghĩ về nó, nền dân chủ cũng vậy. Trong hầu hết lịch sử loài người, cả hai không hề tồn tại. Chúng ta đã sát hại những người khác để tranh giành ngai vàng, cầu nguyện thần mưa, và tệ hơn thế, làm những điều mà tổ tiên chúng ta đã từng làm.

Bây giờ chúng ta đã thay đổi chóng mặt, và điều đó đôi khi rùng rợn. Không phải tất cả mọi thứ đều tiến bộ hơn. Khoa học đã biến chúng ta thành thực thể thống trị, với tất cả sự tôn trọng với những loài kiến và tảo lục lam, và chúng ta đang thay đổi cả thế giới. Tất nhiên chúng ta đúng khi đặt những câu hỏi về một số điều khoa học và công nghệ cho phép chúng ta làm. “Tất cả mọi người nên đặt câu hỏi,” McNutt nói. “Đó là tiêu chuẩn của một nhà khoa học. Nhưng sau đó họ cần sử dụng phương pháp khoa học, hoặc tin vào những người sử dụng phương pháp khoa học, để quyết định xem họ tin vào bên nào.” Chúng ta cần hoàn thiện mình hơn trong việc tìm ra những câu trả lời, bởi vì đương nhiên những câu hỏi sẽ chẳng bao giờ dễ dàng hơn.


  1. “Dr.Strangelove” là một bộ phim hài nổi tiếng có nội dung chế nhạo những mối lo sợ về một cuộc xung đột hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ. Bộ phim được thực hiện dựa trên cuốn tiểu thuyết kinh dị “Red Alert” của Peter George.

  2. Sự flo hóa (hay còn gọi là việc cho flo vào nước) là việc cho thêm một hàm lượng flo nhất định vào nguồn nước công cộng để làm cứng men răng và ngăn ngừa sâu răng.

  3. “Interstellar” là một bộ phim khoa học viễn tưởng kinh điển được thực hiện bởi đạo diễn Christopher Nolan. Bộ phim kể về một nhóm những phi hành gia du hành qua lỗ sâu (wormhole) để đi tìm một ngôi nhà mới cho nhân loại.

  4. Dự án Apollo là dự án đưa con người lên vũ trụ thứ ba của Mỹ do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), và trở nên nổi tiếng với sự kiện Neil Armstrong lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng vào ngày 20/07/1969.

  5. “Frankenstein” là một cuốn tiểu thuyết giả tưởng của tác giả người Anh Mary Shelley kể về một chàng sinh viên khoa học tên là Victor Frankenstein, một người cố gắng tìm cách tạo ra sự sống giống con người từ vật chất, nhưng to lớn và khoẻ mạnh hơn người bình thường. Cuối cùng, nỗ lực của ông được đền đáp, nhưng ông đã tạo ra một sinh vật kỳ cục mà chính ông coi là quái vật và tìm cách thoát khỏi nó.

  6. Ebola virus (viết tắt: EBOV) là loại virus gây bệnh sốt xuất huyết ở người và các loài linh trưởng khác. EBOV chính là nguyên nhân gây nên đại dịch Ebola bắt nguồn từ Tây Phi trong giai đoạn 2013 – 2015, gây ra khoảng 12.000 ca tử vong. EBOV là một trong nhóm 4 tác nhân gây bệnh nguy hiểm nhất theo Tổ chức Y tế Thế giới.

  7. Trung tâm Nghiên cứu Pew là một tổ chức độc lập của Mỹ chuyên nghiên cứu về các vấn đề, thái độ, xu hướng đang diễn ra trên nước Mỹ và trên toàn thế giới thông qua việc áp dụng các phương pháp bỏ phiếu công khai, nghiên cứu nhân khẩu học, phân tích nội dung trên các phương tiện truyền thông, và một số phương pháp nghiên cứu xã hội thực nghiệm khác.

  8. Phép thử quỳ tím là một phép thử trong hóa học sử dụng giấy quỳ tím để phân biệt một dung dịch mang tính axit, bazơ hay trung tính.

  9.  Ý tác giả là môi trường trường phổ thông là một môi trường yêu cầu sự hòa nhập và không tách biệt ra khỏi đám đông.

  10. Nguyên bản: “ivory towers”. Đây là một cách miêu tả thế giới hàn lâm của các nhà khoa học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất