a
§ Tác giả: Chelsea Wald | Nguồn: Nautilus
Biên dịch: Lưu Vũ | Hiệu đính:  coda
08/02/2020

Năm 1995, một người phụ nữ 35 tuổi bị thương có tên Anat Ben-Tov đã thực hiện một cuộc phỏng vấn từ phòng bệnh của cô ở Tel Aviv. Cô vừa sống sót sau vụ đánh bom xe buýt thứ hai trong chưa đầy một năm. “Tôi không may, hay tôi có tất cả vận may,” Anat nói với các phóng viên. “Tôi không chắc đó là cái nào nữa.”

Phóng sự này đã thu hút sự chú ý của nhà tâm lý học Na Uy Karl Halvor Teigen, hiện là giáo sư danh dự tại Đại học Oslo. Khi đó, ông đang lùng khắp các mặt báo để tìm hiểu xem mọi người quan niệm thế nào là may mắn và thế nào là đen đủi. Những năm về sau, ông và các nhà tâm lý học khác, cùng với các nhà thống kê và kinh tế học, đã nhận ra rằng trong khi mọi người thường nghĩ may mắn như là một cơ hội ngẫu nhiên hoặc do một sức mạnh siêu hình, nó nên được mô tả như một sự nhìn nhận chủ quan (nói cách khác, một sự việc là may mắn hay không tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người – người dịch).

“Người ta có thể sẽ hỏi ‘bạn coi bản thân mình may mắn bởi vì những điều tốt đẹp xảy ra với bạn, hay những điều tốt đẹp đến với bạn bởi vì bạn coi mình may mắn?.’” David J. Hand – tác giả cuốn sách The Improbability Principle (Tạm dịch: Nguyên lý Phi Xác suất), đồng thời là giáo sư toán học danh dự và nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Hoàng gia London, đã nói như vậy. 

Các nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng việc bạn suy nghĩ bản thân mình gặp may hay xui xẻo, bất kể thực tế cuộc sống ra sao, sẽ nói lên rất nhiều về quan điểm sống, tình trạng hạnh phúc, và thậm chí cả các chức năng não bộ của bạn. Hóa ra, việc tin rằng mình may mắn là một lối tư duy kỳ diệu – một phép màu nhiệm không theo cách của các bà tiên hay yêu tinh pháp thuật. Niềm tin vào may mắn có thể dẫn đến một chu trình suy nghĩ và hành động đầy tích cực. Nó có liên quan chặt chẽ đến cảm giác làm chủ cuộc sống, sự lạc quan và giúp giảm thiểu các nỗi lo âu. Nếu bạn tin rằng điềm lành sẽ xuất hiện và có mặt ở cuộc hẹn với phong thái tự tin, thoải mái và tích cực, bạn sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt đối tượng hẹn hò.

Cảm giác may mắn có thể thôi thúc bạn làm việc chăm chỉ và lên kế hoạch chu đáo hơn. Nó có thể khiến bạn chú ý hơn tới những thời cơ bất ngờ, từ đó cho phép bạn tận dụng được những cơ hội xuất hiện quanh mình. Trong một nghiên cứu so sánh giữa những đối tượng tự coi mình may mắn và những người luôn cho rằng mình xui xẻo, nhà tâm lý học Richard Wiseman ở trường Đại học Hertfordshire, tác giả của cuốn sách xuất bản năm 2003 The Luck Factor (Tạm dịch: Nhân tố May mắn), đã yêu cầu nhóm người này đếm số bức ảnh xuất hiện trên một tờ báo. Nhưng ông ấy đã bí mật đưa đáp án lên trang thứ hai của tờ báo này. “Những người không may mắn thường bỏ qua đáp án còn những người may mắn có xu hướng phát hiện ra nó,” ông viết.

Một trong những cách đơn giản nhất bạn có thể làm để cải thiện vận may của mình là thay đổi bản thân.

Mặt khác, việc tự cảm thấy đen đủi có thể dẫn đến một vòng kết quả luẩn quẩn – điều không may này có thể dẫn đến những điều không may khác. Nhà tâm lý học John Maltby tại trường Đại học Leicester đã đưa ra giả thuyết rằng niềm tin vào sự đen đủi có liên quan đến các hoạt động điều hành bậc thấp của não bộ như khả năng lập kế hoạch, tổ chức và tham gia vào các nhiệm vụ hoặc mục tiêu. Trong một nghiên cứu năm 2013, ông và các cộng sự đã tìm thấy mối liên hệ giữa niềm tin vào việc không may mắn và các kỹ năng điều hành bậc thấp của não (lower executive function), như khả năng luân chuyển giữa việc thực hiện các thao tác và tư duy sáng tạo. Đến năm 2015, nhóm nghiên cứu tiếp tục quan sát thấy sự xuất hiện dày đặc hơn của các hoạt động xung thần kinh liên quan đến những chức năng điều hành bậc thấp này của  não ở 10 sinh viên tin bản thân mình xui xẻo hơn là ở 10 người cho rằng họ may mắn. “Những người tin vào sự xui xẻo đã không thực hiện một số quy trình cần thiết để mang lại những kết quả tích cực,” Maltby nói.

Ông ấy đưa ra một ví dụ đơn giản về tình huống chiếc máy đang in bị hết mực giữa chừng. “Người may mắn sẽ có một khay mực dự trữ bởi vì họ đã dự tính trước điều này.” Khi hộp mực hết, họ sẽ thốt lên, “Ồ, tôi thật may mắn, tôi đã mua 1 khay mực rồi, thật kỳ diệu”, Matltby nói. “Trong khi đó, người đen đủi không có kế hoạch trù bị, không trải qua quá trình nhận thức tương tự, thế nên, khi khay mực bị hết mà vẫn còn tài liệu đang in, họ sẽ nói, “Chà, thật là đen đủi.”

Nếu vòng đen đủi liên tục tiếp diễn, nó có thể dẫn đến một sự khác biệt lớn. Nhà kinh tế học Victoria Prowse và David Gill đến từ Đại học Purdue cho rằng những phản ứng với vận xui thậm chí có thể giải thích một phần sự chênh lệch giới tính trong lực lượng lao động. Trong thí nghiệm về một trò chơi mang tính cạnh tranh, yêu cầu người chơi phải có cả kỹ năng và may mắn, họ phát hiện ra rằng phụ nữ dễ bị nản lòng trước những điều không may hơn đàn ông. Sau những lần xui rủi, họ không còn cố gắng nhiều ở những lượt chơi tiếp theo, ngay cả khi tiền đặt cược của trò chơi là rất thấp.

Nhà kinh tế học Prowse chỉ ra rằng may mắn thường đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp. Bạn nhận được một công việc hay không tùy thuộc vào việc nhà tuyển dụng xem xét hồ sơ trong bao lâu, hoặc liệu cô ấy có thích màu trang phục bạn mặc khi đi phỏng vấn. Các công ty thường tổ chức những cuộc thi để các nhân viên như nhân viên bán hàng so tài với nhau. “Ở các nhân viên nữ, chỉ một chút nản lòng sau lần thử sức không thành công đầu tiên có thể khiến họ bỏ lỡ cơ hội thăng tiến lên vị trí cao hơn. Điều này kéo theo tất cả các hệ quả trong tương lai,” cô ấy nói. “Sẽ rất tai hại nếu bỏ qua những khác biệt nhỏ này cho dù chúng không có khả năng tích lũy thành thứ đáng để bận tâm.”

Bên cạnh tính cách và giới tính, các sự kiện ngẫu nhiên cũng có thể là tác nhân khởi đầu cho một chu kỳ may mắn tốt đẹp hoặc một vòng xui xẻo luẩn quẩn. Nhà kinh tế học Alan Kirman ở Trường Đại học Nghiên cứu Cao cấp về Khoa học Xã hội (École des Hautes Études en Sciences Sociales), Paris, đã thực nghiệm điều này khi ông ấy làm việc trong một văn phòng có khá ít chỗ đỗ xe gần đó. Một chàng trai trong nhóm của ông dường như luôn may mắn tìm thấy những điểm đỗ xe gần văn phòng, trong khi một người khác luôn phải đỗ xe ở xa và đi bộ tới nơi làm việc. Để tìm hiểu lý do tại sao, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một mô hình lý thuyết trò chơi đơn giản để mô phỏng tình huống này. Kết quả nghiên cứu cho thấy nếu ban đầu những người tình cờ tìm thấy chỗ đỗ xe gần nơi làm việc, thì trong những ngày sau đó họ lại tiếp tục tìm kiếm trong một bán kính hẹp. Ngược lại, nếu ban đầu họ không tìm được những chỗ đỗ xe ở gần, họ sẽ bắt đầu tìm kiếm trên một bán kính rộng hơn. Hãy đoán xem ai có được chuỗi may mắn khi tìm kiếm những chỗ đỗ xe gần nơi làm việc? Câu trả lời là những người thực sự đang tìm kiếm chúng (người tìm kiếm trong phạm vi rộng hơn).

Ít nhất trong mô phỏng này, những người đỗ xe đã nhanh chóng xếp bản thân họ vào 1 trong 2 nhóm: may mắn hoặc đen đủi. Sự đánh giá này không liên quan gì đến tính cách hay giới tính, Kirman nói. Điều này có nghĩa là vòng tròn may rủi có thể ảnh hưởng tới bất kỳ ai một cách vô thức. Với quy mô rộng hơn, cuộc đời cũng là một trò chơi tổng bằng 0 như việc đỗ xe vậy, sự đen đủi của chúng ta có thể là may mắn của một ai đó khác – và điều này thật khiến ta phát điên. “Những người đen đủi học cách chọn những chỗ đỗ xe ở xa và để lại những chỗ khác cho người ‘may mắn,’” Kirman nói.

Nếu bạn tin rằng mình may mắn và xuất hiện ở cuộc hẹn với cảm giác tự tin, thoải mái và tích cực, bạn sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt đối tượng hẹn hò.

Tất nhiên, tin vào vận may của bản thân không phải lúc nào cũng tốt. Ví dụ, trong đánh bạc, chuỗi ván may mắn không phải như những gì chúng ta vẫn tưởng. Hãy xem xét trò chơi đánh bạc thể thao trực tuyến. Juemin Xu, một nghiên cứu sinh tại Đại học London, cùng người hướng dẫn của cô ấy, nhà tâm lý học thực nghiệm Nigel Harvey, đã phân tích một cơ sở dữ liệu năm 2010 với 565,910 lần đặt cược bởi 776 tay chơi online. Từ những lần đặt cược này, họ đã phát hiện ra một điều hết sức bất bình thường với quy luật xác suất: Những người đặt cược có khả năng kéo dài chuỗi thắng cược của mình.

Xu cho rằng những chuỗi may mắn đó không phải là phép màu; chúng được tạo ra bởi “ảo tưởng của những tay chơi bạc” – một quan niệm sai lầm nhưng phổ biến rằng vận may của bạn cuối cùng cũng sẽ chấm dứt. Sau một loạt những lần ăn tiền, với suy nghĩ rằng một mất mát là không tránh khỏi, người đặt cược sẽ ngày càng thận trọng hơn, và kết quả là mạch thắng được kéo dài hơn nữa. Thật không may, người chơi thường không kiếm được nhiều tiền từ những chuỗi chiến thắng này; theo thời gian, họ vẫn có xu hướng thua trắng tay. “Chiến lược đánh bạc tốt nhất chính là kiểm soát thiệt hại,” Xu nói.

Nhà tâm lý học Teigen chỉ ra rằng, trong nhiều hoạt động, may mắn đối lập với sự an toàn. Trong một nghiên cứu, ông phát hiện ra rằng những người gặp may thường là những người dám chấp nhận rủi ro nguy hiểm. Ví dụ, một người chơi dù lượn đã kể với Teigen rằng việc thiếu kinh nghiệm đã giúp ông ấy tránh được một vụ tai nạn chết người. Cuối cùng, con đường mưu cầu may mắn bằng cách chấp nhận rủi ro có thể sẽ phản tác dụng, ông ấy nói “Tôi khá cẩn trọng trong việc chúc mọi người may mắn, tôi mong họ có được an toàn hơn là may mắn”.

Vậy nên, có thể bí quyết là tìm những lĩnh vực trong cuộc sống mà bạn vừa có cả may mắn và an toàn. Vào đầu những năm 2000, Wiseman đúc kết lại các công trình nghiên cứu của ông về những người may mắn bằng một tác phẩm mà ông gọi nó là “trường học may mắn”. Trong đó, ông giới thiệu cho những người xui xẻo các bài luyện tập để giúp họ tìm ra những cơ hội thay đổi, tin vào bản năng, chọn một góc nhìn lạc quan và không bị ám ảnh bởi những sai lầm – hay nói cách khác, làm những việc mà người may mắn hay làm. Ông ấy tổng kết lại, sau một tháng, 80% những người không may mắn tham dự lớp học này đã chia sẻ rằng họ cảm thấy may mắn và hạnh phúc hơn.

Một trong những cách đơn giản nhất bạn có thể thực hiện để cải thiện vận may của mình đó là thay đổi mọi thứ (to shake things up). Hãy đánh giá kỹ hơn về trường hợp đỗ xe phía trên. Nếu như bạn chỉ loanh quanh trong khu vực với những chỗ đỗ xe tạm chấp nhận được, bạn sẽ không bao giờ có thể tìm ra những chỗ đỗ xe thật sự tốt. Các thói quen tương tự như vậy có thể được áp dụng ở trường học, ở nhà, hoặc trong các mối quan hệ xã hội của bạn. Đứng trước sự đa dạng, một trong những người tham gia nghiên cứu của Wiseman đã chọn một màu chủ đạo trước khi đi dự tiệc và trong bữa tiệc đó, anh ta giới thiệu bản thân với tất cả những người có trang phục trùng với màu anh ấy chọn. Các thói quen khác nhau sẽ đưa bạn đến những ngã rẽ khác nhau trong cuộc sống.

Điều khó khăn hơn có lẽ là học cách làm thế nào để không bị mắc kẹt trong xui xẻo. Các nghiên cứu đã phát hiện ra những nạn nhân của các vụ tấn công hoặc tai nạn thường băn khoăn về những câu hỏi như “Tại sao lại là tôi?” hoặc “Tôi đã làm gì sai?” Lối tư duy này chỉ thích hợp nếu như nạn nhân có thể học được điều gì đó giúp họ tránh được một tai họa tương tự trong tương lai. Nhưng điều đó thường không xảy ra, các nạn nhân bị bỏ lại cùng với cảm giác ghen tị, tự trách cùng những suy nghĩ vô dụng lan man.

Tuy nhiên, một số loại biến cố rủi ro nhất định – thậm chí cả những biến cố nghiêm trọng – dường như cũng dẫn đến kết quả ngược lại với lối suy nghĩ này. Teigen và các đồng nghiệp của ông đã đọc các cuộc phỏng vấn với 85 du khách người Na Uy, họ là những người đã đi nghỉ cùng gia đình ở Đông Nam Á vào mùa đông năm 2004. Đó là thời điểm trận động đất và sóng thần tàn khốc ập đến, tính mạng của họ và con cái gặp nguy hiểm, kỳ nghỉ Giáng sinh của các gia đình bị hủy hoại. Thật không may, phải không? Vâng, đó không phải là quan điểm của họ. Hai năm sau, 95 phần trăm du khách nói rằng họ đã may mắn sống sót, chứ không hề đen đủi khi vào thời điểm ấy họ đã chọn đi du lịch ở đó. (5 phần trăm còn lại cho biết đó là trong cái rủi có cái may.)

Vậy điều gì quyết định một sự kiện là may mắn hay đen đủi? “Mấu chốt là sự so sánh thiệt hơn giữa thực tế và một tưởng tượng đối lập khác trong não bạn,” Teigen nói. Những người thường đặt câu hỏi “Tại sao lại là tôi?” thường so sánh bản thân kém hơn với những người không bị tấn công hoặc tránh được vụ tai nạn. Trong khi đó, những người may mắn thì lại so sánh bản thân họ với những người có số phận hẩm hiu hơn mình. Cả hai đều là những cách diễn giải hợp lý. Tuy vậy, sự so sánh với những số phận kém hơn mình sẽ giúp bạn duy trì sự lạc quan, dấy lên cảm giác biết ơn, và có cảm giác mình là nhân vật chính may mắn trong câu chuyện cuộc đời. 

Hãy xét đến nhân vật George Bailey trong bộ phim kinh điển It’s a Wonderful Life (Tạm dịch: Một cuộc sống tuyệt vời). Trong bộ phim này, George đã tìm lại được tình yêu cuộc sống sau khi một thiên thần chỉ cho anh ta thấy thế giới sẽ như thế nào nếu anh không được sinh ra. Trong một nghiên cứu vào năm 2008, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những đối tượng nghiên cứu khi trải qua một quá trình nhận thức tương tự – suy nghĩ về một thực tại đối lập trong đó các sự kiện tích cực như gặp được người bạn đời của mình không bao giờ xảy ra – sẽ cảm thấy “một chút hạnh phúc hơn” những đối tượng chỉ nghĩ đến các sự kiện tích cực đã trải qua. Cảm giác hạnh phúc mà chính bạn cũng bất ngờ vì những điều tốt đẹp có thể đến với mình được các nhà tâm lý đặt tên là “Hiệu ứng George Bailey.” 

Khi cuộc sống trở nên khó khăn, việc duy trì niềm tin vào may mắn có vẻ như là một sự vô bổ. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học tin rằng niềm tin này có thể tạo ra phép màu giúp chúng ta hàn gắn vết thương và mang cho ta một cơ hội khác đến thành công, bất kể chúng ta thoát khỏi vụ đánh bom hay vừa trải qua một cuộc hẹn hò tồi tệ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất