Năm 2007, Gary Rivlin đăng tải trên tờ New York Times hồ sơ tổng hợp về những người thành đạt tại Silicon Valley. Một trong số họ, Hal Steger, sống với vợ trong căn biệt thự triệu đô nhìn thẳng ra Thái Bình Dương, sở hữu khối tài sản ước tính 3.5 triệu đô la. Giả định lợi nhuận thu về ở mức 5%, Steger và vợ có thể rút tiền, đầu tư, và sống dư dả nốt quãng đời còn lại với thu nhập thụ động hằng năm lên đến 175.000 đô la. Nhưng thay vào đó, Rivlin viết, “Mỗi sáng, [Steger] thường ngồi vào bàn làm việc từ lúc 7 giờ. Ông làm việc 12 giờ mỗi ngày và làm thêm 10 giờ vào cuối tuần.” Steger, lúc đó đã 51 tuổi, hoàn toàn nhận thức được về sự “ngược đời” này: “Tôi biết người ngoài khi nhìn vào sẽ hỏi vì sao một người như tôi lại cố gắng làm việc nhiều đến vậy,” ông nói với Rivlin. “Nhưng một vài triệu đô-la không còn tạo ra nhiều sự khác biệt như trước đây.”
Steger hẳn muốn đề cập đến những tác động bào mòn của lạm phát lên giá trị đồng tiền, nhưng dường như ông không nhận thức được tâm lý của chính bản thân mình đã bị ảnh hưởng bởi sự giàu có ra sao. “Thung lũng Silicon là mảnh đất của tầng lớp lao động triệu phú,” Rivlin viết, “những người giống như Steger: làm việc quần quật một cách đáng ngạc nhiên ngay cả khi biết mình là một trong số ít những người giàu có may mắn. Nhưng đa số những thành phần đầy tham vọng của giới thượng lưu kỷ nguyên số vẫn không nghĩ mình may mắn, một phần vì được bao quanh bởi những người nắm giữ nhiều tài sản hơn họ – và thường là hơn rất nhiều.”
Sau khi phỏng vấn một số giám đốc điều hành cho bài viết của mình, Rivlin kết luận: “những triệu phú đô-la thường thấy tài sản họ tích lũy được chỉ phản ánh tình trạng tài chính khiêm tốn của mình trong Thời đại Vàng son mới, chẳng thấm vào đâu so với khối tài sản lớn hơn nhiều của hàng trăm ngàn người khác.” Gary Kremen là một ví dụ điển hình. Với khối tài sản ròng ước tính khoảng 10 triệu đô-la, người sáng lập Match.com hiểu được cái bẫy mình đang mắc phải: “Những người ở đây nhìn vào kẻ đứng trên họ,” ông nói. “Với 10 triệu đô la trong tay, bạn chẳng là ai cả.” Nếu 10 triệu đô la không đủ để bạn là một ai đó, vậy thì bao nhiêu là đủ?
Giờ bạn có thể nghĩ rằng, “Kệ xác những kẻ giàu có và đống chuyên cơ riêng đó đi.” Tốt thôi. Nhưng đây là sự thật: những kẻ này thật sự thảm hại. Thật vậy. Họ làm việc như điên để tới được vị trí hiện tại – và sở hữu khối tài sản nhiều hơn 99.999 phần trăm những người đã từng sống trong lịch sử – nhưng luôn luôn cho rằng vậy là chưa đủ. Nếu không thay đổi cách tiếp cận cuộc sống, họ sẽ không bao giờ đạt được những tham vọng vô bờ của mình. Và nếu một ngày kia ý niệm về cảnh sống vô nghĩa của bản thân chợt phủ bóng lên họ như một buổi bình minh tăm tối, họ cũng sẽ chẳng nhận được nhiều sự cảm thông từ gia đình và bạn bè.
Tuy nhiên, nếu như tôi nói rằng đa số những kẻ giàu có khốn nạn không phải do sinh ra mà là được tạo nên? Nếu như thói lạnh lùng thường bị gán cho tầng lớp thượng lưu – hãy tạm gọi là Hội chứng Người giàu Khốn nạn (Rich Asshole Syndrome) – không phải là kết quả của việc được nuôi dưỡng bởi những bà vú nuôi hậm hực, quá nhiều lớp học chèo thuyền, hoặc món trứng cá tầm được lặp đi lặp lại trong mỗi bữa ăn, mà đến từ nỗi thất vọng chồng chất khi không thể cảm thấy thỏa mãn cho dù bản thân may mắn bao nhiêu? Chúng ta được dạy rằng người có nhiều vật chất nhất là kẻ chiến thắng, rằng tiền bạc đại diện cho điểm số trên bảng tổng sắp của cuộc đời. Nhưng nếu câu chuyện đã nghe đến nhàm tai nói trên chỉ là một khía cạnh khác của trò lừa đảo đã giăng bẫy tất cả chúng ta thì sao?
Từ aislar trong tiếng Tây Ban Nha hàm ý về cả sự “cách ly” và “cô lập,” những gì chúng ta thường làm khi có nhiều tiền hơn. Chúng ta mua xe hơi để không còn phụ thuộc vào xe buýt. Chúng ta rời khỏi căn hộ, nơi có những người hàng xóm ồn ào, để chuyển đến một ngôi nhà kín cổng cao tường. Chúng ta ở trong những khách sạn đắt tiền, yên tĩnh hơn là những nhà khách náo nhiệt mà trước kia ta thường lui tới. Chúng ta sử dụng tiền để cách ly bản thân khỏi những rủi ro, ồn ào hay khó chịu. Nhưng cái giá của cách ly chính là sự cô lập. Sự thoải mái ngăn cách chúng ta khỏi những tiếng cười mới lạ, nguồn không khí trong lành và những tương tác ngẫu nhiên với người lạ. Các nhà nghiên cứu đã hết lần này đến lần khác kết luận rằng cảm giác được gắn kết trong một cộng đồng chính là chỉ dấu quan trọng nhất của một cuộc sống hạnh phúc. Trong những năm 1920, khoảng 5 phần trăm người Mỹ sống một mình. Ngày nay, hơn một phần tư dân số sống độc thân – con số cao nhất từ trước đến nay theo Cục Điều tra Dân số. Trong khi đó, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm đã tăng hơn 400% chỉ trong hai mươi năm qua, và lạm dụng thuốc giảm đau đã và đang trở thành dịch bệnh. Tương quan không đồng nghĩa với nhân quả, nhưng những xu hướng đó không hoàn toàn không liên quan đến nhau. Có lẽ đây là thời điểm để ta đặt câu hỏi về những khát vọng không thể bị chất vấn trước đây, chẳng hạn như sự thoải mái, giàu có và quyền lực.
Lần đầu tiên tôi nhận ra mình cũng là một tên khốn giàu có là ở Ấn Độ. Tôi đã du lịch ở đó được một vài tháng, và phớt lờ gần như hoàn toàn những kẻ ăn xin. Là dân New York thứ thiệt, tôi đã quen với việc làm ngơ trước những người trưởng thành và tâm thần khốn khổ, nhưng gặp khó khi phải chứng kiến nhóm những đứa trẻ tụ tập ngay cạnh bàn ăn tại các nhà hàng trên phố và nhìn chằm chằm vào đĩa thức ăn của tôi. Khi phục vụ đến bàn đuổi chúng đi, bọn trẻ sẽ chạy ra ngoài đường và quan sát từ đó – chờ đợi tôi rời khỏi sự canh gác của người bồi bàn để mang cho chúng một ít đồ thừa.
Ở New York, tôi thủ sẵn những cơ chế tâm lý để chống chọi với sự tuyệt vọng tôi thấy trên đường phố. Tôi tự nhủ rằng đã có những dịch vụ xã hội dành cho người vô gia cư, rằng họ sẽ chỉ sử dụng tiền của tôi để mua ma túy hoặc rượu, và hoàn cảnh của họ là do tự chuốc họa vào thân. Nhưng tôi không thể áp dụng những cơ chế đó với những đứa trẻ Ấn Độ này. Không có chỗ cho chúng trú thân. Tôi thấy chúng ngủ trên đường phố đêm, rúc vào nhau để sưởi ấm như những chú cún con. Chúng sẽ không tiêu tiền của tôi một cách không chính đáng. Chúng thậm chí còn chẳng xin tiền. Chúng chỉ nhìn chằm chằm vào thức ăn của tôi bằng ánh mắt của những sinh vật đói khát. Và cơ thể hốc hác của chúng là bằng chứng rõ ràng đến đau lòng, rằng chúng không hề giả bộ.
“Vấn đề đi ra từ chính sự bất bình đẳng: Nó dẫn đến những phản ứng tự nhiên của một số ít người có quyền lực. Và nó làm thay đổi cách suy nghĩ của họ.” – Michael Lewis.
Có một vài lần, khi tôi mua cho bọn trẻ một tá bánh samosa, số thức ăn đó bay biến trong tích tắc, và một đám trẻ còn đông hơn (thậm chí có cả người lớn) quây lại tôi với những bàn tay chìa sẵn, cố gắng chạm vào tôi, tìm kiếm ánh nhìn và cầu xin. Tôi biết những con số có ý nghĩa gì. Với những gì đã chi cho tấm vé một chiều từ New York đến New Delhi, tôi đã có thể giúp một vài gia đình thoát cảnh nợ nần sẽ kìm hãm họ qua nhiều thế hệ. Với số tiền bỏ ra cho các nhà hàng ở New York năm ngoái, tôi có thể giúp vài đứa trẻ đến trường. Và chết tiệt, với số tiền dự tính cho một năm đi du lịch Châu Á, tôi hoàn toàn có thể xây nguyên một trường học.
Tôi ước có thể nói rằng mình đã làm một trong những điều trên, nhưng không. Thay vào đó, tôi tự khiến mình chai lì trước những tình huống như vậy. Tôi học cách ngừng suy nghĩ về những điều tôi nhẽ ra có thể làm nhưng không bao giờ thực hiện. Tôi ngừng bày ra những vẻ mặt gợi ý về sự cảm thông. Tôi học cách bước qua các thân thể trên đường phố – đã chết hoặc đang ngủ – mà không mảy may nhìn xuống. Tôi đã học được cách làm những điều này bởi vì tôi phải làm như vậy – hay ít nhất, đó là điều tôi tự nhủ với bản thân. Một kẻ giàu khốn nạn điển hình.
Nghiên cứu của Stéphane Côté và các đồng nghiệp tại Đại học Toronto xác nhận rằng người giàu kém hào phóng hơn người nghèo, nhưng phát hiện của họ chỉ ra nguyên nhân của sự keo kiệt này không đơn thuần đến từ sự giàu sang. Thay vào đó, khoảng cách từ sự khác biệt về tài sản dường như mới là nhân tố phá vỡ lòng tốt tự nhiên của con người. Côté nhận thấy rằng “những người có thu nhập cao hơn chỉ ít hào phóng hơn nếu họ sống ở một khu vực bất bình đẳng, hoặc khi sự bất bình đẳng được mô tả là tương đối cao trong thực tế.” Người giàu có thể hào phóng như bất kì người nào khác khi bất bình đẳng ở mức độ thấp. Người giàu ít hào phóng khi bất bình đẳng lên đến cực đoan, một phát hiện thách thức quan niệm cho rằng người nào có thu nhập càng cao thì càng ích kỷ. Nếu người cần được giúp đỡ không có vẻ gì quá khác biệt so với chúng ta, có thể ta sẽ giúp họ. Nhưng nếu họ có vẻ quá khác biệt (về mặt văn hóa, kinh tế), ta sẽ ngần ngại hơn khi giúp họ.
Khoảng cách giàu nghèo, như rất nhiều khoảng cách khác mang chúng ta cách xa nhau, chỉ mới gia nhập cuộc sống của con người sau sự ra đời của nông nghiệp, và tiếp đó là các nền văn minh phân cấp. Đây là lý do tại sao tâm hồn bạn khó cho phép bạn phớt lờ những đứa trẻ đói khát đang đứng đủ gần để ngửi được mùi cà ri từ đĩa ăn của bạn. Bạn phải kìm lại tiếng nói bên trong đang kêu gọi công lý và công bằng. Chính việc phớt lờ tiếng kêu khẩn thiết từ ngàn xưa này đã buộc ta trả giá bằng sức khỏe tâm lý của chính mình.
Gần đây, một người bạn giàu có nói với tôi, “Nói “có” giúp bạn thành công, nhưng nói “không” nhiều lần mới giúp bạn giữ được thành công ấy.” Nếu bạn được xem như giàu có hơn những người xung quanh, bạn sẽ phải nói “không” rất nhiều. Bạn sẽ liên tục gặp các yêu cầu, đề nghị, hay cầu xin – cho dù bạn đang ngồi cà phê Starbucks ở Thung lũng Silicon hay một ngõ phố Calcutta. Với loài người, việc từ chối những yêu cầu giúp đỡ chân thành không xảy đến một cách tự nhiên. Các nhà thần kinh học Jorge Moll, Jordan Grafman và Frank Krueger thuộc Viện Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Quốc gia đã sử dụng máy fMRI để chứng minh rằng lòng vị tha gắn bó chặt chẽ với bản chất con người. Nghiên cứu của họ cho thấy sự hài lòng sâu sắc mà hầu hết mọi người có được từ các hành vi vị tha không đến từ nền văn hóa rộng lượng, mà từ cấu trúc đã tiến hóa của bộ não con người.
Nghiên cứu này ghi nhận rằng khi các tình nguyện viên đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích bản thân, một phần nguyên thủy của não thường liên quan đến thức ăn hoặc tình dục được kích hoạt. Khi các nhà nghiên cứu đo hoạt động của dây thần kinh phế vị1 (một chỉ số về cảm giác an toàn và điềm tĩnh) ở 74 trẻ mẫu giáo, họ phát hiện ra rằng những đứa trẻ mà trước đó đã tặng đồ chơi cho trẻ bệnh tật cho ra kết quả tốt hơn nhiều so với những đứa giữ lại tất cả đồ chơi của mình. Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Jonas Miller, nói rằng kết quả nghiên cứu gợi ý rằng “não bộ chúng ta có thể đã được lập trình từ bé để có được cảm giác an toàn từ việc chăm sóc cho người khác.” Nhưng Miller và các đồng nghiệp đồng thời tìm ra rằng bất kỳ khuynh hướng từ thiện bẩm sinh nào đều bị ảnh hưởng bởi các chỉ dấu xã hội. Trẻ em từ các gia đình giàu có được ghi nhận san sẻ ít đồ chơi hơn so với trẻ em từ các gia đình khó khăn.
Nhà tâm lý học Dacher Keltner và Paul Piff đã theo dõi các giao lộ với biển báo dừng bốn chiều, và phát hiện rằng tài xế trong những chiếc xe đắt tiền có xu hướng tạt đầu người khác cao gấp bốn lần so với người điều khiển những phương tiện có giá trị khiêm tốn hơn. Khi các nhà nghiên cứu đóng giả là người đi bộ chờ sang đường, tất cả tài xế trong những chiếc xe giá rẻ đều tôn trọng người bộ hành, trong khi chỉ có 46,2% người ngồi trong những chiếc xe đắt tiền tuân thủ điều này, ngay cả khi họ đã nhìn thấy những người đang chờ băng qua phía bên kia. Các nghiên cứu khác của nhóm cũng cho thấy các đối tượng giàu có có nhiều khả năng gian lận hơn trong một công việc hoặc một trò chơi. Ví dụ, Keltner tìm ra rằng người giàu có nhiều khả năng tuyên bố họ đã thắng một trò chơi trên máy tính – mặc dù trò chơi đã được lập trình để người chơi không thể chiến thắng. Họ còn có nhiều khả năng nói dối trong các cuộc đàm phán và bào chữa cho hành vi phi đạo đức tại nơi làm việc, như việc nói dối khách hàng để kiếm thêm tiền. Khi Keltner và Piff để một lọ kẹo ở lối vào phòng thí nghiệm kèm theo một chỉ dẫn cho biết bất cứ viên kẹo nào còn sót lại sẽ được chia cho trẻ em ở một trường học gần đó, họ phát hiện ra rằng những người giàu có đã lấy của các em nhiều kẹo hơn bất kì ai.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Tâm thần New York đã khảo sát 43.000 người và nhận ra rằng những người giàu có nhiều khả năng đi ra khỏi cửa hàng với hàng hóa chưa được thanh toán hơn là những người nghèo. Những phát hiện kiểu này (và hành vi của những lái xe tại các giao lộ) có thể phản ánh thực tế rằng người giàu ít lo lắng hơn về những hậu quả pháp lý tiềm ẩn. Nếu bạn biết mình có đủ khả năng tại ngoại và thuê một luật sư giỏi, vượt đèn đỏ hay nhón một thanh Snickers có vẻ ít rủi ro hơn. Nhưng sự ích kỷ còn đi xa hơn những thứ như vậy. Một liên minh các tổ chức phi lợi nhuận có tên Khu vực Độc lập cho thấy, trung bình, người có thu nhập dưới 25.000 đô la mỗi năm thường cho đi hơn 4% thu nhập của họ, trong khi những người kiếm được hơn 150.000 đô la chỉ dành ra 2,7% (mặc dù người giàu có thể nhận các lợi ích về thuế từ việc từ thiện mà những người kiếm được ít hơn không hề nhận được).
Có lý do để tin rằng làm ngơ trước sự đau khổ của người khác là một sự thích nghi về mặt tâm lý với những khó chịu gây ra bởi chênh lệch giàu nghèo cực độ. Michael W. Kraus và các đồng nghiệp nhận thấy rằng những người có địa vị kinh tế xã hội cao hơn thường ít khi đọc được cảm xúc qua biểu cảm của người khác. Không phải do họ ít để ý hơn đến điều những khuôn mặt đó truyền đạt; họ chỉ đơn giản là không nhận ra các tín hiệu. Và Keely Muscatell, một nhà thần kinh học tại Đại học California – Los Angeles, đã phát hiện rằng bộ não của người giàu cho thấy ít hoạt động hơn nhiều so với bộ não của người nghèo khi họ xem những bức ảnh của trẻ em bị ung thư.
Những cuốn sách như Snakes in Suits: When Psychopaths Go to Work (tạm dịch: Rắn độc mặc com-lê: Khi Thái nhân cách đi làm; 2007) và The Psychopath Test (tạm dịch: Bài kiểm tra thái nhân cách; 2011) lập luận rằng rất nhiều đặc tính thường gặp ở những kẻ thái nhân cách lại được tôn vinh trong kinh doanh: sự tàn nhẫn, thiếu vắng lương tâm xã hội, và sự tập trung trí lực cho “thành công.” Dù những kẻ tâm thần có thể là mảnh ghép hoàn hảo cho những công việc sinh lời, tôi muốn bàn đến những khía cạnh khác ở đây. Vấn đề không chỉ là những người vô tâm có nhiều khả năng trở nên giàu có hơn. Tôi muốn nói rằng trở nên giàu có có thể gặm mòn bất cứ trái tim nào. Nói cách khác, tôi tin rằng có khả năng những đối tượng giàu có tham gia vào nghiên cứu của Muscatell đã học được cách bớt lo lắng hơn khi nhìn hình ảnh những đứa trẻ bị bệnh bởi kinh nghiệm làm người giàu – giống như khi tôi học cách bỏ qua những đứa trẻ đói khát ở Rajasthan để có thể thoải mái tiếp tục kỳ nghỉ của mình.
Trong bài tiểu luận “Extreme Wealth is Bad for Everyone – Especially the Wealthy,” (tạm dịch: Siêu giàu hại tất cả – đặc biệt là người giàu), Michael Lewis lập luận, “Dường như vấn đề không phải là việc những người nằm ở phía dễ chịu của sự bất bình đẳng chấp nhận những khiếm khuyết về mặt đạo đức, thứ đã mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh trong thị trường. Vấn đề nằm ở chính sự bất bình đẳng: Nó dẫn đến những phản ứng tự nhiên của một số ít người có quyền lực. Và nó làm thay đổi cách suy nghĩ của họ. Điều đó khiến họ ít quan tâm đến bất cứ ai ngoài bản thân hoặc có những trải nghiệm đạo đức cần thiết để trở thành một công dân tử tế.”
Cuối cùng, mất đi sự thấu cảm đồng nghĩa với tự hoại. Nó dẫn đến sự cô lập xã hội, có liên quan mật thiết đến các sa sút về sức khỏe, bao gồm đột quỵ, đau tim, trầm cảm, và mất trí nhớ.
Trong một nghiên cứu ưa thích của tôi, Keltner và Piff đã quyết định điều chỉnh trò chơi Cờ tỷ phú. Các nhà tâm lý học đã cơ cấu trò chơi từ đầu để một người chơi có lợi thế lớn hơn nhiều so với người khác. Họ thực hiện nghiên cứu trên hơn một trăm cặp mẫu thử, tất cả đều được đưa vào phòng thí nghiệm, nơi người tham gia tung đồng xu để xác định ai là người “giàu” và người “nghèo” trong trò chơi. Người chơi “giàu” sẽ bắt đầu với số tiền gấp đôi, thu được gấp đôi số tiền mỗi lần họ đi vòng quanh bảng, và được lăn hai viên xí ngầu thay vì một viên. Không có lợi thế nào trong số này bị che giấu khỏi người chơi. Đôi bên đều nhận thức rõ sự bất công của luật chơi. Nhưng kể cả vậy, những người “thắng” trong các trò chơi đều cho thấy dấu hiệu của Hội chứng Người giàu Khốn nạn. Họ hay thể hiện các hành vi đàn áp như đập bàn ăn mừng, lớn tiếng tôn vinh kỹ năng siêu việt của họ, thậm chí ăn nhiều bánh quy hơn từ một cái bát đặt gần đó.
Sau 15 phút, các nhà thí nghiệm yêu cầu người chơi thảo luận về trải nghiệm của họ. Khi những người chơi giàu nói về lý do chiến thắng, họ tập trung miêu tả các chiến lược tuyệt vời của bản thân hơn là thực tế toàn bộ trò chơi đã bị gian lận để khiến thua là điều không thể. “Điều chúng tôi ghi nhận được từ hàng chục nghiên cứu và hàng ngàn người tham gia trên khắp đất nước này,” Piff nói, “là khi mức độ giàu có của một người tăng lên, cảm giác từ bi và đồng cảm của họ giảm xuống, và cảm giác về quyền lợi, sự xứng đáng, và tư tưởng về lợi ích cá nhân tăng lên.”
Tất nhiên, xu hướng này cũng có những ngoại lệ. Nhiều người giàu đủ khôn ngoan để nhìn thấy những cám dỗ mà vận may của họ mang lại thay vì rơi vào cái bẫy của Hội chứng Người giàu Khốn nạn – nhưng những người như vậy rất hiếm, và đa số họ có gốc gác bình dân. Có lẽ, việc thấu hiểu về những tác động nguy hiểm của sự giàu có giải thích tại sao một số người có khối cơ đồ khổng lồ đã thề không để lại tài sản cho con cháu. Một số tỷ phú, bao gồm Chuck Feeney, Bill Gates và Warren Buffett, cam kết sẽ cho đi tất cả hoặc hầu hết số tiền của họ trước khi chết. Buffet nói rằng ông có ý định để lại cho con mình khối tài sản “đủ để làm bất kì điều gì, nhưng không đủ để không làm gì cả.” Quan điểm tương tự cũng được thể hiện giữa những người theo sau trong bảng xếp hạng triệu phú. Theo một bài báo trên CNBC.com, Craig Wolfe, chủ sở hữu của CelebriDucks, nhà sản xuất vịt cao su lớn nhất, dự định sẽ mang hàng triệu đô-la để làm từ thiện, một điều đáng kinh ngạc – nhưng không gây bất ngờ bằng việc ai đó làm ra hàng triệu đô-la từ việc bán vịt cao su sưu tập.
Bạn có biết ai đó mắc hội chứng này không? Có thể họ vẫn còn thuốc chữa. Nhóm nghiên cứu của Robb Willer thuộc Đại học California – Berkeley đã thực hiện các nghiên cứu mà trong đó, người tham gia được nhận tiền mặt và hướng dẫn chơi các trò chơi có độ phức tạp khác nhau để mang lại “lợi ích cho cộng đồng.”
Những người chơi thể hiện sự hào phóng lớn nhất nhận được nhiều sự tôn trọng và hợp tác hơn từ đồng nghiệp, và có ảnh hưởng xã hội to lớn hơn. “Kết quả cho thấy rằng bất cứ ai chỉ hành động vì lợi ích cá nhân hẹp hòi sẽ bị xa lánh, thiếu tôn trọng, thậm chí bị ghét bỏ,” Willer nói. “Còn những người cư xử hào phóng với người khác thường được đồng nghiệp đánh giá cao và từ đó nâng cao địa vị bản thân.” Keltner và Piff đã nhìn thấy điều tương tự: “Chúng tôi đã tìm thấy trong các nghiên cứu tại phòng lab rằng những can thiệp tâm lý nhỏ, những thay đổi nhỏ về hệ giá trị, hay những cú huých nhẹ theo một vài hướng nhất định có thể khôi phục cảm giác về sự bình đẳng và thấu cảm,” Piff cho biết. “Ví dụ, nhắc nhở mọi người về lợi ích của sự hợp tác, hoặc lợi thế của cả cộng đồng, khiến những người giàu có cũng mang tư tưởng bình đẳng như người nghèo.” Trong một nghiên cứu, họ đã cho các đối tượng xem một đoạn video ngắn chỉ dài 46 giây về những đứa trẻ nghèo đói. Sau đó, họ kiểm tra mức độ mà người tham gia sẵn sàng giúp đỡ một người lạ mặt có vẻ đang gặp nạn trong phòng thí nghiệm. Một giờ sau khi xem video, những người giàu có tỏ ra sẵn sàng giúp đỡ người khác như những đối tượng nghèo. Piff tin rằng những kết quả này cho thấy “những sự khác biệt này không phải là bẩm sinh hay mang tính phân loại, mà có thể được uốn nắn dễ dàng bằng những thay đổi nhỏ trong hệ giá trị của mỗi người hay những cú huých nhẹ khơi dậy lòng trắc ẩn và sự thấu cảm.”
Phát hiện của Piff đã củng cố những bài học được truyền qua ngàn đời bởi các thế hệ tổ tiên của chúng ta, những người phải phụ thuộc vào việc phát triển các mạng lưới xã hội tương thân tương ái để sinh tồn. Sự ích kỷ, họ hiểu, chỉ dẫn đến cái chết: trước là về mặt xã hội và sau là về mặt sinh học. Trong khi những người ủng hộ học thuyết tân Hobbes2 chật vật để giải thích làm thế nào mà lòng vị tha của con người tồn tại, các nhà khoa học khác đặt câu hỏi về tiền đề của quan điểm này, rằng liệu có bất kỳ lợi ích nào cho bản tính ích kỷ. “Xét thấy sự hào phóng mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích,” Robb Willer nói, “các nhà khoa học xã hội ngày càng ít thắc mắc về việc tại sao chúng ta lại hào phóng, và tự hỏi nhiều hơn vì sao chúng ta lại ích kỷ.”
Hàng thập kỷ truyền bá thông điệp “tham lam là tốt” đã loại bỏ cảm giác xấu hổ của những người hưởng lợi từ sự bất bình đẳng cực đoan. Tuy nhiên, sự xấu hổ vẫn đọng lại, vì thông điệp chạm đến một trong những giá trị bẩm sinh sâu sắc nhất của loài người. Các tổ chức tìm cách biện minh cho hệ thống kinh tế, mà bản chất là chống lại loài người, liên tục rao giảng thông điệp rằng chiến thắng trò chơi tiền bạc sẽ mang lại sự hài lòng và hạnh phúc. Nhưng chúng ta đã có khoảng 300.000 năm kinh nghiệm từ tổ tiên để biết rằng mọi sự không đơn giản như vậy. Sự ích kỷ có thể cần thiết cho nền văn minh, nhưng điều đó chỉ đặt ra câu hỏi: liệu một nền văn minh lạc nhịp với bản chất tiến hóa của chúng ta có ý nghĩa đối với những người sống trong nền văn minh đó hay không.
Dây thần kinh phế vị, hay còn được biết đến là dây thần kinh số 10 hoặc dây thần kinh X, là dây thực vật phó giao cảm lớn nhất của cơ thể, chi phối vận động, cảm giác hầu hết các phủ tạng ở ngực và ổ bụng (tim, phổi, tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục).↩
Học thuyết tân Hobbes, do nhà triết học người Anh Thomas Hobbes sáng lập, có nhiều ảnh hưởng lên các trường phái khác nhau, dựa trên một giả định cho rằng bản chất con người là ích kỉ và sống vì lợi ích cá nhân.↩