Làm thế nào bạn biết ngày mai thời tiết sẽ ra sao? Làm thế nào bạn biết Vũ trụ này bao nhiêu tuổi? Làm thế nào bạn biết mình có đang suy nghĩ hợp lý?
Những câu hỏi bằng cụm từ “Làm thế nào bạn biết?” như trên chính là đối tượng nghiên cứu của nhận thức luận (hay tri thức luận, tiếng Anh: epistemology), một chuyên ngành triết học tìm hiểu về bản chất của tri thức và niềm tin.
Nhận thức luận tìm hiểu làm thế nào chúng ta biết một điều gì đó đúng như nó thực là, bất kể đó là một vấn đề thực tế như “Trái Đất đang ấm lên,” hay là vấn đề về giá trị đạo đức như “không nên xem con người chỉ như những phương tiện để đạt được các mục đích cụ thể.”
Thậm chí là cả việc chất vấn một bài đăng kỳ quặc trên Twitter của tổng thống để xác định độ tin cậy của nó.
Nhận thức luận không chỉ đặt ra những câu hỏi về việc chúng ta nên làm gì để khám phá ra mọi thứ; ở một mức độ nào đó, đây là nhiệm vụ của tất cả các ngành nghiên cứu. Ví dụ, khoa học, lịch sử và nhân chủng học đều có những phương pháp nghiên cứu riêng.
Nhận thức luận có nhiệm vụ đưa chính những phương pháp nghiên cứu đó trở thành đối tượng nghiên cứu. Nó nhằm mục đích tìm hiểu bằng cách nào mà các phương pháp điều tra có thể được coi là những nỗ lực có lý trí.
Do đó, nhận thức luận gắn liền với việc xác minh những kết luận về tri thức.
Sự cần thiết của nhận thức luận
Cho dù ở trong lĩnh vực nào, một số người trong chúng ta cho rằng niềm tin về thế giới được hình thành một cách máy móc từ những lập luận đơn giản, hoặc những niềm tin đó bỗng dưng xuất hiện một cách hoàn chỉnh như là kết quả của những nhận thức rõ ràng và tường minh về thế giới.
Nhưng nếu nhận thức là một quá trình đơn giản như vậy, thì tất cả chúng ta đã đạt được sự đồng thuận về một loạt vấn đề mà chúng ta vẫn còn đang tranh cãi – chẳng hạn như cách con người đối xử với nhau, hay giá trị mà chúng ta đặt lên môi trường, và vai trò tối ưu của chính phủ trong xã hội.
Và chính việc không đạt được sự đồng thuận như vậy cho thấy mô hình hình thành niềm tin đó có điều gì không ổn.
Điều thú vị là mọi người thường có xu hướng tự cho mình là người có suy nghĩ sáng suốt còn những người bất đồng ý kiến với mình thì sai lầm. Chúng ta cho rằng những ấn tượng về thế giới đến với mình một cách trong trẻo và nguyên bản. Và chúng ta còn nghĩ mình có khả năng hiểu được mọi thứ đúng như chúng thực là.
Do đó, chúng ta có thể nghĩ rằng công việc của mình chỉ đơn giản là chỉ ra thiếu sót trong suy nghĩ của người khác, thay vì tham gia vào một cuộc đối thoại dựa trên lý lẽ, chấp nhận khả năng rằng chúng ta thực sự có thể sai.
Tuy nhiên, những bài học về triết học, tâm lý học và khoa học nhận thức lại dạy chúng ta điều ngược lại. Các quá trình cơ bản, phức tạp tạo nên và dẫn dắt lý luận của chúng ta không hoàn toàn trong sáng về phương diện lâm sàng.
Chúng ta không chỉ chìm trong một chuỗi rắc rối đáng kinh ngạc của các khuynh hướng cảm xúc và thiên kiến nhận thức, mà về cơ bản chúng ta còn không hay biết gì về vai trò của chúng trong quá trình suy nghĩ và đưa ra quyết định của mình.
Hãy kết hợp sự thiếu hiểu biết này với sự tin chắc về tính ưu việt của nhận thức của bản thân mỗi chúng ta, và bạn có thể bắt đầu thấy được tầm quan trọng của vấn đề. Vin vào “lẽ thường” (“common sense”) không thể giải quyết được sự xung đột của những quan điểm trái chiều.
Vì vậy, chúng ta cần một phương thức có hệ thống để chất vấn suy nghĩ, thẩm định những mô hình suy luận, và xác minh nhận thức của chúng ta về những gì tạo nên lý lẽ đúng đắn. Phương thức này có thể được sử dụng như một tiêu chuẩn khách quan hơn để đánh giá lẽ phải trái của các ý kiến công khai
Đây chính xác là nhiệm vụ của nhận thức luận.
Nhận thức luận và tư duy phản biện
Một trong những cách rõ ràng nhất để hiểu về tư duy phản biện chính là vận dụng phương tiện nhận thức luận. Bản chất của suy luận logic là gì, tại sao chúng ta nên chấp nhận lập luận này mà không phải lập luận khác, và làm thế nào chúng ta nhận thức được bản chất và đóng góp của bằng chứng đối với việc đưa ra quyết định, tất cả những vấn đề này chắc chắn đều nằm trong mối quan tâm của nhận thức luận.
Triết gia người Mỹ Harvey Siegel chỉ ra rằng giáo dục hướng tới tư duy phản biện cần đặt ra những câu hỏi như:
Những tiêu chuẩn nào được dùng để đánh giá các suy luận? Bản thân những tiêu chuẩn đó được thẩm định như thế nào? Điều gì đánh giá một niềm tin hay một hành động là đúng đắn? Mối quan hệ giữa biện giải và sự thật là gì? […] Những vấn đề trên của nhận thức luận là nền tảng để xây dựng hiểu biết đầy đủ về tư duy phản biện, và chúng cần phải được quan tâm một cách thỏa đáng trong những khoá học cơ bản về tư duy phản biện.
Khi tư duy phản biện tập trung vào việc phân tích và thẩm định các phương pháp điều tra cũng như định ước độ tin cậy của kết quả, thì nó được coi là một quá trình tư duy nhận thức luận.
Suy tư sâu xa hơn về bản chất của lập luận lý tính cũng có thể giúp chúng ta đánh giá những khẳng định mà thậm chí không cần đến kiến thức chuyên môn.
Ví dụ, nhận thức luận có thể làm sáng tỏ những khái niệm như “chứng minh,” “giả thuyết,” “quy luật” và “giả định,” vốn là những khái niệm mà đại chúng và thậm chí cả một số nhà khoa học đang hiểu một cách sơ sài.
Trên phương diện này, nhận thức luận không phải để đánh giá độ tin cậy của khoa học, mà để hiểu rõ ràng hơn khả năng và giới hạn của khoa học, vì thế nó giúp cho kiến thức khoa học trở nên dễ tiếp cận hơn.
Nhận thức luận và lợi ích cộng đồng
Một trong những di sản bền vững của Kỷ nguyên Khai sáng, một phong trào trí thức bắt đầu vào thế kỷ XVII ở châu Âu, là sự cam kết đối với lý trí công cộng (public reason). Đây là ý tưởng cho rằng việc chỉ nêu lên quan điểm là không đủ, mà bạn còn phải đưa ra được các bằng chứng hợp lý giải thích tại sao những người khác nên đứng về phía bạn. Nói cách khác, bạn vừa phát biểu và vừa phải tiến hành đánh giá một lý lẽ.
Cam kết này tạo tiền đề, hoặc ít nhất là giúp hình thành một phương pháp khách quan để đánh giá các tuyên bố dựa trên các tiêu chuẩn của nhận thức luận, mà tất cả chúng ta đều có thể chung tay tạo nên.
Việc chúng ta kiểm tra tư duy của nhau và hợp tác để đi đến các tiêu chuẩn về độ tin cậy của tri thức có thể nâng nghệ thuật biện chứng vượt lên trên giới hạn trí tuệ của một cá nhân, và đưa nó tiến vào địa hạt trí tuệ tập thể của những cộng đồng nghiên cứu sâu sắc và hiệu quả.
Sự chân thành trong niềm tin của một cá nhân, cường độ hoặc tần suất mà niềm tin đó được nhắc đi nhắc lại, hay những lời cam đoan như “hãy tin tôi,” đều không nên được xem như một sự thuyết phục có lý trí.
Nếu như một tuyên bố cụ thể không thoả mãn những tiêu chuẩn nhận thức luận đã được công nhận công khai, thì bản chất của chủ nghĩa hoài nghi1 sẽ phủ nhận niềm tin này, còn chấp nhận nó là bản chất của sự cả tin.
Một rào cản chống lại những tư duy sai lầm
Có một cách để tránh những lý luận yếu kém – của chúng ta và người khác – được rút ra không chỉ từ Kỷ nguyên Khai sáng mà còn từ lịch sử lâu dài của nghiên cứu triết học.
Vì vậy, lần tới khi bạn nghe thấy một tuyên bố gây tranh cãi từ ai đó, hãy nghĩ xem làm thế nào để có thể làm rõ ý kiến đó, nếu người này hoặc chính bạn phải trình bày nó với một ai khác công bằng hoặc không có hứng thú gì với chủ đề đó:
– Đầu tiên, hãy xác định những luận cứ có thể đưa ra để củng cố cho luận điểm.
– Sau đó, trình bày lại cách đánh giá, phân tích và chứng minh luận điểm của bạn. Những lập luận bạn đưa ra cần phải xứng đáng để người khác phải động não.
– Và cuối cùng là viết ra những điều trên một cách rõ ràng và khách quan nhất có thể.
Nói cách khác, bạn cần phải thực hiện cam kết với lý trí công cộng, và đề nghị những cá nhân khác làm theo bằng cách gạt bỏ cảm xúc cũng như những định kiến đã tồn tại.
Nếu như cả bạn và mọi người không thể đưa ra một chuỗi lập luận chính xác và mạch lạc, hoặc những luận cứ bị ảnh hưởng bởi những thiên kiến rõ ràng, hay cũng có thể bạn từ bỏ nó trong tuyệt vọng, đó là những dấu hiệu khá rõ ràng cho thấy đã có những nhân tố khác ảnh hưởng tới quá trình nhận thức.
Chính sự cam kết đối với quá trình nhận thức luận như vậy, chứ không phải bất kỳ kết quả cụ thể nào, mới là một tấm vé hợp lệ để bước vào sân chơi lý trí.
Ở thời buổi những hùng biện chính trị bị xé toang bởi sự phi lý trí, khi kiến thức ngày càng ít được xem là phương tiện để nhận thức thế giới và bị coi là một gánh nặng có thể bị gạt sang một bên nếu nó cản đường những ảo tưởng (wishful thinking)2, và khi các nhà lãnh đạo độc tài đang thu hút những đám đông lớn hơn bao giờ hết, thì nhận thức luận cần phải được chú trọng.
Chủ nghĩa hoài nghi (scepticism) là một hướng tiếp cận của triết học, mà trong đó, những tri thức nền tảng hay bất cứ một khẳng định nào cũng đều được người theo thuyết này hồ nghi, xem xét.↩
“Wishful thinking” là cách nghĩ, niềm tin dựa vào ước muốn chứ không dựa vào thực tế. Trong tiếng Việt, “wishful thinking” còn có thể được hiểu là cách nghĩ chủ quan duy ý chí — chỉ tập trung vào tuyệt đối hoá ý kiến cá nhân, xa rời hiện thực khách quan.↩