a
§ Tác giả: Ian Leslie | Nguồn: Economist
Biên dịch: Nhật Vi | Hiệu đính:  za
10/10/2021

Một ngày nọ, vào năm 1945, người đàn ông tên Percy Spencer đang tham quan một trong những phòng thí nghiệm do chính ông quản lý tại tập đoàn Raytheon – nhà cung cấp công nghệ radar cho lực lượng Đồng minh lúc bấy giờ – tọa lạc ở Waltham, Massachusetts. Trong khi đang đứng cạnh một chiếc magnetron – loại ống chân không có thể phát ra sóng cực ngắn giúp tăng độ nhạy cho radar, Spencer đột nhiên cảm thấy có điều gì đó là lạ. Kiểm tra túi, ông nhận ra thanh kẹo của mình đã tan chảy từ bao giờ. Ngạc nhiên xen lẫn thích thú, Spencer lập tức nhờ người mua hộ một bịch ngô rồi mang nó lại gần ống magnetron. Và bỏng ngô nổ tanh tách. Sau sự kiện đó, trong cùng năm, một lá đơn xin cấp bằng sáng chế cho một chiếc lò vi sóng đã được đệ lên bởi tập đoàn Raytheon1.

Những khám phá khoa học trong lịch sử đôi khi chỉ đến từ các khoảnh khắc tình cờ như vậy. Có thể kể đến một khoảnh khắc trọng đại nhất, đó là khám phá của Alexander Fleming về penicilin vào năm 1928, khi ông để ý thấy, bằng cách nào đó, nấm mốc “trôi dạt” vào trong chiếc đĩa Petri2 của mình đã tiêu diệt hết đám vi khuẩn xung quanh. Nhưng Spencer hay Fleming không đơn giản là gặp may. Spencer có kiến thức và óc thực tế để biến quan sát của mình thành sáng kiến; hay chỉ có chuyên gia về vi khuẩn mới dễ dàng nhận thấy được tầm quan trọng từ đám bào tử đi lạc của Fleming. Và cũng như Louis Pasteur từng nói: “Trong lĩnh vực nghiên cứu, cơ hội chỉ ưu ái cho những ai đã có sự chuẩn bị.”     

May be an image of 2 people and text that says "The Mystery of the Melted Chocolate"
Những khám phá khoa học trong lịch sử đôi khi chỉ đến từ các khoảnh khắc tình cờ. Ảnh: medium

Từ đúng nhất để diễn tả sự kết hợp tinh tế giữa cơ hội và khả năng nắm bắt lấy nó, chính là “serendipity” (Tạm dịch: “sự tình cờ” – để chỉ việc ngẫu nhiên khám phá ra một điều thú vị hoặc hữu ích). Văn sĩ người Anh Horace Walpole, một quý tộc yêu cái đẹp, chính là người đã sáng tạo ra từ vựng tinh tế này. Trong một bức thư viết vào năm 1754, Walpole đã giải nghĩa về một khám phá bất ngờ ông có được dựa trên câu chuyện cổ Ba Tư “Ba chàng hoàng tử xứ Serendip” (“The Three Princes of Serendip”). Ông kể rằng ba chàng hoàng tử, “bao giờ cũng có những khám phá, nhờ vào tài trí và sự ngẫu nhiên, về những thứ mà họ vốn không hề kiếm tìm3… giờ thì bạn đã hiểu ‘sự tình cờ’ nghĩa là gì chưa?” Ngày nay, con người ta thường gán “serendipity” với sự may mắn mà ít khi nói đến tài trí (sagacity). Nhưng trong một vài hoàn cảnh, nó có xu hướng mô tả những khám phá mang tính ngẫu nhiên hơn. 

Nhưng Spencer hay Fleming không đơn giản là gặp may. Spencer có kiến thức và óc thực tế để biến quan sát của mình thành sáng kiến; hay chỉ có chuyên gia về vi khuẩn mới dễ dàng nhận thấy được tầm quan trọng từ đám bào tử đi lạc của Fleming.

Ngày nay, mạng World Wide Web4 đã làm lay chuyển cách tổ chức và diễn giải lượng thông tin khổng lồ tăng theo cấp số nhân được truyền bá tới mỗi người nhờ các phát minh số, và sự thật là nó đã và đang làm rất tốt. Nếu như bạn muốn tìm kiếm thứ gì đó, bạn ngay lập tức có thể tìm thấy được nó trên mạng. Thế nhưng, sự tiện lợi tuyệt vời này lại dẫn đến một tác dụng phụ, đó là nó có thể làm thu hẹp, thay vì mở mang kiến thức của chúng ta, bởi xác suất mà ta vô tình bắt gặp những thứ mình không chủ đích tìm kiếm là rất thấp.     

Vào thời điểm Internet mới ra đời, đám đông hâm mộ nhiệt thành của nó đã hy vọng rằng nó sẽ có thể mô phỏng được các đô thị (city) – thứ bộ máy tình cờ nhất từng được nhân loại phát minh ra. Xuất hiện lần đầu vào thế kỷ thứ 19, đô thị hiện đại cũng là một nỗ lực nhằm tổ chức sự gia tăng theo cấp số nhân, nhưng lần này là dân số. Văn nghệ sĩ coi nó như một sân chơi khổng lồ để họ khám phá, là nơi ẩn chứa vô vàn những cuộc gặp gỡ bất ngờ. Và rồi flâneur (Tạm dịch: kẻ bộ hành) ra đời: họ là những người hay rong ruổi khắp chốn thành thị một cách có chủ ý, nhưng trên tay thì không có tấm bản đồ nào.

Vậy nhưng hầu hết dân cư sống trong các đô thị không phải là flâneur. Năm 1952, nhà xã hội học người Pháp Paul-Henry Chombart de Lauwe đã yêu cầu một sinh viên hãy ghi lại lịch trình di chuyển hằng ngày của cô. Khi dò theo những ngả đường mà cô sinh viên đã đi qua bằng một tấm bản đồ thành phố Paris, ông thấy hiện lên trên đó một hình tam giác với các đỉnh là căn hộ của cô, trường đại học và nhà của giáo viên dạy piano cho cô. Những di chuyển của cô sinh viên kia, ông cho rằng, đã minh họa ra “sự bé nhỏ chật hẹp của Paris trong thực tế mà mỗi cá nhân đang sống.” 

Ở một mức độ nào đó, hy vọng của những người tiên phong trong lĩnh vực Internet đã được đáp ứng. Nếu bạn gõ từ “mực ống” (squid) vào công cụ tìm kiếm, truy cập vào trang Wikipedia về từ khóa này thì không lâu sau bạn sẽ bắt đầu đọc những thông tin về Jules Verne5 và Pliny6. Nhưng suy cho cùng, hầu hết chúng ta đều sử dụng các trang web tương tự như cách của cô sinh viên Paris kia. Chúng ta có những đường dẫn, những dấu trang, nguồn cấp tin tức (feeds) của riêng mình, và việc của chúng ta là cứ bám theo lộ trình đó. Chúng ta không còn “lướt” trên các siêu xa lộ thông tin (information superhighway) nữa, bởi nó đã trở nên quá mênh mông để có thể “thăm thú” mà không có bản đồ. Và cũng bởi vì nó đã phát triển, đã ngày càng làm tốt hơn trong việc đảm bảo rằng chúng ta không cần phải đi lạc ra khỏi những tam giác ảo của chính mình.

grayscale photo of person using MacBook
Google hầu như có thể trả lời hết mọi thứ mà bạn thắc mắc, nhưng nó lại không cho bạn biết bạn nên hỏi gì. Ảnh: Sergey Zolkin / Unsplash

Google hầu như có thể trả lời hết mọi thứ mà bạn thắc mắc, nhưng nó lại không cho bạn biết bạn nên hỏi gì. Ethan Zuckerman, giám đốc Trung tâm Truyền thông Dân sự (The Centre for Civic Media) tại Viện Công nghệ Massachusetts và là một người “truyền giáo” (evangelist) lâu năm cho Internet, chỉ ra rằng nó không thể sánh được với phương tiện truyền thông in ấn về khả năng mang đến cho bạn thông tin mà bạn không hay rằng mình có thể sẽ hứng thú. Zuckerman gọi trang nhất của một tờ báo là một “thanh công cụ tìm kiếm”: phần bài đinh (bao gồm các tin nổi bật nhất của tờ báo) sẽ cho biết về những chủ đề chắc chắn bạn sẽ hứng thú – sự sụp đổ trong nay mai của nền kinh tế toàn cầu, hay xu hướng thời trang gần đây nhất của Lady Gaga – và trên những trang khác bạn biết được cuộc cách mạng đã nổ ra ở một quốc gia mà bạn hầu như còn không biết đến sự tồn tại của nó. Những biên tập viên sở hữu một con mắt tinh tường nắm bắt được hết thảy những điều đó, người mà Zuckerman gọi là “giám tuyển” (curator) ấy, đã và đang bị thay bằng “bạn bè” – những người giống bạn, những người có thể vừa mới chia sẻ những sở thích cũng như thế giới quan của bạn – thông qua Facebook. Twitter làm tốt hơn trong việc dẫn dắt ta đến với sở thích của cả những người nằm ngoài vòng tròn xã hội của chúng ta, nhưng chúng ta lại có khuynh hướng liên kết với những người có cùng suy nghĩ với mình – thứ mà các nhà xã hội học gọi là “value homophily” (Tạm dịch: khuynh hướng hình thành mối liên kết với những người có cùng lối suy nghĩ, bất chấp sự khác biệt về địa vị) – nghĩa là hầu hết chúng ta cuối cùng sẽ chọn biến trang tin (feed) của mình trở thành một bữa tiệc tối quy mô lớn – nơi mọi người sẽ cùng ăn những món giống nhau.

Chúng ta có những đường dẫn, những dấu trang, nguồn cấp tin tức (feeds) của riêng mình, và việc của chúng ta là cứ bám theo lộ trình đó.

Một lý do giải thích tại sao truyền hình vẫn còn cầm cự khá tốt, bất chấp những đồn đoán về sự lụi tàn của nó, nhất là khi so sánh với Internet, chính là vì nó làm tốt trong việc mang lại những phát hiện tình cờ. Danny Cohen đang làm việc tại BBC17, một đài có lượng người xem đông đảo nhất tại Anh, nói với tôi rằng một chương trình mới về một chủ đề khó hiểu hay kén người xem vẫn có thể “thừa hưởng” được một lượng khán giả đủ lớn từ một show truyền hình nổi tiếng chiếu trước đó. Ở một khía cạnh nào đó, đây là một hiện tượng khó giải thích. “Tôi có thể hiểu rằng trước đây khi chưa có điều khiển từ xa, nếu muốn chuyển kênh thì người xem phải rời khỏi ghế sofa để bấm nút. Tuy nhiên, vì lười nên họ vẫn tiếp tục ngồi xem chương trình kế sau đó. Nhưng giờ thì sao?”, Cohen nói. Mặc cho giờ đây ta đã có điều khiển từ xa và được lựa chọn giữa nhiều kênh khác nhau, chúng ta vẫn sẵn sàng bị khuất phục trước lựa chọn của những giám tuyển đài truyền hình.

Cohen lo lắng rằng ngay khi số lượng phương tiện truyền thông tăng lên theo cấp số nhân thì “xu hướng khám phá nó của chúng ta vẫn đang đà giảm xuống.” Chính vì các nhà quảng cáo muốn đạt mức chỉ tiêu như dự tính nên Internet ngày nay cung cấp cho chúng ta những thông tin liên quan đến các quảng cáo ấy và gạn bỏ đi phần còn lại. Hai người khác nhau sẽ nhận được hai kết quả tra cứu khác nhau một cách tinh vi từ Google, được điều chỉnh theo những gì Google biết về sở thích của chúng ta. Những trang báo mạng đang bắt đầu có những điều chỉnh để bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những câu chuyện mà bạn bè của bạn đã nhấn “like” trên Facebook. Và theo như cách nói của nhà văn Eli Pariser, chúng ta dành thời gian sống trên mạng trong một thứ gọi là “bong bóng bộ lọc” (the filter bubble)8.

Để thoát khỏi nó, chúng ta cần rời màn hình và bước ra ngoài. Nhưng Internet cũng đang đe dọa một số không gian tình cờ nhất của chúng ta. Đi lang thang vào một hiệu sách tìm một thứ gì đó để đọc: có thể là những bìa sách lung linh nằm trên bàn, hay những chiếc gáy sách đầy quyến rũ nằm trên kệ, bạn có thể chọn một và để những trang sách mơn man khắp những ngón tay mình. Có thể bạn không tìm thấy cuốn sách mà mình muốn, nhưng bạn sẽ trở ra với ba cuốn chẳng liên quan. Amazon cũng có thứ sách mà bạn muốn, nhưng thanh công cụ đề xuất của nó không thể mang lại cảm giác kích thích tương tự. Cũng như vậy, một thủ thư không thể nào làm việc hiệu quả như một công cụ tìm kiếm, trí nhớ của họ không đủ lớn để dự trữ bằng hết, vậy nhưng họ vẫn có thể làm tốt hơn trong việc gợi ra cho người đọc những ý tưởng và hình dung khi đang kiếm tìm – ờm, một thứ gì đó.

people inside library
Đi lang thang vào một hiệu sách, có thể bạn không tìm thấy cuốn sách mà mình muốn, nhưng bạn sẽ trở ra với ba cuốn chẳng liên quan. Ảnh: Pauline Loroy / Unsplash

Nhưng điều lý giải cho việc tại sao Amazon lại thành công và các hiệu sách đóng cửa, đó là bởi trong thế giới của hằng hà sa số những sự lựa chọn, hiệu năng là điều rất khó để cưỡng lại. Sự thỏa mãn mà những hiệu sách hay thư viện mang lại rất dễ bị hạ đo ván bởi khối kiến thức mà chúng ta có thể đặt hàng hay tải xuống một cách ngay lập tức, hoặc chỉ trong tích tắc là ta có được thông tin mình đang cần. Sự tình cờ, ngược lại, như Zuckerman nói, thì “hiển nhiên là kém hiệu quả.” Nó mong manh, dễ dàng bị ảnh hưởng bởi mong muốn của chúng ta về sự tiện lợi và nhanh chóng. Đặc thù của nó là mơ hồ về dự định. Hệ thống kỹ thuật số thì không giỏi mơ hồ cho lắm, và sự kiên nhẫn của chúng ta dành cho nó dường như cũng dần biến mất đi.

Sự thỏa mãn mà những hiệu sách hay thư viện mang lại rất dễ bị hạ đo ván bởi khối kiến thức mà chúng ta có thể đặt hàng hay tải xuống một cách ngay lập tức, hoặc chỉ trong tích tắc là ta có được thông tin mình đang cần. 

Mục đích của Google là sắp xếp lượng thông tin từ khắp nơi trên thế giới và dân chủ hóa quyền truy cập nó. Nhưng khi mọi người có thể có được cùng một loại thông tin, ít nhiều theo một cách y hệt, thì nó trở nên rất khó để có thể là một thứ gì đó độc đáo trong khi sáng kiến thì phát triển mạnh mẽ nhờ sự va chạm ngẫu nhiên tình cờ của các ý tưởng. Zuckerman kể với tôi về một bài phát biểu gần đây của ông trước khán giả là những nhà quản lý đầu tư về sự tình cờ. Lúc ông bắt đầu, ông sợ rằng mình có thể không nhận được sự chú ý. Thế nhưng, ông đã lấy làm ngạc nhiên khi nhận ra rằng tất cả mọi người đều lắng nghe chăm chú. Điều này dần trở nên sáng tỏ hơn. Zuckerman chia sẻ rằng: “Trong lĩnh vực tài chính, mọi người đều đọc báo Bloomberg, vì vậy mà mọi người cùng có một kiểu thông tin như nhau. Thứ mà họ đang cố kiếm tìm chính là những chiến lược để tìm lấy cảm hứng từ bên ngoài luồng quỹ đạo thông tin đó.”

Mạng Internet ngày càng đáp ứng tốt những mong muốn của chúng ta đến nỗi chúng ta dành rất ít thời gian để khám phá những điều mới mẻ. Để cập nhật thông tin về ban nhạc The Rolling Stones, bạn hoàn toàn có thể nắm được bất cứ thông tin nào mà mình muốn. Song, có thể bạn sẽ không có được điều mà bản thân mình cần.  


  1. Tập đoàn Raytheon (hay Tập đoàn Công nghệ Raytheon) là một tập đoàn đa quốc gia của Mỹ về lĩnh vực quốc phòng và hàng không vũ trụ. Đây là một trong những nhà cung cấp dịch vụ tình báo, hàng không vũ trụ và vũ khí quân sự lớn nhất trên thế giới. Tập đoàn này nổi tiếng là nơi sản xuất của các hệ thống tên lửa, một trong số đó là hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot – một trong ba hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo của Mỹ hiện đang hoạt động.

  2. Petri dish: một loại đĩa bằng thủy tinh hoặc chất dẻo dạng hình trụ có nắp đậy mà các nhà sinh vật học sử dụng để nuôi cấy tế bào. Nó được đặt theo tên của nhà vi khuẩn học người Đức Julius Richard Petri do ông là người đã phát minh ra đĩa này.

  3. Nguyên văn: “This discovery, indeed, is almost of that kind which I call Serendipity, a very expressive word.” And was formed from “a silly fairy tale, called The Three Princes of Serendip: as their highnesses travelled, they were always making discoveries, by accidents and sagacity, of things which they were not in quest of…”

  4. World Wide Web, gọi tắt là WWW, mạng lưới toàn cầu là một không gian thông tin toàn cầu mà mọi người có thể truy cập (đọc và viết) thông tin qua các thiết bị kết nối với mạng Internet; một hệ thống thông tin trên Internet cho phép các tài liệu được kết nối với các tài liệu khác bằng các liên kết siêu văn bản, cho phép người dùng tìm kiếm thông tin bằng cách di chuyển từ tài liệu này sang tài liệu khác.

  5. Tên đầy đủ Jules Gabriel Verne (1828-1905), là nhà văn nổi tiếng người Pháp, người đi tiên phong trong thể loại văn học khoa học viễn tưởng. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là “Hai vạn dặm dưới đáy biển” (1869) – trong tác phẩm này có sự xuất hiện của hình tượng “mực khổng lồ” (giant squid) – liên quan đến từ khóa nêu trên.

  6. Hay được biết đến là Pliny the Elder (25 – 79), là một nhà văn, triết gia, nhà tự nhiên học người La Mã. Ông là tác giả của cuốn sách Natural History (tạm dịch: Lịch sử Tự nhiên), viết về động vật học, thiên văn học, thực vật học,… Trong tác phẩm này cũng có sự xuất hiện của hình tượng “mực khổng lồ” (giant squid).

  7.  BCC1 là tên gọi tiền thân (được áp dụng từ năm 1964 đến năm 1967) của BBC One (từ năm 1967 đến nay) – là kênh truyền hình thuộc hãng thông tấn BBC.

  8. Thuật ngữ này được đưa ra trong cuốn sách cùng tên của nhà văn Eli Pariser, đã “định nghĩa về hiện tượng các thuật toán của các nền tảng mạng xã hội khéo léo bóp méo những thông tin mà người dùng nhận được. Theo Pariser, hoạt động của các mạng xã hội khiến người dùng thường nhận được nhiều hơn và thường xuyên hơn những thông tin mà họ thích và gặp thường xuyên hơn những góc nhìn mà họ đồng tình.” Nguồn: https://ct.qdnd.vn/nhin-tu-ha-noi/mat-thu-hai-cua-mang-xa-hoi-526552. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm với bài diễn văn của Eli Pariser tại diễn đàn TED về chủ đề này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất