a
§ Tác giả: Eric Hansen | Nguồn: Nautilus
Biên dịch: Nhật Vi | Hiệu đính:  Lưu Đàm
14/08/2022

Đó là một buổi chiều hè oi ả của năm 2013 tại thành phố New York, Mike Bryan cùng em trai mình là Bob đang nảy những quả bóng tennis bọc nỉ nhẹ hều qua lại trên sân tập. Với những pha thuận tay và trái tay đều đặn, họ hồ như phản chiếu hình ảnh của chính mình vào đối phương. Mike và Bob là một cặp song sinh cùng trứng, đang tập luyện để chuẩn bị khởi tranh cho giải quần vợt Mỹ Mở rộng sắp diễn ra tới đây tại một trong những mặt sân xanh tên tuổi nhất của Trung tâm Quần vợt Quốc gia Billie Jean King1. Lúc này cả hai đang đánh đơn với nhau. Ở phần sân bên này, Bob thực hiện một quả vô lê (volley) mềm. Để trả bóng, Mike đập một cú thật mạnh, không may, trúng vào đầu đối phương. “Velveeta,” anh gào lên. Đánh hỏng rồi2.

The Bryan Brothers: 'We're Enjoying The Afterlife' | ATP Tour | Tennis
Anh em nhà Bryan. Nguồn: APT Tour.

Vẫn như thường lệ, hai anh em nhà Bryan vai kề vai đứng chung một phần sân, đối diện với bọn họ là huấn luyện viên David Macpherson và người đấu tập Georgy Chekhov. Bob dù nhỉnh hơn 2 inches (khoảng 5 cm) và thuận tay trái, song, cả hai đều cao ngồng, tay chân leo kheo, cộng thêm cặp mắt nâu làm cho một trong hai trông như bản sao của người còn lại. Họ lướt thoăn thoắt khắp mặt sân, chơi đồng đều đến độ hoàn hảo. Một cú bóng tầm thấp (low ball) cắm vào khu vực giữa sân tuyệt nhiên không có vẻ gì làm khó được họ. Theo bản năng, Bob biết Mike sẽ là người đón bóng. Và để đáp trả, Mike ngắm đánh thật dứt điểm, quả bóng xé không khí lao đi như một mũi tên.

Rồi buổi tập kết thúc, hai người họ sải bước về phía khu khán đài dành để ký tặng. Kinh ngạc trước kỹ năng tuyệt vời của cặp anh em, Chekhov chia sẻ: “Tôi nghĩ đó hẳn phải do di truyền. Họ cứ thế mà cảm nhận được đối phương thôi.”

Những câu nói kiểu tương tự như vậy cũng được người hâm mộ, giới bình luận viên, thậm chí là các đối thủ của cả hai, truyền tai nhau trong suốt hơn một thập kỷ qua. Sinh ra tại Camarillo, một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang California, cặp song sinh giờ đây 35 tuổi3 và đã đạt danh hiệu số một tới chín lần trong suốt 11 năm qua. Chỉ từ 2012 đến 2013, họ đã đoạt bốn danh hiệu Grand Slam danh giá liên tiếp, cùng với đó là huy chương Vàng Thế vận hội Olympic. Với một chuỗi thành tích “vô tiền khoáng hậu” như vậy, họ đã lập nên kỷ lục và được mệnh danh là “Golden Bryan Slam.” Điều này thật khiến chúng ta không khỏi thắc mắc: phải chăng hai anh em họ sở hữu thứ gì đó như là khả năng ngoại cảm (ESP – extrasensory perception) của một cặp song sinh?

Ngắn gọn mà nói thì, hầy, không hẳn. Diễn giải dài dòng hơn thì, chà, cũng đại loại thế đấy. Trong hơn bốn thập kỷ qua, các nhà tâm lý học, ngôn ngữ học, và cả thần kinh học đã dần hiểu rõ hơn về cách mà những cặp song sinh như anh em nhà Bryan giao tiếp với nhau. Họ đã nảy ra một thuật ngữ gọi là “cryptophasia,” để chỉ một loại ngôn ngữ bí mật mà các cặp song sinh sử dụng để giao tiếp riêng với nhau từ khi cả hai còn bé. Mặc dù các nhà khoa học đặt ra nghi vấn rằng liệu cryptophasia có phải là một thứ ngôn ngữ “rời rạc” hay không, song, họ vẫn đồng tình với việc nó đã gợi mở một cái nhìn đầy thú vị về sự ra đời và phát triển của bản thân ngôn ngữ. Ai mà biết được chứ? Biết đâu nó có thể là mấu chốt giúp chúng ta giải mã được những bí ẩn sâu xa về đôi vợt huyền thoại nhất trong lịch sử này.

Giống như bao cặp song sinh khác, Mike và Bob cũng đắm chìm trong thế giới riêng của cả hai ngay từ tấm bé. Có điều, trong trường hợp của họ thì thế giới đó chính là quần vợt. “Chúng đã bắt đầu tiếp xúc với quần vợt từ khi còn nằm trong nôi,” bố của họ, ông Wayne chia sẻ. Vợ ông, bà Kathy, từng sở hữu một câu lạc bộ quần vợt vào những năm 1980, 90. Hai vợ chồng họ đã đặt những trái banh và vợt tennis vào trong cũi của hai anh em. Rồi cho đến giai đoạn chập chững biết đi, họ để cả hai hẩy những quả bong bóng được bơm căng bằng khí heli qua thành ghế sô pha nằm tại phòng khách. “Dẫu có một vài khác biệt nhỏ, nhưng nhìn chung quá trình trưởng thành của chúng khá giống nhau,” ông Wayne tiếp tục chia sẻ. Khi mới 6 tuổi, cả hai đã vô địch một giải đấu dành cho lứa 10 tuổi, hay thậm chí với những giải đấu khác tổ chức cho thiếu nhi diễn ra tại California hoặc trên cả nước, cả hai cũng chễm chệ ngôi vị số một với nội dung đánh đơn.

Tuy vậy, đời sống cá nhân của họ lại không thuận buồm xuôi gió như với tennis. Từ nhỏ, cả hai đã khiến các giáo viên lo lắng về việc họ dành thời gian bên nhau quá nhiều. Mike kể lại rằng: “Một vài bác sĩ đã bảo mẹ tôi, rằng ‘Tốt hơn hết là chị nên tách chúng ra khi chúng còn nhỏ. Có vậy thì chúng mới phát triển cá tính riêng của mình được.’ Do đó, mẹ đã tách chúng tôi ra mỗi đứa một phòng.” Thế nhưng, hai anh em đã khóc nức nở, đến nỗi bố mẹ họ phải mủi lòng và quyết định để cho cả hai lại ngủ chung một phòng, thường là cùng một giường. Và thế là họ nín.

Cả hai cũng tự hình thành và phát triển ngôn ngữ của riêng mình, quá trình này kéo dài cho đến khi họ lên 6. “Câu cú của chúng ngắn ngủn, chỉ gồm có mấy cụm như ‘mamam inim,’ kiểu thế,’ ông Wayne kể. Dù có cố gắng lụi lọi trong trí nhớ thì chắc không một ai, kể cả Bob, Mike, hay bố của họ có thể nói chính xác những từ đó. Wayne hồi tưởng, “chỉ hai đứa nó mới hiểu mình đang nói gì, còn bọn tôi thì gần như mù tịt.”

Cryptophasia gợi mở một cái nhìn thú vị về sự ra đời và phát triển của bản thân ngôn ngữ.

Gần đến 40% những cặp song sinh cùng trứng phát triển ngôn ngữ riêng của họ từ khi còn bé. Từ Cryptophasia bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, kết hợp giữa kryptós, mang nghĩa là ẩn giấu, và phánai, nghĩa là nói. Nó cũng tương tự như thuật ngữ “idioglossia4,” “ẩn ngữ (secret language),” “Eigensprache,” (tạm dịch: ngôn ngữ riêng theo tiếng Đức) “twin talk,” (đối thoại song sinh) và “autonomous language” (ngôn ngữ tự chủ).

Có vô số những trường hợp tương tự. Kristy McGowan, một nhà văn, đồng thời là nhà thiết kế hàng dệt kim tại Brooklyn, kể rằng cô cũng từng trò chuyện với người chị em song sinh khác trứng của mình bằng một thứ ngôn ngữ bí mật. Và cha cô đã ghi lại một số ít những mẩu chuyện nhỏ đó. “Chúng tôi sử dụng nó trong mọi cuộc nói chuyện,” cô nói. “Thậm chí là đến hôm nay, người chị em song sinh vẫn sẽ gửi tôi bức ảnh chụp chú chó nhà cổ đang nằm ngửa ra ngủ trưa, chân vổng lên trời và đính kèm với chủ đề là ‘illet.’ Illet nghĩa là hết rồi, không gì thêm, không một lời phản hồi.”

Trường hợp nổi tiếng nhất về cryptophasia là một cặp song sinh nhà Kennedy tên Ginny và Grace sống ở California. Với một thước phim tài liệu5 và vô số bài báo, bao gồm hai số đặc biệt trên tạp chí Time những năm 70, người ta đã ghi lại thứ ngôn ngữ đặc biệt giữa hai chị em tự gọi nhau là Poto và Cabengo:

“Pinit, putahtraletungay” (Xong, khoai tây salad đói bụng)

“Nis, Poto?” (Đây đó hả, Poto?)

“Liba Cabingoat, it” (Cabengo thân mến, ăn đi)

“Ia moa, Poto?” (Đây nữa hả, Poto?)

“Ya” (Đúng rồi á)

“Bạn sẽ nhận thấy được một điều là các từ ngữ trên gần giống với ngôn ngữ của người trưởng thành,” Peter Bakker, giáo sư ngôn ngữ học tại Đại học Đan Mạch, cho biết. Ông là tác giả của công bố “Autonomous Languages,” (tạm dịch: Ngôn ngữ Tự chủ) xuất bản trên tạp chí nghiên cứu về những cặp song sinh nước Ý Acta geneticae medicae et gemellologiae vào năm 1987, hiện vẫn là công trình nghiên cứu sâu rộng nhất về cryptophasia.

Từ Cryptophasia bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, kết hợp giữa kryptós, mang nghĩa là ẩn giấu, và phánai, nghĩa là nói.

Hình thái của cryptophasia dường như không mấy phức tạp, kể cả khi cặp song sinh có mang quốc tịch Nga, Đức hay là Anh Quốc đi chăng nữa. Bakker nhận định rằng: “Trong hầu hết các trường hợp sử dụng loại ngôn ngữ này, chưa từng có bất kỳ đặc trưng nào về mặt thì (tense) lẫn thể (mood) của các trợ động từ hay giới từ đi kèm được phát hiện. Hay nói cách khác, “các hậu tố (ending) luôn luôn bị giản lược. Như goes thì trở thành go chẳng hạn.”

Có thể cấu tạo câu (sentence level) là yếu tố duy nhất gây nên sự khác biệt. Bakker cho rằng “cú pháp câu (syntax) của ngôn ngữ này khác biệt hoàn toàn với cú pháp câu của tiếng mẹ đẻ mà đối tượng sử dụng.” Không có gì cố định cả. Các danh từ vừa có thể đứng trước động từ vừa có thể đứng sau mà không phải tuân theo một nguyên tắc nào. Hoặc nếu thực sự có một khuôn mẫu, thì đó chỉ là thành tố nào quan trọng nhất hay đáng chú ý nhất trong câu thường sẽ đứng trước. Có một ví dụ về cryptophasia trong tiếng Đức như thế này: “Olol, mama haja wausch olo hapn.” Chuyển ngữ6 ra thành: “Rudi, mẹ miếng thịt ngon Rudi thức ăn,” nghĩa là: Rudi, mẹ có phần thịt ngon muốn dành cho em này.

Cryptophasia thường phát sinh ở những cặp song sinh có trí thông minh bình thường. Hơn nữa, nhìn chung, các cặp song sinh sẽ bắt đầu hình thành cryptophasia nếu như ngôn ngữ chuẩn của chúng (chẳng hạn như tiếng Anh) bị khuyết thiếu hoàn toàn, lý do khác có lẽ xuất phát từ sự thờ ơ của các bậc cha mẹ hoặc đơn giản chỉ là vì chúng dành quá nhiều thời gian sinh hoạt cùng nhau. Trong giai đoạn từ 12 cho đến 18 tháng, khoảng thời gian mà đa phần trẻ có thể học được tiếng mẹ đẻ, thì các cặp song sinh lại học ngôn ngữ của nhau. Nếu như một trong hai mắc lỗi, đứa kia sẽ lặp lại và rồi quá trình chuẩn hóa những sai sót này sẽ diễn ra mau lẹ hơn. Có thể lý giải nguyên nhân là vì cả hai đang ở trong cùng một giai đoạn phát triển chung về ngôn ngữ, đều háo hức tiếp nhận và đồng thời, sẵn sàng đón nhận sai lầm. Một vài từ có thể là từ tượng thanh. Số còn lại có thể là tự chế hoàn toàn. Phần lớn các từ được hình thành là do sự nhiễu loạn từ nhiều nguồn ngôn ngữ xung quanh, ví dụ như thứ tiếng Anh mà cặp song sinh nghe được trong lúc bố mẹ chúng đang ở gần đó chẳng hạn. Dần dà, quá trình tiếp thu sai lầm này không còn được coi là lỗi nữa, thay vào đó, nó lại trở thành một nhân tố chung giúp định hình nên vốn từ và hệ thống ngữ pháp cho trẻ.

“Các đội khác cũng có những thuật ngữ riêng,” Macpherson, huấn luyện viên của anh em nhà Bryan cho biết. “Nhưng với anh em Bryan thì họ lại có hẳn một thứ ngôn ngữ khác.”

Một số học giả chuyên nghiên cứu ngôn ngữ không khỏi thắc mắc liệu cryptophasia có đem đến một cái nhìn sáng rõ hơn về sự ra đời của ngôn ngữ hay không. Vì biết rằng những cặp song sinh cùng trứng có chung một bộ gen di truyền, lại chào đời từ chung một bào thai, vậy nên, các khía cạnh về cryptophasia mở ra những cuộc tranh luận dai dẳng về vấn đề gốc gác của ngôn ngữ. Ngôn ngữ của con người có xuất phát điểm từ đâu, từ những cơ chế thần kinh bẩm sinh hay ngược lại, được hình thành nhờ những trải nghiệm7 đến từ môi trường xung quanh?

Tiếc là các nhà ngôn ngữ học vẫn chưa đạt được bước tiến triển nào khả quan. Guy Deutscher, một nhà ngôn ngữ học đã viết trong cuốn The Unfolding of Language (tạm dịch: Giải mã Ngôn ngữ) rằng: “Thực sự không một ai hình dung được, dù chỉ một chút, sự phát triển về mặt ngôn ngữ của từng đứa trẻ có thể khái quát nên quá trình tiến hóa về ngôn ngữ của cả loài người đến mức độ nào.” Song, Bakker vẫn sẵn lòng nuôi thêm một chút hy vọng. Ông cho rằng cryptophasia “có thể giúp chúng ta chạm được đến thời kỳ sơ khai của ngôn ngữ, khi mà các từ còn chưa được cách tân, gọt giũa như bây giờ. Biết đâu chừng những cấu trúc phức tạp mà ta có ngày nay chỉ mới bắt đầu xuất hiện khi ngôn ngữ đã phát triển hơn.”

Jame R. Hurford, một Giáo sư danh dự chuyên ngành ngôn ngữ học đại cương tại Đại học Edinburgh, đồng thời cũng là tác giả cuốn sách The Origins of Grammar: Language in the Light of Evolution (tạm dịch: Nguồn gốc của ngữ pháp: Sự tiến hóa của Ngôn ngữ), nói rằng cryptophasia đã hấp dẫn ông. Ông cho rằng “chính sự khác biệt về ngôn ngữ giữa trẻ con với người trưởng thành là minh chứng rõ rệt nhất giúp khắc họa hình thái của ngôn ngữ thời kỳ sơ khai.” “Câu cú gãy gọn, chỉ cần một cụm danh từ là đã đủ đại diện, không cần những phụ tố biến đổi (inflectional affixes, như trường hợp “drive,” “drove,” “driven,” “driver,” driving”), và cấu trúc giản lược âm tiết (có thể hiểu như nuốt âm)” là những đặc tính nổi bật của cryptophasia. Nếu chẳng may rơi vào một hoàn cảnh bất đắc dĩ buộc con người phải tự tạo một mã hiệu cho chính mình, thì “thứ ngôn ngữ tự nhiên nhảy ra trong đầu chúng ta khi đó cũng sẽ có những đặc tính giống như cryptophasia, đó không phải là thứ ngôn ngữ mà ta có thể kế thừa như một đặc tính văn hóa từ những thế hệ đi trước.”

“Câu cú gãy gọn, chỉ cần một cụm danh từ là đã đủ đại diện, không cần những phụ tố biến đổi (inflectional affixes, như trường hợp “drive,” “drove,” “driven,” “driver,” driving”), và cấu trúc giản lược âm tiết (có thể hiểu như nuốt âm)” là những đặc tính nổi bật của cryptophasia. Nguồn: Twinfo.

Xuyên suốt gần một thập kỷ qua, giáo sư tâm lý học Jennifer Ganger, người đứng đầu phòng thí nghiệm Twin Lab tại Đại học Pittsburgh, đã cần mẫn nghiên cứu về các cặp song sinh. Thực chất bà không trực tiếp nghiên cứu về ngôn ngữ cryptophasia, nhưng bà làm một công việc cũng khá liên quan, đó là thử xác định đặc tính di truyền (heritability) của kỹ năng ngôn ngữ. Bà đặt những cặp song sinh cùng trứng và khác trứng lên bàn cân để so sánh, nghiên cứu về những điểm giống và khác nhau khi chúng tạo ra câu chữ, khi chúng chắp nối các từ lại với nhau. Và bà nhờ các bậc phụ huynh theo dõi ghi chép lại mỗi ngày. Sau cùng, Ganger rút ra được kết luận rằng điều kiện môi trường có tác động mạnh mẽ hơn cả trong việc xác định thời điểm mà các cặp song sinh học được những chữ cái đầu tiên. Cùng với đó, yếu tố di truyền học lại có tác động lớn hơn trong việc xác định các cặp song sinh đã ghép nối những từ đầu tiên ấy lại theo đúng ngữ pháp bằng cách nào và vào lúc nào. “Mặc dù quan điểm của tôi là chúng ta bẩm sinh đã có sẵn một hệ thống ngữ pháp riêng và hoàn toàn phụ thuộc vào nó trong những giai đoạn đầu. Song, chúng ta buộc phải gắn kết với những cá nhân khác để nó có thể dần hoàn thiện hơn,” bà nói.

Bằng cách đó, cryptophasia mang lại một cái nhìn khái quát về cách mà ngôn ngữ tiến hóa. Những con chữ nguyên sơ của nó giờ đây nhường chỗ cho một hệ thống ngôn ngữ rộng lớn hơn đã được thế giới ngoài kia đẽo gọt và định hình. Có thể nhận thấy điều này ở các cặp song sinh nói thứ ngôn ngữ cryptophasia. Hầu hết trong các trường hợp, ngôn ngữ riêng sẽ dần mất đi khi các cặp song sinh bước vào ngưỡng cửa trường học, khi chúng giao lưu, tiếp xúc với các bạn đồng trang lứa và dành hầu hết thời gian với ngôn ngữ cầu nối (lingua franca8) vốn đặc biệt hơn rất nhiều. Anh em nhà Bryan cũng là một trong số đó. Ở độ tuổi mẫu giáo, cả hai phải tiếp xúc xuyên suốt với tiếng Anh dưới sự thúc giục của các chuyên gia. “Việc nói thứ ngôn ngữ kỳ lạ thực sự chấm dứt khi cả hai tham gia khóa trị liệu ngôn ngữ, chúng tôi đã học tiếng Anh,” Mike kể lại.

Có thể một ngày nào đó cryptophasia sẽ biến mất cùng với tuổi thơ của các cặp sinh đôi. Song, với anh em nhà Bryan, trường hợp của cả hai lại làm dấy lên một suy đoán mới, rằng cryptophasia có thể phát triển thành một loại ngôn ngữ kỳ lạ ở cả giai đoạn trưởng thành. (Rất tiếc là các nhà khoa học vẫn chưa mở rộng nghiên cứu ra lĩnh vực nào khác ngoài quần vợt.) “Các đội khác cũng có những thuật ngữ riêng,” Macpherson, huấn luyện viên của anh em nhà Bryan cho biết. “Nhưng anh em Bryan thì họ lại có hẳn một thứ ngôn ngữ khác.”

Từ khi còn là những thiếu niên, Mike và Bob đã bắt đầu tự hình thành ngôn ngữ riêng thông qua vô số những cú đánh và chiến thuật. Và họ có hẳn một “tuyển tập” thuật ngữ riêng, chẳng hạn như:

“Chuckie”: nếu người 1 giao bóng từ phần sân bên phải (deuce court), người 2 sẽ thực hiện một quả vô lê (volley) sau cú trả giao bóng từ phía đối phương.9

“Nestie”: giao bóng nảy ra sát biên, kiểm soát bóng ở khu vực hai đường biên.10

“Linnie”: trả bóng dọc dây (down the line).

“Burgie”: giao bóng sát biên.

“Hầu hết các đội thường lên chiến thuật giữa những lần ghi điểm và bàn với nhau trong vòng 25 giây,” Mike nói. “Như vậy sẽ làm gián đoạn nhịp độ của chúng tôi kha khá.” Để giữ nhịp độ, “chúng tôi sử dụng mật hiệu (code word). Tôi và Bob đã chơi cùng nhau rất lâu, rất nhiều trận, nhiều đến nỗi chỉ cần nói một từ, tự khắc nó đã thể hiện hết cho những ý nghĩa ẩn chứa đằng sau đó.”

Thế giới của thể thao luôn tồn tại sự cạnh tranh khốc liệt, vì vậy, việc có chung một ngôn ngữ nhờ có chung bộ gen chắc chắn là một lợi thế lớn. Nó ban tặng cho các cặp song sinh khả năng hiểu những tín hiệu không lời của nhau và cứ thế mà thực hiện. “Sự phối hợp đồng đều là một biểu hiện đặc trưng ở các cặp song sinh,” Nancy Segal, giáo sư tâm lý học tại Đại học Cal State Fullerton, tác giả của hai cuốn sách Entwined Lives (tạm dịch: Những cuộc đời bện chặt) và Born Together, Reared Apart (tạm dịch: Sinh ra cùng nhau, Nuôi nấng khác biệt), cho hay. Không chỉ là anh em nhà Bryan, bạn có thể thấy được điều này từ sự ăn ý của đôi võ sĩ quyền anh Oscar và Javier Molina khi họ đấu với nhau, từ đôi vận động viên chạy nước rút người Bỉ Jonathan và Kevin Borlée khi họ tranh đua với nhau, hay từ cách hai anh em vận động viên trượt tuyết nhà Mahre vai kề vai vượt qua các cổng cờ (gate) trong mỗi cuộc thi đấu. Segal còn kể về một cặp song sinh khác, đó là hai anh em vận động viên bóng rổ nhà nghề Brook và Robin Lopez. Cả hai người họ cũng có cái “năng lực” có thể cảm nhận được điều mà đối phương sắp sửa thực hiện tiếp theo, luôn luôn là như vậy. Tương tự, Bob và Mike nói rằng họ mất không đến một giây để biết được đối phương sẽ đánh bóng vào đâu trước cả khi cú đánh được thực hiện, tất cả đều dựa trên chiến thuật, ngôn ngữ hình thể, thậm chí là cả tâm trạng.

“Khi nói về đánh đôi là ta đang nói đến sự vận động,” Mike cho hay. “Nó giống như kiểu quanh thắt lưng bạn đang bị quấn chặt bởi một cuộn dây thừng và bạn lúc nào cũng phải hùng hục bịt các lỗ hổng lại. Nếu Bob thấy căng thẳng, tôi biết mình nên nói gì để trấn an nó, biết khi nào cần phải tích cực lên hoặc là thôi, không nói gì cả. Chúng tôi có lợi thế hơn hầu hết các đối thủ của mình chính là nhờ kiểu giao tiếp ngầm đó.”

Bob bồi thêm, “Đánh đôi rất phức tạp, đó là một phần lý do khiến mọi người phải mất rất lâu mới có thể thuần thục được bộ môn này. Vì chúng tôi là anh em sinh đôi, đã quá quen với việc ở gần nhau nên chúng tôi không cần phải mất thời gian cho những điều nghe mơ hồ như vậy. Và chúng tôi có ngôn ngữ riêng. Ở một số đội, khả năng là bạn sẽ thấy có một người ‘trên cơ’ hơn. Còn với chúng tôi, chúng tôi đạt phong độ tốt nhất là khi cả hai đều bình đẳng, khi không cần phải gào lên cho người còn lại nên đánh ra sao, khi không cần phải nhiều lời, khi chúng tôi sử dụng thứ cứ-cho-là ‘thần giao cách cảm’ đi.”

Dẫu vậy, lợi thế di truyền đôi khi cũng phải khuất phục trước “Mẹ Thiên nhiên,” hay cụ thể hơn, như Bob nói, trước “Mẹ Tennis.” Bởi tháng 8 năm 2013, sau khi giành liên tiếp bốn danh hiệu Grand Slam danh giá, anh em nhà Bryan đã để thua tại vòng bán kết giải quần vợt Mỹ Mở rộng. Dù thế, với số lượng chiến thắng áp đảo trong năm 2013, cặp song sinh vẫn sẽ kết thúc một năm ở ngôi vị số một, mùa giải thứ năm liên tiếp mà họ bảo toàn ngôi vô địch trong lịch sử quần vợt đôi nam.


  1. Trung tâm Quần vợt Quốc gia Billie Jean King là hệ thống sân vận động phức hợp nằm tại thành phố New York, Hoa Kỳ. Đây là nơi thi đấu thường niên của giải quần vợt Grand Slam Mỹ Mở rộng, kể từ năm 1978 và được vận hành bởi Hiệp hội Quần vợt Mỹ (USTA). Trung tâm được đặt tên theo Billie Jean King, tay vợt nữ người Mỹ giành được 39 danh hiệu Grand Slam và từng nắm giữ ngôi vị số một thế giới.

  2. Nguyên văn: “Cheesy shot.” Velveeta vốn là tên nhãn hiệu của một loại phô mai tan chảy của Mỹ, ra đời vào những năm 18, 20 của thế kỷ trước. Cụm từ “Velveeta”, do đó, thỉnh thoảng được sử dụng như một từ lóng dùng để chỉ những điều “sến sẩm” (cheesy), hoặc những phát ngôn ngu ngốc, hành động gàn dở, quá lố. Nguồn: http://onlineslangdictionary.com/meaning-definition-of/velveeta

  3. Tính theo thời điểm của bài viết gốc, xuất bản vào năm 2013.

  4. Cũng là một dạng ngôn ngữ cá nhân, thường chỉ người nói mới biết về nó hoặc là giữa những cặp sinh đôi. Trong y học, đây là một dạng của tật nói ngọng.

  5. Bạn có thể tham khảo tại: https://archive.org/details/poto.-and.-cabengo.-1980

  6. Lưu ý rằng “chuyển ngữ” (transliteration) khác với “biên dịch” (translation): nó là sự chuyển đổi dựa trên cách phát âm, chuyển chữ cái của một bảng chữ cái của ngôn ngữ này thành ký tự tương ứng, có âm tương tự của bảng chữ cái khác, không dựa trên nghĩa. Nhìn chung, chuyển ngữ có vai trò giúp mọi người phát âm các từ và tên bằng tiếng nước ngoài. Ví dụ: khi chuyển ngữ tiếng Hindi, bạn có thể nhập “namaste” để được chuyển đổi thành “नमस्ते”, có âm giống như “namaste”. Hay trong tiếng Do Thái, “kỳ nghỉ đông” của người Do Thái là חנוכה. Phiên âm tiếng Anh của nó là Hanukkah hoặc Chanukah.

  7. Nguyên văn trong bài: “…human language springs from innate neurological mechanisms or is shaped by the environment in a more tabula rasa brain”: “tabula rasa” là một thuật ngữ được dùng trong lý thuyết về Nhận thức luận (Epistemology) do triết gia người Anh, John Locke đặt nền tảng. Từ này có gốc Latinh, dịch ra nôm na là “một tấm thẻ gỗ nhẵn bóng hay tấm bảng trắng,” ý chỉ trí não của con người khi mới sinh ra hoàn toàn “trắng tinh” không có bất cứ khái niệm gì. Tất cả những hiểu biết ta có đều là do thông qua quá trình trải nghiệm.

  8. Lingua franca (ngôn ngữ cầu nối) là một loại ngôn ngữ thường được sử dụng trong giao tiếp giữa những người (hoặc nhóm người) không nói cùng tiếng mẹ đẻ. Khi mọi người nghe đến thuật ngữ lingua franca, họ thường nghĩ đến tiếng Anh, bởi nó là thứ ngôn ngữ được sử dụng phổ biến tại nhiều khu vực và trong nhiều lĩnh vực. Điển hình là trong ngành hàng không (aviation), đối với các phi công hàng không trên khắp thế giới, tiếng Anh là một lingua franca (có thể hiểu là ngôn ngữ chung).

  9. Nguyên văn: “serve the deuce court, poach the return of serve”, trong đó “poach” là thuật ngữ để chỉ cú đánh gần lưới từ đồng đội của người vừa giao bóng. Đây là chiến thuật chỉ dùng được trong những trận đánh đôi. Tham khảo thêm tại: https://youtu.be/oekxrr4MRy0

  10. Nguyên văn: “hit the high-bouncing serve out wide, guard the double’s alley.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất