Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Courtney Martin | Nguồn: Medium
Biên dịch: Aceae | Hiệu đính:  Nguyên
05/06/2016
Lời người dịch: Bài viết này (nhận được khá nhiều phản hồi và thảo luận đáng giá) nằm trong mục The Development Set do tổ chức của Bill và Melinda Gates tài trợ, với nhiều bài viết về phát triển quốc tế. Mặc dù nội dung chính nói về người trẻ Mỹ và tham vọng của họ, tôi nhận thấy rằng thông điệp và ý tưởng của nó không phải là không áp dụng được với quy mô nhỏ hơn.

Hãy giả vờ một chút, rằng bạn là một sinh viên đại học 22 tuổi ở Kampala, Uganda. Bạn đang ngồi trong lớp và lén lướt Facebook trên điện thoại. Bạn lại thấy có một cuộc xả súng nữa ở Mỹ, lần này là ở một chỗ gọi là San Bernardino. Bạn chưa bao giờ nghe đến nơi này. Bạn chưa bao giờ đến Mỹ. Nhưng chắc chắn là bạn đã nghe về bạo lực súng ống ở Mỹ rất nhiều. Dường như là tuần nào cũng có một vụ nổ súng mới.

Bạn tự hỏi liệu bạn có thể đến đó và khiến cho một bộ luật sử dụng súng chặt chẽ hơn được thông qua. Bạn sẽ là một anh hùng của người dân Mỹ, một người giải-quyết-vấn-đề, một người cứu mạng. Khó đến mức nào được chứ? Có lẽ là có một học bổng nào đấy cho những kẻ chí lớn như bạn để đến Mỹ sau khi học xong và được đào tạo trở thành các nhà kinh doanh xã hội. Bạn có thể sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận với mục đính chấm dứt các vụ nổ súng, có khi còn được trao một giải thưởng nhân văn vào năm bạn 30 tuổi.

Nghe ngây thơ không chữa được phải không? Thậm chí có phần hoang tưởng? Đúng rồi đấy. Tuy vậy, sự ngây thơ này không quá khác biệt so với cách mà quá nhiều người Mỹ nghĩ về việc thay đổi xã hội ở “Global South.”1

Nếu bạn hỏi một người Mỹ 22 tuổi về vấn đề kiểm soát súng ở đất nước cô, dễ là cô ấy sẽ bảo bạn rằng sự việc phức tạp hơn nhiều chuyện tham gia một vài workshop về doanh nghiệp xã hội và sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận. Cô có thể kể cho người bạn đến từ Kampala của mình về bản chất khó trị của ngành lập pháp Mỹ, về lịch sử dài của văn hóa súng ống ở đất nước này và những kẻ nhiệt tình ủng hộ nó, sự phức tạp của các bệnh tâm thần và liệu pháp chữa trị chúng. Cô có lẽ sẽ còn nhắc đến sự rối rắm thêm vào khi một người ngoài cuộc kêu gọi thay đổi.

Nhưng nếu bạn hỏi chính cô gái Mỹ 22 tuổi đó về một số vấn đề cấp bách nhất ở một nơi như Uganda – đói kém ở nông thôn hay giáo dục cho nữ giới hay kỳ thị với người đồng tính – cô ấy có lẽ sẽ cho là những vấn đề này giải quyết được. Có khi còn là giải quyết được một cách dễ dàng.

Tôi đang bắt đầu nghĩ về khuynh hướng này như là sự cám dỗ trong việc tối giản hóa vấn đề của người khác. Nó không xấu. Theo nhiều cách thì ta có thể giải thích khuynh hướng này theo khía cạnh tâm lý học; rằng ta không biết cái mà ta không biết.

Nếu bạn còn trẻ, có điều kiện, và muốn sống một cuộc đời có ý nghĩa, đương nhiên là bạn sẽ bị hấp dẫn bởi việc giải quyết các vấn đề mà dường như là cấp bách và dễ dàng giải quyết được. Đương nhiên là bạn sẽ muốn nộp hồ sơ cho các học bổng danh giá, mà qua đó cho thấy bạn là một nhà thiện nguyện tham vọng giữa chúng bạn đồng lứa. Đương nhiên là bạn sẽ muốn leo lên máy bay đến những vùng đất xa xôi, mà quan trọng là có những vấn đề xa xôi.

Có cả một ngành “công nghiệp” được dựng lên để nuôi dưỡng những tham vọng và ảo tưởng này – đáng chú ý nhất là con số 1,5 triệu tổ chức phi lợi nhuận được đăng ký ở Hoa Kỳ, nhiều trong số đó tập trung vào việc trợ giúp người dân các nước khác. Nói cách khác thì, cái tôi của người trẻ Mỹ không phải là tự nhiên mà có. Sự ngạo mạn của nó được khích lệ bởi các cơ hội việc làm hay thực tập, các hội thảo hội nghị đầy rẫy, và văn hóa được tuyên truyền – tóm lại được đầy đủ trong cụm từ kẻ cả và đơn giản một cách nguy hiểm, “cứu thế giới.”

.   .   .

Cái “cám dỗ của việc tối giản hóa” không phải là ác ý, nhưng nó có thể thành ra khinh suất. Có hai lý do. Một là, việc bạn chẩn đoán nhầm rằng vấn đề của ai đó có thể dễ dàng giải quyết được sẽ gây nguy hiểm cho họ. Có những hệ quả có thật khi những người có ý tốt cố gắng giải quyết một vấn đề mà không công nhận những điều phức tạp nằm bên trong.

Có rất nhiều ví dụ. Như David Bornstein đã viết trên tờ New York Times, những nỗ lực của phương Tây trong hơn bốn thập kỷ để giải quyết vấn đề về nước sạch đã dẫn đến “những cái giếng và cái bơm hỏng hóc, trị giá hàng tỷ đô-la. Nhiều trong số chúng hoạt động được ít hơn hai năm.”

Một ví dụ điển hình: năm 2006, chính phủ Hoa Kỳ, quỹ Clinton (The Clinton Foundation), quỹ Case (The Case Foundation), và nhiều đơn vị khác đã cam kết đóng góp 16,4 tỷ đô la cho PlayPump, về cơ bản là một cái bơm kiểu ngựa gỗ chạy vòng quanh và cung cấp nước uống an toàn. Mặc dù được quảng cáo là một giải pháp (vui vẻ!) cho những vấn đề nước nôi của thế giới đang phát triển, đến 2007, một phần tư số bơm ở riêng Zambia đã hư hỏng. Sau này, người ta ước tính là trẻ em phải “chơi” 27 giờ một ngày để sản xuất ra lượng nước PlayPump đã hứa hẹn.

Ta rất dễ bị quyến rũ bởi những dự án hỗ trợ mà liên quan đến vui chơi. SOCCKET, quả bóng đá sản xuất được năng lượng, gây nhiều sự chú ý năm 2011 khi mà nó kêu gọi được $92.296 trên Kickstarter. Ba năm ngắn ngủi sau, công ty mẹ đẻ của ý tưởng này thông báo với những người ủng hộ: “Phần lớn các bạn nhận được một sản phẩm đáng thất vọng một cách kinh ngạc, với một lố những sai sót trong sản xuất và kiểm soát chất lượng… Tóm lại thì chúng tôi đã làm hỏng bét toàn bộ dự án Kickstarter này.”

Đọc lời thú nhận thật thà đến bất ngờ này, tôi không thể không tự hỏi rằng thông điệp ở đây sẽ là gì, đối với lũ trẻ ở những vùng thiếu năng lượng, với những kỳ vọng bị phá vỡ bởi một quả bóng hư.

Trong một số trường hợp, sự cám dỗ của việc tối giản hóa còn có thể chủ động gây tổn hại. Những năm đầu hoạt động, hãng giày TOMS Shoes – nổi tiếng nhờ mô hình kinh doanh “mua một quyên góp một”, mà theo đó thì họ sẽ đóng góp một đôi giày cho mỗi đôi bán ra – quyên góp những đôi giày sản xuất tại Mỹ, lấy đi việc làm của các công nhân trong những xưởng sản xuất giày địa phương (thương hiệu này từ đó đã thay đổi dây chuyền cung ứng của mình.)

Một số người làm việc trong ngành phát triển thậm chí còn có một từ viết tắt dùng để miêu tả những sáng kiến này: SWEDOW (stuff we don’t want, tạm dịch là “những thứ chúng tôi không muốn”). AIDWATCH, một blog cập nhật tin tức trong ngành phát triển, vẽ ra một biểu đồ khá tiện dụng để giúp những người tốt kiểm nghiệm thực tế những bản năng nhân đạo của họ. Nó bắt đầu với câu hỏi đơn giản nhất – “Thứ này có cần không” – và đi đến những câu hỏi phức tạp hơn như, “Liệu việc tiêu thụ sản phẩm địa phương có dẫn đến sự thiếu hụt hay rối loạn gì khác không?”

Thứ hai là, sự cám dỗ của việc tối giản hóa vấn đề của người khác nguy hiểm cho những người có vấn đề mà bạn đã né tránh. Trong khi hàng ngàn những gương mặt sáng giá nhất của đất nước đổ xô đến những vùng đất xa xôi để làm dịu sự đau khổ xa lạ và khắc phục những vấn đề ngoại quốc, chúng ta cũng có đầy rẫy những vấn đề trong nước cần giải quyết.

Trong một bài viết sởn gai ốc của mình, C. Z. Nnaemeka gọi thành phần dân số Mỹ này là “tầng lớp dưới kém thú vị” (the unexotic underclass, đối lập với những cái gì được cho là “exotic,” mà ở trên dịch là xa xôi) – những bà mẹ đơn thân, cựu binh, người già – và lập luận rằng các nhà doanh nghiệp xã hội đã bỏ mất một cơ hội khổng lồ:

…tầng lớp dưới kém thú vị có thể phần nào giải quyết một trong những sự kém hiệu quả lớn nhất hiện nay trong cộng đồng startup: một dòng những người trẻ (có vẻ như là) sáng dạ và tham vọng rất muốn trở thành doanh nhân; và cái bối cảnh thiếu ý tưởng đến mức đáng xấu hổ, nơi mà quá nhiều người giỏi đang theo đuổi quá nhiều những ý tưởng ngớ ngẩn… Tầng lớp dưới kém thú vị có nhiều vấn nạn lớn, có thể không phải là Những Vấn Đề Lớn – tất cả đều viết hoa – mà được ‘thảo luận’ ở Davos (một hội nghị hàng năm về kinh tế thế giới). Nhưng dù sao thì họ vẫn có những vấn đề (cần giải quyết)…

Cũng như Nnaemeka, tôi nghĩ rằng có một nhu cầu và cơ hội rất lớn ngay trong nước Mỹ mà ít khi được đề cập tới. Có một khía cạnh xã hội ở đây: một người làm việc nhân đạo ở nước ngoài có thể nhận được nhiều “likes” hơn một người, giả dụ như, làm việc về vấn nạn vô gia cư ở Indianapolis. Một bên thì có vẻ hào nhoáng, còn bên còn lại thì nhắc người ta nhớ đến những cảnh tượng họ làm ngơ trên đường đến văn phòng.

#instagrammingafrica

Rất đáng sợ để lao vào giải quyết những vấn đề khi mà bạn đã lớn lên cùng chúng, quanh chúng. Phần lớn trẻ con Mỹ, trừ khi chúng được nuôi dạy trong môi trường quá bảo bọc, đều có một cảm nhận nào đó về bản chất phức tạp và nhiều khía cạnh của những vấn đề như bỏ tù hàng loạt (mass incarceration). Việc lựa chọn làm việc với vấn đề này (mà thực ra là nhiều quốc gia ở Global South giải quyết tốt hơn chúng ta rất nhiều) cũng có nghĩa là lựa chọn một con đường dài lâu và hạ mình để thấy được những nỗi khiếp đảm sâu sắc mà đất nước này đang làm. Nó có nghĩa là học về công cuộc cải cách việc kết án (sentencing reform). Tư nhân hóa các nhà tù. Các phương pháp tiếp cận tân tiến nhất đã bắt đầu được triển khai, như là công lý phục hồi (restorative justice) hay quá trình cải tạo (rehabilitation). Từ tất cả những kiến thức và tìm hiểu đó, tổng hợp lại một phỏng đoán xem cách giải quyết nằm ở phương hướng nào, và cứ thế từng bước tiến tới nó.

Một số người thì cần học ít hơn. Với mười triệu đứa trẻ Mỹ mà bố mẹ từng bị bỏ tù trong khi chúng lớn lên, lựa chọn làm việc với vấn đề này cũng có nghĩa là kết nối giữa chính sách và việc học tập theo chương trình với những trải nghiệm cá nhân – một con đường đến hành động sáng suốt, ngắn hơn nhưng cũng vô cùng khó khăn.

Những nhà hoạt động, nhà doanh nghiệp, ủng hộ, hay thiết kế và tổ chức mà tôi ngưỡng mộ nhất bây giờ là những người sẵn sàng bỏ ra khoản đầu tư như vậy. Có vẻ như họ tiếp cận sự phức tạp có hệ thống với một cái đầu tỉnh táo mà vẫn đầy lý tưởng.

Họ dường như sở hữu một cái nghịch lý quý giá – một mặt thì những thành viên mới cần công nhận rằng có rất nhiều thứ họ không biết và nuôi dưỡng một trí tò mò và sự kiên nhẫn phi thường. Mặt khác thì họ cần phải giữ chặt lấy tinh thần của một kẻ nhập môn, khiến họ đặt ra những câu hỏi tốt nhất và có một nguồn năng lượng tươi mới để đấu tranh cho thay đổi, điều mà những người dạn dày hơn cần một cách khủng khiếp. Họ là những người đang làm việc với những vấn đề kém “quyến rũ” nhất có thể: chấm dứt nạn vô gia cư, mang điểm tín dụng đến với nhiều người hơn, cải thiện hoạt động chính phủ.

Tôi hiểu được sự hấp dẫn của việc giải quyết những vấn đề nằm ngoài nước Mỹ. Không nghi ngờ gì là rất nhiều quốc gia có những nhu cầu trầm trọng và quy mô lớn hơn quá nhiều so với những gì chúng ta trải nghiệm hay chứng kiến trong nước. Tại sao những con người tuyệt vời đó lại không xứng đáng có được năng lượng của chúng ta chỉ vì ta và họ không cùng một quốc tịch?

(Và tôi không cho rằng người trẻ ở nhà thì sẽ miễn dịch với những sai lầm, nhất là loại da trắng có điều kiện như tôi.)

Nhưng đừng đi đâu cả nếu thứ bạn yêu là việc một vấn đề có thể giải quyết dễ dàng. Hãy đi vì bạn đã phải lòng sự phức tạp.

Đừng đi vì bạn muốn làm gì đó tốt đẹp. Hãy đi vì bạn muốn làm gì đó khó khăn.

Đừng đi vì bạn muốn nói. Hãy đi vì bạn muốn lắng nghe.

Đừng đi vì bạn thích đi du học. Hãy đi vì, giống như Molly Melching, bạn có kế hoạch sẽ cắm rễ ở đó. Melching, người bang Illinois, được công nhận rộng rãi là đã góp phần chấm dứt việc cắt bộ phận sinh dục nữ ở Senegal. Nhưng chuyện này không xảy ra ngày một ngày hai. Bà đã sống tại Dakar (hoặc quanh đó) từ năm 1974, xây dựng tổ chức của bà, Tostan, và chiến lược giúp đỡ các cộng đồng chung nhau giải quyết các vấn đề lạm dụng quyền con người. Phong cách lãnh đạo của bà là tính toán cẩn thận những khoảnh khắc rủi ro  – ví dụ như khi nào bà sẽ thách thức một thủ lĩnh địa phương – và những khi nào cần kiềm chế – khi mà bà chưa vội thách thức một thủ lĩnh địa phương vì bà cảm thấy rằng chưa xây dựng được đủ lòng tin với người này. Kiểu lãnh đạo đó chẳng thể có được nếu bạn chỉ ở đó sáu tháng.

.   .   .

Sự trỗi dậy của lĩnh vực doanh nghiệp xã hội trong vài thập kỷ gần đây đã gửi một số lượng không đếm xuể những người trẻ tuổi xách ba lô đến nhiều châu lục. Trong năm 2015, tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Echoing Green nhận được 3.165 đơn đăng ký cho khoảng 40 suất học bổng, phần lớn là người Mỹ quan tâm đến vấn đề thay đổi xã hội ở nước ngoài. Trong mười năm vừa qua, rất nhiều sinh viên ra trường đến đập cửa ở những nơi như Ashoka và Skoll World Forum (Tạm dịch: Diễn đàn Quốc tế Skoll), đều là những trung tâm của thế giới doanh nghiệp xã hội, hay là SOCAP, nơi tập trung vào đầu tư tác động (impact investing). Và đương nhiên là rất nhiều trong số họ đang làm điều tốt.

Nhưng rất nhiều trong số đó, hãy thú thật nào, thì không như thế. Họ đang phạm phải những sai lầm lớn – cả về mặt điều hành và văn hóa – ở những quốc gia họ không quen thuộc. Họ đang giải quyết vấn đề cho người khác, chứ không phải là với người khác, lặp lại ở quy mô nhỏ hơn nhiều sai lầm mà những tổ chức phát triển lớn nhất thế giới đã và đang phạm phải. Họ gieo rắc công nghệ mà không có một kế hoạch đào tạo  hay bảo trì nào, hoặc là họ cố gắng dịch chuyển các tục lệ văn hóa mà không có những tài liệu giáo dục phù hợp với bối cảnh văn hóa địa phương, hay là những người trung gian đáng tin cậy. Hoặc là họ đang dành phần lớn thời gian thuyết trình về công việc của họ trong vòng tròncác hội thảo, chứ không phải là thực sự tiến hành công việc.

Kiểu công việc này có thể gây ảnh hưởng đến những người trẻ đầy lý tưởng này. Họ cảm thấy trống rỗng khi cứ mãi phải thổi phồng những kết quả đạt được nhằm xin tiền tài trợ. Họ bị ám ảnh bởi khả năng là thực ra họ không phải là người có thể thực hiện những thay đổi này. Thi thoảng thì họ cảm thấy thật anh hùng, nhưng họ cảm thấy xa cách khỏi nhà của họ, gia đình và bạn bè họ. Họ kiệt sức.

Có một cách tốt hơn. Cho tất cả chúng ta. Hãy chống lại sự cám dỗ của việc tối giản hóa vấn đề của người khác và thay vì thế thì hãy yêu lấy cái viễn cảnh lâu dài hơn là ở nhà và đối mặt trực tiếp với những sự phức tạp có hệ thống. Hoặc là cứ đi nếu bạn cảm thấy phải làm thế, nhưng hãy ở lại nơi đó đủ lâu, lắng nghe đủ nhiều để “những người khác đó” trở thành người thật2. Nhưng hãy nhớ là việc “cứu” họ có lẽ sẽ không hề dễ dàng.


  1. Cách nói này nhắc đến North-South divide, là một cách chia thế giới ra làm hai phần, phía Bắc là các nước phương Tây, Bắc Mỹ, và các nước châu Á phát triển, còn phía Nam gồm châu Phi, Mỹ Latin và các nước đang phát triển của châu Á.

  2. Ý tác giả ở đây là hãy thấu hiểu một địa phương đủ để chính bản thân cũng trở thành người địa phương và hiểu được thực trạng ở đó, vì thế nên người tại đó không phải là “người khác” với bạn nữa

3 thoughts on “Sức cám dỗ của vấn đề của người khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất