Nếu có thể quan sát Trái Đất từ rìa ngoài của Hệ Mặt trời qua suốt những kỷ nguyên địa chất, chúng ta có lẽ đã có thể nhận ra một thay đổi tinh tế trong thứ ánh sáng tỏa ra từ hành tinh của mình. Thế giới cổ đại, cũng như những sa mạc đỏ của sao Hỏa, phản chiếu ánh sáng từ những khoảng không mênh mông đầy đá sỏi, những vụn cát hoang, màu đen của đá bazan trống trải, lớp bụi vàng từ những cơn bão dịch chuyển vô cùng tận. Chỉ có cuộc hành quân không biết mệt mỏi của mây và những tia sáng thi thoảng lóe lên từ mặt nước đại dương không ngừng nghỉ là kể một câu chuyện khác, nhưng vẫn là một sự tích khô cằn. Để rồi, trong khi những thiên niên kỷ trôi dần đi mất và kỷ nguyên này nối tiếp kỷ nguyên kia, một ánh sáng mới và xanh hơn bắt đầu lấp lánh trên những nẻo đường bất tận.
Đây là sự đổi thay duy nhất mà những người quan sát từ khán đài xa tít mù tắp này, bằng những công cụ tinh xảo, có thể nhận thấy được trong toàn bộ lịch sử của hành tinh Trái Đất. Vậy mà tia sáng xanh dần lớn mạnh này thực ra chứa trong nó toàn bộ cuộc hành quân vĩ đại của sự sống từ những bãi thủy triều lên trên các lục địa còn trần như nhộng. Từ bên trong bể hóa học bao la của đại dương – không phải từ biển sâu, mà từ những thềm lục địa giàu nguyên tố và ánh sáng – những ngón tay màu xanh dần bò lên, lần mò đi theo những dòng sông và viền theo những bờ hồ đã bị lãng quên.
Thuở sơ khai đó các loài thực vật vì cần thiết mà bám lấy các đầm lầy và kênh rạch. Quy trình sinh sản của chúng yêu cầu phải tiếp cận nguồn nước trực tiếp. Còn nếu đi xa hơn những loài dương xỉ và rong rêu nguyên thủy ôm lấy ranh giới đầm lầy, thì những bãi đá vẫn nằm hiu quạnh, những cơn gió vẫn cuốn xoáy lớp bụi của một hành tinh trần trụi. Lớp cỏ ghim thế giới của chúng ta nằm lại đúng chỗ phải còn vài triệu năm nữa mới xuất hiện. Những kẻ hành quân màu xanh đã đặt được một bàn chân ướt nhẹp lên đất liền, nhưng chỉ đến thế là hết. Chúng không sinh sản bằng hạt mà bằng những tinh trùng hiển vi, bơi luồn lách qua nước để thụ tinh cho tế bào cái. Những loài thực vật, cũng tương tự như vậy nhưng tiến hóa hơn, có những tính trạng thích nghi khôn ngoan để sử dụng nước mưa trong giai đoạn sinh sản, và chúng có thể sống sót ngày càng thành công hơn trong môi trường đất ngập nước. Giờ thì chúng có vẻ như một phần tự nhiên trong môi trường bình thường của loài người. Nhưng sự thật là, chẳng có gì “bình thường” ở Thiên nhiên cả. Đã từng có thời không có một bông hoa nào trên Trái Đất này.
Quả thực là một thế giới của kẻ khổng lồ.
Một khoảng thời gian ngắn trước đó – tức là khoảng một trăm triệu năm trước, theo cách mà các nhà địa chất học định nghĩa thời gian dựa theo lịch sử bốn tỷ năm của hành tinh – chẳng thể tìm thấy nổi một đóa hoa dù có lục tìm cả năm lục địa. Có nhìn đi đâu, từ hai cực cho đến xích đạo, ta cũng sẽ chỉ nhìn thấy một sắc xanh đơn điệu của một thế giới mà thực vật chẳng sở hữu một màu nào khác.
Ở một nơi nào đó, chỉ một thời gian ngắn trước cái kết của Kỷ nguyên Bò sát, đã xảy ra một vụ nổ không âm thanh nhưng vô cùng dữ dội. Nó kéo dài hàng triệu năm, nhưng dù sao vẫn là một vụ nổ. Nó đánh dấu sự xuất hiện của loài thực vật hạt kín – những cây có hoa. Kể cả nhà tiến hóa vĩ đại, Charles Darwin, cũng gọi chúng là “một bí ẩn đáng ghét,” bởi vì chúng xuất hiện quá đột ngột và lan rộng quá nhanh.
Những bông hoa đã thay đổi bộ mặt của hành tinh. Không có chúng thì thế giới mà ta biết – kể cả bản thân loài người – sẽ chẳng bao giờ tồn tại. Nhà thơ người Anh Francis Thompson đã từng viết rằng chẳng thể ngắt một đóa hoa mà không quấy động đến một ngôi sao. Một cách trực giác, ông đã cảm thấy được, như một nhà tự nhiên học, tính phức tạp kết nối khủng khiếp của sự sống. Ngày nay thì chúng ta biết là sự xuất hiện của những bông hoa cũng chứa trong nó sự xuất hiện bí ẩn không kém của con người.
§
Nếu chúng ta quay lại Kỷ nguyên Bò sát, những đầm lầy và những cánh rừng không chim chóc của nó vén màn hiện ra một thế giới ấm áp hơn, nhưng nhìn chung lại uể oải hơn thế giới ngày nay. Đúng là ở nơi đây nơi đó, những cái đầu rắn của loài khủng long ăn cỏ lại ngẩng lên, đầy nghi ngờ về sự hiện diện của họ hàng ăn thịt của chúng. Loài Tyrannosaur, đi trên hai chân như một bức tranh biếm họa loài người khổng lồ, rình mò không ý thức trên mảnh đất của những thành phố tương lai và đi chầm chậm vào bóng tối của thời gian địa chất dài dằng dặc.
Trong toàn bộ thế giới của sự sống đó, chẳng có gì thực sự nhìn ngắm giang sơn, trừ ánh mắt tập trung vào cuộc săn mồi, chẳng có gì chuyển động ngoại trừ những bước chân mộng du của bộ não do bản năng điều khiển. Nếu đánh giá theo tiêu chuẩn hiện đại, đó là một thế giới trong trạng thái quay chậm, một thế giới máu lạnh với những cư dân hoạt bát dưới ánh nắng ban trưa nhưng chậm chạp trong đêm se lạnh; bộ não của chúng bị kìm hãm bởi một tốc độ trao đổi chất còn chậm hơn cả của loài vật máu nóng cơ bản nhất hiện nay.
Một tốc độ trao đổi chất cao và khả năng duy trì thân nhiệt không đổi là hai thành tựu siêu việt của quá trình tiến hóa của sự sống. Chúng cho phép loài vật thoát khỏi, trong một giới hạn nhất định, sự thay đổi nhiệt độ của môi trường xung quanh, và cùng với đó duy trì khả năng tư duy hiệu quả nhất. Sinh vật nào không có một tốc độ trao đổi chất cao thì trở thành nô lệ của thời tiết. Lũ côn trùng chỉ cần qua đợt giá lạnh mùa thu đầu tiên là rơi lả tả kiệt sức như đồng hồ hết dây cót. Thế nhưng nếu ta nhặt một con bọ lên và thổi hơi ấm vào nó, cơ thể nó sẽ lại bắt đầu chuyển động.
Dưới một hốc trú chân những sinh vật như vậy có thể ngủ cho qua mùa đông, nhưng chúng bất động một cách vô vọng. Mặc dù một số loài động vật máu nóng, như là macmota châu Mỹ, đã tìm được cách tiến hóa để hạ thấp tốc độ trao đổi chất của chúng trong thời gian ngủ đông, đây là một cơ chế sinh tồn có nhiều nhược điểm, bởi vì con vật sẽ không tránh khỏi việc bị lộ trong trạng thái bất lực trước kẻ thù nếu chúng bị phát hiện khi đang ngủ đông. Vì vậy nên dù là gấu hay macmota, dù lớn hay nhỏ, đều phải tìm kiếm một chỗ trú ẩn an toàn trong khoảng thời gian ngủ đông. Vì vậy, ngủ đông chủ yếu là một cách tị nạn qua mùa đông của những loài vật nhỏ bé dễ giấu mình, chứ không phải của các loài to xác hơn.
Một tốc độ trao đổi chất cao, tuy vậy, lại yêu cầu một lượng hấp thụ năng lượng lớn để có thể duy trì hơi ấm và năng lực của cơ thể. Chính vì lý do này mà thậm chí một số các loài máu nóng trong thời đại của chúng ta đã học cách chuyển sang cách sống vô ý thức và chậm chạp hơn trong những tháng mùa đông, khi thức ăn trở nên khó tìm hơn. Theo một cách tiến hóa hơn, chúng đang đi theo con đường của loài ếch máu lạnh, ngủ vùi trong lớp bùn dưới đáy cái ao đã đóng băng1.
Nhưng sự thật là, chẳng có gì “bình thường” ở Thiên nhiên cả. Đã từng có thời không có một bông hoa nào trên Trái Đất này.
Bộ não nhanh nhẹn của những loài thú và chim máu nóng yêu cầu lượng oxy và thức ăn lớn, nếu không thì chúng chẳng thể nào nuôi sống bản thân. Sự phát triển của cây có hoa đã cung cấp năng lượng đó và thay đổi bản chất của thế giới sự sống. Sự xuất hiện của chúng (cây có hoa) song hành một cách ngạc nhiên cùng sự xuất hiện của các loài chim chóc và thú.
Chầm chậm, vào thủa bình minh của Kỷ nguyên Bò sát, khoảng hai trăm năm mươi triệu năm trước, những tế bào tinh trùng tí hon trần trụi luồn lách qua giọt sương hay hạt nước mưa đã nhường chỗ cho một loại phấn hoa bay theo gió. Những rừng thông ngày nay của chúng ta đại diện cho loại thực vật phát tán phấn hoa. Một khi việc thụ tinh không còn phụ thuộc vào nguồn nước ngoài cơ thể, cuộc hành quân trên những miền đất khô hơn có thể được mở rộng. Thay vì bào tử, những hạt giống sơ khai mang ít chất dinh dưỡng cho mầm cây đã phát triển, nhưng phải vài chục triệu năm nữa những bông hoa đích thực mới xuất hiện. Sau một thời gian dài tiến hóa mò mẫm, chúng bùng nổ tiến vào thế giới với một sức mạnh chưa từng thấy.
Sự kiện này xảy ra vào kỷ Phấn trắng (Cretaceous period), trong hoàng hôn của Kỷ nguyên Bò sát. Trước khi cây có hoa xuất hiện thì tổ tiên của chúng ta, loài thú máu nóng, chỉ bao gồm một vài sinh vật nhỏ bé giống như chuột trốn lủi trong bụi cây. Vài loài chim tựa-thằn-lằn với bộ răng ăn thịt vỗ cánh vụng về giữa những bụi rậm cổ đại. Trong những sinh vật tầm thường này chẳng có loài nào thể hiện được tài năng gì đáng kể. Cụ thể là, động vật có vú đã bò loanh quanh vài triệu năm, nhưng vẫn mất tăm mất tích giữa lũ bò sát hùng mạnh. Nói thật ra thì, như thần đèn trong cái lọ, loài người lúc ấy vẫn đang nằm gọn trong cơ thể một sinh vật to khoảng bằng con chuột.
Còn về lũ chim chóc, người anh em bò sát của chúng là các loài Pterodactyl có thể bay lượn tốt hơn, xa hơn. Chỉ có một điều ở loài chim là tương đồng với sinh lý của loài thú. Chúng cũng đã tiến hóa để có dòng máu nóng và khả năng điều khiển nhiệt độ. Dù vậy, nếu bị lột hết bộ lông của mình, chúng vẫn sẽ trông hao hao một con bò sát xấu xí và kỳ quặc.
Cả chim lẫn thú tuy vậy đều không thực sự giống như vẻ ngoài của chúng. Chúng đang chờ đợi Kỷ nguyên của Hoa2. Chúng đang đợi thứ mà hoa, và cùng với nó là hạt kín đích thực, sẽ mang lại. Những loài bò sát ăn cá với cặp cánh da khổng lồ, từ đầu này đến đầu kia dài hai mươi tám thước anh (khoảng tám mét rưỡi), lượn lờ trên những bờ biển mà một ngày kia sẽ tràn ngập hải âu.
Tiến vào sâu đất liền, màu xanh buồn tẻ của những cánh rừng thông và tùng với những bông hoa nguyên thủy của chúng trải dài khắp các lục địa. Chẳng có cỏ để đỡ lấy những hạt trần rơi rụng. Những cây củ tùng (sequoia) mọc cao đến tận trời. Thế giới này mang một sự hấp dẫn nhất định, nhưng nó là một thế giới của kẻ khổng lồ, một thế giới chuyển động chậm rãi như loài bò sát đi nhiều bước dài đẹp đẽ qua những rừng cây của nó.
Bản thân rừng cây cũng cổ xưa, chậm mọc và hoành tráng, như những rừng cây gỗ đỏ (redwood) còn sống sót đến ngày nay dọc bờ biển California. Tất cả đều cứng nhắc, trang trọng, ngay ngắn và xanh, xanh đơn điệu. Chưa có cỏ xanh, chưa có những đồng bằng mênh mang cuồn cuộn trong ánh nắng, chưa có bông cúc tí hon tô điểm cho thảo nguyên dưới lòng bàn chân. Thế giới đó còn ít sự phong phú, nó quả thực là một thế giới của kẻ khổng lồ.
Ở đây tác giả nhắc đến việc khi đông tới, các khổi nước (ao, hồ) thường đóng băng ở trên cùng và lớp băng này ủ nhiệt, khiến cho lớp nước ở dưới (tiện cái là nước lại có khối lượng riêng lớn nhất ở 4 độ C) vẫn giữ trong trạng thái lỏng. Nhiều loài sinh vật nhờ thế vẫn ngủ đông hoặc sống sót qua mùa đông giá lạnh↩
Cách nói nhân hóa của tác giả, chứ bọn này không “chờ đợi” gì cả.↩
Ngay khi đọc những câu đầu tiên mình đã phải thốt lên sao tác giả có thể khiến một bài nghiên cứu giống một cuốn sách văn học, đầy tính thơ đến thế. Và cuối cùng khi đọc đến phần giới thiệu tác giả mình đã có thể Ồ lên một tiếng 😡 Cảm ơn Zeal đã dịch lại cũng với chất thơ ấy!
Chào bạn, mình là người dịch bài này đây! Cảm ơn bạn nhé, mình cũng rất cố gắng hihi. Nếu bạn thích kiểu bài này có thể đọc thêm phần 2 của bài này và bài “Kiến tạo và sinh sôi” của tác giả Annie Dillard nhé!
Thích ngày tựa đề bài viết. Cảm ơn tác giả nhé. Đọc rất cuốn hút.
Câu chuyện kỳ thú về sự tiến hóa của thế giới các loài sinh vật muôn màu!!