a
§ Tác giả: Tony Hiss | Nguồn: Smithsonian Magazine
Biên dịch: Bích Trâm | Hiệu đính:  Aceae
06/10/2016

“Những cuộc đấu tranh là nơi thú vị,” nhà sinh học tiến hóa nổi tiếng E. O. Wilson nói, “và nơi mà những tiến bộ nhanh nhất diễn ra.” Chúng tôi đang ngồi trên những chiếc ghế chao quá cỡ ở một căn nhà khách miền Tây Bắc Florida với hai cái hiên rộng và một nửa gallon kem bơ hồ đào trong tủ lạnh, một món yêu thích của Wilson. Ông ấy mời tôi đến đây để quan sát thứ mà ông cho là một phương pháp tiếp cận mới trong bảo tồn, một chiếc Chén thánh sinh thái mới, mà đương nhiên sẽ không thể thực hiện được nếu không có đấu tranh.

Wilson, 85 tuổi, là tác giả của hơn 25 đầu sách, nhiều trong số đó đã thay đổi cách khoa học hiểu về bản chất con người, cách tổ chức và sắp xếp sự sống trên hành tinh.

Loài người đi đến đâu, các loài khác chao đảo và biến mất đến đó, ban đầu với tốc độ chậm và hiện tại thì đang tăng tốc, đến mức Wilson nói đến một “lò thiêu sinh học” (biological holocaust) đang đến gần, chính là sự kiện tuyệt chủng hàng loạt số sáu, duy nhất không phải do biến động lớn nào gây ra, mà chỉ do một giống loài đơn độc – loài người chúng ta.

Được biết đến như cha đẻ của ngành sinh học xã hội (sociobiology), ông cũng được ca ngợi là nhà ủng hộ lẫy lừng của đa dạng sinh học. Wilson đã sáng tác ra từ “biophilia” (ghép từ hai chữ “bio” là sự sống và “philia,” một trong bốn từ Hy Lạp cổ để miêu tả tình yêu, thường được dịch là lực hút/lực hấp dẫn) để gợi ý rằng con người bẩm sinh bị thu hút bởi sự sống và có mối quan hệ thân ái đối với những loài khác, và bây giờ “thuyết hòn đảo địa sinh học” (theory of island biogeography) của ông được chấp nhận rộng rãi: nó giải thích lý do số lượng loài sinh sống trong các công viên quốc gia và tất cả các không gian có giới hạn sẽ giảm dần qua thời gian, không thể tránh được. Ông lớn lên quanh vùng Mobile, bang Alabama, và làm việc tại Harvard trên 60 năm, nhưng vẫn tự gọi mình là “một cậu bé miền Nam lưu lạc đến miền Bắc kiếm sống.” Ông lịch sự, với đôi mắt lấp lánh, cách ăn nói nhẹ nhàng, chỏm tóc bạc bù xù, và cái lưng hơi gù vì cả đời cúi mình quan sát tất cả những điều nhỏ nhặt – ông là học giả hàng đầu thế giới về loài kiến. Wilson đã được nhận hơn một trăm giải thưởng khoa học và những khen thưởng khác, bao gồm hai giải Pulitzer1. Và có lẽ dự án cấp thiết nhất của ông là bác bỏ sự hoài nghi của những người nghi ngờ bảo tồn, những người nghĩ rằng không còn đủ tự nhiên nữa để đáng công sức bảo vệ.

Suốt khoảng 544 triệu năm, từ lúc mà động vật vỏ cứng đầu tiên xuất hiện, số lượng thực vật và động vật trên hành tinh có tăng lên chậm rãi, bất chấp năm sự kiện tuyệt chủng hàng loạt. Cao điểm của đa dạng sinh học có khả năng trùng hợp với thời điểm người hiện đại rời châu Phi và phân tán ra khắp địa cầu vào 60.000 năm trước. Loài người đi đến đâu, các loài khác chao đảo và biến mất đến đó, ban đầu với tốc độ chậm và hiện tại thì đang tăng tốc, đến mức Wilson nói đến một “lò thiêu sinh học” (biological holocaust) đang đến gần, chính là sự kiện tuyệt chủng hàng loạt số sáu, duy nhất không phải do biến động lớn nào gây ra, mà chỉ do một giống loài đơn độc – loài người chúng ta.

Mới đây Wilson đã dự tính rằng cách duy nhất loài người có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tuyệt chủng hàng loạt, sức tàn phá như sự kiện đã hủy diệt loài khủng long 65 triệu năm trước, là dành riêng một nửa hành tinh để trở thành những khu vực được bảo vệ vĩnh viễn cho mười triệu loài khác (không phải chúng ta). “Nửa Trái đất” (Half Earth), tôi bắt đầu gọi nó như vậy – một nửa cho ta, một nửa cho chúng. Một phiên bản của ý tưởng này đã được lưu truyền trong cộng đồng bảo tồn một thời gian.

“Nhiều năm nay tôi đã nghĩ rằng,” Wilson nói với tôi, “loài người chưa nghĩ đủ lớn – thậm chí cả những nhà bảo tồn cũng chưa. Nửa Trái đất là mục tiêu, nhưng làm thế nào để đạt được, và liệu chúng ta có thể nghĩ ra một hệ thống các cảnh quan hoang dã mà ta có thể gìn giữ được. Tôi thì thấy một chuỗi hành lang không đứt đoạn đang hình thành, với những xoắn và gấp, một số trong đó sẽ mở đủ rộng để chứa các công viên quốc gia (chuyên về) đa dạng sinh học, một kiểu công viên mới sẽ không để các loài vật biến mất.

Tầm nhìn Nửa Trái đất này liệu có khả thi, tôi băn khoăn, mà nếu có thì nó sẽ trông như thế nào?

Tôi cũng đã bắt đầu có suy nghĩ về những chuỗi đất hoang như “Đất Dài” (Long Landscapes) và Wilson có nói là ông ấy thích ý tưởng rằng chúng có thể trực tiếp đối đầu với biến đổi khí hậu đang ập đến: Những chuỗi chạy dọc theo hướng Bắc-Nam, giống như phát kiến bên phía Tây mang tên Yellowstone-tới-Yukon, có thể cho phép động thực vật di chuyển về phía Bắc khi khí hậu ấm lên, và những chuỗi đất khác chạy dọc theo hướng Đông-Tây có thể cho phép các loài xê dịch qua phía đông, tránh khỏi vùng phía tây, nơi mà trong tương lai có thể không có nhiều mưa. “Khi mà ý tưởng này thực sự vào guồng ấy,” Wilson nói, “bạn sẽ được bao bọc, bao bọc bởi những hành lang kết nối đến mức bạn gần như không bao giờ là không ở trong một công viên quốc gia, hay là ở một nơi nào đó sẽ dẫn đến một công viên quốc gia.

Tầm nhìn Nửa Trái đất này liệu có khả thi, tôi băn khoăn, mà nếu có thì nó sẽ trông như thế nào? Câu hỏi sẽ đưa tôi đi khắp Hợp chủng Quốc, đến một trang trại bò rừng ở Montana và tới các hành lang hoang dã (wildlife corridor)2 đang được mở ở New England3, nhưng theo Wilson, con đường dẫn tới một nửa hành tinh vĩnh viễn được bảo vệ – điều ông nghĩ rằng chúng ta có thể làm được trong một nửa thế kỉ – bắt đầu từ ngay bên ngoài ngôi nhà của chúng tôi gần thị trấn Freeport, Florida, trong một khu rừng đang được tạo ra bởi M. C. Davis, một triệu phú lớn lên trong một cái xe di động và hồi còn trẻ chơi poker để có tiền cho khoản đầu tư đầu tiên.
Giống Wilson, M. C. Davis là một người kiên nhẫn, lịch thiệp và quyến rũ. Nhưng chính Wilson đã nhanh chóng chỉ ra một sự khác biệt: “Tôi chỉ viết về bảo tồn đa dạng sinh học. Ông ấy thì thực sự đang làm việc đó.”

Ý tưởng của Davis đã hồi sinh “Piney Woods,” hệ sinh thái đặc thù của khu vực Đông Nam nước Mỹ. Rừng thông lá dài (longleaf pine) từng bao phủ 90 triệu acre (khoảng 36 triệu hecta) đất, chiếm khoảng 60% diện tích cả vùng, liên tiếp 1.200 dặm qua 9 bang từ Virginia tới Đông Texas. Cánh rừng này đã mất 97%, và còn lại chỉ khoảng 3 triệu acre (hơn 1 triệu hecta). Thảm khốc hơn những gì đã xảy ra với các rạn san hô (10 đến 20% bị phá hủy) hay rừng nhiệt đới Amazon (hơn 20%). “Vụ Đốn Lớn” (Big Cut) của rừng thông lá dài bắt đầu sau Nội chiến Mỹ và cái để lại phía sau được các nhà phê bình gọi là “một biển gốc cây.” Phần lớn đất ở đó đã được trồng rừng lại, nhưng lại trụi thông lá dài, hiện tại trồng hàng loạt những cây thông lớn nhanh để phục vụ cho nguyên liệu giấy.

Rừng thông lá dài nhìn từ dưới lên với vòm cây thông thoáng. Nguồn: Wikimedia.
Rừng thông lá dài nhìn từ dưới lên với vòm cây thông thoáng. Nguồn: Wikimedia.

Davis, một thương nhân kinh doanh quyền khai thác gỗ và dầu khí, người đã lớn lên cách cánh rừng 65 dặm (104,6 km) về phía tây, rất vui tính, dễ gần, mạnh mẽ, trông hơi nhăn nheo, khiêm tốn (“Tôi là một gã phủi bụi”). Nhưng trong vòng một thập niên gần đây ông đã chi nửa triệu đô một năm để trồng rừng thông lá dài và nửa triệu đô khác cho những thành phần khác của một rừng thông lá dài.

Davis nhớ như in thời khắc sáng ngộ của mình. Mắc kẹt trong một vụ va chạm xe lớn trên đường I-4 gần Tampa, ông nhìn thấy một tấm bảng điện tử của trường trung học với dòng chữ “Hội thảo Gấu Đen” và bước vào cửa: “Có một ông già say rượu và một chính trị gia tưởng là sẽ có một đám đông, và một cặp đôi Canada đang tìm mua bánh donut cũ kèm cà phê, và ở trên sân khấu, có hai người phụ nữ đang nói về việc bảo vệ gấu đen. Họ rất tâm huyết. Ngay ngày hôm sau tôi cho hai người phụ nữ đó đủ tiền để tiếp tục hoạt động thêm hai năm nữa, chắc là làm họ sợ, vì đột ngột quá mà. Sau đó tôi nhờ họ cho một danh sách 100 cuốn sách môi trường để giáo dục bản thân. Tôi đã dành một năm để đọc các sách của Thoreau, John Muir, Ed Wilson. Sau đó, tôi bắt đầu mua đất để xem mình có thể làm được gì.”

Nếu muốn bảo vệ gấu đen Florida, điều rõ ràng ngay từ đầu là bạn phải bảo vệ rừng thông lá dài, môi trường sống ưa thích của lũ gấu. Một con gấu đực trưởng thành lang thang trong một phạm vi khoảng 100 dặm vuông (259 km vuông). Bắc Florida đã có sẵn một số cụm rừng thông lá dài kích thước tốt thuộc sở hữu công cộng – rừng quốc gia, rừng bang, khu vực quản lý các loài hoang dã, và ở phía Tây vùng Panhandle có Căn cứ Không quân Eglin, một công trình rất lớn, bản thân trước Thế chiến thứ II đã từng là một khu rừng quốc gia. Nếu bạn có thể bổ sung thêm đất đai để nối liền các mảnh lại với nhau, chúng sẽ cộng lại thành một điều gì đó vĩ đại hơn là chiếc “tem thư” của tự nhiên, như cách những nhà bảo tồn bắt đầu gọi những công viên quốc gia. Vấn đề là 70 dặm (112,6 km) phân cách hai vùng rừng thông lá dài bảo vệ đầu tiên – và 95 dặm (152,9 km) nữa mới đến tầng thứ ba.

Khi đào sâu hơn, Davis nhận ra rằng khu vực bờ biển Đông Nam (nước Mỹ) là một điểm nóng sinh học “siêu đa dạng” (hyperdiverse), chỉ trong một yard vuông (0,83 mét vuông) có thể có tới hơn 60 loài khác nhau – dù bạn có thể không nghĩ vậy khi nhìn thấy nó, vì một rừng thông lá dài trưởng thành trông như được cắt tỉa gọn gàng, giống như một công viên thành phố lớn. Nếu không có bất kì sự can thiệp nào của con người, đây là một cánh rừng với những cây cao, thẳng cách nhau khá rộng rãi, nhiều ánh sáng và rất nhiều đồng cỏ rộng mở. Thông lá dài chỉ bắt đầu vươn cành sau khi nó cao quá đầu, nơi có những lá kim lấp lánh dài tới 2,5 feet (0,76 mét) đang dàn trận nom như quả pom pom. Ở dưới những nhánh cây là không gian trống, một chú chim ưng có thể lướt qua được.

Kế hoạch của Davis là mua và trồng lại thông lá dài ở không gian mở, về phía đông Eglin và phía tây một hành lang bảo vệ ven sông. Vùng đất sẵn có này gần khu dân cư, chỉ cách một vài dặm vào phía đất liền từ những bãi cát trắng như đường và chung cư cao tầng của những thị trấn duyên hải vịnh Mexico. Những cộng đồng sống nhờ du lịch này từng mang tên Redneck Riviera, với những điểm đến như Snake-a-Torium, nhưng gần đây thì tự tiếp thị bản thân là Emerald Coast (tạm dịch: Bờ biển Ngọc bích) (với câu khẩu hiệu hơi khó hiểu kiểu “Cát trắng, Rượu vang trắng, Cổ trắng”). Tuy nhiên chẳng có gì để tạm gọi là cao cấp ở mảnh đất Davis để mắt tới cả. Nó trông ảm đạm chứ không hề rực rỡ, một dãy trang trại đậu phộng bỏ hoang và rừng nguyên liệu giấy không năng suất với giá chào bán thấp.

Cách tiếp cận của Davis – “Cái dại của M.C,” giới bảo tồn gọi nó như vậy, bởi nó có vẻ rất tham vọng – ra đời vì Wilson giữa những năm 1960 đã chứng tỏ được là theo thời gian các loài sinh sống trên các hòn đảo sẽ mất dần. “Ed đã chỉ đường,” Davis nói với tôi, “bằng cách cho ta thấy rằng hành động mạnh mẽ là hy vọng duy nhất của chúng ta. Tất cả chúng ta đang hành quân dưới trướng của ông, và ông rất biết truyền cảm hứng cho những người như tôi hành động.”

Davis đã mua 51.000 acre (20.639 hecta) (đất trang trại và rừng thoái hóa, một mảnh đất có chiều rộng lên tới 5 dặm vuông (12,94 km vuông) mà chỉ sở hữu suýt soát 1.500 acre (6070 hecta) rừng thông lá dài chia thành những mảng thưa thớt. Về cơ bản, ông bắt đầu từ đầu, và sẽ “tái hoang hóa” tài sản của ông. Davis đặt tên món thửa tồi tàn của mình là Đồn điền Nokuse. Phát âm là là “No-GO-see,” Nokuse có nghĩa là “gấu” trong ngôn ngữ của dân tộc Muskogee từng sống ở đó, nhưng bảng chữ cái viết của họ lại không có chữ “G” cứng. Nokuse là khu bảo tồn tư hữu lớn nhất và dự án cải tạo lớn nhất phía đông sông Mississippi.

Để tôn vinh Wilson, Davis đã chi 12 triệu đô xây lên Trung tâm E. O. Wilson Biophilia hoành tráng, nơi mà hàng ngàn học sinh từ lớp bốn đến lớp bảy từ sáu quốc gia được tham gia các lớp học miễn phí; ở đó các em được giữ những chú rùa cạn con và leo trèo và tạo dáng chụp ảnh trước một bức tượng kiến khổng lồ.

Wilson xem Nokuse như một phần của “giai đoạn cuối cùng của công cuộc bảo tồn.” Quay trở lại thời điểm năm 1871, khi Hoa Kỳ cho cả thế giới một cú sốc bằng việc phát minh ra công viên quốc gia, đặt riêng ra 2,2 triệu acre (890.000 hecta), một diện tích lớn hơn bang Delaware, để tạo ra Công viên Quốc gia Yellowstone như một “mảnh đất vui chơi” công cộng. (Hiện thế giới đã có 5.000 công viên quốc gia, trong số 200.000 khu vực được bảo vệ.) Nửa thế kỷ trước, tầm nhìn được mở rộng. Vào tháng này năm mươi năm trước, Tổng thống Johnson đã ký thông qua Đạo luật Vùng hoang dã (Wilderness Act), đạo luật đầu tiên về bảo vệ vĩnh viễn đất đai vì lợi ích của chính nó, thiết lập một Hệ thống Bảo tồn Vùng hoang dã Quốc gia (National Wilderness Preservation System) ở những vùng mà “trái đất và cộng đồng sự sống không bị loài người cản trở, nơi mà con người chỉ là một du khách không lưu lại.” Sự kiện này được hoan nghênh là đảm bảo “tự do cho thiên nhiên”; Wilson gọi nó là “bảo tồn sự vĩnh cửu.” 9,1 triệu acre (3,6 triệu hecta) đất hoang của Mỹ đã được bảo vệ vào năm 1964 đã phát triển lên tới 109,5 triệu acre (44 triệu hecta) (4% diện tích quốc gia), nhờ vào những nhóm công dân làm việc nhân danh cho phần còn lại cả sự sống.

Theo Wilson thì thử thách mới là liên kết các công viên quốc gia, các khu dự trữ hoang dã và các thắng cảnh được phục hồi lại với nhau để “bảo vệ vĩnh viễn các hệ động vật và thực vật nguyên vẹn.” Ông dành nhiều tán dương cho một số dự án như vậy ở vùng phía Tây – đặc biệt là sáng kiến Yellowstone-tới-Yukon nhằm gắn kết nhiều vùng đất rộng lớn của Hoa Kỳ và Canada, và thậm chí mở rộng tầm nhìn Western Wildway (tạm dịch: Con đường Hoang dã phía Tây), một dải đất vòng cung trải dài ba quốc gia, dọc theo chiều dài của dãy núi Rockies, từ Mexico tới Alaska, được bảo trợ bởi Mạng lưới Đất Hoang dã (Wildlands Network), một hiệp hội các nhà sinh vật học và các nhà hoạt động xã hội có trụ sở tại Seattle.

Trong những bản phác thảo ban đầu của hệ thống “những điểm cốt lõi và hành lang” (cores and corridors), các hành lang kết nối trông mỏng manh và khẳng khiu, giống những tế bào não ràng buộc với nhau bởi hệ thống các sợi trục (axons) họp hẹp. Thậm chí từ “hành lang” nghe đã hạn chế và không chào đón, gợi lên hình ảnh của hành lang trường học và bệnh viện, những không-ra-nơi-chốn chỉ để vội vã đến điểm tới thực sự của bạn. Bạn không thể chỉ đơn thuần tạt ngang qua hành lang rừng thông lá dài mới của Davis. Trong một điểm nóng có rất nhiều loài chen chúc nhau, mỗi mẫu đất tái hoang hóa cũng phải là một điểm dừng – vừa là bến vừa là đại lộ.

§

Thẳng thắn mà nói, Nokuse vẫn còn nhiều phần xuề xòa. Một dự án tái trồng rừng thông lá dài hóa ra trông rất giống công trường, như Davis thừa nhận trong khi lái chiếc xe đánh gôn đưa tôi đi trên con đường mòn gập ghềnh. “Vâng,” ông nói, “Tôi nói với mọi người là chúng ta đang ở năm thứ 13 của một chương trình 300 năm. Tôi hoàn toàn có thể trang trí 1.000 (404,6 hecta) acre đất cho đẹp, nhưng đồng hồ tuyệt chủng đang bắt đầu đếm ngược rồi, vậy nên tôi quyết định đương đầu với thử thách lớn hơn.”

Những con rùa, loài bảo hộ cho sự thịnh vượng nơi rừng thông lá dài, đã phải chịu đựng những điều tồi tệ từ bàn tay của cả người giàu và người nghèo: trong cuộc Đại Suy thoái, người ta đào chúng lên và ăn thịt (sau đó họ gọi là “gà Hoover”).

Ở Nokuse, Davis và công nhân của ông đã tỉa mỏng 22.000 acre (8.900 hecta) gỗ thông làm bột giấy và trồng tám triệu cây giống thông lá dài. Ông mang ngọn lửa trở lại những cánh rừng sau nửa thế kỷ vắng mặt, tạo ra những đám cháy được kiểm soát cẩn thận trên khoảng 10.000 acre (4.064 hecta) mỗi năm. Trong suốt 25 triệu năm trước, một đặc điểm nổi bật của khí hậu ở môi trường ven biển này là những cơn bão mùa hè và sét đánh chớp nhoáng. Một khu rừng lửa-và-mưa độc đáo mọc lên ở đây; để khỏe mạnh và duy trì những mảng rừng thưa rộng mở thì loại rừng này cần cả lửa thiêu cũng như cần mưa gieo (một sự khởi động cho hạt giống nảy mầm, cái còn lại cho chúng phát triển). Bản thân loài thông lá dài chỉ có thể tươi tốt bởi nó vốn đã phát minh ra một điệu nhảy với lửa chậm chạp và tinh vi để tránh bị thiêu đốt: một cây thông lá dài sơ sinh trông giống như một bụi cỏ ôm lấy đất, và nó giữ mình khiêm tốn như thế đến 15 năm, trước khi bước vào một “giai đoạn tên lửa” và vọt lên thẳng bốn feet (1,22 mét), khiến nó vượt quá tầm tay chết người của biển lửa dưới đất.

Có điều tốt đẹp đang xảy ra tại Nokuse – lũ gấu đã tự trở lại, thong thả đi từ Căn cứ Không quân Eglin và sau rồi ở lại luôn. Davis đang có kế hoạch mang chim gõ kiến đầu đỏ trở lại; và vào một đêm đầy sao ở ngoài sảnh khách, ông cũng bắt đầu thảo luận với Wilson và tôi về việc dọn ít chỗ cho bò rừng (bison) (con bò rừng cuối cùng của vùng này bị bắn chết chỉ ngay trước cuộc Cách mạng Mỹ).

“Ồ, giờ thì anh làm tôi bắt đầu mơ mộng này,” Wilson nói về vụ bò rừng. “Châm lửa cho trí tưởng tượng của tôi thế này!”

Mặc dù vậy, cho đến nay thành tựu đáng tự hào nhất của Davis là tái giới thiệu rộng rãi toàn bang một loài vật nom có vẻ không có sức lôi cuốn, loài rùa đất một-foot (foot-long gopher tortoise). Giám đốc Đồn điền Nokuse Matt Aresco, một nhà sinh học với bằng Tiến sĩ về nghiên cứu rùa, đã cứu 3.500 con rùa đất từ khắp bang Florida; nếu ông không làm thế thì chúng chắc chắn sẽ chết. Những “kỹ sư hệ sinh thái,” như một nhà sinh học bảo tồn gọi lũ rùa, có tầm ảnh hưởng làm thay đổi môi trường xung quanh, tương tự như các gia đình hải ly – mặc dù nhìn vào ta sẽ không thấy điều đó. Chỉ hai phần ba của một hệ sinh thái rừng thông lá dài là nhìn thấy được (cây cối và lớp thực vật bao phủ bề mặt), với phần còn lại nằm dưới lòng đất, và có 360 loài động vật dùng những cái hang dài 40 feet (12,2 mét) sâu 10 feet (3,05 mét), được đào bởi những chú rùa đất nhút nhát và bụi bặm, để làm nơi trú ẩn. Chúng ẩn dật trong những đường này, nơi đám cháy và bão không thể xâm nhập tới, và nơi nhiệt độ không bao giờ hạ dưới 55 độ F (12,7 độ C) vào mùa đông và cao hơn 88 độ F (31,1 độ C) vào mùa hè. Chuột Florida đào thêm đường hầm nhánh, và một loài kiến nhỏ sống trên trứng nhện chỉ được tìm thấy trong những hang hốc đó.

Những con rùa, loài bảo hộ cho sự thịnh vượng nơi rừng thông lá dài, đã phải chịu đựng những điều tồi tệ từ bàn tay của cả người giàu và người nghèo: trong cuộc Đại Suy thoái, người ta đào chúng lên và ăn thịt (sau đó họ gọi là “gà Hoover”). Giờ đây chúng đang bị chôn vùi và vứt lại. Đất cát chúng đào chính là đất những người phát triển bất động sản xây đè lên, và bọn rùa đất thì không thể đào lên, chỉ có thể xuống, do đó muốn giết một con rùa đất bạn chỉ cần chặn lối vào hầm của nó mà thôi.

Trong ánh sáng màu cam mãnh liệt của hoàng hôn Florida, Davis và Wilson ngồi bên hiên nhà, lên kế hoạch. Họ mải mê nghiên cứu các bản đồ vẽ mảnh đất rừng công nghiệp gần đó, mà nếu mua lại và tái trồng rừng thông lá dài, có thể liên kết Nokuse với nửa triệu acre đất được bảo vệ hướng thẳng về phía Đông, từ đó mà tạo nên một Đất Dài – hơn 160 dặm (257,5 km) rừng thông lá dài liền mạch trong một hành lang đa dạng sinh học lớn. Sau đó sẽ có đủ chỗ, Davis chỉ ra, cho cả những loài có phạm vi sống lớn nhất, như là sói đỏ và beo.

New England có vẻ sẽ là một Nửa Trái đất đáng tin cậy, một vùng đất đang đi lên từ một cuộc chuyển đổi qua lại.

Davis rất tốt bụng mời Wilson và tôi lên một chuyến bay tới Boston bằng chiếc máy bay phản lực Cessna Citation của ông; trên đuôi của nó có trang hoàng hình một con gấu đen, biểu tượng của Nokuse. (Từ lúc đó ông đã bán phi cơ này.) Wilson, người không biết đến mệt mỏi, bị đột quỵ nhẹ trong chuyến thăm của chúng tôi hồi tháng 4 năm 2013, nhưng tung tăng xuất viện chỉ hai ngày sau đó, và ngày hôm sau đã lồng chiếc khung đi bộ bệnh viện cấp cho mình lên quá đầu trông như một quả tạ. Ông đã phục hồi hoàn toàn, và năm nay, trong chuyến thăm trở lại Nokuse của chúng tôi, ông dành một buổi sáng để bắt bướm. Trên máy bay chúng tôi nói về một công viên trực thuộc hành lang thông lá dài ở Mobile, một dự án mà Wilson đang thực hiện cùng một chuyên gia làm vườn tên là Bill Finch; Wilson khen Finch “là một trong hai nhà tự nhiên học giỏi nhất thế giới – và người còn lại thì ở Mozambique.” Vùng châu thổ Mobile là một vùng đất hoang dã rộng lớn và đa dạng với hơn 300 loài chim. Đến đây bạn sẽ ngỡ như mình trở lại thế kỷ 19 – nó từng được gọi là “Amazon của Hoa Kỳ.” Nhưng nó cũng sẽ là một công viên đô thị, bởi vì vùng đất hoang dã chỉ cách tòa án ở trung tâm thị trấn Mobile 200 yard (182,8 mét).

Nhìn ra ngoài cửa sổ trong khi bay dọc dãy Appalachians, tôi nói với Wilson rằng tôi thấy Đất Dài có vài điểm tương đồng với hệ thống cao tốc liên bang phía dưới. Một hành lang hoang dã trên dãy Appalachian có thể chạy dọc miền Đông Hoa Kỳ. Cánh rừng kỳ vĩ không gián đoạn băng qua cả miền bắc Canada có thể là một hành lang khác nữa. Cùng với Đường Hoang phía Tây (Western Wildway) và một rừng thông lá dài trên đà hồi sinh, mô hình sẽ bao quanh gần như toàn bộ các cạnh của lục địa Bắc Mỹ, một chuỗi liên tục những Đất Dài khớp nối với nhau, bao quanh là Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Bắc Băng Dương và vịnh Mexico. Từ biển đến biển và hơn thế nữa. Tất nhiên, với nhiều các hành lang nội địa được bổ sung sau này, chẳng hạn như những đồng cỏ bao la của Đại Bình nguyên (Great Plains), nằm trên địa phận mười tiểu bang phía đông dãy núi Rockies.

Tất cả đều có vẻ trong tầm với, từ trên không trung.

§

New England có vẻ sẽ là một Nửa Trái đất đáng tin cậy, một vùng đất đang đi lên từ một cuộc chuyển đổi qua lại. 90 phần trăm khu vực này phủ rừng khi những người Hành hương đến4, nhưng 200 năm sau đó những người nông dân đã chặt hạ tất cả chỉ chừa lại 20 phần trăm cây cối trong một “trận sốt cừu,” phần nào là do Napoleon và những rung động đầu tiên của toàn cầu hóa.

Khi Napoleon chiếm Bồ Đào Nha vào năm 1810, một người bang Vermont đã chôm mất cả một bầy cừu merino, được đánh giá cao vì lớp len mềm mại và sự đắt giá của chúng; trước đó thì tầng lớp quý tộc Bồ Đào Nha có được độc quyền món hàng này. Cơn sốt len dài 30 năm sau đó được gọi là “một cơn rồ dại mạnh mẽ như bất kỳ sự cuồng tín tôn giáo nào.” Những bức tường đá nổi tiếng của New England, với những viên đá được xếp chồng lên bằng tay, giống như các kim tự tháp Ai Cập, và với nhiều đá hơn các kim tự tháp, chính là phần sót lại của thời kì đó. Sau đó, hàng loạt đồn điền cừu rộng lớn đã đột ngột bị bỏ rơi khi nông dân chuyển dần về phía tây.

Nguồn: Unsplash.
Nguồn: Unsplash.

Rừng đã quay trở lại, mặc dù không người thế kỉ 21 nào sẽ được nhìn thấy những cây gỗ thông trắng phía Đông với kích thước khổng lồ xấp xỉ loài sequoia của những cánh rừng đầu tiên, những cái cây đã khiến dân định cư đời đầu kinh ngạc. Thu hoạch gỗ là hoạt động phổ biến ở những khu rừng mới hơn, và thậm chí nếu không bị động chạm gì, loài thông trắng cũng cần đến 400 năm để cao vượt lên trên tất cả mọi thứ ở trong tầm nhìn. Tuy vậy các “khu rừng tái sinh,” nếu bạn có thể gọi chúng như thế, dường như tự lan truyền phép màu của chúng. Với khả năng tự nhân giống bằng hạt, chúng đã lan tỏa một lần nữa để bao phủ 79 phần trăm diện tích New England, và một báo cáo gần đây gọi toàn bộ khu vực sáu bang là một “hành lang môi trường sống quy mô lục địa.” Nếu việc bảo tồn đất đai có thể tăng tốc độ gấp đôi, bản báo cáo gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh này, tựa đề “Đất hoang dã và Đất rừng” này, nói sau 50 năm từ thời điểm này New England có thể giữ lại 70 phần trăm rừng mãi mãi. Khu vực này, theo báo cáo, là một điều gì đó hiếm hoi trong sinh quyển Trái đất: một “vùng đất được cho cơ hội thứ hai.”

Một số nhà bảo tồn dẫn tôi đi tham quan cho rằng kết quả đầu ra này chỉ có cơ hội tối đa là 50-50. Phần lớn đất ở New England nằm trong tay tư nhân, và nói chung là các mảnh lớn hơn nằm ở phía bắc và càng về nam thì càng nhỏ đi (những lô chỉ rộng 100-, 60-, hoặc 20 acre). Điều đó có nghĩa rằng bản đồ bất động sản của New England nom như bị xé lẻ hơn là được thống nhất. Không ai đang đề xuất chuyển đổi New England trở thành một công viên quốc gia (vì lý do trên). Tuy nhiên, những gì bạn có thể làm, theo các nhà bảo tồn nói, là đảm bảo đa dạng sinh học trên đất tư hữu bằng cách trả tiền cho chủ đất để bảo vệ rừng trong hiện tại và tương lai; về mặt kỹ thuật điều này được gọi là “mua quyền sử dụng đất nhằm mục đích bảo tồn” (conservation easement). Việc tiếp cận hàng ngàn chủ sở hữu đất về vấn đề này, từng người một, có thể bảo vệ và xác định các hành lang tự nhiên để chúng được liền mạch cho động thực vật, thiết lập các kết nối chính thức giữa các lô đất mà trước đây chỉ đơn giản là nằm cạnh nhau về mặt pháp lý.

Tiền là một trở ngại – mặc dù chi phí để mua quyền sử dụng đất thấp hơn so với việc mua lại hoàn toàn – và một cái khó khác là tìm được người để làm các thủ tục giấy tờ, bình thường vốn được xử lý bởi các nhóm nhỏ địa phương gọi là các quỹ đất; bây giờ những tổ chức này đang tập trung lực lượng vào các hiệp hội lớn hơn gọi là RCPs (regional conservation partnerships), tạm dịch là hợp tác bảo tồn khu vực, để có thể thực hiện các dự án lớn hơn. Ed Wilson đã định nghĩa biophillia là một sức thu hút và tình thân ái bản năng đối với phần còn lại của sự sống trong mỗi chúng ta. Liệu biophillia có thể có tầm ảnh hưởng đến đâu trong một vùng đất được cho cơ hội thứ hai?

Một trong các khía cạnh mở mang đầu óc nhất của hành trình Nửa Trái đất là việc định nghĩa lại điều gì là khả thi, đưa những điều trước đây mờ nhạt trở lại thành tiêu điểm. Tôi đã tìm thấy một hành lang hoang dã bắc-nam, dài khoảng 200 dặm, chẳng thể gọi là lãng quên được vì nó chưa bao giờ nổi tiếng, mặc dù Thoreau đã viết rất trìu mến về ngọn núi Monadnock ở gần cuối phía Bắc của khu vực này. Trên bản đồ vệ tinh New England về đêm – giờ thì đã có những thứ hiện đại như vậy – hành lang này nổi bật hẳn lên, không thể nhầm lẫn. Những bản đồ này có những điểm mờ trắng sáng chính là ánh đèn thành phố, bị chia cắt bởi một khoảng hư vô trống rỗng mê hoặc, một màn đêm gần như không bị gián đoạn – những điều hoang dã tồn tại chính dưới bóng tối đó.

Dải đất đen dọc vùng trung tâm phía nam New England một mặt thì cận kề đai ánh sáng tạo thành bởi New York và các thành phố dọc theo thung lũng sông Connecticut, và một đốm trắng ở mặt còn lại, lan tỏa từ Boston và Providence. Các khu đất tối là những ngọn đồi phủ rừng cuồn cuộn đi xuống từ dãy núi Trắng qua các bang New Hampshire, Massachusetts và Connecticut trên đường đến các vùng đầm lầy dọc theo Long Island Sound. Đó là một hành lang chưa bao giờ có tên, ngoại trừ trong ngành địa chất: “những vùng cao phía Đông.” Những ngọn đồi ở đây khiêm tốn hơn so với vùng Taconics và Berkshires ở phía Tây, vì vậy nó chưa bao giờ thu hút được các họa sỹ hay là của cải của họ. Nhưng bởi vì sự nguyên vẹn của nó, hành lang đầy tiềm năng này – từ dãy núi Trắng đến Whitecaps (White Mountains to Whitecaps) hoặc W2W – là sự gián đoạn chắc chắn duy nhất trong dải đất 400 dặm toàn các đô thị, từ Washington đến Boston, được gọi là Siêu Vùng Đông Bắc (Northeast Megaregion).

“Ngài Norcross thấy nơi này như một con tàu vượt đại hồng thủy,” Donahue nói. “Sự thật là bạn không thể làm một chiếc tàu đủ lớn để cứu muôn loài.”

Phần nhiều sức mạnh thay đổi của W2W đến từ một hành động bạo lực. Trong những năm 1930, thành phố Boston đã nhấn chìm 4 thị trấn, trục xuất 2.500 người và di chuyển 7.600 ngôi mộ để tạo ra hồ chứa Quabbin, một hồ lớn hình chữ U ở trung tâm bang Massachusetts. Xây dựng đã bị cấm trên 56.000 acre (22.662 hecta) rừng xung quanh hồ chứa để giữ nước được sạch. Nhung hươu (elk), gấu đen và đại bàng đầu trắng, vốn biến mất từ lâu, quay trở lại. Được cố định bởi “vùng hoang dã ngẫu nhiên” này, ba RCPs đang hoạt động mở ra từ hồ chứa, hai ở phía Bắc, một ở phía Nam. Lớn nhất là Q2C, Quabbin-tới-Cardigan, với mục tiêu bảo vệ tới một nửa trong số hai triệu acre (810 nghìn hecta) nằm giữa hồ chứa và một ngọn núi ở mũi phía Nam của dãy núi Trắng.

Đáng kinh ngạc và thậm chí khó tin được, W2W đem đến một định nghĩa về nông thôn, cũ hơn và chậm hơn mà không còn phổ biến ở vùng Đông Hoa Kỳ; như một bối cảnh thời Truman còn làm tổng thống, một không gian xem chừng như vô tận, nơi mà những thị trấn giống như các trạm dừng hay những con thuyền đơn độc nhấp nhô trên thứ mà một nhà địa lý thế kỷ 18 gọi là “một đại dương rừng.” Đó là những điều bạn thấy ngày nay, nếu nhìn từ một chiếc máy bay nhỏ – một vài thị trấn, vài trang trại và những cánh rừng không có điểm dừng. “Có diều hâu trong sân của tôi,” Chris Wells, một điều phối viên Q2C, người lớn lên ở ngoại ô bang New Jersey, học ngành quy hoạch ở Manhattan và hiện sống tại thị trấn Wilmot tí hon, bang New Hampshire, cho biết. “Bãi cỏ phía trước thì có linh miêu. Có những đêm bạn có thể nghe tiếng chó sói tru – nói là tôi sống trên đồng cỏ Châu Phi cũng tin được.”

Dan Donahue là giám đốc mảng bảo vệ và quản lý đất đai ở Trạm Cứu hộ Động vật Hoang dã Norcross, nằm trên biên giới hai bang Massachusetts-Connecticut, không xa về phía Nam từ hồ chứa Quabbin. Sâu vào phía trong của 8.000 acre (3.237 hecta) đất trực thuộc Norcross là một nơi hẻo lánh, một vùng tĩnh lặng đến mức khiến bạn nói chuyện khẽ khàng hơn. Mảnh đất đã được mua vào những năm 1930 bởi Arthur D. Norcross, người sáng lập công ty Thiệp mừng Norcross (vẫn được nhớ đến vì đã quảng bá rộng rãi những tấm thiệp Valentine). Mối quan tâm lớn của ông là “công việc cứu hộ,” di chuyển những loài cây sắp bị phá hủy – bao gồm, ông đã tự hào nhấn mạnh, cả một quần thể (colony) dương xỉ Halford lấy từ một thị trấn lụi tàn ven Quabbin, chỉ “trước khi xe ủi đất và súng phun lửa làm công việc của chúng và toàn khu vực bị ngập nước.”

Donahue nói với tôi ông ấy thấy W2W như một bức tường lửa có thể làm chậm lại đáng kể biến đổi khí hậu. “Ngài Norcross thấy nơi này như một con tàu vượt đại hồng thủy,” Donahue nói. “Sự thật là bạn không thể làm một chiếc tàu đủ lớn để cứu muôn loài. Nhưng bạn có thể có nhiều chiếc tàu – những chiếc tàu làm từ đất, như là cái mà chúng ta đang đứng ngay giữa đây này.”

§

Vào một chiều tháng Bảy ở Thung lũng Gallatin của bang Montana, trên chiếc xe tải đi loanh quanh Trang trại Flying D (phần sau tác giả sẽ gọi tắt là D), gần Bozeman, tôi cảm giác như được tức thì trở lại một quá khứ không thể phục hồi, tới những tầm nhìn mê hoặc mà Meriwether Lewis gặp khi ông và William Clark đi dọc Montana vào năm 1805. Lewis ghi lại những điều gặp phải – thời đó đi viễn chinh người ta không mang theo từ điển5 – “những đàn Châu , Nai Sừng tấm, hươu, và Linh dương, cùng ăn cỏ trên một bãi cỏ vô biên.” Chúng tôi đang để ý tìm sói; có bò rừng (bison) thôi thì với tôi cũng ổn.

Trang trại Flying D rộng 113.631 acre (45.977 hecta), tít trên góc phía Tây Bắc Greater Yellowstone6, là một dự án của Ted Turner, và chỉ bằng cái móng tay so với hai triệu mẫu đất thuộc sở hữu của ông tại Hoa Kỳ và Argentina. Trang trại có gần 2.000 con nhung hươu (elk) và cỡ 5.000 con bò rừng. Trước những năm 1870, có người đã từng nói là đếm lá trong rừng còn dễ hơn là đếm bò rừng. Tuy nhiên, sau 15 năm giết chóc hàng loạt, cả nước chỉ còn lại 325 con bò rừng.

Như Nokuse ở Florida, Flying D là một thử nghiệm có quy mô lớn và lâu dài trong việc phục hồi hệ sinh thái. Theo Nghị sĩ Bang Mike Phillips (chính là người lái xe tải ở trên) thì ý tưởng ở đây là, một khu bảo vệ động vật hoang dã có thể tự nuôi sống chính nó nếu nó cũng hoạt động như một doanh nghiệp. Đàn bò rừng lớn (của trang trại), vốn thay thế cho việc chăn nuôi gia súc trước đây, phần lớn được nuôi để bán – bánh mì kẹp thịt bò rừng có trên menu tại tất cả 45 nhà hàng Nướng Montana của Ted Turner trên toàn quốc. Những hãng thời trang cao cấp hàng năm bắn một số ít nhung hươu đực. Những loài khác được chào đón: nai tai lừa, gấu nâu, báo sư tử (cougar), nai sừng tấm (moose), linh dương gạc nhiều nhánh (pronghorn antelope), cá hồi vân cứa cổ (cutthroat trout), thỉnh thoảng có chồn gulo (wolverine) – gần như tất cả các loài động vật đã có mặt trước khi dân di cư đến, theo chân Lewis và Clark7. Chó sói tìm đường đến được D vào năm 2002, bảy năm sau khi tái giới thiệu tại Yellowstone. Bầy sói của D, được gọi là bầy Bẫy gấu, bầy sói lớn nhất ở Greater Yellowstone – hoặc là vẫn thế cho đến cách đây một năm, khi bầy đã quá lớn và tách thành hai bầy riêng biệt.

Phillips, một nhà sinh học và bạn của Wilson, được bầu vào đảng Dân chủ tại Thượng viện Montana hai năm trước. Kể từ năm 1997 ông cũng là giám đốc điều hành sáng lập của Quỹ các Loài Động vật Nguy cấp Turner (Turner Endangered Species Fund, hay là TESF8), “dự án được gia đình tài trợ lớn nhất và có ý nghĩa nhất mà chúng tôi biết đến trên thế giới,” ông ấy nói. Tôi hỏi ông ấy trang trại D sẽ trông như thế nào trong 100 năm tới. “Y hệt như bây giờ,” ông nói với một nụ cười, “miễn là tháng Sáu có đủ mưa.”

Ted Turner đang thực hiện một trong nhiều chuyến thăm của ông đến D vào chiều ngày hôm đó, để tham gia một buổi họp riêng kỷ niệm 30 năm liên minh Greater Yellowstone, nhóm vận động lớn nhất của hệ sinh thái này, và tự giới thiệu bản thân (với tôi). Trong bộ quần jeans và áo phông thể thao phẳng phiu, ông có vẻ khá hoạt bát. “Đây là một mảnh đất,” ông nói, chỉ từ hiên nhà sau lên những đỉnh núi cao phủ tuyết sau lưng ông, “mà đáng ra có thể là một khu nghỉ mát – chỉ 28 phút đi xe từ sân bay, hoặc trung tâm thành phố, hoặc một trận đấu bóng bầu dục. Nhưng nó có địa điểm hoàn hảo cho sự sống hoang dã. Với tôi dường như lựa chọn rất rõ ràng, và thật là tốt là chúng tôi đã can thiệp đúng lúc.”

Chúng tôi dừng chân tại một đồng cỏ thơm ngát trên cao, và khi Phillip tắt động cơ, một sự im lặng khổng lồ bao trùm chúng tôi, bị phá vỡ chỉ bởi tiếng hát sống động của một chú chim sẻ.

Ông cho biết trang trại Flying D là tài sản tư nhân lớn nhất ở Greater Yellowstone – một yếu tố cực kỳ quan trọng của vùng đất được kết nối này. “Rõ ràng là hiện nay để bảo vệ các loài bị đe dọa, chúng ta cần hoạt động ở quy mô rộng, đủ để có ý nghĩa với thiên nhiên nhưng vượt qua bất cứ điều gì mà người ta đã từng làm được,” ông cho biết. “Rõ không kém là không quốc gia nào sẵn có tiền để mua lại tất cả các mảnh đất không được bảo vệ. Nhưng không phải là tất cả mọi việc phải xảy ra trên đất công, vì các trang trại chăn nuôi tư nhân như thế này đều có thể thúc đẩy tính toàn vẹn của hệ sinh thái. Đất tư nhân là các vùng đất làm việc; chúng là các doanh nghiệp làm ra tiền. Và tôi nghĩ chúng tôi đã phát minh ra điều gì đó hoàn toàn mới ở đây – gọi chúng là “đất hoang dã làm việc” – nơi mà chúng ta tạo ra lợi nhuận và hành tinh cũng thế.

Phillips cho biết, động vật ăn thịt lớn là một lăng kính tuyệt vời, qua đó có thể quan sát các vùng đất. Sự chuyển động và di cư của chúng xác định những hành lang rộng vốn đã tồn tại. Câu hỏi chưa có hồi đáp là liệu chúng ta có thể phát triển “hành lang được xã hội chấp nhận,” như cách ông gọi, dọc theo những tuyến đường đó, để những người dân sống trong môi trường này có thể cùng tồn tại với các sinh vật lớn sinh sống cùng với họ. “Dân GYC (Generation of Youth for Christ)9 nói đến việc đi từ sự khoan dung đến chấp nhận đến trân trọng, mặc dù tôi thường dùng từ “ngưỡng mộ.” Nghe như khái niệm biophilia của Wilson, dưới dạng từng liều nhỏ tác dụng qua thời gian.

Lũ bò rừng không gầm lên trong lúc chúng tôi chầm chậm len vào giữa chúng, mà chỉ đứng vây quanh một cách đồ sộ, những con non thì nghịch ngợm, con đầu đàn lại to lớn hơn cả xe tải của chúng tôi. Đàn bò lớn đến mức cảm giác như không bao giờ có thể đi qua hết bọn chúng. Sau đó chúng tôi đi lên dốc. “Giả vờ làm tiếng tru trêu bọn sói đi,” Phillips nói. Một con đại bàng đầu trọc đậu trên hàng rào thép gai, một cặp sếu đồi cát đỏ cao bốn feet (1,22 mét) nhẹ nhàng rình mồi trên bãi cỏ dốc cuồn cuội đầy hoa Lupine tím, cỏ thi trắng, và hoa Blanket vàng. Chúng tôi dừng chân tại một đồng cỏ thơm ngát trên cao, và khi Phillip tắt động cơ, một sự im lặng khổng lồ bao trùm chúng tôi, bị phá vỡ chỉ bởi tiếng hát sống động của một chú chim sẻ.

Chúng tôi phải thầm thì vì âm thanh truyền rất xa nơi giảng đường tự nhiên này. Valpa Asher, nhà sinh học sói của TESF đồng hành cùng chúng tôi, nói rằng vài con sói có thể xuất hiện, cách khoảng một dặm. “Dễ tưởng rằng chúng đang nổi bập bềnh qua làn nước,” cô nói khẽ. “Lũ sói chỉ toàn chân là chân.” Chúng sẽ ở ngang tầm mắt, trên lưng chừng một dốc đá ở phía bên kia của một thung lũng sâu. Tất nhiên không có gì đảm bảo. Chúng tôi đang tìm kiếm một “điểm hẹn,” một kiểu hang ổ trên mặt đất, nơi mà những chú sói con đã đủ lớn được đưa đến để làm quen với địa hình.

Xa xa, trên đường chân trời nổi bật nhất là những chỏm nhọn của dãy Spanish Peaks quanh năm tuyết phủ. Có tiếng ầm ầm sấm sét, và đột nhiên trời bắt đầu đổ mưa lớn. Gió rít bên tai. Trời đã lạnh hơn, và chúng tôi rút lui về phía xe, nơi Phillips lôi bánh mỳ và những lon nước chanh Jamaica ra. Sau đó mặt trời xuất hiện lại, và một cầu vồng đôi nhô lên phía bên phải chúng tôi. “Cái trang trại này đang khoe mẽ ấy mà – vụ này hay quá,” Phillips thản nhiên, bình tĩnh hơn “anh chàng cầu vồng đôi” của YouTube nhiều.

Rồi – bọn chúng kìa. Chỉ là những chấm đen trong mắt thường, nhưng thật gần nếu nhìn qua ống nhòm. Một con trưởng thành màu đen, một con trưởng thành màu xám với lông cổ đen và sáu con sói con, bốn đen và hai xám, chạy nhảy, hít hà mặt đất, đuổi bắt nhau, tách ra rồi tập hợp lại.

Đúng là nổi bập bềnh. Phillips cười, ngửa đầu ra sau và tru vang cả thung lũng. Ở phía bên kia, hai con sói lớn ngửa đầu và tru lên. Những âm thanh mờ nhạt nhưng không thể nhầm lẫn. Trong khoảnh khắc này, ít nhất, Nửa Trái đất dường như là toàn vẹn.


  1. Giải Pulitzer là một trong những giải thưởng danh giá của Mỹ trao cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là báo chí và văn học. Hai tác phẩm đạt giải của Wilson thuộc nhóm giải Pulitzer dành cho tác phẩm phi hư cấu nói chung (Pulitzer Prize for General Non-Fiction) là On Human Nature (1979) và The Ants (1991).

  2. Wildlife corridor, hay trong bản dịch này là hành lang hoang dã, là một khu vực hoang dã nối các khu bảo tồn động thực vật bị tách biệt với nhau bởi đất được con người sử dụng. Mục đích cơ bản ở đây là để kết nối các trung tâm bảo vệ đa dạng sinh học (cores) với nhau, nhằm tăng diện tích tổng cộng lên. Xem thêm ý tưởng về việc các không gian bị cô lập sẽ mất dần đa dạng sinh học ở dưới.

  3. New England là một vùng nằm ở phía đông bắc Hoa Kỳ, giáp Đại Tây Dương, Canada và bang New York. Đây là một trong những vùng định cư xưa nhất của người Anh tại châu Mỹ, bao gồm các bang: Maine, New Hampshire, Vermont, Massachusetts, đảo Rhode và Connecticut.

  4. Những người di cư từ châu Âu đầu tiên đã đến định cư tại New England vào năm 1620 tại thuộc địa Plymouth.

  5. Việc không mang theo từ điển dẫn tới viết sai chính tả. Cụ thể, trong bản gốc tác giả viết “Buffaloe” – dịch “Châu.”

  6. Greater Yellowstone là một trong những hệ sinh thái lớn, gần như nguyên vẹn còn lại cuối cùng ở khu vực ôn đới phía bắc của Trái đất. Thuộc phía Bắc dãy núi Rockies, trong khu vực tây bắc Wyoming, tây nam Montana và Đông Idaho, Greater Yellowstone có công viên quốc gia Yellowstone và Yellowstone Caldera là “điểm nóng.”

  7. Chính là Meriwether Lewis và William Clark được nhắc đến với hành trình dọc Montana năm 1805 ở đoạn trên. Cuộc thám hiểm này diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 1804 đến năm 1806, do Lewis và Clark dẫn đầu, là cuộc thám hiểm trên bộ đầu tiên của người Mỹ đến duyên hải Thái Bình Dương và ngược lại.

  8. TESF là một dự án được gia đình Tuner tài trợ với người sáng lập là Ted Tuner. Cả gia đình Tuner cam kết thúc đầy sự toàn vẹn của hành tinh. Bảo vệ các loại động vật nguy cấp và đảm bảo môi trường sống của chúng là một trong những nỗ lực quan trọng phục vụ mục tiêu đó.

  9. Generation of Youth for Christ trước đây được biết đến với tên gọi General Youth Conference, là một hội nghị hàng năm được tổ chức với tinh thần Thần giáo Cơ Đốc Phục Lâm, có tổ chức và nghiên cứu Kinh Thánh, các bài giảng trực tuyến, hội thảo trực tiếp, là cơ hội kết nối của giới trẻ toàn cầu. Nguồn gốc của hội nghị này bắt nguồn từ một nhóm học sinh Hàn Quốc cùng nhau học Kinh Thánh suốt đêm, được phát triển thông qua một tin nhắn vào lúc nửa đêm của hai sinh viên đại học, một ở bang Massachusetts, một ở bang California. Họ quyết định kêu gọi một cuộc họp nhóm tại một khu rừng thuộc bang Califonia. Sau đó, hội nghị đầu tiên đã được tổ chức vào năm 2002 với 200 người được mời và số người thực tế tham dự lên tới 400.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Cơn khát dầu cọ, cơn sốt môi trường
Dầu cọ là loại nguyên liệu thần kì trong mọi sản phẩm từ bánh quy đến dầu gội đầu. Nhưng việc chúng ta phụ thuộc vào dầu cọ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Liệu đã quá muộn để phá vỡ thói quen này?
Mới nhất