a
§ Tác giả: Elisa Castel | Nguồn: National Geographic
Biên dịch: Phù Vân | Hiệu đính:  K
02/04/2022

Sobek, thần sông Nile có đầu cá sấu; Sekhmet, nữ thần chiến tranh hình dạng sư tử cái; Anubis, thần khuyển cõi âm ti; và Hathor, thần mẫu có sừng bò: Thần điện Ai Cập cổ đại chứa đầy những con vật thiêng. Các tín ngưỡng bái vật của Ai Cập có nguồn gốc rất sâu xa, suốt từ lịch sử đặc biệt lâu đời của Ai Cập. Sống giữa vùng đất Thung lũng sông Nile màu mỡ, người Ai Cập cổ đại đã có được hiểu biết sâu sắc về các loài động vật sống tại đây. Sau đó, họ chuyển dịch những động vật này và các đặc điểm của chúng sang cõi thiêng, vì vậy từ thuở bình minh của vương triều Ai Cập năm 3100 trước Công nguyên, các vị thần đã mang hình hài động vật.

Đức tin của người Ai Cập cổ đại sản sinh ra những tạo phẩm đầy sáng tạo như nữ thần bọ cạp Selket; thần tri thức có đầu khỉ đầu chó (hoặc đôi khi đầu cò quăm), Thoth; và Bes, vị thần của mái ấm và những lạc thú hàng ngày, thường được miêu tả là xấu xí một cách hài hước, có đôi cánh và đặc điểm của sư tử hoặc các loài thú khác. Thần điện Ai Cập có thể mang lại cảm giác hoang mang, nhưng cần lưu ý rằng vũ trụ quan của Ai Cập cổ đại đã tồn tại qua hàng thiên niên kỷ. Khi các vương quốc Ai Cập thay đổi, các vị thần của họ cũng thay đổi theo, tiến triển và đôi khi hòa trộn với nhau. Thần đầu chim ưng Horus, từ thời xa xưa nhất đại diện cho mặt trời đã được hợp nhất với thần Re, cũng thường được mô tả trong dạng chim ưng. Re sau đó hợp nhất với các vị thần khác, bao gồm chính Horus, để tạo ra một vị thần tổng hợp Re-Horus, Re-Harakhty, thần cũng có đầu chim ưng.

Những cuộc thay hình đổi dạng

Tới khi Đại kim tự tháp Khufu ở Giza được xây dựng vào giữa thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên, các nam và nữ thần đã mang một loạt các hình hài động vật. Một trong những tạo hình cổ xưa nhất là Thần cả Horus, trong hình dáng như một người đàn ông có đầu chim ưng. Mặc dù ông được hợp nhất với bầu trời, nhưng trong biểu tượng từ rất sớm, ông cũng được minh họa ngự trên một con tàu mặt trời. Con tàu này chạy ngang qua bầu trời xuống âm giới để tái xuất lúc bình minh, là nguyên lý chủ đạo của thần học Ai Cập; nó khẳng định trật tự vũ trụ, được duy trì bởi các vị thần, và người đại diện của họ trên dương gian, các pharaoh. Horus được cho là sự kết hợp từ nhiều vị thần mang lốt chim và chim ưng từ thời cổ đại: Cái tên Horus có nghĩa là “đấng cao xa”, với hàm ý chỉ vị thần bay ở trên cao, và do đó thiết lập mối liên kết giữa các loài chim, sự bay lượn và sự niềm kính ngưỡng tôn giáo. (Các pharaoh Ai Cập có thể áp đặt thiên lý từ trên cao ngoài lăng mộ.)

Ngoài hình dạng chim ưng của Horus, các nam thần còn được miêu tả dưới hình dạng của con bò mộng và cừu đực. Trong tín ngưỡng thờ bò của Ai Cập, tính thiêng không đặt vào toàn thể một loài mà tập trung vào một cá thể. Nghi lễ thờ cúng Apis, với tư cách là một con bò mộng, diễn ra từ thời Cổ vương quốc (2575-2150 trước Công nguyên), ở đó con vật sẽ cai trị tại thành phố Memphis, quê hương của vị thần, tượng trưng cho sự làm đất đai phì nhiêu. Khi một con bò đực Apis chết, xác của nó được chôn cất ở khu mộ Saqqara gần đó. Sau đó, cuộc tìm kiếm con bò kế vị sẽ bắt đầu, và phải là con bò có đúng dấu hiệu đặc biệt trên bộ lông. Một khi được tuyên bố là con bò đực Apis mới, con bò sẽ được đưa đến ngôi đền ở Memphis và được hiến tặng “hậu cung” bò cho riêng mình.

Quá trình dịch chuyển quyền lực thường dẫn đến thay đổi về địa lý, chẳng hạn như trong thời kỳ Tân Vương quốc (1539-1075 TCN), khi triều quyền chuyển từ Memphis đến Thebes. Sự thay đổi này đã có một tác động về tâm linh, tôn thần Amun lên vị trí quốc thần, được thờ trong các ngôi đền ở Thebes chẳng hạn như Karnak. Thường được thể hiện trong dạng hợp nhất với thần Re, Amun-Re mang hình hài một con cừu đực.

tượng Amun-Re ở Đền Karnak, ảnh: Jeremy Bezanger/Unsplash

Sự kết hợp giữa Amun và cừu đực xuất hiện từ rất sớm, liên hệ từ sự tích thần Khnum, đấng sáng tạo loài người trong văn hóa Ai Cập cổ đại. Amun thường được gọi là “vị thần hai sừng”. Hình tượng cừu được thường được liên tưởng tới sinh lực và chiến tranh, khiến thần trở thành một hình tượng người bảo hộ mạnh mẽ cho những pharaoh của Tân vương quốc. (Nữ pharaoh Hatshepsut tự nhận Amun là cha của bà)

Những con bò thiêng

Các nữ thần thời kỳ đầu thường đảm trách những điều liên quan đến cuộc sống và duy trì nòi giống, bao gồm cả thụ thai, sinh nở và nuôi dưỡng con cái. Một số nữ thần đầu tiên được hiển thị với đầu hoặc sừng bò. Ví dụ, thần Bat được mô tả có sừng bò trên tấm bảng Narmer, một cổ vật quan trọng có niên đại từ khoảng năm 3100 trước Công nguyên, ghi dấu sự thống nhất của Ai Cập dưới danh nghĩa một quốc gia. Theo thời gian, Bat dường như đã chuyển hóa trở thành một nữ thần Ai Cập cổ đầy quyền năng khác, Hathor, với ảnh hưởng lên nhiều khía cạnh của đời sống, bao gồm việc làm mẹ, âm nhạc, nông nghiệp, khoái lạc và thậm chí cả cái chết.

Mặc dù được biết đến là “đấng hoàng kim” và sẽ còn tiếp tục tỏa rạng suốt nhiều thế kỷ tiếp theo, vai trò của Hathor dần bị thay thế bởi ảnh hưởng gia tăng của thần Isis. Thường được miêu tả là một người phụ nữ không có những đặc điểm thú tính quá rõ nét, Isis đã thể hiện các mối liên hệ động vật của mình một cách tinh tế hơn: Bà thường được miêu tả với sừng bò trên đầu, một liên kết trực quan với Hathor. Isis, theo thời gian tiếp quản các trách nhiệm của Hathor, đặc biệt là như một biểu tượng bao trùm của người mẹ và người vợ trong vai trò phối ngẫu và bảo hộ cho chúa tể của thế giới bên kia, Osiris. (Đọc thêm: Isis được tôn thờ ở khắp thế giới La Mã.)

Chó và mèo

Nằm trong số những vật nuôi phổ biến nhất trên thế giới, chó và mèo cũng đóng những vai trò nổi bật trong thần thoại, cũng như có vị trí trong những điện thờ Ai Cập. Một vị thần quan trọng hỗ trợ thần Osiris ở cõi âm là thần ướp xác Anubis đầu chó rừng, người có vai trò trùng lặp với — và sau làm lu mờ đi – vai trò của thần chó rừng Wepwawet. Các nhà sử học tin rằng những con chó nhà mạnh mẽ, phục vụ cho người chết, là cách bảo vệ tốt nhất chống lại chó rừng hoang dã, bởi thói quen đào bới những ngôi mộ mới chôn của chúng gieo hoảng loạn vào tâm trí người Ai Cập cổ.

Những nữ thần mèo là điểm thu hút phổ biến tại nhiều bảo tàng ngày nay. Những tôn sùng dành cho loài mèo ban đầu được gắn với các thành phố cụ thể, nhưng khi khi danh tiếng của họ lan rộng, các nữ thần mèo được hợp nhất với các vị thần tương tự ở từng địa phương. Ví dụ, ở Memphis, một nữ thần mèo quan trọng là Sekhmet, nữ thần chiến tranh. Bà được mô tả với cái đầu của một con sư tử cái vì liên tưởng tới sa mạc và tính hung hãn.

Sekhmet là vị thần ưa thích của pharaoh Amenhotep III, người đã đặt hàng trăm bức tượng — lên tới 730 bức — tại mộ-điện khổng lồ của mình, xây dựng vào thế kỷ 14 TCN tại Thebes. Các nhà Ai Cập học đã đưa ra giả thuyết rằng vị pharaoh này đã cho dựng lên rất nhiều tác phẩm nghệ thuật nhằm làm dịu lại những tính cách đáng sợ của nữ thần và để thu hút bản năng bảo vệ của bà ấy. (Đây là cách các nhà khảo cổ học phát hiện ra thành phố Ai Cập cổ đại thờ phượng những con mèo thiêng.)

tượng thần mèo Bastet, ảnh: Mary Evans/Scala

Đôi khi bị nhầm lẫn với Sekhmet, một nữ thần mèo khác là Bastet, có các tín đồ tập trung tại Bubastis ở Hạ Ai Cập. Đôi khi được miêu tả là Mau, hình tượng của Re trong lốt mèo thiêng, bà được mô tả nắm dao trong móng vuốt và giết con rắn hiểm ác Apophis. Hung dữ và thân thiện, hai nữ thần mèo này trở nên gắn kết với nhau, hàm chứa những mâu thuẫn trong tính cách của loài mèo. Theo thời gian, bù đắp cho cơn giận dữ của Sekhmet, Bastet trở thành bản thể đối lập của bà, đại diện cho một khía cạnh dịu dàng, đầy che chở quan tâm.

Thần ân

Để giành được sự ưu ái với những vị thần lốt động vật, người Ai Cập cổ đại thường hướng tới những hình tượng tương ứng ngoài đời thật. Hàng ngàn xác ướp chim và thú được tìm thấy tại các địa điểm khảo cổ trên khắp Ai Cập. Nhiều xác ướp được coi là tế phẩm và được những người hành hương dâng cúng tại các đền thờ địa phương trong các lễ hội tôn giáo.

Năm 2018, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng tá xác ướp mèo và 100 bức tượng Bastet trong một ngôi mộ 4.500 năm tuổi ở Saqqara. Những xác ướp cò quăm, loài chim gắn liền với Thoth, vị thần của trí tuệ và chữ viết, được tìm thấy với số lượng hàng chục tại Abydos, nơi chôn cất những bậc cai trị sớm nhất của Ai Cập. Các nhà khảo cổ vẫn đang tìm thấy một số lượng lớn xác ướp những con chim này ở các địa điểm trên khắp Ai Cập.

Vào cuối triều đại nhà Ptoleme vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, các tín ngưỡng thờ động vật bắt đầu không còn được ưa chuộng như trước. Trong thời kỳ La Mã cai trị và sự truyền đạo Cơ đốc giáo vào Ai Cập, các vị thần cũ đã bị bỏ rơi. Ngày nay, những khám phá mới và những cổ vật mang tính biểu tượng của Ai Cập cổ đại là lời nhắc nhở về thời kỳ kéo dài suốt ba thiên niên kỷ, thời kỳ mà sức mạnh, ân sủng và sức mạnh của động vật được tôn thờ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất