Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Steven Pinker | Nguồn: The New York Times
Biên dịch: Phúc Trần | Hiệu đính:  Nguyên
19/03/2017
Phần 2 của bài viết "Bản năng đạo đức" trên tờ The New York Times. Bạn đọc có thể theo dõi phần 1 tại đây.

Sự Đa Dạng Của Kinh Nghiệm Đạo Đức

Khi các nhà nhân chủng học như Richard Shweder và Alan Fiske khảo sát các mối quan tâm đạo đức trên phạm vi toàn cầu, họ nhận thấy rằng một vài chủ đề giống nhau thường xuyên xuất hiện giữa sự đa dạng. Mọi người ở khắp mọi nơi, ít nhất là trong một số trường hợp và khi nghĩ đến một số người nhất định, cho rằng làm hại người khác là xấu và giúp đỡ họ là tốt. Họ có ý thức về sự công bằng: rằng một người nên đáp lại ân huệ, khen thưởng các nhà hảo tâm, và trừng phạt những kẻ gian lận. Họ đề cao sự trung thành với một nhóm, sự chia sẻ và hỗ trợ nhau giữa các thành viên trong nhóm, và sự tuân thủ các chuẩn mực của nó. Họ tin rằng tuân lệnh một chính quyền hợp pháp và tôn trọng những người có địa vị cao là đúng. Và họ cũng đề cao sự thanh khiết, trong sạch, và thiêng liêng trong khi thù ghét sự vấy bẩn, ô nhiễm,và nhục dục.

Con số chính xác các chủ đề phụ thuộc vào việc bạn thích gộp chúng lại hay tách ra, nhưng Haidt đếm được năm (phạm trù) – sự gây hại, tính công bằng, tính cộng đồng (hoặc lòng trung thành với nhóm), thẩm quyền, và sự thanh khiết – và gọi chúng là những phạm trù cơ bản làm nên ý thức đạo đức của chúng ta. Chúng không chỉ liên tục xuất hiện trong các nghiên cứu giữa những nền văn hóa khác nhau, mà mỗi chủ đề còn theo kéo các trực giác đạo đức của con người trong nền văn hóa của chúng ta. Haidt yêu cầu chúng ta nghĩ xem một người sẽ phải trả chúng ta bao nhiêu tiền khi thực hiện các hành vi tưởng tượng sau:

Đâm một cái đinh ghim vào lòng bàn tay bạn.

Đâm một cái đinh ghim vào lòng bàn tay của một đứa trẻ bạn không biết. (Gây hại.)

Nhận một TV màn hình rộng từ một người bạn đã có được nó miễn phí vì một lỗi máy tính.

Nhận một TV màn hình rộng từ một người bạn nhận được nó từ một tên trộm đã đánh cắp cái TV ấy từ một gia đình giàu có. (Công bằng.)

Nói những điều xấu (mà bạn không tin) về quốc gia của bạn trên một talk show phát thanh trong nước.

Nói những điều xấu (mà bạn không tin) về quốc gia của bạn trên một talk show phát thanh nước ngoài. (Cộng đồng.)

Tát vào mặt của một người bạn, với sự cho phép của người đó, trong một vở hài kịch ngắn.

Tát vào mặt thủ tướng của bạn, với sự cho phép của người đó, trong một vở hài kịch ngắn. (Thẩm quyền.)

Tham dự một vở diễn trong đó các diễn viên hành động như kẻ ngốc trong 30 phút, bao gồm nhầm lẫn những thứ đơn giản và ngã trên sân khấu.

Tham dự một vở diễn trong đó các diễn viên hành động như những con vật trong 30 phút, bao gồm khỏa thân bò xung quanh và tiểu tiện trên sân khấu. (Sự thanh khiết.)

Trong mỗi cặp, hành động thứ hai tạo ra cảm giác ghê tởm mạnh hơn nhiều. Hầu hết những ảo tưởng đạo đức chúng ta đã xem xét xuất phát từ sự xâm nhập không chính đáng của một trong các phạm trù đạo đức vào phán đoán của chúng ta. Việc vi phạm tính cộng đồng khiến mọi người tức giận khi có ai đó dùng một lá cờ cũ để lau phòng tắm. Việc vi phạm tính thanh khiết xúc phạm những người phán xét tính đạo đức của hành động loạn luân có đồng thuận và ngăn không cho những người ăn chay vì đạo đức và người không hút thuốc chấp nhận bất kỳ dấu vết nào dù là nhỏ nhất của sự vấy bẩn. Ở phía ngược lại, việc thể hiện tính thanh khiết cực độ khiến cho mọi người sùng bái các nhà lãnh đạo tôn giáo mặc đồ trắng và tạo ra một vầng hào quang của sự trong trắng và khổ hạnh.

 

Phả Hệ Của Đạo Đức

Năm yếu tố đề cập ở trên được xem là ứng cử viên tốt cho bảng tuần hoàn các ý thức đạo đức không chỉ vì chúng phổ biến mà còn vì chúng dường như có nguồn gốc tiến hóa sâu xa. Sự thôi thúc chống lại việc gây hại, thứ khiến cho những người đang cân nhắc về chiếc xe điện cảm thấy sợ hãi trước ý nghĩ đẩy người đàn ông xuống cầu, cũng có thể được tìm thấy ở loài khỉ Rhesus. Những con khỉ này thà chịu đói hơn là kéo một dây xích cung cấp thực phẩm cho chúng và gây sốc điện cho một con khỉ khác. Sự tôn trọng thẩm quyền rõ ràng liên quan đến trật tự giữa kẻ thống trị và kẻ thỏa hiệp vốn phổ biến rộng rãi trong thế giới động vật. Sự tương phản giữa thanh khiết – ô uế gắn bó với cảm xúc ghê tởm được kích hoạt bởi các yếu tố gây bệnh tiềm tàng như dịch cơ thể, thịt thối rữa và các loại thịt không bình thường, và các hành tình dục nguy hiểm như loạn luân.

Theo Haidt, có năm phạm trù đạo đức cơ bản: sự gây hại, tính công bằng, tính cộng đồng (hoặc lòng trung thành với nhóm), thẩm quyền, và sự thanh khiết.

Hai phạm trù đạo đức khác phù hợp với các ví dụ điển hình về sự tiến hóa của lòng vị tha được các nhà sinh học xã hội nghiên cứu trong những năm 1960 và 1970 và trở nên nổi tiếng nhờ Richard Dawkins qua cuốn sách của ông là “The Selfish Gene” (tạm dịch: Gien Vị Kỷ).” Tính công bằng rất gần với những gì các nhà khoa học gọi là lòng vị tha tương hỗ, trong đó sự sẵn lòng làm những điều tốt đẹp cho người khác có thể phát triển miễn là lợi ích của người nhận lớn hơn chi phí của người cho, và người nhận đáp trả sự giúp đỡ này khi vận may đảo chiều. Phân tích này làm cho sự vị tha tương hỗ nghe như kết quả của một phép tính máy móc, nhưng trên thực tế, Robert Trivers, nhà sinh vật học đã xây dựng lý thuyết này, lập luận rằng nó có thể được thực hiện trong não như một tập hợp các cảm xúc về đạo đức. Sự đồng cảm thúc đẩy một người thực hiện ân huệ đầu tiên, đặc biệt là với một ai đó đang gặp khó khăn mà ân huệ ấy sẽ có hiệu quả nhất. Sự giận dữ bảo vệ một người chống lại những kẻ gian lận, những kẻ nhận ơn mà không hồi báo. Nó thúc ép việc trừng phạt kẻ vô ơn hoặc cắt đứt mối quan hệ. Lòng biết ơn thúc đẩy một người thụ hưởng trả ơn những người đã giúp mình trong quá khứ. Cảm giác tội lỗi nhắc nhở một kẻ lừa đảo đang có nguy cơ bị phát hiện rằng hắn ta phải sửa chữa các mối quan hệ bằng cách khắc phục những lỗi lầm và cam kết cư xử tốt hơn trong tương lai (phù hợp với cách Mencken định nghĩa về lương tâm là “tiếng nói bên trong cảnh báo chúng ta rằng ai đó có thể đang nhìn”) . Nhiều thí nghiệm về các chủ đề như ai sẽ giúp ai, ai thích ai, ai trừng phạt ai, và ai cảm thấy tội lỗi về cái gì đã xác nhận những dự đoán này.

Tính cộng đồng lại là một dạng cảm xúc rất khác biệt. Nó thúc đẩy mọi người chia sẻ và hy sinh mà không kỳ vọng sự báo đáp. Dạng cảm xúc này có thể được bắt nguồn từ sự vị tha thân hữu (nepotistic altruism), sự đồng cảm và tình đoàn kết chúng ta có với người thân của mình (đặc tính này tiến hóa vì bất kỳ gien nào thúc đẩy một sinh vật hỗ trợ họ hàng của mình sẽ giúp chính nó tự sao chép thông qua cơ thể của các họ hàng đó). Ở người, tất nhiên, những cảm xúc cộng động cũng có thể hướng tới những người không có quan hệ huyết thống. Đôi khi con người được lợi (theo nghĩa tiến hóa) khi yêu quý những người đồng hành có chung lợi ích với mình, như vợ chồng có những đứa con chung, thông gia có chung người thân, bạn bè có chung sở thích, hay đồng minh có chung kẻ thù. Và đôi khi con người chẳng được lợi gì, nhưng các cảm biến tình thân của họ đã bị đánh lừa để đối xử với những người chung nhóm như người thân của mình bởi chiến thuật như sử dụng các ẩn dụ chỉ quan hệ họ hàng (anh em kết nghĩa (blood brothers), hội đoàn/hội huynh đệ (fraternity), Tổ quốc (the fatherland), các huyền thoại về nguồn gốc, các bữa tiệc cộng đồng, và các nghi thức liên kết khác.

 

Trò Tung Hứng Với Các Phạm Trù

Tất cả các điều trên dẫn chúng ta đến một lý thuyết về cách mà ý thức đạo đức có thể vừa phổ quát lại vừa đa dạng. Năm phạm trù đạo đức mang tính phổ quát và là một di sản của sự tiến hóa. Nhưng tầm quan trọng và những lĩnh vực cuộc sống chịu sự tác động của chúng – tình dục, chính quyền, thương mại, tôn giáo, chế độ ăn uống, và những thứ khác – phụ thuộc vào văn hóa. Nhiều hoạt động gây sốc ở những nơi xa xôi trở nên dễ hiểu hơn nếu bạn nhận ra rằng, cũng những thôi thúc đạo đức đó mà giới tinh hoa phương Tây định hướng vào hành vi vi phạm về sự gây hại và sự công bằng (những ám ảnh đạo đức của chúng ta) đã được định hướng vào các vi phạm trong các yếu tố khác. Hãy nghĩ đến những nỗi sợ hãi của người Nhật đối với sự không phục tùng (tính cộng đồng), các lễ tắm thiêng và chế độ ăn kiêng của người Ấn giáo và người Do Thái Chính Thống (sự thanh khiết), sự phẫn nộ của người Hồi giáo với những thứ mà họ cho là xúc phạm đến Đấng tiên tri (tính thẩm quyền). Ở phương Tây, chúng ta tin rằng trong kinh doanh và chính phủ, sự công bằng quan trọng hơn tính cộng đồng và cố gắng loại bỏ tận gốc chủ nghĩa thân hữu và bè phái. Ở những nơi khác của thế giới điều này là không thể hiểu nổi – loại người máu lạnh nào lại đi ủng hộ một kẻ hoàn toàn xa lạ hơn anh em của mình chứ?

Việc xếp hạng các phạm trù đạo đức cũng chia rẽ nhửng người theo phe tự do và bảo thủ ở Mỹ. Nhiều chủ đề gây tranh cãi, như đồng tính luyến ái, chủ nghĩa vô thần, và gia đình đơn thân từ phe hữu, hoặc sự bất bình đẳng về chủng tộc, các xưởng sản xuất bóc lột nhân công, và mức lương của giới điều hành doanh nghiệp từ phe tả, phản ánh những góc nhìn khác nhau về tầm quan trọng của các yếu tố. Trong một cuộc khảo sát quy mô lớn trên mạng, Haidt tìm ra rằng những người thuộc phái tự do coi trọng các nguyên tắc đạo đức về việc gây hại và sự công bằng trong khi hạ thấp lòng trung thành nhóm, sự tôn trọng thẩm quyền, và sự thanh khiết. Những người bảo thủ thì đánh giá tầm quan trọng của cả 5 yếu tố ở mức tương đối cao. Chẳng có gì  ngạc nhiên khi mỗi bên đều cho rằng mình được thúc đẩy bởi các giá trị đạo đức cao cả và phía bên kia là những kẻ hèn hạ và vô nguyên tắc.

Dịch chuyển một hoạt động sang một phạm trù đạo đức khác, hoặc hoàn toàn mang nó ra khỏi phạm trù đạo đức, không hề dễ dàng. Mọi người nghĩ rằng việc một hành vi được ấn định vào một yếu tố nào đó là một sự tất yếu thiêng liêng, và rằng việc nghi ngờ điều đó là một sự xúc phạm đạo đức kinh khủng. Nhà tâm lý học Philip Tetlock đã chỉ ra rằng tâm lý cấm kỵ – niềm tin rằng một có những thứ chỉ nghĩ đến đã là tội lỗi – không chỉ là sự mê tín của người Polynesia mà còn là một tâm thái có thể dễ dàng được kích hoạt ở các sinh viên Mỹ. Cứ thử yêu cầu họ nghĩ về việc áp dụng yếu tố hồi đáp với những mối quan hệ vốn được quản lý bởi cộng đồng hay chính quyền mà xem. Khi Tetlock hỏi ý kiến ​​của các đối tượng nghiên cứu về việc liệu những cơ quan cho con nuôi có nên giao đứa trẻ cho cặp vợ chồng sẵn sàng trả giả cao nhất, liệu mọi người có quyền bán nội tạng của họ, và liệu họ có thể trả tiền để thoát tội hay không, các đối tượng không chỉ không đồng ý, mà còn cảm thấy bản thân bị xúc phạm và cảm thấy phẫn nộ vì có người dám đặt ra những câu hỏi đó.

Các thết chế  hiện đại thường đặt câu hỏi và thử nghiệm về phương thức mà các hoạt động được gán vào các phạm trù đạo đức. Nền kinh tế thị trường có xu hướng định giá mọi thứ. Khoa học phi đạo đức hóa thế giới bằng cách tìm hiểu các hiện tượng chứ không phán xét chúng. Triết học thế tục đang nghiên cứu lại tất cả các đức tin, bao gồm cả những thứ được bảo vệ bởi thẩm quyền và truyền thống. Không có gì ngạc nhiên khi các thiết chế này thường bị xem là xói mòn đạo đức.

 

Không Có Gì Là Thiêng Liêng?

Và “xói mòn đạo đức” chính xác là thuật ngữ mà một số nhà phê bình sẽ áp dụng cho các ngành khoa học mới về ý thức đạo đức. Việc chúng ta cố gắng phân tích các trực giác đạo đức có thể trông giống như nỗ lực hạ bệ chúng. Các nhà tâm lý học tiến hóa dường như muốn lật tẩy những động cơ cao quý nhất của chúng ta chẳng qua là vì bản thân – muốn cho chúng ta thấy rằng tình yêu dành cho trẻ em, lòng trắc ẩn đối với những người bất hạnh, và ý thức công lý của chúng ta chỉ là những chiến thuật trong cuộc đấu tranh sinh tồn để truyền lại gien của mình. Cách giải thích về việc những nền văn hóa khác nhau coi trọng các phạm trù đạo đức khác nhau như thế nào có thể dẫn đến chủ nghĩa tương đối1 nhu nhược, theo đó chúng ta sẽ không bao giờ có bất kỳ cơ sở nào để chỉ trích những việc làm của một nền văn hóa khác, bất kể chúng dã man đến mức nào, vì “chúng ta có đạo đức của chúng ta và họ có đạo đức của họ. ” Và toàn bộ những thứ này dường như đang kéo chúng ta vào chủ hư vô2 vô đạo đức (amoral nihilism), trong đó đạo đức sẽ bị hạ cấp từ một nguyên lý siêu việt thành một thứ ảo tưởng của các mạng lưới thần kinh.

Trong thực tế, những nỗi sợ này đều vô căn cứ, và điều quan trọng là chúng ta phải hiểu được lý do. Sai lầm đầu tiên liên quan đến logic của những cách giải thích dựa trên tiến hóa. Các nhà sinh học tiến hóa đôi khi nhân cách hóa ADN với lý do giống như của các giáo viên khoa học khi họ yêu cầu học sinh tưởng tượng thế giới từ quan điểm của một phân tử hoặc một chùm ánh sáng. Một cách nhanh gọn để hiểu cơ chế chọn lọc mà không cần dùng đến toán là tưởng tượng rằng các gien như những con người tí hon đang cố gắng tự nhân bản chính mình.

Không may, biểu tượng gien ích kỷ đã vượt ra khỏi những cuốn sách sinh học phổ thông và biến tướng thành các ý tưởng rằng sinh vật (kể cả con người) là những kẻ vị kỷ tàn nhẫn. Và điều này không đúng. Gien không phải là một bể chứa những ước muốn vô thức đen tối của chúng ta. “Gien ích kỷ”  hoàn toàn có thể có ở các sinh vật vị tha, vì mục đích sao chép chính nó có thể được thực hiện bằng cách lập trình cho bộ não làm những việc vị tha, như đối xử tốt với người thân hoặc làm việc tốt cho một người lạ gặp khó khăn. Khi một người mẹ thức suốt đêm chăm sóc đứa con bị ốm, các gien khiến cô ấy làm như vậy là “ích kỷ” theo nghĩa ẩn dụ, nhưng chúng ta không thể tưởng tượng được theo bất cứ cách nào rằng cô ấy đang ích kỷ.

Lòng vị tha tương hỗ cũng vậy – cở sở tiến hóa đằng sau tính công bằng – ngụ ý rằng mọi người làm việc tốt vì mong được đền đáp. Chúng ta đều biết về những việc làm tốt không cần đáp lại, như việc cho một nữ hầu bàn tiền boa trong một thành phố bạn sẽ không bao giờ trở lại và đẻ lên một quả lựu đạn để cứu đồng đội. Những hành động tốt đẹp đột xuất này không hề bất thường với một nhà sinh học như vẻ ngoài của chúng.

Trong bài báo kinh điển năm 1971 của mình, nhà sinh vật học Trivers đã chỉ ra cách chọn lọc tự nhiên có thể thúc đẩy lòng vị tha đích thực. Sự xuất hiện của nguyên tắc ăn miếng trả miếng, cho phép các sinh vật trao đổi ân huệ mà không bị sợ lừa, chỉ là bước đầu tiên. Một người ban ơn không chỉ cần tránh những kẻ gian lận trắng trợn (những kẻ sẽ chấp nhận ân huệ mà không báo đáp), mà còn yêu thích những người đáp trả hào phóng (những người trả ơn ở mức cao nhất mà họ có thể làm được) hơn là những người keo kiệt (những người trả ơn ở mức thấp nhất có thể chấp nhận được). Vì được chọn là một người nhận ân huệ là điều tốt, nên đã xuất hiện một cuộc cạnh tranh để trở thành đối tác hào phóng nhất. Chính xác hơn, đó là một cuộc cạnh tranh để trông có vẻ là đối tác hào phóng nhất, vì người ban ơn không thể đọc được suy nghĩ hay nhìn thấy tương lai. Danh tiếng về tính công bằng và hào phóng đã trở thành một thứ tài sản.

Điều này khởi động một cuộc cạnh tranh mà trong đó những người thụ hưởng cố gắng thổi phồng danh tiếng của mình mà không thật sự hy sinh những gì tương xứng với danh tiếng đó. Nó cũng buộc những người ban ơn phải trở nên nhạy bén hơn để phân biệt những đối tác thật sự hào phóng với những kẻ đạo đức giả. Cuộc chạy đua này rồi cuối cùng cũng đi đến một cái kết hợp lý. Cách hiệu quả nhất để tỏ ra hào phóng và công bằng, dưới sự giám sát nghiêm ngặt, là phải thật sự rộng lượng và công bằng. Vì vậy, về lâu dài, danh tiếng chỉ có thể được bảo đảm bằng sự cống hiến. Ít nhất một số người đã tiến hóa để trở nên thật sự cao thượng và quên mình – họ trở nên đạo đức không phải vì những gì nó mang lại cho họ mà vì mà vì đó chính là bản chất của họ.

Tất nhiên, một lý thuyết cho rằng tất cả mọi người luôn hy sinh bản thân mình cho người khác cũng lố bịch như một lý thuyết cho rằng không ai làm vậy. Bên cạnh những thánh nhân là những người đền đáp miễn cưỡng hơn, những người này thu hút ít đối tác hơn và đối tác của họ cũng tồi hơn, nhưng họ lại không phải hy sinh để nâng cao uy tín. Và cả hai nhóm người này đều có thể cùng tồn tại với những kẻ gian lận trắng trợn, những kẻ lợi dụng những người thiếu thận trọng trong các cuộc trao đổi một lần. Một hệ sinh thái của các kiểu người khác nhau, mỗi kiểu với một chiến lược riêng biệt, có thể phát triển khi cái giá của mỗi chiến lược phụ thuộc vào số người đang sử dụng những chiến lược khác. Môi trường xã hội của con người bao gồm cả những người hào phóng, miễn cưỡng, và gian lận, và sự đa dạng về gien trong tính cách có lẽ mang dấu ấn của quá trình tiến hóa này.

 

Phải Chăng Đạo Đức Là Một Ảo Tưởng?

Vậy thì, những hiểu biết sinh học về ý thức đạo đức không biến mọi người thành những kẻ tư lợi hoặc luôn tính toán để tối đa hóa bộ gien của họ. Nhưng rốt cục nó cho ta một khái niệm đạo đức như thế nào?

Sau đây là điều mọi người lo lắng. Quan điểm khoa học đã dạy chúng ta rằng một số trải nghiệm chủ quan của chúng ta là những sản phẩm từ đặc tính sinh học của chúng ta và không có một đối tượng khách quan tương ứng trong thế giới thật. Sự khác biệt về chất giữa màu đỏ và màu xanh lá cây, vị ngon của trái cây và sự hôi thối của thịt rữa, sự đáng sợ của độ cao, và vẻ đẹp của những bông hoa là các đặc điểm thiết kế của hệ thống thần kinh thông thường của chúng ta. Nếu loài người chúng ta tiến hóa trong một hệ sinh thái khác hoặc nếu chúng ta thiếu đi một vài gien, phản ứng của chúng ta có thể hoàn toàn khác. Bây giờ, nếu sự phân biệt giữa đúng và sai cũng là một sản phẩm của mạng lưới thần kinh, liệu chúng ta có nên tin rằng nó có thật hơn sự khác biệt giữa màu đỏ và màu xanh?  Và nếu nó chỉ là một ảo giác tập thể, làm thế nào chúng ta có thể tranh luận rằng những tội ác như nạn diệt chủng và chế độ nô lệ là sai trái đối với tất cả mọi người, chứ không phải chỉ gây khó chịu cho chúng ta?

Nếu sự ghê tởm của tổ tiên chúng ta vẫn còn đến ngày nay, chúng ta sẽ không bao giờ có khám nghiệm tử thi, tiêm phòng vắc-xin, truyền máu, thụ tinh nhân tạo, cấy ghép nội tạng, thụ tinh trong ống nghiệm; tất cả những thứ này đều bị coi là vô đạo đức khi mới xuất hiện.

Tất nhiên, đặt Chúa vào vị trí chịu trách nhiệm cho đạo đức là một cách để giải quyết vấn đề, nhưng Plato đã giải quyết việc này khá nhanh gọn từ 2.400 năm trước. Liệu Đức Chúa Trời có lý do nào cho việc chỉ định hành vi này là hợp đạo đức và hành vi khác là vô đạo đức không? Nếu không – nếu mệnh lệnh của ngài chỉ là những ý tưởng thần thánh bất chợt – thì tại sao chúng ta cần coi trọng chúng? Giả sử rằng Chúa ra lệnh cho chúng ta tra tấn một đứa trẻ. Liệu mệnh lệnh đó có khiến hành động này trở thành đúng không, hay những chuẩn mực khác sẽ cho chúng ta lý do để kháng lệnh? Và mặt khác, nếu Chúa bị ràng buộc bởi các quy tắc đạo đức để ban hành một số mệnh lệnh nhất định – nếu việc ra lệnh tra tấn một đứa trẻ không bao giờ được phép – thì sao ta không trực tiếp tuân theo những quy tắc đó?

Điều này đưa chúng ta quay lại với câu hỏi rằng các nguyên tắc đạo đức đó có thể đến từ đâu, nếu như chúng không chỉ là những ảo tưởng của não bộ. Chắc chắn chúng không tồn tại trong thế giới thực như bước sóng hay khối lượng. Chỉ có một lựa chọn khác là đạo đức tồn tại trong một thế giới Plato trừu tượng nào đó, chờ chúng ta khám phá, có lẽ cũng giống như cách các chân lý toán học (theo quan điểm của hầu hết các nhà toán học) luôn ở đó chờ chúng ta khám phá. Theo sự so sánh này, chúng ta được sinh ra với một khái niệm nguyên sơ về các con số, nhưng ngay khi chúng ta phát triển những kiến thức nguyên sơ ấy thông qua lập luận toán học hình thức, bản chất của thực tại toán học buộc chúng ta phải khám phá ra một số sự thật nhất định và không phải những sự thật khác. (Những người đã khái niệm về hai, khái niệm về bốn, và khái niệm về phép cộng không thể rút ra bất kỳ kết luận nào khác ngoài 2 + 2 = 4.) Có lẽ chúng ta được sinh ra với một ý thức đạo đức nguyên sơ, và ngay khi chúng ta phát triển nó bằng lý luận đạo đức, bản chất của thực tại đạo đức cũng buộc chúng ta đi đến một số kết luận nhất định và không phải các kết luận khác.

Chủ nghĩa hiện thực đạo đức (moral realism), tên thường gọi của ý tưởng này, hơi khó chấp nhận với các triết gia. Tuy nhiên, một phiên bản giảm nhẹ của nó – dù không tồn tại dưới dạng một bản khắc vĩ đại gồm các điều rặn kiểu “Ngươi-Phải”, thì ít nhất cũng là một danh sách chứa vài quy tắc “Nếu-Thì” – cũng không phải là một ý tưởng điên rồ. Theo đó, có hai đặc tính của thực tại đóng vai trò chỉ lối về đạo đức cho bất kỳ cá nhân nào có đủ lý trí và bản năng tự bảo toàn. Chúng có thể cho chúng ta một chuẩn mực để xác định liệu các phán xét ý thức đạo đức của chúng ta có phù hợp với bản thân đạo đức hay không.

Ten Commandments marker in front of Dixie County Courthouse.JPG
10 điều răn của Thiên Chúa theo Kinh Thánh. Có phải Chúa quyết định điều gì là đạo đức không? Ảnh: Wikimedia.

Một là, sự phổ biến của các trò chơi có tổng khác không (nonzero-sum games)3. Trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, hai người tham gia có thể đạt được nhiều lợi ích hơn một cách khách quan nếu họ hành động vị tha thay vì ích kỷ. Bạn và tôi đều được lợi hơn nếu chúng ta chia sẻ thức ăn thừa của mình, cứu giúp con cái của nhau khi nguy hiểm, và không bắn vào nhau, thay vì vơ vét thức ăn thừa và để chúng thối rữa, để mặc con cái của người khác chết đuối trong khi mình thì sơn móng tay hoặc thù ghét nhau như Hatfields và McCoys. Hiển nhiên, tôi cũng có thể được lợi nếu hành động ích kỷ trên mồ hôi và nước mắt của bạn trong khi bạn đóng vai thằng khờ, nhưng điều ngược lại cũng đúng khi chúng ta đổi vai. Vì vậy, nếu mỗi người trong chúng ta đều cố gắng chiếm lợi thế thì kết quả là chúng ta đều bị thiệt hại. Bất kỳ người quan sát trung lập nào, và cả bạn và tôi nếu chúng ta có thể thảo luận bằng lý trí, sẽ phải kết luận rằng viễn cảnh chúng ta nên hướng tới là cả hai đều không ích kỷ. Những bản so sánh này không phải là những khía cạnh kỳ quặc của mạng lưới thần kinh, cũng không được quyết định bởi một sức mạnh siêu nhiên nào, mà chúng ở ngay trong bản chất của sự vật.

Một yếu tố bên ngoài khác hỗ trợ cho đạo đức là chính đặc tính của sự duy lý: nó không thể phụ thuộc vào quan điểm vị kỷ người lý luận. Nếu tôi yêu cầu bạn làm bất cứ điều gì cho tôi – không dẫm lên chân tôi, hoặc cho tôi biết thời gian, hoặc không cán xe qua người tôi – và muốn bạn xem yêu cầu đó là nghiêm túc, thì tôi không thể đặt lợi ích của tôi lên trên của bạn (ví dụ như bảo lưu quyền của tôi được cán xe qua bạn). Trừ khi tôi là Chúa Tể Thiên Hà, còn không thì tôi buộc phải đưa ra yêu cầu theo cách khiến tôi cũng phải cư xử tử tế với bạn. Tôi không thể hành động như thể lợi ích của tôi là đặc biệt chỉ vì tôi là tôi và bạn thì không, cũng như tôi không thể thuyết phục bạn rằng chỗ tôi đang đứng là một vị trí đặc biệt trong vũ trụ chỉ vì tôi đứng đó.

Không phải tình cờ, cốt lõi của ý tưởng này – khả năng hoán đổi các góc nhìn – liên tục xuất hiện trong các tư tưởng triết học đạo đức thông suốt nhất trong lịch sử, bao gồm Nguyên tắc Vàng4 (bản thân nó đã được phát hiện nhiều lần); Quan điểm của Spinoza về Vĩnh hằng5; Khế ước Xã hội6 của Hobbes, Rousseau và Locke; Mệnh lệnh Tuyệt đối của Kant7; và Tấm màn Vô minh8 của Rawls. Đó cũng là nền tảng cho lý thuyết Vòng tròn Mở rộng của Peter Singer – một đề xuất lạc quan rằng ý thức đạo đức của chúng ta, mặc dù được định hình bởi sự tiến hóa để đề cao bản thân, người thân và gia tộc, có thể đưa chúng ta vào con đường tiến bộ về đạo đức, vì sự lý luận của chúng ta buộc chúng ta phải khái quát hóa nó cho những phạm vi ngày càng lớn hơn để để nó có thể áp dụng cho nhiều những sinh vật có giác quan hơn nữa.

 

Làm Tốt Hơn Nhờ Hiểu Biết Bản Thân

Bởi vậy, đạo đức vẫn là một thứ gì đó rộng lớn hơn ý thức đạo đức chúng ta kế thừa, và các ngành khoa học mới về ý thức đạo đức không làm cho lập luận và niềm tin đạo đức trở nên lỗi thời. Đồng thời, các ngụ ý của nó đối với vũ trụ quan đạo đức của chúng ta vô cùng sâu sắc.

Ở mức tối thiểu, các nhà khoa học nói với chúng ta rằng dù đối thủ của chúng ta khó hiểu đến đâu, họ có thể không phải là những kẻ thái nhân cách vô đạo đức mà chỉ trải qua cuộc vật lộn đau đớn với các nguyên tắc đạo đức cũng mang tính bắt buộc và phổ quát giống như các nguyên tắc chúng ta. Tất nhiên, một số đối thủ thực sự là những kẻ tâm thần, và những người khác có thể bị đầu độc bởi một thứ luân lý trừng phạt đến nỗi họ đã vượt quá giới hạn của lý trí. (Diễn viên Will Smith được nhiều nhà sử học ủng hộ khi phát biểu với báo chí rằng Hitler tin ông ta đã hành động có đạo đức.) Nhưng trong bất kỳ cuộc xung đột nào, khi sự đồng thuận không phải là bất khả thi, thì việc công nhận rằng người kia đang hành động vì lý do đạo đức chứ không phải bị mua chuộc có thể là bước đầu tiên để tìm kiếm điểm chung. Một bên có thể công nhận mối quan tâm của bên kia cho cộng đồng, sự ổn định, sự công bằng, hoặc nhân phẩm, ngay cả khi đang tranh luận rằng một số giá trị khác quan trọng hơn trong trường hợp đó. Ví dụ như với các chính sách hay hành động ưu tiên kẻ yếu (affirmative action)9, chúng ta có thể nhìn nhận là những người công kích đang tranh cãi từ quan điểm công bằng thay vì phân biệt chủng tộc, và những người bảo vệ đang hành động vì thật sự quan tâm đến cộng đồng chứ không phải do bệnh quan liêu. Những người tự do có thể đồng tình với mối quan tâm của phe bảo thủ về các giá trị gia đình trong khi chỉ ra rằng hôn nhân đồng tính hoàn toàn phù hợp với các giá trị đó.

Khoa học về ý thức đạo đức cũng cảnh báo về cách mà bản chất tâm lý của chúng ta ngăn cản chúng ta đi đến kết luận đạo hợp lý nhất. Chúng ta nhận thấy là các giác quan đạo đức cũng dễ bị ảnh hưởng bởi ảo giác như tất cả các giác quan khác. Nó có xu hướng nhầm lẫn đạo đức thật sự với các vấn đề liên quan đến sự thanh khiết, địa vị, và sự tuân phục. Nó có xu hướng diễn giải các vấn đề thực tế thành những cuộc thập tự chinh đạo đức, và do đó nhìn nhận các giải pháp theo cách hung hăng và đòi hỏi sự trừng phạt. Nó áp đặt những điều cấm kỵ, ngăn cản việc thảo luận một số ý tưởng. Và nó có thói quen khó chịu là luôn tự cho rằng mình đứng cùng phe với các thiên thần.

Con người sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi có ai đó giúp cho anh ta thấy được bản chất của mình.

Mặc dù những người khôn ngoan từ lâu đã suy ngẫm về cách chúng ta bị che mắt bởi lòng mộ đạo giả vờ của chính mình, những diễn ngôn công cộng của chúng ta vẫn chưa thể loại trừ nó một cách thích đáng. Trong trường hợp xấu nhất, sự khinh xuất của trực giác thô bạo của chúng ta có thể được tôn vinh như đức hạnh. Trong bài tiểu luận đầy ảnh hưởng của mình, “The Wisdom of Repugnance” (Tạm dịch: Trí tuệ của Sự ghê tởm), Leon Kass, cựu chủ tịch của Hội đồng Tổng thống về Đạo đức Sinh học, cho rằng chúng ta nên bỏ qua lý lẽ khi nói về vấn đề nhân bản vô tính và các công nghệ y sinh, và dựa vào cảm giác của chúng ta: “Chúng ta ghê tởm viễn cảnh nhân bản con người. . . vì chúng ta dựa vào trực giác và cảm thấy, ngay lập tức và không cần tranh cãi, sự xâm phạm đến những điều mà chúng ta trân trọng. . . . Trong thời đại này, khi tất cả mọi thứ đều được phép, miễn là nó được thực hiện một cách tự do. . . sự ghê tởm có thể giọng nói duy nhất còn lại để lên tiếng bảo vệ những giá trị cốt lõi của nhân tính của chúng ta. Chỉ những tâm hồn nông cạn mới quên mất cách rùng mình.

Tất nhiên, có những lý do đúng đắn để kiểm soát việc nhân bản người, nhưng những cơn rùng mình không nằm trong số đó. Mọi người vẫn luôn rùng mình với tất cả những sự xâm phạm vào ý niệm về sự thanh khiết trong văn hóa của họ, dù chúng không hề liên quan gì đến đạo đức: chạm vào thứ không được phép, uống nước chung vòi với một tên mọi đen, cho phép dòng máu Do Thái trộn lẫn với dòng máu Aryan10, dung túng quan hệ tình dục giữa nam giới bất chấp sự đồng thuận giữa họ. Và nếu sự ghê tởm của tổ tiên chúng ta vẫn còn đến ngày nay, chúng ta sẽ không bao giờ có khám nghiệm tử thi, tiêm phòng vắc-xin, truyền máu, thụ tinh nhân tạo, cấy ghép nội tạng, thụ tinh trong ống nghiệm; tất cả những thứ này đều bị coi là vô đạo đức khi mới xuất hiện.

Có rất nhiều các vấn đề khác mà chúng ta đã nhấn nút đạo đức hóa quá nhanh và cố gắng tìm kẻ xấu thay vì sửa lỗi. Chúng ta nên làm gì khi một bệnh nhân bị thiệt mạng do y tá tiêm nhầm thuốc vào tĩnh mạch? Chúng ta có nên làm cho việc khởi kiện bệnh viện đòi bồi thường dễ dàng hơn? Hay chúng ta nên thiết kế lại các thiết bị tiêm để việc nhầm lẫn không thể xảy ra?

Và không có ở đâu mà sự đạo đức hóa lại nguy hiểm hơn khi đối mặt với thách thức toàn cầu lớn nhất của chúng ta. Các mối đe dọa của biến đổi khí hậu do con người đã trở thành một cơ hội cho việc khơi mào lại những cuộc tranh luận về đạo đức. Trong nhiều cuộc thảo luận, nguyên nhân của biến đổi khí hậu là tiêu dùng quá độ (quá nhiều xe S.U.V.) và gây ô nhiễm (làm bẩn bầu khí quyển), và giải pháp là tiết chế (bảo tồn) và chuộc lỗi (mua phiếu giảm giá carbon). Tuy nhiên, các chuyên gia đồng ý rằng những con số này không cộng dồn: ngay cả khi tất cả người Mỹ đều có ý thức hơn với lượng phát thải carbon của mình thì tác động của việc này đến biến đổi khí hậu cũng sẽ không đáng kể, chính vì lý do là hơn hai tỉ người Ấn Độ và Trung Quốc không có khả năng bắt chước sự tiết giảm carbon của chúng ta. Mặc dù bảo tồn tự nguyện có thể là một giải pháp cho bài toán giảm thiểu carbon một cách hiệu quả, các giải pháp khác sẽ nhàm chán về mặt đạo đức, như thuế carbon và công nghệ năng lượng mới, hoặc thậm chí cả việc cấm kỵ, như năng lượng hạt nhân và sự kiểm soát có chủ ý các đại dương và bầu khí quyển. Thói quen đạo đức hóa các vấn đề của chúng ta, kết hợp chúng với trực giác về sự thanh khiết và ô nhiễm, và thỏa mãn khi cảm nhận được đúng loại cảm xúc mà ta muốn, có thể ngăn cản chúng ta làm điều đúng.

Thay vì hạ bệ đạo đức, khoa học về ý thức đạo đức có thể thúc đẩy nó, bằng cách cho phép chúng ta nhìn qua những ảo tưởng mà tiến hóa và văn hóa đã áp đặt lên chúng ta và tập trung vào các mục tiêu chúng ta có thể chia sẻ và bảo vệ. Như Anton Chekhov từng viết: “Con người sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi có ai đó giúp cho anh ta thấy được bản chất của mình.”


  1. Chủ nghĩa tương đối (relativism): tác giả muốn nói đến chủ nghĩa tương đối về đạo đức (ethical relativism), một học thuyết phủ nhận sự tồn tại của những nguyên tắc đạo đức tuyệt đối và cho rằng mỗi người và mỗi xã hội đều có các chuẩn mực đúng sai khác nhau. Vì vậy, không ai, không xã hội nào có thể đánh giá các quan điểm và hành vi của người khác hoặc xã hội khác (Nguồn: Encyclopedia Britannica).

  2. Chủ nghĩa hư vô (nihilism) là một học thuyết triết học cho thấy sự phủ định của một hay nhiều khía cạnh ý nghĩa nổi bật của cuộc sống. Chủ nghĩa hư vô về đạo đức khẳng định rằng đạo đức vốn đã không tồn tại, và rằng bất kỳ giá trị đạo đức nào cũng được thiết lập một cách trừu tượng giả tạo (Nguồn: Wikipedia).

  3. Trong lý thuyết trò chơi (game theory), trò chơi có tổng khác không (nonzero-sum games) là các tình huống mà trong đó tổng lợi ích và thiệt hại của những người tham gia có giá trị khác không (phân biệt với trò chơi có tổng bằng không – zero-sum games) (Nguồn: Wikipedia).

  4. Nguyên tắc Vàng (Golden Rule): một nguyên tắc đạo đức về việc hãy đối xử với người khác theo cách bạn muốn chính mình được đối xử. Nguyên tắc này và các phiên bản của nó xuất hiện trong rất nhiều tôn giáo và nền văn hóa trên thế giới. (Nguồn: Wikipedia).

  5. Quan điểm của Spinoza về Vĩnh hằng (Spinoza’s Viewpoint of Eternity) là một khái niệm về những lẽ phải phổ quát và vĩnh hằng, hoàn toàn không phu thuôc vào thời gian (nghĩa là những điều này luôn đúng bất kể được đánh giá vào thời điểm nào) (Nguồn: Wikipedia).

  6. Khế ước xã hội trong triết học và chính trị học là một học thuyết mô tả việc con người cùng thỏa thuận từ bỏ trạng thái tự nhiên để xây dựng cuộc sống cộng đồng. Về mặt luật pháp, khế ước xã hội thể hiện cụ thể là một tờ khế ước, một bản hợp đồng trên đó các thành viên xã hội thống nhất các nguyên tắc để cùng chung sống với nhau (Nguồn: Wikipedia).

  7. Mệnh lệnh tuyệt đối (Categorical imperative): một nguyên lý triết học do Immanuel Kant đề xuất. Theo đó một người chỉ được phép hành động theo những nguyên tắc đạo đức mà họ muốn trở thành phổ quát (Nguồn: Encyclopedia Britannica).

  8. Tấm màn Vô minh minh (Veil of Ignorance) của Rawls: một phương pháp do triết gia John Rawls (1921-2002) đề xuất để xác định tính đạo đức của các quyết định chính trị. Theo đó, cách tốt nhất để đưa ra quyết định là từ một Vị trí Ban đầu giả định (Original Position) ở phía sau Tấm màn Vô minh. Từ đây, những người ra quyết định không thể biết bất cứ thông tin nào về vị trí của mình (về giới tính, chủng tộc, giai cấp…) trong xã hội ở phía bên kia của bức màn. Do đó, họ buộc phải xem xét mọi quan điểm và tính đến lợi ích của mọi người. (Nguồn: Wikipedia).

  9. Chính sách ưu tiên (affirmative action): những nỗ lực nhằm cải thiện cơ hội giáo dục và việc làm cho các nhóm thiểu số (người da đen, người khuyết tật…) và phụ nữ

  10. Theo niềm tin và các tuyên truyền của Đức Quốc xã, người Đức thuộc chủng tộc Aryan, chủng tộc da trắng thượng đẳng. Độc giả quan tâm có thể xem thêm chi tiết tại đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất