a
§ Tác giả: Christopher de Bellaigue | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Châu | Hiệu đính:  chez, Za
15/06/2019

Lựa chọn thời điểm và cách thức để chết ngày càng trở nên dễ dàng hơn tại các quốc gia trên khắp thế giới. Tuy nhiên, các bác sĩ ở ngay tại quốc gia tiên phong của cái chết nhân đạo lại đang bắt đầu lo lắng về các hệ lụy.

Năm ngoái, vị bác sĩ người Hà Lan tên là Bert Keizer được mời đến nhà một người đàn ông sắp qua đời vì căn bệnh ung thư phổi, để kết thúc cuộc đời của ông ấy. Khi Keizer cùng y tá hỗ trợ đến nơi, họ nhận thấy có khoảng 35 người đang vây quanh giường của người đàn ông đang hấp hối. “Họ uống rượu, cười nói om sòm và khóc lóc,” Keizer kể lại khi gặp tôi ở Amsterdam trong một dịp gần đây. “Thật là náo nhiệt. Và tôi nghĩ: ‘Mình phải làm sao để tách đám đông này ra khỏi đây?’ Nhưng người đàn ông thì lại biết chính xác phải làm gì. Đột nhiên ông nói, ‘Được rồi, mọi người!’ và tất cả đều hiểu. Mọi người cùng chìm vào im lặng. Những đứa bé còn rất nhỏ được đưa ra khỏi phòng, và rồi tôi đã tiêm thuốc cho ông. Lẽ ra tôi có thể hôn tạm biệt ông ấy, bởi vì ngoài điều đó ra tôi không biết cách nào khác để kết thúc cuộc vui này.”

Keizer là một trong số khoảng 60 bác sĩ có tên trong hồ sơ của Levenseindekliniek, hay còn gọi là Trung tâm Kết thúc Sự sống (End of Life Clinic), một nơi kết nối các bác sĩ sẵn lòng thực hiện việc an tử với những bệnh nhân đang tìm cách kết thúc cuộc đời, và đây cũng là nơi đã chịu trách nhiệm cho khoảng 750 cái chết nhân đạo vào năm 2017. Đối với Keizer, một nhà triết học trước khi đi vào con đường nghiên cứu y khoa, ông cho rằng việc quyền an tử ngày càng được phổ biến một cách rộng rãi đã mở ra một kỷ nguyên mới. “Lần đầu tiên trong lịch sử,” ông nói, “chúng ta phát triển một quyền tự do cho phép mọi người có thể tìm đến cái chết trong lúc chúng ta đang ở bên cạnh họ và họ vẫn hiện diện ngay giữa chúng ta. Điều đó hoàn toàn khác với việc tự sát khi vợ bạn đi ra ngoài mua sắm và những đứa con vẫn đang ở trường, còn bạn thì treo cổ trong phòng đọc sách – đó là cách tử vong kinh khủng nhất, bởi vì vết thương lòng sẽ không bao giờ lành lại. Thật ra, việc bạn là một con người có nghĩa rằng bạn sẽ có mối liên kết với những người khác. Và chúng ta đã tìm ra cách thỏa đáng để cắt đứt mối liên kết này, không phải bằng cái chết tự nhiên, mà là bằng sự kết thúc tự nguyện. Đó là một điều rất đặc biệt.”

Thực tế thì “điều đặc biệt” này đã trở thành một lẽ thường tình. Dường như tất cả mọi người tại Hà Lan đều biết đến ai đó đã được an tử, và kiểu chào tạm biệt mang tính dàn dựng theo như Keizer mô tả cũng chẳng có gì là bất thường. Dĩ nhiên, ý tưởng cho rằng con người chúng ta có vô số cách khác nhau để tìm đến cái chết là điều phổ biến ở Hà Lan hơn bất cứ nơi nào khác. Nhưng những hệ lụy về lâu dài của ý tưởng này lại chỉ mới được nhận thức gần đây. Cái chết nhân đạo được hợp pháp tại Hà Lan đủ lâu để bộc lộ những gì có thể xảy ra sau khi quyền an tử được áp dụng rộng rãi. Và với tư cách một bác sĩ chuyên khoa kết-thúc-sự-sống tại một quốc gia là đại diện chuẩn mực cho sự cải cách chủ nghĩa tự do trong nhiều thập kỷ, Keizer có lẽ là nhân chứng cho một tương lai đang chờ đợi tất cả chúng ta.

Việc bạn là một con người có nghĩa rằng bạn sẽ có mối liên kết với những người khác. Và chúng ta đã tìm ra cách thỏa đáng để cắt đứt mối liên kết này, không phải bằng cái chết tự nhiên, mà là bằng sự kết thúc tự nguyện.

Vào năm 2002, nghị viện ở Hague đã hợp pháp hóa cái chết nhân đạo cho những bệnh nhân phải trải qua “cơn đau quá sức chịu đựng và vô phương cứu chữa.” Kể từ đó, sự an tử cùng một hành vi khác có liên quan mật thiết với nó, trợ tử, cho phép một người tạo điều kiện cho người khác tự tử, đã được Bỉ và Canada chấp nhận; cùng với đó dư luận tại nhiều quốc gia nơi chưa thông qua dự luật này, như Anh, Mỹ và New Zealand, cũng cực kỳ ủng hộ.

Đà phát triển của cái chết nhân đạo dường như không gì ngăn nổi; sau Colombia, vào năm 2015, và bang Victoria của Úc, vào năm 2017, Tây Ban Nha có thể là cơ quan tài phán lớn tiếp theo hợp pháp hóa cái chết do bác sĩ trợ tử, trong khi cứ sáu người Mỹ thì có một người sống tại các bang hợp pháp hóa cái chết nhân đạo (phần lớn trong số họ ở California). Ở Thụy Sĩ, nơi có luật trợ tử lâu đời nhất trên thế giới, người nước ngoài cũng có quyền an tử.

Nếu xã hội phương tây tiếp tục noi gương Hà Lan, Bỉ và Canada, có khả năng trong một vài thập kỷ tới, cái chết nhân đạo sẽ là một lựa chọn phổ biến trong danh sách những cái chết khả dĩ, bao gồm một viên thuốc độc “chấm dứt cuộc đời” theo yêu cầu, dành cho những ai cảm thấy cuộc sống trở nên quá sức chịu đựng. Đối với nhiều người già được sinh ra trong thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh (baby boomers) – những người đã từng đấu tranh để hợp pháp hóa việc phá thai và tránh thai – một cái chết văn minh vào thời điểm mà họ được tự do lựa chọn là một quyền lợi mà nhà nước nên đáp ứng và kiểm soát. Và khi những người thuộc thế hệ này bước vào những năm tháng cuối đời, đạo lý cho rằng sự sống là vô cùng quý giá bất kể tình trạng sức khỏe của họ có như thế nào đi nữa, đang dần bị hoài nghi hơn bao giờ hết.

Đạo lý cho rằng sự sống là vô cùng quý giá bất kể tình trạng sức khỏe của họ có như thế nào đi nữa, đang dần bị hoài nghi hơn bao giờ hết. Nguồn ảnh: Unsplash.

Là quốc gia tiên phong trên thế giới, Hà Lan cũng phát hiện ra rằng dù hợp pháp hóa cái chết nhân đạo có thể giải quyết một câu hỏi hóc búa về luân thường đạo lý, nhưng đồng thời điều này lại khui ra những vấn đề khác – quan trọng nhất trong số đó là việc xác định đâu là giới hạn cần vạch ra khi áp dụng đạo luật này vào trong thực tế. Trong vài năm qua, một nhóm nhỏ nhưng có sức ảnh hưởng lớn gồm các học giả và luật gia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về điều thường hay được gọi một cách hóm hỉnh là “sự trượt dài” (slippery slope) – một quan điểm cho rằng biện pháp được đưa ra nhằm xoa dịu các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đã được áp dụng rộng rãi cho cả những người vốn có thể sống lâu thêm nhiều năm nữa, từ những người mắc các bệnh như loạn dưỡng cơ đến những người bị mất trí ở tuổi lục tuần và ngay cả những người trẻ mắc bệnh tâm thần.

Trong số những người nghi ngại về vấn đề này, nổi bật nhất có lẽ là Theo Boer, người giảng dạy đạo đức học tại Đại học Thần học Kampen. Từ năm 2005 đến 2014, Boer là thành viên của một trong năm hội đồng khu vực được thành lập để xem xét mọi hoạt động an tử và chuyển giao cho các công tố viên nếu nhận thấy có trường hợp nào bất thường. (Mỗi hội đồng xét duyệt gồm có một luật sư, một bác sĩ và một nhà đạo đức học.) Các số liệu gần đây của chính phủ cho thấy những nghi ngờ về mục đích của cái chết nhân đạo tại Hà Lan đang gây ảnh hưởng đến thiện ý của các bác sĩ khi thực hiện thủ thuật. Vào tháng 11, Bộ Y tế tiết lộ rằng trong chín tháng đầu năm 2018, số trường hợp an tử đã giảm 9% so với cùng kỳ năm 2017, lần giảm đầu tiên kể từ năm 2006. Không lâu sau đó, trong một tín hiện liên quan diễn ra trong hoàn cảnh pháp lý gay gắt hơn, cơ quan tư pháp đã lần đầu tiên tuyên bố truy tố một bác sĩ vì sơ suất trong quá trình thực hiện an tử.

Vẫn còn quá sớm để nói rằng liệu cái chết nhân đạo ở Hà Lan đã đạt đến ngưỡng cao nhất hay chưa – và vẫn còn quá sớm khi cho rằng liệu các quốc gia khác hiện đang tạo điều kiện cho trợ tử có đắn đo nếu nhận thấy hành vi này dường như đang lan rộng quá mức hay không. Nhưng điều quan trọng là ngoài sự ủng hộ nhiệt tình của Bert Keizer – người tích cực hoan nghênh “sự trượt dài” – các quan điểm thiên về phê phán của Boer đang được các nghị sĩ và các nhà đạo đức học nước ngoài quan tâm đến, nhằm cân nhắc thay đổi pháp luật ở nước họ. Theo như Boer giải thích với tôi, “khi tôi trình bày số liệu thống kê cho những người ở Bồ Đào Nha hoặc Iceland hay bất cứ nơi nào khác, tôi nói: ‘Hãy quan sát kỹ Hà Lan bởi vì đất nước của các bạn có thể sẽ giống như vậy trong vòng 20 năm tới.’”

“Quá trình ban hành luật an tử khởi đầu với mong muốn tháo gỡ những trường hợp đau lòng nhất – những hình thức tử vong vô cùng khủng khiếp,” Boer nói. “Tuy nhiên, đã có những thay đổi quan trọng trong cách áp dụng luật. Chúng ta đã khởi động một thứ mà đến bây giờ mới phát hiện ra rằng chúng mang đến nhiều hệ lụy hơn chúng ta đã tưởng.”

***

Bert Keizer thực hiện ca an tử đầu tiên của mình vào năm 1984. Trước đó, khi ông đang làm bác sĩ chăm sóc tại gia, việc kết thúc cuộc sống của một bệnh nhân tuyệt vọng theo yêu cầu của họ là phạm pháp, dù rất hiếm khi bị truy tố. Khi một thợ đóng giày đã nghỉ hưu tên là Antonius Albertus, người sắp mất vì căn bệnh ung thư phổi, yêu cầu hãy giải thoát ông khỏi nỗi thống khổ, Keizer đã nhận ra hai mặt mâu thuẫn trong chính mình – một vị bác sĩ tuân thủ luật pháp và đồng thời cũng là một người có lòng vị tha.

“Antonius không hề đau đớn,” Keizer kể với tôi, “nhưng ông ấy mang trong mình sự kiệt quệ đặc thù mà mọi bác sĩ ung thư đều biết, một sự kiệt quệ đầy đau khổ, và tôi đã thấy ông suy sụp ngay trước mắt tôi.” Trong hoàn cảnh đó, Keizer, người đã chứng kiến mẹ mình chịu đựng một cái chết vô cùng đau đớn vì mắc phải căn bệnh về gan vào năm ông 11 tuổi, đã chọn làm người có lòng vị tha. Ông tiêm 40mg Valium vào người Antonius – đủ để khiến ông ấy hôn mê – sau đó kê thuốc chống hô hấp cho ông ấy để chấm dứt sự sống.

Một sự kiệt quệ đầy đau khổ. Nguồn ảnh: Unsplash.

Keizer không bị điều tra sau khi khai báo về cái chết trái tự nhiên do chính ông gây ra, và sự nghiệp của ông cũng không hề tiêu tan như ông đã lo sợ. Nhưng, tôi hỏi ông, điều gì đã khiến ông quyết định vi phạm pháp luật, và làm trái với nguyên tắc – bảo toàn sự sống – điều đã định nghĩa nên y đức từ thời Hippocrates? Keizer chợt ngừng lại để phủi con nhện đang từ đâu bò trên vai tôi. “Việc này là một điều gì đó rất ích kỷ,” ông đáp. “Nếu tôi ở trong hoàn cảnh của ông ấy, van nài được chết, tôi muốn mọi người sẽ nghe theo tôi, và đừng nói rằng, “Chuyện đó là không thể vì nó trái với pháp luật hoặc Kinh thánh.”

Trong vài thập kỷ qua, Kinh Thánh ngày càng bị gạt ra ngoài lề cuộc sống, và luật pháp đã minh oan cho vị bác sĩ trẻ đã đưa Antonius vào giấc ngủ vĩnh hằng. Khi mọi người dần quen với luật mới, số người Hà Lan được an tử bắt đầu tăng mạnh, từ dưới 2.000 trong năm 2007 lên đến gần 6.600 vào năm 2017. (Ước tính số lượng người có yêu cầu an tử bị từ chối vì không hội đủ các điều kiện pháp lý cũng xấp xỉ con số này.) Cũng trong năm 2017, khoảng 1.900 người Hà Lan đã tự sát, trong khi số người chết vì thuốc an thần giảm đau – theo lý thuyết, khi không chống đỡ nổi căn bệnh người ta sẽ tìm cách thoát khỏi cảm giác khó chịu của cơ thể, nhưng thực tế thì lại thường chết vì mất nước trong lúc hôn mê – chạm mốc đáng kinh ngạc là 32.000. Nhìn chung, hơn một phần tư trường hợp tử vong trong năm 2017 tại Hà Lan là do bị tác động.

Trong vài thập kỷ qua, Kinh Thánh ngày càng bị gạt ra ngoài lề cuộc sống. Nguồn ảnh: Unsplash.

Một trong những lý do khiến cái chết nhân đạo trở nên phổ biến hơn sau năm 2007 là do một loạt các điều kiện nhằm xem xét tính hợp lệ đã được mở rộng, trong khi định nghĩa về “sự đau đớn quá sức chịu đựng,” khái niệm mấu chốt trong điều luật cũng được nới lỏng. Cùng lúc đó, những lời xì xầm về mối âu lo bắt đầu được nghe thấy, và ngay cả trong đại sảnh uy nghiêm tráng lệ của buổi tranh luận công khai tại Hà Lan, những lời than phiền ấy lại càng được khuếch đại. Mối quan tâm tập trung chủ yếu vào hai vấn đề có liên quan mật thiết đến cái chết nhân đạo: chứng mất trí nhớ và sự tự chủ.

Nhiều người Hà Lan viết di chúc sinh thời chỉ định rằng nếu sau này trạng thái tinh thần của họ bị suy giảm vượt quá một mức độ nhất định – giả dụ như  không thể nhận ra các thành viên trong gia đình – họ sẽ được an tử bất kể họ có bất đồng với mong muốn ban đầu của mình hay không. Tuy nhiên, vào tháng 1 năm ngoái, một nhà đạo đức y học tên là Berna Van Baarsen đã gây xôn xao khi từ bỏ chức vụ trong hội đồng xét duyệt vì phản đối tần suất gia tăng những người mắc chứng mất trí nhớ bị an tử căn cứ theo di chúc sinh thời đã lập, thứ mà họ không thể xác nhận sau khi mất đi khả năng nhận thức. “Về cơ bản thì chuyện này là bất khả thi,” cô chia sẻ với báo Trouw, “để xác định rằng bệnh nhân không thể chịu đựng được nữa, bởi vì ông ấy không còn khả năng giải thích.”

Vụ vi phạm đạo đức nghề nghiệp của Van Baarsen là trường hợp an tử sơ suất đầu tiên tại quốc gia này, và các công tố viên hiện đang chuẩn bị truy tố. (Ba trường hợp khác vẫn đang trong quá trình điều tra.) Vụ việc liên quan đến một bệnh nhân mắc chứng mất trí nhớ đã yêu cầu được trợ tử khi đến “đúng thời điểm,” nhưng khi bác sĩ của bà đánh giá đã đến lúc để thực hiện trợ tử, bà lại kháng cự. Gia đình bệnh nhân đã phải đánh thuốc mê và khống chế bà cho đến khi bà chịu để bác sĩ tiêm thuốc gây tử vong. Vị bác sĩ đã kê đơn – vẫn chưa xác định được danh tính – bào chữa cho hành vi của mình rằng cô đã hoàn thành tâm nguyện của bệnh nhân và, vì bệnh nhân đã mất năng lực hành vi, sự phản kháng của bệnh nhân trước khi chết là không quan trọng. Bất kể lý lẽ đúng sai trong lập luận của vị bác sĩ, điều đó cũng chẳng thay đổi được tình huống hết sức nghiệt ngã đã xảy ra.

Rắc rối tiềm ẩn trong các di chúc sinh thời chính là chúng đã gián tiếp đánh giá bản thể thiếu lý trí của một người thấp hơn so với bản thể bình thường trước đó, về bản chất là tách một người thành hai bản thể đối lập nhau. Nhiều bác sĩ, đã quan sát thấy bệnh nhân thích nghi được với tình trạng mà họ từng cho rằng sẽ không thể nào chịu đựng nổi, nghi ngờ rằng liệu ai đó có thể dự đoán chính xác họ sẽ muốn gì sau khi tình trạng của họ trở nên xấu đi hay không.

Rắc rối tiềm ẩn trong các di chúc sinh thờiđã gián tiếp đánh giá bản thể thiếu lý trí của một người thấp hơn so với bản thể bình thường trước đó. Nguồn ảnh: Unsplash

Mâu thuẫn thứ hai là một vấn đề mang tính xã hội, nó đã bắt đầu len lỏi khi cái chết nhân đạo được bình thường hóa. Xung đột xuất hiện khi có sự đối lập giữa quyền lợi cá nhân với nghĩa vụ xã hội về việc bảo toàn tính mạng. “Yêu cầu an tử, là vấn đề nan giải nhất,” Agnes van der Heide, giáo sư chuyên khoa chăm sóc y tế và ra quyết định chấm dứt sự sống tại Trung tâm Y tế Erasmus ở Rotterdam giải thích, “khi chúng được dựa theo quyền tự chủ của bệnh nhân, điều này dẫn đến việc họ nói với bác sĩ: “Anh không phải là người phán xét liệu tôi có nên chết hay không.’” Bà không cho rằng mong muốn này, vốn đã bùng phát mạnh mẽ ở thế hệ sinh ra trong thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh, sẽ giảm bớt trong các thế hệ sắp tới. “Đối với những người trẻ chúng ta, nguyên tắc tự chủ luôn đứng hàng đầu trong suy nghĩ.”

Bất đồng quan điểm ngày càng gia tăng về vấn đề cái chết nhân đạo được phản ánh ngay trong các buổi thảo luận của hội đồng xét duyệt. Sự đồng thuận dần hiếm hoi hơn so với trước đây khi những trường hợp duy nhất được trình lên trước hội đồng đều liên quan đến các bệnh nhân mắc bệnh giai đoạn cuối, nhưng nhận thức vẫn còn tỉnh táo. Kể từ khi từ chức, Berna Van Baarsen đã phàn nàn rằng “các lập luận pháp lý ngày càng có sức ảnh hưởng nặng nề” lên các ủy ban, “trong khi nghi vấn đạo đức về việc liệu giết người có phải là điều nên làm trong vài trường hợp nhất định, có nguy cơ vượt quá khả năng lý giải.”

Trong hoàn cảnh mới mẻ và nhập nhằng hơn này, việc số trường hợp an tử bị sụt giảm trong thời gian gần đây dường như không có gì đáng kinh ngạc. Bên cạnh nỗi lo sợ về việc thu hút sự chú ý của các công tố viên, một số bác sĩ cảm thấy khó chịu bởi trong cảm nhận của công chúng, họ ngày càng hiện lên như những người mang đến cái chết mà không được phép thắc mắc hay có bất cứ sự phản đối nào, và họ đang cố gắng thay đổi quan điểm này. Đối với các bác sĩ đa khoa Hà Lan, việc tiếp nhận yêu cầu an tử từ các bệnh nhân quả quyết, những người cảm thấy phẫn uất với sự miễn cưỡng dù là nhỏ nhất từ ​​phía bác sĩ của họ đã trở thành một trong những khía cạnh gây khó chịu hơn trong công việc.

“Trong những tuần lạnh nhất của mùa đông năm ngoái,” Theo Boer kể với tôi, “một bệnh nhân lớn tuổi đã nói với người bạn bác sĩ của tôi rằng: ‘Tôi muốn được an tử ngay trong tuần này – anh đã hứa rồi.’ Vị bác sĩ đáp lại: ‘Bên ngoài đang -15 độ C. Hãy lấy một chai rượu whisky và ngồi trong khu vườn của ông, chúng tôi sẽ tìm thấy ông vào ngày mai, bởi vì tôi không thể nào chấp nhận được rằng ông bắt tôi phải chịu trách nhiệm cho việc tự sát của ông.’ Vị bác sĩ trong câu chuyện trên, theo lời Boer, đã từng thực hiện an tử cho khoảng ba người mỗi năm. Hiện tại, ông ấy không còn làm việc đó nữa.

Mặc dù đã ủng hộ luật an tử năm 2002 vào thời điểm đó, Boer hiện cảm thấy hối tiếc vì đã không quy định rõ bệnh nhân phải có đủ năng lực hành vi tại thời điểm chấm dứt sự sống và nếu có thể, bệnh nhân nên tự kê liều gây tử vong cho chính mình. Boer cũng cảm thấy lo ngại về ảnh hưởng tâm lý đối với các bác sĩ kết liễu một ai đó có tuổi thọ vẫn còn dài: “Khi anh an tử cho một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, anh biết rằng ngay cả khi quyết định của anh có vấn đề, dù sao người đó cũng sẽ chết. Nhưng khi người đó có thể sống lâu đến hàng thập kỷ, điều luôn lởn vởn trong tâm trí anh chính là lẽ ra họ đã có thể tìm được một sự cân bằng mới trong cuộc sống.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất