a
§ Tác giả: Christopher de Bellaigue | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Châu | Hiệu đính:  chez, Za
16/06/2019
Đây là phần 2 của bài viết này. Độc giả có thể xem phần 1 tại đây.

Vào tháng 11 năm 2016, Monique và Bert de Gooijer, một cặp vợ chồng đến từ Tilburg, trở nên khá nổi tiếng khi một tờ báo khu vực, Brabants Dagblad, dành trọn cả một số báo để viết về cái chết của con trai họ, một người 38 tuổi bị béo phì, thích trêu chọc mọi người và mắc chứng rối loạn tâm thần nặng tên là Eelco. Cái chết nhân đạo của anh ấy là một trong những trường hợp thu hút đông đảo sự chú ý đầu tiên liên quan đến một người trẻ tuổi mắc bệnh tâm thần. Trong số hàng trăm phản hồi mà tờ báo nhận được, hầu hết đều là những lời động viên, câu trả lời gây ấn tượng mạnh nhất với gia đình de Gooijers đến từ một người phụ nữ có cô con gái từng đột ngột bước ra khỏi nhà, cầm theo đống chai rỗng đến một cửa hàng rồi cứ thế mà lao đến trước một đoàn tàu. “Cô ấy cảm thấy ghen tị với chúng tôi,” Monique kể khi tôi ngồi cùng cô ấy và Bert trong phòng khách của họ, “bởi vì cô ấy không biết tại sao con gái mình lại làm như thế. Cô viết rằng: ‘Anh chị đã có thể hỏi Eelco mọi câu hỏi mà anh chị muốn. Còn tôi chỉ có những nghi vấn không lời đáp.’”

Dù âm thầm, thậm chí là lén lút thực hiện, tử tự vẫn luôn để lại những mảnh đời vụn vỡ. Ngay cả khi việc đó diễn ra “trơn tru” như kế hoạch, ai đó cũng sẽ tìm thấy thi thể. Việc cái chết nhân đạo được thảo luận một cách cởi mở có thể giúp xoa dịu hoặc thậm chí giảm thiểu phần lớn nỗi đau này là điều mà tôi đã không thực sự nghĩ đến trước khi gặp gia đình de Gooijers. Tôi cũng không hoàn toàn hưởng ứng một điều trớ trêu rằng tự tử, có nguy cơ thất bại cao cùng với những thiệt hại ngoài dự kiến, là việc bất hợp pháp ở khắp châu Âu cho đến vài thập kỷ trước, trong khi đó cái chết nhân đạo, dường như đem lại kết quả nhẹ nhàng hơn – ít nhất là dễ kiểm soát hơn – vẫn bị xem là phạm pháp tại hầu hết các quốc gia.

Bất kể hành động đồng ý kết liễu một thanh niên với thể chất khỏe mạnh có cho chúng ta biết về quan điểm của người Hà Lan đối với quyền lợi con người ra sao, thì cái chết của Eelco de Gooijer cũng chẳng ảnh hưởng gì đến một người lái tàu hay một người ra kênh câu cá vào mỗi cuối tuần. Eelco chỉ được an tử sau khi đã trải qua một thời gian dài suy nghĩ và thảo luận cùng gia đình. Anh ấy đã cười rất tươi với người hộ tang đến lấy số đo cho chiếc quan tài ngoại cỡ của mình. Anh có thể nói lời chào tạm biệt với tất cả mọi người yêu mến anh, và, Monique và Bert cam đoan với tôi, anh đã ra đi thanh thản. Có lẽ có một từ dành riêng cho kiểu tự sát này, một kiểu tự sát mà tất cả các bên đều chấp nhận. Đó gọi là sự đồng thuận.

“Bạn cố gắng làm cho con bạn được vui vẻ,” Monique thẳng thắn nói, “nhưng Eelco lại không cảm thấy hạnh phúc khi được sống. Thằng bé không muốn chịu đựng thêm nữa, và cái chết là cách duy nhất.” Lúc Eelco đến tuổi thành niên thì cái chết nhân đạo đang được hợp pháp hóa. Sau nhiều năm được các bác sĩ tâm thần kiểm tra với nhiều kết quả chẩn đoán và vô số biện pháp điều trị không hiệu quả, anh bắt đầu nài nỉ các bác sĩ ở Tilburg hãy chấm dứt cuộc sống của anh.

Cái chết nhân đạo được xem như một dịch vụ y tế cơ bản, thậm chí được bao gồm trong phí bảo hiểm hằng tháng mà mỗi người dân phải chi trả cho công ty bảo hiểm. Nhưng các bác sĩ phụ trách đáp ứng các quyền lợi bảo hiểm của họ lại không chịu thực hiện việc an tử. Là trường hợp vô cùng cá biệt trong số các thủ thuật y tế, một cái chết nhân đạo “thành công” không phải là thứ gì đó mà bạn có thể đánh giá được thông qua tình trạng của bệnh nhân sau khi hoàn thành thủ thuật. Đây chính là lý do khiến một số ít các bác sĩ từ chối thực hiện việc này, và số khác là vì đạo đức tôn giáo. Một số khác chỉ đơn giản là không thể chấp nhận được ý tưởng rằng họ phải giết người mà đáng nhẽ ra họ phải dùng thuốc để cứu chữa.

Theo chuyên gia kết-thúc-sự-sống Agnes van der Heide, những người lưỡng lự không làm theo nguyên tắc chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong ngành, có lẽ ít hơn 8%. Lý do tại sao không có sự thống nhất trong việc đáp ứng các yêu cầu an tử còn phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của người bác sĩ – chẳng hạn về những gì cấu thành nên “cảm giác đau đớn không thể chịu nổi” – thường có tác động mang tính quyết định. Dẫu cho đây là thủ thuật can thiệp hệ trọng và trang nghiêm nhất mà một bác sĩ Hà Lan có thể được yêu cầu thực hiện, và thậm chí còn được giới chuyên môn cố gắng “chuẩn hóa” cách xử lý đối với mọi tình huống, thế nhưng việc quyết định kết liễu ai đó lại phụ thuộc một cách kỳ lạ vào lương tâm con người – vốn dễ thay đổi.

Một loại yêu cầu an tử mà các bác sĩ Hà Lan thường từ chối thực hiện là yêu cầu đến từ những bệnh nhân tâm thần, những người mà khao khát muốn chết của họ có thể được xem như là một triệu chứng của căn bệnh tâm thần có khả năng chữa trị khỏi – cụ thể là trường hợp của Eelco de Gooijer. Eelco đã bị hai bác sĩ ở Tilburg từ chối; một trong số đó đã chùn bước khi thực hiện việc này vì cô ấy đang mang thai. Trong cơn tuyệt vọng, Eelco đã tìm đến Levenseindekliniek. Với cam kết thực hiện theo đúng lý tưởng của trung tâm về cái chết nhân đạo và đội ngũ các bác sĩ chuyên khoa, trung tâm đã cố gắng rất nhiều để giúp mở rộng phạm vi hoạt động, và một đội ngũ thuộc nơi đây đã chấm dứt nỗi thống khổ của Eelco vào ngày 23 tháng 11 năm 2016. Một đội thứ hai cũng đến từ trung tâm này đã kết liễu cuộc đời một thanh niên bị rối loạn tâm lý khác, Aurelia Brouwers, vào đầu năm ngoái.

Về mặt lý thuyết, cái chết nhân đạo là một cấu trúc gồm ba trụ cột: bệnh nhân, bác sĩ và những người thân yêu của bệnh nhân. Trong trường hợp của Eelco de Gooijer, các trụ cột rất vững chắc và đồng bộ. Cái chết của Eelco được thực hiện một cách trọn vẹn nhờ vào lòng cảm thông, sự cẩn trọng và quan tâm tỉ mỉ đối với cảm xúc của tất cả những người có liên quan. Hầu như không có gì ngạc nhiên khi Hiệp hội An tử Tự nguyện Hà Lan, hay gọi tắt là NVVE, đã ca ngợi trường hợp này như là một ví dụ tiêu biểu cho cái chết nhân đạo có cái kết viên mãn nhất.


Về mặt lý thuyết, cái chết nhân đạo là một cấu trúc gồm ba trụ cột: bệnh nhân, bác sĩ và những người thân yêu của bệnh nhân. Ảnh: Pixabay.

Sau khi tạm biệt gia đình de Gooijers, tôi lái xe dọc về phía bắc, băng qua hàng hecta vườn ươm cây trồng, men theo nhà máy Tesla ở Châu Âu, để đến tham dự một hội nghị do NVVE tổ chức. Ngoài việc là tổ chức đỡ đầu của Levenseindekliek, NVVE, với 170.000 thành viên (có quy mô lớn hơn bất kỳ đảng chính trị nào ở Hà Lan) và tổ chức định kỳ các hội nghị công khai, là một trong những nhóm lợi ích quyền lực nhất tại Hà Lan. Hội nghị ngày hôm đó nhằm mục đích thảo luận về ý kiến phản đối phổ biến của các bác sĩ đối với vấn đề an tử cho những trường hợp bị mắc bệnh tâm thần – thực tế là cố gắng phá bỏ đi những luồng ý kiến trái chiều vẫn đang tồn tại giữa các bác sĩ tâm thần, để an tử cho những thanh niên bị rối loạn tâm lý như Eelco và Aurelia.

Trung tâm hội nghị ở ngoại ô Driebergen tọa lạc giữa những cây tùng bách cao lớn và những tổ ong. Tôi đến khi hội nghị với tiêu đề “Hướng dẫn kết thúc sự sống theo yêu cầu đối với bệnh nhân bị rối loạn tâm thần” đang diễn ra trong hội trường; và khi tôi nhận được một cốc súp bí ngô cà ri, cũng là lúc hội nghị đến hồi kết thúc. Chính xác là bị chậm ba phút so với lịch trình, tổ chức chết-theo-kế-hoạch của Hà Lan tản ra để nghỉ giải lao.
Tôi đã gặp thành viên NVVE đầu tiên khá tình cờ ở Amsterdam. Sau khi chứng kiến mẹ mình chết trong tình trạng mất tự chủ và lú lẫn, người phụ nữ khoảng 70 tuổi này đã ký một di chúc sinh thời yêu cầu được an tử nếu bà bị sa sút trí tuệ hoặc mất kiểm soát chức năng đường ruột. Những điều kiện này hiện đang là vấn đề nổi cộm trong cuộc tranh luận về cái chết nhân đạo, bởi vì rất nhiều người ở độ tuổi 60 và 70 muốn tránh khỏi sự đau đớn mà họ từng chứng kiến ở cha mẹ mình. Khi tôi đề cập với người phụ nữ ở Amsterdam về sự miễn cưỡng của nhiều bác sĩ khi an tử cho một ai đó chưa mất năng lực tâm thần, cô ấy trả lời một cách cáu kỉnh: “Không bác sĩ nào có quyền quyết định khi nào thì cuộc sống của tôi nên kết thúc.”

Trong bất kỳ hội nghị nào do NVVE tổ chức, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy những người nghèo, những con chiên ngoan đạo hoặc các thành viên thuộc nhóm thiểu số người Hồi giáo có quy mô khá lớn tại Hà Lan. Mang theo tinh thần của chủ nghĩa tự do siêu luận lý của Hà Lan (tinh thần này đã giúp Hà Lan trở thành quốc gia tiên phong trong việc cải cách các điều luật về ma túy, tình dục và văn hóa phẩm khiêu dâm), quang cảnh an tử tại Hà Lan cũng bộc lộ một dấu hiệu mạnh mẽ về quyền lợi của tầng lớp trung lưu và thượng lưu.

Qua buổi cà phê, tôi được giới thiệu với Steven Pleiter, giám đốc của Levenseindekliniek. Chúng tôi ra ngoài và đắm mình dưới ánh mặt trời đầu tháng 10 khi ông ấy mô tả về “sự chuyển biến trong suy nghĩ” mà ông đang cố gắng đạt được. Cẩn thận lựa lời, Pleiter cho biết ông hy vọng rằng trong tương lai các bác sĩ sẽ cảm thấy tự tin hơn khi đáp ứng các yêu cầu đối với “hàng loạt trường hợp an tử phức tạp nhất, như bệnh tâm thần và chứng mất trí nhớ” – không phải nhờ vào sự thay đổi về luật pháp, ông bổ sung, mà là qua một kiểu “chấp nhận … ngày càng lớn dần theo năm tháng.” Khi tôi hỏi rằng liệu ông ấy có biết những đắn đo của các bác sĩ khi từ chối thực hiện cái chết nhân đạo là vì họ đến với nghề này là để cứu người chứ không phải là để chấm dứt sự sống của một người hay không, ông đáp: “Nếu bệnh nhân rơi vào tình trạng không thể chịu đựng được nữa cũng như không còn hi vọng cứu chữa, và an tử là một sự lựa chọn, thì thật là thiếu đạo đức [của một người bác sĩ] khi không giúp đỡ người đó.”

Sau khi Levenseindekliniek được thành lập vào năm 2012, Pleiter đã ngồi lại với các công ty bảo hiểm để thảo luận về chi phí sẽ phải trả cho trung tâm đối với mỗi thủ thuật an tử do các bác sĩ tại đây thực hiện. Con số hiện tại là 3.000 EUR, phải thanh toán cho trung tâm ngay cả khi người đăng ký rút lui vào phút chót. Tôi đã lưu ý với Pleiter rằng các công ty bảo hiểm thường sẽ thích thanh toán chi phí một lần duy nhất cho cái chết nhân đạo của ai đó hơn là chi trả một khoản tiền lớn để cứu chữa người đó, một người nghèo túng và không còn khả năng tạo ra thu nhập, tiếp tục sống trong viện dưỡng lão.

Biểu hiện đầy tổn thương của Pleiter trước những lời nói đó cho thấy lẽ ra tôi nên trình bày sự hoài nghi của mình vào trong những cuộc thảo luận mang tính chuyên môn hơn. “Tôi không có chút xíu đồng tình nào với những gì mà anh đang mô tả,” ông ấy đáp. “Đây không phải là vấn đề về tiền bạc … đó là sự thấu cảm, đạo đức và lòng trắc ẩn.” Và ông khẳng định lại niềm tin đã hiện thực hóa phong trào quyền-được-chết ở khắp mọi nơi: ‘Tôi tin chắc rằng sẽ không còn ai phải chịu đựng sự đau đớn.’

Không phải tất cả những cái chết được lên kế hoạch tương tự như các trải nghiệm của Bert Keizer hay gia đình de Gooijer là chuyện mà người ta có thể dễ dàng quên đi giữa vầng hào quang tích cực bao quanh cái chết nhân đạo. Càng tìm hiểu thêm, càng nhận thấy có vẻ như cái chết nhân đạo, trong khi được gán cho các giá trị đáng khen ngợi trong việc kết thúc sự sống, có thể đồng thời làm hạ thấp giá trị cuộc sống. Một yếu tố khác cũng không được tôi đánh giá cao là khả năng gặp phải thiệt hại ngoài dự kiến. Trong một vụ việc có hợp đồng tỉ mỉ như an tử, có rất nhiều những nỗi đau đớn khác nhau.

Cái chết nhân đạo, trong khi được gán cho các giá trị đáng khen ngợi trong việc kết thúc sự sống, có thể đồng thời làm hạ thấp giá trị cuộc sống.

Quay trở lại thời điểm trước đây khi mà an tử là việc làm phạm pháp nhưng vẫn được khoan thứ, bác sĩ thực hiện cái chết nhân đạo buộc phải hỏi ý kiến người thân của người yêu cầu được chết. Tuy nhiên, do mối nghi ngại về quyền tự chủ cá nhân và sự bảo mật giữa bác sĩ-bệnh nhân – cũng như mối lo ngại hoàn toàn hợp lý nhằm bảo vệ những người đang trong trình trạng dễ bị lợi dụng khỏi những người họ hàng vô đạo đức – trọng trách này đã không được đưa vào luật hợp pháp hóa an tử năm 2002.

Chi tiết pháp lý này đã gây ra nỗi đau khôn cùng đối với Marc Veld – một nhân viên bán xe máy đang ở độ tuổi trung niên đến từ Zwolle. Vào mùa xuân năm ngoái, anh bắt đầu nghi ngờ rằng mẹ mình, bà Marijke, đang lên kế hoạch được an tử, nhưng anh không bao giờ có cơ hội giải thích với bác sĩ lý do tại sao, theo quan điểm của anh, sự đau đớn của bà không hề dễ dàng xoa dịu nhưng cũng không đến mức quá sức chịu đựng. Để rồi, vào ngày 9 tháng 6, bác sĩ gọi điện cho anh và thông báo: “Tôi rất tiếc, mẹ anh đã qua đời cách đây nửa tiếng.”

Marc cho tôi xem một tấm ảnh anh đã chụp bà Marijke đang nằm trong quan tài, mái tóc trắng của bà được chải chuốt cẩn thận cùng làn da căng bóng mịn màng, thậm chí được đánh thêm lớp kem nền dành cho người quá cố. Giữa hai bàn tay là một lá thư được Marc đặt vào để chôn cùng bà – lá thư kể chi tiết về sự khổ sở, nỗi oán giận và cảm giác tội lỗi của anh.
Có vài nghi ngờ cho rằng Marijke đã sống phần lớn 76 năm cuộc đời trong sự giày vò đau đớn, bắt đầu từ thời thơ ấu trong một trại tập trung của Nhật Bản sau cuộc xâm lược của Đông Ấn Hà Lan, vào năm 1941, và tái diễn trong suốt giai đoạn trưởng thành không mấy hạnh phúc của bà tại Hà Lan. Nhưng các bác sĩ Hà Lan không thực hiện an tử cho người bị trầm cảm – ngay cả khi những người ủng hộ cực đoan về quyền được chết cho rằng họ nên làm vậy. Do đó, không có gì lạ khi những người trầm cảm hoặc những người cô đơn cố ý nhấn mạnh vào một căn bệnh về thể chất để yêu cầu trợ tử của họ được chấp thuận. Trong thời gian tham gia hội đồng xét duyệt, Theo Boer đã tình cờ bắt gặp được nhiều trường hợp trong đó “mong muốn được chết xảy ra trước khi mắc các bệnh về thể chất … một số bệnh nhân cảm thấy mãn nguyện khi yêu cầu an tử được dựa trên lý do về thể chất, trong khi nguyên nhân thực sự lại sâu xa hơn nhiều”.

Trong trường hợp của Marijke, lý do về thể chất là căn bệnh phổi giai đoạn cuối, mà theo như Marc kể với tôi, đã được bà trầm trọng hóa và cường điệu lên. Bà làm vậy bằng cách hủy bỏ các buổi tập vật lý trị liệu nhằm làm chậm tiến độ điều trị, dồn ép vị bác sĩ gia đình của bà với lời phàn nàn về việc khó thở và ngã quỵ “như một bao khoai tây” bất cứ lúc nào ông ghé thăm. “Để chắc chắn được an tử,” Marc nói một cách cay đắng, “trước hết bạn cần phải học diễn xuất.”

Điều khiến anh đau khổ đến tận ngày hôm nay chính là mẹ anh đã qua đời trong khi căn bệnh của bà vẫn còn hy vọng thuyên giảm. “Nếu bà bị ung thư, cảm thấy đau đớn và chỉ còn ba tháng để sống, tôi sẽ thấy mãn nguyện khi bà được an tử. Nhưng lẽ ra bà có thể sống thêm ít nhất là một vài năm nữa.”

Những người bảo vệ quyền tự chủ cá nhân sẽ bảo rằng Marc không có quyền can thiệp vào cái chết của mẹ anh, nhưng ẩn dưới sự tức giận của anh là nỗi day dứt khôn nguôi của một người con trai đang tự trách bản thân vì đã không làm được gì. Cái chết nhân đạo của Marijke đã được thực hiện đúng theo luật pháp, và sẽ không bị cảnh báo trong hội đồng xét duyệt. Nó cũng được tiến hành khi không có sự cân nhắc về các mối quan hệ của bà với những người xung quanh.

Một số bệnh nhân cảm thấy mãn nguyện khi yêu cầu an tử được dựa trên lý do về thể chất, trong khi nguyên nhân thực sự lại sâu xa hơn nhiều. Ảnh: Unsplash.

Đối với tất cả các biện pháp đề phòng được áp dụng để chống lại sự thao túng của những người yêu cầu an tử, trong trường hợp có người thân tham gia vào quá trình đưa ra quyết định của bệnh nhân, việc an tử cũng không thể nào bị ngăn chặn hoàn toàn, theo như tôi khám phá được trong cuộc phẫu thuật của một vị bác sĩ gia đình ở Wallonia, một khu vực thông dụng tiếng Pháp ở Bỉ.

Vị bác sĩ gia đình đang được đề cập – chúng ta sẽ gọi cô là Marie-Louise – là một người theo lý tưởng tự thú (confessed idealist), tự cho rằng nghĩa vụ của cô ấy là “săn sóc, săn sóc, và săn sóc.” Vào năm 2017, một trong những bệnh nhân của cô, một người đàn ông ở cuối độ tuổi trung niên, được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ và đã ký một di chúc sinh thời yêu cầu được an tử khi tình trạng của ông trở nên xấu đi. Tuy nhiên, khi tâm trí của ông dần yếu đi, quyết tâm của ông cũng giảm theo – điều này khiến vợ ông, người tán thành cái chết của chồng mình, không hài lòng. “Ông ấy dường như đã thay đổi ý định hết 20 lần,” Marie Marie-Louise kể lại. “Tôi nhận ra áp lực mà bà ấy đang phải chịu đựng.”

Để minh họa cho cơn giận dữ của người vợ, Marie-Louise đứng dậy khỏi bàn làm việc, đi qua tủ hồ sơ và diễn theo bộ dạng đang tức giận của bà ấy, đập mạnh nắm đấm xuống, hét lên, “Phải chi anh ấy can đảm lên! Thật hèn nhát!”

Đa số các nhà đạo đức y học sẽ đồng tình với Marie-Louise khi từ chối an tử cho một bệnh nhân bị gây áp lực. Trong lúc đi nghỉ mát vào mùa hè năm ngoái, cô vẫn tin rằng mình đã giúp một bệnh nhân thoát khỏi việc bị thúc ép phải an tử. Nhưng trong thực tế, cô đã không tính đến đồng nghiệp của mình, một bác sĩ có quan điểm tán thành cái chết nhân đạo, và khi Marie-Louise quay về sau kỳ nghỉ, cô phát hiện người đồng nghiệp này đã an tử cho bệnh nhân của mình.

Khi tôi đến thăm Marie-Louise vài tháng sau sự việc, cô ấy vẫn còn hoang mang trước những gì đã xảy ra. Giống như Marc, cảm giác tội lỗi chiếm một phần; nếu cô không rời đi, liệu bệnh nhân của cô có còn sống hay không? Hiện tại cô đang lên kế hoạch thôi việc, nhưng vẫn chưa đưa ra một thông báo vì sợ ảnh hưởng đến các bệnh nhân khác của cô. “Sao tôi có thể ở đây?” cô nói. “Tôi là một bác sĩ và tôi lại không thể đảm bảo sự an toàn cho những bệnh nhân dễ bị tổn thương nhất của tôi.”

Trong khi đối với nhiều người có người thân yêu đã được an tử, thủ thuật này có thể mang lại cảm giác thanh thản và thậm chí là truyền cảm hứng, nhưng ở những người khác, an tử đã gây ra sự tổn thương và mâu thuẫn nội tâm sâu sắc. Bert Keizer đưa ra nhận xét đúng đắn rằng hành động tự sát có thể để lại cho bạn bè và gia đình những vết sẹo không bao giờ lành lại được. Nhưng tự tử là một hành vi thuộc về cá nhân, tự thân thúc đẩy và tự thân kiểm soát, và ẩn chứa những rào chắn vô hình. Ngược lại, an tử là sản phẩm của xã hội. Khi hành vi này trở nên sai trái, nó trở nên sai trái với tất cả mọi người.

An tử là sản phẩm của xã hội. Khi hành vi này trở nên sai trái, nó trở nên sai trái với tất cả mọi người.

Ngay cả khi pháp luật và văn hóa giúp cho cái chết nhân đạo trông có vẻ thường tình hơn, đây vẫn là một trong những hành vi lạ lùng nhất mà xã hội có thể khoan thứ. Các chi tiết pháp lý sửa đổi chưa được giám sát đầy đủ; cần có sự thỏa thuận giữa các bên quan tâm về lý do tại sao thực hiện an tử, và kết thúc sẽ ra sao. Nếu không có sự đồng thuận về những động cơ thúc đẩy cơ bản này, cái chết nhân đạo sẽ không thể nào là kết quả của sự thấu cảm, đạo đức hay lòng trắc ẩn, mà nó chỉ như một cái dùi đánh vào đời sống của mọi người, với những việc làm không thể cứu vãn.

Cách đây hai năm, bộ trưởng tư pháp và y tế của Hà Lan đã đưa ra đề xuất chung về một viên thuốc “kết liễu cuộc đời” – chất độc gây tử vong mà bất cứ ai trên 70 tuổi cũng có quyền được nhận, loại bỏ hoàn toàn bác sĩ ra khỏi quy trình. Trên thực tế, bản chất đa đảng của nền chính trị liên minh Hà Lan đã ngăn chặn đề xuất này, nhưng các bác sĩ và chuyên gia kết-thúc-sự-sống mà tôi từng gặp đều mong hệ thống pháp luật sẽ trình một dự luật kết liễu cuộc đời như vậy lên trước nghị viện vào thời điểm thích hợp.

Cách đây hai năm, đề xuất chung về một viên thuốc “kết liễu cuộc đời” đã được đưa ra.
Ảnh: Unsplash

Giả sử nếu có thể được lên kế hoạch hợp lý (một giả thiết quan trọng), viên thuốc kết liễu cuộc đời hẳn sẽ không còn làm phiền lòng nhiều bác sĩ mà tôi đã trò chuyện; nó sẽ cho phép họ quay trở về với sứ mệnh cứu sống các sinh mạng. Tuy nhiên, vẫn có một số người nộp đơn yêu cầu an tử cảm thấy tức giận với các bác sĩ đã từ chối họ, trên thực tế, điều đó có nghĩa là mọi người vẫn chưa sẵn sàng để tự kết liễu đời mình. Thay vì uống hoặc tự truyền chất độc vào cơ thể, 95% người nộp đơn xin kết thúc sự sống tại Hà Lan yêu cầu bác sĩ giết họ. Trong chính cái xã hội từng vỗ ngực tự cao trước những người có thẩm quyền, khi chết đi, họ vẫn “vòi mẹ” (asks for Mummy) mà thôi.

Ngay cả những người vô cùng lo lắng về “sự trượt dài” cũng thừa nhận rằng việc đồng thuận an tử khi mắc bệnh nan y có lẽ là một điều tốt đẹp, và rằng nguyên tắc lựa chọn thời điểm chết nên phù hợp trong khuôn khổ chăm sóc. Câu hỏi đặt ra cho bất kỳ quốc gia nào dự tính thông qua luật an tử là: Liệu thực tế có phát triển như dự tính hay không – trong trường hợp đó, như Agnes van der Heide công nhận, suy cho cùng cái chết sẽ “mang một ý nghĩa khác, được nhìn nhận theo một cách khác biệt.” Ở Hà Lan, có thể nhiều người sẽ tranh luận rằng – mặc cho tất cả những luồng quan điểm trái chiều trong hiện tại – quá trình đó giờ đây không thể nào đảo ngược lại được nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất