Bài viết do tác giả của zeal chắp bút. Xem thêm các bài viết cây nhà lá vườn của zeal tại đây.
a
Series: What is...?
§ Tác giả: Sicalo & Tùng Dương | Hiệu đính:  za
20/02/2022

2.2 The experience machine argument by Nozick

Một trong những phản đề đối với Oyster Argument là Hiệu ứng Tiếp xúc – đơn thuần (Mere-exposure effect), hay còn được gọi là nguyên tắc quen thuộc (familiarity principle) trong tâm lý xã hội. Trong đó mọi người có xu hướng phát triển cảm giác ưa thích đối với một số thứ chỉ vì chúng quen thuộc với họ. “Đương nhiên rồi, tôi là một con người, tôi đã quen với việc làm con người. Vì thế, tôi sẽ lựa chọn cuộc sống của một con người rồi.” Đây có lẽ là một phản đề rất hợp lý.

Vậy thì, chúng ta hãy thử vận đến một Thought Experiment khác – The Experience Machine Argument của Robert Nozick, tập trung làm nổi bật sự quan trọng của việc phải thực sự gắn kết với thực tại. Có thể viết lại lập luận này bằng nhiều cách khác nhau, nhưng chúng ta có thể kể lại trong một câu chuyện như sau:

Dương, một chàng trai năm nay mới 30 tuổi, nhưng đã trải qua nhiều biến cố mất mát trong cuộc đời mình. Một ngày, cậu được mời tham dự vào một thí nghiệm. Trong thí nghiệm đó, nhà khoa học sẽ kết nối não cậu với một chiếc máy ‘Trải nghiệm giả lập’ cho đến khi cậu chết một cách tự nhiên. Chiếc máy đó có thể giả lập trong trí óc của Dương bất kì khoải cảm nào Dương mong muốn, đó có thể là niềm tự hào khi viết ra một bản hit đi cùng năm tháng, hay sự mãn nguyện khi yêu một người cũng yêu mình say đắm, thậm chí là những cảm xúc thăng hoa liên tục trong các buổi mây mưa bất tận, v.v. Và Dương có thể tự giả lập cho mình những trải nghiệm này cho đến cuối đời. Nếu một ngày nào đó, sự tưởng tượng của Dương về những khoái cảm đó không còn nữa, (hay nói cách khác, cậu đã chán những niềm vui đó rồi), Dương lại có thể trải nghiệm những sự mới mẻ thông qua bộ thư viện vô tận những khoái lạc được gắn sẵn trong chiếc máy đó. Và khi đã vào chiếc máy, cậu sẽ quên mất toàn bộ quá khứ của mình, và không bao giờ lo lắng rằng một ngày nào đó mình nhận ra toàn bộ trải nghiệm khoái lạc của mình được tạo ra bởi một chiếc máy.

Đây quả thật một viễn cảnh cực kì tuyệt vời, bởi lẽ từ giờ cho đến cuối đời, bạn sẽ được vây quanh bởi khoái lạc thôi! Nhưng, hãy nghĩ thật kĩ đi: Nếu bạn là Dương, liệu bạn có chấp nhận đánh đổi hay không?

Theo Nozick, đa phần mọi người sẽ từ chối đánh đổi và kết nối mình vào chiếc máy kia. Và đương nhiên, có rất nhiều người ủng hộ nhận định này của ông. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu logic của Nozick trong quá trình phản biện lại Chủ nghĩa khoái lạc này nhé. 

Quay ngược lại về định nghĩa của chủ nghĩa khoái lạc, bạn có thể tìm đọc thêm ở đây. Nhưng một cách tóm gọn, chủ nghĩa này giải thích rằng mục đích cuối cùng trong tất cả mọi hành động của chúng ta chỉ đơn giản là mưu cầu hạnh phúc hoặc làm giảm bớt đi khổ đau.

Nozick nói rằng, nếu chủ nghĩa khoái lạc là đúng, vậy thì tất cả chúng ta đều nên lựa chọn tự gắn mình vào chiếc máy ‘Trải nghiệm giả lập’. Trên thực tế, việc chúng ta không tin lựa chọn gắn mình là điều đúng đắn chính là bằng chứng cho thấy chủ nghĩa khoái lạc không hề đúng. Nhìn từ góc độ khác, chúng ta có thể diễn giải lập luận của Nozick như sau:

(1) Kết nối mình với chiếc máy ‘Trải nghiệm giả lập’ không phải là lựa chọn tốt nhất cho mỗi người

(2) Chủ nghĩa khoái lạc cho rằng kết nối mình với chiếc máy ‘Trải nghiệm giả lập’ để tối ưu hóa những khoái cảm là điều tốt nhất

(3) Vì vậy, Chủ nghĩa khoái lạc là sai.

Đối với mệnh đề số (1): Kết nối mình với chiếc máy ‘Trải nghiệm giả lập’ không phải là lựa chọn tốt nhất cho mỗi người, không hề bât ngờ, nó chính là điểm hứng chịu toàn bộ những phản đề đối với lập luận của Nozick trong thought experiment này. Về tổng quan, các phản đề đó có thể được phân ra thành ba nhánh chính:

(4) Việc mọi người không dám tự kết nối mình vào chiếc máy ‘Trải nghiệm giả lập’, là bởi vì mọi người sợ những tai ương sẽ xảy ra liên quan đến chiếc máy này, và điều này hoàn toàn đồng nhất với Chủ nghĩa khoái lạc.

Mệnh đề này, cắt nghĩa theo một cách khác, giải thích rằng mọi người từ chối không kết nối vào chiếc máy không phải bởi vì những khoái lạc được hứa hẹn trong chiếc máy không là nhân tố chính yếu cho một cuộc sống hoàn hảo, mà bởi vì họ sợ rằng những tai họa sẽ xảy ra và các tai họa đó sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm của họ với chiếc máy sau này. Họ muốn tránh những đau đớn muộn phiền trong tương lai, và điều đó chính là vì họ tuân theo Chủ nghĩa khoái lạc.

(5) Những người từ chối tự kết nối mình vào chiếc máy ‘Trải nghiệm giả lập’, là bởi vì họ bị vướng bận bởi những niềm tin cá nhân vào đạo đức của mỗi người

Ở đây, hãy lấy một ví dụ cho dễ hiểu. Khi một người được hỏi liệu có muốn tham gia vào thí nghiệm không, họ sẽ lập tức nghĩ về những ràng buộc và trách nhiệm của cá nhân mình với những người thân và bạn bè. Vì thế, thật là khó để họ có thể từ bỏ hiện thực và chạy theo một cuộc sống tràn đầy hoan lạc được. Điều này, không hề đối lập với Chủ nghĩa khoái lạc. Tuy vậy, một cách giải quyết đơn giản Nozick đưa ra, chính là tự những người thí nghiệm đó hãy “tưởng tượng” rằng gia đình và bạn bè của họ cũng được gắn vào chiếc máy và họ cũng tự tìm được hạnh phúc, từ đó không còn yêu cầu bất kì trách nhiệm nào từ ai.

(6) Việc từ chối tự kết nối mình vào chiếc máy ‘Trải nghiệm giả lập’ của chúng ta, có nguồn gốc từ những nỗi sợ phi lý (irrational/unreasonable fear), hay những sai lệch trong tư duy logic (coginitive bias) của mỗi cá nhân.

Một nỗi sợ phi lý, ví dụ, là do chúng ta sợ việc cá nhân mình bị gắn vào hàng loạt các thể loại dây nhợ lùng nhùng, hay việc cơ thể ta sẽ bị teo tóp do không hoạt động ngoài thực tế. Vì số lượng các nỗi sợ phi lý này nhiều không đếm xuể, và bản thân mỗi cá nhân lại có một nỗi sợ khác nhau, nên việc phản bác lại ý kiến này không phải một điều dễ dàng.

Đương nhiên, ngoài ra còn có thể có vô số những phản đề khác khiến cho mệnh đề số (1) của Nozik bị lung lay. Chúng ta hãy cùng thử dành thời gian và suy nghĩ, liệu rằng ý tưởng của Nozik về chiếc máy ‘Trải nghiệm giả lập’ có thể thành công phản biện lại chủ nghĩa Khoái lạc hay không? Hay, bản thân phản đề này lại bị bác bỏ bởi chính những phản đề của chúng. Cùng comment và bàn luận nhé!

2.3 Barely worth living argument

Một khó khăn trở ngại nữa mà Roger Crisp phải đối mặt để bảo vệ quan điểm của chủ nghĩa khoái cảm (hedonism) là barely worth living argument – mình tạm gọi lập luận phản đối hedonism này là lập luận từ thế giới hầu như không đáng sống. Lập luận này được kể lại dưới dạng một câu chuyện như sau: 

Thử tưởng tượng bây giờ là năm 4300 trên hành tinh Veronica. Trên hành tinh Veronica, có một nền văn minh ngoài hành tinh đã đạt được tới cảnh giới phát triển cực độ – bộ tộc người ngoài hành tinh này được gọi là Vuvuwoawoa. Từ trước đến nay, Vuvuwoawoa, do có công nghệ tiến bộ cùng với nguồn lực tài nguyên dồi dào, đã đi thuộc địa hóa rất nhiều các hành tinh khác trong cùng hệ mặt trời và các thiên hà khác xa hơn. Giáng sinh năm 4300, Tùng Dương và Hà My là hai nhà nhân bản học tài ba nhất trên Veronica, họ được giao nhiệm vụ lên kế hoạch thiết kế ra một hành tinh có sự sống trong đó. Tùng Dương và Hà My đang tranh luận với nhau rằng trong hai kế hoạch họ đang làm dang dở, họ nên lựa chọn kế hoạch nào để thuyết trình trước tộc trưởng. 

Kế hoạch đầu tiên do Tùng Dương nghĩ ra. Theo kế hoạch này, Tùng Dương sẽ thiết kế một hành tinh mà ở đó Tùng Dương sẽ đảm bảo rằng mọi vật sẽ tiến hóa theo hướng phát triển bền vững với dân số 1 triệu người và chỉ duy trì ở mức dân số này thôi. Tùng Dương sẽ thiết kế đủ tài nguyên, thức ăn, xe cộ – nói chung là tất cả mọi thứ để 1 triệu người này sẽ có một cuộc sống cực kì cực kì hạnh phúc. Tất cả mọi người sẽ có nhiều thứ hơn rất nhiều mà họ có thể tận hưởng. Môi trường trong sạch, phong cảnh hữu tình, nhà cửa xa hoa, tài nguyên dồi dào. Nói chung Tùng Dương sẽ tạo ra một thiên đàng “Utopia” trên trần thế và đảm bảo rằng 1 triệu người dân ở đây sẽ được tận hưởng mọi điều tuyệt vời nhất mà một con người có thể tận hưởng. Nhưng hãy nhớ rằng, dân số chỉ có thể dừng lại ở mức 1 triệu người. 

Kế hoạch thứ hai là do Hà My nghĩ ra. Theo kế hoạch này, Hà My sẽ thiết kế ra một hành tinh mà ở đó mọi vẫn sẽ tiến hóa và đạt tới trạng thái bình ổn khi và chỉ khi dân số trên hành tinh này đạt 1 nghìn tỷ người (1,000,000,000,000 người – gấp 100 lần dân số thế giới bây giờ). Hà My sẽ thiết kế để đảm bảo rằng tất cả 1 nghìn tỷ người này sẽ có chỗ ăn chỗ ở nhưng họ chỉ sống được ở trong những căn hộ nhỏ chật hẹp nằm trong một quần thể các tòa nhà khổng lồ. Hà My đang tưởng tượng ra toàn bộ bề mặt trái đất sẽ gần giống như các khu nhà cao tầng của Hong Kong hay Nhật Bản, điều khác biệt ở đây là không có chỗ cho những công trình cây xanh, công viên, khu vui chơi cho trẻ. Môi trường thì bị hư hại trầm trọng do sự phá hoại của 1 nghìn tỷ người, nhưng bằng cách nào đó mọi người vẫn kiếm ăn được từng bữa và không bị chết đói, đồ ăn thì chỉ có thể  gọi là ăn được chứ không hề ngon. Với việc phải cạnh tranh quá khắc nghiệt cho nguồn lực, cho đồ ăn, cho chỗ ở, Hà My quyết định sẽ lập một tổ chức điều hành trung tâm phân phát thức ăn cho mọi người 2 bữa mỗi ngày vào lúc 11h sáng và 7h tối để đảm bảo rằng không ai bị chết đói cả nhưng không ai sẽ được hưởng thêm bất cứ thứ gì hơn người khác. Nếu quy ra tiêu chuẩn của những người theo chủ nghĩa khoái cảm, lấy tổng lượng hạnh phúc trừ đi tổng lượng đau đớn thì vẫn là số dương nhưng chỉ lớn hơn 0 có chút ít thôi. Những người trên hành tinh do Hà My thiết kế ra sẽ sống một cuộc sống gần như không đáng sống. Hà My gọi cuộc sống trên hành tinh này là “Dystopia.” 

Nếu bạn là tộc trưởng của Vuvuwoawoa, bạn sẽ chọn phương án đề xuất nào? Utopia của Tùng Dương hay Dystopia của Hà My? 

Đa phần chúng ta sẽ nghĩ rằng đây là một câu hỏi vô nghĩa. Bất kể ai nếu được lựa chọn giữa nền văn minh Dystopia của Hà My và Utopia của Tùng Dương sẽ luôn luôn chọn Utopia. 

Tuy nhiên, trên cương vị của tộc trưởng, Hà My sẽ giải thích rằng, ngài nên chọn Dystopia của cô ấy bởi vì thế giới cô ấy tạo ra sẽ có tổng lượng hạnh phúc nhiều nhất. Mỗi một công dân của Dystopia chỉ cần có 1/1,000,000 lượng hạnh phúc của các công dân trên Utopia của Tùng dương là cũng đã quá đủ để bằng với tổng lượng hạnh phúc của các công dân trên Utopia cộng lại rồi. Hà My làm một phép tính đơn giản cho tộc trưởng để cho thấy cách cô ấy tạo ra thế giới Dystopia tốt như thế nào. Cứ giả sử như người dân của Utopia của Tùng Dương sẽ tận hưởng cuộc sống mãnh liệt hết 24h một ngày, 7 ngày 1 tuần và 365 ngày 1 năm. Công dân trên thế giới Dystopia mà Hà My tạo ra chỉ cần có 32 giây một năm để họ được sống có nhiều hạnh phúc hơn khổ đau là tổng lượng hạnh phúc của toàn bộ người dân trên Dystopia đã vượt quá xa tổng lượng người dân ở Utopia mà Tùng Dương đề xuất. 

Hơn nữa, Hà My nói, tộc trưởng chỉ cần cho phép một người dân bình thường của Dystopia một năm có trọn vẹn 1 phút được hưởng mức sung sướng và hạnh phúc cực độ, thì tất cả tổng lượng hạnh phúc của Dystopia cộng lại sẽ lớn hơn gấp rất rất nhiều lần tổng lượng hạnh phúc mà Utopia tạo ra. 

Theo như cách lập luận của Hà My, nếu tộc trưởng của Vuvuwoawoa theo chủ nghĩa khoái lạc, và giả sử như chủ nghĩa khoái lạc đúng, thì tộc trưởng không còn cách nào khác là phải chấp nhận một sự thật rằng thế giới Dystopia của Hà My là một thế giới tốt hơn thế giới của Utopia của Tùng Dương. 

Roger Crips lần này lại ban căng. Crisp nên trả lời như thế nào? 

Với cương vị một người theo chủ nghĩa khoái cảm (hedonism), bác Crisp không thể phủ định rằng Dystopia đang ám chỉ một thế giới tốt hơn. Chấp nhận điều này, Roger chắc phải tranh luận rằng, có thể trên thực tế, thế giới Dystopia cũng không phải là một lựa chọn tồi. 

Bác Crisp có thể hỏi bạn lại một câu như thế này. Giả sử bạn giờ là tộc trưởng Vuvuwoawoa, và bạn có hai lựa chọn giữa việc tạo ra hai thế giới. Thế giới đầu tiên sẽ bao gồm 1 triệu người dân của đất nước Utopia nơi mà 100% thời gian của họ sống trên đời là hạnh phúc tột độ. Thế giới thứ hai bao gồm 100 triệu người dân nhưng chỉ có 99% thời gian của họ sống trên đời là hạnh phúc thôi, 1% thời gian còn lại sẽ phải chịu đựng một chút cực khổ. Trên cương vị là tộc trưởng, bạn sẽ lựa chọn tạo ra thế giới nào? 1 triệu người dân với 100% thời gian hạnh phúc hay 100 triệu người dân với 99% hạnh phúc? Khá là dễ trả lời đúng không. Ai cũng nghĩ là thế giới có 100 triệu người với 99% thời gian sống của họ hạnh phúc tốt hơn là thế giới chỉ có 1 triệu người với 100% thời gian sống của họ là hạnh phúc. 

Tuy nhiên, bình tĩnh lại một chút nhé, Bác Crisp sẽ nói với bạn rằng lý do của bạn cho việc chọn tạo ra thế giới có 100 triệu người dân và họ sống 99% thời gian của họ trong hạnh phúc không khác gì lý do để lựa chọn hành tinh Dystopian của Hà My cả. Và lý do nằm đằng sau những lựa chọn này là quy về việc tổng lượng hạnh phúc thế giới nào nhiều hơn thôi đúng không. Bác Crisp cũng chỉ ra rằng khi bạn chọn tạo ra 100 triệu người với 99% thời gian sống hạnh phúc cũng không khác gì bạn chọn tạo ra thế giới Dystopian của Hà My và chúng chỉ đơn giản là bạn chỉ thay 100 triệu người bằng 1 nghìn tỷ người và 99% thời gian sống hạnh phúc bằng 0.000001% sống hạnh phúc mà thôi. 

Cơ mà nghĩ đi nghĩ lại, bạn vẫn cảm thấy có gì đó lấn cấn, ơ thế còn một sự thật là trên thế giới này nếu được hỏi và được cho sự lựa chọn sống giữa hai thế giới Utopia & Dystopia, ai cũng sẽ không chọn sống ở thế giới Dystopia của Hà My cả. Và nếu như tộc trưởng thử hỏi sự tham vấn của bạn rằng ông ta nên chọn tạo ra thế giới nào thì chắc chỉ có đứa ngốc với bảo là nên chọn Dystopia. Điều chính xác và lý trí nhất nên làm là tộc trưởng nên chọn thế giới Utopia của Tùng Dương. 

Thực ra đến đây việc lựa chọn này lại đặt những người theo thuyết khoái cảm vào một tình thế ẩm ương khi để bảo vệ sự thống nhất trong suy nghĩ cũng như lập luận, Crisp chắc phải chấp nhận và nói với bạn rằng, có thể việc lý trí nhất là lựa chọn thế giới tệ hơn trong hai thế giới. Thường thường thì khi chúng ta đứng giữa hai lựa chọn A và B, và chúng ta biết rõ A tốt hơn B nhiều. Và việc hợp lý nhất trong trường hợp đưa ra quyết định là phải chọn A. Tuy nhiên, trong trường hợp trên, có vẻ như Crisp và những ai theo chủ nghĩa khoái lạc sẽ phải khẳng định rằng, đôi khi trong một số trường hợp, việc lý trí nhất nên làm là chọn phương án có vẻ như là tệ hơn (ở đây là B) trong hai phương án. 

Thực ra đến đây việc lựa chọn này lại đặt những người theo thuyết khoái cảm vào một tình thế ẩm ương khi để bảo vệ sự thống nhất trong suy nghĩ cũng như lập luận, Crisp chắc phải chấp nhận và nói với bạn rằng, có thể việc lý trí nhất là lựa chọn thế giới tệ hơn trong hai thế giới.

Thực sự mình không biết Crips đúng hay sai nhưng rõ ràng với cách giải thích này có vẻ như Crisp cũng đang khiến mình hơi bị lấn cấn một chút. Liệu đây có phải là một vấn đề lớn với hedonism hay không? Có thể. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề mà chúng ta nên để ý khi nói tới chủ nghĩa khoái lạc trong bối cảnh tương lai có thể chúng ta sẽ lại quay trở lại với câu hỏi đạo đức về giá trị. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Triết Học 101
Bạn không thích triết học? Bạn nghĩ triết học là một môn không có tính ứng dụng cao? Triết học chỉ xoay xung quanh chủ nghĩa Mác Lê-nin? Bài viết sẽ cho các bạn một cái nhìn toàn cảnh hơn về triết học.
Mới nhất