a
§ Tác giả: Aisling McCrea | Nguồn: Current Affairs
Biên dịch: Mai Nhi | Hiệu đính:  coda
28/03/2021

Tôi muốn bạn tưởng tượng mình là một nhà khảo cổ học đang khai quật một khu di chỉ nằm cách thủ đô Karachi, Pakistan 125 dặm (khoảng 200km) về phía đông. Địa hình Pakistan phần nhiều là đồi núi, không thuận lợi cho con người sinh sống, nhưng nơi mà chúng ta đang nói đến thì ngược lại. Nhìn qua bản đồ vệ tinh: Bạn đang ở trên một dải đất trù phú xanh ngát, nhẹ nhàng uốn lượn giữa lòng Pakistan. Đó chính là lưu vực sông Ấn, nơi đã hàng ngàn năm nuôi dưỡng các nền văn hóa. Loài người tản mạn khắp năm châu bốn bể, nhưng phải ở những nơi như thế này, với nguồn nước ngọt dồi dào và đất đai phì nhiêu đã mời gọi chúng ta thành những nhà khai phá. Chính những vùng đất này, nơi nguồn tài nguyên phong phú cùng sự tài tình của con người đã giúp chúng ta phát triển nông nghiệp, dựng nên đô thị, và bắt đầu cuộc vật lộn cho những điều không chỉ đơn giản là sinh tồn, ít ra ta biết là thế. Bởi vậy, các lưu vực sông được gọi là “cái nôi của văn minh.” Văn minh chính là khi loài người bắt đầu xem mình là chủ nhân, chứ không phụ thuộc vào môi trường của mình nữa.

Từ hình ảnh vệ tinh, ta nhận ra rằng không hề có thành phố, nhà máy hay bất kỳ hoạt động nào của 200 triệu cư dân trong lãnh thổ Pakistan. Tất cả những gì bạn thấy là một dải lụa xanh mướt, đưa mình từ núi cao đến cửa biển, một tặng phẩm từ Thượng Đế hoặc Đất Mẹ, hoặc từ bất kỳ đấng tối cao nào bạn hướng về. Bạn là một nhà khảo cổ học, và đây là điểm khai quật của bạn.

Khu di tích bạn đang nghiên cứu chỉ được tình cờ phát hiện gần đây bởi một đội xây dựng. Trong vùng còn có những khu di chỉ khác, niên đại từ thời Đồ Đồng nhưng chúng ta không thể biết chính xác mối quan hệ giữa những dấu tích được tìm thấy, liệu chúng đến từ cùng một nền văn hóa hay là tàn tích của những mối hận thiên thu; lý do một phần là vì ta không hiểu chữ viết của họ. Do đó, những gì bạn tìm được trong cuộc khai quật này có thể sẽ chẳng khác gì kết quả thu được từ những khai quật khác trong vùng – đơn giản chỉ là một phần mở rộng cho các phát hiện trước – hoặc cũng có thể, bạn phát hiện ra một điều gì thực sự khác. Lòng ngập tràn khát vọng xen lẫn bản tính tò mò của loài người, bạn hy vọng mình tìm được một thứ khác biệt.

Tại nơi đây, trên chính chiếc nôi của nhân loại, bạn tìm thấy một di vật: một chiếc hộp bằng đồng, được chạm khắc đầy tinh xảo. Vì chiếc hộp được tìm thấy tại trung tâm của nơi được cho là khu đền chính của toàn di chỉ bạn cho rằng nó hẳn phải là một thứ quan trọng. Bạn nắm rõ thực địa nơi này và biết rằng chẳng có gì giống vậy từ trước đến nay. Thật phấn khởi làm sao. Những nét chạm trổ gồm nhiều biểu tượng – phần mà không ai biết cách giải mã, lặng thinh trong tay bạn – và bên dưới các biểu tượng, là hình khắc tỉ mỉ của một chiếc đầu lâu người.

Trên khắp các lục địa và trải qua hàng nghìn năm, đầu lâu được dùng để biểu thị mối nguy hiểm. Nhưng dòng chảy lịch sử luôn đầy những khúc ngoặt, và thậm chí một biểu tượng rõ ràng, hiển nhiên nhất như hình đầu lâu cũng có thể trở nên đa nghĩa. Sờ tay theo nét tạc, bạn ngẫm nghĩ về mục đích ban đầu của người tạo ra nó. Nó có vẻ như được thiết kế để gây sợ hãi. Nhưng khi bạn phủi đi lớp đất trên bề mặt và quan sát thật sâu, bạn chẳng mảy may đến mối nguy nào cả – thật ra, bạn nhớ đến hình đầu lâu trên chiếc áo của nhóc em mình trước tiên. (Nghĩ về nguy hiểm thì thật vô lý. Dù mối nguy có là gì, nó cũng đã ngủ yên từ lâu. Không hề có mối nguy nào cả.) Biểu tượng đầu lâu này có ý nghĩa thế nào, bạn tự hỏi, với những người đã sống ở đây? Nó có liên hệ thế nào với cấu trúc xung quanh, hay thứ nằm trong chiếc hộp? Bạn nghĩ đến tục tế người, nơi mồ chôn, và những tượng đài tưởng niệm chiến tranh.

Rồi bạn nghĩ đến sự nghiệp của mình, và mở chiếc hộp ra.

*****

Những năm 1960, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ bắt đầu nhận ra họ sẽ phải làm gì với lượng chất thải phóng xạ của nước Mỹ khi đó. Câu hỏi này chưa bao giờ được ưu tiên giải quyết; những năm sau Thế chiến thứ hai, cái nhìn về năng lượng nguyên tử khi ấy là một dải quang phổ kéo dài từ sự lạc quan đầy hứng khởi tới nỗi khiếp sợ kinh người, những cảm xúc phân cực này để lại rất ít sự quan tâm cho vấn đề thu dọn và xử lý rác thải phóng xạ. Sau khi thực hiện thành công mục đích ban đầu của phản ứng phân hạch – làm bốc hơi và biến đổi gen vô số dân thường Nhật Bản – chính phủ Hoa Kỳ rất quan tâm tận dụng tiềm năng của sáng chế phi thường này, và đã mạnh tay đầu tư vào vũ khí hạt nhân và sản phẩm từ năng lượng hạt nhân để phục vụ đời sống thường ngày. Họ tin rằng sức mạnh nguyên tử có thể làm mọi thứ, từ thắp sáng đến bảo quản thực phẩm. Cả quốc gia say ngất với lời hứa của thời đại nguyên tử, chẳng mảy may nghĩ ngợi về cơn choáng sắp tới.

Tuy thế, đến những năm 60, cái đẹp đẽ của thứ được gọi là “thời đại nguyên tử” (atomic age) cũng dần tan biến, và chính phủ Hoa Kỳ nhận ra mình phải tỉnh mộng mà thôi. Sản phẩm từ năng lượng hạt nhân đã tạo nên một lượng lớn chất thải phóng xạ, không thể nào biến đổi chúng thành nguyên liệu an toàn và có khả năng gây nguy hiểm cho con người ít nhất trong vòng 10.000 năm. (10.000 năm chỉ là con số ước tính. Nhiều nhà khoa học cho rằng nên thêm một hay hai số không nữa.) Số chất thải được cất giữ tại những cơ sở lưu trữ tạm thời rải rác khắp nước Mỹ, không ai biết chắc nên đặt và đóng kín chúng ở đâu cho an toàn. Và nếu có tìm được một nơi vĩnh viễn đi nữa, vấn đề còn lại chính là làm sao để con người không đặt chân đến đó.

Chính phủ Mỹ không quá quan ngại cho người dân thời đó, những người đã “sống cùng với lũ” trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và hiểu quá rõ mối hiểm họa từ phóng xạ nguyên tử. Nếu một người Mỹ của thế kỷ 20, bằng cách nào đó đi lạc vào một khu vực lưu trữ chất thải hạt nhân trên đường về, chỉ cần một biển báo “nguy hiểm” và biểu tượng chất phóng xạ (trefoil) là đủ để cảnh báo họ tránh xa. (Trefoil-cỏ ba lá, biểu tượng quốc tế dùng để báo hiệu chất phóng xạ, thường là hình đen trên nền vàng gồm một hình tròn và xung quanh có ba cánh. Có lẽ bạn đã biết nó trước khi biết đến tên gọi.) Ngược lại, chính phủ Mỹ lo ngại cho những thế hệ đến sau. Để dễ hình dung, toàn bộ khái niệm văn minh nhân loại, theo định nghĩa của chúng ta đã được khoảng 5.000 năm tuổi. Giờ đây ta đã tạo nên một lời nguyền sẽ kéo dài gấp đôi từng đấy thời gian và có thể còn hơn thế nữa. Nghĩa vụ của ta không chỉ là làm sao để chôn cất chúng, mà còn là làm sao để giữ cho chúng mãi yên nghỉ trong lòng đất.

Trong lúc người dân Mỹ lo sợ cháu chắt họ sẽ nói tiếng Anh hay tiếng Nga, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ nhận ra rằng những thế hệ mãi sau này, khi đi ngang qua bãi chất thải hạt nhân kia, còn xa lạ với cả hai thứ tiếng, như chúng ta chẳng thể nào hiểu được những ký tự cổ xưa tại Lưu vực sông Ấn. Rất có thể họ sẽ không hề biết đến ngôn ngữ viết. Rất có thể họ đã phát triển đến mức với họ, chữ viết trở thành một khái niệm dành cho người nguyên thủy. Rất có thể mọi thứ sẽ hoàn toàn trái lại, họ không hề biết đến chữ viết vì toàn bộ tri thức loài người đã mất đi trong một thảm kịch toàn cầu – hoặc thậm chí bị tận diệt, sau khi thứ tri thức con người tìm ra cuối cùng không đi cùng mục đích tốt đẹp nào. Dù chúng ta có tìm mọi cách để giao tiếp với con người trong tương lai, không có gì đảm bảo sự toàn vẹn của những câu từ được viết xuống và như vậy, có vẻ như lời cảnh báo của ta dành cho họ cũng trở nên vô nghĩa.

Giao tiếp bằng hình ảnh dường như là một lựa chọn hiển nhiên – chúng thường được dùng khi ta gặp phải rào cản ngôn ngữ – tới khi bạn nhận ra có thể người đọc không hề biết phóng xạ là gì. Ý nghĩa của biển báo phóng xạ hiện được công nhận trên khắp thế giới, trong tất cả các ngôn ngữ, nhưng ý nghĩa đó chỉ là một chọn lựa ngẫu nhiên mà ta gán cho hình ảnh cỏ ba lá, chỉ tồn tại trong trí óc ta và mong manh không kém gì khái niệm quốc gia và ngôn ngữ. Với chúng ta, dấu hiệu của cỏ ba lá đại diện cho tiến bộ khoa học của bao thế hệ, nỗi khiếp sợ, tương lai, thứ gì đó khiến ta phải ngả mũ thán phục; một thứ năng lượng vô hình vừa có thể bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi những tế bào quái ác, vừa có thể giúp chính những tế bào đó chiếm lấy cơ thể loài người. Những tri thức đó không thể nào truyền tải qua hình ảnh. Với người hậu thế, nó sẽ chỉ là một hình tròn màu đen có ba cánh. Nếu bạn không nhớ nó có nghĩa là gì, thì nhìn nó cũng giống như một bông hoa vậy.

*****

Nếu ta muốn biết cách đời sau sẽ làm gì với những khu vực này, có lẽ ta sẽ tìm thấy câu trả lời tại sa mạc Ai Cập. Trong hàng vạn nền văn minh từng tồn tại và tan biến ngoài thế giới phương Tây, Ai Cập Cổ Đại được người phương Tây biết đến nhiều nhất. Có hai lý do cho điều này, thứ nhất, sự lôi cuốn và lịch sử ngàn năm của Ai Cập đã mê hoặc người Hy Lạp và La Mã – nên nhớ rằng tượng Đại Nhân Sư đã tồn tại gần 2.500 năm trước cả Julius Caesar, vị hoàng đế La Mã ra đời năm 44 trước công nguyên – và bằng cách nào đó, nó đã lọt vào tầm ngắm của phương Tây. Thứ hai, người Ai Cập đã dựng nên các kim tự tháp. Quần thể kim tự tháp Giza chẳng phải là những kim tự tháp cổ xưa hay lớn nhất, nhưng trong 4,500 năm qua, không có gì như sự hiện diện của chúng đã lôi cuốn nhân loại qua hàng thiên niên kỷ và trên khắp các châu lục. Ta không thể biết được mục đích ban đầu của những vị pha-ra-ông là gì, nhưng có lẽ ý muốn của các ngài chính là được chôn cất tại nơi mà họ sẽ luôn được nhớ đến; bằng cách đánh dấu mốc trên nền sa mạc nơi yên nghỉ của mình bằng những kim tự tháp sừng sững, họ đang gửi lời nhắn nhủ đến các thế hệ trong tương lai.

Kim tự tháp vẫn còn đây, tuy vậy, lời nhắn của chúng đã bị quên mất. Hiếm có ai biết gì về từng vị vua nằm trong các quách đá. Dường như chẳng còn ai tin rằng các pha-ra-ông là thánh thần. Có người sẽ nói cho bạn nghe ý kiến của họ về mục đích của các kim tự tháp, hoặc giả thuyết của họ về văn hóa Ai Cập nói chung; những gì một thời là nơi yên nghỉ của những nhân vật quyền lực nhất thế giới cổ đại giờ chỉ còn là một loại chuyện mua vui cho những kẻ thám tử nghiệp dư. Các buồng mộ bị “thăm viếng” vô số lần. Chúng ta dỡ bỏ nắp quan tài và mạo phạm đến người chết, chuyển họ đến bảo tàng bên kia đại dương, trưng bày những cái xác cho sự kỳ thú của đám đông, và không một lời nguyền được đồn thổi nào có thể dập tắt cơn thèm khát vật phẩm của con người.

Đôi lúc, rất đôi lúc, chúng ta có phút giây mềm yếu và tự nhìn nhận chính mình. Năm trước, một quách đá mới được phát hiện và trong đó, chứa đầy loại nước màu đỏ đầy bí ẩn làm nhiều người kinh hãi. Có phải vì chúng ta vẫn còn chút tôn kính nào sót lại cho nền văn hóa đã đạt đến đỉnh cao, một nền nền văn hóa lặng thinh với những bí mật của nó, và để lại những sản phẩm mà khiến ta phải xuýt xoa, dù tới giờ vẫn không tài hiểu được? Có phải ta sợ rằng kiến thức khoa học của mình đã bỏ qua một thứ cổ kính và kinh hoàng, một thứ gì đó nằm ẩn mình dưới cát, chờ ngày được thoát ra?

Phút giây ấy chẳng có bao lâu. Người đại diện của Bộ Cổ vật Ai Cập chỉ ra rằng thứ nước trong quách rất có thể chỉ là nước thải và sự lo lắng của chúng ta cũng theo đó mà tan biến. Có người còn nảy ra ý tưởng làm kiến nghị, cho phép những ai muốn uống thứ “nước ép cổ mộ” và “nắm được sức mạnh từ nó.” Đương nhiên, đó chỉ là một trò đùa, nhưng trò đùa thường chứa trong chúng chút nào đó của sự thật. Tự cổ chí kim, là kẻ dựng nên nền văn minh, tất cả tội lỗi và thành tựu của loài người đều bắt nguồn từ cái ham muốn ẩn dụ được uống thứ nước bí ẩn từ cổ mộ: để thèm khát tri thức và quyền lực mà ta chưa hề có, để lay động và phá tung những gì ta chưa biết đến, để sục sạo khắp cõi trần và tiêu thụ tất cả những gì trong tầm tay mà chẳng buồn màng đến hậu quả.

*****

Đến 1980, “sự lạc quan nguyên tử” đã chết, hay có thể nói ngủ yên tại Hoa Kỳ. Trong suốt những năm 1970, phong trào phản đối hạt nhân dần lan rộng, cùng với phong trào phản văn hóa. Một vụ nóng chảy bán phần vừa xảy ra tại nhà máy nhiệt điện Three Mile Island, Pennsylvania, gây thêm hoảng loạn với mối nguy từ phóng xạ. Vẫn không có kế hoạch chính thức cho một bãi rác chất thải hạt nhân vĩnh viễn.

Bộ Năng lượng Hoa Kỳ biết đã đến lúc đối mặt với những vấn đề nan giải. Họ tập hợp một nhóm những chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau như khoa học môi trường, kỹ sư hạt nhân, quản lý chất thải, ký hiệu học, ngôn ngữ học, tâm lý hành vi và nhân học. Họ được gọi là Human Interference Task Force (tạm dịch: Lực lượng Nhiệm vụ Can thiệp Loài người) và có mục tiêu là phát triển chiến lược để phòng ngừa bất kỳ bãi rác chất thải hạt nhân nào bị xâm phạm bởi người đời sau. Dù khi ấy công nghệ đã có thể dựng nên bãi xử lý được bảo vệ kỹ càng nhất, Lực lượng Nhiệm vụ biết rằng có rất ít khả năng nó sẽ không bao giờ bị phá hủy. Họ có thể thử và ngăn cản sự xâm nhập vào bãi rác hạt nhân, sử dụng khái niệm “kiến trúc thù địch” (hostile architecture) – thiết kế một khu vực với chủ đích gây khó khăn và bất tiện khi định hướng – nhưng với loài người, những kẻ đã quyết tâm đặt chân lên Mặt trăng thì khó mà chùn bước họ với gai nhọn hay mê cung. Do đó, mục tiêu chính của Lực lượng Nhiệm vụ không phải là xây lũy dựng thành, mà là để giao tiếp. Chúng ta không thể dùng vũ lực với con người, chúng ta chỉ có thể van nài họ.

Vào 1982, tờ Zeitschrift für Semiotik (Tập san Ký hiệu học tiếng Đức) tham khảo ý kiến độc giả vấn đề bãi rác hạt nhân, và nhận được những phản hồi đáng ngưỡng mộ, nếu không phải nói có chút lạc quan thái quá. Một người đề xuất việc phát triển giống mèo nhà mới, có lông đổi màu khi tiếp xúc với môi trường có chỉ số phóng xạ cao. Chính phủ toàn thế giới có thể khuyến khích văn học và nghệ thuật lấy hình ảnh loài mèo chuyển màu tượng trưng cho mối nguy hại; nhờ đó, khi các thế hệ tương lai đến định cư tại những khu rác thải hạt nhân này, chú mèo của họ sẽ đổi màu, gây hoảng sợ và khiến họ rời đi. Một sáng kiến khác là “giới giáo nguyên tử” (atomic priesthood), một nhóm những người tuyên thệ dành đời mình sống gần những khu vực rác thải hạt nhân, truyền lại bí mật của phóng xạ cho các thế hệ sau, bằng việc thần thoại hóa và lễ nghi hóa nếu cần thiết. Chủ đề thường được nhắc đến nhất trong vấn đề này chính là cần phải có một thông điệp, được lưu trữ trong một biểu tượng đơn giản và dễ tiếp cận. Gọi nó là tầm thường hay thô sơ, tùy bạn mà thôi.

Stanislaw Lem, một trong những tác giả khoa học giả tưởng nổi tiếng nhất, nảy ra sáng kiến sử dụng biến đổi gen, tạo nên thông tin mã hóa về chất thải hạt nhân vào DNA của các loài hoa được trồng gần các khu vực rác thải hạt nhân. Dù ông thừa nhận có khả năng rằng thế hệ tương lai sẽ không biết cách giải mã DNA, cách làm ấy vẫn có cái lý của nó. Dùng loài cây cỏ mọc tự nhiên và biến hóa chúng theo ý muốn của mình, lai giống và gieo trồng nơi ta muốn để có thể truyền bá về giống loài của mình, dù sao đi nữa, cũng là một chiêu trò đầu tiên của nhân loại. Có lẽ vì thế mà nó có sức mạnh qua xuyên suốt lịch sử.

Lực lượng Nhiệm vụ Can thiệp Loài người bắt tay vào thực hiện các thiết kế. Vô số hình ảnh, biểu tượng và từ ngữ được đề xuất để trở thành một phần của bản kế hoạch chi tiết cho khu vực rác thải hạt nhân, với sự cân nhắc của Lực lượng Nhiệm vụ rằng kỳ bất phương pháp ghi, khắc nào sẽ phải tồn tại trước nạn trộm cắp, thời tiết và biến đổi khí hậu. Vì chúng ta không thể nào dự đoán trình độ tri thức của nền văn minh tương lai, mối nguy hiểm phải được trình bày thật dễ hiểu để có thể truyền đạt tới bất kỳ ai ở những trình độ đọc hiểu khác nhau. Có thể sẽ có những lời nhắn chuyên môn và phức tạp, nhưng trong trường hợp họ không hiểu, ta cần phải có một thông điệp súc tích và được lặp đi lặp lại theo nhiều phương tiện khác nhau để đảm bảo tính chính xác của nội dung được truyền đạt.

Bản báo cáo năm 1993 của Sandia National Laboratories (Phòng Thí nghiệm Quốc gia Sandia) – quản lý bởi Bộ Năng lượng Hoa Kỳ với nhiệm vụ nghiên cứu an toàn hạt nhân – đưa khái niệm này đi xa hơn nữa và đề xuất những thông điệp cụ thể khá tiềm năng. Những hình ảnh đi kèm gồm có: Bảng tuần hoàn. Bản đồ thế giới, đánh dấu tất cả khu vực xử lý. Một bản đồ biểu thị sự dịch chuyển của các vì sao qua mười nghìn năm, từ đó người đọc có thể tính toán thời gian các khu chất thải được xây dựng từ khi nào. (Nơi chúng ta xây dựng các khu rác thải hạt nhân thường rất xa nơi có người sống, do đó khá trong lành, ít ô nhiễm không khí.) Có ít nhiều tranh cãi trong việc loại hình ngữ (pictograph) nào nên được sử dụng. Vài nhà nghiên cứu muốn tập trung vào những hình ngữ thiết thực, trong khi những người khác chú tâm vào “biểu cảm con người (kinh hãi và bệnh tật).” Thông điệp sẽ bắt đầu từ bên ngoài (khu vực bao quanh bãi rác phóng xạ – BTV), và càng trở nên phức tạp hơn khi tiến vào vùng lõi. Báo cáo của Sandia đề xuất rằng một trong những lời cảnh báo phức tạp hơn nên được đặt tại trung tâm của khu vực xử lý rác. Nó sẽ mang tính kỹ thuật hơn về mặt bản chất, nhưng vẫn sẽ được trình bày theo lối đơn giản.

“Nơi đây là bãi chôn lấp chất thải phóng xạ. Chúng tôi tin rằng nơi đây không hề nguy hiểm NẾU NÓ ĐƯỢC ĐỂ YÊN! Chúng tôi sẽ cho bạn biết có gì nằm dưới lòng đất này, vì sao bạn không nên xâm phạm nơi đây và chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn làm thế. Bằng việc cung cấp thông tin này, chúng tôi mong muốn bạn sẽ bảo vệ bản thân và các thế hệ tương lai khỏi sự nguy hiểm của chất thải này. Chất thải được chôn __ ki-lô-mét dưới một lớp muối. Chúng tôi đã chọn muối vì muối có rất ít nước… Chúng tôi tin rằng điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra khi có người xâm phạm khu vực này. Ví dụ như, nếu khoan hoặc đào vào lòng khu vực, có thể khiến nước muối bên dưới chất thải phóng xạ gặp phải nước ngầm phía trên chất thải hoặc ở bề mặt…”

Lời nhắn không chỉ dừng ở đó, nó sẽ đưa ra giải thích về bản tính hóa học, đặc tính các căn bệnh gây ra bởi phóng xạ và cấu trúc của công trình. Những lời nhắc sẽ được khắc vào tường cùng với hình ảnh minh họa. (Nghe như một cảnh trong một trò “escape room” hay một câu đố trong trò chơi điện tử, một sự mô phỏng lý thú của vấn đề sống chết.)

Dù thế, chỉ lời nhắc thôi thì không đủ. Bản báo cáo cho rằng khu vực đó cần truyền tải qua bề mặt của mình một cảm giác, thứ sẽ chạm vào cái bản năng cơ bản nhất của sinh vật sống. Tác giả đã cố gắng giải thích điều ấy như sau:

“Đây không phải là nơi của sự vinh danh… không một hành động của danh dự nào được tưởng nhớ tại đây… không gì giá trị tại nơi đây. Với chúng tôi thứ hiện diện nơi đây là mối nguy và sự kinh tởm.

Mối nguy ấy vẫn còn đây, tại thời của các bạn, cũng như của chúng tôi. Nó là mối nguy chết người cho cơ thể.

Nơi đây chính là một lời nhắn… và một phần của hệ thống các thông điệp… hãy chú ý đến nó!

Truyền đi thông điệp này là việc vô cùng quan trọng đối với chúng tôi. Chúng ta đã từng là một nền văn hóa hùng mạnh.”

*****

Ở cuối bản báo cáo Sandia, tác giả có trích dẫn một bài thơ. Nếu bạn cũng yêu thích thơ ca, có lẽ bạn sẽ đoán được đây là bài thơ nào, và những dòng thơ có lẽ đã cất lên từ khi từ bạn bắt đầu đọc bài viết này.

I met a traveller from an antique land,
Who said – "Two vast and trunkless legs of stone
Stand in the desert... Near them, on the sand,
Half sunk a shattered visage lies, whose frown,
And wrinkled lip, and sneer of cold command,
Tell that its sculptor well those passions read
Which yet survive, stamped on these lifeless things,
The hand that mocked them, and the heart that fed;
And on the pedestal, these words appear:
'My name is Ozymandias, King of Kings;
Look on my Works, ye Mighty, and despair!'
Nothing beside remains. Round the decay
Of that colossal Wreck, boundless and bare
The lone and level sands stretch far away."

Tạm dịch:

Tôi gặp người lữ hành từ vùng đất cổ
Người nói: Tượng không thân với chân đá chống trời
Sừng sững nơi sa mạc… cạnh chúng, trên cát nóng,
Che lấp, khuôn ngài vỡ vụn ngổn ngang, chau mày,
Và môi cong chê bai, buông lời khinh bạc lạnh lẽo, uy quyền
Rằng kẻ tạc tượng vốn hiểu rõ tâm tính
Vậy mà chẳng còn đây, chạm khắc những thứ vô tri này,
Tay kẻ tạo hình và tim kẻ trọn dâng;
Và trên bệ cao những lời vang vọng:
“Tên ta là Ozymandias, vua của vua;
Đây là công tích của ta, hỡi kẻ hùng mạnh, lấy đó mà kinh sợ!”
Kề bên là hư vô. Vây quanh là lụi tàn
Của thứ khổng lồ đổ nát, trải dài và trần trụi
Trải nghìn dặm xa, biển cát quạnh hiu và vô tận.

Sáng tác bởi Percy Shelley, Ozymandias được xuất bản vào 11 tháng 1, năm 1818, giữa đỉnh cao của “Cơn sốt Ai Cập,” cơn cuồng mê của tầng lớp thượng lưu phương Tây với việc tìm kiếm và nắm trọn tất cả châu báu từ sông Nile. Shelly có được cảm hứng cho bối cảnh của mình từ sự lãng mạn của sa mạc, nhưng ẩn dưới đó là lời nhắc nhở – thậm chí cả đế chế hùng mạnh nhất cũng sẽ suy tàn và rồi rơi vào quên lãng – cũng có thể hiểu như một cảnh báo tới Đế quốc Anh, tới thế hệ mới các nhà khoa học và triết học, tới bất kỳ ai say sưa với sức mạnh đáng hân hoan của Anh Quốc thế kỷ 19 đến mức quên đi mình chỉ là người trần mắt thịt. Chỉ 10 ngày trước khi bài thơ được xuất bản, vợ của ông, Mary Shelley, hoàn thành một tác phẩm khác của riêng bà – tiểu thuyết về một nhà khoa học tạo nên con quái vật quá sức kiểm soát của mình.

Chẳng mấy ai bận tâm với lời cảnh báo. Cái quyền lực đầy ma mị – quyền lực của tri thức, của công nghệ, của tài nguyên, của đất đai – đã thống trị tư tưởng của kẻ đứng đầu các đế chế, và bất kỳ ai đứng đầu các đế chế, thống trị thế giới này. 

Chúng ta đã đánh mất khả năng tưởng tượng ra một tương lai của chính mình.

Cùng năm Frankenstein và Ozymandias được xuất bản, Ai Cập đã chiếm lấy Bán đảo Ả Rập. Đó là một chiến thắng then chốt, vì nó đặt thánh địa Mecca và Medina dưới quyền kiểm soát của Đế quốc Ottoman, quyền lực mà Ai Cập đang phải phục tùng. Đế quốc Ottoman đã nắm giữ vùng đất thánh trong hàng trăm năm, nhưng bằng cách nào đó, 13 năm trước, Mecca và Medina vụt khỏi cái kìm kẹp của đế quốc, rơi vào tay của một bộ tộc mới với phiên bản Đạo Hồi của riêng họ, một chủ nghĩa vô cùng khắt khe và theo sát kinh Koran, lạc lõng với toàn bộ thế giới đang tiến dần đến hiện đại hóa. Nhưng tái kiểm soát các vùng đất trên đồng nghĩa với cân bằng đã được lập lại sau một khoảng đứt gãy. Bộ tộc mới kia với tôn giáo tôn sùng sự chính thống bị thẳng tay trừng phạt, người đứng đầu bị xử tử và tất cả lại trở về như trước. Nếu có ai trở về năm 1818 và đặt câu hỏi cho một người có học về vấn đề tại Ả Rập, rất có thể rằng ông ta sẽ nghĩ tới Đế quốc Ottoman hùng mạnh lâu đời, đối mặt với phương Tây – đế quốc đã thay đổi bộ mặt của thế giới – và vô tình tạo nên một gia tộc từng bại trận, được biết đến với tên gọi, Nhà Saud.

Nhưng dòng lịch sử nhân loại chẳng phải là một đường thẳng, và ta không thể nào biết điều gì sẽ xảy ra ngay trước mắt mình. Một trăm năm sau, 1918, cuộc chiến chết chóc nhất hành tinh đi đến hồi kết, Đế quốc Ottoman đi vào cát bụi, nhường chỗ cho Nhà Saud củng cố quyền lực của mình. Vào năm 1932, Vương quốc Ả Rập Xê Út ra đời. Một trong những động thái đầu của vị vua đương thời chính là mời những nhà địa chất học, kỹ sư và doanh nhân Mỹ đến đào sâu vào lòng cát, tin rằng mặt đất dưới chân mình đang ẩn giấu một kho báu đen huyền lấp lánh của sự giàu có.

Năm 1938, người Mỹ đã tìm được thứ họ muốn. Nhà Saud từ một gia tộc non trẻ biến thành kẻ thay da đổi áo cho vùng sa mạc, với của cải và quyền lực để làm mọi thứ mà họ muốn. Thành phố phương Tây ngày càng vươn cao và lan xa, được nuôi sống bằng dầu mỏ từ lòng đất Saudi. Năm 1984, một người Saudi tên Abdul Rahman Munif bị trục xuất khỏi đất nước mình, viết nên cuốn tiểu thuyết Cities of Salt (Thành phố của muối) về sự bùng nổ của dầu mỏ, khi được hỏi về ý nghĩa của cái tên, ông giải thích rằng một ngày kia các thành phố Saudi lấp lánh cũng sẽ tan biến và bị lãng quên, như muối tan trong nước. Những gì vừa xảy ra nằm gói trọn trong một mảnh vỡ của lịch sử nhân loại, và cả những con người ưu tú nhất của đầu thế kỷ 19 chẳng thể nào đoán trước được cả – cũng như họ không thể biết được cơn thèm khát dầu mỏ của chúng ta sẽ khiến nhiệt độ trái đất tăng cao hơn bao giờ hết.

Bộ Năng lượng Hoa Kỳ vẫn không có khu chất thải phóng xạ vĩnh viễn, nhưng đã chọn ra được địa điểm chôn lấp từ những năm 1980: Núi Yucca, Nevada, cách Las Vegas 100 dặm về phía Tây Bắc. Núi Yucca nằm kề bên Khu vực Thử nghiệm Nevada, nơi vũ khí hạt nhân được thử nghiệm hết lần này đến lần khác từ năm 1951 (lần cuối cần là vào năm 2012). Tại sa mạc này, các công nhân dựng nên những khu phố giả với những ngôi nhà gạch xinh xắn, gia đình ma-nơ-canh ngồi tại bàn ăn tối và quan sát chuyện gì xảy ra khi đám mây hình nấm hiện lên đường chân trời. (Không một hành động của danh dự nào được tưởng nhớ tại đây. Với chúng tôi thứ hiện diện nơi đây là mối nguy và sự kinh tởm.) Một phần lý do họ chọn nơi này vì giờ đây, nơi đây gần như không có người sinh sống, dù tàn dư của ngành công nghiệp khai thác vàng bạc đã để lại những con phố ma rải rác khắc sa mạc. Những cái tên gợi nhắc lên bao câu chuyện vẫn nằm tại đây: Gold Center, Eureka, Saline, Chloride City, Hells Gate. Thi thoảng, bạn bắt gặp đâu đó những cái tên gắn với người Mỹ bản địa.

Bản báo cáo Sandia cho rằng khu chất thải hạt nhân phải gửi đi thông điệp: Chúng ta đã từng là một nền văn hóa hùng mạnh. Điều này đặt ra câu hỏi, “chúng ta” là ai. Nó có thể là một thế giới đương thời theo nghĩa chung, nếu chúng ta muốn gọi mình là một văn hóa đồng nhất (chúng ta không thể biết sự khác biệt sẽ ra sao cho người đọc từ tương lai giữa Hoa Kỳ và nơi khác.) Hoặc nó có thể có nghĩa là chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng vẫn còn một “chúng ta” khác tuyên bố quyền với mảnh đất này. Theo những gì người Western Shoshone biết, núi Yucca không hề thuộc về Chính phủ Liên bang. Chính phủ cho rằng mình đã hợp pháp mua mảnh đất này trong thời Nội chiến để khai thác vàng. Cộng đồng người Western Shoshone phản đối rằng chính phủ không hề có quyền với mảnh đất, vì chính phủ chỉ chi trả một phần của thương lượng sau khi đã chiếm đoạt mảnh đất. (Đây không phải là nơi cho sự vinh danh). Những nhà hoạt động Shoshone cùng với những người bản địa khác của vùng đất bày tỏ sự phẫn nộ của mình với kẻ cướp đi mảnh đất tổ tiên và môi trường ngày càng bị ô nhiễm nhưng tất cả chỉ là công dã tràng mà thôi.

Tại bất kỳ thời điểm nào, sẽ có những nền văn minh chiếm ưu thế, còn những nền văn minh khác thì không. Ở thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ có quyền lực và người Shoshone thì không, vì khi người định cư từ Châu Âu đi đến đâu, họ xóa sổ phần lớn người bản địa, loại bỏ tên họ ra khỏi bản đồ, dù có là tàn sát có chủ đích hay chỉ bằng sự ngẫu nhiên của bệnh dịch. (Nó là mối nguy chết người cho cơ thể.)

Kế hoạch núi Yucca hiện vẫn đang nằm chờ đợi do thiếu quỹ đầu tư và không được ưu tiên, do đó, khu rác thải vĩnh viễn vẫn chưa được xây dựng. Chất thải phóng xạ hiện được lưu trữ tạm thời tại Waste Isolation Pilot Plant (Nhà máy thí điểm cô lập chất thải), bang New Mexico, nơi có thể trở thành nơi lưu chứa chính thức một ngày nào đó. Nếu khu vực này được phát triển thành nơi giữ chất thải chính thức, thông điệp cảnh báo của nó sẽ được trình bày bằng bảy thứ tiếng: sáu ngôn ngữ chính thức của Liên Hiệp Quốc và tiếng Navajo. Có thể xem như Chính phủ Liên bang dành chút gì tưởng nhớ đến những người họ đã đối xử tồi tệ, hoặc, có thể đó là việc nhận thức thấy dự đoán tương lai là điều không thể trong dòng xoắn và những ngã rẽ của lịch sử: Chúng ta không thể nào biết được trong 10.000 năm, sẽ còn những ai và ai đã biến mất.

Sau khi đọc qua tài liệu của Lực lượng Đặc nhiệm Can thiệp Loài người và WIPP – bỏ qua cái rùng mình đầy kinh hãi chỉ với những cái tựa đề như “Menacing Earthworks” (Công trình mặt đất kinh sợ)1 và “Forbidding Blocks” (Khối cấm kị)2 – ta bắt đầu cảm nhận điều gì đó bất thường về những báo cáo này. Trước hết, việc trình bày về mặt thị giác của các báo cáo thật đáng ngưỡng mộ, khiến chúng đôi lúc như những tác phẩm khoa học viễn tưởng hơn là báo cáo chính phủ. Hơn nữa, từ góc nhìn của thời đại chúng ta, khi nhân văn và khoa học xã hội thường xuyên bị lãng quên, gạt bỏ và cười cợt, thật bất ngờ khi chứng kiến một niềm tin vững chắc về mối quan hệ mật thiết giữa khoa học “truyền thống” (“hard” science) và khoa học xã hội. Bộ Năng lượng Hoa Kỳ hiểu rằng vấn đề xử lý chất thải hạt nhân không thể chỉ giải quyết bằng tiến bộ công nghệ; không một thứ hợp kim hay một cơ chế khóa nào có thể cứu lấy nhân loại khỏi bản thân nó. Chỉ bằng cách nghiên cứu bản chất con người và cho phép chúng ta nhận thức một thế giới vượt qua cả những hiểu biết đương thời, ta mới có thể bảo vệ hành tinh khỏi hậu quả từ hành động của chính mình.

Kiến trúc được đề xuất của “Menacing Earthworks”
Nguồn ảnh: Song Lihua, Jekaterina Novitskova

Có lẽ, đầy tổn hại nhưng lại phù hợp với cái tâm lý vây hãm khi đó, có gì đó của tư tưởng thời Chiến tranh lạnh đã cho phép các nhà nghiên cứu Mỹ chiêm nghiệm cho cả một thời đại. Những nhà nghiên cứu lớn tuổi hơn trong dự án đầu tiên chắc hẳn đã lớn lên giữa Thế chiến thứ hai, cuộc chiến tận chế của những hệ lý tưởng đối lập nhưng không thể tách rời – chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, dân chủ tự do – tất cả chỉ hơn một thế kỷ trước vẫn còn nằm trong nôi ấp ủ, đã lớn lên thành những gã khổng lồ, những gã khổng lồ tưới tiêu mặt đất với máu chảy và bỏ lại đô thành đổ nát. Những nhà nghiên cứu trẻ hơn thì tắm mình trong tinh thần của Chiến tranh lạnh, bầu không khí nhị nguyên giữa thiện và ác, nơi định mệnh của địa cầu phụ thuộc vào kết quả của cuộc vật lộn không hồi kết giữa hai thế lực đối lập, thời mà trẻ em được dạy rằng chỉ cần một cái nhấn nút tại Mát-xcơ-va và mọi thứ sẽ tan thành mây khói. Thứ hiểu biết ăn sâu vào trí não này, cái sự mong manh đến nguy hiểm của nền văn minh, cái cảm giác về một nước Mỹ giàu mạnh và đầy kiêu hãnh nhưng vẫn bấp bênh tại vách đá thẳng đứng có lẽ đã gieo vào suy nghĩ các nhà nghiên cứu rằng quê hương, đất nước và hành tinh của họ, tất cả đều có thể bị hủy diệt. Có lẽ vì vậy mà họ đã có thể bình tĩnh đối mặt với sự diệt vong của nền văn minh và làm tất cả vì các thế hệ kế tiếp.

Sau đầu thập niên 90, báo cáo đôi khi được xuất bản, nhưng không hề có một bước đi đột phá trong việc giao tiếp hay cách tiếp cận vấn đề mới mẻ nào. Khoảng thời gian này, sau sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết được Francis Fukuyama gọi là “hồi kết của lịch sử”: cuộc chiến oai hùng giữa tầm nhìn cho tương lai nhân loại đã kết thúc, phần thắng cuộc thuộc về phương Tây, chúng ta đặt trí tưởng tượng của mình trong những hộp lưu trữ an toàn và thay vào đó tập trung sửa đổi kỹ trị và hiến pháp. Sự khác biệt trong thái độ chúng ta về cuộc khủng hoảng hạt nhân Chiến tranh lạnh và vấn đề ấm lên toàn cầu thật quá lớn. Những thỏa thuận e dè về Green New Deal (Chính sách kinh tế xanh mới) gần như bị xem là “thiếu thực tế”; những người hiểu biết thì lắc đầu bất lực trước đề xuất sử dụng năng lượng tái tạo, chỉ vào biểu đồ giá năng lượng, việc làm và chỉ số GDP về tận những 20, 30 năm trước, thời mà hiếm có ai còn nhớ đến. Chẳng kèn chẳng trống, sinh tồn dài hạn cứ thế tụt hạng trong danh sách ưu tiên của loài người.

Nước Mỹ hiểu rất rõ các mối nguy từ bên ngoài nhưng sự nguy hiểm của chính bản thân nó thì không: ham muốn tiêu thụ mảnh đất họ đặt chân đến, hút cạn tài nguyên trong lòng đất và dùng hết tất cả, tạo nên bệnh dịch hạch như sản phẩm phụ cho sáng chế của mình và nhận ra (thật muộn màng) mối nguy hại từ chính hành động của mình. Có gì có rất khác giữa động thái hồ hởi, đầy sáng tạo của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ trước vấn đề chất thải hạt nhân những năm 1980 và thái độ e dè, hạn chế của họ trước việc thay đổi khí hậu hiện nay. Chúng ta đã đánh mất khả năng tưởng tượng ra một tương lai của chính mình.

Thứ chất thải hạt nhân chết người mãi nằm trong kho chứa, đợi chờ một nơi dành cho mình. Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đảm bảo rằng về mặt kỹ thuật, khi chất thải hạt nhân được chôn xuống lòng đất, chúng sẽ được giữ nguyên vẹn qua chiến tranh và tấn công khủng bố trong một thời gian ngắn hạn, một khoảng thời gian mà với chúng ta có là đau thương đến mức nào, cũng chỉ là lớp bụi mỏng tang của bề dày lịch sử trái đất. Bất kể chúng có được chôn lấp ở đâu – theo dự kiến, một điểm nào đó tại sa mạc Tây Nam nước Mỹ – khi ấy, ta sẽ nghe tin tức về những bãi chôn và có lẽ lòng ta lại có chút háo hức cho tương lai, để rồi khi đất cát chôn vùi thứ chất thải kia, ta lại quên mất tất cả. Biến động của lịch sử đến và đi. Quốc gia sẽ được sinh ra và lãng quên, đại dương sẽ dâng cao, sa mạc sẽ càng nóng cháy, lòng sông có ngày sẽ cạn khô. Nghĩ về khoảng thời gian từ hiện tại đến 10.000 năm sau khiến ta không khỏi cảm thấy hoảng sợ và ảm đạm, nhất là với những gì đang xảy ra trước mắt, nhưng ta chẳng thể biết được tương lai, nơi những ước nguyện và nỗi tuyệt vọng của chúng ta đều là có thể. Ta hy vọng bằng cách nào đó, nhân loại sẽ cứu rỗi chính mình; chúng ta sẽ biến khát vọng thành hành động giúp lấy trái đất, tìm một cách mới để tồn tại cùng đất mẹ, một điều mà không ai có thể đoán được. Ta chỉ có thể khẩn cầu rằng những thế hệ sau sẽ chẳng tham lam như tổ tiên của họ. Ta chỉ có thể mong mỏi rằng thông điệp của ta sẽ được lắng nghe.

*****

Nơi nào đó trong tương lai mà cả chúng ta cũng không thể mường tượng, một nhà khảo cổ học đang làm công việc khai quật của mình. Xung quanh họ trải dài là cát, ngút ngát tận đường chân trời. Họ gặp phải một phiến đá, một thứ để tưởng niệm và chỉ một lát sau, toàn bộ cấu trúc đã hiện ra. Khắp cấu trúc đó là những dòng chạm khắc với những hình thù khác nhau mà họ không tài nào hiểu được, nhưng họ biết đây là một nơi đặc biệt. Hai bên của ký tự, họ nhận ra hình vẽ khuôn mặt người: một có miệng mở to hốt hoảng, còn lại thì đầy đau đớn. Đây có thể là nơi tưởng niệm cho một sự kiện kinh hoàng, hoặc là một lời nguyền để trừng phạt những kẻ xâm phạm. Những kẻ cả gan không hề được chào đón tại những nơi này, theo nhà khảo cổ học đã đọc đâu đó, dù họ thấy thật khó để hiểu được khái niệm của quyền sở hữu và tính xâm phạm.

Mệt nhoài, họ ngồi xuống nền đất của khu tưởng niệm và chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của nó, cố tìm về người xây nên nó. Trên đỉnh của tảng đá nguyên khối là một biểu tượng bí ẩn, một hình tròn với ba cái cánh xung quanh. Nhà khảo cổ học mỉm cười. Họ chưa bao giờ thấy nó cả, nhưng nó làm họ thấy thật thanh thản. Có lẽ đó là một loại thực vật vào thời đó, hay quốc hiệu của đất nước nào đó, hay biểu tượng cho một vị thần. Dù là gì đi nữa, trông khá đẹp mắt nhưng nó cũng đã không còn ở đây. Như một đứa trẻ, họ vẽ hình cỏ ba lá xuống nền cát, một nét tròn làm tâm, xung quanh là ba chiếc cánh, một, hai, ba. Nền cát nhẹ nhàng tuân theo, cho phép họ tạo nên cái mới và hủy đi cái ban đầu. Họ nhìn xuống cỏ ba lá mình vừa vẽ, một dấu hiệu nhỏ bé rằng mình đã từng ở đây. Họ chỉ là một trong vô số con người trong lịch sử mong muốn được để lại dấu ấn nhỏ bé của mình trên mặt đất này.

Họ thấy tự hào với tạo vật của mình, nhưng quên mất rằng nó được vẽ lên cát. Nó chỉ hiện hữu trong phút chốc và rồi, tất cả sẽ cuốn theo chiều gió.


  1. Công trình mặt đất kinh sợ là những ụ, mô đất lớn có hình tia chớp, đặt tại rìa của khu vực hình bàn cờ. Hình dáng tia chớp được dễ dàng nhận ra từ trên không và những ngọn đồi nhân tạo xung quanh khu vực

  2. Khối cấm kị là một mạng lưới hàng trăm những khối đá với kích cỡ trung bình một căn nhà, được nhuộm đen và sắp xếp theo những đường kẻ ô, tạo nên mạng lưới “đường đi” mang lại cảm giác sợ hãi và không dẫn đến bất kỳ đâu. Những khối này được dùng để biến một khu vực rộng lớn vô dụng trong nông nghiệp và các mục đích sử dụng khác trong tương lai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất