Họa sĩ Sarah Walker có lần bảo với tôi rằng, việc trở thành một bà mẹ giống như khám phá ra sự tồn tại của một căn phòng mới lạ trong ngôi nhà mà bạn từng sinh sống. Tôi luôn thích cách ví von của Walker vì nó chính xác hơn cách nói quen thuộc mà hầu hết mọi người vẫn hay dùng khi mô tả ngắn gọn cuộc sống với một đứa trẻ sơ sinh: Mọi thứ đều thay đổi.
Bởi vì có rất nhiều thứ thay đổi, tất nhiên là thế, nhưng đối với những người mới làm mẹ, một số những khác biệt rõ rệt nhất cũng là những điều kín đáo nhất – sự biến đổi cảm xúc. Mà sự biến đổi đó, hóa ra, chủ yếu là liên quan đến hệ thần kinh.
Thậm chí từ trước khi sinh con, quá trình mang thai đã điều chỉnh lại cấu trúc não vốn có của người phụ nữ, theo như một số nhà thần kinh học đã cho tôi biết. Sau nhiều thế kỷ quan sát sự thay đổi hành vi ở những phụ nữ mới sinh, gần đây các nhà khoa học mới bắt đầu liên kết một cách hoàn chỉnh cách người phụ nữ hành động với những gì xảy ra ở vùng vỏ não trước trán, trung não, thùy đỉnh và những nơi khác. Chất xám trở nên đậm đặc hơn. Hoạt động gia tăng ở những vùng điều khiển sự thấu cảm, lo lắng và tương tác xã hội. Ở cấp độ cơ bản nhất, những thay đổi này được thúc đẩy bởi một loạt nội tiết tố trong suốt các giai đoạn mang thai và hậu sản, khiến người mẹ bị em bé thu hút. Nói cách khác, cảm giác tràn ngập yêu thương, sự che chở mãnh liệt và nỗi lo lắng thường trực của người mẹ bắt đầu bằng những phản ứng bên trong bộ não.
Nhiều nhà khoa học tin rằng việc lập ra bản đồ não của người mẹ chính là chìa khóa để hiểu được tại sao rất nhiều phụ nữ mới sinh gặp phải chứng lo âu và trầm cảm nghiêm trọng. Ước tính cứ sáu phụ nữ thì có một người bị trầm cảm sau sinh, và con số đó càng nhiều hơn ở những người mẹ có các hành vi như “cuồng” rửa tay và luôn ám ảnh với việc phải kiểm tra xem em bé có còn thở hay không.
“Đây là một khía cạnh của phần lớn các hành vi ám ảnh cưỡng chế trong vài tháng đầu tiên sau khi có em bé,” nhà nghiên cứu não bộ của phụ nữ làm mẹ Pilyoung Kim nói với tôi. “Quả thật các bà mẹ cho biết họ có khuynh hướng suy nghĩ không ngừng về những điều mà họ không thể kiểm soát được. Họ liên tục nghĩ về em bé. Em bé có khỏe không? Có bệnh không? Có no chưa?”
“Ở những phụ nữ mới làm mẹ, có những thay đổi xuất hiện ở nhiều vùng của não bộ”, Kim tiếp tục. “Sự phát triển ở các vùng não liên quan đến việc điều tiết cảm xúc, các vùng liên quan đến sự thấu cảm, đó cũng là những gì mà chúng ta xem là động lực làm mẹ ‒ và tôi nghĩ vùng này có thể liên quan phần lớn đến các hành vi ám ảnh cưỡng chế. Trong giai đoạn hậu sản của động vật và con người, có một khao khát mãnh liệt được nảy sinh, đó là khao khát được chăm sóc cho đứa con bé bỏng của chính mình.”
Có một số vùng não liên kết với nhau, giúp thúc đẩy hành vi và cảm nhận về thiên chức làm mẹ.
Các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến nhóm tế bào thần kinh hình hạnh nhân, được gọi là hạch hạnh nhân, bộ phận giúp xử lý trí nhớ và điều khiển các phản ứng cảm xúc như sợ hãi, lo lắng và gây hấn. Trong một bộ não bình thường, hoạt động trong hạch hạnh nhân phát triển trong vài tuần và vài tháng sau khi sinh. Các nhà nghiên cứu tin rằng sự tăng trưởng này có liên hệ với cách cư xử của người mẹ ‒ một hạch hạnh nhân phát triển sẽ khiến người mẹ trở nên cực kỳ mẫn cảm với các nhu cầu của em bé ‒ trong khi đó hỗn hợp nội tiết tố, được tìm thấy có nhiều tế bào thụ cảm hơn trong hạch hạnh nhân lớn hơn, giúp tạo ra một vòng phản hồi tích cực để thúc đẩy các hành vi làm mẹ. Chỉ cần nhìn chăm chú vào em bé, hệ thần kinh tưởng thưởng trong não người mẹ sẽ được kích hoạt, điều này đã được các nhà khoa học phát hiện ra trong một vài nghiên cứu. Hệ thống mạch thần kinh này tác động đến cách nói chuyện đầy tình cảm của người mẹ đối với em bé, cách chăm sóc ân cần của họ, thậm chí cả tình yêu thương mà họ dành cho em bé. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi việc tổn thương ở hạch hạnh nhân có liên quan đến mức độ trầm cảm nặng hơn ở các bà mẹ.
Tổn thương hạch hạnh nhân ở em bé cũng có thể ảnh hưởng đến mối liên kết giữa mẹ và con. Trong một nghiên cứu trên Journal of Neuroscience (Tạm dịch: Tạp chí Khoa học Thần kinh) năm 2004, những con khỉ sơ sinh bị tổn thương hạch hạnh nhân khó có thể bộc lộ cảm giác lo sợ của chúng thành tiếng kêu, hoặc tìm ra mẹ của chúng giữa những con trưởng thành khác. Khả năng phân biệt giữa mẹ mình với bất cứ ai khác của trẻ sơ sinh có liên quan đến hạch hạnh nhân.
Hoạt động trong hạch hạnh nhân cũng dẫn đến cảm xúc mãnh liệt mà người mẹ dành cho con của mình so với các em bé khác nói chung. Trong một nghiên cứu vào năm 2011 về phản ứng của hạch hạnh nhân ở những bà mẹ mới có con, những người phụ nữ cho biết so với việc xem những tấm ảnh có những đứa trẻ xa lạ đang cười, họ cảm thấy tích cực hơn khi ngắm nhìn những tấm ảnh trong đó các con của họ đang mỉm cười,và hoạt động não của họ phản ánh nét khác biệt đó. Các nhà khoa học đã ghi lại phản ứng não rõ rệt ‒ trong hạch hạnh nhân, vùng đồi thị và những nơi khác ‒ của các bà mẹ khi họ nhìn vào các tấm ảnh của con mình.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, khi được nhìn thấy các con mình, phản ứng ở hạch hạnh nhân mạnh hơn, đi liền với đó là cảm giác lo lắng của người mẹ sẽ thấp hơn và ít có triệu chứng trầm cảm hơn. Nói cách khác, sự thay đổi não bộ ở phụ nữ mới làm mẹ không chỉ góp phần thúc đẩy họ trong việc chăm sóc em bé mà còn có thể hỗ trợ xoa dịu trạng thái cảm xúc của chính họ. Trích từ bài nghiên cứu:
Vì thế, việc hạch hạnh nhân phản ứng mạnh hơn đối với khuôn mặt đứa con của mình, được quan sát thấy trong nghiên cứu của chúng tôi, có thể phản ánh những khía cạnh tích cực và mang tính xã hội hơn về khả năng đáp ứng, cảm xúc và kinh nghiệm của người mẹ. Những bà mẹ có mức độ lo lắng cao hơn và bị xuống tinh thần nhiều hơn cho thấy phản ứng của hạch hạnh nhân với con mình cũng ít hơn, biểu hiện thái độ và kinh nghiệm làm cha mẹ căng thẳng hơn và tiêu cực hơn.
Phần lớn những gì xảy ra trong hạch hạnh nhân ở phụ nữ mới làm mẹ đều liên quan đến các nội tiết tố lưu thông vào nó. Vùng này tập trung nhiều tế bào thụ cảm đối với các nội tiết tố như oxytocin, loại nội tiết tố tăng đột biến trong suốt thai kỳ.
“Chúng tôi nhận thấy có sự thay đổi ở cả phương diện nội tiết tố và não bộ”, nhà nghiên cứu não bộ Ruth Feldman viết cho tôi trong một email. “Nồng độ oxytocin của người mẹ ‒ một hệ thống chịu trách nhiệm hình thành mối liên kết giữa mẹ và con ở tất cả các loài động vật có vú ‒ gia tăng đáng kể trong suốt [thời kỳ] mang thai và sau sinh, và người mẹ càng tham gia chăm sóc trẻ nhiều bao nhiêu, oxytocin càng tăng cao bấy nhiêu.”
Trở thành cha mẹ hệt như cảm giác phải lòng một ai đó, ít nhất là bên trong bộ não…
Oxytocin cũng tăng lên vào khoảnh khắc khi người phụ nữ nhìn ngắm những đứa con của mình, hay khi nghe thấy tiếng cười khúc khích lẫn tiếng khóc của con, hoặc lúc ôm ấp những đứa trẻ vào lòng. Sự gia tăng oxytocin trong lúc cho con bú có thể giúp giải thích lý do tại sao các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những bà mẹ cho con bú nhạy cảm với tiếng khóc của con hơn so với những bà mẹ không cho con bú. “Các bà mẹ cho con bú thể hiện mức độ phản ứng của [não] cao hơn đối với tiếng khóc của em bé so với các bà mẹ nuôi con bằng sữa công thức trong tháng đầu tiên sau khi sinh”, Kim nói. “Điều này thực sự rất thú vị. Chúng tôi không biết đó là do hành động cho con bú hay do oxytocin hoặc bất kỳ yếu tố nào khác.”
Điều mà các nhà khoa học biết, theo lời Feldman, đó là việc trở thành cha mẹ hệt như cảm giác phải lòng một ai đó, ít nhất là bên trong bộ não. Điều này giúp giải thích cảm giác mà nhiều bậc cha mẹ đã mô tả vào lần đầu được thấy đứa con bé bỏng của mình. Ở cấp não bộ, những hệ thống thần kinh trở nên đặc biệt nhạy cảm chính là những mạng lưới liên quan đến sự cảnh giác và độ nhận diện xã hội ‒ hạch hạnh nhân ‒ cũng như hệ thống dopamine khuyến khích ưu tiên trẻ sơ sinh. “Trong nghiên cứu của chúng tôi, chúng tôi nhận thấy các giai đoạn gắn kết xã hội liên quan đến sự thay đổi ở trong cùng một mạch ‘liên kết’,” Feldman nói. “Chúng tôi đã chỉ ra rằng trong những tháng đầu tiên ‘yêu nhau,’ một số thay đổi tương tự như vậy cũng nảy sinh giữa những người đang yêu.” Một cách ngẫu nhiên, chính hệ thống mạch thần kinh đó là thứ khiến người mẹ cảm thấy em bé có mùi rất dễ ngửi, điều mà các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra trong một nghiên cứu vào năm 2013.
Những thay đổi lớn nhất trong não bộ xảy ra khi người mẹ có đứa con đầu lòng, dù không rõ liệu bộ não của người mẹ có quay trở lại như trước khi sinh con hay không, theo như một số nhà thần kinh học đã. Tuy nhiên, những thay đổi ở não bộ không chỉ giới hạn ở những người mới làm mẹ.
Đàn ông cũng cho thấy những thay đổi tương tự trong não bộ khi họ tham gia tận tình vào việc chăm sóc. Oxytocin dường như không thúc đẩy hành vi nuôi dưỡng ở nam giới giống như ở phụ nữ, điều này được Feldman và các nhà nghiên cứu khác khám phá ra trong một nghiên cứu vào năm ngoái. Thay vào đó, ý thức làm cha của người đàn ông được thúc đẩy bởi hệ thống nhận thức xã hội phát triển trong não của cả hai giới sau này, trong khi phụ nữ dường như đã tiến hóa để có một “tập hợp hành vi theo nội tiết tố não” tự động chuẩn bị cho việc làm mẹ. Một cách khác để xem xét điều này: một bản kế hoạch về hành vi làm mẹ tồn tại bên trong não ngay cả trước khi phụ nữ sinh con.
Một bản kế hoạch về hành vi làm mẹ tồn tại bên trong não ngay cả trước khi phụ nữ sinh con.
Có lẽ, vì vậy, việc làm mẹ thực sự giống như một không gian bí mật trong não của người phụ nữ, chờ đợi được khám phá. “Mặc dù chỉ có các bà mẹ mới trải qua việc mang thai, sinh nở và cho con bú, và những điều này đã cung cấp những bản năng mạnh mẽ để thể hiện khả năng chăm sóc của người mẹ, thông qua sự nhạy cảm của hạch hạnh nhân,” các nhà nghiên cứu viết, “quá trình tiến hóa đã tạo ra những cách thức khác để thích nghi với vai trò làm cha đối với những người đàn ông, và những cách thay thế này đi kèm với sự thực hành, thái độ và sự chăm sóc hằng ngày.”
Nói cách khác, chỉ một hành động đơn giản như việc chăm sóc một đứa bé đã tạo ra những đường dẫn thần kinh mới ‒ những căn phòng chưa được khám phá trong não bộ của những bậc làm cha làm mẹ.