a
§ Tác giả: Chris Woolston | Nguồn: Knowable Magazine
Biên dịch: Thủy Tiên | Hiệu đính:  coda
19/01/2020

Elizabeth Loftus, người được biết đến với nghiên cứu tiên phong về sự sai lệch ký ức (fallibility of memory)1, đã từng tham gia một số vụ tố tụng nổi tiếng liên quan tới Ted Bundy2, O. J. Simpson3, và Timothy McVeigh4 trong nhiều năm. Khi những vụ án nổi tiếng phải dựa nhiều vào ký ức, luật sư bào chữa sẽ thường gọi Loftus ra đứng trước tòa, và bà sẽ nắm lấy cơ hội này để đưa khoa học vào phòng xử án, không quan trọng ai là người đang ngồi ghế bị đơn. “Tôi đã làm cố vấn cho một số vụ liên quan đến những người mà giờ thì chúng ta đã biết là người xấu,” nhà tâm lý học tại trường đại học UC Irvine này cho biết.

Bây giờ, khi tiếp tục phát triển sự nghiệp nghiên cứu kéo dài hơn bốn thập kỷ, bà và một số người khác đã xây dựng một di sản đã định hướng ngành tâm lý học, tâm lý trị liệu và hệ thống tư pháp hình sự – và đáng chú ý nhất, thay đổi cách các thẩm phán, luật sư và bồi thẩm đoàn luận giải những ký ức của nhân chứng. “Bà ấy đã làm được một việc tuyệt vời là chứng minh ký ức của nhân chứng có thể bị sai lệch,” – Henry Roediger, nhà tâm lý học và chuyên gia trí nhớ tại đại học Washington ở St. Louis nói. “Tầm ảnh hưởng của bà đến nghiên cứu về ký ức của các nhân chứng lớn hơn bất kỳ nhà tâm lý học nào khác.”

Nhưng đây không phải là lúc chỉ để hồi tưởng. Loftus vẫn đang điều hành một chương trình nghiên cứu về sự hình thành và độ tin cậy của ký ức; vấn đề này vẫn là một mối lo quan trọng với bà và nhiều người khác. Dù rằng nghiên cứu của bà đã trực tiếp dẫn đến một số cải cách: ví dụ, vào năm 2012, Tòa án Tối cao New Jersey đã phần nào dựa trên nghiên cứu của bà và khuyên các thẩm phán rằng mọi bồi thẩm đoàn phải được hướng dẫn là lời khai của những nhân chứng không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Nhưng Loftus cảnh báo rằng còn quá nhiều thẩm phán, bồi thẩm đoàn và chuyên gia tâm lý – chưa kể đến công chúng – vẫn dựa vào những quan điểm lỗi thời về ký ức, và chúng thường dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng. “Mọi người nói chung có nhiều ngộ nhận về cách ký ức hoạt động,” bà nói. Qua việc nghiên cứu, cung cấp lời khai và hoạt động cộng đồng, bà đang tiếp tục thúc đẩy một cách tiếp cận lấy khoa học làm nền tảng, kể cả khi điều đó đồng nghĩa với việc phải đối mặt với tranh cãi – và cả những nhân vật không mấy dễ chịu – trong quá trình này.

Những ký ức phai nhạt

Từ đầu những năm 1970 đến nay, nghiên cứu của Loftus vẫn xoay quanh một chủ đề chung: ký ức không phải là thực tế. Thay vào đó, sự hồi tưởng của chúng ta có thể bị bẻ cong, vấy bẩn, và thậm chí là được tạo ra hoàn toàn từ trí tưởng tượng; một hiện tượng mà bà đã đặt tên là “hiệu ứng sai lệch thông tin” (misinformation effect). Những nghiên cứu về ký ức trước đây của bà đã trở thành một chủ đề cố định trong các sách giáo khoa và bài giảng của bộ môn tâm lý học. Một bài báo xuất bản năm 1975 của bà, mà nhà tâm lý Roediger vẫn thảo luận với các sinh viên của mình, đã cho thấy rằng ký ức về những sự kiện chớp nhoáng thường dễ bị thao túng. Những đối tượng tham gia nghiên cứu này đã được xem những đoạn phim về tai nạn xe hơi và sau đó trả lời câu hỏi về những gì họ thấy. Loftus đã chỉ ra rằng khi những chi tiết gây hiểu lầm được cài vào câu hỏi, các đối tượng sau đó thường nhớ những điều thực ra không xuất hiện. Ví dụ, khi được hỏi “Bạn có nhìn thấy những đứa trẻ đi lên xe buýt trường không?” 26% người trả lời nói rằng họ đúng là đã nhìn thấy một chiếc xe buýt trường trong đoạn phim, mặc dù thực ra không có chiếc xe buýt nào cả. Trong số những người nhận được câu hỏi không có yếu tố gây hiểu nhầm, chỉ có 6% nhớ là có một chiếc xe buýt.

Trong một thí nghiệm kinh điển khác, các học sinh tham gia được yêu cầu xem các đoạn phim về tai nạn xe hơi và sau đó ước lượng tốc độ của những chiếc xe trong tai nạn. Loftus đã chỉ ra rằng cách dùng từ trong câu hỏi đặt ra sau đó đã có ảnh hưởng lớn đến câu trả lời. Khi được hỏi rằng những chiếc xe đã đi với tốc độ bao nhiêu khi chúng “đâm” vào nhau, câu trả lời trung bình là nhanh hơn 40 dặm một giờ (khoảng 64 km/h). Khi được hỏi về tốc độ xe khi chúng “tiếp xúc” nhau, câu trả lời trung bình là chỉ hơn 30 dặm một giờ (khoảng 48km/h).

Vào năm 1975, Loftus bước lên bục nhân chứng lần đầu tiên để đưa ra những hiểu biết của bà về ký ức. Kể từ đó, bà và những nhà tâm lý học khác đã làm chứng tại hàng trăm vụ xử án, nhưng cũng bị ngăn không cho tham dự tại rất nhiều phiên xử khác. “Các thẩm phán ban đầu rất e ngại với việc làm chứng này,” Loftus nói. “Họ nói điều đó (những hiểu biết về ký ức – BTV) chỉ là kiến thức phổ thông và không phải một vấn đề cần đến chuyên gia chứng nhận (expert witness)5.” Sau đó, trong một vụ án bước ngoặt vào năm 1983, Tòa án Tối cao Arizona đã phải rút lại một kết án giết người vì thẩm phán đã không cho phép luật sư biện hộ được gọi chuyên gia chứng nhận về ký ức. Tòa án Tối cao California cũng đưa ra quyết định tương tự vào năm sau đó, và thế cờ đã thay đổi. “Vào năm 2017, chúng tôi đã thấy một chuỗi những kết án bị rút lại vì không cho phép những nhà tâm lý học được tham gia [chứng nhận],” Loftus nói. “Từ những năm 1970 đến nay, chúng ta đã có những bước tiến lớn.”

Sự hồi tưởng của chúng ta có thể bị uốn nắn và làm ô uế, và thậm chí là được tạo ra hoàn toàn bởi trí tưởng tượng. Ảnh: Unsplash.

“Con người có thể bị dẫn dắt để nhớ tới quá khứ của họ theo nhiều cách khác nhau, và họ còn có thể bị dẫn dắt để nhớ những sự kiện chưa từng xảy ra với họ.” – Elizabeth Loftus và Jacqueline E. Pickrell, Tập san khoa học Psychiatric Annals 1995.

Ngành khoa học về ký ức có ý nghĩa sống còn theo đúng nghĩa đen, theo lời của Karen Newirth, công tố viên cao cấp của tổ chức Innocence Project, một nhóm giúp đấu tranh trả tự do cho những người bị xử oan. Newirth lưu ý rằng lời khai của nhân chứng đóng một vai trò quan trọng trong việc kết án hơn 70% những người mà sau đó được giải oan nhờ bằng chứng ADN. Có những lúc, nhân chứng quên mất các khuôn mặt mà họ đã thấy và tạo ra các ký ức sai lệch về những thủ phạm khác. Khi các luật sư của dự án Innocence Project yêu cầu xét xử lại một vụ án giết người, hoặc đòi hỏi cải cách trong việc hỏi cung và lập danh sách tình nghi, họ thường trực tiếp dẫn nghiên cứu của Loftus. “Mọi khía cạnh trong những việc chúng tôi đã làm để cố gắng ngăn chặn nhân chứng xác định nhầm người và những kết án bất công, đều liên quan đến nghiên cứu mà giáo sư Loftus đã gắn bó trong nhiều năm.”

Nhưng kể cả đến bây giờ, các thẩm phán không phải lúc nào cũng cho phép Loftus và các nhà tâm lý học khác làm chứng ở những vụ án [mà đầu mối quan trọng] dựa vào ký ức. Trong một ví dụ gần đây, Loftus tham gia vào nhóm bào chữa cho diễn viên hài Bill Cosby, người đã bị kết tội xâm hại tình dục nhiều phụ nữ trong vài thập kỷ trước đây. Các luật sư của Cosby đã thuê Loftus để đặt nghi vấn về những ký ức và những báo cáo của nhân chứng hạt nhân của vụ án, nhưng một thẩm phán đã từ chối nghe bà trong phiên tòa sơ thẩm. Một phiên tòa diễn ra sau đó đã kết thúc trong bế tắc vì các thành viên bồi thẩm đoàn không thể thống nhất trong việc đưa ra phán quyết. (Một phiên xử lại sẽ diễn ra vào tháng 11 [năm 2017].)

Cuộc chiến ký ức

Nhớ nhầm những chi tiết của một sự việc là một chuyện; tạo ra một ký ức mới hoàn toàn là một chuyện khác. Từ năm 1990, Loftus đã trở thành một nhân vật quan trọng trong Cuộc chiến Ký ức (Memory Wars), một cuộc tranh luận nảy lửa vẫn đang liên tục khuấy động hệ thống tư pháp hình sự và ngành tâm lý học. Cuộc tranh cãi này xoay quanh ý nghĩa và tính hợp pháp của “những ký ức được khôi phục” (“recovered memories”) – những sự kiện gây chấn động tâm lý, đã bị lãng quên trong rất nhiều năm, rồi lại trở về trong tâm thức.

Theo như giải thích của Loftus trong ấn bản của The Annual Reviews of Clinical Psychology (Tạm dịch: Báo cáo Tâm lý học Lâm sàng Thường niên) vào năm 2006, những báo cáo này thường trở lại trong quá trình trị liệu tâm lý hoặc thôi miên, lúc mà người bệnh trở nên đặc biệt sẵn sàng để nghe đề xuất. Nhiều người đã nhớ đến những thứ mà gần như chắc chắn là đã không xảy ra, bao gồm việc bị người ngoài hành tinh bắt cóc hoặc việc phải chứng kiến lễ hiến người trong các nghi lễ tế quỷ. Một số người khác bất chợt nhớ ra một vụ bạo hành hoặc giết người đã xảy ra từ lâu. Loftus và các nhà tâm lý học khác cho rằng những ký ức “được khôi phục” về tội phạm thường viễn tưởng tương đương những ký ức về việc bị người ngoài hành tinh bắt cóc, nhưng những lời khai dựa vào những ký ức như vậy đã khiến rất nhiều người phải vào tù.

Loftus bắt đầu vướng vào Cuộc chiến Ký ức lần đầu tiên vào năm 1990, khi bà được liên hệ bởi các luật sư của George Franklin, một người đàn ông đến từ California, bị kết án đã giết một bé gái 8 tuổi mất tích năm 1969. Bằng chứng duy nhất: con gái của Franklin có một ký ức “được khôi phục” rằng ông đã giết và cưỡng hiếp cô bé bị mất tích. Franklin đã bị kết án, nhưng đã được thả tự do 5 năm sau, sau khi một thẩm phán rút lại kết luận vì bằng chứng không đủ tin cậy. Loftus đã làm chứng trong vụ của Franklin và rất nhiều vụ khác, và điều đó đã chọc tức một số đồng nghiệp của bà. Vào năm 1996, Loftus từ chức tại Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association – APA), một phần là do một số thành viên chủ chốt của APA phản đối mạnh mẽ lập trường của bà về những ký ức được khôi phục.

Loftus tiếp tục làm chứng ở những vụ án có liên quan đến những ký ức được khôi phục, dùng chính những nghiên cứu của mình để củng cố lập luận của bản thân. Trong một khảo nghiệm ban đầu, các đối tượng được cho xem những mô tả về 3 sự kiện thơ ấu và một câu chuyện không có thật về việc bị lạc ở trung tâm thương mại vào lúc 5 tuổi. Loftus và đồng tác giả của bà đã xin ý kiến từ người thân của các đối tượng để có đủ chi tiết khiến câu chuyện bịa này nghe có lý. Trong phần phỏng vấn diễn ra sau đó, 25% các đối tượng đã nói rằng họ có nhớ là đã từng bị lạc ở trung tâm thương mại. Trong một số trường hợp, ký ức về sự kiện không tồn tại đó thậm chí còn mạnh hơn cả việc hồi tưởng lại những sự kiện thật. Kết luận là, như đăng trên bài báo cáo in trong Psychiatric Annals (Tạm dịch: Tập san Tâm thần học) năm 1995: “Con người có thể bị dẫn dắt để nhớ quá khứ của họ theo nhiều cách khác nhau, và họ còn có thể bị dẫn dắt để nhớ những sự kiện chưa bao giờ xảy ra với họ.”

Những ký ức được khôi phục vẫn được sử dụng làm chứng cớ tại các phiên tòa. Đáng chú ý, một trong những người buộc tội trong vụ án chống lại Jerry Sandusky, huấn luyện viên bóng đá tại trường đại học Penn State bị cáo buộc trong 45 vụ lạm dụng tình dục trẻ em năm 2012, đã nói rằng việc tư vấn [tâm lý] đã giúp mở ra nhiều ký ức bạo hành tưởng chừng đã mất từ trước. Vào tháng 5 năm 2017, Loftus đã làm chứng thay mặt Sandusky, qua điện thoại, trong một phiên xét xử để xem nếu ông ta có nên được hưởng một phiên phúc thẩm. (Yêu cầu này đã bị từ chối vào ngày 18/10/2017.)

“Chỉ có 11% trong số các nhà tâm lý trị liệu ngày nay đồng ý với quan điểm rằng những ký ức sang chấn được phục hồi trong quá trình thôi miên chắc chắn là có thật, giảm mạnh so với con số 23% vào năm 1992.”

Kể cả vậy, thái độ của mọi người đang thay đổi, dựa theo báo cáo được Loftus và đồng nghiệp ghi lại trong tạp chí Psychological Science (Tạm dịch: Khoa học Tâm lý) năm 2014. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 53 nhà tâm lý trị liệu có học vị tiến sĩ về những ký ức được khôi phục và so sánh kết quả với một khảo sát tương tự vào năm 1992. Chỉ có 11% trong số các nhà tâm lý trị liệu ngày nay đồng ý với quan điểm rằng những ký ức sang chấn được phục hồi trong quá trình thôi miên chắc chắn là có thật, giảm mạnh so với con số 23% vào năm 1992. Mặc dù thay đổi này đã động viên bà phần nào, Loftus vẫn nói rằng những hiểu lầm và ngộ nhận về ký ức vẫn rất phổ biến trong cộng đồng các chuyên gia về sức khỏe tâm thần. Ví dụ, gần 10% trong số 53 các nhà tâm lý trị liệu được khảo sát cho bài báo cáo năm 2014 nói rằng liệu pháp thôi miên có thể phục hồi lại những ký ức chuẩn xác về giây phút chào đời, một quan điểm mà Loftus cho rằng vô cùng ngớ ngẩn và về mặt sinh lý là bất khả thi. Mặc dù phần lớn các nhà tâm lý học và các nhà tâm lý trị liệu hiện nay đều đồng ý với quan điểm của bà rằng những ký ức được phục hồi cần phải được xem xét với rất nhiều nghi ngờ, Loftus và một số người khác vẫn tiếp tục gắn bó với công việc thuyết phục những người còn hoài nghi. “Những Cuộc chiến Ký ức vẫn đang tiếp tục,” bà nói.

Trên website của họ, APA nay đã nêu rõ rằng một số ký ức được khôi phục có thể là chính xác, nhưng phần lớn là không. Kết luận là: “Phần lớn những người đứng đầu ngành đều đồng ý rằng mặc dù đó là một việc hiếm khi xảy ra, một ký ức bị bạo hành từ thời thơ ấu đã bị lãng quên có thể được nhớ lại sau này. Tuy nhiên, những người đứng đầu này cũng đồng ý rằng việc tạo nên những ký ức giả nhưng đáng tin về những sự kiện chưa bao giờ xảy ra là hoàn toàn có thể.”

Tiến sĩ Elizabeth Loftus phát biểu tại TEDGlobal 2013. Ảnh: James Duncan Davidson.

Sự sẵn sàng – và thậm chí là sốt sắng – của Loftus khi làm chứng tại những vụ án gây nhiều tranh cãi cho những bị cáo khét tiếng đã biến bà trở thành mục tiêu của nhiều chỉ trích. Trong một bài báo tự truyện gần đây đăng trên Annual Review of Psychology (Tạm dịch: Báo cáo Tâm lý học Thường niên), bà đã chia sẻ những trích đoạn từ một bức thư gọi bà là một “con quỷ cái trơ mặt không biết xấu hổ của báo chí,” vì bà bác bỏ những nạn nhân bạo hành tình dục và ủng hộ những kẻ bạo hành.

Loftus nói rằng bà không thích sự công kích này cho lắm, nhưng bà thấy biết ơn khi được nghe ý kiến từ những người ở phía còn lại của câu chuyện: những người vô tội bị cáo buộc oan dựa vào những ký ức mập mờ. “Lòng biết ơn và sự khuây khỏa của họ đền bù cho tất cả mọi thứ khác,” bà nói.

Bà cũng có thể tin tưởng vào lòng biết ơn của Newirth và các luật sư đang cống hiến cho việc ngăn chặn những án oan. “Chúng ta đang ở một vị trí tốt hơn so với 5 hay 10 năm về trước, nhưng vẫn còn rất nhiều việc chúng ta phải làm,” Newirth nói. “Nghiên cứu của giáo sư Loftus sẽ tiếp tục đưa chúng ta về phía trước.”


  1. Quá trình ghi nhớ thông tin có 3 bước: mã hóa (encoding), lưu trữ (storage), và gợi nhớ (retrieval). Có rất nhiều lý do cho việc chúng ta ghi nhớ thông tin một cách không chính xác, và một trong số chúng là ký ức đã có thể bị lưu lại một cách sai lệch ngay từ bước đầu tiên. Trong bước mã hóa (encoding) này, bộ não của chúng ta phải xử lý rất nhiều thông tin trong cùng một lúc – nhiệt độ trong phòng, tiếng kêu của điều hòa, giọng nói của người ngồi đối diện bạn. Nếu bạn không ngó lơ những thông tin kia và dành tập trung cho một thông tin – là những gì người kia đang nói – thì khả năng cao là bạn sẽ không thể nhớ những gì họ nói một cách chính xác.

  2. Theodore Robert “Ted” Bundy (1946 —1989) là một tội phạm giết người hàng loạt người Mỹ. Hắn đã bắt cóc, hiếp dâm, và giết chết nhiều phụ nữ trẻ. Hắn đã chối tội trong hơn một thập kỉ và chỉ thừa nhận đã gây ra 30 vụ án rải rác tại 7 bang ở Mỹ trong khoảng thời gian từ 1974 đến 1978, trước khi nhận án tử hình vào năm 1989.

  3. Orenthal James Simpson (1947 — ) là cựu cầu thủ của đội bóng bầu dục Mỹ NFL. Vào năm 1994, ông bị khởi tố vì tội giết chính vợ mình, Nicole Brown Simpson, và một người bạn của vợ, Ron Goldman.

  4. Timothy James McVeigh (1968 – 2001) là một tên khủng bố người Mỹ. Hắn đã gây ra vụ đánh bom tại Oklahoma năm 1995, giết chết 168 người và làm 680 người bị thương.

  5. Tại Anh, Wales và Mỹ, một chuyên gia chứng nhận (expert witness) là một người có đủ hiểu biết, đào tạo, hoặc kinh nghiệm để được thẩm phán chứng nhận là một chuyên gia; và thẩm phán sẽ xem xét ý kiến và phân tích khoa học của người này. Lời khai của họ vẫn có thể bị phản bác bởi lời khai của các chuyên gia chứng nhận khác, hoặc bởi các bằng chứng khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất