Ngày xửa ngày xưa, ở một vùng đất xa xôi, mọc lên một quả thần. Từ quả này có thể chiết xuất một loại dầu hết sức đặc biệt, giúp bánh quy thêm tốt cho sức khỏe, xà phòng thêm tạo bọt, và khoai tây chiên thêm giòn. Loại dầu này thậm chí có thể khiến son môi thêm mịn màng và giữ kem thêm lâu chảy. Những công dụng hữu hiệu trên khiến người người lùng sục tìm mua thứ quả và loại dầu thần kỳ này.
Ở vùng đất quê hương của quả thần, người ta đốt trụi các cánh rừng để lấy đất trồng thêm cây quả thần. Khu rừng bốc cháy gây khói bụi nặng nề, khiến các loài vật sống trong rừng phải vội vã trốn đi. Loại khí phát thải trong đám cháy còn khiến không khí nóng lên. Thế rồi, tất cả mọi người đều buồn bã, bởi họ yêu thương các loài vật sống trong khu rừng, và họ nghĩ trời đã nóng lắm rồi. Một vài người quyết định không dùng loại dầu này nữa, nhưng rồi mọi chuyện lại đâu vào đó, và khu rừng tiếp tục chìm trong biển lửa.
Đây là một câu chuyện có thật, ngoại trừ các chi tiết thần thoại. Cây cọ dầu (Elaeis guineensis), mọc ở các vùng khí hậu nhiệt đới, cho quả chứa loại dầu thực vật linh hoạt nhất trên thế giới. Loại dầu này có thể dùng chiên rán mà không trớ mùi và pha trộn tốt với các loại dầu khác. Nhờ cấu tạo hợp chất nhiều loại chất béo và có độ quánh thích hợp sau khi tinh chế, dầu cọ trở thành nguyên liệu phổ biến trong các món bánh nướng đóng gói. Chi phí sản xuất thấp cũng khiến giá thành dầu cọ rẻ hơn các loại dầu chiên khác như dầu hạt bông hay dầu hướng dương. Dầu cọ cũng làm nên chất tạo bọt trong hầu hết các loại dầu gội, xà phòng dạng lỏng, hay chất tẩy rửa. Các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm ưa chuộng dầu cọ hơn mỡ động vật vì tính ứng dụng cao và giá thành thấp. Dầu cọ ngày càng được sử dụng nhiều với vai trò nguyên liệu thô rẻ trong các nhiên liệu sinh học, đặc biệt trong Liên minh châu Âu (EU). Loại dầu này là chất bảo quản tự nhiên trong thực phẩm chế biến sẵn, và trên thực tế còn giúp giữ kem lâu chảy hơn. Dầu cọ còn có thể được dùng làm chất kết dính các hạt gỗ trong ván sợi. Thân và lá cọ có thể được dùng làm đủ thứ, từ gỗ dán cho đến thân xe ô tô quốc dân của Malaysia.
Sản lượng dầu cọ trên toàn thế giới đã tăng trưởng đều suốt năm thập kỷ qua. Trong giai đoạn 1995-2015, sản lượng trung bình hàng năm đã tăng gấp bốn lần, từ 15,2 triệu lên 62,6 triệu tấn. Theo dự báo, tới năm 2050, lượng dầu được sản xuất sẽ một lần nữa tăng gấp bốn lần,đạt mức 240 triệu tấn một năm. Sản xuất dầu cọ để lại những dấu vết đáng kinh ngạc, khi diện tích đồn điền dành riêng cho sản xuất dầu cọ chiếm tới 10% tổng diện tích đất trồng trọt cố định trên toàn thế giới. Ngày nay, 3 tỷ người đến từ 150 nước trên thế giới sử dụng sản phẩm có chứa dầu cọ. Hàng năm, trên toàn cầu, trung bình mỗi người tiêu thụ 8kg dầu cọ.
85% sản lượng dầu cọ toàn cầu có nguồn gốc từ Malaysia và Indonesia, nơi nhu cầu tiêu thụ dầu cọ đã kéo theo sự tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người ở hai quốc gia này, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Nhưng cái giá phải trả là sự tàn phá môi trường nặng nề, và các vấn đề về bóc lột sức lao động và vi phạm quyền con người. Các vụ đốt rừng để lấy đất trồng cọ là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất tại đất nước 261 triệu dân Indonesia. Động lực tài chính nhằm khuyến khích sản xuất thêm dầu cọ không chỉ khiến Trái Đất nóng lên, mà cùng lúc đó phá huỷ môi trường sống duy nhất của loài hổ Sumatra, tê giác Sumatra, đười ươi, và đẩy các loài này đến bờ vực tuyệt chủng.
Thế nhưng, người tiêu dùng lại thường không nhận thức được rằng bản thân đang sử dụng sản phẩm chứa dầu cọ. Tổ chức Điều tra về Dầu cọ – tự xưng là “nhóm giám sát dầu cọ” – đã liệt kê hơn 200 nguyên liệu phổ biến trong thực phẩm và các sản phẩm gia dụng hay chăm sóc cá nhân có chứa dầu cọ, và chỉ 10% số này có ghi rõ từ “cọ” mà thôi.
Dầu cọ đã len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống của chúng ta như thế nào? Mức tiêu thụ dầu cọ tăng mạnh không phải do một sự đổi mới cụ thể nào. Thay vào đó, dầu cọ đơn giản xuất hiện vào đúng thời điểm. Các ngành công nghiệp sử dụng dầu cọ như một nguồn nguyên liệu thay thế, và nhiều nước xem việc sản xuất dầu cọ như một phương án xoá đói giảm nghèo. Các tổ chức tài chính quốc tế, như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), coi dầu cọ là động lực tăng trưởng cho các nền kinh tế đang phát triển, và đã thúc đẩy Malaysia và Indonesia sản xuất thêm dầu cọ.
Khi ngành công nghiệp dầu cọ mở rộng, các nhà bảo tồn và các tổ chức môi trường như Hoà bình Xanh bắt đầu đưa ra cảnh báo về những tác động tàn phá của ngành này lên lượng phát thải carbon và môi trường sống của động thực vật hoang dã. (Tuy nhiên, vẫn có cách để sản xuất dầu cọ bền vững, và một số tổ chức có thể chứng nhận các doanh nghiệp sản xuất bền vững.) Đáp lại các cảnh báo là một làn sóng phản đối dầu cọ: tháng Tư năm 2018, chuỗi siêu thị Iceland đã cam kết đến cuối năm 2018 sẽ loại bỏ hoàn toàn dầu cọ trong các thực phẩm trong thương hiệu của chính chuỗi siêu thị này. Vào tháng Mười Hai năm 2018, Na Uy đã cấm nhập khẩu dầu cọ sử dụng cho sản xuất nhiên liệu sinh học.
Nhưng muộn thay, khi nhận thức về tác động của dầu cọ dần lan rộng, dầu cọ đã len lỏi quá sâu vào trong nền kinh tế sản xuất và tiêu dùng, đến mức bây giờ có lẽ đã quá muộn để từ bỏ nguyên liệu này. (Một điều đáng chú ý là chuỗi siêu thị Iceland đã không thể thực hiện cam kết năm 2018. Thay vào đó, công ty này đã loại bỏ nhãn hiệu của mình khỏi các loại thực phẩm chứa dầu cọ, thay vì loại bỏ dầu cọ khỏi thực phẩm có nhãn của công ty.)
Việc xác định các sản phẩm chứa dầu cọ, chưa kể đến việc tìm hiểu xem nguồn dầu cọ bền vững đến mức nào, đòi hỏi cấp độ không tưởng về ý thức của người tiêu dùng. Nhưng chỉ có nâng cao nhận thức của người tiêu dùng ở các nước phương Tây là không đủ, bởi nhu cầu tiêu thụ dầu cọ ở châu Âu và Mỹ chỉ chiếm chưa đến 14% nhu cầu trên toàn thế giới, còn hơn một nửa nhu cầu trên thế giới đến từ châu Á.
Đã 20 năm kể từ khi những cảnh báo đầu tiên về tình trạng phá rừng ở Brazil được phát ra, hành động của người tiêu dùng chỉ làm chậm lại, chứ không thể dừng hẳn, tình trạng phá rừng. Với dầu cọ, “thực tế là phương Tây chỉ chiếm một phần nhỏ trong tiêu thụ dầu cọ, còn phần còn lại của thế giới chả thèm quan tâm,” Neil Blomquist – giám đốc điều hành công ty Natural Habitats có trụ sở tại Colorado, một doanh nghiệp sản xuất dầu cọ đã đạt được chứng nhận bền vững ở cấp độ cao nhất tại Ecuador và Sierra Leone – phát biểu. “Vậy nên, không có nhiều động lực để thay đổi.”
*****
Sự thống trị của dầu cọ trên toàn thế giới là kết quả của năm yếu tố. Đầu tiên, dầu cọ đã thay thế các loại chất béo kém lành mạnh với sức khoẻ trong thực phẩm ở các nước phương Tây. Thứ hai, các nhà sản xuất đã hối thúc để giữ giá dầu cọ ở mức thấp. Thứ ba, dầu cọ đã thay thế các loại dầu đắt đỏ hơn trong các sản phẩm gia dụng và chăm sóc cá nhân. Thứ tư, một lần nữa vì giá thành rẻ, dầu cọ được sử dụng rộng rãi trong nấu nướng tại các nước châu Á. Và cuối cùng, vì các nước châu Á này đang ngày càng giàu có, họ lại tiêu thụ ngày càng nhiều chất béo – phần nhiều dưới dạng dầu cọ.
Dầu cọ dần được áp dụng rộng rãi, bắt đầu từ ngành thực phẩm chế biến sẵn. Vào thập niên 60, các nhà khoa học bắt đầu đưa ra cảnh báo rằng hàm lượng cao chất béo bão hoà trong bơ động vật có thể làm tăng nguy cơ với các bệnh tim mạch. Các nhà sản xuất thực phẩm, trong đó có tập đoàn Anh-Hà Lan Unilever, bắt đầu thay thế bơ động vật bằng bơ thực vật làm từ dầu của các loại thực vật có hàm lượng chất béo bão hoà thấp. Nhưng đến đầu thập niên 90, hoá ra quá trình sản xuất các loại dầu trong bơ thực vật, hay còn gọi là quá trình hydro hoá một phần, lại tạo ra chất béo dạng trans thậm chí còn có hại hơn chất béo bão hoà. Hội đồng quản trị tại Unilever đã quyết định loại bỏ chất béo dạng trans khi nhận thấy giới khoa học đang dần nhất trí chống lại loại chất béo này. “Unilever luôn ý thức về lợi ích sức khỏe của người tiêu dùng các sản phẩm của công ty,” James W Kinnear, một thành viên hội đồng của Unilever tại thời điểm đó, cho hay.
Việc chuyển đổi diễn ra hết sức đột ngột. Năm 1994, Gerrit van Duijn, một quản lý tại các nhà máy tinh chế của Unilever, nhận được cuộc gọi từ cấp trên ở Rotterdam. Hai mươi nhà máy của Unilever tại 15 quốc gia cần phải loại bỏ các thành phần dầu hydro hoá một phần từ 600 hỗn hợp chất béo và thay bằng các thành phần không chứa chất béo dạng trans.
Dự án, vì lý do nào đó mà Van Duijn không giải thích được, có tên gọi “Paddington.” Đầu tiên, ông cần phải tìm ra loại nguyên liệu có thể thay thế mà vẫn giữ được các điểm mạnh của chất béo dạng trans, như có thể giữ được thể rắn ở nhiệt độ phòng – một đặc điểm bắt buộc cho các nguyên liệu giá rẻ thay thế bơ động vật, cũng như các loại thành phẩm như bánh quy. Cuối cùng, chỉ còn một lựa chọn duy nhất: tinh dầu từ cây cọ dầu – hoặc tinh dầu quả cọ, hoặc tinh dầu hạt cọ. Ngoài dầu cọ, không còn loại dầu nào có thể tinh lọc đến độ quánh cần thiết cho các sản phẩm bơ thực vật và bánh nướng của Unilever mà không tạo ra chất béo dạng trans. Theo lời Van Duijn, dầu cọ là lựa chọn thay thế duy nhất cho các loại dầu hydro hoá một phần. Dầu quả cọ và dầu hạt cọ cũng chứa ít chất béo bão hoà hơn bơ động vật.
Việc chuyển đổi ở các nhà máy phải diễn ra đồng thời, vì các dây chuyền sản xuất không thể xử lý hỗn hợp lẫn lộn dầu cũ và dầu mới được. “Phải hút hết các thành phần chứa chất béo dạng trans và nạp lại các thành phần không chứa chất béo này vào tất cả các bể chứa trong cùng một ngày,” Van Duijn cho hay. “Thật là một cơn ác mộng về mặt hậu cần.” (Bởi việc mua thêm bể chứa sẽ quá tốn kém.)
Vì Unilever đã từng sử dụng dầu cọ, nên chuỗi cung ứng đã được thiết lập và vận hành sẵn. Nhưng cũng phải mất đến sáu tuần để vận chuyển nguyên liệu thô từ Malaysia đến châu Âu, trong khi Van Duijn chỉ có ba tháng để chuyển đổi. Vậy nên ông bắt đầu mua thêm dầu quả cọ và dầu hạt cọ, và sắp xếp vận chuyển các lô hàng bằng xe tải đến các nhà máy theo lịch trình. Rồi một ngày vào năm 1995, khi các xe tải xếp hàng ngoài các nhà máy của Unilever tại châu Âu, việc chuyển đổi đã hoàn tất.
Thời khắc ấy đã thay đổi ngành công nghiệp chế biến thực phẩm mãi mãi. Unilever là nhà tiên phong; và sau khi Van Duijn chỉ đạo kế hoạch chuyển đổi sang dầu cọ của công ty, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm khác cũng nối gót. Năm 2001, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố rằng “để giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, chế độ ăn tối ưu sẽ chứa ít axit béo bão hoà, và loại bỏ gần như hoàn toàn axit béo dạng trans trong các loại chất béo nhân tạo.” Ngày nay, hơn hai phần ba lượng dầu cọ được sử dụng trong thực phẩm. Trong giai đoạn từ Dự án Paddington đến năm 2015, lượng tiêu thụ dầu cọ của EU đã tăng gấp hơn ba lần. Cũng vào năm 2015, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm khoảng thời gian ba năm để loại bỏ chất béo dạng trans khỏi tất cả các sản phẩm bơ thực vật, bánh quy, bánh kem, bánh nướng, bỏng ngô, pizza đông lạnh, bánh vòng và bánh quy được bán tại Mỹ. Hầu hết chất béo dạng trans trong các loại thực phẩm đã được thay thế bằng dầu cọ.
*****
Lượng dầu cọ trong thực phẩm tại khu vực châu Âu và Mỹ vẫn chưa là gì so với khu vực châu Á, khi Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia chiếm gần 40% lượng tiêu thụ dầu cọ trên toàn thế giới. Ở những nơi từng dùng dầu đậu nành để nấu nướng, dầu cọ đang dần thay thế. Mức tiêu thụ loại dầu này tăng cao nhất tại Ấn Độ, với một nền kinh tế ngày càng phát triển cũng thúc đẩy sự phổ biến ngày càng nhanh của dầu cọ.
Một trong những điểm chung của quá trình phát triển kinh tế, trên toàn cầu và xuyên suốt quá trình lịch sử, là tỉ lệ thuận giữa mức tiêu thụ chất béo của một nhóm dân số và mức gia tăng thu nhập. Ấn Độ cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Từ năm 1993 đến năm 2013, GDP bình quân đầu người tại quốc gia này đã tăng từ 298 USD lên 1.452 USD. Cũng trong giai đoạn này, lượng tiêu thụ chất béo ở khu vực nông thôn đã tăng 35%, còn ở khu vực thành thị là 25%, và dầu cọ là nguyên nhân chính trong hiện tượng leo thang này. Các “cửa hàng bình ổn giá” được chính phủ trợ cấp, hay mạng lưới phân phối thực phẩm cho người nghèo, bắt đầu bán dầu cọ nhập khẩu từ năm 1978, chủ yếu dành cho việc nấu nướng; và sau hai năm, 290.000 cửa hàng bình ổn giá đã nhập 273.500 tấn dầu cọ. Đến năm 1995, lượng nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ đã đạt gần 1 triệu tấn, và đạt trên 9 triệu tấn vào năm 2015. Trong những năm này, tỉ lệ nghèo đói tại Ấn Độ đã giảm xuống còn một nửa, trong khi dân số thì tăng 35%.
Nhưng tại Ấn Độ, người ta dùng dầu cọ không chỉ cho riêng việc nấu nướng tại nhà, mà ngày nay, dầu cọ đã chiếm một phần lớn trong ngành công nghiệp thức ăn nhanh đang ngày một phát triển. Thị trường thức ăn nhanh tại Ấn Độ đã tăng 83% chỉ trong giai đoạn 2011-2016. Theo báo cáo của quốc gia này, hiện đã có 2.784 cửa hàng thức ăn nhanh của các hãng Domino’s Pizza, Subway, Pizza Hut, KFC, McDonald’s và Dunkin’ Donuts trên toàn quốc; và các hãng này đều sử dụng dầu cọ. Doanh thu từ thực phẩm đóng gói tăng vọt 138% cũng trong khoảng thời gian tương tự; chỉ với vài cent là một người đã có thể mua cả tá đồ ăn vặt đóng gói có chứa dầu cọ.
Tính linh hoạt của dầu cọ không chỉ giới hạn trong ngành thực phẩm. Không giống như các loại dầu khác, dầu cọ có thể được “phân đoạn” – hay tách thành các loại dầu có độ quánh khác nhau – một cách dễ dàng và ít tốn kém, từ đó có thể sử dụng cho nhiều mục đích. “Dầu cọ có lợi thế vô cùng lớn vì tính linh hoạt của nó,” Carl Bek-Nielsen, giám đốc điều hành tại Tổng công ty Đồn điền Berhad – doanh nghiệp sản xuất dầu cọ có trụ sở tại Malaysia, cho hay.
Chỉ ít lâu sau khi ngành chế biến thực phẩm khám phá ra các tính chất kỳ diệu của dầu cọ, các ngành công nghiệp khác, từ sản phẩm chăm sóc cá nhân, cho đến nhiên liệu vận tải, cũng bắt đầu dùng dầu cọ để thay thế các loại dầu khác. Nếu chất béo dạng trans từng được lựa chọn vì những lợi ích trông thấy, nhưng hoá ra lại còn tệ hơn loại nguyên liệu chính chúng đã thay thế, thì tương tự, dầu cọ ban đầu cũng được sử dụng phần lớn vì tính thân thiện với môi trường.
Khi dầu cọ được sử dụng rộng rãi hơn trong ngành thực phẩm trên toàn thế giới, nó cũng dần thay thế các sản phẩm từ động vật trong các sản phẩm làm sạch và chăm sóc cá nhân như xà phòng, dầu gội, sữa dưỡng thể, và đồ trang điểm. Ngày nay, 70% mặt hàng chăm sóc cá nhân đều chứa ít nhất một chất dẫn xuất từ dầu cọ.
Trước đây, xà phòng thường được làm từ mỡ động vật, còn dầu gội – bắt nguồn từ tiểu lục địa Ấn Độ – ban đầu được làm từ chất hoạt động bề mặt (một loại chất có vai trò tẩy, nhũ hoá hay tạo bọt) có nguồn gốc thực vật. Sau đó, người ta bắt đầu ưa chuộng các nguyên liệu tổng hợp, và tiếp đến là mỡ động vật vào thế kỉ 20. Vào thập niên 80, ngành công nghiệp chăm sóc cá nhân bắt đầu nhận thấy người tiêu dùng ưa chuộng các thành phần “tự nhiên” hơn, hay “với nhiều người, điều này đồng nghĩa với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật thay vì động vật,” Chris Sayner – phó chủ tịch bộ phận doanh nghiệp bền vững tại công ty hóa chất Croda – cho biết. Khách hàng của Croda bắt đầu kiến nghị công ty nghiên cứu các chất hoạt động bề mặt có nguồn gốc thực vật và không có mỡ động vật.
Giống như khi được Van Duijn phát hiện tại Unilever, thành phần của dầu quả cọ và dầu hạt cọ biến chúng thành lựa chọn thay thế hoàn hảo. Các doanh nghiệp sản xuất, trong cuộc đua tìm kiếm nguyên liệu thay thế, nhận thấy dầu quả cọ và dầu hạt cọ chứa cùng tập hợp các loại chất béo có trong mỡ động vật. Không có nguyên liệu nào khác có các lợi thế tương tự và trên một phạm vi sản xuất rộng như vậy. “Người ta đã xem xét các nguồn thay thế [mỡ động vật],” Sayner nhớ lại. “Dầu quả cọ và dầu hạt cọ đã xuất hiện với vai trò nguyên liệu thay thế.”
Sayner tin rằng đợt bùng phát bệnh bò điên – một căn bệnh về não ở gia súc lan sang một số người ăn thịt bò – vào đầu thập niên 90, đã khởi động làn sóng chuyển dịch mạnh mẽ hơn trong thói quen tiêu thụ. “Công luận, thương hiệu và các chiến dịch marketing đều chung tiếng nói trong việc loại bỏ dần các sản phẩm có nguồn gốc động vật (animal-based) trong các ngành công nghiệp thiên hướng thời trang như chăm sóc cá nhân.” Các công ty châu Âu và Mỹ mà Croda từng cung ứng đều đồng loạt chuyển đổi.
Sự chuyển dịch từ mỡ động vật sang dầu cọ cũng tạo ra tình huống trớ trêu. Trong quá khứ, mỡ động vật – một sản phẩm phụ của ngành công nghiệp chế biến thịt – được tận dụng trong các sản phẩm như xà phòng. Nhưng giờ đây, để đáp ứng nguyện vọng của người tiêu dùng về các nguyên liệu được xem là “tự nhiên” hơn, các doanh nghiệp sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa và mỹ phẩm đã thay thế sản phẩm phụ có sẵn tại địa phương này bằng loại nguyên liệu phải được vận chuyển cả ngàn dặm và đang tàn phá môi trường tại các quốc gia khai thác. (Mặc dù, tất nhiên là, ngành công nghiệp chế biến thịt cũng gây hại môi trường theo cách khác.) “Sử dụng một sản phẩm phụ có sẵn tại địa phương không phải là thân thiện với môi trường hơn sao?” Sayner thắc mắc.
Tương tự với ngành nhiên liệu sinh học, ý định giảm thiểu huỷ hoại về môi trường lại gây ra những hậu quả khôn lường. Năm 1977, báo cáo của Uỷ ban châu Âu kêu gọi tăng tỉ lệ phần trăm tổng lượng tiêu thụ năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo. Ba năm sau, uỷ ban châu Âu trích dẫn các lợi ích về môi trường của nhiên liệu sinh học trong vận tải, và vào năm 2009, Chỉ thị về Năng lượng tái tạo (RED) được thông qua, trong đó, chỉ tiêu nhiên liệu sinh học chiếm 10% tổng lượng nhiên liệu vận tải cho đến năm 2020.
Tuy dầu cọ là nguyên liệu thay thế hoàn hảo trong thực phẩm và các sản phẩm gia dụng và chăm sóc cá nhân, đối với ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học, dầu cọ, dầu đậu nành, dầu hạt cải và dầu hướng dương đều mang lại hiệu quả như nhau. Nhưng dầu cọ có một lợi thế vượt trội so với các loại dầu khác: giá.
Theo lời ông Kalyana Sundram, giám đốc điều hành của Hội đồng Dầu cọ Malaysia, chính sách của EU “tạo ra một thị trường chưa từng thấy cho sự phát triển của dầu cọ.” Các nỗ lực lập pháp ở phương Tây nhằm kiểm soát ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường của nhiên liệu hóa thạch – Mỹ cũng có chỉ thị riêng về nhiên liệu sinh học vào năm 2007 – đã gây nên hậu quả nghiêm trọng về môi trường ở các nước kém phát triển, và đóng góp đáng kể vào hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Lượng nhập khẩu dầu cọ tại EU tăng vọt 15% – mức cao nhất trong lịch sử – vào năm 2010 ngay sau chỉ thị RED, và tăng thêm tới 19% vào năm 2011, khi lượng sử dụng nhiên liệu sinh học tại EU tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2011-2014. Cũng trong giai đoạn này, lượng dầu cọ thô được sử dụng cho sản xuất nhiên liệu sinh học tăng gấp năm lần. Hiện tại, một nửa lượng dầu cọ tại EU được dùng cho nhiên liệu sinh học, gấp đôi so với tỉ lệ trước chỉ thị RED. Tiêu chuẩn bền vững được thêm vào sau đó – mặc cho các chỉ trích từ Oxfam và một số tổ chức khác về tính hiệu quả của tiêu chuẩn này; và vào đầu tháng Hai năm 2019, các thành viên uỷ ban châu Âu đã đề xuất các giới hạn mới cho các cây năng lượng trong nhiên liệu sinh học có liên quan đến nạn phá rừng. Nhưng tại thời điểm đó, các tàn phá môi trường thực chất đã xảy ra.
*****
Cây cọ dầu may mắn có những đặc tính giúp nó bước đi trên con đường thống trị. Nó là cây trồng lâu năm và thường xanh nên có thể được dùng cho sản xuất quanh năm. So với các cây thường xanh khác, cây cọ dầu có hiệu quả quang hợp vượt trội, và so với các cây lấy dầu, nó ít đòi hỏi việc chăm bới đất trồng, từ đó giúp giảm chi phí. Cọ dầu có thể sinh sôi trên các loại đất mà không thể trồng các cây khác. Và quan trọng nhất là nó cho sản lượng cao nhất trên mỗi mẫu đất trồng cây lấy dầu – cao gần năm lần so với cải dầu, gần sáu lần so với hướng dương, và hơn tám lần so với đậu nành. Việc tẩy chay dầu cọ sẽ chỉ dẫn đến việc thay thế cây cọ dầu bằng các loại cây khác cần nhiều đất trồng hơn, và có thể dẫn đến phá rừng nhiều hơn.
“Chi phí sản xuất dầu cọ thấp hơn nhiều so với các cây lấy dầu khác hay mỡ động vật,” ông Sundram cho hay. “Các ngành công nghiệp chỉ đang cố điều hướng người tiêu dùng về các lợi ích của dầu cọ mà thôi.”
Trong nhiều thập kỉ, người ta chưa nhận ra lợi thế sản xuất của dầu cọ, cho đến khi một người Scotland có tên Leslie Davidson khởi xướng việc đổi mới có lẽ là quan trọng nhất trong lịch sử công nghiệp. Vào năm 1951, ở độ tuổi 20, Davidson đã đến Mã Lai thuộc Anh để làm việc tại một đồn điền của Unilever. Bốn năm sau, công ty chuyển ông tới Cameroon. Cây cọ dầu có nguồn gốc từ Tây Phi, và được đem từ nơi đây tới Malaysia vào năm 1875. Tại Cameroon, Davidson để ý thấy các loài côn trùng giống mọt gạo vây quanh các trái cọ. Ở Mã Lai, mặc dù các đồn điền tuyển hàng trăm nhân công để thụ phấn cho hoa bằng tay, nhưng quá trình thụ phấn lại diễn ra hiệu quả hơn ở Cameroon.
Khi Unilever chuyển Davidson về Mã Lai thuộc Anh (bây giờ là Malaysia) vào năm 1960, ông trình bày với cấp trên rằng có lẽ nền công nghiệp Malaysia đang thụ phấn sai cách, và rằng côn trùng mới là tác nhân thụ phấn tự nhiên cho cây cọ dầu. “Cấp trên bảo ông ấy tự lo thân mình đi và đừng tham gia vào,” Carl Bek-Nielsen, có quen biết với Davidson, cho hay.
Năm 1974, Davidson trở thành phó chủ tịch Nhóm Đồn điền Quốc tế của Unilever. Ông tuyển ba nhà côn trùng học, đứng đầu là nhà khoa học người Pakistan Rahman Syed, đến Cameroon nghiên cứu. Cuối cùng, Syed công nhận rằng linh cảm của Davidson là chính xác: một loài mọt đã giúp thụ phấn cho các cây cọ dầu, và Davidson được chính phủ Malaysia cho phép nhập khẩu một số lượng cá thể loài này.
Vào ngày 21 tháng Hai năm 1981, 2.000 cá thể Elaeidobius kamerunicus được thả trong khu đất Mamor của Unilever tại Johor. Lập tức có ngay kết quả mà không có tác dụng phụ, và các cá thể mọt thụ phấn được phân phối khắp Malaysia. Năm sau đó, cả nước chứng kiến sản lượng dầu quả cọ tăng lên 400.000 tấn, và sản lượng dầu hạt cọ tăng lên 300.000 tấn.
Kỹ thuật thụ phấn mới này là một yếu tố then chốt trong sự phát triển của ngành dầu cọ. Gia tăng sản lượng, cùng với việc tận dụng chi phí nhân công cho công đoạn thụ phấn thủ công vào công đoạn thu hoạch quả, đã dẫn đến sự bùng nổ về đất trồng dành riêng cho các đồn điền cọ dầu. Davidson đã thay đổi hoàn toàn tương lai của Malaysia và Indonesia.
Nhưng những thay đổi này sẽ không thể xảy ra nếu thiếu đi sự vận động từ các nhà hoạch định chính sách tại cả hai quốc gia trên. Raquel Moreno-Peñaranda, nghiên cứu viên về các hệ thống nông nghiệp và tư vấn viên cho các chính phủ, tại Viện Nghiên cứu Nâng cao thuộc Đại học Liên Hợp Quốc tại Tokyo, phát biểu: “Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều nỗ lực từ cả hai chính phủ nhằm hỗ trợ khu vực công nghiệp vì đây là cách phát triển kinh tế dễ dàng.” Bà Teresa Kok, bộ trưởng các ngành công nghiệp chính của Malaysia, phát biểu tại Hội nghị Dầu Cọ châu Âu tại Madrid vào tháng Mười năm 2018, rằng “Dầu cọ đồng nghĩa với xoá đói giảm nghèo.” Malaysia bắt đầu chương trình thúc đẩy xuất khẩu dầu cọ như một phương tiện xoá đói giảm nghèo vào năm 1961, bốn năm sau khi giành độc lập từ Anh. Trước đó, cao su là cây trồng chủ chốt, nhưng khi cao su mất giá, chính phủ đã khởi xướng chương trình thay thế các đồn điền cao su bằng cọ dầu. Năm 1968, Malaysia cho phép giảm thuế nhiều năm đối với các doanh nghiệp sản xuất dầu cọ. Sau đó, nền công nghiệp đầu tư mạnh vào công nghệ cắt nghiền để chiết xuất dầu quả cọ. Đầu thập niên 70, công nghệ chưng phân đoạn dầu cọ được phát triển, giúp mở rộng các ứng dụng của dầu cọ cả trong thực phẩm và các lĩnh vực khác.
Gần đây, các chủ đồn điền đã tìm ra cách tận dụng và tạo lợi nhuận từ các sản phẩm phụ như chùm quả rỗng, lá cọ, vỏ quả cọ, và vỏ hạt cọ. Các sản phẩm phụ trong quá trình cắt nghiền, trước đây bị thải ra các sông suối ở gần, thì giờ được dùng để sản xuất điện. Các dòng thu nhập mới này giảm rủi ro cho người trồng cọ thông qua việc đem lại thu nhập ngay cả khi giá dầu cọ giảm (như thời điểm năm 2019), và giúp đối phó với các rủi ro khác như tăng chi phí lao động và chi phí phân bón.
Nhưng động lực thúc đẩy gia tăng sản xuất dầu cọ không chỉ đến từ nội địa Malaysia và Indonesia. Các chính sách của Ngân hàng Thế giới vào thập niên 70 khuyến khích chính phủ Indonesia mở rộng trồng cọ tại các đồn điền nhỏ. Khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1998 đã đập tan xuất khẩu hàng hoá thành phẩm của khu vực, nhưng xuất khẩu hàng dân dụng, được trao đổi bằng USD, “xuất hiện như chiếc phao cứu sinh trong vùng biển động dữ dội,” Bek-Nielsen nhớ lại. Gói cứu trợ tài chính của IMF dành cho Indonesia yêu cầu nước này tạo ra thu nhập thông qua việc phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên và xoá bỏ các loại thuế xuất khẩu nhằm giữ giá hàng hóa trong nước ở mức thấp. Những biện pháp này càng khuyến khích mở rộng đồn điền cọ dầu. Cùng với IMF, khối tài chính tư cũng thúc đẩy sản xuất: Chỉ riêng các ngân hàng của Hà Lan đã cho các doanh nghiệp sản xuất dầu cọ của Indonesia vay hơn 12 tỉ đô-la trong giai đoạn 1995-1999.
*****
Đi kèm các lợi ích ngắn hạn cho các chủ đồn điền, người lao động, chính phủ, và các nhà tài phiệt của các quốc gia sản xuất dầu cọ là những hậu quả dài hạn vô cùng lớn tới môi trường toàn cầu. Để lấy đất cho các đồn điền cọ dầu, người ta tàn phá các khu rừng nằm trong số những nguồn tích luỹ carbon lớn nhất trên thế giới. Khi đốt những khu rừng này, lượng carbon tích luỹ bị phát thải.
Hiện nay, dầu cọ đóng góp tới 13,7% tổng thu nhập quốc gia (GNI) của Malaysia và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Indonesia. Tháng Mười năm 2018, tại hội nghị của Hiệp hội Dầu cọ châu Âu ở Madrid, các quan chức chính phủ từ hai quốc gia trên công bố những thành công đã đạt được trong xoá đói giảm nghèo nhờ vào dầu cọ (mặc dù những người trồng cọ, ít nhất là tại Indonesia, đã phản đối những công bố trên, cũng như kêu gọi chính phủ và nền công nghiệp tạo điều kiện hơn cho những người nông dân không phụ thuộc vào các đồn điền lớn). Các quan chức tiếp tục nhấn mạnh rằng tình trạng phá rừng đã được ngăn chặn và mục tiêu phát triển bền vững đã thành công, kể cả khi một diễn giả khác đã phát biểu tại hội nghị rằng tình trạng phá rừng, trên thực tế, còn gia tăng ở một số khu vực trong thập kỉ qua. (Vào tháng Chín năm 2018, tổng thống Indonesia đã ký lệnh gia hạn trả nợ thêm ba năm cho phát triển thêm đồn điền trồng cọ.)
Tuy các doanh nghiệp mua cần đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng, các quốc gia sản xuất hàng dân dụng lại chỉ cần đáp ứng các doanh nghiệp mua. Năm 2004, tổ chức phi chính phủ Những người bạn của Trái Đất tại Anh quốc đã phát hành báo cáo mô tả chi tiết tỉ lệ phá rừng từ việc sản xuất dầu cọ. Khi làn sóng phản đối lan rộng, cùng với mối lo ngại gia tăng giữa các doanh nghiệp sản xuất rằng tình trạng phá rừng đang diễn ra sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của họ, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), cũng vào năm đó, đã thuyết phục được một số nhỏ các doanh nghiệp trồng, sản xuất và phân phối dầu cọ thiết lập Hội nghị Bàn tròn về Dầu cọ Bền vững (RSPO). Một thập kỷ sau, hầu hết những doanh nghiệp chính sử dụng dầu cọ đã cam kết sản xuất theo quy trình được RSPO coi là “bền vững” và 19% lượng sản phẩm trên toàn cầu cũng được tổ chức này chứng nhận bền vững. Nhưng Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA), một nhánh của tổ chức Hoà bình Xanh, đã đánh giá RSPO là “dưới chuẩn một cách đáng buồn” và “trong một số trường hợp … thông đồng … nhằm che giấu các vi phạm.” (RSPO phản hồi trong một tuyên bố rằng tổ chức này “hết sức nghiêm túc xem xét các cáo buộc được đưa ra trong báo cáo của EIA, và chào đón việc này như một cơ hội để tăng cường đối thoại, và ngày càng [cải thiện] hệ thống chứng nhận của tổ chức.”)
Việc đảm bảo dầu cọ được sản xuất bền vững là cực kỳ khó khăn. Một xí nghiệp dầu cọ – mà chỉ tính riêng ở Malaysia đã có hàng trăm xí nghiệp như vậy – có thể mua quả cọ từ vô số các nhà cung cấp, và vì có vô vàn phương thức và chất dẫn xuất khác nhau, chuỗi cung ứng dầu cọ là một trong những chuỗi cung ứng nguyên liệu phức tạp nhất. Kể cả khi hệ thống chứng nhận bền vững hoạt động đúng cách, các nhà môi trường học vẫn chỉ trích những chương trình chứng nhận như vậy. Lấy ví dụ, một sản phẩm vẫn có thể được “chứng nhận bền vững” mặc dù 99% lượng dầu cọ có trong sản phẩm đó đến từ khu đất vừa xảy ra phá rừng. Theo RSPO, các tiêu chí chứng nhận ít nghiêm ngặt giúp khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, với hy vọng các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá bán lẻ sẽ nâng cấp độ chứng nhận bền vững một khi họ nhận ra dầu cọ được kiểm chứng sẽ bán được giá cao hơn.
Trước hội nghị của Hiệp hội Dầu cọ châu Âu, Inke van der Sluijs, người đứng đầu bộ phận châu Âu của RSPO, thú nhận rằng “rất ít doanh nghiệp đạt [cấp độ chứng nhận bền vững cao nhất] vì tính phức tạp và độ dài của chuỗi cung ứng. Nhiều nhà môi trường học xem RSPO là hệ thống mạnh mẽ nhất trong số các hệ thống chứng nhận, và khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất dùng dầu cọ được RSPO chứng nhận. Tuy vậy, một nửa lượng dầu cọ được chứng nhận bền vững không bán được: chừng nào còn ít người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn để mua dầu cọ được chứng nhận, chừng đó sẽ có rất ít thay đổi.
Hơn nữa, phần lớn dầu cọ chỉ có thể truy xuất được xa nhất tới xí nghiệp chiết xuất dầu cọ, chứ không phải khu vực đồn điền trồng cọ. Eyes on the Forest – một liên minh các tổ chức NGO tại Indonesia, trong đó có cả WWF (chính là tổ chức thúc đẩy chứng nhận dầu cọ) – phát biểu trong một báo cáo năm 2016 rằng “[bản thân] việc truy xuất nguồn gốc về xí nghiệp gây tốn thời gian và tiền bạc mà không đưa ra được giải pháp cho vấn đề các sản phẩm bất hợp pháp tham gia vào chuỗi cung ứng”. Hiện tại, ngày một gia tăng các nỗ lực triển khai công nghệ để truy xuất từng bó quả cọ về đúng cánh đồng và người nông dân ở nguồn, để cuối cùng có thể đảm bảo rằng người ta không phá thêm rừng để sản xuất dầu cọ nữa.
Một hy vọng khác để ngăn việc phá rừng trồng cọ là gia tăng sản lượng, nghĩa là nếu các đồn điền có sẵn có thể sản xuất được nhiều dầu cọ hơn, thì sẽ giảm bớt được nhu cầu mở rộng khu vực trồng cọ tới các khu vực rừng đa dạng sinh học. Rajinder Singh, người đứng đầu nhóm nghiên cứu hệ gen học tại cơ quan chính phủ Hội đồng Dầu cọ Malaysia, đã xác định các dấu hiệu gen có liên quan tới các đặc điểm nhất định nhằm tuyển chọn các cây cọ dầu năng suất cao, từ đó tránh lãng phí đất trồng cho các cây năng suất thấp. Các đồn điền hiệu quả nhất hiện tại có thể cho sản lượng khoảng sáu hoặc bảy tấn dầu cọ trên một héc-ta, nhưng theo ông Singh, “chúng tôi đã chứng kiến những cá thể cọ đơn lẻ có thể cho ra gần gấp đôi” lượng dầu cọ so với các chủng phổ biến. Khi các cây đi đến cuối vòng đời sản xuất khoảng 25-30 năm, có thể thay thế các cây này bằng các chủng hiệu quả hơn.
Nhưng kể cả việc tăng gấp đôi sản lượng cũng không đủ đáp ứng nhu cầu được dự báo là sẽ tăng gần gấp bốn lần cho đến năm 2050. Không có giải pháp dễ dàng nào. Việc thay thế dầu cọ bằng các loại dầu khác sẽ chỉ làm tăng nạn phá rừng, vì không có loại dầu cạnh tranh nào có sản lượng trên một đơn vị đất nhiều như dầu cọ: cây cọ dầu chiếm 6,6% lượng đất nông nghiệp để sản xuất dầu hoặc mỡ, mà chiếm đến 38,7% sản lượng đầu ra, theo nhóm công nghiệp Liên minh Dầu cọ châu Âu. Columbia đang ráo riết theo đuổi việc phát triển dầu cọ ở những vùng ban đầu dành cho việc trồng các loại cây trái phép như cây coca, nhưng sẽ còn phải cố gắng nhiều để bắt kịp sản lượng đầu ra của châu Á.
Dầu cọ trở nên phổ biến vì nó là nguyên liệu hoàn hảo cho một số các ngành công nghiệp đang lên, là mặt hàng xuất khẩu hoàn hảo cho các quốc gia đang phát triển, và là sản phẩm dân dụng hoàn hảo cho nền kinh tế toàn cầu hoá liên kết các quốc gia này. Người tiêu dùng giàu có đang hưởng lợi trên nhân công giá rẻ và rừng nhiệt đới quý giá có rất nhiều ở các quốc gia đang phát triển; và các nước này sẵn sàng đánh đổi hai điều trên với một cái giá rẻ mạt nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Nhưng mô hình này không bền vững. Nếu tình trạng này tiếp diễn, những khu rừng và sinh vật sống trong rừng sẽ biến mất, và giá nhân công sẽ tăng vì một số công nhân đã dịch chuyển đến vị trí xã hội mới, và họ nhận thức rằng có những công việc tốt hơn so với việc hái quả cọ. Các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng dầu cọ sẽ không còn gì nữa.
Các sản phẩm bền vững là những sản phẩm được sản xuất và tiêu thụ tại địa phương; vì khi người mua có thể chứng kiến quy trình sản xuất, họ sẽ đòi hỏi quy trình diễn ra phù hợp với các giá trị của họ. Còn khi khuất mắt trông coi, thật khó thuyết phục mọi người quan tâm đúng mực. Để thay đổi hiện trạng này, sẽ cần nhiều hơn một phép màu.