Bộ óc của con người rất đặc biệt. Nhưng nó cũng không hẳn là quá đặc biệt so với các loài động vật khác. Để hiểu được tư duy của động vật, và vị trí của chúng ta trong cuộc sống này, chúng ta cần phải loại mình ra khỏi vị trí trung tâm, Peter Aldhous lập luận.
Tinh tinh Tommy đã có mặt tại tòa vào ngày 8 tháng 10 năm 2014. Nó không được tham dự buổi điều trần trên danh nghĩa một “con người” – bị nhốt cả ngày, giống như những con khác, trong một cái lồng tại một khu buôn bán xe tải đã qua sử dụng ở Gloversville, New York. Tuy nhiên cách đó một giờ xe chạy, tại một tòa án ở thủ phủ bang Albany, Steven Wise thuộc Dự án Quyền của những Sinh vật phi nhân đã lập luận rằng Tommy nên được coi là một con người theo luật của bang New York. Nếu điều đó là thật, Patrick và Diane Lavery của Công ty bán xe tải Circle L có thể sẽ bị triệu tập để xác định liệu họ có đang giam giữ nó một cách bất hợp pháp hay không.
Những luận cứ trung tâm của Wise trong trường hợp của Tommy, và những tranh tụng tương tự mà tổ chức của ông đã đệ trình thay cho những con tinh tinh bị giam giữ khác, là khẳng định rằng loài tinh tinh là những sinh vật thông minh và biết tự nhận thức với cuộc sống đầy cảm xúc phức tạp. Wise nói với năm vị thẩm phán thụ lý vụ án này: “Những sự thật không thể thay đổi đó chứng tỏ rằng tinh tinh có quyền tự chủ và tự quyết định, vốn là những giá trị pháp luật tối cao.”
Đó là một nước cờ pháp lý táo bạo – và cho đến nay vẫn không thành công. Tòa án ở Albany, giống như một tòa án cấp thấp trước đó, đã bác bỏ ý kiến cho rằng Tommy có các quyền hợp pháp về nhân vị. Nhưng Wise dự định vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu, đưa trường hợp của Tommy lên cho trọng tài cuối cùng của bang, Toà Phúc thẩm New York.
Các sự kiện ở những nơi khác tại New York lại trái ngược hoàn toàn so với sự sẵn sàng của tòa án trong việc xem xét các vấn đề pháp lý về khoa học về nhận thức đối với động vật. Tháng 3 năm 2014, Câu lạc bộ Rip Van Winkle và Cây súng ở Palenville, ngôi làng nhỏ của 1.000 người dân trên sông Hudson, đã tổ chức lần thứ tư một lễ hội hàng năm nơi người ta cạnh tranh như thi đấu thể thao để bắn hạ các sinh vật có thể nói cũng xứng đáng với tư cách nhân vị như Tommy – nếu được đánh giá bằng các biện pháp khách quan về khả năng nhận thức của chúng.
Những sinh vật này là những con quạ, con vật làm mục tiêu cho cuộc thi “Crow Down” (Tạm dịch: Bắn Quạ) ở Palenville. Trong những năm gần đây, các thành viên của gia đình họ quạ – bao gồm quạ (crow và raven), chim giẻ cùi lam, và ác là – đã được phát hiện là có kỹ năng nhận thức từng được cho là vật sở hữu độc quyền của con người và những loài vượn lớn. Chúng tạo ra và sử dụng các công cụ. Chúng nhớ những chi tiết về quá khứ và lên kế hoạch cho tương lai. Chúng thậm chí còn có vẻ đáp lại kiến thức và mong muốn của nhau. “Đối với tất cả các nghiên cứu đã được so sánh trực tiếp cho đến nay, họ nhà quạ dường như cũng làm tốt tương đương những con tinh tinh,” nhà khoa học Nicky Clayton thuộc Đại học Cambridge, người sở hữu một phòng thí nghiệm mà tại đó một số khám phá thú vị nhất đã được thực hiện, cho biết.
Chúng ta nhìn vào mắt của một con tinh tinh và nhìn thấy sự phản chiếu của chính mình. Chúng ta lướt nhìn một con quạ và thấy một sinh vật xa lạ mà thông qua một số đạo luật ta có quyền tiêu diệt mà không bị trừng phạt – một ý nghĩa độc ác thứ hai cho cụm từ “a murder of crows”1. Những thành kiến như vậy ảnh hưởng đến những người bình thường cũng như các chuyên gia về khoa học, làm chệch hướng sự hiểu biết của chúng ta về việc trí thông minh phi nhân trông như thế nào. Các loài vượn, không nghi ngờ gì nữa, rất thông minh, nhưng khả năng nhận thức của chúng cũng đã được xem xét kỹ lưỡng hơn các loài khác – chủ yếu sử dụng các thí nghiệm được thiết kế để khám phá năng lực trí tuệ ở trẻ em. Những sinh vật có cùng dạng cấu trúc cơ thể và giác quan với chúng ta sẽ có những lợi thế lớn khi thực hiện các xét nghiệm này. Nếu chúng ta muốn hiểu được sự đa dạng của tư duy ở động vật – và bằng cách đó cũng có thể sẽ giúp ta hiểu rõ bản thân hơn – chúng ta phải đánh giá chúng theo các tiêu chí riêng của chúng.
Điều này rất khó thực hiện. Ngay cả khi biết chúng thông minh như thế nào, khi tôi gặp những con quạ của Clayton vào mùa hè vừa qua, tôi cảm thấy có rất ít sự đồng cảm. Một câu chuyện rất khác diễn ra vài tuần sau đó, khi tôi có cơ hội gặp những con sói nuôi nhốt. Tôi hoàn toàn ý thức được rằng chúng ta có thể tự đánh lừa mình khi nghĩ rằng loài chó và sói thông minh hơn thực tế bằng cách áp những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta vào chúng – nhưng tôi vẫn làm y như vậy.
Quan điểm của tôi về động vật cũng mâu thuẫn như bất cứ ai. Tôi sống với một con chó – trước một mất mát gần đây thì là hai con. Tôi ăn thịt. Tôi tin rằng một số thí nghiệm trên động vật vì tiến bộ y học trên con người và con thú là đúng đắn. Nhưng những trải nghiệm của tôi với tư cách là một nghiên cứu sinh tiến sĩ nghiên cứu về hành vi ở chuột, hồi cuối những năm 1980, đã để lại nhiều dấu ấn trong tâm trí tôi. Trước khi bắt đầu các nghiên cứu này, tôi đã không xem xét kỹ rằng tôi phải tiêu hủy hàng tá con chuột khi chúng không còn cần thiết cho một cuộc thử nghiệm. Những lần đầu khi làm điều đó, tim tôi đập dữ dội, miệng tôi khô khan, và tôi cảm thấy thật xây xẩm và tồi tệ. Có lẽ tôi đã nên nói với người giám sát của tôi rằng tôi cần phải thay đổi đề tài. Nhưng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu của tôi, và việc giết chúng trở nên dễ dàng hơn – thậm chí còn thật tầm thường. Nhìn lại thì điều đó làm tôi lo lắng hơn là những phản ứng bản năng ban đầu của tôi.
Chuột không có trong danh sách những sinh vật thông minh bất ngờ. Tuy nhiên, những kinh nghiệm của tôi khi cố gắng tìm hiểu đời sống xã hội của loài vật sống trong một thế giới bị chi phối bởi mùi hương khiến tôi đặt ra câu hỏi về tính thực tế của các thí nghiệm được thiết kế để thăm dò khả năng về sự tư duy ở những động vật phức tạp hơn. Thí nghiệm nổi tiếng nhất được biết đến là “thử nghiệm phản chiếu” (mirror test) của sự tự nhận thức, được phát minh vào năm 1970 bởi Gordon Gallup (ông hiện công tác tại Đại học Albany, Đại học New York.) Sau khi cho tinh tinh tương tác với một tấm gương một lúc, Gallup đánh dấu chúng với thuốc nhuộm trong khi gây mê, và sau đó nghiên cứu phản ứng của chúng đối với những ảnh phản chiếu của chúng sau khi chúng tỉnh lại. Những con tinh tinh nhìn vào gương trong khi chạm vào chỗ được đánh dấu, từ đó Gallup kết luận rằng chúng biết chúng đang nhìn chính mình. Khái niệm về bản thân được coi là một trong những dấu hiệu của tư duy cấp cao, và con người có hành vi tương tự từ khoảng 18 tháng tuổi.
Vấn đề của tôi với thử nghiệm phản chiếu không phải là ý nghĩa của việc thành công, thành công mà các loài vật ‘thông minh’ khác như voi, cá heo và ác là cũng đã đạt được, mà là vấn đề về cách chúng ta nên diễn giải sự thất bại. Phải chăng hầu hết các loài động vật đều thất bại là do chúng không có khái niệm về bản thân, hay do bài thử nghiệm không hề phù hợp đến những loài không sử dụng ngoại hình trong giao tiếp xã hội? Làm thế nào bạn thiết kế được một bài thử nghiệm tương tự sử dụng mùi hương cho một con chó săn hoặc sóng siêu âm cho một con dơi định vị bằng tiếng vang? Một con dơi nghe thấy phiên bản đã bị thay đổi của tiếng vang của nó có thể sẽ suy nghĩ rằng: “Đúng, đó là mình… mặc dù có điều gì đó kỳ lạ đang xảy ra…” – nhưng làm thế nào chúng ta biết được?
Nếu chúng ta muốn hiểu được sự đa dạng của tư duy ở động vật – và bằng cách đó cũng có thể sẽ giúp ta hiểu rõ bản thân hơn – chúng ta phải đánh giá chúng theo các tiêu chí riêng của chúng.
Tôi không đổ lỗi cho các nhà nghiên cứu vì tập trung tìm kiếm những gì tách biệt con người khỏi những loài sinh vật gần nhất với chúng ta. Tư duy của con người rõ ràng là đặc biệt: tinh tinh và những con vượn khác không tạo ra những bản giao hưởng, thiết kế máy bay hay tạo ra các thí nghiệm để thăm dò khả năng trí tuệ của nhau. Khó khăn xảy ra khi chúng ta cố gắng chia nhỏ sức mạnh trí tuệ của chúng ta thành các bộ phận cấu thành của nó, nhằm mục đích làm rõ chính xác thì tại sao chúng ta lại khác với các loài khác.
Đã từng có một danh sách dài về các thuộc tính nhận thức được cho là chỉ có con người mới có: bao gồm ngôn ngữ, đạo đức, giải quyết các vấn đề bằng cách phát minh ra các công cụ, hướng suy nghĩ về quá khứ hoặc tương lai, và “lý thuyết về tư duy” – khả năng thừa nhận những mong muốn, kiến thức và các trạng thái trí tuệ khác vào người khác, biết rằng những điều này có thể khác với của chúng ta. Trong vài thập kỷ qua, tượng đài về tính độc nhất vô nhị của nhận thức con người đã dần bị sứt mẻ khi các loài khác lần lượt vượt qua các bài kiểm tra về kỹ năng nhận thức, đầu tiên là các vượn lớn và sau đó là những động vật khác, bao gồm cả voi và cá heo. Đồng thời, khoảng cách giữa những loài “thông minh” này và những loài nằm cách xa chúng ta trong “cây sự sống”2 (the tree of life) có thể nói là đã bị đóng lại.
Văn học dân gian trong nhiều nền văn hoá liên tưởng con quạ đến trí tuệ và sự khôn ngoan, nhưng chỉ gần đây khoa học mới bắt kịp ý tưởng này. Sự công nhận đầu tiên về việc các thành viên của gia đình họ quạ có thể cạnh tranh với loài vượn về sự thông minh đã đến vào giữa những năm 1990, khi Gavin Hunt thuộc Đại học Massey ở Bắc Palmerston, New Zealand, cho biết quan sát thực địa của ông về những con quạ có nguồn gốc từ rừng New Caledonia – một quần đảo ở Nam Thái Bình Dương.
Hunt nhìn những con quạ biến cành cây nhỏ thành những cái móc để bắt con mồi từ những cái lỗ trong cành cây chết, hoặc bắt côn trùng bằng cách sử dụng dụng cụ có gai cắt từ lá cây dứa dại. Nghiên cứu sau đó với loài quạ ở New Caledonia (Tạm dịch: Tân Thế giới) đã chứng minh rằng quan sát của Hunt không phải là sự tình cờ. Trong một thí nghiệm nổi tiếng tại Đại học Oxford, một con quạ tên là Betty đã nhanh chóng tìm ra cách cuốn dây thành một cái móc để nhấc một cái xô nhỏ đựng thức ăn ra khỏi ống, sau khi người bạn đồng hành của nó nhấc lên bằng một sợi dây đã được định hình sẵn theo cách này.
Những con quạ ở New Caledonia không chỉ là các nhà chế tạo giỏi. Chúng dường như hiểu rõ nguyên nhân và kết quả, và có khả năng tạo nên những hành vi đáng kinh ngạc trong việc sử dụng công cụ siêu dẫn: sử dụng một công cụ nhằm vận dụng một công cụ khác để đạt được mục tiêu cuối cùng. Và, về mặt nào đó, những con quạ này có vẻ giỏi hơn tinh tinh trong việc vận dụng kỹ năng giải quyết vấn đề này sang vấn đề khác giống nhau về khái niệm nhưng có vẻ hơi khác vẻ bề ngoài. Có một thử nghiệm tiêu biểu là thử nghiệm đặt bẫy, trong đó một con vật phải tìm ra cách sử dụng một cây gậy để lấy thức ăn ra khỏi ống, biết rằng đẩy thức ăn theo một hướng thì lấy được phần thưởng, nhưng đẩy nó theo hướng khác thì sẽ làm thức ăn rơi vào bẫy. Những con quạ ở New Caledonia đã giải quyết vấn đề này tốt hơn những con quạ chưa được tiếp xúc với nó trước đó khi được đưa vào một thử nghiệm khác tên là bàn đặt bẫy, nơi chúng được lựa chọn giữa hai loại thức ăn, một là có thể được kéo về phía chúng trên một mặt phẳng – hoặc hai là sẽ rơi vào một cái bẫy tương tự. Đối với tinh tinh và các loài vượn lớn khác, kinh nghiệm trước đây với ống bẫy không mang lại lợi ích gì cho bàn bẫy. Vượn lớn dường như không hiểu được là cả hai trò chơi đều có quy luật tương tự: Đừng để thức ăn rơi xuống lỗ!
Những loại nhiệm vụ giải quyết vấn đề này là những thí nghiệm kinh điển của tâm lý học so sánh, thường được sử dụng để so sánh khả năng nhận thức của trẻ nhỏ và tinh tinh. Khá dễ để điều chỉnh chúng sao cho phù hợp với những con quạ có tầm nhìn tốt và cái mỏ khéo léo gần như bàn tay của một đứa trẻ hay tay vượn. Nhưng để hiểu biết về năng lực rộng hơn của sự nhận thức ở họ quạ đòi hỏi một bước nhảy vọt của trí tưởng tượng, bước vào thế giới của loài chim để tạo ra các thí nghiệm thăm dò các quá trình trí tuệ đằng sau những hành vi hàng ngày của chúng.
Nicky Clayton đã tạo nên bước nhảy vọt đó trong khi làm việc tại Đại học California, Davis, vào cuối những năm 1990. Một đồng nghiệp của cô là nhà tâm lý học, Tony Dickinson thuộc Đại học Cambridge, đã nói với cô một cách tự tin rằng các động vật đều thiếu “bộ nhớ sự kiện” (episodic memory) – một khả năng tự truyện để nhớ về những gì đã xảy ra, ở đâu và khi nào. Đó là một quan điểm chính thống, nhưng Clayton lại có những nghi ngờ lớn: “Theo hiểu biết của tôi, chưa ai từng kiểm tra điều đó,” cô nhớ lại. Clayton lúc ấy đang nghiên cứu hành vi tìm kiếm thức ăn ở những con chim giẻ cùi bụi miền tây, và cô nhận ra thói quen chôn thức ăn vào trong các chỗ chứa của chúng cung cấp một cơ hội vàng để xem những ký ức của chúng hình thành như thế nào.
Đầu tiên cô và Dickinson cho những con chim giẻ cùi đi tìm những con ấu trùng sâu và đậu phộng trong những cái khay được đổ đầy cát. Loài chim này nhanh chóng biết được rằng ấu trùng sâu sẽ trở nên không ngon sau vài ngày trong khi hạt đậu phộng vẫn sẽ còn tốt để ăn. Trong những thí nghiệm tiếp theo, chim giẻ cùi đã tìm ra những nơi mà họ giấu đồ ăn ưa thích của chúng – những ấu trùng sâu – nếu chỉ mới có bốn giờ kể từ khi chúng nhìn thấy khay chứa, nhưng sẽ đi tìm đậu phộng nếu đã qua vài ngày. Và lý do không phải vì chúng ngửi thấy mùi hôi thối của những con ấu trùng sâu: ngay cả khi những thức ăn đó đã được bỏ đi và các khay chứa được đổ đầy cát mới, những con chim giẻ cùi vẫn chỉ đi tìm những vị trí mà chúng đã giấu những con ấu trùng sâu khi chúng còn tươi mà thôi.
Không có cách nào để biết được liệu trí nhớ của những con chim giẻ cùi bụi về việc khi nào và ở đâu chúng giấu các món ăn có liên quan đến việc hướng ý nghĩ của chúng về quá khứ một cách có ý thức, như cách mà tư duy con người tiếp cận vấn đề. Tuy nhiên, đây cũng là một luận chứng ấn tượng mà khoa học có thể cung cấp về những gì Clayton gọi là “bộ nhớ giống bộ nhớ sự kiện” ở một con vật.
Nếu các nhà khoa học sáng tạo đặt mình vào thế giới trí tuệ của các loài khác để thiết kế các thí nghiệm khảo sát khả năng trí tuệ ấn tượng của chúng, chúng ta sẽ có được một bức tranh toàn cảnh hơn về trí thông minh ở động vật
Những con chim giẻ bụi của Clayton hiện nay sống trong một chiếc lồng lớn ở Madingley, một ngôi làng tĩnh lặng bên ngoài Cambridge, nơi đặt trụ sở của Cục nghiên cứu Hành vi Động vật (Sub-Department of Animal Behavior) của trường Đại học này. Khi tôi đến thăm, bằng chứng về hành vi cất trữ của chúng được thể hiện rất rõ ràng. Chúng không chỉ giấu đồ ăn: đá, nút chai và đinh đã bị nhét chặt giữa lưới dây bao quanh và khung gỗ của nó. Mất một lúc tôi mới nhìn thấy một trong những con chim chôn một món ăn – rõ ràng sự có mặt của tôi đã làm gián đoạn trật tự công việc thông thường. “Bởi vì anh là người lạ, và chúng không biết anh, chúng đang thăm dò anh đấy,” Clayton nói với tôi. Tôi nhìn chằm chằm lại, cảm thấy bị chấn động bởi sự khác biệt giữa chúng tôi. Tôi đã đọc các bài báo khoa học; tôi biết chim giẻ bụi tinh vi về nhận thức như thế nào. Nhưng tôi lại không cảm thấy có mối gắn kết về mặt tình cảm nào như tôi cảm thấy mỗi lần đối mặt với một con tinh tinh bị giam cầm.
Clayton, ngược lại, dường như không gặp khó khăn nào trong việc đồng cảm với những động vật thí nghiệm của cô. Một phần, cô cho rằng điều này xuất phát từ khát khao được chắp cánh bay bấy lâu của cô. Đó là điều đã thúc đẩy sự cống hiến suốt đời của cô cho việc học ba lê, điều mà cô tin rằng sẽ mang cô đến gần nhất tới giới hạn con người có thể làm để có trải nghiệm đó. Và cô tin rằng dành phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình để suy nghĩ như một nghệ sĩ đã giúp cô suy nghĩ về tư duy ở động vật một cách dễ dàng hơn theo các tiêu chí riêng của chúng. “Chúng ta bị giới hạn bởi thực tế rằng, là con người, chúng ta nhìn thấy mọi thứ một cách đặc biệt,” cô nói. “Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể thử giảm thiểu những khó khăn đó bằng cách tự đưa mình ra khỏi bức tranh – đó là những gì mà các nghệ sĩ luôn luôn làm.”
Bất kể những lời giải thích, những khám phá từ phòng thí nghiệm của Clayton đã nhanh chóng trở nên dày dặn. Những thí nghiệm gần đây đã khai thác được thực tế là những con chim giẻ, giống như con người, có thể đã ăn no một thứ thực phẩm nhưng vẫn mong muốn một loại thực phẩm khác. (Đây là lý do tại sao chúng ta vẫn có thể ăn món tráng miệng ngay cả khi chúng ta sẽ từ chối bữa ăn chính thứ hai.) Làm việc với một nghiên cứu sinh tiến sĩ, Lucy Cheke, Clayton đã phát hiện ra rằng thậm chí nếu những con chim giẻ Á Âu được ăn no một loại thức ăn cụ thể, chúng vẫn sẽ bỏ qua những mong muốn hiện tại của chúng và cất trữ một cách chọn lọc những món ăn đó nếu chúng biết rằng nó có thể sẽ khan hiếm trong tương lai. Như vậy, bây giờ chúng ta rõ ràng đã thấy loài chim giẻ có thể lập kế hoạch trước, ngoài việc hành động dựa theo những ký ức cụ thể trong quá khứ.
Có vẻ như chim giẻ cũng ghi nhận kiến thức và mong muốn của bạn bè chúng. Sau khi các con chim giẻ Á Âu đực theo dõi các bạn tình ăn ấu trùng sâu hoặc sâu bột đến no nê, nhóm nghiên cứu của Clayton phát hiện ra rằng những con chim đực đó sẽ mang về một cách chọn lọc các món ăn khác cho bạn tình của chúng. Chẳng phải là do những con đực đáp ứng một số tín hiệu hành vi như “Tôi muốn ấu trùng sâu!” ở con mái, bởi vì chúng chỉ cung cấp thức ăn ưa thích đó nếu chúng thực sự nhìn thấy bạn tình của chúng đã no nê sâu bột.
Những thí nghiệm trước đây với chim giẻ bụi đã cho thấy loài chim này thay đổi hành vi khi chúng nhận ra rằng chỗ giấu đồ của chúng có thể bị đánh cắp. Nếu thấy bị theo dõi bởi một con chim giẻ khác trong lúc giấu đồ, chúng sẽ di chuyển chỗ giấu đó vòng quanh cho đến khi được riêng tư. Điều quan trọng là, chúng chỉ thực hiện hành vi phòng ngừa này nếu trước đó chúng đã đột nhập vào chỗ giấu của một con chim giẻ khác. Một khi chúng biết được rằng ăn cắp là điều mà những con chim giẻ khác có thể làm, có vẻ chúng sẽ phản ứng lại đúng như khi mà một con chim khác biết chỗ giấu của chúng bị đe doạ. Hoặc, như Clayton nói: “Cần một tên trộm để nhận biết kẻ trộm.”
Các kết quả này cho thấy chim giẻ có cái gì đó mà ở trẻ em được gọi là lý thuyết về tư duy – suy nghĩ về trạng thái trí tuệ của người khác, và nhận ra rằng chúng là những sinh vật tự trị với kiến thức và động cơ của riêng chúng.
Vì vậy, nếu các nhà khoa học sáng tạo đặt mình vào thế giới trí tuệ của các loài khác để thiết kế các thí nghiệm khảo sát khả năng trí tuệ ấn tượng của chúng, chúng ta sẽ có được một bức tranh toàn cảnh hơn về trí thông minh ở động vật, phải không? Có lẽ thế, nhưng sự chăm chăm vào bản thân mình của con người có vẻ như cũng đánh lừa chúng ta trong việc coi một số động vật đặc biệt hơn thực tế. Tôi tin rằng điều đó đang xảy ra với người bạn thân nhất của con người, vì một số thí nghiệm có thể tiết lộ nhiều hơn về việc các nhà khoa học đang thực hiện chúng hơn là về khả năng trí tuệ của các động vật tham gia. Chó thậm chí đã bị đưa vào máy MRI để xem liệu chúng có yêu chúng ta hay không, khiến nhà khoa học Gregory Berns của Đại học Emory University ở Atlanta, tuyên bố với tờ New York Times: “Chó cũng là người.”
Những gì đặc biệt về chó, theo lý thuyết, là chúng đã được chọn giống qua hàng chục ngàn năm để hồ hởi một cách khác thường trong việc tương tác với con người. Chẳng hạn, chó dường như đặc biệt giỏi trong việc đọc ánh nhìn của con người và cử chỉ chỉ dẫn để tìm thức ăn bị giấu. Năm 2002, nhóm nhà nghiên cứu do Brian Hare, khi đó công tác tại Đại học Harvard, dẫn đầu đã phát hiện ra rằng những con chó nhà luôn đánh bại những con sói và tinh tinh được con người nuôi dưỡng, củng cố thêm cho ý tưởng rằng những kỹ năng này là kết quả của nhiều thế hệ chọn lọc nhân tạo.
Tại Wolf Park (Tạm dịch: Công viên Chó sói) ở Battle Ground, Indiana, các phát hiện của Hare đã gây ra một vài sự ngạc nhiên. Pat Goodmann, nhân viên chăm sóc sói lâu năm tại công viên, rất hoài nghi. “Tôi có thể nhớ khá nhiều trường hợp tôi chỉ tay để ra hiệu cho một người khác, nhưng một con sói đã hiểu và làm theo,” cô nói. Những sự việc đó luôn đọng lại trong tâm trí cô, bởi vì chúng thường xuyên liên quan đến một đồ vật – chẳng hạn như một lon bia trong hồ nước ở khu vực chính của công viên – mà cô thực sự không muốn lũ sói lấy.
Vài năm sau, những nghi ngờ tại Wolf Park về công việc của Hare đã đến tai Clive Wynne, tại Đại học Florida ở Gainesville, người lúc đó mới bắt đầu điều tra hành vi của loài chó cùng với nghiên cứu sinh tiến sĩ Monique Udell. Nghe vậy, Wynne và Udell bay tới Indiana và thực hiện các thí nghiệm chỉ tay tương tự như vậy, với một điểm khác biệt chính là người làm dấu thì ở bên trong hàng rào với những con sói, chứ không phải bên ngoài và bị ngăn cách bởi hàng rào. Trong những trường hợp như vậy, những con chó sói thể hiện tốt hơn những con chó cưng, con vật thể hiện rất tốt trong nhà nhưng lại phải vật lộn khi thử nghiệm bên ngoài. Còn những con chó từ các trại thú vô chủ, có ít kinh nghiệm tương tác với con người, khá vô dụng. “Tất cả những con vật này đều có khả năng nhận thấy mối quan hệ giữa những thứ mà con người làm và những hậu quả quan trọng đối với chúng,” Wynne nói. “Điểm khác biệt là ở những gì chúng trải nghiệm trong cuộc sống của chúng.”
Kết luận của Wynne là: Các kỹ năng của những con chó về nhận thức xã hội không phải do con người tạo thành thông qua chọn lọc nhân tạo; chúng đã hiện diện sẵn trong đàn sói. Ông cũng không tin rằng những khả năng này có liên quan đến bất cứ điều gì phức tạp hơn việc học tập đơn giản.
Khi Wynne và Udell thực hiện các thí nghiệm ban đầu của họ, họ đã ở ngoài khu vườn và để cho Goodmann và các đồng nghiệp của cô thực hiện việc chỉ tay. Nhưng tháng tám vừa rồi, tôi đã có cơ hội để được tiếp cận và gần gũi với một trong những “ngôi sao” ở đây, một con sói cái mang tên Marion. Vốn đã chín tuổi khi tham gia các bài kiểm tra chỉ tay, Marion giờ là bà sói lão làng của Wolf Park. Nó nay 16 tuổi, gần trắng như tuyết, và mặc dù những người bạn của nó đã qua đời, nó không thể hòa hợp với bất kỳ đàn sói nhỏ nào khác ở Wolf Park: vốn là đầu đàn, nó sẽ cắn xé bất kỳ đối thủ nào thành từng mảnh – hoặc sẽ chết khi cố gắng làm điều đó.
Những người không quen thuộc được hoan nghênh sau khi được hướng dẫn về các phép lịch sự của loài sói: để Marion đến với bạn, vuốt ve nó, nhưng lâu lâu phải biết giữ khoảng cách. Hóa ra những con sói được nuôi từ nhỏ sẽ có khuynh hướng nằm yên nếu có ai đó chạm vào chúng, nhưng nếu đó không phải là những gì chúng thực sự muốn làm, chúng có thể thấy khó chịu. Tôi rất vui khi nói rằng cuộc gặp gỡ của tôi với Marion và những cư dân khác của Wolf Park hoàn toàn êm đẹp. Thậm chí chúng tôi đã thử một lần lặp lại tại chỗ thí nghiệm chỉ tay – mặc dù lúc đó Marion đã nhận ra rằng cái túi gắn ở thắt lưng Goodmann có chứa một số món ăn ngon, vì vậy nó không quan tâm chú ý đến bất cứ thứ gì khác nữa.
Một ngày của tôi tại Wolf Park đã củng cố cho sự khó khăn khi thực hiện điều mà Clayton yêu cầu là tự loại mình ra khỏi bức tranh khi chúng ta nghĩ đến tư duy ở động vật. Khi Marion trườn lên phía trước để liếm mặt tôi, tôi tưởng như mình được về nhà với những con chó của chúng tôi. Sau đó, khi đi lang thang qua khu bảo vệ chính với những cư dân nhỏ tuổi nhất của công viên – Bicho, Kanti và Fiona – tôi thấy một màn biểu hiện hung dữ của ba đứa con này đối với cha mẹ chúng, nằm ở khu vực lân cận. Vì vậy, khi một con đực khỏe mạnh tên Kanti, kiểm tra tôi bằng cách dựa vào chân của tôi, tôi không thể không cảm thấy ớn lạnh sợ hãi.
“Vấn đề không phải ở mình,” giọng nói của nhà khoa học khi xưa trong thâm tâm tôi lên tiếng, nhắc nhở tôi quan sát những gì các con vật đang làm, chứ không phải bị dẫn dắt bởi những phản ứng cảm xúc của tôi với chúng. Nhưng vào lúc đó, tâm trí của tôi chỉ có thể nghĩ về cách phản ứng đối với những con sói kia, và tôi hầu như không thể làm gì để thay đổi điều đó.
Chắc chắn ta là những động vật hết sức ấn tượng, nhưng ta không phải là những động vật ấn tượng duy nhất.
Có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc đánh giá các bằng chứng về trí thông minh ở động vật bằng các tiêu chí riêng của chúng nếu chúng xuất hiện từ những tư duy lạ lẫm đến mức chúng ta thậm chí không cố gắng để áp đặt bản thân lên chúng. Điều đó có thể xảy ra, từ các nghiên cứu về động vật thân mềm – như bạch tuộc, mực và họ hàng của chúng. Ở đây chúng ta đang nói về động vật không xương sống có bộ não được tổ chức hoàn toàn khác so với chúng ta: chúng có hệ thần kinh được phân bố, với não nhỏ trong các xúc tu, cùng với bộ não chính. Nhưng Clayton đã phát hiện ra rằng mực nang dường như nhớ những sự kiện trong quá khứ, trong khi người ta đã quan sát được là bạch tuộc mang theo vỏ dừa để sử dụng như nơi trú ẩn nếu bị tấn công, điều này cho thấy chúng có sự hoạch định khi sử dụng dụng cụ.
Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu làm việc về nhận thức ở động vật có xương sống đang bắt đầu bác bỏ những thành kiến quá tập trung vào con người của ngành này. Trong Tam giác Vàng của Thái Lan, Josh Plotnik của Đại học Cambridge làm việc tại một khu nghỉ mát sang trọng, nhà của một đàn voi tham gia vào nghiên cứu của ông khi không bận chở khách du lịch. Plotnik bắt đầu với danh sách thông thường của các thí nghiệm đã thử trên trẻ nhỏ và tinh tinh, bao gồm cả thử nghiệm phản chiếu. Nhưng bây giờ thì ông nhận ra rằng ông cần phải hiểu rõ hơn về thế giới cảm quan của loài voi – chi phối bởi mùi hương và âm thanh ở tần số thấp – trước khi ông có thể tìm ra cách khám phá toàn bộ khả năng nhận thức của chúng.
“Tôi sẽ thật không đúng khi lấy tất cả các thí nghiệm ở tinh tinh và thực hiện nguyên xi trên loài voi.” Plotnik cho biết. “Nếu thế, thì tôi sẽ xuất bản tất cả những kết quả tiêu cực này, và nói rằng: ‘Voi không thể làm điều này. Voi không thể làm điều kia.’ Trong khi thực tế, chúng có thể, nếu chúng ta đặt ra những câu hỏi đúng cách.”
Điều này có thể có ý nghĩa vượt xa các thử nghiệm “thành công-hay-thất bại” đơn giản về các kỹ năng nhận thức được dựa trên con người và thay vào đó là xem xét chi tiết những gì Alex Taylor của Đại học Auckland ở New Zealand, một đồng nghiệp của Clayton, gọi là “dấu hiệu” nhận thức. Ý ông là không chỉ ghi lại rằng một nhiệm vụ về trí tuệ có thể được thực hiện hay không, mà còn phải chú ý đến các tỷ lệ lỗi sai và nghiên cứu các hoàn cảnh khiến các năng lực thất bại – tốt hơn hết là có thể sử dụng ảnh chụp não bộ để xem xét các hoạt động thần kinh có liên quan diễn ra lúc đó.
Thật khó để đoán được cách tiếp cận để nghiên cứu tư duy ở động vật này có thể dẫn đến đâu, nhưng chẳng phải nó sẽ rất thú vị nếu chúng ta thấy rằng một số động vật đang suy nghĩ theo cách có thể tránh được những sai lầm điển hình của con người? Chúng ta rất dở trong việc đánh giá khi nào thì nên nhận lấy rủi ro kinh tế, ví dụ như thường đặt quá nhiều giá trị vào tài sản mà chúng ta đã sở hữu – ngay cả khi nếu chúng ta lấy chúng ra để đổi lấy cơ may có được một khoản lợi lớn hơn là hành động hợp lý nhất. Tôi cũng có thể tưởng tượng rằng việc khảo sát các năng lực trí tuệ ở động vật cụ thể có thể có những ứng dụng cho trí tuệ nhân tạo, mặc dù chúng ta vẫn còn một chặng đường rất dài để có thể tái tạo khả năng nhận thức của động vật phi nhân. Và khi chúng ta tìm kiếm trên bầu trời để nhận biết dấu hiệu của trí thông minh ngoài trái đất, chắc chắn chúng ta không muốn bị giới hạn trong việc suy nghĩ về “trí thông minh” có nghĩa là gì đơn thuần theo cách hiểu của con người.
Bây giờ, tư duy duy nhất có sẵn cho chúng ta để nghiên cứu là những tư duy trên hành tinh của chúng ta. Đừng lãng phí cơ hội này bằng việc tranh cãi về việc liệu tinh tinh Tommy, chó cưng của chúng ta, hay bất kỳ loài sinh vật nào khác có nên được coi là con người hay không, và thay vào đó là chấp nhận câu “thần chú”: “Con người cũng là động vật.”
Chắc chắn ta là những động vật hết sức ấn tượng, nhưng ta không phải là những động vật ấn tượng duy nhất.
Đây là một cách chơi chữ: giống như đàn cá là “a school of fish”, đàn ong là “a swarm of bees”, người ta gọi đàn quạ là “a murder of crows”. Mặt khác, động từ murder có nghĩa là “cố sát”↩
Khái niệm “cây sự sống” là một câu chuyện thần thoại phổ biến nằm trong các thần thoại trên thế giới, liên quan đến loài cây thiêng liêng tồn tại trong truyền thống tôn giáo và triết học. Nó được sử dụng như một phép ẩn dụ cho cây phát sinh của các loài có chung nguồn gốc trong ý nghĩa tiến hoá, được thể hiện trong một đoạn văn nổi tiếng của Charles Darwin (1872).
Theo Encyclopædia Britannica, “cây tri thức”, loài cây kết nối giữa thiên đàng và trần thế, cùng “cây sự sống”, liên kết tất cả các hình thức sáng tạo, đều là dạng của “cây thế giới” hay còn gọi là “cây vũ trụ”, và chúng được khắc họa trong nhiều tôn giáo và triết lý khác nhau là cùng một cây.
Xem thêm tại: https://en.wikipedia.org/wiki/Tree_of_life↩