a
§ Tác giả: James Baillie | Nguồn: aeon
Biên dịch: Mai Nhi | Hiệu đính:  Diễm Quỳnh
01/03/2020

Trong tiểu thuyết ngắn The Death of Ivan Ilyich (Tạm dịch: Cái chết của Ivan Ilyich, 1886), Leo Tolstoy đã kể cho chúng ta câu chuyện về một người đàn ông đột ngột nhận ra cái chết của mình là điều không thể tránh khỏi. Nếu chúng ta có thể dễ dàng nhận thức được rằng những căn bệnh hiểm nghèo có thể đến bất cứ lúc nào, thì tại sao đến khi ấy Ivan mới nhận ra một điều hiển nhiên như vậy? Nhưng đó lại chính là vấn đề của Ivan. Đối với ông, nó không chỉ là một bất ngờ, nó còn là một cú sốc mà Ivan không thể nào chấp nhận được.

Ông đã được học trong sách Luận Lý của Kizeveter một thí dụ của tam đoạn luận1 như sau : “Caius là một con người, mọi con người đều phải chết, nên Caius phải chết.” Lý luận trên nghe có vẻ rất đúng với ông khi nó được áp dụng cho Caius. Khi nói đến Caius, hay con người nói chung, thì sự chết là tự nhiên. Nhưng ông, ông không phải là Caius, cũng không phải là một con người bất kì. Ông vẫn luôn luôn là một người tương đối khác biệt so với mọi người.”2

Câu chuyện này sẽ chẳng bao giờ trở thành một tuyệt phẩm vốn có nếu nó chỉ đơn thuần diễn tả cái dị thường, lạ lùng trong tâm lý của một nhân vật hư cấu mà chẳng có chút gì tương đồng với đời thật. Điểm cuốn hút của nó chính là ở việc nó đã khơi gợi trong ta một cảm giác kì lạ, thứ dẫn ta đến điểm mấu chốt của việc thế nào là một con người..

Năm 1984, ngay trước sinh nhật thứ 27 của mình, tôi cũng trải qua cảm giác như Ivan khi đó: rằng một ngày nào đó tôi sẽ biến mất khỏi cõi đời này. Đó là “cú sốc hiện sinh” đầu tiên và dữ dội nhất cuộc đời tôi. Và cho đến tận bây giờ, vẫn chưa có điều gì có thể khiến tôi khủng hoảng hơn thế.

Mặc dù ta chỉ có thể biết chính xác một cú sốc hiện sinh là như thế nào sau khi trải qua nó, nhưng trải nghiệm ấy cũng không đảm bảo được rằng bạn sẽ hiểu được những gì bạn đã trải qua vào ngay lúc đó và cả sau này. Nỗi hoảng sợ gây ra bởi cú sốc như một lưỡi dao sắc lạnh khiến bạn mất đi khả năng tư duy. Và một khi nó đã trôi qua, thì gần như không còn chi tiết nào đọng lại trong đầu bạn cả. Việc cố gắng nhớ lại chuyện đã xảy ra cũng giống như ghép những mảnh vụn mơ hồ, chỉ khác là khi ấy ta lại vô cùng tỉnh táo.

Trong khi chúng ta dễ dàng công nhận sự khác thường của cú sốc hiện sinh, thì nguyên nhân dẫn đến nó thực ra lại không có gì là xa lạ. Đúng là ta không thể nào phủ nhận nó. Đó là lý do vì sao hiện tượng này gây hoang mang đến vậy. Tôi phát hiện ra mình sẽ chết ư? Ôi chà, tôi biết điều đó chứ, thế thì có gì ngạc nhiên nào? Thật quá đơn giản để thừa nhận tôi đã biết từ lâu rằng mình sẽ chết, vì ở một khía cạnh nào đó, tôi đã – và vẫn –  không thật sự tin vào điều ấy. Thái độ mâu thuẫn này bắt nguồn từ hai lối suy nghĩ cơ bản nhất về bản thân, mà tôi tạm gọi chúng là ngoại quan (outside view) và nội quan (inside view).

Giờ ta hãy thử coi cái chết hiển nhiên của tôi là tin cũ rồi nhé. Nó xuất phát từ khả năng đặc biệt của con người, khả năng tách rời khỏi hành vi và những ràng buộc, để từ đó mỗi chúng ta tự xem mình là một cá thể của một thế giới nội tâm độc lập, độc nhất vô nhị. Khi tôi nhìn bản thân mình “từ bên ngoài,” bằng cách này, tôi không ngần ngại công nhận việc mình sẽ chết. Tôi hiểu rằng tôi tồn tại là do vô số sự việc ngẫu nhiên hợp lại, và dù không có tôi, sự sống vẫn sẽ tiếp diễn như nó vốn thế. Những suy ngẫm này chẳng mảy may khiến tôi bận tâm, và sự bình thản này là do, dù tôi có suy ngẫm về sự ra đi của bản thân, nó vẫn luôn giống như tôi đang nghĩ về một ai khác vậy. Đúng thế, ngoại quan đã đặt một khoảng cách giữa tôi, một người luân lý và bản thân tôi, chủ thể của vấn đề.

Một cách cơ bản khác để nhìn nhận bản thân chính là cách chúng ta cảm nhận cuộc sống thường ngày, “từ bên trong.” Một khía cạnh quan trọng của nội quan đã được Mark Johnston nghiên cứu gần đây trong cuốn Surviving Death (2010) (Tạm dịch: Qua cái chết), đó là bản chất nhận thức của trải nghiệm tri giác. Thế giới được trao cho tôi như thể nó được ai đó đặt xung quanh cơ thể tôi, nhất là trong trí não, nơi cất giữ phần lớn bộ máy giác quan. Tôi chưa bao giờ trải nghiệm thế giới mà không có tôi “ở trung tâm,” là trục xoay mà tất cả đều phải tuân theo. Mỗi khi tôi di chuyển thì vị trí của cái trung tâm tưởng tượng ấy cũng thay đổi. Cái quỹ đạo của trải nghiệm cá nhân cũng chính là nguồn gốc cho những suy nghĩ, tâm tư và cảm xúc của tôi. Johnston gọi nó là “sân khấu của sự hiện diện và hành vi.” Khi chúng ta nghĩ đến mình như trung tâm của sân khấu này, ta sẽ thấy thật khó để tin rằng bộ não, nhận thức và thế giới quan này sẽ không còn tồn tại vào một ngày nào đó.

Thế giới được trao cho tôi như thể nó được ai đó đặt xung quanh cơ thể tôi, nhất là trong trí não, nơi cất giữ phần lớn bộ máy giác quan.

Nội quan là cơ chế mặc định. Vì thế, xu hướng tự động của chúng ta trải nghiệm thế giới này như thể nó quay quanh ta theo đúng nghĩa đen, và điều đó ngăn ta chấp nhận những gì ta đã biết khi nhìn nhận một cách khách quan từ bên ngoài, rằng thế giới có thể và sẽ tiếp tục vận hành mà không cần có chúng ta.

Khi chúng ta nghĩ đến mình như trung tâm của sân khấu này, ta sẽ thấy thật khó để tin rằng bộ não, nhận thức và thế giới quan này sẽ không còn tồn tại vào một ngày nào đó. Ảnh: Unsplash.

Để có thể ‘tiêu hóa’ thực tế phũ phàng về sự tồn tại ngắn ngủi của mình trên thế gian này, tôi cần phải nhận ra, không chỉ trong trí não, rằng những trải nghiệm hằng ngày chỉ làm tôi hiểu sai vấn đề, không chỉ về từng chi tiết mà còn là về mặt tổng thể. Ta có thể áp dụng triết lý nhà Phật để nhận biết sự sai lệch khủng khiếp này. Theo lời của Jay L Garfield trong Engaging Buddhism (Tạm dịch: Nhập môn Phật đạo, 2015), ta đối mặt với sự “nhầm lẫn căn bản” khi quan sát thế giới và bản thân mình thông qua lăng kính của siêu hình học dựa trên nền tảng hình thái vật chất. Ví dụ, tôi xem mình là một cá nhân riêng lẻ, độc lập với một bản chất cố định khiến tôi là chính tôi. Cái lõi “tôi” này chính là cái neo, là cơ sở cho những thay đổi liên tục về cả thể chất lẫn tinh thần của tôi. Garfield không cho rằng tất cả chúng ta đều phải thừa nhận cái lõi ‘“tôi” này. Thành thật mà nói, bản thân tôi cũng không đồng tình với nó. Mà thay vào đó tôi cho rằng sự nhầm lẫn căn bản ấy là sản phẩm của phản ứng phi lý trí và thường được vận hành trơn tru dưới lớp vỏ nhận thức chủ động.

Khi ta kết hợp những lập luận của hiện tượng học liên quan đến tính trung tâm của chúng ta đối với thế giới và cả cách nhìn nhận bản thân dưới dạng vật chất, có thể dễ dàng nhận thấy tại sao những yếu tố này làm sự không tồn tại của chúng ta là điều không thể tưởng tượng được “từ phía trong,” và do đó điều giúp ta có thể hiểu rõ nhất về sự tồn tại chính mình lại chính là những tri thức riêng biệt có được từ ngoại quan.

Một cách nhìn khác của Phật giáo thay cho cái nhìn duy vật chính là “Vô ngã,” được phát hiện bởi David Hume. Với Hume, nội tâm được cấu thành bởi một chuỗi những thay đổi trong suy nghĩ, tâm tư và cảm xúc. Ông coi sự thiếu vắng của bằng chứng minh chứng cho một cái tôi vật chất chính là bằng chứng cho thấy sự thiếu vắng của chính cái tôi đó, và ông đã kết luận trong A Treatise of Human Nature (1739-40) (Tạm dịch: Một Chuyên luận về Bản chất Con người) rằng khái niệm “cái tôi” chỉ đơn thuần là một ngõ tắt để đề cập đến mạng lưới mắt xích nhân – quả của các trạng thái tinh thần, chứ không phải là cái gì đó khác biệt so với chúng.

Khái niệm “cái tôi” chỉ đơn thuần là một ngõ tắt để đề cập đến mạng lưới mắt xích nhân – quả của các trạng thái tinh thần.

Mặc dù chúng ta có thể tìm thấy một số điểm tương đồng về tư tưởng trong kinh Phật, nhưng lập luận triết lý chỉ là một phần nhỏ trong giáo lý của họ. Phật giáo duy trì việc thiền định để một người có thể trực tiếp trải nghiệm cái “vô ngã” hơn là chỉ dừng ở việc tưởng tượng ra nó. Những phương pháp lý thuyết và thực hành hỗ trợ lẫn nhau và được đồng thời phát triển như nhau.

Nào ta hãy trở lại với cú sốc hiện sinh. Một người có thể bị cuốn hút trong việc kiếm tìm những yếu tố kì lạ, điểm xuyết vào tình trạng bình thường của mình, để rồi lâm vào trạng thái lo lắng. Nhưng, tôi tin rằng một cách tiếp cận tốt hơn đó chính là cân nhắc những gì cần được loại bỏ khỏi cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Khủng hoảng hiện sinh xuất hiện từ sự thay đổi về mặt bản chất bên trong nội quan, khi mà sự nhầm lẫn căn bản mà ta đã bàn trước đó biến mất, và bỏ ta ở lại, trực tiếp đối mặt với khoảng thời gian hữu hạn của mình. Tôi thấy triết lý của vô ngã không chỉ đơn thuần là một ý tưởng, mà còn là một dấu ấn. Tôi thấy cái tôi của mình là một kẻ giả dối, giả danh làm cái bản ngã thường trực. Điều phức tạp nhất của cú sốc hiện sinh, ấy là cảm giác choáng váng khi phát hiện ra rằng kiểu gì thì mình cũng sẽ chết, đến từ việc cái chết của tôi được tái bối cảnh hóa thành một phần của sự thừa nhận một cách bản năng về những triết lý cơ bản của vô ngã.

Nhưng điều này cũng đặt ra câu hỏi, điều gì đã khiến cho sự nhầm lẫn căn bản này đôi lúc tạm thời biến mất? Câu trả lời nằm trong những lời nhận xét của Hume, rằng chuyển động tự nhiên của trạng thái tinh thần bị chi phối bởi những nguyên tắc có liên kết với nhau, trong đó dòng suy nghĩ và cảm xúc thường chạy trên những con đường quen thuộc, từ trạng thái này có thể dễ dàng được dẫn dắt chuyển sang trạng thái khác. Sự vận hành không ngừng nghỉ của cơ chế liên kết này giữ cú sốc nằm ngủ yên và sự sụp đổ của chúng đã dẫn tới sự thức tỉnh của cú sốc.

Không phải ngẫu nhiên khi mà cú sốc hiện sinh đầu tiên của tôi xảy ra sau một khóa tu dài và khắc nghiệt. Việc rời xa khỏi cảnh vật quen thuộc – mối quan hệ xã hội, những vật dụng thường ngày, những thú vui giải trí và giải tỏa căng thẳng – tạo ra một môi trường khác lạ và ít phụ thuộc vào chế độ “tự động” hơn. Điều này đã mở màn cho một cú sốc hiện sinh, dựng lên một bảng báo DỪNG! – một khoảng đứt gãy đột ngột và triệt để trong tôi. Trong một khoảnh khắc, tôi đã thấy bản thân mình theo cái cách mà nó vốn thế.


  1. Tam đoạn luận là một cách suy luận trong suy luận diễn dịch
    Diễn dịch Tam đoạn luận là suy luận đi từ hai mệnh đề để tiến đến một kết luận tất yếu đã ngầm chứa trong hai mệnh đề đó.
    Tam đoạn luận gồm 3 bộ phận: tiền đề lớn, tiền đề nhỏ, và kết luận.
    Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Tam_%C4%91o%E1%BA%A1n_lu%E1%BA%ADn

  2. Trích dẫn từ: https://www.dtv-ebook.com/cai-chet-cua-ivan-ilich-lev-tolstoy_7249.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất