a
§ Tác giả: Raymond Coppinger & Lorna Coppinger | Nguồn: Nautilus
Biên dịch: Bích Trâm | Hiệu đính:  Dexter
28/07/2017

Chó là gì? Nhiều người cứ nghĩ rằng những chú chó là sản phẩm sáng tạo từ các trại nuôi chó. Bạn tốt nhất của con người là chó thuần chủng chứ không phải chó hoang. Những người bạn này sống khắp mọi nơi ở Mỹ, Châu Âu, và những nước phát triển khác, và chủ yếu là vật nuôi trong nhà. Chúng chỉ sống ở những nơi con người dễ dàng tiếp cận với vacxin phòng bệnh dại và bệnh sài sốt. Chúng là kết quả của những khẩu hiệu thương mại nhất định bắt nguồn từ các cửa hàng thú cưng, những người gây giống, các công ty thức ăn cho chó, thuốc thú y, tạp chí, và các cuốn sách. Nhưng liệu những dòng giống được sinh ra từ việc phối giống dưới tác động của con người như vậy có thực sự đại diện cho loài chó? Có thể chó lạc, chó đường phố, chó vùng lân cận, chó làng, và thậm chí là chó hoang dã trên thế giới mới là chó thực sự trải qua tiến hóa và chọn lọc một cách tự nhiên?

Khi quan sát những chú chó ở bãi rác Mexico City, nhiều sinh viên của chúng tôi có thể nói, “Những con chó này khác với chó thực sự-đây là những con chó lai.” Hàm ý là những con chó ở các trại nuôi chó là tổ tiên của những con chó làng. Mọi người dường như tin rằng nếu một con chó trông không giống một giống chó xác định ở các trại nuôi chó thì nó hẳn là chó lai. Họ nghĩ rằng nếu đem tất cả giống thuần chủng cho giao phối ra một vài thế hệ, kết quả nhận được sẽ giống như là quần thể chó ở bãi rác Mexico City.

Những chú chó làng đáng yêu của chúng ta không phải là kết quả của sự chọn lọc nhân tạo và cũng không là kết quả của sự lai giống từ những con chó lạc.

Tuy nhiên điều này không thể đúng. Ví dụ, tất cả những con chó ở Đảo Đông Phi thuộc Pemba trông đều giống nhau, và chúng chưa bao giờ đến những nơi gần bất kỳ trại phối giống nào. Việc phối giống chó là kết quả của những gì mà Darwin gọi là chọn lọc nhân tạo, để ông phân biệt với chọn lọc tự nhiên. Ông đã vô cùng bất ngờ với những người phối giống chim bồ câu hay chó hay vô số các loài nuôi trồng khác. Chọn lọc nhân tạo theo Darwin xảy ra khi con người lựa chọn một đặc điểm đặc trưng bằng cách cô lập giao phối một cá thể đực và một cá thể cái từ quần thể chung. Con người hiện đại với những hàng rào thép và lồng sắt khá dễ dàng để thực hiện cô lập, lý giải vì sao phần lớn các giống chó hay bất kể giống gì đều có quan hệ gần. Vì thế, chọn lọc nhân tạo đã mở đường cho việc tạo ra các giống chó một cách có chủ đích như ngày nay.

Chỉ khoảng 15 phần trăm chó trên thế giới là thuần chủng, nếu để chúng trộn lẫn với quần thể tự do kia, cũng sẽ chẳng ảnh hưởng đến cấu trúc di truyền của thế giới loài chó. Nếu bạn thả 150 triệu con chó thuần chủng vào tự nhiên cùng một lúc, chúng sẽ chẳng thể tồn tại được lâu. Tại sao ư? Chúng không thích nghi được với bất kỳ hốc sinh thái1 nào, và số lượng những con chó này sẽ nhanh chóng bị vùi trong 850 triệu con chó làng hay chó đường phố, hoặc là không tìm được đủ thức ăn hoặc là lai tạo với những con chó hoang.

Những chú chó làng đáng yêu của chúng ta không phải là kết quả của sự chọn lọc nhân tạo và cũng không là kết quả của sự lai giống từ những con chó lạc. Sự tương tự về kích cỡ và cấu trúc tổng quát của tất cả chó đường phố và chó làng cho bạn một một manh mối – manh mối về sự chọn lọc tự nhiên.

Trong hàng tỉ con chó trên thế giới, ba phần tư chúng trông khá giống với những cá thể của các loài chó khác. Một vài năm trước chúng tôi đã đặt câu hỏi cho một người chăn gia súc của bộ lạc Navajo rằng chó chăn gia súc ở Navajo trông như thế nào. Ông ấy nói rằng, “Một con chó chăn gia súc Navajo không quá to cũng không quá nhỏ.” Đối với chúng tôi thì chó chăn gia súc Navajo giống hệt chó chăn gia súc ở Sonora và chó ở một vùng quê ở miền núi Venezuela hay những con chó chúng tôi từng làm việc ở phía đông Nam Phi hoặc bắt gặp ở Ấn Độ hay Trung Quốc về kích cỡ, hình dáng và các biến thể màu sắc. Điều đó đúng với phần đông chó trên trái đất – chúng không quá to và cũng không quá nhỏ. Một trong những chi tiết đáng chú ý nhất về 75 phần trăm chó trên thế giới về tự kiểm soát khả năng sinh sản của mình đó là: Tất cả chúng đều trông giống nhau.

Đối với nhà sinh vật học, sự tương đồng đó hàm ý về quá trình chọn lọc tự nhiên. Kích cỡ và hình dáng (và thậm chí là màu sắc) của chúng cho thấy sự thích nghi với một điều kiện thích hợp. Chó làng không phải là sự pha trộn của những con thuần chủng được tạo ra bởi sự chọn lọc nhân tạo. Chó làng là loài vật tự phát triển, không có sự kiểm soát sinh sản bởi con người, và thích nghi được với môi trường sống phù hợp. Thông điệp ở đây là, những con chó trông giống những con chó khác này đã tiến hóa ở ngay trong điều kiện của chúng và được thích nghi với duy nhất điều kiện này. Chúng không phải là những con thú chạy trốn khỏi những người chủ vô trách nhiệm. Chúng là một loài tự nhiên sống gần gũi với con người, tự tìm kiếm thức ăn, và tìm người bạn đời hoàn hảo mà không cần sự kiểm soát của con người.

Đối với đa số động vật, chi phí lớn hơn lợi ích.

Nhiệm vụ của chúng tôi ở đây là chứng minh rằng chó là một loài động vật có vú tự thích nghi với môi trường sống của chúng. Chó là một khuôn mẫu đã tiến hóa trong một hốc sinh thái mới được tạo ra khi con người chuyển từ săn bắn và hái lượm sang trồng trọt. Những thứ bỏ đi từ hoạt động đó đã tạo ra nguồn thực phẩm hỗ trợ cho các chú chó. Vậy có những chú chó trước thời kỳ nông nghiệp không? Gần như là không, nhưng nếu có, chúng đã thích nghi với một điều kiện khác.

Khi một khuôn mẫu phát triển theo một khuôn mẫu khác, giả thuyết Darwin cho rằng hình dáng mới là sự thích nghi với điều kiện mới. Một điều kiện mới có nghĩa là một nguồn thức ăn, chỗ làm ổ và một nơi để nuôi nấng lũ chó con mới, nơi mà có thể chống chọi lại hiểm nguy.

Darwin nhấn mạnh rằng có nhiều động vật được sinh ra hơn là thức ăn dành cho chúng. Nói cách khác, với đa số động vật, chi phí cho hành vi (tìm mồi, đuổi theo, và giết chết con mồi) sẽ lớn hơn so với lợi ích của hành vi (năng lượng từ con mồi). Đối với đa số động vật, chi phí lớn hơn lợi ích, và vì thế nhiều con vật thiếu ăn và sẽ không thể sinh sản được – không có chó con. Darwin lý luận rằng một vài cá thể có hành vi khá hiệu quả (chúng thích ứng tốt hơn), lợi ích sẽ nhiều hơn chi phí. Những con vật đó sẽ tồn tại và sinh sản duy trì giống nòi.

Chúng ta hãy tóm lược lại lập luận này một lần nữa. Loài chó tiến hóa, có nghĩa là nó thay đổi hình dạng từ những gì trông giống như tổ tiên của chúng. Chúng ta đang giả định rằng điều đó xảy ra bởi hình dạng mới là một sự thích nghi với một điều kiện mới. Thích nghi với điều kiện mới có nghĩa là hình dạng mới có hiệu quả trong điều kiện mới hơn là hình dạng cũ.

Lang thang hay săn mồi không chỉ là chi phí. Thêm vào chi phí năng lượng để xây dựng cơ thể từ một tế bào trứng đến một cơ thể trưởng thành có khả năng sinh sản; đây được gọi là chi phí thiết kế. Cần bao nhiêu chi phí (năng lượng) để tạo nên một con chó? Chi phí tạo nên một con chó 100 pound sẽ nhiều hơn chi phí cho một con chó chỉ 30 pound.

Để suy nghĩ một cách đơn giản về điều đó, giả định rằng một con sói đòi hỏi 2.500 calo một ngày để phát triển. Nó cần ít năng lượng hơn ở giai đoạn đầu và nhiều năng lượng hơn vào cuối giai đoạn phát triển. Trung bình con sói cần 2.500 calo mỗi ngày cho đến năm 2 tuổi (365 ngày x 2 năm x 2.500 calo) = 1.825.000 calo. Cần tiêu tốn gần 2 triệu calo để một con sói con lớn lên đạt kích thước và hình dáng để có thể giết chết con tuần lộc đầu tiên (không tính chi phí cho bố mẹ).

Trái lại, một con chó đòi hỏi 1.000 calo mỗi ngày (ít hơn khi là chó con) với số ngày ít hơn  để trở thành một kẻ săn mồi hiệu quả hơn là một con sói con. Một con chó con có thể tự kiếm thức ăn sớm từ lúc 10 tuần tuổi. Ở bãi rác Mexico City, chẳng mấy chốc lũ chó con sẽ bắt đầu tìm kiếm thức ăn ngay sau khi chúng được cai sữa. Chúng ta hình dung 1.000 calo x 70 ngày = 70.000 calo. Con chó cần 3,5 phần trăm lượng calo một con sói cần để đạt đến điểm tự tìm kiếm thức ăn. Hãy nghĩ về điều đó. Nếu tôi thả một con sói 70 ngày tuổi vào giữa đàn tuần lộc, cơ hội sống sót của nó là bao nhiêu? Chỉ là không thôi. Nếu tôi thả một con chó con 7 ngày tuổi vào bãi rác Mexico City, cơ hội để nó tìm đủ thức ăn để sống sót là bao nhiêu? Không nhiều – nhưng vẫn hơn con sói con giữa bầy nhai lại cường tráng kia.

Sói con xuất hiện những hành vi giới tính vào năm tuổi thứ hai, tốn khoảng 2 triệu calo để đạt đến mức này. Chó thì có thể có thai vào tháng tuổi thứ bảy (sau khi tiêu tốn 210.000 calo) hay 10 phần trăm những gì loài sói cần cho lần đầu sinh sản. Về phương diện calo, chi phí cho việc đạt đến độ tuổi sinh sản của chó chỉ là một phần nhỏ của những gì con sói cần cho lứa con bé nhỏ đầu tiên.

Nói cách khác, để tạo nên một con chó tốn ít hơn so với việc tạo nên một con sói. Tại sao chúng ta so sánh về chi phí để tạo ra  một con chó với một con sói chứ không phải với những loài gần tương đương về kích cỡ với chó làng như sói đồng cỏ hay chó rừng? Những khác biệt lớn trong chi phí của loài sói so với loài chó thổi phồng sự tranh cãi để nhấn mạnh cách một nhà sinh thái học hành vi nghĩ về sự thích nghi của các loài vật với điều kiện sống của chúng.

Một con chó ở bãi rác mất ít chi phí hơn so với người anh em hoang dã của nó, những kẻ phải nỗ lực rất nhiều để có được thức ăn.

Nhưng thậm chí nếu dùng con sói đồng cỏ hay chó rừng 25 pound để minh họa cho quan điểm của mình, chúng tôi vẫn có thể tìm những con chó chịu ít chi phí hơn để so sánh về thời gian để chúng đạt đến tuổi săn mồi và sinh sản. Một phần là do hình dáng trưởng thành là hình dáng hoàn toàn phù hợp cho việc săn mồi, vì vậy những hình dáng không giống thế sẽ không tốt và sẽ bị loại bỏ, và bởi vậy những cá thể ở độ tuổi thiếu niên luôn gặp những bất lợi đơn giản vì chúng chưa có hình dáng phù hợp cho đến khi trưởng thành. Do đó, cấu tạo của sói đồng cỏ và chó rừng bao gồm sự hỗ trợ lượng calo từ bố mẹ, và thường cả từ anh chị ruột, điều này không đúng với loài chó.

Một chi phí năng lượng lớn khác cho bất kỳ loài nào là việc tìm kiếm thức ăn. Thực tế, hình dạng tiến hóa của bất kỳ loài nào luôn là một dấu hiệu về việc chúng ăn như thế nào và chúng ăn gì. Kích cỡ của động vật, hình dạng miệng của chúng, và hình dạng cũng như số lượng răng, tất cả đều là manh mối của việc chúng lấy thức ăn ra sao. Hãy cùng chúng tôi nhìn lại lý do 850 triệu con chó làng đều giống nhau bằng câu hỏi, “Chi phí cho những hành vi của chúng là gì so với lợi ích chúng đạt được trong việc đầu tư năng lượng?”

Đối với một con sói hay một con chó, chi phí cho việc vận chuyển thức ăn tính bằng lượng calo, cộng thêm chi phí để giành được thức ăn (chi phí giết chết con mồi ở sói) tính bằng lượng calo, và chi phí hồi phục sức khỏe tính bằng lượng calo, được chia vào lợi ích từ thức ăn tính bằng lượng calo, và kết quả phải lớn hơn một.

Chúng ta hãy so sánh hành vi tìm kiếm thức ăn giữa chó làng và những con chó rừng hoang dã. Mỗi ngày, lũ chó ngồi ở bãi rác Mexico City và chờ xe tải chở rác đến. Chi phí vận chuyển thức ăn tính bằng calo gần như bằng không. Chi phí để giành được thức ăn cũng là không. Bởi vì thức ăn đã chết khi đến nơi, chi phí giết chết con mồi là không, và bất kì chi phí phục hồi nào đều ở mức tối thiểu. Ví dụ trong câu chuyện về sói/tuần lộc của chúng tôi, chính xác là tuần lộc không muốn bị giết và bị ăn và bảo vệ bản thân, nhưng miếng thịt cừu bị xẻ bỏ đi ở bãi rác lại chẳng hề quan tâm.

Vậy còn những trở ngại trong trường hợp ở bãi rác thiếu hụt thức ăn trong một ngày? Gần như là không. Ở một nghiên cứu khác về chó tại Nam Phi được thực hiện bởi Daniel Stewart, chó chỉ ăn một lần mỗi một hoặc ba ngày. Và tất nhiên, điều đó đúng với cả loài sói, chúng no bụng trong ba ngày hoặc hơn.

Vậy còn sự thay đổi bất thường theo mùa? Cũng gần như là không. Hàng ngày mọi người tiếp cận với một lượng thức ăn tương đương. Họ tạo ra một lượng chất thải tương tự từ nguồn cũng cấp thực phẩm đó mỗi ngày. Điểm mấu chốt là những con chó tìm kiếm đồ ăn có thể tiếp cận với nguồn cung cấp thực phẩm ít biến động, hàng ngày trong hàng tháng trong hàng năm. Người thu gom rác có công việc toàn thời gian và làm việc ổn định mỗi tháng trong năm.

Một con chó ở bãi rác mất ít chi phí hơn so với người anh em hoang dã của nó, những kẻ phải nỗ lực rất nhiều để có được thức ăn. Khi so sánh chi phí với lợi ích, những con chó bãi rác vượt lên trước. Tích trữ calo đơn giản hơn nhiều đối với chúng.

Lý do loài chó trở thành thú cưng là do chúng có tập tính tìm kiếm thức ăn bẩm sinh là ngồi và đợi chờ thức ăn tới, đó chính xác là những gì thú cưng của chúng ta làm. Điều kiện sống của chúng là tìm thức ăn từ con người. Chúng giống như những con quạ và cáo tìm kiếm thức ăn từ sói hay con người. Vậy nguồn cung cấp thức ăn cho chó ở đâu? Hãy tìm con người, và chính ở nơi đó. Tại sao chó lại tử tế với con người? Họ chính là nguồn cung cấp thức ăn. Chó tìm thấy vài nguồn thức ăn đến mỗi ngày và chúng ngồi ở đó và chờ đợi.

Một câu hỏi chúng tôi cần phải đặt để tìm ra bất kỳ sự khác biệt trong việc tìm kiếm thức ăn giữa chó và sói là liệu những con sói có thể tìm thức ăn ở bãi rác Mexico City giống như những con chó hay không. Đột nhiên khi chúng tôi đặt câu hỏi theo cách đó, chúng tôi bắt đầu nhận ra cấu tạo của chó được thiết kế vô cùng phù hợp với điều kiện sống của chúng. Hãy nhớ chi phí thiết kế. Cần tới 1.000 calo mỗi ngày để duy trì một con chó, và tốn 2.500 calo cho mỗi con sói chỉ xoay quanh những hoạt động giống chó.

Còn những con chó rừng và sói đồng cỏ có kích cỡ như chó làng của chúng ta thì sao? Tại sao chúng không ở bãi rác, để giảm chi phí vận chuyển, giành thức ăn và cả chi phí hồi phục? Có một điều thật thú vị là, chó sói, sói đồng cỏ, chó dingo, và chó rừng thường xuyên tìm thức ăn ở bãi rác, nhưng chỉ khi bãi rác không có người.

Tưởng tượng xem nếu hai con chó thuần chủng St. Bernard, một đực một cái, lạc đến bãi rác Mexico City. Liệu chúng có sống hạnh phúc mãi về sau, nuôi thêm nhiều lứa chó St. Bernard vào mỗi sáu tháng? Tất nhiên là không. Ý tưởng về những giống chó phát triển giữa bãi rác đi ngược lại nguyên lý của sinh học. Những áp lực chọn lọc tương tự ảnh hưởng đến hình dáng và hành vi của chó làng có thể áp dụng cho cả những con thuần chủng, những kẻ sẽ phải cạnh tranh với những chú chó làng thích nghi tốt hơn về nguồn lực và không gian. Mặc dù những con chó St. Bernard có thể lai tạo gen của chúng cho quần thể chó lớn hơn, những thế hệ con cháu của chúng sẽ trông ít giống những con chó St. Bernard và trông giống chó làng nhiều hơn.

Điều này hướng đến câu hỏi ban đầu của chúng tôi: Chó là gì? Nó không thể là loại thuần chủng được chọn lọc nhân tạo bởi con người và tạo nên một phần nhỏ số lượng chó. Thay vào đó là số lượng chó làng đông đúc. Trên thực tế, chúng ta có lý do chính đáng để nghĩ chúng mới là thuần chủng thực thụ. Chúng không phải là những giống lai hay những chú chó đi lang thang trong một ngôi làng, nhưng chúng là một loài đã thích nghi tốt với những điều kiện sống của chúng theo thời gian.


  1. Khái niệm được đưa ra lần đầu vào năm 1917. Đến năm 1952, G. Evelyn Hutchinson đã đưa ra một khái niệm tiên tiến hơn và được chấp nhận rộng rãi: “Hốc sinh thái là một tập hợp các yếu tố sinh học và phi sinh học mà trong đó các loài có thể tồn tại và duy trì quy mô quần thể ổn định.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất